List sách haySách khuyên đọc

10 quyển sách hồi ký phải đọc qua trong đời !

Nếu ai hỏi tôi làm thế nào để sống một cuộc đời đáng sống thì tôi sẽ trả lời rằng :”Hãy đọc sách !”. Sách là phương tiện, là ngôn ngữ, là toàn bộ tinh hoa , cảm xúc của một con người được kể qua những con chữ. Và hồi ký là một trong những thể loại sách đáng đọc nhất. Không nói về kinh doanh, không bàn về kỹ năng sống, chỉ đơn thuần là câu chuyện về một đời người được vẽ lại trên những trang giấy.  Có cảm giác nào thú vị, thi sĩ hơn là nhìn thấy cả cuộc đời của một người qua ngòi bút của họ không bạn nhỉ ? Khoan hãy bàn họ viết về điều gì mà hãy nghĩ nhẹ nhàng rằng , “đọc” cuộc đời của một con người sẽ cho bạn nhìn đời ở nhiều góc độ hơn, cảm và hiểu được nhiều triết lý mà từ đó xây dựng một cuộc đời đầy thú vị, đáng sống.

Và dưới đây là 10 quyển hồi ký tôi khuyên bạn nên đọc qua trong đời:

Trịnh Công Sơn – Tôi Là Ai, Là Ai

Xem giá bán

Trịnh Công Sơn – Tôi là ai, là ai gồm những bài viết của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn với nhiều thể loại, hồi ức, tản văn, tùy bút, truyện ngắn và thơ, phần lớn chưa công bố trong các tập sách đã xuất bản.

Là ai … gồm những bài viết dưới dạng kỷ niệm, hồi ức, cảm tưởng, nghiên cứu về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những ca khúc của ông, phần lớn đã được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng từ trước và sau ngày ông mất, của các tác giả là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhạc sĩ, họa sĩ, ở trong và ngoài nước.

Mỗi người dưới góc nhìn riêng đã bày tỏ tình cảm, suy tư và nhận thức của mình về cuộc đời và những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ cảm nhận được qua cuốn sách Trịnh Công Sơn, Tôi là ai, là ai … những thông tin và nhiều điều hữu ích về cuộc đời và sự nghiệp của người nhạc sĩ tài hoa mà chúng ta vô cùng yêu quí.

Nhật Ký Che Guevara

Xem giá bán

Nhật Ký Che Guevara không phải là câu chuyện về những hành động anh hùng phi thường, hay là những ghi chép của một kẻ nhiều chuyện. Đây là những trải nghiệm để khám phá cuộc sống và cảm xúc thật cùng những ý tưởng trong một cuộc hành trình phiêu lưu lãng tử, đầy vất vả, gian truân xuyên Châu Mỹ La tinh hơn chín tháng của Ernesto Che Guevara và người bạn thân Alberto Granado. Cuộc hành trình thú vị của hai con người trẻ tuổi rong ruổi bên nhau trên một chiếc xe gắn máy cũ cùng với những gì chứng kiến từ thực tế đã thổi bùng lên ngọn lửa ước mơ và khát khao của một con người muốn chinh phục và thay đổi thế giới xung quanh. Và con người đó đã dám sống và làm như vậy. Con người mà sau này khiến cả thế giới phải nể phục. Con người mà cái tên đã trở nên một huyền thoại – Che!

Đọc những dòng nhật ký chân thật của Che, chúng ta sẽ được sống lại, đi cùng với cuộc hành trình lý thú của Che, hiểu được tâm hồn lãng mạn, tình cảm và tính cách đặc biệt của Che, và hiểu được những gì mà chàng trai Ernesto cảm nhận được qua cuộc hành trình này đã góp phần lớn tạo nên con người Che sau này.

Che sinh ra và lớn lên tại Arhentine, tham gia cách mạng và chiến đấu ở Cuba và hy sinh ở Bolivia khi 39 tuổi. Che xuất thân từ một gia đình trung lưu thuộc dòng dõi những người thích dấn thân vào những chuyện phiêu lưu, mạo hiểm. Ngay từ thời thơ ấu, Che đã nghĩ mình thuộc về thế giới này và đất nước Argentina chỉ là nơi sinh ra anh chứ không phải là nơi trú ngụ của anh. Và tất cả những yếu tố đó là cội nguồn của một đứa bé mà số phận đã định trước để trở thành một anh hùng, một con người của mọi con người.

