List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Du Tử Lê

Sách của Du Tử Lê tạo ra một không gian lãng mạn, khí khái, nhân văn và giàu suy tưởng rất đặc thù của khí hậu văn chương miền Nam và văn chương xa xứ của một thời kỳ đất nước nhiều biến động.

Chỉ Nhớ Người Thôi, Đủ Hết Đời

Xem giá bán

Viết về tình trạng đổ vỡ gia đình trong tập thể người Việt tỵ nạn ở Mỹ, ngày một gia tăng, và đó cũng là tình trạng của chính tác giả.

Lần đầu tiên, tác giả đưa ra một quan điểm hoàn toàn ngược lại, vốn rất phổ cập trong thơ văn Việt Nam. Đó là cái tinh thần “hứa hẹn dành cho nhau đời sau!” hay sẽ có nhau ở kiếp khác- khi tác giả viết:

“Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn / nói gì kiếp khác, với đời sau.”

Có người cho rằng câu thơ này là đỉnh điểm của quan niệm hiện sinh – sống với hiện tại. Nhưng dù cho có đúng là như vậy, thì nội dung bài thơ, tự nó cũng vẫn thủy chung tấm lòng thương yêu, tưởng tiếc hạnh phúc đã mất. Tinh thần này, rất đông phương, không một chút tây phương nào hết!

Giữ Đời Cho Nhau

Xem giá bán

Ngoài tư cách nhà thơ nổi tiếng, Du Tử Lê còn được biết đến là một cây bút truyện ngắn, tùy bút khá đặc sắc của văn chương Sài Gòn trước 1975; là một chân dung đáng chú ý của dòng chảy văn học Việt Nam ly hương. Vẫn với một tâm hồn đa cảm, duy tình và phóng khoáng, những trang văn của Du Tử Lê đã trổ ngõ mà chảy vào trái tim người cùng thời, cùng cảnh ngộ, khơi gợi những giá trị thiện lành, nhân cảm trong một đời sống, một lịch sử quá nhiều bất trắc.

Tuyển tùy bút Giữ đời cho nhau là tập hợp 10 bài tùy bút trong quyển Mùa hoa móng tay do Tạp chí Văn, ấn hành năm 1972 và 16 bài tùy bút mới được tác giả viết sau này, trong đó, bài mới nhất (Những “địa đạo” đêm Sài Gòn xưa) được viết vào đầu 2018.

Tuyển tùy bút này có hai phần chính: Ngày tháng tôi và Hương kỷ niệm, đi theo một mạch xuyên suốt: chuyển từ những xúc cảm, chuyện kể thuộc đời riêng đến những ký ức về văn hóa Sài Gòn qua những chân dung nhân vật một thời: Từ Mẫn, Phạm Đình Chương, Trần Phong Giao, Lê Tài Điển… hay những hiện tượng văn nghệ Sài Gòn như: sinh hoạt phòng trà, làm tạp chí, xuất bản, sinh hoạt mỹ thuật…

Phía sau những nhân vật dù cụ thể hay phiếm chỉ, các tùy bút của Du Tử Lê đều tỏa ra một thứ ánh sáng của tin yêu, một sự gắn bó tốt đẹp, một tinh thần cởi mở và niềm tín thác vào nhân gian không toan tính.

Những tùy bút giàu mỹ cảm đó, bên cạnh những bài thơ lãng mạn và giàu suy tư của ông đã hướng đến một sự nhất quán tinh tế, lạ lùng.

Nhưng nếu những bài thơ thơ gói gọn trong một giới hạn với đặc thù ngôn ngữ và nhạc tính riêng, thì tùy bút cho phép Du Tử Lê có không gian để diễn giải và triển khai một cách tự do các ấn tượng cá nhân phía sau mỗi tình tiết. Sự tự do của một người viết giữ được lửa ấm của trái tim tự tại mà chan hòa.

Giữ đời cho nhau đem lại cho người đọc hôm nay những khoảnh khắc thưởng lãm vẻ đẹp bay bổng của thứ văn xuôi tiệm cận phẩm tính thi ca.

Khúc Thụy Du

Xem giá bán

Tập thơ gói lại rất nhiều sáng tác nổi tiếng của Du Tử Lê: Khúc Thụy Du, Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển, Ta tiếc thiên đường mới lập xong, Người từ phương Đông qua,… và cập nhật sáng tác mới nhất của ông: Nuôi người, trang sách thơm.

