List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Masanobu Fukuoka

Đọc sách của Masanobu Fukuoka bạn sẽ thấy mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có..

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm

Xem giá bán

“Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm” là cuốn sách nổi tiếng của Mansanobu Fukuoka, người khai sinh nông nghiệp tự nhiên của Nhật Bản và thế giới. Cuốn sách (đã được dịch ra 25 thứ tiếng) không chỉ là sự trải nghiệm về cách thức nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên mà còn đem đến cho người đọc những suy tưởng thú vị về triết học, về ăn uống, về y học và cuộc sống.

Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.

Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một – cọng – rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.

Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.

Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.

Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.

Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.

Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.

Gieo Mầm Trên Sa Mạc

Xem giá bán

“Chẳng hề có tốt hay xấu trong số những dạng sống trên trái đất này. Mỗi giống loài đều có vai trò của nó, đều cần thiết và có giá trị ngang nhau.”

“Bước đầu tiên chúng ta phải thực hiện trong việc chống lại sa mạc hóa không phải là bẻ hướng dòng chảy của các con sông, mà là khiến cho mưa lại rơi xuống, việc này liên quan tới tái lập thảm thực vật.”

“Nước mà các sinh vật không còn sinh sống trong đó được nữa thì không còn thực là nước. Đất mà không có cỏ, thì mặc dầu có được gọi là đất trồng nó cũng không phải thực là đất trồng. Đất mà không có cỏ sẽ đánh mất sự kết nối của nó với nước và trở nên khô rang.”

“Một cái cây chẳng thể mọc lên một mình. Chúng ta cần trồng những cây cao, cây cỡ vừa, những cây bụi và cây dưới tán sinh sống cùng với nhau. Một khi hệ thực vật đa loài được tái tạo thì mưa sẽ bắt đầu rơi trở lại.”

Vnwriter

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Sáu 23, 2019 | Lần cập nhật cuối: Tháng Sáu 23, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button