List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Tô Hoài

Tô Hoài thuộc thế hệ vàng của văn chương hiện đại, cùng thời với Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Xuân Diệu, Huy Cận. Nhiều cuốn sách của Tô Hoài khi ra mắt bạn đọc đã trở thành những cơn “địa chấn” một thời như hai cuốn hồi ký Cát bụi chân ai, Chiều chiều hay Miền Tây…

Quê Nhà

Xem giá bán

Quê Nhà là bức tranh tái hiện lại cuộc chiến đấu anh dũng của những anh hùng vô danh, những người mà trước đó tay chỉ quen với việc cấy việc cày việc nhà việc cửa nay lại dũng cảm đứng lên giương cờ nghĩa trong những năm đầu khi thực dân Pháp xâm lược.

Dế Mèn Phiêu Lưu Ký

Xem giá bán

Dế Mèn phiêu lưu ký được xem là những trang văn mẫu mực của văn học thiếu nhi. Dường như mọi câu, đoạn, hình ảnh đều tác động mạnh mẽ đến tư tưởng tình cảm thẩm mỹ của người đọc. Tác phẩm miêu tả cuộc phiêu lưu của một chú Dế Mèn qua thế giới loài vật và loài người. Những vấn đề nóng hổi như là: cái thiện và cái ác, chiến tranh và hòa bình, lí tưởng và lẽ sống được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế mà sâu sắc. Mèn đã trải qua những cuộc phiêu lưu vào thế giới các loài vật, vượt qua cơ man nào là rủi ro và biến cố, nhưng từng bước Mèn vươn lên tự điều chỉnh, tự nhận thức để trở thành con người giàu lí tưởng và ham hiểu biết với bản lĩnh kiên cường của một trai tráng đầu đội trời chân đập đất.

Chúng ta sẽ được lạc vào thế giới loài vật gần gũi, thân thương với toàn những con vật gắn chặt với đời sống thôn quê dân dã như: bác Xiến Tóc, Võ sĩ bọ ngựa, Châu Chấu Voi, Ếch Cốm, Chuồn Chuồn…Tài năng của Tô Hoài thể hiện ở khả năng nắm bắt và mô tả đời sống tâm lí của lứa tuổi thiếu nhi và cả thanh niên. Ông đã “vẽ” nên một thế giới với muôn vàng những tình cảm mới lạ, những ham thích thiết thực và đầy phiêu lưu, những rung động tinh tế trước vẻ đẹp cuộc đời và thiên nhiên.

Chuyện Cũ Hà Nội

Xem giá bán

Chuyện Cũ Hà Nội là một tập ký sự lịch sử về Hà Nội đặc sắc của nhà văn Tô Hoài.

Trong tác phẩm, sự hiểu biết của Tô Hoài về Hà Nội thời Pháp thuộc rất phong phú, đặc biệt, thêm sự quan sát tinh tế, văn chương hóm hỉnh, các mẩu chuyện trong tác phẩm như một bức ki hoạ về một con người, một hoàn cảnh… khiến người đọc rung động vì những tình cảm chân thành, nhân hậu.

Chiều Chiều

Xem giá bán

Chiều chiều là câu chuyện kể ôn lại kỷ niệm của một con người đã đi dọc chiều dài lịch sử. Tô Hoài đưa chúng ta về một làng quê Bắc bộ với những câu chuyện từ “cải cách ruộng đất” rồi “sửa sai”, từ “thời bao cấp”, “làm hợp tác xã” đến “đổi mới sang kinh tế thị trường”… Cả một thời kỳ lịch sử đầy biến động hiện lên chân thực với bao số phận, bao cảm xúc buồn vui lẫn những điều oái ăm, ngang trái….

Đọc Chiều chiều, ta thấy Tô Hoài như chính lão Ngải kia – ngày ngày vẫn ngồi bên bụi tre lép, bên ấm nước chè vò, mắt nhìn xa xăm, nhớ chuyện cũ, người xưa mặc thế thái nhân tình đổi thay…

Những Ngõ Phố

Xem giá bán

Những Ngõ Phố của Tô Hoài vẽ nên bức tranh sinh động, nhiều màu sắc về con người và những ngõ phố Hà Nội. Ở ngõ phố ấy có cô gái nhảy quyết tâm làm lại cuộc đời bằng việc gánh cát thuê, có người vợ đang phải chống chọi lại với những sợ hãi tủi nhục vì chồng mình là lính ngụy, có cuộc sống đơn sơ của đôi vợ chồng sống bằng nghề nhặt rác… Những con người ấy, trong ngõ phố ấy, đã tạo nên ngõ phố của những nhọc nhằn nhưng tràn ngập niềm vui, đầy ắp tình người và mang đậm chất Hà Nội.

