List sách hay

Những cuốn sách ý nghĩa của các tác giả mắc bạo bệnh, khuyết tật

Vượt qua sự yếu ớt, khiếm khuyết thể chất, thầy Nguyễn Ngọc Ký, dịch giả Bích Lan, cây bút Lê Hữu Nam, nhà văn Kim Hòa… gửi đến bạn đọc các tác phẩm chứa đựng giá trị sống.

Nguyễn Ngọc Ký – người dùng chân viết nên số phận

Xem giá bán

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại Nam Định. Từ năm bốn tuổi ông bị liệt cả hai tay. Bảy tuổi, ông vượt qua nỗi đau bệnh tật để được đến trường học với cách viết bằng hai chân. Hơn 60 năm qua cái tên Nguyễn Ngọc Ký in dấu trong lòng bao thế hệ thanh thiếu niên về tấm gương giàu nghị lực.

Ngoài công việc giảng dạy, giao lưu với các bạn trẻ về kinh nghiệm, kỹ năng sống, thầy Nguyễn Ngọc Ký là tác giả của vài đầu sách nổi tiếng như: hồi ký Tôi đi học (viết năm 1970, tên ban đầu là Những năm tháng không quên), hay Tôi học đại học.

Cuốn hồi ký Tôi đi học được Nguyễn Ngọc Ký kiên trì dùng chân viết trong bốn năm. Tác phẩm được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt đúng vào dịp ông tốt nghiệp đại học năm 1970. Đến nay, quyển sách được tái bản, tiếp tục kể về câu chuyện “cổ tích” của một người không đầu hàng số phận để chia sẻ niềm tin yêu và tri thức trong cuộc sống đến mọi người.

Năm 2013, Nguyễn Ngọc Ký ra mắt ấn phẩm Tôi học đại học. Thầy Ký hoàn thành cuốn sách này trong thời gian phải từng ngày chống chọi với cơn đau của bệnh thận.

..

Nguyễn Bích Lan – Nữ dịch giả tự học

Xem giá bán

Nguyễn Bích Lan sinh năm 1976 tại Thái Bình. Chị từng có khoảng thời gian ngắn được là cô bé xinh xắn, khỏe mạnh vui tươi cho đến số phận nghiệt ngã ập đến, khiến cuộc đời chị thay đổi hoàn toàn. Năm 13 tuổi, căn bệnh nan y loạn dưỡng cơ khiến chị phải bỏ dở việc học hành khi đang là học sinh lớp tám trường làng.

Căn bệnh loạn dưỡng cơ cư ngụ lâu năm trong cơ thể Bích Lan còn gây biến chứng sang bệnh tim, khiến nhiều lúc chị phải nằm liệt giường, cơ thể gầy gò, yếu ớt. Thế nhưng, Bích Lan chống chọi với sức khỏe để tìm đến sách vở, tìm niềm vui và hạnh phúc khi tự học tiếng Anh. Hầu hết thời gian chị hoạt động trong bốn bức tường nhà nhưng nhờ máy tính, sách báo và khát khao học tập, Bích Lan ngày càng mở rộng tâm hồn, trí tuệ. Chị còn nỗ lực truyền dạy lại kiến thức góp nhặt được cho nhiều lứa học trò ở các lớp học tại gia.

Đến nay, Nguyễn Bích Lan là dịch giả của gần 30 đầu sách tiếng Anh. Cuốn sách tự truyện Không gục ngã phát hành năm 2013, kể lại hành trình chiến thắng nghịch cảnh từ khi chị là cô gái trẻ đến lúc tìm được ý nghĩa cuộc sống. Dịch giả cũng làm thơ, viết văn. Tập truyện ngắn và thơ mang tên Sống trong chờ đợi phát hành năm 2011 là món quà văn chương chị dành cho các độc giả luôn dõi theo hành trình của mình.

Lê Hữu Nam – Chàng trai bệnh tim đam mê viết lách

Xem giá bán

Tác giả Lê Hữu Nam sinh năm 1986 tại Đà Lạt. Căn bệnh tim bẩm sinh khiến cơ thể chàng trai gần 30 tuổi gầy guộc, bé nhỏ như một cậu bé. Hữu Nam từng phẫu thuật tim năm sáu tuổi nhưng đó chỉ là ca phẫu thuật tạm thời. Anh chưa thể tiếp tục hành trình phẫu thuật vì tim không vách ngăn tâm thất là dạng bệnh phức tạp.

Rời quê nhà vào TP HCM lập nghiệp, Lê Hữu Nam làm báo, viết văn. Đến nay, anh là tác giả của ba đầu sách được bạn đọc yêu thích. Cuốn truyện mới nhất mang tên Mật ngữ rừng xanh kể lại hành trình của nhóm bạn trẻ nỗ lực bảo vệ một khu rừng thoát khỏi tay những kẻ phá hoại. Trong giai đoạn viết cuốn sách, tác giả từng ba lần nhập viện cấp cứu. Mỗi khi sức khỏe hồi phục, anh lại ngồi vào máy tính, tỉ mẩn gõ chữ với sự say mê và niềm tin.

Lê Hữu Nam từng phát hành hai cuốn sách: Hành trình trở về (2013) và Con đến như một phép màu (2014). Với lối viết cảm xúc, chân thật, các cuốn sách của Hữu Nam không chỉ được đồng nghiệp trân trọng mà còn được khán giả tìm đọc.

