List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Linda Lê

Sách của Linda Lê nói về cái chết, như nói về tình yêu, về khát khao, về nỗi sợ tồn tại trên đời, về hạnh phúc được khám phá người Khác, được đắm chìm trong sách vở, được tự tạo cho mình cả một thế giới thông qua văn chương, vốn cũng dạy ta khả năng chịu đựng và mang lại cho ta mong muốn không ngừng tự đặt ra các thách thức..

Vượt Sóng

Xem giá bán

ANTOINE SOREL – văn sĩ tài năng nhưng không ăn khách, sinh ra và lớn lên ở thành phố cảng Le Havre, trong một gia đình thuộc tầng lớp lao động nghèo, ông là cháu nội của một lính thợ Việt Nam, bị cưỡng ép sang Pháp lao động khổ sai trong Thế chiến thứ Hai. Sorel khó hiểu, Sorel lập dị, Sorel như một kẻ xa lạ lưu lạc nơi cõi trần, xa lạ với gia đình, xa lạ với người vợ trẻ tha thiết yêu mình, khép kín tâm hồn với cả với người tình, bạn bè, anh em… Sorel luôn là một ẩn số với những người chung quanh.

Câu chuyện bắt đầu khi một phóng viên trẻ được tòa soạn cử đi công tác ở thành phố cảng Le Havre, tình cờ đọc được một cuốn tiểu thuyết hết sức ấn tượng của Antoine Sorel. Đúng vào thời điểm anh hội ngộ với Sorel, được Sorel khai sáng qua sách vở, thì cũng chính tại thành phố Le Havre này, Sorel nhảy lầu, tự kết liễu cuộc đời… Bàng hoàng trước cái chết của nhà văn, anh quyết định điều tra để biết thêm về Antoine Sorel…

VƯỢT SÓNG còn là tác phẩm mà Linda Lê gửi gắm nhiều tâm sự của một người viết về công việc của mình, về con người và hoàn cảnh xã hội chung quanh và vai trò của văn chương với mỗi bản thể. Văn chương như một chiếc phao trong cuộc sống, là điểm tựa của những kẻ bị hủy hoại lưu đày, là chốn bình yên của những tâm hồn nổi loạn…

Sóng Ngầm

Xem giá bán

Bốn nhân vật, mỗi người một giọng kể, mỗi người một tâm tư. Họ bị ràng buộc với nhau bởi một câu chuyện và bởi Lịch sử. Bức thư của Ulma như một con sóng ngầm mang sức mạnh hủy diệt dội lên từ lòng biển tưởng yên bình bao năm, ập vào từng nhân vật, bắt họ phải đối mặt với thực tế, đối mặt với câu chuyện đời mình. Chiến tranh, lưu vong, quá khứ muốn chôn chặt, những tiếc nuối, nhớ nhung, bội phản…

Với tiểu thuyết này, Linda Lê dường như có một sự đổi khác, từ chỗ luôn giấu mình tới chỗ muốn phơi bày một phần nội tâm, như để tưởng niệm nơi chốn đã nuôi dưỡng, “cứu vớt” mình. Nhưng có một điều không hề suy suyển: bút lực dồi dào và vốn từ vựng thượng thừa của một bậc “phù thủy ngôn ngữ”.

“Linda Lê sở hữu biệt tài sáng tạo những kết hợp từ quý và hiếm, có khiếu đặc biệt với thứ ngôn ngữ bị quên lãng. Cũng như các nhân vật, từng từ ngữ của Linda Lê xuất hiện, thể hiện sự độc lập và độc đáo của mình. Đó chính là những điều tạo nên một nhà văn tài năng hiếm có.”

– Télerama

“Linda Lê trở lại với những gì tốt nhất của mình qua Sóng ngầm, cuốn sách khám phá theo cách thật thông minh những rắc rối trong mối quan hệ gia đình, nguồn cội, ngôn ngữ và sự cách biệt văn hóa…”

– L’Express

Tiếng Nói

Xem giá bán

Linda Lê là tác giả đòi hỏi người đọc “động” nhiều hơn là chỉ nhìn xuống những trang chữ. Cuốn sách mỏng, nhưng bề dày của nó thật đáng nể. Linda Lê là một nhà văn không những đầy sáng tạo mà còn là một nhà văn can đảm nhìn lại ngôn ngữ và quê hương như một sự bất toàn của chính mình.

