List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Virginia Woolf

Sách của Virginia Woolf soi sáng mọi ngõ ngách của nội tâm, khám phá và thừa nhận một cách dũng cảm những điều mà thể chế xã hội thời ấy không chấp nhận. Bà cất tiếng nói bênh vực, tái tạo góc nhìn và vị thế của nữ giới trọng mọi phương diện cuộc sống từ vật chất đến tinh thần, từ quyền sống đến tự do.

Căn Phòng Riêng

Xem giá bán

“Một phụ nữ muốn viết văn cần phải có tiền và một căn phòng của riêng mình.”

Căn Phòng Riêng – cuốn tiểu luận của Virginia Woolf, xuất bản lần đầu tiên vào năm 1929 – đã được khai triển từ luận điểm trên. Một luận điểm mang màu sắc duy vật và đầy khiêu khích. Thẳng thắn, sắc sảo, với một chất hài hước kín đáo, đó là giọng điệu chủ đạo của Căn Phòng Riêng.

Cuốn sách mỏng này được hình thành từ loạt bài thuyết trình của Virginia Woolf tại hai trường Newham College và Girton College, hai trường cao đẳng dành cho phụ nữ tại Đại học Cambridge, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và tiểu thuyết” năm 1928. Vào cái thời phụ nữ muốn vào thư viện của trường đại học cần phải có thư giới thiệu hoặc người có uy tín đi kèm, những luận điểm của Virginia Woolf thực sự có tính chất công phá lớn. Cuốn sách không chỉ mô tả tình thế chấp nhận nhiều sự bất bình đẳng xã hội, cũng không đơn thuần làm nhiệm vụ phê bình, đánh giá lại vị trí của các tiểu thuyết gia nữ – những đại diện thường bị xem là bộ phận thứ yếu cấu thành nên diện mạo của nền văn học Anh. Nó đặt ra một câu hỏi then chốt: Liệu các nhà văn nữ có thể sáng tạo nên những tác phẩm tầm vốc như của Shakespeare không? Đó không đơn giản là một câu hỏi có tính chất giả định; nó là một đề nghị thử nhìn nhận lại vai trò, vị trí và năng lực của phụ nữ trong việc sáng tạo nên những giá trị văn hoá của nhân loại. Để làm được điều đó, cần phải thoát khỏi những định kiến vẫn được xem là đương nhiên, tự nhiên đối với người phụ nữ.

Căn Phòng Riêng, bởi tính chất đặt vấn đề quan trọng của nó, đã được xem như là cuốn sách đầu tiên đặt nền móng cho trường phái phê bình nữ quyền luận trong văn học. Rộng hơn, nó được xem là một trong những cuốn sách khơi nguồn cho phong trào nữ quyền, vốn khởi phát từ phương Tây và ngày càng có sức lan toả rộng rãi, trở thành một khúc ngoặt văn hoá – khúc ngoặt nữ quyền (feminist turn), có thể nói như vậy – để dùng một thuật ngữ chỉ sự thay đổi động hình nhận thức của con người trong tiến trình tư tưởng.

Được manh nha từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX tại Anh và Mỹ, nữ quyền luận dấy lên thành trào lưu gây được ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ bắt đầu từ thập niên 60 thế kỷ trước. Nó đấu tranh cho quyền tự do, bình đẳng của phụ nữ, đòi hỏi mở ra một không gian xã hội rộng lớn hơn để người phụ nữ được can dự, định nghĩa lại về người phụ nữ, giải cấu trúc những biểu tượng định kiến về phụ nữ vốn thống trị nhận thức xã hội… Có thể thấy những chủ đề quan trọng đó của nữ quyền luận đều đã được Virginia Woolf gợi mở trong cuốn sách này.

Virginia Woolf được xem là một trong số những “tượng đài” kỳ vĩ của văn học hiện đại chủ nghĩa, bên cạnh tên tuổi của những James Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka, William Faulkner… Bằng sự độc đáo và niềm đam mê sáng tạo vô bờ bến, bản thân cuộc đời và sự nghiệp của Virginia Woolf đã trả lời cho câu hỏi về năng lực của người phụ nữ mà cuốn sách “Căn phòng riêng” đã nêu ra. Nó cho thấy một Virginia Woolf không chỉ táo bạo trong tư tưởng mà còn hết sức phóng khoáng, tự do trong bút pháp khi làm mờ đi ranh giới giữa tiểu luận và hư cấu, triết lý và tự sự. Đây là cuốn sách đầu tiên của Virginia Woolf được dịch sang tiếng Việt, có ý nghĩa như một chỉ dẫn để từ đó độc giả có thâm nhập vào thế giới nghệ thuật phức tạp và nhiều bí ẩn của bà trong các kiệt tác Về phía ngọn hải đăng (To the Lighrthouse), Bà Dalloway (Mrs Dalloway)…

Tại sao lại là đàn ông, chứ không phải phụ nữ, là kẻ luôn nắm giữ quyền lực, sức mạnh và danh tiếng? Chìa khoá mở cánh cửa đến tự do, theo Woolf, đó là: thu nhập cố định và một căn phòng riêng.

