List sách haySách khuyên đọc

7 tác phẩm kinh điển xứng đáng gối đầu giường

Sách gối đầu giường là gì ? Đơn giản thôi, đó là những quyển sách mà trước khi ngủ bạn hay đọc đi đọc lại nhiều lần mà không hề cảm thấy nhàm chán.

Vậy thể loại sách nào được xếp vào “sách gối đầu giường”? Tùy bạn thôi, mỗi cá nhân đều có những cảm nhận, mục tiêu khác nhau. Có người muốn nâng cao kỹ năng giao tiếp, tâm lý thì sẽ chọn các đầu sách kỹ năng sống, tâm lý,..Có người muốn áp dụng nhiều kiến thức thực tiễn vào kinh doanh, quản trị bản thân, doanh nghiệp thì sẽ chọn các dòng sách kinh tế, quản lý, lãnh đạo.

Thế nhưng cần nhấn mạnh một điều rằng dù bạn chọn bất kỳ dòng sách nào để “gối đầu giường” thì nên hiểu rõ tâm trí bạn có thực sự hứng thú, có muốn hiểu thật sâu và hơn hết đọc không chỉ để chiêm nghiệm mà còn để chắt lọc những giá trị của quyển sách mà hình thành tư duy sống tích cực. Nếu không – Việc đọc đi đọc lại hàng chục lần quyển sách mà bạn thực sự không thể “nuốt” thì thực sự là cực hình.

Đó là đôi điều về “Sách gối đầu giường”. Ở bài viết này Vnwriter giới thiệu đến bạn 7 sách văn học kinh điển với những bài học, giá trị cuộc sống đầy tính nhăn văn xứng đáng được xếp vào top sách” gối đầu giường” mà bạn nên đọc lại nhiều dần để hình thành phong cách sống tốt đẹp.

Tuổi Thơ Dữ Dội

Xem giá bán

Nhắc đến Phùng Quán, người ta sẽ nhớ ngay tới một cây bút lạ kỳ trong nền văn học Việt Nam với một tác phẩm thiếu nhi vô cùng chân thực và xúc động về một thế hệ trẻ anh hùng:

Tuổi thơ dữ dội – cuốn truyện xoay quanh cuộc sống chiến đấu và hy sinh của những thiếu niên 13, 14 tuổi trong hàng ngũ Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân. Những Lượm, Mừng, Quỳnh sơn ca, Hòa đen, Bồng da rắn, Vịnh sưa, Tư dát… mỗi người một hoàn cảnh song đều chung quyết tâm, nhiệt huyết và lòng yêu nước, đã tham gia chiến đấu hết mình và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đúng như tên truyện, độc giả sẽ bắt gặp ở đó những chi tiết thực sự dữ dội về cuộc đời thiếu niên bất hạnh, về cuộc chiến tranh chống giặc tàn khốc nhưng ẩn sâu bên trong ta vẫn thấy những tâm hồn trong sáng và vô tư, thấy sự can trường, dũng cảm phi thường của nhân vật. Tất cả những ai đã từng đọc tác phẩm này hầu như đều không ngăn được xúc động và những giọt nước mắt cảm thương, cảm phục. Đây thực sự là một tác phẩm quý trong kho tàng văn học Việt Nam. Một câu chuyện khơi dậy trong mỗi người tình yêu đất nước và niềm trân trọng ký ức tuổi thơ…

Các đánh giá về tác phẩm: “… Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời…” – Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

“… Tôi đọc vào năm đầu Tuổi thơ dữ dội thập kỷ 60, từ những trang tư liệu của Phùng Quán. Suốt nghìn trang sách, khắc sâu vào lòng tôi hai chữ Trung Hiếu. Một nỗi đau xé lòng khi ta đọc đến lời trăng trối của Mừng, nhân vật trong truyện, trước lúc em đi vào cõi vĩnh hằng…” – Nhà văn Việt Linh.

“… Tuổi thơ dữ dội không phải là một câu chuyện cổ tích, mà là một câu chuyện có thật ở chốn trần gian, ở đó những con người tuổi nhỏ đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc với một chuỗi những chiến công đầy ắp ly kỳ và hấp dẫn. Đọc Tuổi thơ dữ dội chính là đọc lại một phần lịch sử tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào…” – Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

“…Sách dày gần 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì li kì, khi thì hài hước, khi thì gây xúc động đến ứa nước mắt… Tôi chỉ mong làm sao cho tất cả các em thiếu nhi Việt Nam được đọc sách này.” – Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện.

Ruồi Trâu

Xem giá bán

Ruồi Trâu là một cuốn tiểu thuyết rất lạ, theo cả cái nghĩa thông thường của tiếng ấy.

