Tin tức xuất bản, điểm tin sách

Trần Tiến ra mắt sách trong mưa Sài Gòn tầm tã

Nét hóm hỉnh của nhạc sĩ níu chân khán giả ngồi trong cơn mưa Sài Gòn lớn nhất năm để nghe ông hát, trò chuyện, chiều 27/9 tại TP HCM.

Buổi giới thiệu cuốn Ngẫu hứng của Trần Tiến được tổ chức ở Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1. Sài Gòn đang vào đợt mưa lớn nhất năm. Trước buổi này, mưa trút xối xả khiến mọi người lo lắng cuộc giao lưu khó diễn ra. Dẫu vậy, khán giả có mặt ngày càng đông.

Khoảng 30 phút trước chương trình, mưa dứt hẳn. Trần Tiến xuất hiện để ký tặng độc giả. Trông ông không có vẻ gì của người ở độ tuổi 70 từng trải qua nhiều lần nhập viện cấp cứu gần đây vì sức khỏe yếu. Đội chiếc mũ cabbie (mũ mỏ vịt) quen thuộc, áo sơ mi khoác ngoài áo thun phong phanh, mắt hấp háy cười, tác giả Mặt trời bé con kiên nhẫn ngồi ký tặng, chụp ảnh cùng mọi người.

Nhạc sĩ Trần Tiến ra mắt cuốn "Ngẫu hứng" ở Đường sách TP HCM vào chiều 27/9. Ảnh: Trọng Quân.
Nhạc sĩ Trần Tiến ra mắt cuốn “Ngẫu hứng” ở Đường sách TP HCM vào chiều 27/9. Ảnh: Trọng Quân.

Bước vào buổi giao lưu, sau khi giải thích về cơ duyên ra sách, Trần Tiến quay xuống hàng ghế khán giả. Nửa thời lượng đầu, nhạc sĩ không nói nhiều. Ông tự nhận “không có gì để nói”. Thay vào đó, các bạn bè lên sân khấu chia sẻ về nhạc Trần Tiến và về ông. Đạo diễn Lê Hoàng bày tỏ nhiều cảm nhận về nhạc sĩ anh yêu quý. Trong mắt Lê Hoàng, Trần Tiến là chân dung tổng hòa của “võ sĩ giác đấu + nông dân + tài tử + thầy bói”. Tiếp đó, các ca sĩ Đồng Lan, rocker Phạm Anh Khoa, các sinh viên yêu nhạc Trần Tiến quây quần thể hiện nhiều bài như: Mẹ tôi, Mặt trời bé con, Sao em nỡ vội lấy chồng…

Những tưởng cuộc giao lưu sẽ khép lại với màn nhạc sĩ tiếp tục ký tặng sách. Nhưng một lần nữa, Sài Gòn lại đột ngột mưa tầm tã. Đường sách như bị nhấn chìm trong nước. Có lẽ nhờ cơn mưa to, Trần Tiến quay lên sân khấu để đáp lại tấm lòng của hơn 100 khán giả chen nhau ngồi dưới tấm dù chờ đợi ông.

Đạo diễn Lê Hoàng (trái) chia sẻ về tác giả ca khúc "Mặt trời bé con".
Đạo diễn Lê Hoàng (trái) chia sẻ về tác giả ca khúc “Mặt trời bé con”.

“Các bạn nghe thấy tôi nói gì không hay chỉ nghe tiếng mưa?”, Trần Tiến bước ra sân khấu, dáng dấp phong trần, ôm chiếc guitar và hỏi. Mọi người reo to: “Nghe, nghe”. “Tôi muốn hát tặng các bạn vì quá xúc động. Hôm nay trời mưa như thế này mà mọi người vẫn ngồi đây. Tôi không thích hát bài cũ, cũng không nhớ lời ca khúc của mình. Tôi hát bài mới trong chùm 45 chùm nhạc phẩm mang tên Ra ngõ với thế kỷ do tôi sáng tác khi về sống ở Vũng Tàu”, ông chia sẻ.

Cứ thế, tiếng mưa ồn ào nhường chỗ cho giọng hát mộc mạc của nhạc sĩ 70 tuổi. Ông ôm đàn, chân nhịp theo giai điệu bập bùng của chiếc guitar. Giữa các bài hát, ông trò chuyện về nhạc phẩm.