Mười Năm

Xem giá bán

Mười Năm đưa người đọc hòa mình vào không khí sục sôi của vùng quê ấy những ngày vùng lên xóa tan xiềng xích. Đó là Mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng Tháng Tám.

Miền Tây

Xem giá bán

Tô Hoài đã dành cho cuốn tiểu thuyết những nét vẽ chân thật và sinh động nhất, với hình ảnh những người con đất Phiềng Sa tình nghĩa đã sống qua hết những vất vả, đau thương, đấu tranh và dựng xây. Khai thác nhiều tư liệu lịch sử, chính trị, quân sự, tác phẩm đã tạo nên những bức tranh đối lập xưa và nay trong cuộc sống, số phận con người Phiềng Sa. Ở đó, hình ảnh con người chưa bao giờ được tác giả tạo nên bằng bút pháp lí tưởng hóa, mà họ luôn chân thật và gần gũi, mang đầy đủ mặt tốt và mặt xấu của một con người bình thường trong đời sống. Chính vì thế, họ đã sống rất lâu và vững bền trong trái tim rất nhiều độc giả Việt.

Khách Nợ

Xem giá bán

Khách Nợ là nét vẽ thực về những con người, những cảnh đời khốn cùng ở làng quê nghèo ngoại thành Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám. Với cách kể chuyện bình dị, nhẹ nhàng, không màu mè, hoa mỹ, từng câu chuyện, từng số phận cứ từ từ xuất hiện, họ sống, chết, đói khổ, đau thương… chân thật đến ngỡ ngàng nhưng cũng xót xa đến ngỡ ngàng. Trong tập truyện không thể không kể đến những trang viết độc đáo, đầy hấp dẫn về loài vật như Đôi ri đá, Chú gà trống ri, Mụ ngan… Những câu chuyện tưởng chừng vô thưởng vô phạt, nhưng góp phần không nhỏ phơi bày những hiện trạng xã hội thời bấy giờ.

Mẹ Mìn Bố Mìn

Xem giá bán

Giản dị nhưng sâu sắc, Mẹ Mìn Bố Mìn của Tô Hoài khắc họa chân thực cuộc sống và con người Hà Nội của một thời kì loạn lạc. Trong bối cảnh ấy có những số phận trái ngang, đau thương đã phải vươn lên để sinh tồn bằng mọi cách… Dù nhiều cay đắng nhưng ở họ vẫn toát lên sự chân chất, mộc mạc và cả hy vọng vào một ngày mai đẹp hơn.

Cỏ Dại

Xem giá bán

Cỏ dại là hồi ký đầu tay của Tô Hoài, được viết khi nhà văn mới ngoài hai mươi tuổi (1944). Thời thơ ấu thấm đẫm nỗi buồn của cây đại thụ làng văn học Việt được tái hiện rõ nét trong Cỏ dại, thông qua nhân vật chính là Cu Bưởi.

Những Ký Ức Không Chịu Ngủ Yên

Xem giá bán

Hà Nội những năm 1945, 1946 là những năm tháng mà nhiều người muốn quên đi mà không được.

“Tôi ngỡ ngàng khi tưởng tượng lại cảnh nhà nó chết thảm mà đã có lần nó kể loáng thoáng. Hai vợ chồng, bốn đứa con, bỏ cái làng đã nuốt tiệt cả củ chuối, nõn cai rồi văn ăn nốt cỏ – và nghe đồn, có xóm làm thịt ăn cả thịt trẻ con. Cái nhà ấy ra đi khỏi nơi chôn rau cắt rốn, không biết đi đâu, nhưng cứ đi, phải đi. Rồi bố chết trước. Những đứa trẻ bíu ríu quanh mẹ, mỗi hôm thưa dần. Một buổi trưa, hai chị nó không dậy nữa. Một đêm, thằng em lên ba bỗng khóc ngặt lên, rồi lặng im. Không biết thế bao lâu, chỉ còn có một mình nó lủi thủi với mẹ. Một sớm kia, nó mở mắt giữa con đường cát đá, không thấy mẹ đâu. Mẹ nó bỏ nó, hay mẹ nó một nình ngồi chết chỗ nào không cho nó biết. Những người sắp chết đói không muốn nhìn ai và những người không đành trông thấy con chết trên tay thường bỏ chúng bò lổm ngổm ngoài đường cái”