Hãy đọc và đi cùng Che trên chiếc xe gắn máy qua những miền đất lạ, hãy trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ, thú vị trong chàng trai Ernesto, trong Che – và trong chính bạn.

Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

Xem giá bán

Liệu có gì chung giữa viết văn và chạy bộ? Có, Haruki Murakami trả lời, giản dị, tự tin, bằng hành động viết và bằng cuộc sống của chính mình. Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng, tác giả Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển… bên cạnh khả năng viết xuất chúng còn là một người chạy bộ cừ khôi. Trong cuốn sách Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ nhỏ mà thú vị này, bằng giọng văn lôi cuốn, thoải mái nhưng đầy sức mạnh, Murakami kể về quá trình tham gia môn chạy bộ cùng những suy tưởng của ông về ý nghĩa của chạy bộ, và rộng hơn nữa, của vận động cơ thể – sự tuân theo một kỷ luật khắt khe về phương diện thể xác – đối với hoạt động chuyên môn của ông trong tư cách nhà văn. Những nghiền ngẫm của Murakami về sự tương đồng giữa chạy – hành vi thể chất – và viết văn – hành vi tinh thần – thực sự quý báu với những người đọc quan tâm đến văn chương và bản chất của văn chương, đặc biệt người viết trẻ.

Cuốn sách hay về chạy bộ này không đặt cứu cánh truyền đạt bí quyết làm sao để khỏe mạnh (dù nó hoàn toàn làm được điều đó), mà giúp những bạn đọc yêu mến Haruki Murakami giải đáp câu hỏi: vì sao tiểu thuyết gia này có một sức sáng tạo dồi dào như thế.

Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết

Xem giá bán

Hồi ký Hành Trình Qua Cánh Đồng Chết (nguyên tác: When broken glass floats – Growing up under the Khmer Rouge) của Chanrithy Him dẫn dắt chúng ta qua một miền ký ức tràn ngập đau thương, không chỉ của riêng tác giả (một bé gái, rồi một thiếu nữ), mà còn của cả một dân tộc, một đất nước hiền hòa, tươi đẹp đã bị ép chặt, bị nghiền nát dưới bánh xe lịch sử của chế độ Khơ-me Đỏ – một chế độ xã hội mà những ý tưởng man rợ của nó đưa một nền văn hóa với những đền tháp Ăng-ko tráng lệ vào guồng quay của sự hủy diệt. Ở đó, trong những trang trại lao động khổ sai, tất cả trẻ con và người lớn bị đày đọa bởi lao động quá sức, bởi đói khát, bệnh tật, để rồi chết vì kiệt quệ hoặc bị giết hại. Ở đó, tri thức, văn hóa, truyền thống, tình yêu, lòng tốt bị lên án, bị tìm diệt.

Quyển hồi ký làm sống lại những năm tháng kinh hoàng mà một bé gái đã trải qua bằng sự nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách chân thành, trong sáng, hồn nhiên của một đứa trẻ, nhưng được chiếu qua lăng kính tư duy của một người phụ nữ nhân hậu, giàu lòng trắc ẩn đã từng chịu nhiều mất mát, đau thương. Từng dòng ký ức tuôn trào với những hình ảnh miêu tả sắc sảo, sống động, những suy nghĩ hết sức chân phương nhưng sâu sắc đến không ngờ của một bé gái lôi cuốn người đọc từ trang đầu đến trang cuối.

Đọc, cảm nhận và chia sẻ cùng những người trở về từ cánh đồng chết để thấy yêu hơn cuộc sống thanh bình mà chúng ta đang có.

Tâm Hồn Lướt Sóng

Xem giá bán

Tâm Hồn Lướt Sóng là câu chuyện cảm động về nhà vô địch lướt sóng trẻ tuổi Bethany Hamilton. Bị mất đi cánh tay trái torng một lần cá mập tấn công khi đang lướt sóng trên biển lúc 13 tuổi, Bethany đã vượt lên mọi nghịch cảnh bằng đam mê tột cùng và sức mạnh mãnh liệt của niềm tin – từ tuyệt vọng đau khổ, cô đã trở lại biển cả và tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành một tay lướt ván cừ khôi, chuyên nghiệp.