Ở Vũng Tàu, ông được gần gũi với nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà thơ Phan Vũ. Có lần, Phan Vũ sang chơi viết lên tường nhà Trần Tiến câu “Lẳng lơ giời ạ, lẳng lơ”. Chỉ một câu như thế, Trần Tiến sáng tác ra cả bài hát Lẳng lơ ơi, giai điệu thật ngọt ngào, lúng liếng. “Phan Vũ bảo sao tôi bịa giỏi thế”, Trần Tiến cười. Còn khi nhà thơ Hoàng Hưng sang chơi cũng viết lên tường nhà ông câu: “Hồn ta như cánh cửa, không sao yên khi gió đến chân trời”. Thế là Trần Tiến có bài Ra ngõ gặp mưa.

Ngẫu nhiên, Ra ngõ gặp mưa trở thành bài hát Trần Tiến tặng Sài Gòn đúng cơn mưa kỷ lục trong năm. Ở nhạc phẩm này, mưa chỉ là cớ để người nhạc sĩ bày tỏ tâm tư, nỗi niềm trăn trở về cuộc đời, thân phận con người. Khán giả dành cho ông tràng pháo tay vang dội. Tuy vậy, Trần Tiến cũng khéo mượn ca từ bài hát để kết lại buổi giao lưu khi thấy mưa ngớt hạt.

“Bài hát có câu ‘nước sẽ dâng lên sóng thần hủy diệt’, giờ mưa cũng tạnh rồi, tôi nghĩ mọi người nên về chứ nếu không sóng thần cuốn các bạn đi thì không về nhà gặp được vợ con”, ông đùa.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và vợ - nhà báo Hà Phương - dự buổi giao lưu sách của Trần Tiến.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và vợ – nhà báo Hà Phương – dự buổi giao lưu sách của Trần Tiến.

Nói về cuốn Ngẫu hứng (Nhà xuất bản Hội Nhà văn – First News ấn hành), Trần Tiến tâm sự ông chưa bao giờ có ý định viết văn hay ra sách. Ông biết mỗi nghệ sĩ có một sở trường nên không nghĩ sẽ lấn sân. Nhưng công việc này đến với Trần Tiến ngẫu hứng như cách ông sáng tác ca khúc.

Ông kể, trước đây, nhà văn Nguyễn Quang Lập từng nhận hợp đồng viết kịch bản 110 tập phim về chân dung ông. Nhưng nhà văn không biết nhiều về nhạc sĩ. “Lập bảo tôi mỗi ngày viết những bài kiểu như ‘lý lịch trích ngang’ để gửi cho Lập làm tư liệu. Cứ thế, tôi viết dần dần trong nhiều tháng. Rồi Quang Lập lấy bài viết của tôi đăng trên blog. Thế là nhiều người đọc và biết văn tôi. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi viết nghe ‘sột soạt’. Chắc tại tôi là nhạc sĩ nên văn cũng có nhạc”, ông cười khà khà làm khán giả bật cười theo.

Bìa sách "Ngẫu hứng" của Trần Tiến.
Bìa sách “Ngẫu hứng” của Trần Tiến.

Một trong những nét duyên cuốn hút ở Trần Tiến là tính hài hước pha chút ngông. Mở đầu sách, ông tếu táo: “Mình hay trêu đùa bạn bè: ‘Ai chưa đọc văn Trần Tiến, người ấy mới sống nửa đời người. Còn đã đọc xong rồi thì… chẳng còn gì để sống nữa’. He he”.

Cứ thế ông dẫn dắt người đọc đi vào những bài tản mạn, câu chuyện kể. Sách không phải là tự truyện mà là cảm xúc, kỷ niệm Trần Tiến đã trải nghiệm. Những tản mạn được viết theo một tư duy, văn phong thống nhất. Vì thế, dù Trần Tiến viết về bạn bè, về nghề hát, về tình cảm ông dành cho một nhân vật nào đó, độc giả vẫn có thể hình dung ra cuộc đời và chân dung ông.

Thoại Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button