Vũ Ngọc Anh – chàng trai 150 lần bị gãy xương viết tự truyện

Xem giá bán

Vũ Ngọc Anh sinh năm 1987 ở Hải Phòng. Căn bệnh xương thủy tinh quái ác khiến tay chân anh biến dạng và cuộc sống phụ thuộc vào chiếc xe lăn. Bất chấp những đau đớn của thể xác và khó khăn, bất tiện trong cuộc sống, Vũ Ngọc Anh vẫn miệt mài học tập.

Thi đỗ đại học, nhưng vì không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ, chàng trai quyết định nghỉ học. 18 tuổi, anh rời nhà để lên Hà Nội, lăn lộn đủ nghề kiếm sống và thực hiện hành trình xuyên Việt để dung nạp cho mình những trải nghiệm thực tế. Không chỉ tự nuôi sống bản thân, Vũ Ngọc Anh còn tham gia hoạt động thiện nguyện. Năm 2014, anh ra mắt tự truyện Không thể vỡ, truyền niềm cảm hứng, niềm lạc quan sống và cống hiến bất chấp hoàn cảnh của những người khuyết tật.

Trần Trà My – “Đóa xương rồng” nở trên cát

Xem giá bán

Cây bút Trần Trà My sinh năm 1986 tại Quảng Trị. Từ biến chứng của cơn sốt ngày bé, Trà My bị liệt hai chân, đôi tay yếu và khó phát âm khi nói. Số phận trớ trêu và tuổi thơ bất hạnh không ngăn được tình yêu viết lách, văn chương ở cô gái trẻ. Năm 16 tuổi, Trà My đến với văn chương và tìm được cho mình niềm đam mê sáng tạo với chữ nghĩa.

Với bàn tay rất yếu, hầu như chỉ có thể dùng một, hai ngón để gõ bàn phím, Trần Trà My vẫn làm việc, sáng tác. Chị có các tập truyện ngắn đã phát hành như: Giấc mơ đôi chân thiên thần (20 truyện ngắn), Chúng ta chính là mùa xuân (39 bài tản văn), Yêu trên từng ngón tay (11 truyện ngắn)…

Trang viết của Trà My gần gũi với độc giả, nhất là người trẻ, bởi luôn chứa đựng niềm tin vào tình yêu đời, yêu người, ước mơ và những hoài bão.

Nguyễn Thị Kim Hòa: “Viết là để sống nhiều trong một kiếp người”

Xem giá bán

Nguyễn Thị Kim Hòa sinh năm 1984 tại Ninh Thuận. Cô có các cuốn sách đã phát hành như: Tay chị tay em, Nho đắng, Cơn lũ vẫn chưa qua. Cô cũng là tác giả đạt giải nhất Cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội 2013-2014 với ba tác phẩm Đỉnh khói, Hương thôn dã, Thôi mùa cỏ cháy.

Độc giả mến phục tác giả khi biết những tác phẩm văn chương của cô ra đời khi cô chỉ có thể nằm để viết bằng nửa tay trái. Từ năm hai tuổi, sau một trận sốt cao, Kim Hòa bị bại liệt. Dù được gia đình chạy chữa, di chứng của căn bệnh vẫn khiến cho tay phải cô bị liệt hoàn toàn, tay trái co rút không hoạt động bình thường.

Kim Hòa tìm đến với văn chương như liều thuốc tinh thần giúp cô vượt những ngày tháng bệnh tật. Với cô, văn chương là hành trình nhiều chông gai, thử thách nhưng chứa đựng những niềm vui bất tận. Trên con đường đó, cô không chỉ sống một cuộc đời mà còn được trải lòng với nhiều bối cảnh, không gian, thời gian, thân phận. Chưa bao giờ ngừng tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, nhà văn không bỏ lỡ những cơ hội quan sát, trải nghiệm các mảnh đời, sự việc xung quanh để đưa vào trang viết.

Nguyễn Hồng Công – “Khát vọng sống để yêu”

Nguyễn Hồng Công sinh năm 1978 tại Lạng Giang, Bắc Giang và qua đời năm 2009. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Hồng Công phải chống chọi với căn bệnh viêm cầu thận và hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể cô đều hư hỏng, đau đớn.

Bất chấp quãng đường sống “chung thân” với bông gòn, kim tiêm và những lần chạy thận nhân tạo định kỳ, Nguyễn Hồng Công luôn cố gắng lạc quan với nụ cười trên môi.

Năm 2007, tự truyện Khát vọng sống để yêu của cô ra mắt. Cuốn sách kể lại những vui buồn của cô gái trẻ bị số phận thử thách. Trong đó, cô giãi bày khát vọng được sống để yêu, để tri ân những tấm lòng đã đến và chia sẻ với mình.

Năm 2009, khoảng ba tháng trước khi qua đời, Nguyễn Hồng Công ra mắt tập sách mang tên Ở trọ trần gian. Ấn phẩm gồm nhiều bài thơ, tản văn, ghi chép lại những trải lòng cảm xúc, ưu tư của tác giả về cuộc sống và con người xung quanh cô.

Châu Mỹ

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 30, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Chín 7, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button