Quyển sách là một nhật ký sống động ghi lại rất nhiều những sự kiện thăng trầm đầy nước mắt trong cuộc đời Bethany, từ khi còn là một tay lướt ván trẻ, về vụ tai nạn, về quá trình hồi phục sau đó, về những điều chỉnh thích nghi với cuộc sống và trở lại với việc lướt sóng.

Mặc Kệ Nó Làm Tới Đi

Xem giá bán

Bạn sẽ làm gì khi đứng trước những trở ngại và thách thức trong cuộc sống? Bạn sẽ làm gì khi phải đưa ra những quyết định khó khăn? Bạn giải quyết vấn đề tiền bạc ra sao? Hay nhận thức các vấn đề toàn cầu như thế nào? Bạn sẽ tìm được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này trong cuốn sách đầy thú vị Mặc kệ nó, cứ làm đi!.

Là một doanh nhân, một người có tư tưởng cấp tiến, ưa mạo hiểm, thích thử thách, Richard Branson sẽ mang đến cho chúng ta một cái nhìn mới mẻ về cuộc sống cũng như kinh doanh qua những trải nghiệm, những bài học ông học được lúc còn nhỏ từ cha mẹ mình, từ khi khởi nghiệp kinh doanh vào năm 16 tuổi với tờ tạp chí Student, cho đến nay khi đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng thế giới. Trong Mặc kệ nó, cứ làm đi!, bạn sẽ tìm thấy những bài học đơn giản và gần gũi, giải đáp các thắc mắc trong cuộc sống bằng những lời khuyên thiết thực. Với Branson, sống là không ngừng chuyển động, tạo ra và đối mặt với thách thức, liên tục sáng tạo, quan tâm đến các vấn đề toàn cầu, và nhất là, luôn làm những việc khiến bản thân cảm thấy vui vẻ.

Những điều giá trị mà bạn có thể tìm thấy trong cuốn sách:

· Cứ làm đi: Có mục tiêu, Luôn tin tưởng vào bản thân, Không ngừng cố gắng;

· Hãy vui vẻ: Làm việc chăm chỉ, Nắm bắt các cơ hội, Suy nghĩ tích cực;

· Hãy táo bạo: Tính toán rủi ro, Theo đuổi những mục tiêu và mơ ước, Không hối tiếc;

· Thách thức bản thân: Luôn vươn tới những mục tiêu cao hơn, Cố gắng thử sức những điều mới mẻ;

· Đứng trên đôi chân của chính mình: Dựa vào bản thân, Mơ ước thực tế;

· Sống trong hiện tại: Yêu cuộc sống và sống hết mình, Tận hưởng hiện tại;

· Trân trọng gia đình và bạn bè: Đặt gia đình và bạn bè lên hàng đầu, Lựa chọn đúng người và trọng thưởng nhân tài;

· Tôn trọng mọi người: Lịch sự và tôn trọng người khác, Làm những việc đúng đắn, Giữ gìn tên tuổi, Công bằng trong mọi mối quan hệ;

· Hãy đổi mới: Suy nghĩ sáng tạo, Phá vỡ các quy tắc thông thường;

· Suy nghĩ trẻ trung: Thách thức những điều lớn lao, Bình tĩnh trước mọi thử thách, Luôn là một người bình thường.

Tôi Là Zlatan Ibrahimovic

Xem giá bán

“Trở lại Malmö bao giờ cũng mang đến một cảm giác đặc biệt. Malmö từng là mái ấm của tôi, đấy là nơi những ký ức luôn tìm được đường về… Mọi người xếp hàng, bất chấp trời mưa, với hy vọng có được tấm vé. Trong cuốn sách này, cũng như trong nhiều năm đã qua, tôi luôn nói những điều rác rưởi về Malmö. Tôi không thể quên những gì Hasse Borg và Bengt Madsen đã làm với mình, nhưng tôi yêu câu lạc bộ này và mãi không thể quên những bước chập chững đầu tiên cùng nó.

Bây giờ, Malmö lại lần nữa chào đón bước chân tôi. Mọi người nhảy nhót và la hét khi thấy tôi, có người đã chờ nhiều tiếng đồng hồ chỉ để thấy tôi. Tôi đã bước chân đến nhiều nơi, nhiều sân vận động có các cổ động viên gào thét tên mình, nhưng cảm giác chưa bao giờ đặc biệt như lần trở lại Malmö này.

