List sách haySách theo tác giả

Những quyển sách hay nhất của Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng là một trong những nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực giai đoạn văn học 1930-1940 ở nước ta. Ngòi bút của ông không chỉ ghi được sự thực mà còn ghi được cả cái thực trạng của sự thực . Ngôn ngữ nghệ thuật của ông thấm đẫm cá tính sáng tạo. Một thứ ngôn ngữ vừa gai góc, sắc nhọn, mỉa mai, chua chát. Cũng là thứ ngôn ngữ hướng đến sự phô bày, lên án, tố cáo những mặt trái của xã hội nhưng dữ dội hơn so với các cây bút hiện thực khác.

Làm Đĩ

Xem giá bán

Làm đĩ là một thiên tả chân tiểu thuyết mục đích là hô hào nhà đạo đức và bậc làm cha mẹ lo chăm đến hạnh phúc của con cái và phải để ý đến cái sự mà những thành kiến hủ bại vẫn coi là điều bẩn thỉu, tức là cái sự dâm.

Sở dĩ tác giả không theo phải người ưa văn hoá bay bướm gọi cái sự ấy là ái tình, không theo hạng người rụt rè gọi là tình dục, nhưng lại gọi nó ra đây bằng cái tên tục của nó, ấy là vì tác giả có quan niệm rất chắc chắn rằng cái sự ấy gần xác thịt hơn là gần linh hồn, chia nó ra làm hai cũng được, gồm nó vào làm một lại càng đúng lẽ sinh lý, hai cái điều hoà tương trợ lẫn nhau, và khi sự khao khát của xác thịt có thoả mãn thì ái tình tinh thần mới bền chặt được. Nói đến ái tình lý tưởng mà không đếm xỉa đến cái dâm, đó chỉ là việc của hạng mơ mộng hão huyền.

Làm đĩ không tả lối sống của gái giang hồ mà chỉ vạch lại cái cảnh ngộ đã làm cho Huyền cô gái con nhà tử tế xinh đẹp, có học, thông minh phải sa chân, lỡ bước vào cuộc đời truỵ lạc. Làm đĩ là tiểu thuyết hiện thực đã không ngần ngại đặt ra một vấn đề: Tại sao lại có người phải Làm đĩ, xã hội có nạn mại dâm? Chính tác giả trong “Đoạn cuối” sách đã nói rõ ra với nhân vật chính của mình: “Đối với thiên hạ thì đời một người như em, đương ở chốn yên lành mà vào nơi chông gai, chỉ có đoạn ấy là đáng nói thôi. Tại sao con nhà tử tế hẳn hoi, con nhà quý phái nữa, mà rồi đến nỗi…. trụy lạc, ấy người đời chỉ cần biết rõ những nguyên nhân ấy…”

Số Đỏ

Xem giá bán

Số đỏ là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10/1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938.

Truyện dài 20 chương và được bắt đầu khi bà Phó Đoan đến chơi ở sân quần vợt nơi Xuân tóc đỏ làm việc. Vô tình Xuân tóc đỏ vì xem trộm 1 cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc cải cách xã hội. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ Xuân”. Hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện cô Hoàng Hôn ngoại tình. Xuân còn được bà Phó đoan nhờ dạy dỗ cậu Phước, được nhà sư Tăng Phú mời làm cố vấn cho báo Gõ Mõ. Vì vô tình, hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được mọi người mang ơn. Văn Minh vì nghĩ ơn của Xuân nên dẫn Xuân đi xóa bỏ lí lịch trước kia rồi đăng kí đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn làm 2 vận động viên quán quân bị bắt ngay trước hôm thi đấu nên Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Vì để giữ tỉnh giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng hiểu hành động “hi sinh vì tổ quốc của mình”, được mời vào hội Khai trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

Giông Tố

Xem giá bán

Trong Giông tố, “vũ trụ đen tối” của lòng người dường như đặc quánh lại trên cái nền cảu xã hội thực dân phong kiến vô nhân tính đương thời. Đồng thời, trong giông tố, cũng lóe lên những tia chớp hi vọng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: những thế lực hắc ám như Nghị Hách sẽ không còn tồn tại nữa.

