Tin tức xuất bản, điểm tin sách

Tái bản sách in trước 1975 của ‘quái kiệt’ Hoàng Xuân Việt

Cuốn sách nổi tiếng về tình thầy trò của nhà nghiên cứu Hoàng Xuân Việt – “Gương thầy trò” sẽ là món quà cho các nhà sư phạm, học sinh vào dịp 20/11.

Gương thầy trò in lần đầu vào thập niên 1970. Đây là một trong hàng trăm đầu sách Học làm người của nhà nghiên cứu nổi tiếng Hoàng Xuân Việt.

Trong sách, đạo thầy trò được tác giả soi chiếu qua cuộc đời, tình sư đệ của các danh nhân và môn đồ từ cổ đến kim, từ đông sang tây như triết gia Socrate, Platon, Aristote, đức Khổng Tử… Qua đó, ông đúc kết thành 7 định lý về phép ứng xử giữa thầy và trò gồm các mặt trí tuệ, ý chí, lương tâm, tình cảm, xử thế, luật tri ân và hành động.

tai-ban-sach-1975
Luật sư Hoàng Cao Sang (ở giữa) chia sẻ những kỷ niệm về thầy anh – học giả Hoàng Xuân Việt trong ngày giới thiệu sách. Ảnh: Bá Ngọc.

40 năm trôi qua, những nguyên tắc trên vẫn không lỗi thời. Thực tế cho thấy, nếu mối quan hệ thầy trò bị xem nhẹ, vật chất được đem ra cân, đo, đong, đếm thì hình ảnh người thầy không còn “đức cao vọng trọng”, trò cũng dần xa rời “con ngoan trò giỏi”.

Cuốn sách viết về tình thầy trò nhưng được phân tích, lập luận bởi nhà nghiên cứu uyên thâm nên không dễ đọc. Để hiểu và cảm nhận cuốn sách một cách trọn vẹn, người đọc cần thời gian để suy ngẫm và thực tế để chiêm nghiệm.

So với bản gốc in lần đầu năm 1973, Gương thầy trò được chỉnh sửa nội dung và bổ sung các hình ảnh minh họa để cuốn sách sinh động và gần gũi hơn với bạn đọc trẻ.

Gương thầy trò được minh họa đẹp hơn, biên tập dễ hiểu hơn so với bản in năm 1973. Ảnh: Bá Ngọc.
Gương thầy trò được minh họa đẹp hơn, biên tập dễ hiểu hơn so với bản in năm 1973. Ảnh: Bá Ngọc.

Ngoài sách Gương thầy trò, Huy Hoàng Book còn dự định phát hành nhiều cuốn khác trong tủ sách học làm người của học giả nổi tiếng như Thuật hùng biện, Rèn nhân cách, Người bản lĩnh, Sen giữa lầy..

Học giả Hoàng Xuân Việt sinh năm 1930 tại Bến Tre. Ông tốt nghiệp cao học tại hai trường Đại chủng viện Saint Joseph và Saint Sulpice. Ông còn theo học và nghiên cứu chuyên sâu những môn như triết học, thần học, xã hội học, phụ nữ học, thiên văn học và năng lực hạnh tâm…Ông sử dụng thành thạo 7 ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Hán Nôm, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và cổ ngữ La tinh.

Nhắc đến học giả Hoàng Xuân Việt, trong một giai thoại, học giả Đào Duy Anh đã từng nhận xét với sự nể trọng: “Anh ấy thua chúng mình gần 20 tuổi mà nghe số sách đồ sộ của Hoàng Xuân Việt thì tôi cho rằng đây là một ‘quái kiệt’ về sách”.

Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Một 14, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button