List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Cao Huy Thuần

Sách của Cao Huy Thuần đều được viết ra nhẹ nhàng, hấp dẫn bằng giọng văn tha thiết, không rao giảng, không lên gân, vô cùng thấm thía, có thể đọc một mạch, đọc mãi không chán.

Sơi Tơ Nhện

Xem giá bán

“Vẫn thủ thỉ giọng Chuyện Trò đặc sản, vẫn thủy chung với thiên chức nhà giáo-nhà văn, tác giả Cao Huy Thuần lại trải lòng cùng độc giả, rút tâm tình se thành Sợi Tơ Nhện.

Con chữ đa sắc thái cứ tung tẩy nhảy nhót nhiều biến điệu, thoắt trang nghiêm, thoắt dí dỏm, thoắt huyền bí, thoắt ly kỳ, dẫn tâm trí người đọc qua ngoằn ngoèo các nẻo chuyện. Thực và ảo đan xen mang hình hài chuyện cổ tích thời nay, chuyện ngụ ngôn đương đại.

Đung đưa đủ các thứ chuyện, chuyện triết cao siêu, chuyện đời bình thường, chuyện trộm cướp, chuyện tình yêu, chuyện bướm, chuyện hoa, chuyện ma, chuyện Phật, chuyện sống, chuyện chết…, tất cả kết tinh thành câu chuyện làm người. Sợi Tơ Nhện mong manh nhờ thế mà trở nên bền chắc.”

Người Khuân Đá

Xem giá bán

Tình yêu cuộc sống và đạo lý ở đời trong câu chuyện bếp lửa, chuyện gia đình, chuyện của mọi người mà thấy đó chuyện của mình…

Hạnh phúc thay, ai yêu, và trong đêm tối thẳm

Đi tìm lòng tin và gặp được yêu thương

Vẫn với giọng văn triết nhẹ nhàng của Chuyện trò, Sợi tơ nhện,… cuốn tản văn tiếp theo của GS. Cao Huy Thuần viết về tình yêu và cuộc sống trong đạo lý ở đời, mở rộng giao lộ liên tưởng với nhiều chiều kích mới mẻ và thấu đáo: “đạo đức Phật giáo không đặt trên tiêu chuẩn Thiện Ác, mà đặt trên an vui và đau khổ (…) Lựa chọn ít đau khổ hơn là đạo đức. Nhiều an vui hơn, là đạo đức”. Tác phẩm được viết với giọng ngọt ngào văn chương mà thâm trầm triết học. – Nhà Nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn

Tôn Giáo Và Xã Hội Hiện Đại

Xem giá bán

Môn xã hội học ra đời ở châu Âu hồi thế kỷ 19 để nghiên cứu một cách có hệ thống và khoa học những biến chuyển đã đưa châu Âu đến “xã hội hiện đại”. Khoa học kỹ thuật lúc đó đã phát triển, Thiên Chúa giáo bị phê phán như lạc hậu, “tính hiện đại” là đối tượng của môn nghiên cứu mới, nhưng đồng thời môn nghiên cứu mới đó cũng mang tính hiện đại. Vì vậy, hiển nhiên, câu hỏi về số phận của tôn giáo nằm tận trong căn bản của môn xã hội học vừa khai sinh. Ngay từ khởi thủy, với Auguste Comte, với Emile Durkheim, với Max Weber, khoa xã hội học đã đặc biệt chú trọng đến hiện tượng tôn giáo, và, cùng với sự lớn mạnh không ngừng của khoa học, đã lạc quan tin tưởng có thể thay thế tôn giáo bằng một đạo đức thế tục mang tính khoa học, cởi bỏ những tin tưởng và những hình thức có tính siêu hình, huyền thoại. Môn xã hội học trở thành vừa là một dụng cụ nghiên cứu, vừa là một khí giới hành động, nhắm mục đích hoàn thiện “tính hiện đại”. Từ quan niệm dấn thân như vậy vào quá trình “hiện đại hóa”, các nhà xã hội học có khuynh hướng xem tính hiện đại như đối kháng với tính tôn giáo. Mà thật vậy, kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, lý tính hóa đã chẳng góp phần vào việc phá vỡ những hệ thống tôn giáo vững chắc qua bao nhiêu chục thế kỷ đó sao? Con người hiện đại ở châu Âu đã chẳng trở nên lạnh lùng, khô cứng, đánh mất “thế giới thần tiên” mà nhân loại đã được nuôi dưỡng qua bao nhiêu thời đại đó sao? Trước tình trạng thoái trào càng ngày càng rõ của Thiên Chúa giáo, đâu có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà xã hội học dự đoán tôn giáo sẽ bay về trời vào cuối quá trình của hiện đại hóa?

