List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của George Soros

Sách của George Soros giới thiệu lý thuyết cũng như thực hành của những xu hướng tài chính và công thức mới để hiểu thị trường tài chính ngày nay.

Nhìn Về Toàn Cầu Hóa

Khi nền kinh tế thế giới chuyển đổi trong thập niên 1990 và những năm đầu thế kỷ XXI, không ai trăn trở với những hình ảnh về chính trị và xã hội của toàn cầu hóa nhiều như George Soros. Với vị thế độc nhất của mình – một nhà tài phiệt hàng đầu, một nhà từ thiện quốc tế, và cũng là một người phê phán hệ thống Tư Bản Chủ Nghĩa gay gắt, Soros đã tìm cách vận động cho những “xã hội mở” như là phần bổ sung cho sự mở rộng và bành trướng của thị trường.

Phân tích kỹ lưỡng các định chế tài chính – thương mại quốc tế hiện thời, ông nhận thấy các tổ chức này tuy tạo ra nhiều của cải vật chất nhưng lại thất bại trong trong việc cung cấp các hàng hóa công khác cho xã hội. Soros chỉ trích một “liên minh vô tình” giữa những người cực hữu ủng hộ thị trường chính thống và những người cực tả đang nỗ lực lên án toàn cầu hóa, bởi cả hai nhóm đều hướng tới phá hủy những định chế quốc tế hiện tại mà chúng ta đang có. Thay vào đó, tác giả kêu gọi một liên minh khác, với mục tiêu cải tổ và làm những định chế quốc tế đó trở nên mạnh mẽ và hiệu quả hơn. “Là một bản tổng hợp hùng hồn của những phê phán, chỉ trích dành cho các định chế toàn cầu… ngay cả nếu như bạn không đồng ý với những cải cách mà Soros đề ra.” (Business Week)

Mô Thức Mới Cho Thị Trường Tài Chính

Chúng ta đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ những năm 1930. Về vài điểm, khủng hoảng lần này giống với các cuộc khủng hoảng khác từng xảy ra trong hai mươi lăm năm qua nhưng lại có một sự khác biệt sâu sắc: khủng hoảng hiện tại đánh dấu sự kết thúc cho một kỷ nguyên phình đại tín dụng với đồng đô la Mỹ là đồng tiền dự trữ quốc tế. Trong khi những khủng hoảng theo chu kỳ là một phần của chu trình bùng vỡ (boom-bust); thì khủnghoảng hiện tại lại là đỉnh điểm của một pha bùng phát đã kéo dài trong hơn hai mươi lăm năm.

Để hiểu được điều gì đang diễn ra, chúng ta cần một mô thức mới. Mô thức thịnh hành quan niệm rằng thị trường tài chính luôn có khuynh hướng tự trở về trạng thái cân bằng là quan niệm sai lệch; nói chung chúng ta có thể quy những rắc rối hiện nay cho chính việc hệ thống tài chính quốc tế lâu nay đã bị phát triển dựa trên mô thức đó.

Là nhân vật số một trong giới tài chính, George Soros được coi là người “một tay che cả bầu trời”, là người có thể làm mất giá bất kỳ một thứ tiền tệ nào trên thế giới, hoặc thậm chí gây ra những cuộc khủng hoảng kinh tế với qui mô toàn cầu.

Trong Mô thức mới cho thị trường tài chính, Soros đã dùng kinh nghiệm và lí luận của mình để phân tích một cách sâu sắc và thẳng thừng cuộc khủng hoảng hiện tại, đồng thời dự đoán cho cả tương lai.

George Soros đã làm được một việc vô giá: Giúp chúng ta hiểu rõ về cuộc đại khủng hoảng tín dụng và ảnh hưởng của nó lên kinh tế toàn cầu.

Giả kim thuật tài chính

George Soros là một trong những nhà đầu tư sinh lợi và tài năng bậc nhất của thế giới hiện đại. Được tuần báo tài chính nổi tiếng của Mỹ BusinessWeek gọi là “người đàn ông khuynh đảo thị trường”, Soros đã trở thành tỷ phú chỉ với những đồng vốn ít ỏi và vẫn hoạt động trong ngành tài chính cho tới ngày nay.

Trong bản đặc biệt của cuốn sách đầu tư kinh điển Giả kim thuật tài chính, Soros đã giới thiệu lý thuyết cũng như thực hành của những xu hướng tài chính và công thức mới để hiểu thị trường tài chính ngày nay. Bản mở rộng của cuốn sách liệt kê chi tiết các hoạt động đầu tư cải tiến của Soros cùng với quan điểm của ông về thế giới và trật tự thế giới.

Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu

Trong cuốn sách “Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản toàn cầu” (The Crisis of Global Capitalism), có phụ đề là “Xã hội mở bị hiểm nguy , G. Soros đã “nỗ lực đặt nền móng cho một xã hội mở toàn cầu”. Ông viết: “Chúng ta sống trong một nền kinh tế toàn cầu, những tổ chức chính trị của xã hội toàn cầu của chúng ta, buồn thay, lại không đầy đủ. Chúng ta hoàn toàn không có khả năng giữ gìn hoà bình và hành động đáp lại những thái quá của các thị trường tài chính. Nếu không có những sự kiểm soát này, nền kinh tế toàn cầu có thể sụp đổ”. Chính vì vậy “để ổn định và điều tiết một nền kinh tế thực sự toàn cầu, cần một hệ thống toàn cầu về việc ra quyết định chính trị. Nói gọn lại, chúng ta cần một xã hội toàn cầu để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu của chúng ta… Cần phải cố gắng tạo nên một liên minh với các dân tộc có cùng suy nghĩ để thiết lập các luật và các thiết chế cần thiết cho việc giữ gìn hoà bình, tự do, thịnh vượng và ổn định. Các luật và thiết chế này là gì, điều đó không thể quyết định một lần là xong với mọi người; điều chúng ta cần là đưa vào hoạt động một quá trình hợp tác, lặp đi lặp lại- quá trình sẽ xác định lý tưởng xã hội mở- một quá trình trong đó chúng ta công khai thửa nhận những sự không hoàn hảo của hệ thống tư bản chủ nghĩa toàn cầu và cố gắng học từ những sai lầm của chúng ta”.

Xã hội Mở [Cải cách Chủ nghĩa tư bản Toàn cầu]

Ý kiến về Soros rất khác nhau. Có người lên án ông như kẻ thao túng thị trường chứng khoán, kẻ gây ra khủng hoảng tài chính, kẻ tham gia lật đổ. Nhiều người ca ngợi ông như một thiên tài tài chính, người làm từ thiện lớn nhất hành tinh. Ông cho mình là người duy nhất trên thế giới đi ngăn chặn khủng hoảng một cách có mục đích và có tổ chức. Cuốn sách này sẽ giúp bạn đọc hiểu kĩ hơn về ông và về các ý tưởng của ông.

Người ta nói nhiều về hội nhập kinh tế về nền kinh tế toàn cầu. Cơ chế thị trường đã thành công xuất sắc trong giải phóng tài năng kinh doanh và tạo ra của cải. Chủ nghĩa tư bản dựa vào cơ chế thị trường. Nếu chỉ dựa vào cơ chế thị trường và nhấn mạnh thái quá đến các giá trị thị trường, chủ nghĩa tư bản không thể đảm bảo tự do, dân chủ, và pháp trị; có thể, và nó đã dẫn đến những thảm hoạ như hai cuộc Chiến tranh Thế giới, các cuộc khủng hoảng tài chính. Vì sao chúng xảy ra? Làm sao có thể tránh được những thảm hoạ như vậy, hay chí ít làm nhẹ bớt tác động tai hoạ của chúng? Đó là những vấn đề Soros quan tâm. Và xã hội mở là một xã hội có thể làm được điều đó.

Khái niệm “Xã hội mở” được Henri Bergson dùng đầu tiên năm 1932, và Karl Popper phát triển và làm cho khái niệm được biết đến rộng rãi trong công trình triết học của ông xuất bản năm 1943. Soros chịu ảnh hưởng mạnh của Karl Popper. Cả trên lĩnh vực thực tiễn và triết lí ông không ngừng cổ vũ cho xã hội mở.

Theo Bergson, xã hội được tổ chức theo các nguyên lí bộ lạc là xã hội đóng; xã hội được tổ chức theo các nguyên lí phổ quát là xã hội mở. Theo Popper, xã hội mở bị đe doạ bởi tất cả các hệ tư tưởng cho là mình có chân lí cuối cùng. Soros đồng ý. Các hệ tư tưởng bộ lạc không còn được coi là cơ sở để tổ chức xã hội hiện đại, và sau Chiến tranh Thế giới II và nhất là sau 1989, các hệ tư tưởng cho là mình có chân lí cuối cùng đã mất uy tín, chủ nghĩa tư bản hiện đại là biểu hiện bị méo mó về xã hội mở. Xã hội mở, theo Soros, dựa vào sự thừa nhận rằng chân lí cuối cùng là ngoài tầm với của con người, dựa vào tính có thể sai của con người, dựa vào sự thừa nhận là những kiến trúc do con người tạo ra nhất thiết có sai sót một cách cố hữu; nó là một xã hội dựa trên các nguyên lí phổ quát song không bao giờ hoàn hảo, luôn mở ra cho sự cải thiện. Ông phát hiện ra sự không đồng bộ giữa nền kinh tế toàn cầu và dàn xếp chính trị toàn cầu, sự tồn tại của các quốc gia có chủ quyền. Ông kiến nghị lập liên minh xã hội mở để thúc đẩy phát triển xã hội mở ở từng nước và đặt nền móng cho một xã hội mở toàn cầu.

Cuốn sách có thể bổ ích cho các học giả, các nhà hoạch định chính sách, và tất cả những ai quan tâm đến những vấn đề chính trị và kinh tế thế giới.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button