List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Mạc Ngôn

Sách của Mạc Ngôn vừa tàn nhẫn vừa gợi cảm, là sự pha trộn giữa các yếu tố huyền ảo, hiện thực, lịch sử và xã hội. Bút danh Mạc Ngôn của tác giả mang một ý nghĩa thật lạ, dịch ra có nghĩa là “Đừng nói”.

Ếch

Xem giá bán

“ẾCH” do NXB Văn nghệ Thượng Hải xuất bản, vừa phát hành tại Trung Quốc vào những ngày cuối tháng 12.2009, đã nhanh chóng thu hút đông đảo độc giả Trung Quốc và dấy lên làn sóng tò mò háo hức của độc giả nhiều nước vốn mê thích truyện của Mạc Ngôn.

Cuốn sách xoay quanh cuộc đời và công việc của nhân vật chính – một nữ bác sĩ chuyên đỡ đẻ ở khắp nông thôn Cao Mật, phải chuyển sang nghề thắt ống dẫn tinh cho nam giới và nạo phá thai. Đây là một đề tài cực kỳ hiếm hoi trong văn học, được nhà văn Mạc Ngôn miêu tả vô cùng khéo léo và đầy kịch tính. Cuốn sách như một bức tranh xã hội sâu sắc ở Trung Quốc, phản ánh được những tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm tới cuộc sống của người dân nước này. 

Cao Lương Đỏ

Bối cảnh câu chuyện là những năm 1920 và 1930 tại miền quê Cao Mật ở miền Nam Trung Hoa. Câu chuyện được kể từ ngôi thứ nhất, với nhân vật chính là bà nội của người kể truyện. Cô gái trẻ đầy khát vọng yêu đương đã bị gả cho một người đàn ông mắc bệnh phong. Ngày lên kiệu hoa, cô gái đầy chán chường ấy đã gặp và say mê một trong những người phu kiệu khỏe mạnh, mà sau này đã trở thành tư lệnh Dư Chiêm Ngao, người anh hùng phục kích đoàn xe Nhật. Ngày hôm ấy chính anh đã cứu cô khỏi tay bọn cướp.

Hai ngày sau ở nhà chồng, cô thức trắng với con dao trong tay. Ngày thứ ba được trả về, người phu kiệu đã cướp cô chạy vào rừng cao lương đỏ. Ba ngày hạnh phúc trong rừng đã đem lại cho cô một đứa con trai, cha của người kể chuyện.

Năm 14 tuổi, người con trai gia nhập đoàn quân của Dư Chiêm Ngao mà ông vẫn coi là cha nuôi. Người con gái giờ đây đã là người thiếu phụ, ngày ngày vẫn làm bánh đem ra chiến trường khao quân. Trong một lần gánh bánh gặp đúng lúc xe giặc đang đi qua, bà đã hy sinh. Trước khi chết bà nói cho con trai biết về người cha thật sự, và ra đi nhẹ nhàng trên đệm cây cao lương, nơi đã chứng kiến tình yêu và hạnh phúc của bà.

Báu Vật Của Đời

Truyện dài Báu vật của đời khái quát cả một giai đoạn lịch sử hiện đại đầy bi tráng của đất nước Trung Hoa thông qua số phận của các thế hệ trong gia đình Thượng Quan. Đây là một tác phẩm có sức thuyết phục lớn, được đánh giá là xuất sắc nhất của vǎn học Trung Quốc hiện đại. Ngay từ khi mới xuất bản (tháng 9-1945), tác phẩm đã nhanh chóng trở thành một hiện tượng và luôn đứng ở vị trí đầu trong số những tác phẩm vǎn học ǎn khách nhất hiện nay.

Con Đường Nước Mắt

Con Đường Nước Mắt là một tập hợp những bộn bề đời thường, dục vọng, sống chết được miêu tả tinh tế và trào phúng chỉ với cái “cớ” là việc xây dựng một con đường.

Con đường chỉ là tượng trưng. Không thể biết điểm dừng của nó là ở đâu, nhưng chắc chắn là nó luôn vươn về phía trước, ẩn hiện trong con đường là những bộn bề đời thường về dục vọng và tử vong.

Thập Tam Bộ

Thập Tam Bộ: “Thập Tam Bộ” đã tạm xa vũ đài lịch sử với những cảm nhận về chính trị, những đạn bom khói lửa, máu, nước mắt……để hướng ngòi bút vào một vấn đề có tính thời sự hơn.

Trong Thập Tam Bộ không hề có vũ khí giết người hàng loạt và những chiến dịch đẫm máu nhưng để được sống, con người cũng phải giãy giụa, phải đấu tranh. Nhưng liệu họ có được sống một cách đúng nghĩa hay không? Câu chuyện chỉ diễn ra vỏn vẹn có mười lăm ngày xoay quanh số phận của hai nhân vật chính – Phương Phú Quý và Trương Xích Cầu – hai thầy giáo dạy vật lý ở trường trung học ở một thành phố nhỏ.

