List sách haySách theo chủ đề

7 sách hay về ẩm thực Hà Nội với hương vị riêng đậm đà bản sắc dân tộc

7 sách hay về ẩm thực Hà Nội tập hợp được nhiều bài viết về các đồ ăn, thức uống của người Hà Nội xưa và nay, cũng như cách người Hà Nội chế biến và thưởng thức chúng ra sao.

Miếng Ngon Hà Nội

Xem giá bán

“Đôi khi cũng mang bệnh nhớ nhung, người viết sách này vào lúc năm tàn hầu hết cũng ưa nghĩ đến một vài kỷ niệm xa xưa.Một chén trà sen do nhà ướp; mấy cái bánh Tô Châu nhấm nháp vào một hôm mát trời; một nồi cơm gạo tám ăn với thịt rim; bát canh cần bốc khói xanh nghi ngút; mấy quả cà Nghệ giòn tan hay mẻ cốm Vòng ăn với chuối tiêu trứng cuốc… tất cả những thứ đó, gợi cho ta một nỗi thèm tiếc mờ mờ, như làm rung động tới những nơi thầm kín nhất của lòng.

Những lúc đó ta không thể không liên tưởng tới những ngày dịu ngọt bên cạnh mẹ già, vợ dại dưới cái mái nhà cũ kỹ rêu phong. Ngọn đèn không sáng lóe nhưng đủ soi một cách thân mật vào những mái tóc thân yêu; tiếng ca hát không nhiều nhưng đủ làm cho tim ta ấm áp; mà bữa cơm tuy là thanh đạm, nhưng đủ để cho ta ngon miệng hơn là ăn vây, ăn yến.Đi trong gió lạnh lùng, tôi nhớ đến những buổi sum họp êm đềm, tôi nhớ đến những bữa cơm thân mật, tôi nhớ đến những miếng ngon gia dụng và đêm đêm tôi đã ghi những nhận xét và cảm xúc đó lên trên mặt giấy.”

(Trích đoạn)

Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine

Xem giá bán

 

Người Hà Nội rất sành ăn uống, đặc biệt họ rất tinh tế trong nấu nướng, chế biến món ăn, dù là những món đơn giản, dân dã, nguyên liệu dễ kiến, dễ tìm. Món ăn Hà Nội không chỉ ngon từ cách chế biến, mà còn tinh tế từ việc nêm nếm gia vị, nước chấm cho đến bày biện sao cho đẹp mắt.

Người Hà Nội không có phong cách ăn tục, uống phàm, xô bồ ầm ĩ, mà tinh tế, thanh nhã. Tính cách này thể hiện rất rõ trong cách nấu nướng của các bà, các chị, các mẹ người Hà Nội. Chẳng thế mà trong cuốn Món Ăn Hà Nội – Hà Nội Cuisine của bà Nguyễn Mai Dung, một người phụ nữ Hà Nội, bà từng chia sẻ: “Những hướng dẫn ở đây là rút ra từ kinh nghiệm nấu nướng hàng ngày của bản thân, của ông bà cha mẹ: các món ăn đều không dùng mì chính, mà dùng nước mắm, tôm, cua, cá… và các loại rau củ quả theo mùa để làm ngọt nước… Tỉ lệ nguyên liệu trong từng món ăn là tính cho từng món, phần còn lại như sự gia giảm các nguyên liệu, cách bày biện cho phù hợp với số người ăn là tùy vào sự sáng tạo và khéo léo của các bà nội trợ”.

