List sách hay

Những điều có thể rút ra từ cuốn ‘Từ tốt đến vĩ đại’ (Good to Great) của Jim Collins

Jim Collins là một nhà tư vấn kinh doanh lỗi lạc người Mỹ. Cùng với các đồng nghiệp của mình, ông đã thực hiện thành công một đề tài nghiên cứu trong suốt 6 năm trời để viết nên cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” (Built to last) nói về các yếu tố nòng cốt cấu thành nên một doanh nghiệp đã đánh bại thời gian để trở thành một biểu tượng của sự thành công và phát triển trong suốt hàng chục thậm chí hàng trăm năm liền.

Cuốn sách “Xây dựng để trường tồn” đã dần trở thành nên như một cuốn ‘kinh thánh’ đối với các doanh nhân trong suốt thập niên 90 của thế kỷ trước. Dẫu thành công là vậy nhưng Jim Collins vẫn đau đáu với một câu hỏi chưa được trả lời rốt ráo bởi cuốn sách cũ của mình. “Xây dựng để trường tồn” chỉ ra được lý do vì sao một doanh nghiệp vĩ đại có thể thành công lâu dài hơn, nhưng làm thế nào để một doanh nghiệp tầm thường thậm chí là kém cỏi có thể đạt được bước nhảy để trở thành một doanh nghiệp vĩ đại?

Để trả lời câu hỏi đó, Jim Collins cùng các cộng sự lại tiếp tục bắt đầu một nghiên cứu mới kéo dài 5 năm. Họ đã cẩn thận chọn ra 11 công ty đạt mức tăng trưởng hơn mức trung bình của thị trường ít nhất 3 lần trong khoảng 15 năm và 17 công ty khác đã thất bại trong việc thoát khỏi cái áo của sự tầm thường. Bằng việc so sánh điểm khác biệt giữa 2 tập doanh nghiệp này, Jim Collins đã xuất sắc đúc kết ra 9 yếu tố để đưa một doanh nghiệp đạt bước tiến bộ nhảy vọt. “Từ tốt đến vĩ đại” (Good to great) chính là kết quả của quá trình lao động miệt mài của ông và đội ngũ nghiên cứu. Sau đây là 9 bài học bạn không thể bỏ qua được đúc rút ra từ cuốn sách.

Tốt là kẻ thù của vĩ đại

Trái với suy nghĩ thông thường cho rằng để đạt kết quả vượt trội bạn phải làm việc chăm chỉ hơn bình thường gấp nhiều lần, nghiên cứu của Jim Collins cho thấy rằng cường độ làm việc của công ty vĩ đại và công ty tốt là tương tự nhau. Điều đó có nghĩa là quá trình phấn đấu trở thành tốt và trở thành vĩ đại là vất vả như nhau. Những công ty trở thành vĩ đại chỉ đơn giản là do họ tập trung vào làm những việc khiến họ trở nên vĩ đại ngay từ đầu.

Sở dĩ chúng ta có quá ít công ty vĩ đại là do chúng ta có quá nhiều công ty tốt. Phần lớn các doanh nghiệp thường đặt mục tiêu hướng tới cái tốt và trở nên thỏa mãn và ngừng hướng tới cái vĩ đại khi mục tiêu ban đầu đã hoàn thành. Để thực sự vươn tới những điều vĩ đại thì hãy đặt cho mình mục tiêu về sự vĩ đại ngay từ những ngày đầu xây dựng doanh nghiệp.

Lãnh đạo cấp 5

Cả thực tế cuộc sống lẫn phim ảnh thường xuyên cấy vào đầu chúng ta hình ảnh mặc định của một vị lãnh đạo phải là một alpha male kiểu mẫu mạnh mẽ và luôn sẵn sàng nổi nóng quát nạt nhân viên. Nhưng cuốn “Từ tốt đến vĩ đại” lại đưa ra một quan điểm khác khi chỉ ra rằng ở trong cả 11 doanh nghiệp vĩ đại được nghiên cứu thì ở giai đoạn chuyển từ tốt đến vĩ đại đều có mặt một vị lãnh đạo khiêm tốn, ít nói và thậm chí là có phần ngượng nghịu không thoải mái trong các giao tiếp xã hội.

