List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Ma Văn Kháng

Với nhiều tác phẩm có giá trị văn học cao, cả về nội dung, tư tưởng và nghệ thuật, sách của Ma Văn Kháng đón nhận hàng chục giải thưởng cao quý, có quyển còn được lựa chọn biên soạn trong sách giáo khoa lớp 3, lớp 5 và lớp 12. Có thể nói tên tuổi và tác phẩm của ông đã sống mãi trong lòng bạn đọc ở trong và ngoài nước.

Mùa Lá Rụng Trong Vườn

Xem giá bán

Mùa Lá Rụng Trong Vườn là tác phẩm nổi bật của nhà văn Ma Văn Kháng. Tác giả đã chia sẻ: Cuộc sống là vô cùng. Nghệ thuật từng thời đoạn là có hạn. Ngày nay, nếu bạn đọc gấp lại cuốn sách này sau khi đọc xong trang cuối, gật gù nói rằng: “À, thì ra cái cảnh sống trong gia đình thời hậu chiến cách đây hơn ba mươi năm nó là thế đấy” thì tôi đã vô cùng sung sướng và biết ơn rồi. (…) Mỗi cuốn sách hay đều là nơi lưu giữ bóng hình của cuộc sống đã qua không bao giờ trở lại.

Bên cạnh đó, nhà văn Hồ Anh Thái cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến quyển sách này qua những lời chia sẻ: “Khi cầm cuốn tiểu thuyết mới của anh, Mùa lá rụng trong vườn, tôi không thể bỏ xuống và đã đọc một mạch. Vấn đề gia đình trong xã hội hiện đại cũng đang là vấn đề làm trăn trở nhiều người có tấm huyết. (…) Trăn trở với những điều mọi người đang day dứt, với một thái độ xây dựng, thái độ có trách nhiệm. Đó là một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công của tác phẩm. Và tôi nghĩ Mùa lá rụng trong vườn là một cuốn tiểu thuyết thực sự bổ ích trong những năm gần đây.”

Đám Cưới Không Có Giấy Giá Thú

Xem giá bán

G.S Phan Cự Đệ chia sẻ rằng: “Ma Văn Kháng đã viết về cái “bi kịch vỡ mộng” của “một bữa tiệc dang dở, một đám cưới không thành, một cuốn sách hay để lầm chỗ” đó một cách rất tâm huyết, với tất cả suy nghĩ và trăn trở, niềm khát vọng và nỗi đau của một nhà văn trước thời cuộc, trước tình trạng xuống cấp về trình độ tư duy và phẩm chất đạo đức ngay trọng một số người tự cho mình là cán bộ lãnh đạo, là trí thức hoặc kỹ sư tâm hồn.”

“Đám Cưới Không Có Giấy Giá Thú là một cuốn sách hay và rất tích cực. Nó nằm trong dòng vận động chung của sáng tác hiện nay theo một xu thế tốt: tính thế sự mạnh mẽ. Từ sự thật được phơi bày trong văn học gợi cơ sở để suy nghĩ những vấn đề lớn của xã hội. Đã qua rồi thời kỳ mà người viết không dám nói sự thật.” – Lời tâm sự chân thành, mộc mạc của nhà văn Nguyên Ngọc về tác phẩm.

Chuyện Của Lý

Xem giá bán

Chuyện Của Lý được xây dựng bằng bút pháp hiện thực, lãng mạn trên nền bối cảnh vốn là thế mạnh của Ma Văn Kháng – một không gian miền núi thơ mộng và giàu bản sắc.

Chuyện với nhân vật chính là Lý, một cô bé ra đời trong hoàn cảnh éo le, giữa những năm tháng khốn khó nhưng lại được lớn lên giữa tình yêu thương của mẹ, của xóm làng và đặc biệt là được bồi đắp về nhân cách nhờ chính bố đẻ và bố dượng. Cùng với học vấn và nỗ lực tự rèn đúc, Lý hiện lên qua ngòi bút của nhà văn như “một mầm sống hồn nhiên và tràn đầy sinh lực trong dòng chảy lịch sử”.

Bài Ca Trăng Sáng

Xem giá bán

Tập truyện ngắn giới thiệu bốn sáng tác mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng viết về cuộc sống, tình cảm của người dân miền núi phía Bắc Việt Nam: Con Clếch của tôi, Bài ca Trăng sáng, Thím Hoóng, Vợ chồng Mìn và những đứa con.

Dù ở bản người Dao, trong gia đình người Phù Lá, là nhà người Tày hay người Hoa, dù trải qua mất mát, đau khổ, hi sinh nhưng sau hết tình người, tình đời vẫn gắn kết những số phận bên nhau và giúp họ cùng vượt qua mọi biến cố để sống cuộc sống lạc quan, tràn đầy tin yêu.

Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe

Xem giá bán

Đồng Bạc Trắng Hoa Xòe được xem là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Ma Văn Kháng, viết về lịch sử Lào Cai từ năm 1945 đến cuối năm 1947, khi giặc Pháp trở lại xâm chiếm vùng đất này. Cuốn sách xoay quanh câu chuyện về một số cán bộ cách mạng thực hiện cuộc viễn hành quả cảm và lãng mạn đến các thổ ty miền Đông của tỉnh, đem tiếng nói của cách mạng đến với bà con các dân tộc đang trong vòng tù ngục của chế độ thổ ty cha truyền con nối. Mục đích của những người cách mạng là đập tan bè lũ phản động Việt gian Quốc dân Đảng, thiết lập chính quyền cách mạng, gấp rút chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Cuốn sách được viết năm 1970, sau rất nhiều năm tháng tác giả làm việc, sống và gắn bó với thiên nhiên và con người Tây Bắc.

Người Thợ Mộc Và Tấm Ván Thiên

Xem giá bán

Mười chín tuổi, thầy Quang Tình người miền xuôi xung phong lên dạy học ở một tỉnh miền núi. Ra đi như “cờ bay trong gió, như lửa thốc trong lò”, người thanh niên nọ đã đem hết niềm say mê lý tưởng, cuộc đời để làm công việc mang đến ánh sáng văn hóa cho con em các dân tộc. Sau một thời gian dạy học ở các làng bản, do đã tích lũy được nhiều kinh nghiêm và có uy tín trong nghề nghiệp, thầy Quang Tình được điều về dạy học ở trường Bổ túc Văn hóa Công Nông, nơi chuyên dạy văn hóa cho các cán bộ xã cơ sở nông thôn miền núi của tỉnh. Đứng đầu cơ sở giáo dục này là một người thô bạo, có thiên kiến nặng nề với những ai xuất thân từ các tầng lớp khác không phải là công nông. Giữa hai người bất đồng nối tiếp bất đồng, và kết quả là thầy Quang Tình bị sa thải, phải ra khỏi ngành. Vợ thầy cũng bị liên lụy.

Ra khỏi ngành, nghề nghiệp không, tiền bạc không, đất đai không, lại vợ dại con thơ, sống thế nào đây? Thầy Quang Tình, sẵn ý chí bất khuất, bắt tay vào công cuộc mưu sinh vô cùng gian khó. Sau một thời gian phải làm cả những công việc nguy hiểm và bẩn thỉu, thầy quyết định học nghề mộc. Sẵn ý chí không chịu thua hoàn cảnh và tố chất khéo léo, cùng với lòng kiên trì, ham học hỏi, lần lần thầy đã nắm vững được kỹ thuật nghề mộc, vượt qua được tình trạng bị dồn vào bước đường cùng, nuôi được vợ con.

Tuy nhiên quan trọng ở đây là thầy đã tìm ra con người mình. Tìm ra ở chính cái cuộc sống mà thầy đã rơi xuống. Sau những gì qua đi, còn lại là cốt cách thanh tao, nhân cách cao cả của thầy…

Xa Xôi Thôn Ngựa Già

Xem giá bán

Tập truyện vừa Xa xôi thôn Ngựa Già của nhà văn Ma Văn Kháng một lần nữa cho người đọc thấy cái nhìn đa chiều về những mặt tích cực cũng như tiêu cực của đời sống xã hội.

Nhà văn không ngại đào sâu đến những khía cạnh gai góc của hiện thực như con đường tiếp nhận tôn giáo hãy còn nhiều chông gai, thử thách của người dân tộc thiểu số; những mâu thuẫn giữa sự cống hiến hết mình cho cách mạng, cho đất nước với hạnh phúc riêng của mỗi con người; hay những ảo tưởng về vai trò cá nhân đến nỗi trở thành “hoang tưởng như một chàng hiệp sĩ đã lạc thời”…

Một chiều dông gió

Xem giá bán

“Một chiều giông gió” của tác giả Ma Văn Kháng là câu chuyện về cuộc sống của những chàng trai đồng quê vào công nhân đường sắt, đời sống nơi làm việc của các anh tách biệt với cuộc sống xung quanh “Karaoke là gì không biết. Đĩa CD là cái chi không hay. Bãi biển ngày hè quán nhậu là thế giới ngoài ta. Ngày hè lễ tết không. Cả năm không một tấm ảnh chụp, báo chí không. Liên hệ với cộng đồng chỉ một cái đài bán dẫn chạy pin”.