A Đây Rồi Hà Nội 7 Món

Xem giá bán

A đây rồi Hà Nội 7 món là tuyển tập những bài viết của nhà văn Trần Chiến về Hà Nội. Cuốn sách có thể khiến nhiều người đang sống ở Hà Nội giật mình nhìn lại bản thân và Hà Nội mà mình đang sống. Nhà văn Trần Chiến vốn được biết đến là một trí thức nho nhã, nhẹ nhàng, điềm đạm. Ở A đây rồi Hà Nội 7 món, ông đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, những điều có thể gây tranh cãi bằng một giọng văn điềm đạm quen thuộc. Có lẽ, chính vì phong cách sống từ tốn, chậm rãi giữa một Hà Nội nhộn nhịp, vội vã đã giúp cho nhà văn Trần Chiến có cái nhìn sâu hơn về Hà Nội. Trần Chiến viết về ẩm thực Hà Thành, viết về những con phố cũ, về kiến trúc… Ông kể về những con ngõ gợi cảm ở Hà Nội. Như là ngõ Đoàn Nhữ Hài toàn nhà thấp, ngõ Tràng An có dáng dấp tiểu tư sản điển hình, ngõ Phất Lộc ngoằn ngoèo nhất khu “Ba sáu phố phường”.

Trần Chiến viết về cả con người nữa, trong đó có nhà văn Tô Hoài. Ông kể: “Tô Hoài “bước” vào tôi dường như “rón rén” lắm, mà để lại bao nhiêu hương thừa.” Có thể thấy một tình yêu Hà Nội thiết tha sau từng trang viết của Trần Chiến.

Món Ăn Hà Nội Xưa

Xem giá bán

Quyển sách tổng hợp từ những món ăn giản dị hàng ngày đến những món ăn trong các dịp lễ tết, song vẫn giữ được sự tinh tế, thanh tao, như một sự sự lưu giữ lại truyền thống, một nét văn hóa đẹp của Hà Nội.

Hà Nội – Quán Xá Phố Phường

Xem giá bán

Cuốn sách là tập tản vẳn các bài viết về những điều bình dị ở Hà Nội. Chia thành 2 phần chính là phố phường với những con phố thân thuộc, gắn với những câu chuyện lịch sử như Đê La Thành, Hàng Đào, Hàng Ngang, không diêm dúa, đẽo gọt mà cố gắng mô tả, cung cấp thông tin vừa đủ để độc giả hình dung được khung cảnh và nhân vật, sự kiện đôi khi đã mờ khuất trong xa vắng đến những món ngon truyền thống đến nay vẫn còn giữ nguyên vẹn hương vị trong tâm trí người thưởng thức như bánh rán, bún ốc, bún cá, phở bò,…

Một nét khắc họa sâu hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi của Uông Triều giữa muôn bức họa đã ra đời trước đó nhưng cũng không làm vơi đi nguồn cảm hứng nơi anh. Viết về Hà Nội, đọc về Hà Nội biết bao nhiêu cho chán. Từng bước, từng bước anh dẫn dắt người ta đến cầu Long Biên “là con đường đi lại mưu sinh của nhiều người lao động” và chỉ cần “nhìn hướng di chuyển của dòng người là biết bên nào là trung tâm thành phố”; giới thiệu một “người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu” trên phố Phan Đình Phùng vàkhông xa là “hàng đậu phú mắm tôm của người đàn bà quê Thái Bình”; bắt tay làm quen “một ông cụ râu tóc bạc phơ, giữa mùa đông mà vẫn đánh trần, quần đùi áo cộc gánh nước tưới rau” ở phía sau chùa Láng…

Những thâu nhận ít nhiều sâu lắng đó, và hẳn cũng là thế mạnh của người viết đã khéo léo đẩy đưa làm cho ta khó lòng mà dừng bước nếu chưa đi đến trang cuối của cuốn sách. Những câu trích trong tác phẩm: – Hồ Tây vọng lên trong tâm tưởng người Hà Nội như một nơi lưu giữ những kỉ niệm. Tôi đã từng đi xe cả một ngày quanh hồ chỉ để ngắm nhìn, quan sát cảnh vật. Một khoảng lặng mênh mang, thơ mộng và đằm sâu văn hóa. Hồ Tây là thiên nhiên hoa cỏ, là cá tôm chim trời, là cuộc sống muôn màu trong lòng thành phố có nghìn năm tuổi… – Hà Nội phố nhiều, ngõ nhiều.

