List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Adam Smith

Sách của Adam Smith góp phần hoàn chỉnh, hệ thống hóa lý luận, đồng thời đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của kinh tế học. Tác phẩm Của Cải Của Các Dân Tộc là khởi điểm đầu của nghiên cứu chính trị kinh tế học hiện đại.

Của Cải Của Các Dân Tộc

Của cải của các dân tộc” một tác phẩm kinh điển đặt nền móng cho khoa học về kinh tế thị trường – được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1776 và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trong quá trình đổi mới tư duy kinh tế ở nước ta hiện nay, Đại học Kinh tế quốc dân hợp tác với Nhà xuất bản Giáo dục tổ chức dịch, biên tập và giới thiệu tác phẩm này với bạn đọc Việt Nam.

Những khái niệm kinh tế thị trường rất trừu tượng và khó hiểu, nhưng tác giả đã dùng những hình tượng quen thuộc để cho bạn đọc, ngay cả những người không chuyên về kinh tế, cũng có thể nắm bắt được. Những nội dung kinh tế học trong cuốn sách là tài liệu hữu ích phục vụ cho giảng dạy và học tập cũng như nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế. Cuốn sách cũng là tài liệu tham khảo tốt đối với cán bộ nghiên cứu hoạch định chính sách, các cán bộ nghiên cứu và cán bộ quản lý kinh tế, quản trị doanh nghiệp ở cấp Nhà nước cũng như các doanh nghiệp.

“Của cải của các dân tộc” là cuốn sách kinh tế học kinh điển tổng hợp nhiều thuật ngữ và khái niệm mà chúng ta mới bắt đầu tiếp cận. Vì vậy, mặc dù chúng tôi đã có nhiều cố gắng song việc biên tập, hiệu đính và sửa chữa không tránh hết những sai sót, nhầm lẫn. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn mọi góp ý của bạn đọc giúp cho lần xuất bản sau được tốt hơn.

Cảm ơn các chuyên gia nước ngoài đã góp ý trong việc lựa chọn và đặc biệt cảm ơn tổ chức SIDA (Thụy Điển) đã trợ giúp và tạo điều kiện cho việc dịch và xuất bản cuốn sách. Chúng tôi cũng cảm ơn Everyman’s Library đã cho phép dịch ra tiếng Việt và xuất bản cuốn sách này.

Lời tựa

Trích đoạn sách

Chương I

PHÂN CÔNG LAO ĐỘNG

Sự cải tiến lớn nhất về mặt năng suất lao động và phần lớn kỹ năng, sự khéo léo và óc phán đoán đúng đắn có được hình như là nhờ sự phân công lao động.

Tác dụng của sự phân công lao động, trong hoàn cảnh kinh doanh chung của xã hội, sẽ được hiểu dễ dàng hơn khi xem xét sự phân công lao động được thực thi bằng cách nào trong một số ngành công nghiệp cụ thể. Người ta thường cho rằng phân công lao động được thực hiên hoàn hảo nhất ở một số ngành sản xuất nhỏ, có lẽ không phải vì nó được thực hiện tốt hơn so với những ngành quan trọng, mà vì ở những ngành sản xuất nhỏ nhằm cung cấp những vật dụng nhỏ cho một số ít người tiêu dùng, tổng số công nhân không nhiều, và những người được trao cho thực hiện một khâu sản xuất thường được làm việc trong cùng một phân xưởng và đặt dưới sự kiểm soát của một đốc công. Ngược lại, ở những ngành sản xuất lớn có nhiệm vụ cung cấp những đồ vật cần dùng cho đa số dân chúng, mỗi khâu sản xuất đều sử dụng rất nhiều công nhân và khó có thể sắp xếp họ vào cùng một phân xưởng. Mặc dù trong những ngành công nghiệp như vậy, công việc sản xuất có thể được chia thành nhiều khâu hơn là ở các xí nghiệp nhỏ, sự phân công thật ra cũng không thật rõ ràng lắm, đó là chưa nói đến sự kiểm soát cũng ít gắt gao hơn.

