Tình yêu

Tình Yêu Đích Thực , có hay không ?

Dù bạn chưa yêu hay đã yêu, bạn đang đơn độc hay lẻ loi, hay đang hạnh phúc bên cạnh người tình, chắc chắn ít nhất một lần bạn đã từng thắc mắc về thứ gọi là ‘ tình yêu ‘ !

Khi nhắc về tình yêu lứa đôi, một khung cảnh lãng mạn và giàu chất thơ mộng, sẽ không có đầy đủ lời văn nào có thể diễn tả hết vẻ đẹp của nó. Cái muôn màu muôn vẻ trong tình yêu hẳn bạn cũng đã từng nghe qua với muôn vàn khái niệm..

“Đôi dép vô tri khăng khít bước song hành
Chẳng thề nguyện mà không hề giả dối
Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội
Lối đi nào cũng có mặt cả đôi”

Hệt như khổ thơ của Nguyễn Trung Kiên, sẽ chẳng còn gì thú vị và ý nghĩa trên cõi đời này nếu thiếu đi tình yêu. Nó luôn là đề tài lắng đọng muôn thuở đối với tất cả mọi người, và tất nhiên, nó cũng là nỗi niềm và hoài niệm trong tôi.. Thậm chí có những khoảng thời gian nó hoàn toàn chi phối tôi !

Thật vậy..

Ở bất kì một nền văn hoá nào, bất kì quốc gia nào, tình yêu luôn đóng vai trò quan trọng. Sự khác biệt về ngôn ngữ, về văn hoá, về cách diễn đạt tình yêu có thể khác nhau, nhưng sự hiện diện của tình yêu đích thực là điều không phải bàn cãi.

Tôi đã ít nhiều nếm trải hương vị từ mọi cung bậc thăng hoa cảm xúc mà tình yêu mang lại, tôi vẫn luôn tồn đọng một cảm giác bồi hồi, dao động mỗi khi nhắc đến..

Một da diết !

Chỉ khi tôi tình cờ đọc được một bài viết về buổi chia sẻ của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh giao lưu cùng giới trẻ với chủ đề tình yêu, mọi thứ hỗn độn trong tôi được rành mạch phần nào.

Lời Thiền Sư muốn nói phát từ triết lý của Phật Giáo về nguyên tắc lựa chọn người yêu, lựa chọn người bạn đời, đó là ‘ có Hiểu mới có Thương, muốn Thương là phải Hiểu ‘ . Đạo Phật đã dạy như vậy, từ bi gắn liền với trí tuệ, và tình yêu phải xây dựng bằng sự hiểu biết.

Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu.

Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc.

Không hiểu, không thể thương yêu đích thực.

Bên trong mỗi người đều có những nỗi niềm, những tâm tư, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt. Không hiểu, sẽ làm người mình thương đau khổ suốt đời.

Được hiểu và được thương vốn là một nhu cầu muôn đời của con người. Nhiều người thường cảm thấy không ai hiểu mình, họ thiếu thốn tình thương, họ thiếu thốn hiểu thông. Họ thờ thẫn, lang thang trong cuộc đời tìm người hiểu mình, thương mình. Gặp được người hiểu mình, thương mình là may mắn lớn của cuộc đời. Tình yêu nảy nở và lớn lên từ đó..

Dù người ta có đẹp đẽ, có giàu đến đâu nhưng không hiểu mình sẽ làm mình khổ suốt đời.

Đó là nguyên tắc tìm người tri kỉ trong cuộc đời.

Khi tự đối chiếu với bản thân, xin thưa với các bạn rằng : tôi đã thất bại !

Vì trong tôi hãy còn hiện diện những hỗn loạn và rất nhiều hoài nghi. Một vài giả định luôn cấu xé trong tôi không ngớt : nếu cả hai đã hiểu nhau, tình yêu cả hai đã lớn mạnh, thì một tình yêu đúng nghĩa sẽ đến với tôi ?

Trong cùng buổi giao lưu, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh cũng chia sẻ về bản chất tình yêu nhìn từ góc độ Phật giáo. Phật dạy về tình yêu rất sâu sắc. Tình yêu phải hội tụ đủ bốn yếu tố: từ, bi, hỉ, xả.

‘ Từ ‘ là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu thương không phải là vấn đề hưởng thụ. Yêu thương là hiến tặng.

Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho người yêu, không phải tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau, không phải là yêu. Yêu thương ái đó thực sự, nghĩa là làm cho người đó hạnh phúc mỗi ngày.

‘ Bi ‘ là khả năng người ta lấy cái khổ, tháo gỡ cái khổ ra khỏi mình. Mình đã khổ, người ta làm cho thêm khổ, đó không thể là tình yêu đích thực.

