List sách hay

5 cuốn sách không nên bỏ qua của các tác giả người Mỹ gốc Á

Cuộc sống của những người châu Á trên đất Mỹ chưa bao giờ là dễ dàng, đằng sau khao khát được hòa nhập với một xã hội mới là mong ước gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Bao điều không nói – Celeste Ng

Xem giá bán

Bao điều không nói xoay quanh cái chết của Lydia, đứa con thứ hai tài giỏi của một gia đình người Mỹ gốc Trung Quốc tại bang Ohio. Sau vài ngày báo mất tích, người ta phát hiện xác cô bé nằm dưới đáy hồ. Sự việc này làm đảo lộn cuộc sống trong gia đình Lee, buồn đau, phẫn nộ nhưng cũng vô cùng thất vọng. Cái chết của Lydia đã tiết lộ ước mơ, khao khát lớn nhất của những người xa quê ngụ cư trên đất Mỹ.

Xuất bản năm 2014, Bao điều không nói đã đánh bại tác phẩm Revival của Stephen King để giành được giải thưởng cuốn sách của năm do Amazon bình chọn. Được đánh giá là một tác phẩm xuất sắc từ nội dung đến câu từ, cuốn sách đã chạm đến lòng người bằng một chủ đề cảm động nhưng cũng nhức nhối và xót xa nhất – câu chuyện gia đình.

Celeste Ng sinh ra tại bang Pennsylvania, sau đó chuyển đến sống tại Ohio, Mỹ. Cha mẹ cô là người Hong Kong, sang định cư tại Mỹ vào những năm 1960. Cha cô là nhà vật lý làm việc tại NASA, còn mẹ cô là dạy hóa học tại trường đại học. Sau khi theo học Ngôn ngữ Anh tại trường Harvard, Ng tham gia nhiều khóa học viết, sáng tác truyện ngắn và giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, bao gồm cả giải Hopwood.

Sau tác phẩm này, cuốn sách thứ hai của Celeste Ng mang tên Little Fires Everywhere cũng liên quan đến vấn đề chủng tộc của người châu Á tại Mỹ sẽ được phát hành vào ngày 12/9/2017.

Người đua diều – Khaled Hosseini

Xem giá bán

Người đua diều kể là lời tự thuật của Amir về những năm tháng tuổi thơ tại Afghanistan, quãng thời gian khó khăn khi chuyển đến sống tại Mỹ và hành trình trở lại quê hương để chuộc lại lỗi lầm. Cuốn sách đi sâu vào các vấn đề phân biệt chủng tộc và bạo lực trên chính đất nước Afghanistan trong suốt hơn 30 năm.

Bên cạnh câu chuyện tình bạn đẹp đẽ nhưng đau xót giữa Amir và Hassan, người đọc còn học được nhiều điều từ người cha đáng kính Baba của Amir về nhân cách và đạo đức làm người. Từ một ông lớn giàu sang ở Afghanistan, cho đến khi là một kẻ tha hương tại bang California, làm đủ nghề để kiếm sống, Baba vẫn cho thấy hình ảnh một con người sống phi thường kể cả trước những khó khăn sóng gió của cuộc đời.

Kể từ khi xuất bản năm 2003, Người đua diều đã bán được hơn 7 triệu bản chỉ riêng tại Mỹ và được dịch ra 42 thứ tiếng tại hơn 38 nước trên thế giới. Đại sứ Afghanistan lúc bấy giờ tại Mỹ, Said Tayeb Jawad cũng đã nhiều lần giới thiệu cuốn sách và nói rằng Người đua diều sẽ giúp người Mỹ hiểu hơn về văn hóa và xã hội của Afghanistan.

Khaled Hosseini là nhà văn, bác sĩ người Mỹ gốc Afghanistan. Ông sinh ra tại Kabul, sau đó chuyển đến sống ở Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ khi còn trẻ và không quay trở lại quê hương cho đến năm 2003, năm xuất bản Người đua diều. Năm 1999, sau khi biết tin chính quyền đã cấm trò đua diều tại Afghanistan, Hosseini lúc bấy giờ vẫn là bác sĩ y khoa, đã nung nấu viết một tác phẩm để tưởng nhớ trò chơi mà ông đã gắn bó suốt thời ấu thơ.

Đến nay, Khaled Hosseini mới chỉ viết ba cuốn sách. Ngoài Người đua diều thì hai tác phẩm còn lại bao gồm Ngàn mặt trời rực rỡ xuất bản năm 2007 và cuốn sách mới nhất Và rồi núi vọng phát hành năm 2013.

Rong biển và pháp sư – Brenda Paik Sunoo

Xem giá bán

Rong biển và pháp sư là cuốn hồi ức và ghi chép của Brenda Paik Sunoo về cuộc đời của một gia đình người Mỹ gốc Triều Tiên thuộc thế hệ thứ ba tại thành phố Los Angeles sau khi người con trai thứ hai của bà đột ngột qua đời ở tuổi 16.