Bóng đêm

Xem giá bán

“Bóng đêm” tái hiện lại bức tranh về cuộc đời sinh động được kết hợp rất linh hoạt giữa bút pháp hiện thực với suy tưởng lãng mạn, đôi chỗ có đan cài những chi tiết “s*x”, những chi tiết đẹp về tình yêu cũng là cách lựa chọn độc đáo của tác giả để tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm. Nếu ai đó có tham vọng đi tìm sự thật trong “Bóng đêm” so với vụ việc đã xảy ra ngoài đời như thế nào để đánh giá mức độ chân thực của tiểu thuyết thì quả là vô ích. Bởi hiện thực ở đây chỉ là đường viền, là cái khung cho bức tranh tưởng tượng, sáng tạo của tiểu thuyết. Sau tất cả những gì đã xảy ra trong cuộc đời các chiến sĩ, một hệ luận kiêu hãnh và cũng thật xót xa có thể chín muồi, xuất hiện trong tác phẩm: Những con người mang sứ mệnh đối diện với bóng đêm, chống lại tội ác, có mặt trên đời này không phải để ra lộc ra hoa mà còn để mang thương tích. Trước khi cài hoa trên ngực thì cũng có không ít những Trừng, Nhâm đã đối diện với cái chết, sự mất mát, phải đau đớn dằn vặt về thể xác…

Một Mình Một Ngựa

Xem giá bán

Một Mình Một Ngựa là hình ảnh một chiến sĩ cách mạng hiên ngang, oai hùng, một hình tượng giàu tính thẩm mỹ. Bí thư tỉnh ủy một mình một ngựa đi đến các vùng thổ ty phong kiến thuyết phục họ theo chính phủ Trung ương. Nhưng hình tượng đó, trong bản thân nó cũng đã hàm chứa mặc cảm cô đơn rồi. Ông quyết định một mình xông pha trong cuộc đối đầu với đối phương thời khởi đầu cách mạng, một mình đương đầu với khó khăn trong xây dựng. Nhưng ông cũng cô độc biết bao trong cuộc sống, trong việc bảo vệ chân lý, trong quan hệ với người vợ của mình… Một mình một ngựa – vừa oai vũ vừa đơn côi, là thân phận của tất cả các cá thể có ý thức về giá trị của mình.

Gặp Gỡ Ở La Pan Tẩn

Xem giá bán

Nếu ở những chương đầu của Đồng bạc trắng hoa xòe, ông tuân thủ lối viết của người kể chuyện biết hết, tác phẩm bị lấn át bởi một giọng điệu kể thì đến Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, tiểu thuyết của Ma Văn Kháng đã là một thực thể sinh động biết bao: tác phẩm có nhiều tầng lớp ý nghĩa, chứa nhiều ẩn dụ nghệ thuật, hư và thực, tiềm thức, vô thức đan cài với ý thức sáng rõ có chủ đích; thế giới hiện thực hiện hữu và thế giới tâm linh, huyền thoại bổ sung vào nhau, nhòe mờ các ranh giới, mà tư duy trừu tượng muốn phân định rạch ròi.

Tác phẩm là sự tổng hợp, sự thu hút vào nó những thủ pháp của tiểu thuyết tư liệu – nghiên cứu, tiểu thuyết tự thuật và kỹ thuật dòng ý thức, bút pháp tượng trưng, v.v…

Mùa Thu Đảo Chiều

Xem giá bán

“Có thể nói đến một thương hiệu Ma Văn Kháng từ tiểu thuyết Mưa mùa hạ trở về sau, làm nên một dấu ấn riêng, khu biệt với nhiều người. Một chất liệu hiện thực kiểu Ma Văn Kháng. Một cách khai thác kiểu Ma Văn Kháng. Một giọng điệu riêng và ngôn ngữ riêng của Ma Văn Kháng. Đặc biệt là ngôn ngữ. Nếu muốn tìm đến sự phong phú của ngôn ngữ – áp cận đuợc vào thì hiện tại tôi nghĩ cần đọc Ma Văn Kháng. Và truớc đó – Tô Hoài. Đó là hai trong số ít người viết có được cả một kho chữ thật rủng rỉnh để tiêu dùng. Và do có cả một cái kho, nên anh là người không ưa dùng nhũng chữ mòn; và ít khi làm cho mòn chữ. Dẫu là quen hoặc lạ, chữ nghĩa khi đã qua tay Ma Văn Kháng là cứ ánh chói lên cái nội lực bên trong của nó”.

Phút Giây Huyền Diệu

Xem giá bán

“Dạo ấy tôi công tác ở Lào Cai. Lào Cai, tỉnh địa đầu của đất nước. Một vùng địa lý nhân văn đặc sắc của hai mươi bốn dân tộc anh em. Một bảo tàng còn lưu giữ gần như toàn vẹn không khí và hiện vật của lịch sử thời hiện đại.