Tác giả là một nữ sĩ người Anh mới nhất gần đây, thọ chín mươi sáu tuổi, thời thanh niên đã từng hoạt động cách mạng ở Nga và cuốn tiểu thuyết của bà lại nói về những nhà hoạt động cách mạng bí mật ở Ý cách đây trên một thế kỷ.

Cả cuốn sách chứa chan một thế giới quan nhân đạo, lòng yêu và quí trọng phẩm chất con người. Từng nhân vật trong cuốn truyện, từ Ruồi Trâu đến những nhân vật phụ, những bạn chiến đấu gần và xa của anh, không nhân vật nào là không có cá tính sâu sắc của mình. Bản thân nhân vật Ruồi Trâu không phải là một nhân vật cứng đờ, mà ở anh người ta thấy rõ người cách mạng cũng là con người giàu tình, giàu cảm nhất.

Tình cảm của Ruồi Trâu rất mãnh liệt.Chính vì thế mà cho đến chết anh vẫn không dứt tình yêu đối với Môntaneli. Thương yêu có thể là mê đắm mà không yếu đuối, không một chút nào yếu đuối , tha thứ hay khoan nhượng. Quan hệ giữa Ruồi Trâu và Môntaneli phát triển hết sức kỳ dị mà cũng hết sức logich và chân thật Cha hãy chọn đi, hoặc Giêsu hoặc con. Cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai người cùng dòng máu, tưởng không thể nào sống không có nhau mà lại là hai kẻ thù không đội trời chung về tư tưởng, là những trang sách có sức nổ lớn trong tâm và trí người đọc.

Thép Đã Tôi Thế Đấy

Xem giá bán

Thép Đã Tôi Thế Đấy không phải là một tác phẩm văn học chỉ nhìn đời mà viết. Tác giả sống nó rồi mới viết nó. Nhân vật trung tâm Pa-ven chính là tác giả: Nhi-ca-lai A-xtơ-rốp- xki. Là một chiến sĩ cách mạng tháng Mười, ông đã sống một cách nồng cháy nhất, như nhân vật Pa-ven của ông. Cũng không phải một cuốn tiểu thuyết tự thuật thường vì hứng thú hay lợi ích cá nhân mà viết. A-xtơ-rốp-xki viết Thép Đã Tôi Thế Đấy trên giường bệnh, trong khi bại liệt và mù, bệnh tật tàn phá chín phần mười cơ thể.

Chưa bao giờ có một nhà văn sáng tác trong những điều kiện gian khổ như vậy. Trong lòng người viết phải có một nhiệt độ cảm hứng nồng nàn không biết bao nhiêu mà kể. Nguồn cảm hứng ấy là sức mạnh tinh thần của người chiến sĩ cách mạng bị tàn phế, đau đớn đến cùng cực, không chịu nằm đợi chết, không thể chịu được xa rời chiến đấu, do đó phấn đấu trở thành một nhà văn và viết nên cuốn sách này. Càng yêu cuốn sách, càng kính trọng nhà văn, càng tôn quí phẩm chất của con người cách mạng.

Hãy đọc Thép đã tôi thế đấy để biết từng có một thời người ta sống:

“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”

Không Gia Đình

Xem giá bán

Không gia đình kể chuyện một em bé không cha mẹ, không họ hàng thân thích, đi theo một đoàn xiếc chó, khỉ, rồi cầm đầu đoàn ấy đi lưu lạc khắp nước Pháp, sau đó bị tù ở Anh, cuối cùng tìm thấy mẹ và em. Em bé Rêmi ấy đã lớn lên trong gian khổ. Em đã chung đụng với mọi hạng người, sống khắp mọi nơi, “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”. Em đã lao động mà sống, lúc đầu dưới quyền điều khiển của một ông già từng trải và đạo đức, cụ Vitali, về sau thì tự lập và không những lo cho mình, còn bảo đảm việc biểu diễn và sinh sống cho cả một gánh hát rong. Đã có khi em và cả đoàn lang thang mấy hôm liền không có chút gì trong bụng. Đã có khi em suýt chết rét. Đã có khi em bị lụt ngầm chôn trong giếng mỏ mười mấy ngày đêm. Đã có khi em mắc oan bị giải ra trước tòa và bị ở tù.