Giữ Gìn 36 Phố Phường

Xem giá bán

“Có trách nhiệm với di tích lịch sử mọi mặt ở các nơi đô hội qua các đời là một phong tục đẹp của một dân tộc có văn hóa và truyền thống.

Trên thế giới, hầu như bất cứ thủ đô hoặc thành phố lớn nào nhiều tuổi cũng đều được bảo vệ, trân trọng. Cách Tân Đê-li (Đê-li mới) thủ đô Ấn Độ vài ki-lô-mét là Đê-li cũ, thành cổ Đê-li ngày xưa. Tbi-li-xi, thủ đô nước Gruzia, ở kề bên vẫn nguyên thành cổ Tbi-li-xi phố phường và nhà thờ. Bên trong nhà ở các thành phố chính đã được hiện đại hóa cho thích nghi đời sống hôm nay, nhưng bề ngoài vẫn tầng nhà, màu tường và mặt đường đá tảng từ thời Pie đại đế. Thành phố Vacsava, thủ đô Ba Lan bị phát xít Đức hoàn toàn hủy diệt. Khi xây dựng lại Vacsava, các khu cổ được hồi sinh như trước kia. Kể từ màu gạch đến cái trụ đá trước sân nhà thờ để chống bệnh dịch tả – theo mê tín cũ, cũng được làm lại giống thế.

Trải hàng nghìn năm, di tích lịch sử ở Hà Nội tập trung nhất ở hai khu: Khu thành cũ mà ta quen gọi là “trong thành”, kinh đô từ thời Lý và triều đại về sau; và vùng dân cư ở bọc ngoài thành, từ phố Nhà Hỏa đến ngõ Phất Lộc, từ Hàng Khoai sang Cầu Gỗ, tuy không có mốc giới hạn bao giờ, nhưng có một cái tên chung là khu 36 phố phường.

36 phố phường vẫn đứng yên thế, nhưng cũng lại luôn chuyển động theo thời gian và lịch sử mỗi thời kỳ. Nó là một bảo tàng ngoài trời, bảo tàng ở giữa sinh hoạt thành phố, không tách khỏi đời sống – một lưu niệm sâu sắc ý nghĩa giáo dục truyền thống…”

Người Con Gái Xóm Cung

Xem giá bán

Tuyển tập truyện ngắn Người con gái xóm Cung viết về cuộc sống của người Việt trong và ngoài nước.

Nhà văn tái hiện sống động sự chuyển động của đời sống xã hội, con người từ hồi ức của ông. Không cầu kỳ trong lối viết, Tô Hoài mang đến cảm giác thân thuộc bằng sự thành thực và trải nghiệm của bản thân.

Chuyện Để Quên

Xem giá bán

Chuyện Để Quên là tuyển tập những truyện ngắn viết sau năm 1945. Cũng là khung cảnh làng quê nghèo ấy, cũng là miền Tây Bắc ấy, nhưng với một tâm thức hoàn toàn khác, lòng người có cách mạng dẫn lối dường như bừng tỉnh sau ngàn năm say giấc, tươi sáng hơn, rạng ngời hơn. Những câu chuyện gắn liền với một thời kỳ tranh đấu hào hùng của dân tộc, những câu chuyện của hi sinh, mất mát, của chiến tranh ác liệt… của những năm tháng không thể nào quên.

Những Gương Mặt

Xem giá bán

Nằm trong hệ thống hồi ký văn học của Tô Hoài, Những gương mặt được coi là tác phẩm mở đầu cho thành công về đề tài chân dung văn học của ông. Với Những gương mặt, Tô Hoài đã dành những nét vẽ chân thật và sinh động nhất để phác họa chân dung một thế hệ cầm bút, từ Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng,… đến Trúc Đường, Như Phong, Nguyễn Bính,… Họ trong trang viết của Tô Hoài không bao giờ màu mè, khoa trương mà luôn chân thật như bước thẳng từ cuộc đời đi vào trang sách. Giọng văn hóm hỉnh, tự nhiên đã khiến những gương mặt văn nhân với độc giả tưởng xa vời cùng ánh hào quang lấp lánh bỗng trở nên bình dị, gần gũi hơn. Và hơn hết thảy, đằng sau những gương mặt ấy là chân dung của một Tô Hoài giỏi quan sát, giỏi góp nhặt những cái hay, dở từ cuộc đời, nhân tình thế thái và đưa chúng vào sáng tác.