Nhà phê bình Xuân Sa nhận xét: “Trong cái xã hội đài các phong lưu, ta chỉ thấy cái ích kỉ nhỏ nhen, cái bất lương tàn nhẫn, may thay lại có một người, một người muốn phá hoại cái xã hội điên đảo ấy để kiến thiết một xã hội khác hợp với nhân đạo…”

Vỡ Đê

Xem giá bán

Vỡ đê phản ánh hiện thực trên một phạm vi khá rộng, từ thành thị đến nông thôn, song tập trung lên án những chính sách, thủ đoạn thống trị của bọn thực dân, quan lại đã đẩy người nông dân vào tình cảnh đói rét cơ cực… Một tác phẩm hiện thực phê phán của Vũ Trọng Phụng đã cho người đọc thấy lại những ngày tăm tối của dân tộc ta dưới ách thống trị của thực dân phong kiến trong giai đoạn trước 1945.

Lấy Nhau Vì Tình

Xem giá bán

Trong những năm 30 của thế kỷ XX, thanh niên nam nữ mới tiếp thu văn hóa phương Tây, muốn thoát ly khỏi gia đình phong kiến, chống lại quyền cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, phần lớn cho rằng lấy nhau vì tình yêu mới là hợp lý, mới có hạnh phúc vợ chồng.

Không say sưa với không khí lãng mạn chủ nghĩa ấy, Vũ Trọng Phụng năm 1937, đã sáng suốt tự hỏi: nhưng hôn nhân chỉ vì tình yêu thì có phải bao giờ cũng tốt đẹp, và cũng đem đến hạnh phúc cho gia đình? Ông đã trả lời câu hỏi ấy bằng cuốn tiểu thuyết Lấy nhau vì tình.

Lấy nhau vì tình là một cuốn tiểu thuyết tâm lý xã hội, mà hiện thực xã hội thì vẽ ra thật trung thành và sinh động, mà tâm lý nhân vật thì phân tích tinh vi và sâu sắc.

Lục Xì

Xem giá bán

Lục Xì là một thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng xuất bản năm 1937, viết về một phúc đường chuyên chữa bệnh hoa liễu cho gái điếm và qua đó phản ánh tệ nạn mại dâm trong thời kỳ Pháp thuộc. “Lục xì là một phóng sự có giá trị khoa học lớn, trong lịch sử văn học của ta đã ở một vị trí độc nhất vô nhị trong văn học về mặt y học và pháp lý; đã có vị bác sĩ nào, bậc lương y nào, nhà luật học nào nêu lên được vấn đề như thế, phân tích tình hình như thế và về nhiều mặt góp ý kiến xác đáng như thế với những người có trách nhiệm trong xã hội.”

Cạm Bẫy Người

Xem giá bán

Phóng sự Cạm bẫy người (1933) viết về nạn cờ bạc bịp ở Hà Nội. Để thấy cái tệ nạn cờ bạc rộng lớn và tai hại đến đâu, Vũ Trọng Phụng đã điều tra cái làng bịp, vạch ra tổ chức của nó, phác họa chân dung, mô tả chân tướng của dân làng bịp, tường thuật cách hành nghề của họ rõ ràng, sinh động… Viết Cạm bẫy người là tố cáo một tệ nạn xã hội và nêu lên những bi kịch do những tay săn mòng gây ra cho những gia đình của bọn tín đồ “tôn giáo đỏ đen”.

Kỹ Nghệ Lấy Tây Và Những Truyện Khác

Xem giá bán

Đến với Kỹ nghệ lấy Tây, nhiều sự thật nhơ nhớp và chua chát về cách sống và chân dung đa dạng của những “me tây” đã bị Vũ Trọng Phụng bóc trần. Ở đó, lấy chồng Tây trở thành một dạng nghề, có chọn hàng, phân loại, trả giá. Người phụ nữ trở thành những người “thợ đàn bà”, bị xã hội khinh rẻ gọi là các “me Tây”.

Là một trong những thiên phóng sự độc đáo của “ông vua phóng sự đất Bắc Kỳ” Vũ Trọng Phụng, Kỹ nghệ lấy Tây “lật tẩy” một phần xã hội Việt Nam bị biến đổi trước ma lực của đồng tiền và tác động của văn hoá Tây phương.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button