Du Tử Lê – Tùy Bút Tuyển Chọn

Xem giá bán

Tác phẩm thứ 68 của Du Tử Lê, là tập Du Tử Lê, Tùy Bút Tuyển Chọn, gồm 17 tùy bút chọn từ hàng trăm tùy bút viết sau 1975. Qua 17 tùy bút chọn lọc này, bạn đọc sẽ có cơ hội bước sâu vào các góc khuất của những phần đời riêng, từ tình cảm, tới hiện thực cuộc sống nám cháy đa tầng nơi quê người của họ Lê.

Mỗi tùy bút, tùy cảm quan của độc giả mà, người đọc sẽ bắt gặp những tái hiện lấp lánh nghẹn ngào hay, bi phẫn quá khứ 40 năm của một người đem được thơ vào văn xuôi như nhận định cách đây hơn 41 năm của nhà văn Mai Thảo trên tạp chí Văn Saigòn trước tháng 4-1975.

Mặc dù đây là loại bán-hồi-ký của một cá nhân, nhưng nhiều phần, bạn đọc cũng sẽ thấy được ít nhiều dung nhan đời mình, như một thứ cộng-nghiệp của những con người có chung một đất nước, một ngôn ngữ…

Chúng Ta, Những Con Đường

Xem giá bán

Thế giới tàn nghiệt nhưng vẫn bảo tồn chốn rất mực riêng tư cho thi ca nương náu.

Mà đâu chỉ nương náu. Thi ca còn trổ ra những bóng râm tươi mát, ủi an loài chim thiên di trú ngụ sau những sải cánh tả tơi dặm trường.

Du Tử Lê, ông vẫn làm thơ, sống thơ.

Thơ ông như loài thiên di hát về đường bay sinh tử ly hương đã qua, về những cái chết thảng thốt giữa không trung trên hành trình tìm nắng ấm và cả bóng hình lung linh trong niềm tín thác sẽ mang theo về cõi thiên

Đây là tập thơ của một thi sĩ miền Nam còn đang miệt mài trên chuyến di thê.

Trên Ngọn Tình Sầu

Xem giá bán

Bài thơ được viết năm 1967, linh hồn chính của bài thơ là một cô giáo – Lê Huyền Châu (Cháu ruột của Giáo Sư Lê Ngọc Trụ). Có thể coi đây là mối tình đầu của nhà thơ Du Tử Lê. Họ không đi đến hôn nhân được vì sự khác biệt giữa hai gia đình Nam Bắc. Năm 1975 nhà thơ Du Tử Lê định cư ở Mỹ, Huyền Châu còn ở lại Việt Nam. Hai mươi sáu năm sau, 1991, ông về thăm lại người yêu cũ, và có ý định đem Huyền Châu đi. Nhưng vì còn cha mẹ già . Cô từ chối. Hiện nay cô vẫn còn độc thân và vẫn còn cư ngụ tại căn nhà cũ ở Bến Chương Dương.

Bài thơ sau này được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc, có nhan đề “Trên Ngọc Tình Sầu”

Với Nhau, Một Ngày Nào

Xem giá bán

Với nhau, một ngày nào ra mắt vào cuối năm 1974, bản in đầu tiên do Nhà xuất bản Ngạn Ngữ của cố nhạc sĩ Anh Việt Thu xuất bản. Tuy thời gian xuất hiện không được bao lâu do những biến thiên của lịch sử, nhưng cuốn tiểu thuyết của tác giả Du Tử Lê đã nhanh chóng được nhiều bạn đọc yêu mến, nâng niu.

Nội dung cuốn sách kể lại một câu chuyện tình buồn, đầy những tâm tư khắc khoải trên từng trang viết. Một cô gái yêu một người đàn ông đã có gia đình và sống hết mình cho tình yêu đó, nhưng lại phải nhận một kết cục vô cùng đau đớn và buồn thảm. Những trang viết rất thật, rất đời làm cho câu chuyện thấm sâu vào người đọc. Bối cảnh Sài Gòn – Đà Lạt cũng làm cuốn tiểu thuyết trở nên gần gũi, cảm thấy như mỗi người đều có một chút gì trong câu chuyện đó.

Tuy tác phẩm này ra đời đã lâu, nhưng những bi kịch trong đó thì không hề cũ. Những cảm xúc và xung đột trong tình yêu, gia đình, bè bạn đều là những chuyện chúng ta có thể gặp mỗi ngày mà không hề xa lạ. Và bối cảnh trong truyện, những chuyến xe đò, những quán cà phê, chuyện cơm áo, cảnh đôi tình nhân đi chung trên xe máy… tất cả đều rất Việt Nam, rất Sài Gòn.

Tác giả hy vọng, trên dặm trường văn chương nắng, gió, Với nhau, một ngày nào rồi đây sẽ tự tìm lấy cho nó những “tri kỷ thầm lặng” cũ, mới.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button