Để đưa ra một thí dụ, chúng ta hãy xét một xí nghiệp nhỏ nhưng sự phân công lao động ở đây lại hết sức chặt chẽ, đó là ngành sản xuất đinh ghim. Một công nhân chưa được huấn luyện làm việc này (mà sự phân công lao động đã làm cho việc này trở thành một nghề rõ ràng), anh ta cũng không biết sử dụng máy móc trong việc làm đinh ghim (mà sự phân công lao động chắc là đã đòi hỏi phải phát minh ra máy này) dù là cố gắng đến tột bậc, cũng chỉ có thể làm ra được một đinh ghim trong một ngày và chắc chắn anh ta chẳng bao giờ làm nổi 20 đinh ghim cả. Nhưng theo phương pháp mà việc kinh doanh này đang tiến hành, không những toàn bộ công việc này trở thành một ngành sản xuất riêng biệt, mà nó còn chia nhỏ thành nhiều khâu mà phần lớn các khâu này cũng trở thành những nghề riêng biệt.

Một người chuyên kéo dây thép, một người khác nắn cho thẳng, người thứ ba cắt dây thành những đoạn nhỏ, người thứ tư mài nhọn dây thép, người thứ năm tán đầu đoạn dây để lắp đầu đinh ghim, để làm được đầu đinh ghim đòi hỏi phải thực hiện hai hoặc ba thao tác; để lắp đầu đinh ghim là một việc khác hẳn, làm cho đinh ghim trở thành trắng bóng lại là một việc khác nữa; thậm chí đóng gói đinh ghim cũng là một nghề, và muốn làm thành một cái đinh ghim, người ta phải tiến hành 18 thao tác khác nhau và do những bàn tay công nhân khác nhau thực hiện tại một xí nghiệp, mặc dù ở một vài nơi khác, một người đôi khi cũng làm được hai hay ba thao tác như vậy. Một xí nghiệp chỉ có 10 công nhân nhưng với những máy móc cần thiết được trang bị, khi bắt tay vào sản xuất với tất cả sự nỗ lực của mình, họ có thể cùng nhau làm ra vào khoảng 12 pound đinh ghim một ngày. Một pound có khoảng hơn 4000 đinh ghim cỡ trung bình. Như vậy, 10 người công nhân có thể cùng nhau làm được tới 48.000 đinh ghim trong một ngày công. Nếu đem chia cho mười người, thì một người làm được 4.800 đinh ghim một ngày. Nhưng nếu họ làm ăn riêng lẻ và không kết hợp với nhau, và hơn nữa nếu họ không được huấn luyện về nghề này thì chắc chắn mỗi người trong số họ không thể làm nổi được 20 hoặc thậm chí một đinh ghim trong một ngày công.

Trong các ngành khác, sự phân công lao động cũng có những ảnh hưởng tương tự như nghề làm đinh ghim nói trên, mặc dù trong nhiều ngành nghề, lao động không cần phải chia nhỏ thành quá nhiều khâu mà cũng không cần phải thao tác đến mức giản đơn như vậy. Tuy nhiên, việc phân công lao động, như đã được trình bày ở trên, mang lại lợi ích là làm tăng năng suất lao động. Hình như việc phân chia thành nhiều ngành nghề và công việc khác nhau cũng bắt nguồn từ ý thức sử dụng thế lợi này. Sự phân công lao động càng tinh vi hơn ở những nước có trình độ công nghệ cao. Công việc của một người ở một nước yếu kém là công việc của nhiều người tại một nước tiên tiến. Ở một nước tiên tiến, người nông dân chỉ là người nông dân, không làm gì hơn, và nhà chế tạo chỉ là nhà chế tạo mà thôi.