Lào Cai, miền biên viễn xa xăm với những câu chuyện li kỳ gợi hứng cho các nhà văn viết tiểu thuyết đường rừng mạo hiểm. Lào Cai có cây cầu Hồ kiều, tương truyền là nơi Phạm Duy đã ngồi viết bản nhạc Bên cầu biên giới, lại cũng là phối cảnh của một truyện ngắn xuất sắc của Thế Lữ. Lào Cai, những ngày cuối năm 1946, kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ, nghe nói Văn Cao đã lên đây, làm việc ở quán bar có tên là Biên Thùy, tay gẩy đàn guitare, gài súng ngắn revolver ở thắt lưng, trong vai một tình báo viên. Còn cuối năm 1950, kết thúc chiến dịch Biên giới giải phóng Lào Cai, Trần Dần, Lê Đạt đã ngồi ở đầu cầu Cốc Lếu uống rượu vang chiến lợi phẩm đọc thơ siêu thực và bàn về thơ Việt hiện đại. Trong khi, cách đầu cầu Cốc Lếu hai cây số là thôn Vạn Hòa, đất trồng cam quýt và hoa, đêm ấy công diễn vở kịch Đêm Lào Cai của Hoàng Cầm. Mê say những câu chuyện thời tiễu trừ thổ phỉ, Hải Hồ cũng đã đến thị trấn Bắc Hà, đứng trước tòa dương cơ của thổ ty Hoàng Yên Chao, trầm ngâm nhà văn nói với tôi rằng: Mảnh đất này đang giấu một cuốn tiểu thuyết sử thi trường thiên!”

(Ma Văn Kháng)

Bãi Vàng Và Những Chuyện Tình Nho Nhỏ

Xem giá bán

Tập sách chọn lọc 15 truyện ngắn của nhà văn Ma Văn Kháng, viết về tình yêu và người phụ nữ trong tình yêu. Với bút lực dồi dào của một cây bút văn xuôi lão luyện đã đoạt nhiều giải thưởng văn học lớn của quốc gia và khu vực, mỗi truyện ngắn của Ma Văn Kháng luôn có sức nén dầy dặn của đời sống, chứ không chỉ dừng ở định lượng “nhát cắt” của thể loại này. Truyện ngắn của ông sống động và ngồn ngộn chất đời thường, ngay cả khi viết tập trung về đề tài lãng mạn là tình yêu. Dưới ngòi bút Ma Văn Kháng, “Tình yêu, cái thứ tình cảm cao siêu ấy trước nay cứ tưởng nó chỉ là thứ sở hữu đặc quyền của những ông hoàng bà chúa, của những công tử tiểu thư, của các bậc đại gia, các đấng thượng lưu trí thức, của những kẻ có học, chí ít cũng là của những kẻ có cơm no áo ấm, gia cảnh đề huề. Cứ tưởng nó là thứ đặc sản của một đời sống tinh thần thuộc đẳng cấp cao. Hoá ra là không phải. Hoá ra nó còn là thứ tình cảm của Thị Nhi và Nhóc Giẳng, hai cái cá thể bất thành nhân dạng, thuộc tầng lớp dưới đáy xã hội, những kẻ sống lam lũ, lầm than, cơm chẳng đủ no, áo chẳng đủ ấm, bị coi là hạng tiện dân, không ai thèm để tâm tới. Tình yêu! Hoá ra nó là tài sản chung của nhân loại. Nó là thuộc tính của những kẻ mang danh tính là con người!” (Trích truyện ngắn Bãi vàng). Với quan điểm giản dị mà nhân văn đó, những nàng thơ trong tập truyện này của ông từ những người bé mọn như cô thanh niên xung phong quá lứa nhỡ thì, người đàn bà góa, ả gái tiêu khiển nơi bãi vàng,… đến những người phụ nữ sang cả trí thức, trưởng giả… đều đắm chìm trong tình yêu hoặc thứ tưởng là tình yêu. Hầu hết các nhân vật nữ của Ma Văn Kháng hừng hực thứ sức sống phồn thực, bản năng; khao khát cháy bỏng được khẳng định bản thân, đến mức đôi khi thành ích kỷ và tàn nhẫn; song sâu thẳm vẫn trở về kiếp đàn bà đa đoan, nhân hậu.

Những chuyện tình trong sách này, người đọc sẽ thấy gần gũi như nó xảy ra ngay trong khu phố mình ở, chuyện nghe kể từ người quen bạn bè; từ bộ phim trên màn ảnh nhỏ… Những câu chuyện xây dựng trên cái phông nền phảng phất không khí xưa cũ thời bao cấp, song những vấn đề tác giả hóm hỉnh ẩn ý lại đậm chất hiện sinh mà người hiện đại trong những mối quan hệ hiện đại đều ít nhiều soi thấy mình trong đó.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button