Vượt lên trên nỗi đau mất mát khôn nguôi, Brenda đã chia sẻ cho độc giả về cuộc đời niên thiếu của con trai Tommy, tình yêu bao la của người mẹ và hành trình một gia đình Triều Tiên bốn thế hệ sinh sống tại đất Mỹ. Cuốn sách cũng một phần nào cho thấy được những nét văn hóa đậm chất Á Đông được gìn giữ qua nhiều thế hệ ngay trên chính nước Mỹ phồn hoa.

Brenda Paik Sunoo là nhà văn, nhà báo tự do, từng là biên tập của tờ tạp chí Workforce. Trong những năm 1970, bà cùng chồng hoạt động mạnh mẽ về những vấn đề liên quan đến vấn đề quyền con người, đồng thời phản đối chiến tranh giữa Bắc và Nam Triều Tiên.

Sau cái chết của con trai vào năm 1994, bà tham gia vào một nhóm trợ giúp những bậc cha mẹ mất con. Brenda Paik Sunoo cũng chuyển đến sống tại Hà Nội trong khoảng thời gian 2002-2008 và thực hiện cuốn sách ảnh có tên Vietnam Moment ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp cũng như lời chia sẻ của Sunoo về đất nước và con người Việt Nam.

Phật ở tầng áp mái – Julie Otsuka

Xem giá bán

Phật ở tầng áp mái lấy bối cảnh trước Chiến tranh thế giới thứ 2, khi mà rộ lên trào lưu phụ nữ Nhật di cư vào Mỹ đi tìm miền đất hứa. Mang theo “giấc mơ Mỹ”, các cô gái đủ mọi thành phần từ trí thức đến nông dân, từ em bé ngây thơ đến phụ nữ quá lứa đã thất vọng ngay từ giây phút đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ.

Tấn bi kịch của những người phụ nữ Nhật bắt đầu từ đây, khi ngày ngày họ phải phục tùng mệnh lệnh của chồng, bị vắt kiệt sức lao động, và dần trở thành những cái bóng câm lặng và cam chịu.

Phật ở tầng áp mái là cuốn tiểu thuyết thứ hai của Julie Otsuka xuất bản lần đầu tiên tại Mỹ vào năm 2011. Cuốn sách đã được đề cử cho giải Sách văn học quốc gia Mỹ thể loại hư cấu và đã chiến thắng giải Langum Prize, PEN/Faulker và Prix Femina Étranger trong năm 2012.

Julie Otsuka sinh ra và lớn lên tại bang California, là con của hai kỹ sư công nghệ người Nhật Bản. Bà từng tốt nghiệp cả đại học Yale và Columbia chuyên ngành nghệ thuật. Tác phẩm đầu tay của Otsuka, When the Emperor was Divine đã được trao giải thưởng Văn học Châu Á ở Mỹ, giải thưởng Văn học Alex của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ và giải thưởng của quỹ học bổng Guggenheim.

The Namesake – Jhumpa Lahiri

The Namesake miêu tả lại những khó khăn mà một gia đình người Ấn Độ gặp phải khi nhập cư vào Mỹ và làm quen với tất cả những sự thay đổi mới lạ mà họ chưa từng trải nghiệm qua. Cuốn sách cũng là hành trình để người con trai Gogol có thể cân bằng cuộc sống văn hóa Mỹ đồng thời vẫn giữ được nét truyền thống Ấn Độ tại chính gia đình.

Qua nhiều lần thay đổi tên và danh tính, Gogol đã trở thành một kiến trúc sư nóng tính mỗi khi có người đề cập đến gốc gác Ấn Độ của cậu. Những xung đột trong gia đình ngày càng lớn, những bất hạnh liên tiếp đổ dồn lên cuộc sống của Gogol khiến cậu trở thành con người cô độc. Câu chuyện chỉ kết thúc khi cậu hiểu được ý nghĩa của cái tên mà cha mẹ đã chọn cho mình.

The Namesake là tiểu thuyết đầu tay của Jhumpa Lahiri, ban đầu được đăng dưới dạng truyện ngắn trên tờ The New Yorker, sau đó được phát triển thành tiểu thuyết và xuất bản năm 2003. Cuốn sách đã được dựng thành phim vào năm 2006 đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình điện ảnh.

Tác giả Jhumpa Lahiri được sinh ra tại Anh, là con gái của hai người Bengal Ấn Độ, sau đó chuyển đến sống và mang quốc tịch Mỹ. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, cô đã giành được nhiều giải thưởng, bao gồm giải Pulitzer cho tập truyện ngắn đầu tay Interpreter of Maladies năm 2000. Tác phẩm Lowland viết năm 2013 cũng nhận được đề cử cho hai giải Man Booker và giải Sách văn học quốc gia của Mỹ.

Thu Hoài

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button