Lao động sử dụng để sản xuất một mặt hàng công nghiệp thì hầu như bao giờ cũng chia nhỏ giữa một số lớn người thợ. Biết bao nghề khác nhau đã được sử dụng trong ngành chế tạo vải lanh và vải len, kể từ người trồng cây lanh, người chăn nuôi cừu để lấy lông cho đến người thợ chuội và chải sợi lanh, hay cho đến người thợ nhuộm và người may quần áo. Tính chất của nghề nông thực ra không phải phân chia lao động ra thành nhiều khâu nhỏ như vậy, cũng chẳng đòi hỏi phải phân chia thành nhiều nghề khác nhau như trong ngành công nghiệp. Thật khó mà tách hoàn toàn công việc của một người nuôi bò với công việc của người trồng ngũ cốc như là tách nghề thợ mộc với nghề thợ rèn. Người xe sợi làm một công việc khác hẳn với người thợ dệt; nhưng người đi cày, người đi bừa, người gieo hạt và thợ gặt thường làm chung một nghề. Những công việc loại này lại phải được tiến hành vào những mùa khác nhau trong năm, cho nên một người không thể thường xuyên làm một trong những việc nói trên. Không thể nào phân chia rành rọt các khâu lao động khác nhau trong nông nghiệp, và có lẽ đó là lý do tại sao việc cải tiến phân công lao động trong nông nghiệp không thể nào sánh kịp với ngành công nghiệp. Những quốc gia giàu có nhất thường hơn hẳn các nước láng giềng cả về nông nghiệp lẫn công nghiệp nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự hơn hẳn đó thường thể hiện trong công nghiệp nhiều hơn là trong nông nghiệp. Đất đai của những quốc gia này thường được cày bừa tốt hơn, được đầu tư nhiều lao động và các khoản chi phí cần thiết hơn, sản xuất được nhiều hơn so với khả năng sinh sản và độ phì nhiêu tự nhiên của đất. Nhưng sản phẩm của nông nghiệp ít khi vượt quá nhiều so với chi phí về lao động và các khoản khác đã bỏ ra. Trong nông nghiệp, sức lao động của nước giàu không phải bao giờ cũng sinh lợi quá nhiều so với nước nghèo hoặc ít nhất thì cũng không bao giờ sinh lợi nhiều như trong công nghiệp. Với chất lượng ngang nhau, ngũ cốc của nước giàu không phải lúc nào cũng rẻ hơn tại thị trường so với ngũ cốc của nước nghèo. Ba Lan bán ngũ cốc cùng hạn rẻ như ngũ cốc của Pháp, bất kể nước Pháp giàu có hơn nhiều. Nước Pháp, tuy không giàu có như Anh, bán ngũ cốc cùng loại tốt như của Anh với giá tương đương, không hơn không kém. Tuy nhiên, đất trồng ngũ cốc của Anh thường được chăm bón tốt hơn ở Pháp, và Pháp thì lại có đất trồng trọt chăm bón tốt hơn so với Ba Lan. Nước nghèo, dù cho ngành trồng trọt có kém hơn, ở một chừng mực nào đó, vẫn có thể cạnh tranh với các nước giàu có về giá cả và chất lượng ngũ cốc, nhưng nước nghèo không có khả năng cạnh tranh với nước giàu về hàng công nghiệp, trừ khi các mặt hàng công nghiệp đó phù hợp với đất đai, khí hậu và hoàn cảnh của nước giàu. Hàng tơ lụa của Pháp tốt hơn và rẻ hơn các mặt hàng tương tự ở Anh, vì ngành sản xuất tơ lụa, ít nhất là trong điều kiện đánh thuế nhập khẩu tơ sống cao như hiện nay, không phù hợp với khí hậu của Anh. Nhưng đồ ngũ kim và các mặt hàng len thô của Anh lại hơn hẳn các loại hàng này của Pháp, mà với chất lượng như nhau thì lại rẻ hơn nhiều. Người ta nhận định rằng ở Ba Lan mọi mặt hàng công nghiệp đều khan hiếm trừ một số thứ cần dùng cho gia đình, và với tình hình như vậy không một nước nào có thể có một mức sinh hoạt tốt được.

Lượng công việc tăng lên mà do có sự phân công lao động nên vẫn chỉ số người đó có thể thực hiện được là nhờ ba yếu tố khác nhau: trước hết do tăng kỹ năng, kỹ xảo của từng công nhân; thứ hai do tiết kiệm thời gian chuyển từ loại công việc này sang loại công việc khác; và cuối cùng do phát minh ra các loại máy chuyên dùng làm cho lao động nhẹ nhàng hơn và một người có thể làm việc của nhiều người.