…Tôi chợt nghĩ: giấc mơ là đây, là hiện thực này. Và đây là Rosengård, nơi tôi đã khởi đầu cho tất cả. Đường hầm phía trước, từ xa tôi nghe tiếng một chiếc xe lửa chuẩn bị vượt qua, ai đó đang chỉ vào tôi. Một người phụ nữ. Cô ấy muốn chụp chung một tấm hình. Rồi mọi người dần kéo đến đông hơn, vây quanh lấy tôi.

Đấy là câu chuyện thần tiên của tôi, và tôi là Zlatan Ibrahimović!”

Cuốn sách của Zlatan sẽ là một cuốn sách kinh điển của Thụy Điển trong tương lai. Cuốn sách sẽ làm thay đổi Thụy Điển. Nó quá xuất sắc. Một bức tranh kinh điển về tuổi thơ. Lasse Anrell, Aftonbladet

Đây là một cuốn sách mô tả hay nhất về tầng lớp lao động Thụy Điển từ góc nhìn của những người ngoại ô. Gunnar Bolin, Kulturnytt

Tâm Thành Lộc Đời

Xem giá bán

Tâm Thành Lộc Đời :

“Như con tằm rút ruột nhả tơ”, NSƯT Thành Lộc đã dành cả đời mình để mang trọn vẹn xúc cảm cho khán giả. Mỗi đêm diễn, khi tấm rèm nhung mở ra, anh sống trọn một cuộc đời khác: cuộc đời của nhân vật. Khán giả khóc cười theo nhân vật, theo anh. Xưa, có những người đóng vai Quan Công, trước đó phải nằm đất ăn chay, thậm chí không được gần vợ để hoàn toàn tin mình là Quan Thánh Đế. Vậy chuyện gì đã xảy ra với NSƯT Thành Lộc trong suốt 45 năm qua? Cái con người đã gần 600 lần xắn xương máu và linh hồn của mình chia đều cho 600 vai diễn?

45 năm qua, thử coi, anh đã chết bao nhiêu lần trên sân khấu. Anh đã cưới bao nhiêu cô, đã bị thất tình, phản bội. Đêm anh làm vua, đêm khác làm giặc. Bữa anh làm lão, bữa khác anh làm đứa trẻ tung tăng…Có lúc anh là Ignacio nổi loạn trong vở kịch Trong Hào Quang Bóng Tối chống lại cái ác, cái xấu và nhận lãnh kết cục bị thủ tiêu. Rồi có khi anh lại là một Tạ Thanh mưu mô trong Bí mật Vườn Lệ Chi đẩy Nguyễn Trãi vào cái án oan phải tru di tam tộc. Có đêm anh trong vai một cô gái bán thân chuyên trị những kẻ đạo đức giả mạo với bề ngoài lịch lãm trong Hợp đồng mãnh thú. Cả một xã hội đảo điên, điên đảo… Rồi đêm khác anh lại là một Lý Thường Kiệt không phải trong vai một anh hùng mà ở khía cạnh rất đời thường trong Ngàn năm tình sử của nhà văn Nguyễn Quang Lập.

Trong hàng ngàn đêm diễn trong cuộc đời mình, mỗi đêm, nhìn xuống hàng ghế khán giả, chỉ mong tìm được một ánh mắt có cùng tần số cảm xúc là anh hạnh phúc lắm rồi. Một khán giả, là một nhà sư bên Pháp về, xem vở Bí mật vườn Lệ Chi mà Thành Lộc dồn tất cả nỗi đau của mình vào Dàn Đồng Ca ở cuối vở. Dàn Đồng Ca trong một đống vải lùng nhùng như hồn của đất, hồn của nhân loại cố làm như không biết, không thấy, không nghe… Nhà sư đã tâm sự: “Tôi đã nhìn ra Dàn Đồng Ca đó tuy là chứng nhân lịch sử, nhưng không thể nói ra những sự thật kinh hoàng mà mình từng chứng kiến”. Vâng. Chỉ cần nhiêu đó thôi, khi khán giả nhìn ra những trăn trở mình gửi gắm qua từng vai diễn, với Thành Lộc hạnh phúc đã đủ đầy.