Cuốn sách của Virginia Woolf được xuất bản năm 1929, dựa trên hai bài giảng của bà vào năm 1928 tại Newnham College và Girton College, Cambridge. Woolf đã nói lên tình trạng của phụ nữ, và đặc biệt là các nữ nghệ sĩ, trong bài luận nổi tiếng này, bà quả quyết rằng một phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng, nếu cô muốn viết văn. Woolf tôn vinh sáng tác của các nữ tác giả, bao gồm Jane Austen, George Eliot, và chị em nhà Brontes. Trong phần cuối cùng của cuốn sách, Woolf cho rằng khối óc siêu việt nhất là khối óc lưỡng tính. Theo bà, muốn có tự do trí tuệ phải có tự do tài chính, và bà khẩn nài độc giả của mình hãy viết không chỉ văn chương hư cấu mà cả thơ, phê bình, và các công trình học thuật khác.

Bà Dalloway

Xem giá bán

Virginia Woolf viết Bà Dalloway trong lúc đang cố chống chọi với chứng bệnh thần kinh của chính mình. Và đây cũng là tác phẩm đầu tiên bà khai thác thủ pháp Dòng ý thức. Phần vì bút pháp mới thử nghiệm ở đây chưa tinh luyện và nhuần nhuyễn như ở “Tới ngọn hải đăng”, phần vì lượng nhân vật cũng quá nhiều (Ngoài khoảng mười mấy nhân vật chủ yếu có tới mấy chục nhân vật phụ; có nhân vật chỉ thoáng hiện ra rồi biến mất hoàn toàn); mặt khác, ý nghĩ và hành động của các nhân vật đan xen như những sợi tơ nhện từ quá khứ sang hiện tại, rồi lại từ hiện tại sang quá khứ, với rất nhiều hình ảnh ẩn dụ, nên đòi hỏi người đọc phải thật sự tập trung.

Chủ đề nổi bật trong tác phẩm này là tác động của Thế chiến I lên mọi tầng lớp xã hội ở Anh. Cuộc chiến tranh đã qua, nhưng dấu ấn của nó vẫn còn nặng nề, sâu thẳm. Như với Septimus, một cựu chiến binh, bị chấn thương tâm lý trong chiến tranh và sau đó đã tự sát…

Căn Phòng Của JACOB

Xem giá bán

Qua lăng kính vạn hoa, Woolf bao bọc cả vũ trụ, hoặc một cách chính xác hơn: từ vô số những vũ trụ bé nhỏ đang lay động trong thành phố Luân Đôn. Jacob Flanders đi dạo trong công viên Hyde Park, viếng thăm nhà thờ Saint Paul, chợt trông thấy Nữ hoàng thoáng qua trên cỗ xe ngựa sang trọng, đến hí viện Opéra, mất hút, rồi lại tái xuất hiện giữa đám đông, kết bạn với nhiều thiếu nữ kiều diễm: Florinda, hay là Fanny Elmer làm mẫu khỏa thân cho các họa sĩ thời danh, hoặc Laurette.

Chúng ta khám phá sau đó Jacob đã mời một hai cô gái này đi dùng bữa tối. Anh đã ân ái với họ? Suỵt! Im lặng! Jacob biết khép kín cửa.

Duy nhất, một điều chắc chắn: tất cả những thiếu nữ này đều bị cuốn hút bởi chàng trai quả quyết, bí ẩn, có thể là đẹp trai này, người dành rất nhiều thời gian ở thư viện của bảo tàng British Museum, nơi trông đợi những thiên tài văn chương tầm cỡ Homère và Platon của một thời.