Trong phân cấp các loại lãnh đạo theo cuốn sách này thì phong cách lãnh đạo trên thuộc cấp 5 và cũng là cấp cao nhất. Trong khi đó thì những lãnh đạo thể hiện cá tính cá nhân quá áp đảo người khác lại chỉ thuộc cấp 4 hoặc thấp hơn là cấp 1,2,3. Tuy vậy nhưng chớ nên hiểu nhầm lãnh đạo cấp 5 là những người nhu nhược thiếu ý chí. Họ có một ý chí kiên định, một thần kinh thép và vô cùng quyết liệt trong công việc. Điểm khác biệt là họ dồn hết những năng lượng và tham vọng mà người bình thường dành cho bản thân vào để suy nghĩ cho cái chung hay cụ thể hơn là cho doanh nghiệp của mình.

Sở dĩ các lãnh đạo cấp 5 là phù hợp nhất để xây dựng các công ty vĩ đại là vì họ sẽ không bao giờ để cái tôi cá nhân xen vào việc ra quyết định có lợi hoặc có hại cho công ty. Họ cũng sẽ sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến góp ý xung quanh, điều đó vừa giúp hình thành cái nhìn về thực trạng doanh nghiệp một cách chính xác hơn lại vừa giúp những người dưới quyền cảm thấy thoải mái và làm việc hiệu quả. Và lý do cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là một lãnh đạo cấp 5 sẽ luôn chú ý đầu tư xây dựng đội ngũ để công ty có thể tiếp tục thành công khi không còn mình nữa thay vì chăm chăm nâng cao quyền lực và tầm ảnh hưởng cá nhân như một lãnh đạo cấp 4 sẽ làm.

Đầu tiên là ai rồi mới đến cái gì

Văn hóa mà chúng ta đang sống hiện nay thường gán thành công của một doanh nghiệp cho một vị lãnh đạo với tầm nhìn xa và chiến lược rõ ràng hiệu quả. Ví dụ rõ nhất là Steve Jobs đã nhận được quá nhiều sự ca ngợi của truyền thông bởi thành công của Apple. Tuy nhiên trong cuốn sách của mình thì Jim Collins lại chỉ ra những số liệu để thuyết phục người đọc rằng những công ty vĩ đại không bắt đầu bằng một tầm nhìn chiến lược mà lại bắt đầu bằng việc tuyển dụng những con người tài năng và phù hợp, đặt họ vào đúng vị trí cũng như loại bỏ những người không phù hợp. Sau đó chính đội ngũ này mới bắt đầu thảo luận với nhau để tìm ra một chiến lược phát triển.

Nếu bạn bắt đầu bằng một điểm đến thì những người lên xe bus cùng bạn chỉ bởi điểm đến đó sẽ lập tức xuống xe ngay khi biết xe định chuyển hướng khi mới đi được 10 cây số. Ngược lại thì những người lên xe cùng bạn chỉ bởi muốn đi cùng với những người đã có mặt trong chuyến xe thì chắc chắn họ sẽ gắn bó và chuyển hướng cùng chiếc xe. Thứ hai nữa là nếu bạn tìm được những người đúng và phù hợp trên chuyến xe thì vấn đề làm sao để thúc đẩy và động viên đồng đội mình sẽ tự động biến mất, đó là vì những người phù hợp sẽ tự có động cơ bên trong thúc đẩy họ làm những việc đúng đắn để đem lại kết quả hoàn hảo nhất có thể.

Dám đối diện với sự thật phũ phàng nhưng không bao giờ mất niềm tin

Trong “Từ tốt đến vĩ đại”, Jim Collins đã so sánh 2 doanh nghiệp cùng trong ngành bán lẻ có thâm niên tương đối giống nhau và cùng đón nhận một thách thức tương tự nhau, đó là A&P và Kroger. Vào những năm 1950 thì A&P đã là một trong những tập đoàn lớn nhất nước Mỹ trong khi đó thì Kroger mới chỉ có vài chuỗi cửa hàng khiêm tốn. Tuy nhiên từ những năm 1960 trở về sau thì A&P bắt đầu lụi tàn còn Kroger lại chứng kiến một sự phát triển thần kỳ với tăng trưởng gấp 10 lần mức trung bình của thị trường. Vậy đâu là điểm khác nhau trong cách mà 2 doanh nghiệp này đối đầu với thách thức để dẫn đến kết quả trái ngược như vậy?