Cộng đi trừ lại, anh còn được gì sau ngần ấy phân thân? Anh bảo: “Khi sáng tạo một vai diễn, dựng một vở, tôi luôn làm như đang làm một cái gì đó cho người mình yêu”. Phải. Chỉ khi làm cho người mình yêu (dù là tưởng tượng) thì Thành Lộc mới có thể thổi cho những con chữ im lìm trong kịch bản sự sống, rót xương máu và linh hồn của mình vào những cái vỏ vô hình ấy.

“Bạn nên biết là Thành Lộc cũng thích ăn nói tục tằn, thích được chửi thề để xả phần nào những áp lực công việc không chia được với ai, cũng mê những việc rất Con Người, cũng thích yêu đương, dù lăng nhăng hay nghiêm chỉnh, thích hưởng thụ sân si”… Thành Lộc sau khi trải hết lòng mình, đã mong bạn đọc hãy hiều anh cũng rất Con Người như thế.

“Đến với đời này với Tâm Thành, mang tài năng của mình đến với khán giả như để tặng Lộc cho đời. Rồi có được đời nhớ hay bị người phũ phàng quên, thì cũng là hên xui của số mệnh”. Người đời sẽ không dễ dàng lãng quên đã từng có một Thành Lộc tài năng mà họ vô cùng yêu mến. Khán giả sẽ kể với con cháu họ, bắt đầu bằng: “Ngày xửa, ngày xưa, trên sân khấu thoại kịch ở Sài Gòn, có một Thành Lộc…”.

Là người hiểu Thành Lộc hơn ai hết, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc đã giúp anh phơi bày những tâm tư, trăn trở và cả những góc khuất của cuộc đời trong cuốn tự truyện này. Nhiều lời đề nghị anh viết hồi ký nhưng anh đều từ chối, như anh đã “thú nhận”:

“Đã có rải rác vài lời đề nghị tôi viết hồi ký hoặc ngồi kể cho người ta ghi lại từ nhiều năm trước nhưng tôi đã từ chối bai bải… vì thấy mình chưa đủ độ dầy và độ… sạch sẽ để cho người ta đọc về mình, phần cũng lười lắm nên thôi…

Bây giờ nghe nói chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, bà bạn thân của mình chấp bút thì đúng như là cái điều kiện ắt có và đủ để cho cái phản ứng hóa học nó hình thành đúng thời điểm, gọi là thiên thời địa lợi nhân hòa đã có đủ, hai chị em lần nữa lại dính duyên như cứ phải làm kịch của chị ấy… suốt đời vậy!

Chị Ngọc viết vài lần cho đọc nhưng không ưng, vì nó không phải giọng điệu của mình. Tới lần nầy thì thấy lạ lắm! Người nghe kể chuyện có khi sẽ bị lẫn lộn về thời gian, không gian, nhưng đó đúng là cách viết lại của một người nhớ đến đâu thì kể đến đó, như những thước phim đời ghép lại từ những ký ức lúc nhớ lúc quên, không tuân thủ theo những qui luật tự nhiên của một cuốn hồi ký cổ điển, quen thuộc. Bà chị Ngọc đã chọn đúng cái lối dụng văn của thằng em, thằng bạn nầy khi kể, nó rất ngẫu hứng và… ngang bướng, lúc lương thiện, lúc lại ranh ma và có chút vị ươn ươn của mùi máu điên chạy rần rần trong thằng nghệ sĩ. Chắc tại chơi thân quá nên chị hiểu chứ không là chị, tôi không biết nhờ ai ! Cảm ơn chị !”

Tôi Đi Học

Xem giá bán

Từ cậu bé tật nguyền đôi tay, được gia đình, bạn bè, thầy cô hết lòng yêu thương chăm sóc, Ký đã dùng đôi chân viết nên cuộc đời mình như một huyền thoại. Ký đã học tốt từ tiểu học đến đại học. Từng đoạt giải học sinh giỏi toán miền Bắc, hai lần được chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu. 35 năm hết mình với sự nghiệp trồng người, Ký đã trở thành Nhà giáo Ưu tú, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Năm 2005 anh về hưu, vừa tiếp tục sáng tác văn học – chủ yếu cho thiếu nhi – vừa làm tư vấn Tâm lý Giáo dục qua tổng đài 1088 TP. Hồ Chí Minh.