Trước hết, tài năng và sự khéo léo được nâng cao của công nhân tất yếu tạo điều kiện cho họ làm được một khối lượng công việc nhiều hơn trước, và sự phân công lao động hợp lý làm cho mỗi người chỉ cần chuyên tâm vào một thao tác đơn giản và làm thao tác đó suốt đời mình, thì nhất định họ ngày càng trở nên khéo léo hơn nhiều. Một người thợ rèn bình thường, dù cho có cố gắng đến mấy, anh ta cũng chỉ sản xuất được vài trăm đinh một ngày là cùng, và chắc chắn là chất lượng đinh rất kém. Một người thợ rèn quen việc làm đinh nhưng không phải là thợ làm đinh chính cống, thì khá lắm cũng chỉ làm ra được từ 800 đến 1000 đinh một ngày là tối đa. Tôi đã thấy một vài thanh niên chưa đến 20 tuổi mà chưa hề làm một nghề gì khác ngoài việc làm đinh, họ, từng người một, có thể sản xuất được trên 2300 cái đinh trong một ngày. Song làm ra được một cái đinh cũng không phải là một thao tác đơn giản. Người làm đinh phải thổi bễ, điều chỉnh ngọn lửa hoặc thêm than khi cần thiết, nung thỏi sắt và rèn thành đinh, và họ phải thay đổi dụng cụ khi tán đầu đinh. Việc chế tạo đinh ghim hay một chiếc khuy kim loại thường được chia nhỏ ra thành nhiều thao tác, cho nên việc chế tạo trở nên dễ dàng hơn và hơn nữa, người tham gia vào việc chế tạo này chỉ làm một thao tác đơn giản, cho nên anh ta ngày càng thạo và khéo léo hơn nhiều vì anh ta làm việc ấy gần như suốt đời. Tốc độ thực hiện các thao tác này vượt quá sức tưởng tượng của những người chưa được nhìn thấy các động tác bằng tay này.

Thứ hai là, thời gian chuyển từ công việc này sang công việc khác được tiết kiệm khá nhiều và đó là một lợi thế rất lớn mà thoạt đầu không phải ai cũng nhìn thấy. Thật khó có thể nhanh chóng chuyển từ một công việc này sang công việc khác ở một nơi khác và với những dụng cụ khác. Một người thợ dệt ở nông thôn vừa làm ruộng vừa dệt vải tất nhiên mất khá nhiều thời gian khi chuyển từ khung dệt ra ngoài đồng và ngược lại. Nếu cả hai công việc này làm trong một xưởng thợ, tất nhiên số thời gian đi lại giảm đi rất nhiều. Một người hay thay đổi công việc làm cũng như vậy. Đầu tiên anh ta bắt đầu công việc mới với một tay nghề kém cỏi và ít thích thú hơn. Nói đúng hơn, anh ta cũng chưa thật chú ý tới công việc mới mẻ này, trong thời gian đầu anh ta làm việc với tâm trí phân tán, đầu óc thiếu tập trung và không có sự nỗ lực cần thiết. Thói quen lơ là và lười biếng là một điều khá quen thuộc đối với người làm việc ở nông thôn khi anh ta buộc phải thay đổi công việc và dụng cụ cứ nửa giờ một lần và phải làm hai chục động tác mỗi ngày. Thói quen này làm cho anh ta hầu như chán ngấy và càng thêm lười biếng và anh ta cảm thấy khó có thể làm việc một cách nghiêm túc dù cho bị thúc ép. Chưa nói gì đến sự thiếu khéo léo, chỉ nguyên nhân này không thôi cũng đã đủ làm giảm số lượng công việc mà anh ta có thể thực hiện được.