Và cũng có khi em được nuôi nấng đàng hoàng, no ấm. Nhưng dù ở đâu, trong cảnh ngộ nào, em vẫn noi theo nếp rèn dạy của ông già Vitali giữ phẩm chất làm người, nghĩa là ngay thẳng, gan dạ, tự trọng, thương người, ham lao động, không ngửa tay xin xỏ, không dối trá, gian giảo, nhớ ơn nghĩa, luôn luôn muốn làm người có ích…

Chuông Nguyện Hồn Ai

Xem giá bán

Nhà văn Mỹ lừng danh Ernest Hemingway, tên đầy đủ là Ernest Miller Hemingway, sinh năm 1899 tại Oak Park, bang Illinois, có bố là bác sĩ và mẹ là ca sĩ. E. Hemingway học hành dang dở, chưa qua trung học đã trốn nhà trốn trường bỏ đi kiếm sống, từ làm công ở trang trại, làm túi đấm ở lò quyền Anh đến làm thông tín viên cho tờ “Kansas City Star”… Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) nổ ra, E. Hemingway tình nguyện làm lái xe cứu thương cho Hội Chữ thập đỏ ở vùng Bắc Italy và bị thương tại đó, mở đầu cho hàng trăm vết thương ông mang trên mình khi sống sót bước ra khỏi cuộc chiến.

Sau không mấy thành công với tập truyện ngắn “Trong thời đại của chúng ta” (In Our Time – 1925), E. Hemingway đã lần đầu tiên được người đọc Âu-Mỹ biết đến qua tiểu thuyết “Mặt trời vẫn mọc (The Sun Also Rises – 1926). Ba năm sau, ông tung ra cuốn “Giã từ vũ khí” (A Farewell to Arms – 1929) làm say lòng bạn đọc trẻ tuổi bởi câu chuyện tình đẹp đẽ mà bi thảm của viên sỹ quan quân đội Đồng Minh và cô nữ cứu thương. Sau đó, bảy năm liền, hầu như ông không viết gì, chỉ mê mải với những trận đấu bò tót ở Tây Ban Nha, săn sư tử ở châu Phi, câu cá kiếm ở Caribe…Chính là từ những “lang thang” đó, E. Hemingway đã cho ra đời những tác phẩm bất hủ như “Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro” (The Snows of Kilimanjaro – 1936), “Có và không có” (To Have and Have Not – 1937), “Chuông nguyện hồn ai” (For Whom the Bell Tolls – 1940), “Ông già và biển cả” (The Old Man and the Sea – 1951). Đó chính là những cuốn tiểu thuyết làm nên cái tên Ernest Hemingway, đã mang lại cho ông giải thưởng cao quý dành cho Văn học mang tên Nobel vào năm 1954. Khi đó ông đang ở một vùng chài lưới ven biển Cuba, đã không sang Thụy Điển dự lễ trao giải, chỉ gửi tới lời cảm ơn, nói rằng mình vô cùng sung sướng, vô cùng hãnh diện… rồi quần cộc, cởi trần, ông lên thuyền ra biển với bộ đồ nghề câu cá lớn. Phải, ông rất thích câu được những con cá lớn, còn mang được nó lên thuyền, chở được nó vào bờ hay không lại là chuyện ông không nghĩ tới.

Chuông nguyện hồn ai là đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của Ernest Hemingway. Ông viết về cuộc nội chiến Tây Ban Nha bằng trái tim nhà văn và tấm lòng của người chiến sĩ trong hàng ngũ các Lữ đoàn Quốc tế tình nguyện chiến đấu cho nền Cộng hòa của xứ sở bò tót này. Nghĩa là ông không chỉ viết bằng bút mà cả bằng súng, đúng như lời công kích chủ nghĩa phát xít của ông tại Đại hội lần thứ hai các nhà văn Mỹ – 1937. Chuông nguyện hồn ai lập tức được cả thế giới đón nhận, và đến hôm nay hàng chục triệu bản với hàng chục thứ tiếng đã đến tay bạn đọc.Nhưng… tháng Bảy năm 1961, Ernest Hemingway đã ra đi ở tuổi 62 không còn trẻ nữa nhưng cũng chưa thể gọi là già, nhất là với một nhà văn và một con người có sức khỏe, có đời sống gần gũi thiên nhiên như ông. Xuất thân làm báo và cả khi đã viết văn vẫn gắn bó với nghề báo, E. Hemingway thường sử dụng cách viết ngắn gọn, chính xác, giản dị và nhiều thông tin. Ông là tác giả có nhiều đóng góp cho lối hành văn hiện đại hôm nay. Các nhà nghiên cứu, phê bình xếp ông vào Thế hệ (các nhà văn) lạc lõng (Lost Generation) như F. Scott Fitzgerald, John Dos Passos, William Faulkner (Giải Nobel Văn học năm 1949).

(PHƯƠNG DUNG, 2006)

Hai Số Phận

Xem giá bán

Hai số phận” là một cuốn tiểu thuyết được sáng tác vào năm 1979 bởi nhà văn người Anh Jeffrey Archer. Tựa đề gốc của sách là “Kane and Abel” – một phép chơi chữ dựa trên hai cái tên xuất hiện trong Kinh Thánh Cựu Ước là Cain và Abel.