Người yêu mình phải là người biết sẻ chia, biết xoa dịu, và làm vơi bớt nỗi khổ của mình trong cuộc đời. Còn gì cho nhau nếu chỉ có  khổ đau và tuyệt vọng.

Từ Bi là khả năng đem lại hạnh phúc cho nhau. Yêu thương ai là phải làm cho người ta bớt đau khổ. Nếu không, chỉ là đam mê, say đắm nhất thời.

Từ Bi trong tình yêu không phải tự dưng mà có, cần nhiều thời gian để lắng nghe, để thấu hiểu những nỗi khổ niềm đau của người yêu, tháo gỡ và giúp nhau vượt qua.

‘ Hỉ ‘ là niềm vui, tình yêu chân thật phải làm cho cả hai đều vui. Dấu ấn của tình yêu đích thực là niềm vui.

Càng yêu, càng có thêm niềm vui, như thế mới là nhân duyên.

‘ Xả ‘ là không phân biệt, không kỳ thị trong tình yêu.

Mình yêu ai, hạnh phúc của người ta là của mình. Khó khăn của người ta là của mình. Đau khổ của người ta là của mình. Không thể nói : Đấy là vấn đề của Anh, Anh ráng chịu. Đó là vấn đề của Em, Em tự lo.

Khi yêu, hai người không còn là hai thực thể riêng nữa, hạnh phúc, khổ đau không còn là vấn đề cá nhân. Tất cả những gì phải làm là dành cho nhau, vì nhau, quan tâm nhau, xem đó là vấn đề chung của hai người, chuyển hoá khổ đau và vun đắp lớn thêm hạnh phúc..

Tôi đã dành không ít thời gian đễ suy ngẫm và hình dung lại những thứ tình cảm trong tôi trước đây. Và sự thật, tôi đã không còn lưu luyến hay u buồn, ủ rũ..

Bởi tôi đã thất bại !

Và từ thất bại này, đã hoàn thiện niềm tin yêu của bản thân tôi. Nó đã thay đổi toàn bộ quan điểm trong tôi, khi luôn mực khẳng định rằng tình yêu của tôi thật tuyệt hảo.. Chính sự thay đổi này đã giúp tôi hoạch định được những mục tiêu thiết thực hơn, để lắp vào khoảng thời gian ‘ phí phạm ‘ mỗi khi nhìn lại và không chìm đắm vào nó !

Thêm nữa khi tôi tận dụng thời gian vào cộng đồng, cởi mở hơn, và chú trọng bản thân nhiều hơn, tôi có dịp đọc qua lời bình khổ thơ từ Thiền Sư Thích Nhật Từ – trích trong Triết Lý Hôn Nhân Gia Đình – Triết Lý Đôi Dép, tôi càng nhận thức rõ về mọi phương diện của tình yêu, còn có rất nhiều thứ tình yêu khác cũng không kém phần thiêng liêng và quan trọng, đó là tình yêu gia đình, tình bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu bản thân và tình yêu cộng đồng, tôn giáo, tình yêu Tổ Quốc vv . Triết lý ấy đã giải đáp và củng cố cho tôi rất nhiều thắc mắc và mâu thuẫn..

Giờ đây, tôi luôn cân bằng được thứ gọi là tình cảm khác giới – tình yêu đôi lứa, tuy chưa được trải nghiệm hương vị tình yêu đích thực thú vị hay hạnh phúc ra sao! nhưng tôi đã trưởng thành hơn trong việc kiểm soát cảm xúc bản thân, khi trao tình cảm đến một ai khác, trong tương lai.

“Cùng bước cùng mòn, không kẻ thấp người cao
Cùng chia sẻ sức đời người chà đạp
Dẫu vinh nhục không đi cùng kẻ khác
Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia”

Bằng nhìn nhận trực quan và triệt để !

Lúc này, tôi đã hài hoà được niềm tin trong tôi, hiểu rõ được tình yêu của tôi, may mắn hơn hết đã chiêm nghiệm được : Tôi chưa bao giờ hoàn hảo, tình yêu của tôi chưa bao giờ là tình yêu đích thực !

Bạn nghĩ về tình yêu của mình xem, có Từ Bi Hỉ Xả không ?

Bạn can đảm tự vấn mình rằng : người yêu của mình có thấu hiểu niềm vui, nổi đau của mình không ? Có quan tâm đến an vui hàng ngày của mình không ? Người ấy có sẻ chia, củng cố mình trên con đường sự nghiệp không ? Có sát cánh, đồng hành với mình mọi chặng đường không ? …

Và : Liệu bạn có đang thành thực với tình yêu của mình ? Liệu tình yêu của bạn đã đủ Từ Bi Hỉ Xả ?

Back to top button