Thông qua nhân vật người kể chuyện khó xác định tên tuổi, Mạc Ngôn đã thuật lại những bi kịch đời thường bằng một giọng văn lạnh lùng lẫn chua chát, châm biếm nhưng đầy nhân ái. Thời gian kể chuyện chủ yếu là thời gian hồi tưởng với kết cấu truyện trong truyện, đan xen giữa thực và ảo, giữa hiện thực và giấc mơ, khai thác triệt để những cảm giác lẫn khứu giác, vị giác của nhân vật khi cảm thụ cuộc sống…. Điểm nhìn trần thuật liên tục di động làm tăng thêm tính hoà quyện giữa thực và ảo. Huyền thoại về con chim sẽ đi mười ba bước có vai trò như một định mệnh đối với những bất hạnh mà các nhân vật phải gánh lấy trong cuộc đời vốn chẳng ra gì của họ. Điều đọng lại trong Thập Tam Bộ là, Mạc Ngôn đã gửi một thông điệp đến mọi người – Chúng ta cần phải sống.

Biến

Biến là cuốn tự truyện đầu tiên của Mạc Ngôn, chưa từng được xuất bản bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng đã được chuyển ngữ và xuất bản bằng tiếng Anh. Lần đầu tiên, câu chuyện về cuộc đời của nhà văn được chính thức kể trực tiếp và giản dị. Đọc cuốn sách, không khỏi xúc động khi kỷ niệm đầu tiên được nhắc đến lại là việc “bị xóa tên trong học tịch, đá đít khỏi trường”. Có thể thấy thấp thoáng ẩn ức về nỗi nghèo đói, bị đối xử bất công vì nghèo, cố gắng đi bộ đội để thoát nghèo, những miếng ăn nhọc nhằn đã in dấu quá sâu trong ký ức. Chiếc xe Gaz 51 Liên Xô cũ màu xanh lá mạ, ước mơ của tuổi thơ ông, cứ hiện lên trong từng giai đoạn cuộc đời, như sự ám ảnh chưa bao giờ dứt.

Qua Biến, Mạc Ngôn viết lại những biến chuyển trong đời mình, chắp ghép thành một mảnh gương nhỏ phản chiếu những biến động to lớn của xã hội Trung Quốc trong thế kỷ 20 một cách thấm thía nhất.

Hoan Lạc

…..Một tác phẩm viết về những niềm hoan lạc điên cuồng vào những năm 1987, viết về con đường rời khỏi gia đình không trở lại của một thanh niên. Trong khu rừng rậm rịt, vòng vo, mơ hồ hỗn độn của từ ngữ này, bất cứ lúc nào cũng có thể nghe thấy tiếng gõ cửa của số phận con người….

Đàn hương hình

Đàn hương hình là một tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Mạc Ngôn. Ông viết tác phẩm này vào mùa thu năm 1996 và hoàn thành năm 2001.

Toàn bộ câu truyện bao gồm 3 phần, 18 chương và mỗi chương đều dùng phương thức nhân vật tự thuật, một cách viết khá tiêu biểu của Mạc Ngôn cũng như một số nhà văn Trung Quốc khác. Việc cấu tứ, sáng tác tiểu thuyết này bắt nguồn từ âm thanh, một chất liệu mà Mạc Ngôn hay vận dụng nó trong các tác phẩm của ông. Cụ thể trong tác phẩm này thì đó là hí kịch Miêu Xoang, một loại nhạc dân gian rất thịnh hành ở vùng Đông Bắc Cao Mật.

Tiểu thuyết là một sự tổng hợp về những sự kiện cách mạng, tội phạm, luyến ái… Đàn hương hình cho người đọc biết được cả lịch sử của các hình thức tra tấn tử hình ở Trung Quốc, về lịch sử của hý kịch Miêu Xoang.

Bạch Miên Hoa

Bạch Miên Hoa là thiên sử thi về cây bông và những thân phận con người gắn bó với cây bông, vẫn trên vùng đất Cao Mật, miền quê đã tạo cảm hứng ra đời những tác phẩm lớn nhất của Mạc Ngôn.