Cuốn sách là một câu chuyện kể về hai người có số phận khác nhau. Họ không có điểm gì giống nhau cả ngoại trừ việc sinh ra vào cùng một thời điểm (18/04/1906) và có một lòng quyết tâm để đạt được thành công trong cuộc sống. William Lowell Kane là một người mạnh mẽ và giàu có trong khi đó Abel Rosnovski (tên ban đầu là Wladek Koskiewicz) là một người gốc Ba Lan phải đấu tranh từ lúc sinh ra và lớn lên cùng với những người nghèo khổ, cuối cùng di cư đến Hoa Kỳ. Cuộc đời của hai con người này đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố để cuối cùng nhận ra sự tồn tại của nhau.

Suối Nguồn

Xem giá bán

Tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng những tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 do độc giả bình chọn (theo điều tra của New York Time)

– Đã bán được 6 triệu bản trong hơn 60 năm qua kể từ khi xuất bản lần đầu (năm 1943).

– Được dịch ra nhiều thứ tiếng và vẫn liên tục được tái bản hàng năm.

– Một tiểu thuyết kinh điển cần đọc nay đã có mặt tại Việt Nam với bản dịch tiếng Việt.
“Một tiểu thuyết tràn đầy sức sống và sự thú vị … mạnh mẽ, kịch tính, mãnh liệt và rành mạch từ đầu đến cuối … một tác phẩm tuyệt vời đáng để đọc.”

Saturday Review of Literature

“Tôi có thể ca ngợi tiểu thuyết này ở nhiều khía cạnh… sự kiện hấp dẫn…những nhân vật đầy màu sắc… táo bạo… thông minh phi thường.” – New York Herald Tribune

“Bạn không thể đọc tác phẩm tuyệt vời này mà không liên tưởng đến một số tư tưởng cơ bản của thời đại chúng ta… Bạn sẽ nghĩ đến The Magic Mountain và The Master Builder khi bạn nghĩ đến The Fountainhead (Suối nguồn).” – New York Times

“… Trong lịch sử nhân loại, hiếm thấy ai phát biểu quan điểm này về con người. Ngày nay, quan điểm này hầu như không tồn tại. Tuy nhiên, chính quan điểm này – dù tồn tại ở các cấp độ khác nhau của sự khao khát, ao ước, đam mê và hoang mang đau khổ – là quan điểm khởi đầu cuộc sống của những người ưu tú nhất của nhân loại. Đối với đa số họ, đây thậm chí không phải là một quan điểm rõ ràng mà chỉ là một cảm giác mơ hồ, khó nắm bắt, nó được tạo thành từ những nỗi đau trần trụi và từ niềm hạnh phúc không thể diễn tả nổi. Nó là cảm giác về một kỳ vọng lớn, rằng cuộc sống của một người là quan trọng, rằng những thành tựu lớn lao có thể nằm trong khả năng, và rằng những điều vĩ đại còn nằm phía trước.

Bản chất của con người – và của bất cứ sinh vật nào – không phải là đầu hàng, hoặc phỉ nhổ và nguyền rủa sự tồn tại của mình; điều ấy thực ra đòi hỏi cả một quá trình suy đồi mà tốc độ của nó tuỳ thuộc mỗi người. Một vài người đầu hàng vào lần đầu tiên tiếp xúc với áp lực; một vài người mặc nhiên đầu hàng; một số khác đi xuống từ từ và cứ thế mất dần ngọn lửa mà chính họ cũng không hề nhận ra nó đã tàn lụi như thế nào. Sau đó, tất cả biến mất trong cái đầm lầy khổng lồ gồm những người già cỗi, những người rao giảng rằng trưởng thành bao hàm việc chối bỏ chính kiến, rằng sự ổn định bao hàm việc chối bỏ những giá trị riêng, và rằng sống thực tế có nghĩa là phải gạt bỏ sự tồn tại. Chỉ một số ít người kiên quyết không đầu hàng và tiếp tục tiến lên; họ biết rằng không thể phản bội ngọn lửa kia; họ học cách nuôi dưỡng nó, cho nó hình hài, mục đích và sự sống… Tóm lại, dù tương lai mỗi người khác nhau, ở vào thời điểm bắt đầu cuộc sống, nhân loại luôn tìm kiếm một hình ảnh cao cả về bản chất con người cũng như về cuộc sống.

Có rất ít cột chỉ đường trong cuộc tìm kiếm này. Suối nguồn là một trong những cột chỉ đường đó. Đây chính là một trong những lý do cơ bản nhất khiến cho suối nguồn có sức hấp dẫn lâu dài; nó tái khẳng định tinh thần của tuổi trẻ, nó tuyên bố về chiến thắng của con người, nó chỉ ra người ta có thể làm được những gì…”.

Vnwriter

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tư 14, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Tám 15, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button