Đến Ngọn Hải Đăng

Xem giá bán

“…Đến ngọn hải đăng là một bản phân tích đầy tham vọng, xuất sắc về tâm lý gia đình…Đến ngọn hải đăng không có sự hoàn hảo về hình thức, sự chặt chẽ, sự khắc họa nhân vật sống động mạnh mẽ như cuốn bà Dalloway. Nó có ít thất bại trong đó. Nó kém hơn cuốn bà Dalloway về mức độ mục tiêu mà nó sẽ đạt được, nhưng tốt hơn cuốn bà Dalloway về tầm rộng lớn của những mực tiêu kia. Bởi nó miêu tả cuộc sống ít trật tự hơn, phức tạp hơn, dễ nổi đóa hơn, nó gióng lên một nốt nhạc quan trọng hơn và nó cho ta một tầm nhìn luôn nổi bật trong các tác phẩm của Virginia Woolf.”

(LOUIS KRONENBERGER, New York Times, 8-5-1925)

Orlando

Xem giá bán

“Tới đây Orlando thức giấc.

Chàng duỗi dài người. Chàng ngồi dậy. Chàng đứng thẳng người, hoàn toàn trần trụi… Không một con người nào, kể từ thuở hồng hoang, trông mê hồn hơn thế. Cơ thể chàng hợp nhất sức mạnh của một gã đàn ông và sự thanh tú của một phụ nữ… Orlando đã trở thành phụ nữ – không thể phủ nhận điều đó… Orlando là một người đàn ông cho tới ba mươi tuổi, sau đó chàng trở thành một phụ nữ và vẫn giữ nguyên giới tính kể từ khi ấy…”

(Trích nội dung tiểu thuyết Orlando)

“Tràn ngập các trang sách là một không khí huyền thoại, thể hiện một dạng tồn tại được cách điệu và nâng cao, không phải cuộc sống thật sự chúng ta vẫn sống, mà giống như một ảo ánh hay một giấc mơ”.

TED GIOIA – Nhà phê bình Mỹ

Ba Đồng Ghi-nê

PNO – Ba đồng ghi-nê (nguyên tác: Three guineas) là tập tiểu luận nổi tiếng của nữ nhà văn, nhà phê bình văn học người Anh Virginia Woolf (1882- 1941).

Bà khởi thảo tác phẩm này vào vào khoảng năm 1932 và được NXB Harcourt, Brace and Co. xuất bản năm 1938. Tập sách này vừa được NXB Hồng Đức ấn hành qua bản dịch của Nguyễn Thành Nhân.

“Ghi-nê” là một đơn vị tiền tệ ảo biểu trưng cho tầng lớp thượng lưu chứ không hề thật sự tồn tại. Một ghi-nê tương đương với 21 shilling và thường được áp dụng cho các giao dịch trong tầng lớp thượng lưu Anh.

Toàn tập tiểu luận được cấu trúc như là một lá thư phúc đáp cho một quý ông trí thức (không nêu tên). Ông ta đã gửi một lá thư yêu cầu Virginia Woolf tham gia vào những nỗ lực của hiệp hội của mình nhằm ngăn chận chiến tranh sắp sửa bùng nổ do sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít và Đức Quốc Xã.

Để đáp ứng lại yêu cầu đó, Virginia lần lượt đưa ra những luận điểm với giọng văn hơi ngoa dụ, dí dỏm, đậm chất châm biếm, nhưng vô cùng lô gích trong lập luận. Bà xoáy sâu vào từng vấn đề, phân tích chúng dựa trên ba nguồn chứng cứ: lịch sử, tiểu sử cá nhân và báo chí (mà bà gọi là lịch sử ở dạng thô sơ) để đáp lại ba câu hỏi: Từ một hội phản chiến của các quý ông: “Làm cách nào để ngăn chận chiến tranh?”; Từ một quỹ tái thiết trường cao đẳng cho phụ nữ: “Vì sao chính phủ không hỗ trợ cho công tác giáo dục phụ nữ?”; Từ một hội cổ động cho việc nâng cao trình độ chuyên môn của phụ nữ: “Vì sao phụ nữ không được tham gia làm việc ở những ngành nghề chuyên môn?”

Ba đồng ghi-nê được phân thành ba chương, mỗi chương giải quyết một vấn đề như đã nêu trên. Trong tập tiểu luận này, hầu như từng luận đề và luận điểm, chứng cứ đều đan xen với nhau chặt chẽ để đến cuối mỗi một chương tác giả đưa ra một kết luận cho câu hỏi đặt ra.

Hiện nay, Virginia Woolf được đánh giá là một trong các tác giả lớn của thế kỷ 20, đồng thời cũng là một nhân vật trọng yếu trong lịch sử văn chương Anh ngữ với tư cách một người bênh vực nữ quyền và là một trong những người sáng lập nên trào lưu Chủ nghĩa Hiện đại với nhiều nhân vật lẫy lừng khác.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button