Gần 40 năm qua, Tôi Đi Học của Ký được tái bản nhiều lần và luôn được nhiều thế hệ học sinh coi là sách gối đầu giường. Những câu chuyện trong sáng, chân tình trong mỗi trang sách sẽ mãi ngọn lửa thắp sáng cho tâm hồn bao thế hệ.

Trần Văn Khê – Tâm Và Nghiệp

Xem giá bán

Thời gian như đưa thoi, nhanh hơn cả một mũi tên. Mới đó mà đã một năm ngày GSTS Trần Văn Khê – một con người đặc biệt, một bậc thầy lớn, một học giả và hành giả chân chính – rời bỏ cõi đời này. Sáng nay, như thường lệ, tôi ngồi thiền. Rồi sau ra ngồi vào bàn làm việc. Tự nhiên giơ tay với lên giá sách, nhặt được mấy vần thơ của chị Bùi Kim Anh:

“Tìm lặng yên giữa chốn thiền

Lòng thơ nhẹ bớt ưu phiền được chăng

Tìm nơi đây sự vĩnh hằng

Tối nghe đủng đỉnh mảnh trăng thượng tuần

Lâng lâng trong tiếng chuông ngân

Lời kinh nhẹ tiếng bước chân thoảng về…

Có mây gió lạc khoảng trời

Nghe không tiếng gọi chơi vơi ơ kìa”.

Tiếng thơ như tiếng lòng tôi. Bài thơ tôi tình cờ nhặt được như viết riêng cho tôi trong nỗi nhớ về GS Trần Văn Khê. Tôi đứng dậy vào phòng Phật tụng một thời kinh, gửi tâm, trải lòng với Phật và như tâm sự với vị Giáo sư đáng kính và lỗi lạc của tất cả chúng ta. Hình như bước chân của Giáo sư vẫn đâu đây quanh tôi. Hình như bàn tay của Giáo sư vẫn như đang nắm chặt tay tôi như những ngày nào, tháng nào, năm nào. Tôi may mắn biết đến GS Trần Văn Khê từ lâu và đã học được rất nhiều từ Giáo sư. Học từ phong cách sống đến tinh thần phụng sự, từ cách nghiên cứu đến khả năng ngoại giao, từ nụ cười thân thiện đến sự nhiệt tình, từ sự học sự đọc đến cách giảng bài hay, cách nói chuyện hóm hỉnh,…

Giáo sư Trần Văn Khê không dạy trực tiếp tôi, chẳng là thầy giáo trên giảng đường của bạn và của nhiều người, nhưng tôi và biết bao quý vị vẫn gọi giáo sư là Thầy. Thầy ở đây là vốn kiến thức và trí tuệ của thầy mà chúng ta học qua những trang viết, qua những bài nói chuyện. Chữ “Thầy” ở đây là cái tâm của Giáo sư. Chữ “Thầy” là cả một sự nghiệp vinh quang và cao cả.

GS Trần Văn Khê nổi tiếng ở Pháp và phương Tây hơn là ở Việt Nam. Cho đến khi GS chuyển về sống ở Sài Gòn, dân ta mới biết về Thầy nhiều hơn. Từ đó chúng ta có cơ hội tiếp xúc và học được nhiều điều. Dân ta được hưởng lợi nhiều lắm. Tôi là một trong số đó. Tôi may mắn có hai người bạn lớn, một sống ở Huế, một ở Sài Gòn, một nam và một nữ. Hai người bạn thân thiết này không ai khác chính là anh Nguyễn Đắc Xuân và chị Thế Thanh. Chúng tôi không gặp nhau nhiều nhưng rất yêu quý nhau và thường xuyên hợp tác và trao đổi với nhau. Tôi được hai người bạn lớn này tư vấn rất nhiều thứ.

Chúng tôi đã cố gắng hết sức có thể để xuất bản sách trong một thời gian ngắn. Đây là công sức của cả một tập thể mà công lớn nhất thuộc về anh Nguyễn Đắc Xuân và chị Thế Thanh. Công lớn của cuốn sách này thuộc về các tác giả, từng tác giả. Tôi đã đọc rất kỹ các bài viết và nhận thấy giá trị to lớn của những câu, những chữ, những tấm lòng. Hình như mỗi tác giả mở tâm ra, trải lòng ra để hòa vào “tâm và nghiệp” của GS Trần Văn Khê.”

Vnwriter

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Năm 4, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Tám 20, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button