Trên thực tế thì cả 2 doanh nghiệp đều biết rõ rằng thói quen người tiêu dùng đang thay đổi và cửa hàng của họ cũng phải đổi mới. Nhưng thay vì tích cực thực thi các phương án để thích nghi với môi trường đang thay đổi giống như Kroger thì A&P lại quá say trong hào quang của quá khứ và mơ mộng rằng vấn đề sẽ được tự giải quyết mà không cần thay đổi mô hình kinh doanh quá đỗi hoàn hảo của chính mình.

Jim Collins cũng đồng thời đưa ra các dẫn chứng khác để làm rõ quan điểm của mình rằng khi đối mặt với khó khăn ta phải có niềm tin rằng doanh nghiệp của mình một ngày nào đó sẽ vượt qua tất cả để trở nên lớn mạnh hơn. Tuy nhiên hoàn toàn không được lạc quan tếu khi nghĩ rằng chắc chắn mùa đông năm nay hay mùa hè năm sau ta sẽ vượt qua khó khăn. Đây là một cách suy nghĩ phi thực tế và gián tiếp làm giảm động lực làm việc và hiệu suất lao động của bạn.

Hãy làm nhím đừng làm cáo

Trong chương 5 của cuốn sách, Jim Collins bắt đầu bằng một câu chuyện ngụ ngôn về con cáo và con nhím. Trong mắt mọi người xung quanh, cáo là động vật tinh ranh thông thạo đủ ngón nghề trên đời và hiểu biết rất nhiều điều còn nhím lại là loài vật chậm chạp cù lần và có phần ngây ngô. Tuy nhiên có một điều đơn giản mà nhím coi là hiển nhiên trong khi cáo lại không bao giờ hiểu đã khiến cho cáo phí nhiều công sức thời gian mà vẫn không làm thịt được nhím. Đó là vì cho dù cáo có lập nên kế hoạch tinh vi thế nào để đưa nhím vào tròng thì chỉ cần nhím xù bộ lông mình lên là cáo hết đường đụng đến nhím.

Trong kinh doanh cũng vậy, Jim Collins cho rằng một doanh nghiệp không nên biết quá nhiều thứ, làm quá nhiều việc và đầu tư dàn trải. Hãy là một con nhím chỉ biết một sự thật đơn giản và cắm cúi làm việc mà mình phải làm cho dù người ngoài không đánh giá cao. Chắc chắn thành công bền vững sẽ mỉm cười. Để xác định được việc mình phải làm thì Jim Collins khuyên các doanh nhân phải hiểu rất rõ 3 điều sau đây. Thứ nhất, đâu là thứ mà đội ngũ của bạn thực sự yêu thích và đam mê. Thứ hai, đâu là thứ mà bạn chắc chắn công ty của mình có thể trở thành số 1 về lĩnh vực ấy. Thứ ba, đâu là thứ có khả năng đem lại lợi nhuận. Giao điểm của 3 vòng tròn trên chính là việc bạn phải tập trung đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc vào để làm.

Văn hóa của sự kỷ luật

5 điều liệt kê bên trên sẽ giúp doanh nghiệp của bạn có được những con người kỷ luật và sự kỷ luật trong suy nghĩ. Tuy nhiên để trở nên vĩ đại thì còn thiếu một yếu tố nữa là kỷ luật trong hành động. Theo Jim Collins thì phần lớn các vấn đề về sự kỷ luật trong hành động sẽ được tự giải quyết nếu bạn làm tốt các bước trên, tuy nhiên cũng cần thiết lập một bộ khung văn hóa làm việc và ứng xử để nhân viên có thể được “tự do trong khuôn khổ”. Tuy nhiên cần cẩn thận để tránh làm cho bộ khung này trở nên quá ngột ngạt, một bộ máy các thủ tục và yêu cầu quá rườm rà sẽ giết chết tinh thần doanh nhân và sức sáng tạo của những con người hoạt động rất hiệu quả trong giai đoạn đầu.

Đồng thời, Jim Collins cũng nhấn mạnh là các doanh nghiệp phải có sự kỷ luật để gắn bó với những việc đã được xác định là ở trong giao điểm 3 vòng tròn sở trường, đam mê và kinh tế kể trên. Hãy có kỷ luật và cương quyết trong việc từ chối các cơ hội đầu tư không liên quan đến lĩnh vực thế mạnh của mình.