Cả hai phía đối kháng đều đã góp phần vào tiên đoán đó. Về phía các nhà xã hội học, Saint Simon, Comte, Durkheim, và sau đó kể cả Marx, với quan niệm tiến hóa diễn ra qua từng giai đoạn kế tiếp bắt buộc, đã vẽ ra một tương lai trong đó tôn giáo truyền thống sẽ úa tàn, sẽ khuất núi, hoặc sẽ được thay thế bằng một tôn giáo thế tục, khoa học. Về phía tôn giáo, sự chống đối bảo thủ quyết liệt để cố giữ lại vị trí ưu tiên trong Nhà nước rồi trong xã hội, suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, đã góp phần minh chứng luận thuyết Nhà thờ và tính hiện đại không đội chung trời. Khái niệm “thế tục hóa” đã trở thành chìa khóa để các nhà xã hội học nghiên cứu hoàng hôn của tôn giáo trong những xã hội kỹ nghệ hóa.

Nhưng có thật “thế tục hóa” và tính tôn giáo chơi với nhau một trận chiến trong đó hễ một người thắng thì người kia thua? Ở Mỹ, không ai thua ai, mà hầu như ai cũng thắng. Ở Nhật, một nước kỹ nghệ hóa từ lâu, tám mươi triệu người vẫn còn giữ truyền thống mỗi dịp Nguyên Đán đi lễ đền một lần để lễ bái và để… xin bùa. Đâu là xã hội “thế tục hóa”?

Châu Âu, trong lĩnh vực tôn giáo, là một mô hình riêng, trong đó địa vị toàn trị của Thiên Chúa giáo trong lịch sử đã gây ra phản ứng chống toàn trị của “thế tục hóa”. Khảo sát mô hình Âu châu cốt là để so sánh. So sánh lịch sử của tôn giáo ở đó với tôn giáo ở nơi khác; so sánh địa vị của tôn giáo ở mỗi nơi; so sánh thái độ chính trị của mỗi tôn giáo. Gọi là “tôn giáo”, kỳ thực bao nhiêu khác biệt giữa hệ thống tín ngưỡng này với hệ thống tín ngưỡng kia. Cái nhìn, chính trị hay khoa học, phải khác.

Chuyện Trò

Xem giá bán

“Chuyện trò” là cuốn tản văn mới nhất của giáo sư Cao Huy Thuần, gồm có 6 phần: Chuyện mở đầu và Chuyện cuối, ở giữa là Chuyện tình yêu, Chuyện lạy Phật, Chuyện văn hóa, Chuyện giáo dục.

Trong sáu phần lớn đó là những câu chuyện cùng đề tài, lời kể của giáo sư chính trị học Cao Huy Thuần thật thoải mái và hóm hỉnh, duyên dáng và thâm sâu.

Lời kể chuyện đẫm chất thi ca, bao nhiêu là gửi gắm, vật vã với cuộc đời, với người. Từ những chuyện lớn như bàn về đạo đức, giáo dục, lý tưởng sống, văn hóa… đến chuyện thường ngày ai cũng cần như tình yêu, lòng chung thủy, sự ngưỡng mộ, sự lễ phép… đều được viết ra nhẹ nhàng, hấp dẫn bằng giọng văn tha thiết, không rao giảng, không lên gân, vô cùng thấm thía, có thể đọc một mạch, đọc mãi không chán. Và đọc xong là nhớ. Không chỉ là thú vị, còn có thể học được rất nhiều, cả từ chính những chi tiết nhỏ, nhiều câu thơ, lời văn trong các câu chuyện của ông.

Thượng Đế, Thiên Nhiên, Người, Tôi Và Ta

Quyển sách này tập hợp 6 bài giảng mà tác giả đã hoàn thành vào tháng 7/1999 tại Học viện Phật giáo Huế dưới đề tài: “Triết lý luật và tư tưởng Phật giáo”

Lần đầu tiên tại Việt Nam, triết lý luật Tây phương được trình bày ở bậc đại học. Cũng là lần đầu tiên một tác giả thử đối chiếu những vấn đề căn bản trong lĩnh vực đó với tư tưởng Phật giáo.