Chiếc Áo Xường Xám Màu Hoa Đào

Xem giá bán

Chiếc Áo Xường Xám Màu Hoa Đào là một trong số ít những tập truyện viết về đời sống cơ cực, lay lắt, mù mịt, bị đàn áp nặng nề của các dân tộc miền núi Tây Bắc trước 1945. Tập truyện là quá trình vùng lên thoát khỏi xiềng xích đến với chân trời mới của những số phận bé mọn khao khát tự do. Với lối kể chuyện tự nhiên, giọng văn khi dửng dưng, khi đanh thép, lúc bùi ngùi, lúc lại đầy kịch tính, con người vùng cao với bao đau thương, bất hạnh đã được khắc họa rõ nét với những A Phủ, Hùng Vương, Mỵ, bà Ảng… Đặc biệt, đây là lần đầu tiên nỗi đau thương, cuộc sống bất công của người phụ nữ miền núi Tây Bắc được đề cập đến với cái nhìn đầy cảm thông và chia sẻ.

Cát Bụi Chân Ai

Xem giá bán

Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua… (Hoàng Khởi Phong)

Tô Hoài đã khắc họa thành công các hình tượng Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu… và giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một thời đại văn học. Đặc biệt Tô Hoài không tô vẽ cầu kỳ, không thiêng liêng hóa hình tượng Nguyễn Tuân nhưng chân dung Nguyễn Tuân không vì thế mà mất đi vẻ khả ái, đẹp đẽ và ấn tượng. Chỉ điểm xuyết về con người Nguyễn Tuân trong giai đoạn tiền chiến, rồi đi ngược lại mãi về một thời rất xa, cứ thế cuộc đời dấn thân của Nguyễn Tuân như Tô Hoài biết từ sau 1945 tới nay hiện lên sinh động với tất cả những gì bình dị và thân thương nhất…

Sổ Tay Viết Văn

Xem giá bán

Là một đứa con tinh thần do chính Tô Hoài chắt chiu, gom góp từ những kinh nghiệm viết lách của mình, Sổ tay viết văn được xem như cuốn sách gối đầu giường dành cho những ai yêu thích chữ nghĩa. Với ông, viết là thành quả lao động vô cùng tận và người viết cần chăm chút, tẩn mẩn từng li từng tí. Như chính lời con trai của ông, nhà báo Nguyễn Phương Vũ, chia sẻ: “Đã từ lâu, từ khi cầm bút, bố tôi là người cẩn thận và luôn có trách nhiệm với câu chữ nên mỗi bản in dù là in lại nhưng ông luôn đọc, cắt gọt, chỉnh sửa, “uốn nắn”, tỉ mẩn như người dệt vải. Khi ông trao lại cho tôi để xử lý nhập liệu, với một bản thảo chi chít màu mực, chữ, từ, câu mà ông thêm bớt đan xen ngang dọc. Cha tôi là vậy, sự cẩn trọng, kỹ lưỡng trong nghề viết như mối nợ tình với ông.”

Ký Ức Phiên Lãng

Xem giá bán

Đây là một trong hai tập bút ký đặc biệt của nhà văn Tô Hoài. Đó là những trang viết thấm đẫm tình hữu nghị sâu sắc với những quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới mà tác giả đã có dịp đặt chân đến. Nếu như Ký ức Đông Dương là câu chuyện ấm áp về những người bạn láng giềng thân thiết Lào và Campuchia thì Ký ức phiên lãng là những hồi ức xinh đẹp, sâu lắng đầy cảm xúc về những con người, những vùng đất ở những châu lục khác nhau, tưởng chừng như rất xa xôi nhưng lại quá đỗi gần gũi. Tình anh em sâu đậm, thắm thiết, bền chặt của những dân tộc bị áp bức cùng đứng lên chiến đấu đập tan gông xiềng nô lệ.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button