Công nghệ chỉ là gia tốc cho tăng trưởng, không phải thứ tạo nên tăng trưởng

Để chứng minh cho luận điểm này của mình thì Jim Collins đã sử dụng một dẫn chứng về cuộc cạnh tranh giữa nhà bán lẻ lâu đời là Walmart và một công ty thương mại điện tử mới nổi thời bong bóng dot com tên là drugstore.com. Với sự tiếp cận nhanh chóng tới các công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng web, drugstore.com đã hùng hồn tuyên bố: “Walgreens ư? Họ đã quá già cỗi và chậm chạp đối với thế giới Internet. Họ chắc chắn sẽ bị bỏ lại đằng sau.”

Mặc dù khá khó chịu với lời tuyên bố ngạo mạn từ drugstore.com, Walgreens vẫn không bị hoảng loạn và cuống cuồng chạy theo công nghệ mới. Họ hiểu rất rõ ngành mình đang làm, biết đâu là thế mạnh bản thân và từ tốn thử nghiệm từng loại công nghệ mới ở quy mô nhỏ để tìm ra những công nghệ phù hợp nhất với đặc thù của doanh nghiệp mình. Mặc dù đi chậm hơn nhưng Walgreens đã dần dà nâng cấp được hệ thống máy móc và trang web thương mại điện tử của mình lên một đẳng cấp rất tinh vi phức tạp và cực kỳ phù hợp với bản thân họ để gia tăng hiệu quả bán hàng. Trong khi đó số phận của drugstore.com thì sao? Họ nhiều năm liền bị thua lỗ nặng và phải qua nhiều đợt tinh giản biên chế. Đây là một ví dụ điển hình về việc điên cuồng chạy theo đủ loại công nghệ mới mà không có cái lõi là sự am hiểu thị trường và ngành nghề mình đang làm.

Sự tăng trưởng giống như việc đẩy một bánh xe lớn

Tác giả Jim Collins ví việc phát triển một doanh nghiệp giống như đang đẩy một chiếc bánh xe lớn vậy. Những bước đầu tiên bạn phải tốn rất nhiều sức nhưng chỉ khiến bánh xe đi được vài vòng. Nhưng dần dần vẫn giữ nguyên lực như vậy mà bánh xe lại chạy càng ngày càng nhanh. Cho đến khi bánh xe đã có đủ quán tính thì nó có thể xoay hàng trăm vòng trong khoảng thời gian mà trước đây nó chỉ quay được một vòng.

Ở góc độ bên ngoài nhìn vào thì đây giống như thành công bất chợt chỉ sau một đêm ngủ dậy vậy. Nhưng đối với người trong cuộc nếu bảo họ chỉ ra một việc làm duy nhất giúp họ đạt bước nhảy vọt như vậy thì họ sẽ không thể làm được. Đó là vì thành công đến từ hàng triệu những quyết định nhỏ trải dài trong quá trình nhiều năm liền. Mỗi hành động nhỏ lại có mối liên quan và hỗ trợ lẫn nhau và hiệu quả tổng thể của nó thì lớn hơn gấp hàng trăm lần nếu ta lấy từng phần nhỏ để cộng lại.

Từ “Từ tốt đến vĩ đại” đến “Xây dựng để trường tồn”

Chương cuối của cuốn sách được tác giả dùng để đặt ra mối liên hệ giữa cuốn sách này và tác phẩm trước đó của ông là “Xây dựng để trường tồn”. Jim Collins nhận ra rằng hầu như tất cả các công ty trường tồn được với thời gian đều áp dụng các nguyên lý trong quyển “Từ tốt đến vĩ đại” trong giai đoạn đầu phát triển doanh nghiệp. Vậy là mặc dù thứ tự ra đời của quyển “Xây dựng để trường tồn” là trước nhưng trong cuộc sống thì thứ tự lại đảo ngược lại. Các công ty tốt lúc đầu sẽ áp dụng nguyên lý trong “Từ tốt đến vĩ đại” để chuyển hóa công ty mình thành một công ty vĩ đại, sau đó mới áp dụng nguyên lý được liệt kê trong quyển “Xây dựng để trường tồn” để xây dựng một doanh nghiệp bền vững và thành công trong hàng chục thậm chí là hàng trăm năm kể cả khi những nhà sáng lập đầu tiên đã qua đời. Lý thuyết trong 2 quyển sách này cần được thực hành cùng với nhau.

BY ĐÔNG MAI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button