Thứ ba và cuối cùng là, mọi người phải nhận thức rõ là máy móc khi được áp dụng tốt làm cho công việc sản xuất được dễ dàng và rút ngắn đi rất nhiều. Không cần phải đưa thêm thí dụ để chứng minh nữa. Tôi chỉ có một nhận xét là việc phát minh ra máy móc để giúp cho công việc sản xuất được dễ dàng là nhờ có phân công lao động. Ai cũng thích tìm ra những phương pháp để đạt được một mục đích nào đó khi mọi sự chú ý của họ tập trung vào một công việc duy nhất hơn là bị tản mạn trong rất nhiều công việc khác nhau. Do có sự phân công lao động, công nhân được trao cho một thao tác riêng biệt, tất nhiên anh ta để hết mọi tâm trí vào thao tác đó. Một người nào đó được sử dụng vào một khâu lao động riêng biệt sẽ tìm được phương pháp thích hợp để thực hiện dễ dàng và có hiệu quả hơn công việc đó mà chính tính chất của công việc này đòi hỏi phải có sự cải tiến. Phần lớn các máy móc sử dụng trong các ngành công nghiệp, mà ở đó lao động được phân công tỉ mỉ nhất, lúc đầu là những phát minh của công nhân bình thường. Những người này, do được phân công vào những thao tác rất giản đơn, tất nhiên để hết tâm trí vào việc tìm kiếm phương pháp dễ dàng và hiệu quả hơn để thực hiện thao tác giao phó cho họ. Ai đã có dịp đi thăm các ngành công nghiệp chế tạo như nói ở trên đều được giới thiệu các loại máy móc xinh xắn là những phát minh của công nhân để làm phần việc của mình được dễ dàng và nhanh chóng hơn. Trong những chiếc xe chữa cháy đầu tiên, một công nhân trẻ được giao cho công việc luân phiên mở và đóng liên tiếp ống thông nhau giữa nồi hơi và xi lanh, tùy theo sự chuyển động lên hay xuống của piston. Một trong những công nhân trẻ muốn giúp đỡ các bạn mình đã nhận xét rằng chỉ cần buộc một cái dây nối cái cán van dùng để mở ống thông này với một bộ phận khác của máy, cái van đó sẽ tự động mở và đóng, không cần thao tác của người công nhân trẻ, và như thế anh này được rảnh tay để đùa cợt với các bạn. Một trong những cải tiến lớn nhất đối với xe cứu hỏa kể từ khi nó được phát minh, lại là một phát kiến bình thường của một công nhân trẻ mà mục đích chỉ là tiết kiệm sức lao động.

Song tất cả những cải tiến về máy móc không phải hoàn toàn chỉ là do những phát minh của những người có nhiệm vụ phải sử dụng máy. Nhiều cải tiến đã được thực hiện do tài ba và sáng kiến của người chế tạo máy khi họ bắt tay vào công việc kinh doanh đặc biệt này, và một số cải tiến khác lại do những người có đầu óc sáng chế hoặc những người có đầu óc suy luận mà công việc của họ không phải là làm ra một thứ gì mà phải suy đoán, nhận xét, đánh giá mọi thứ, và do vậy họ có khả năng kết hợp các mặt mạnh của các vật hoàn toàn khác nhau. Trong quá trình tiến lên của xã hội, tư duy khoa học hay suy đoán, cũng giống như các công việc khác, đã trở thành công việc chính, nếu không nói là duy nhất, của một tầng lớp công dân riêng biệt. Cũng giống như những công việc khác, tư duy khoa học cũng được phân chia thành nhiều ngành, mỗi ngành tạo việc làm cho một tầng lớp các nhà khoa học. Sự chia nhỏ công việc tư duy khoa học, cũng như trong các nghề nghiệp khác, làm cho con người trở nên tài giỏi hơn và tiết kiệm được thời gian. Mỗi cá nhân trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực ngành nghề của mình, họ làm được nhiều công việc hơn, và nhờ đó số lượng kiến thức cũng tăng lên nhanh chóng.

Sản phẩm các ngành được nhân lên do có sự phân công lao động và làm cho mọi người, kể cả những tầng lớp thấp nhất, đều được hưởng sự giàu có trong một xã hội được tổ chức và cai trị tốt. Mỗi một công nhân làm ra một khối lượng lớn sản phẩm để có thể bán cho người khác, ngoài phần mà họ cần dùng cho cá nhân, và ai ai cũng làm như vậy. Họ có thể trao dồi một phần lớn hàng hóa của họ lấy những lượng hàng tương đương về giá cả. Họ cung cấp cho người khác những gì mà những người này cần, và ngược lại, những người khác lại cung cấp cho họ những thứ họ thấy cần thiết cho đời sống, và như thế của cải được phân phối đầy đủ cho tất cả các tầng lớp trong xã hội.