Trâu Thiến

Một thiên truyện về những điều bình dị như hoa lá cỏ cây, như sương đêm, như mưa nhỏ… hàng ngày ở nông thôn. Trong sự chất phác ẩn tàng những điều kỳ diệu, trong những tiếng cười lấp lánh những thanh đao…

Người Tỉnh Nói Chuyện Mộng Du

Tập tạp văn “Người tỉnh nói chuyện mộng du”, Nhà xuất bản Văn học xuất bản tháng 2-2008 với hơn 462 trang viết có thể xem là những chuyện “nói thật” của Mạc Ngôn. Qua đó càng thể hiện rõ nét hơn một nhà văn hiện đại của Trung Quốc với cách viết thâm thúy, sắc sảo và lột tả đến tận cùng chữ “chân” trong cuộc sống để đem vào văn chương…

Những ai đã từng… mê Mạc Ngôn qua các tác phẩm: Báu vật của đời (giải nhất về tiểu thuyết của Hội Nhà văn Trung Quốc tháng 12-1995), Cao lương đỏ, Đàn Hương hình (giải Mao Thuẫn), Cây tỏi nổi giận… bây giờ có thể… thỏa thích đọc một loạt ấn phẩm của ông. Trong quý 1 của năm 2008 này, 7 tác phẩm của ông gồm: Tạp văn Người tỉnh nói chuyện mộng du, Con đường nước mắt, Ma chiến hữu, Trâu thiến, Bạch miên hoa, Châu chấu đỏ và Hoan lạc đã được xuất bản bởi Nhà xuất bản Văn học, Công ty Phương Nam phát hành (nhà văn chuyển giao bản quyền cho Công ty Văn hóa Phương Nam). Ở đây, riêng tập tạp văn Người tỉnh nói chuyện mộng du có thể giải đáp được cho độc giả thắc mắc về một Mạc Ngôn “người thật, việc thật” như thế nào.

Theo Mạc Ngôn thì đây là tập tản văn- tùy bút đầu tiên của ông. Tất nhiên là tập hợp những bài viết từ những thập niên 80, 90 của ông chứ không phải mới sáng tác sau này. Mặc dù như ông tự nhận: đây là một “mâm lòng dê” hổ lốn. Rằng “lại nghe nói, viết tản văn tùy bút cần phải có một tâm hồn cao thượng và một lý tưởng tốt đẹp nhưng quả thật cả hai cái này tôi đều không có, cái mà tôi có chẳng qua là tính cách của một kẻ thảo dân và một kiểu cảm thụ cuộc sống có tính chất sinh lý”. Nhưng kỳ thực, có những bài, những đoạn độc đáo, đúng… chất Mạc Ngôn mà nhiều người từng ca ngợi.

Tập sách gồm 25 bài tạp văn trong đó có những bài được ông chia nhỏ để… luận vấn đề cho đến tận cùng như “Ba bài tạp cảm về chuyện ăn” hay “Mười hai bài tạp cảm” để nói về các phương diện của chữ “tiêu sái” (theo ông giải thích là những phương diện của tính cách cởi mở, khoáng đạt, hào hoa, không gò bó gì như nguyên nghĩa của từ này). Chân dung của Mạc Ngôn cũng hiện lên khá rõ trong các bài: Giấc mơ đại học của tôi, Tôi và âm nhạc, Những con cừu và… tôi, Tôi và rượu, Chuyện cũ quê hương, Mộng dài văn chương… Những bài viết ngắn trong tập sách này đều có xuất hiện bóng dáng, suy nghĩ, tính cách con người của Mạc Ngôn. Ông nói thật về những chuyện của quê hương, làng nước mình. Ông đem chuyện ở thôn Bình An, xã Đại Lan, huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông của ông ra mà thuật lại cho độc giả. Nói thật cả chuyện suýt chết lúc 2 tuổi bởi bị rơi vào hố phân (Dòng sông nóng bỏng). Nói thật cả về chuyện háu ăn, thèm ăn đến thành… bệnh của mình. Điều mà theo ông là hậu quả của một quá trình… đói khát. Trong “Ba bài tạp cảm về chuyện ăn”, cái đói của một thời khốn khó (những năm 1959, 1960) ở quê ông được lột tả thật sinh động. Đói đến mức người ta ăn cả rễ cây, vỏ cây, côn trùng… Ông viết: “Mùa xuân năm 1960 là thời kỳ ảm đạm nhất trong lịch sử tồn tại của đời tôi. Những cái gì có thể ăn được đều không còn, rễ cỏ, vỏ cây, cỏ ở hiên nhà cũng đã hết. Trong làng ngày nào cũng có người chết, tất cả đều là chết đói. Ban đầu, thân nhân của người chết còn khóc vài tiếng và khiêng xác ra đầu thôn chôn cất đàng hoàng, sau đó thì không còn sức để khóc nữa…”. Có lẽ vì thế mà ước mơ lớn nhất của ông cũng như người dân ở quê ông chỉ là: được ăn no. Ông cũng nói thật về mình: “Cái tật xấu nhất của thằng tôi là rất mau quên, giống như loài chó, chỉ nhớ đến chuyện ăn mà không nhớ chuyện bị đánh…”. Thế nhưng, ông lại đúc kết rất… cay đắng rằng: “Nếu ăn của người một củ cải mà nhận lấy điều sỉ nhục thì cho dù anh có dùng nhân sâm ngàn năm để rửa, e rằng cũng không rửa hết đâu”.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button