Linda Lê là một nhà văn rất xa lạ nhưng lại rất gần gũi với chúng ta. Rất xa lạ vì cô là một nhà văn Pháp, với một cách viết thôi miên, kỳ diệu, đôi khi quái đản, khác hẳn những nhà văn Việt Nam. Thế giới Linda Lê là thế giới của độc thoại. Cô viết trong đường cụt. Kể cả Dương Nghiễm Mậu cũng không nội tâm, không tức tưởi, không ngộp thở như Linda Lê… Cô chịu ảnh hưởng của một số nhà văn tây phương, Ingeborg Bachman, chẳng hạn, hay Thomas Bernhard, nhưng ảnh hưởng lớn nhất của cô là ảnh hưởng của lý lịch. Cô thừa hưởng những bất hạnh của một dân tộc cực kỳ bất hạnh. Lý lịch ám ảnh, tra tấn cô. Chính vì thế mà Linda Lê thật gần gũi với chúng ta.

Thư Chết

Giờ phút xếp lại những bức thư của người cha vừa khuất là dịp để con gái thổ lộ nỗi đau giằng xé tâm can vốn kìm nén suốt hai mươi năm trời cha con xa cách. Gọi là Thư chết bởi thư gửi tới người quá cố, cũng chính vì thế mà không bao giờ đến được tay người nhận, dù cho từ ngòi bút của Linda Lê đã chảy ra thứ mực nhuốm màu day dứt, tiếc nuối, dù cho từ đáy tim đứa con lưu lạc ấy đã nhỏ ra những giọt nước mắt khô cằn thay cho một lời tạ lỗi muộn màng.

Lá thư giống như lời thỉnh cầu âm thầm trước vong linh người cha, hiển hiện qua những dòng chữ không chút hoa mỹ là một khao khát mãnh liệt được giành đoạt lại, được nối kết, được hàn gắn thêm lần nữa. Giá thử hồi sinh là điều có thể thông qua việc viết, thì chắc chắn Linda Lê đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh điên rồ ấy.

Lại Chơi Với Lửa

Linda Lê sở hữu một quyền năng bí hiểm của nhà văn: dùng các từ và các câu làm rạn nứt và xô lệch bề mặt mọi sự vật hay ý thức con người mà chúng cảm thấy xứng đáng được chạm tới. Cõi thế giới của Lại chơi với lửa hay những tác phẩm khác của Linda Lê u tối khó lường, chỉ biết rằng rất có khả năng càng đi thêm sự u tối sẽ càng dày đặc hơn. Thế nhưng cái đẹp của văn chương sẽ kín đáo mà ngạo nghễ hiện ra từ những tăm tối ấy, mạnh mẽ hơn mọi thứ đèm đẹp của câu từ mà người ta vẫn gặp ở khắp mọi nơi.

Vu Khống

“Cho bí mật của phòng 406”: Câu đề từ của Vu khống đưa chúng ta thẳng vào bầu không khí kề cận, thậm chí là ở bên trong, của sự điên. Nhân vật người điên là một kẻ da vàng, một tên Chà Chệt lần lượt mang biệt danh “Mặt-Khỉ”, rồi “Chệt-Khùng”, hắn lẩn quất trong các thư viện với một tham vọng điên khùng: trở thành “gã Chà Chệt viết văn bằng tiếng Pháp”. Nhưng quá khứ đã đuổi kịp hắn dưới hình thức một bức thư, và căn phòng bí mật của hắn bị xâm nhập, bị thu hẹp không gian bởi một thứ khiến hắn có cảm giác kinh tởm xen lẫn trông chờ thầm kín: Sự quan tâm. Đứa cháu gái của hắn (cũng viết văn bằng tiếng Pháp) làm thế giới tưởng chừng đã hoàn toàn đông kín của hắn bỗng có những cơn chao đảo không ngờ, dù mong muốn duy nhất của hắn chỉ giản đơn: “tôi với đống sách sẽ là một”.

Thêm lần nữa một nhà văn, tiếp sau Anton Tchékhov của Phòng số 6 và Jean-Paul Sartre của Buồn nôn, dùng văn chương để đi vào cái thế giới của người điên, và thế giới ấy lại có thêm cho mình một tác phẩm văn chương bậc thầy, ký tên Linda Lê.

– “Linda Lê sử dụng ngôn ngữ như một mũi khoan vào nơi sâu thẳm nhất của chúng ta. Bị ném lên đường ray mà cô đặt ở đó, độc giả bị nhấn chìm vào giữa lòng bóng tối, trong cơn say của một khoái cảm kỳ lạ” – Le Matricule des Anges.

Vnwriter

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 30, 2019 | Lần cập nhật cuối: Tháng Sáu 30, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button