Nắng Và Hoa

Nhẹ nhàng, đạo vị như chuyện kể quanh chén trà, Nắng và Hoa đưa người đọc vào thế giới thiền một cách tự nhiên như hơi thở…

Nắng và hoa tập hợp một số bài viết gần đây có liên quan đến triết lý đạo phật. Tôi nói: có liên quan đến, bởi vì tôi không có ý định hay tham vọng viết về triết lý đạo phật; tôi chỉ mượn hứng từ triết lý đạo phật để viết về những chuyện thường ngày của cuộc đời hay để đọc một bài thơ. Sách được viết cho mọi gia đình, mọi lứa tuổi, Nắng và Hoa đặc biệt mong đến tay các bạn trẻ. Thế giới đang mở rộng ra trước mắt các bạn và tuổi trẻ là tuổi khám phá. Hãy khám phá! Hãy lên đường! Nhưng hãy mang theo một ít hành trang tư tưởng để biết mình từ đâu đến và đi đến đâu. Hãy khám phá cái mới trước mắt. Nhưng hãy biết rằng thế giới hiện đại ngày nay cũng đang khám phá cái mới trong chính hành trang của bạn. Như các bạn, tác giả cũng là người đã đi. Và nhờ đi nên biết rằng cái mới nhiều khi nằm ngay nơi bước chân khởi hhành của mình. Quyển sách muốn sang sẻ với các bạn sự khám phá vô cùng thích thú đó.

Thấy Phật

Mặt trời có khuôn mặt Phật; Mặt trăng có khuôn mặt Phật / Ngày ngày gặp Phật; Tháng tháng gặp Phật ! – “Thông điệp tâm linh” ấy về sự hoà hợp giữa trần cảnh và đạo tâm đến từ cùng một tác giả của Thế giới quanh ta mới đây (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2006), một tập sách gồm những bài viết về “thế sự” của một vị giáo sư chính trị học lão luyện và sắc sảo từ Paris.

Dưới ngòi bút tài hoa đặc sắc của tác giả, “khoa học chính trị” vốn cực kỳ phức tạp đã trở nên mềm mại và đầy tính nhân bản của một tác phẩm văn chương chính trị là nhờ tầm nhìn và tấm lòng của một người trí thức mà định nghĩa về nó đã trở nên nổi tiếng .

Tác giả Cao Huy Thuần là giáo sư Đại học Pháp, nguyên Giám đốc Trung Tâm nghiên cứu về Công đồng Châu Âu tại Đại học Picardie. Ông thường xuyên về Việt Nam giảng dạy, nói chuyện, dự các hội thảo, tham gia tổ chức các Tuần lễ văn hóa Phật giáo.

Khi Tựa Gối Khi Cúi Đầu

Rất khó định nghĩa thế nào là một người trí thức, nhưng bất cứ người trí thức nào cũng có lúc phải đặt câu hỏi cho chính mình: giữa những nguyên tắc trong veo mà mình nuôi dưỡng trong đầu với thực tế trái ngược mà mình phải đương đầu trước mắt, có thể nào dung hòa được không trong hành động? Gác qua một bên định nghĩa về người trí thức, hầu như ai cũng nhận rằng trăn trở về câu hỏi nói trên là một trăn trở trí thức, dù cho người đang gặp vấn đề có phải là người trí thức hay không.

Giải quyết khúc mắc ấy như thế nào là tùy mỗi người, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu câu trả lời. Lịch sử, văn chương, để lại thiếu gì câu trả lời nổi tiếng, lắm khi bằng chính thân mạng. Nhưng dù trả lời thế nào đi nữa, câu hỏi cũng gây nhức nhối tận trong xương tủy tuy bề ngoài có khi vẫn phải phơn phớt nói cười. Trí thức là người đau với câu hỏi ấy, bởi vì đó là câu hỏi bi đát trong bản chất, nhất là đối với những người trí thức “dấn thân”.

Vnwriter

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 20, 2019 | Lần cập nhật cuối: Tháng Sáu 20, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button