Chúng ta hãy quan sát việc cung cấp cho một thợ thủ công hay cho một người lao động trong một quốc gia văn minh và phồn thịnh, chúng ta sẽ nhận thấy rằng số người tham gia vào việc cung cấp này (cho dù sự đóng góp của họ rất nhỏ) đã vượt quá mọi sự ước tính của chúng ta. Ví dụ, một cái áo len cũng cấp cho một công nhân, dù cho đó chỉ là một cái áo len thô và xù xì, là sản phẩm lao động kết hợp của rất nhiều công nhân. Người chăn cừu, người phân loại và chải công cừu, người thợ nhuộm, người thợ chảy len, người xe sợi, người dệt vải, thợ chuội và hồ vải, thợ may và còn nhiều người khác nữa cũng phải mang mọi tài năng, khéo léo để hoàn thành chiếc áo len nói trên. Biết bao nhiêu lái buôn, người vận chuyển đã được sử dụng vào việc chuyển nguyên vật liệu từ nơi này đến nơi khác cách nhau rất xa! Biết bao nhiêu công việc có liên quan đến mậu dịch và hàng hải, biết bao nhiêu thợ đóng tàu, thủy thủ, thợ dệt buồm, thợ xe thừng đã được huy động để cung cấp thuốc nhuộm mà thường phải chở đến từ các nước xa xôi nhất trên thế giới! Đó là chưa nói đến sức lao động dùng để chế tạo các loại công cụ, dù nhỏ bé và tầm thường nhất, cho các công nhân này, đến những máy móc phức tạp như tàu thủy dùng cho các thủy thủ, thiết bị dùng cho người thợ chuội và hồ vải, hay khung cửi cho thợ dệt. Chúng ta hãy chỉ cùng nhau xem xét những loại lao động nào là cần thiết để làm những thứ thiết bị rất đơn giản, như tông đơ để xén lông cừu. Thợ mỏ, thợ xây lò để luyện quặng, người bán gỗ, người làm than củi để dùng cho lò luyện kim, thợ nung gạch, thợ nề, công nhân luyện kim, thợ cối xay, thợ gò, thợ rèn – họ phải chung sức để làm ra kéo xén lông cừu. Đó là chưa kể đến những thứ quần áo khác mà anh ta mặc, những đồ dùng trang trí trong gia đình (áo sơ mi, may ô, giày dép, giường, tủ, bếp lò, than, những thứ đồ dùng để ăn như dao, dĩa, bát, chén), bánh mì, rượu bia, cửa sổ với những tấm kính để hưởng ánh sáng và nhiệt của mặt trời, để chắn gió, che mưa. Nếu chúng ta xem xét tất cả mọi thứ trên đây một cách nghiêm túc, chúng ta sẽ nhận thấy rất dễ dàng là nếu không có sự giúp đỡ và hợp tác của hàng nghìn người khác thì một con người tầm thường nhất trong một nước văn minh không thể có được những gì mà chúng ta thường cho là dễ dàng và giản đơn mà mọi người thường được cung cấp như hiện nay. Nếu đem so sánh với những đồ xa xỉ của những người có quyền thế hiện nay thì lượng cung cấp của người lao động là quá giản đơn và ít ỏi. Thế nhưng, những thứ vật dụng của một hoàng tử ở Châu Âu không phải bao giờ cũng vượt xa những đồ vật của người nông dân cần mẫn và biết tiết kiệm, song những đồ vật của người nông dân ngày nay lại vượt xa những gì mà một người cầm đầu một bộ lạc trước đây có, dù cho người này có dưới quyền hàng chục nghìn người ăn lông ở lổ.

…Còn cập nhật..

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 15, 2019 | Lần cập nhật cuối: Tháng Sáu 15, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button