Nghĩ đến ngõ phố nơi này người ta thường nghĩ ngay đến những vách tường cao cớm nắng, bóng sáng loãng dần, những con ngõ dài sâu hun hút, có chỗ hai người đi đã phải tránh nhau. Ngõ là thế, nhỏ và hẹp, thường là một nhánh của phố nhưng đôi khi có những con ngõ lại giống những con phố độc lập, có tên riêng, rộng rãi, ngõ là phố với đầy đủ những đặc điểm của nó. – Làng Vạn Phúc giờ đã trở thành phố phường nhưng đi quanh co trong những ngõ nhỏ vẫn bắt gặp những chiếc cổng cổ kính, phong sương, vài ngôi nhà gỗ trầm mặc, những cụ già phơ phơ tóc trắng… Nơi đây, trong không gian đi cùng thời gian huyền sử luôn gợi nhớ hồn xưa làng Việt… – Về màu sắc thì bát mì vằn thắn vượt trội hơn so với phở. Bát mì vằn thắn để yên thì giống một bức tranh tĩnh vật nhiều màu sắc. Vắt mì vàng tươi, miếng sủi chiên vàng rộm, sủi luộc trong suốt, miếng gan nâu thẫm, trứng luộc trắng ngọc, lá hẹ xanh và cái cùi tôm đỏ ửng như một điểm nhấn hấp dẫn.

Ẩm Thực Thăng Long Hà Nội

Người xưa có câu “dân dĩ thực vi tiên” (Dân lấy việc ăn làm đầu). Song dân gian cũng lại cho rằng “Ăn lấy thơm lấy tho chứ không ăn lấy no lấy béo”. Người Việt Nam quan niệm như thế. Và người Hà Nội cũng quan niệm như thế. Nói vậy để thấy rằng “ẩm thực” đã được nâng tầm không chỉ là nhu cầu vật chất thuần túy, mà nó đã trở thành “Văn hóa ẩm thực của Việt Nam” nói chung, Hà Nội nói riêng.

Cuốn “Ẩm thực Thăng Long – Hà Nội” đã tập hợp được nhiều bài viết về các đồ ăn, thức uống của người Hà Nội xưa, cũng như cách người Hà Nội chế biến và thưởng thức chúng ra sao. Cũng là những đồ ăn, thức uống như ở nhiều nơi, nhưng qua bàn tay khéo léo, tinh tế của người Hà Nội đã thành thứ sản phẩm riêng, đặc trưng riêng mà chỉ có Hà Nội mới có. Để bất cứ ai từng sống ở Hà Nội, hay đã rời Hà Nội đi khắp bốn phương trời…đều không nguôi nỗi nhớ và mong một lần trở về để thưởng thức hương vị xưa.

Độc Đáo Ẩm Thực Thăng Long – Hà Nội

Từ ngàn năm qua, Thăng Long – Hà Nội từng là đất kinh kỳ thành thị đan xen giữa thị dân và nông dân của nước Đại Việt. Đồng thời, đây còn là thành thị thủ phủ của cả miền Bắc thời nhà Nguyễn cũng như thời Pháp xâm lược, rồi trở thành thủ đô như hiện nay.

Những điều kiện lịch sử ấy cùng với vị trí địa lý trung tâm, đầu mối giao thông đường sông, đường bộ của cả châu thổ sông Hồng khiến cho Thăng Long – Hà Nội có vị trí đặc biệt so với các vùng khác, đặc biệt đây còn là nơi hội tụ tinh hoa tứ xứ, vừa đi tiên phong, vừa tiêu biểu cho bản sắc ẩm thực miền châu thổ sông Hồng, cũng như nước Đại Việt. Ẩm thực nơi đây khác biệt với ẩm thực nước ngoài nhất là đối với ẩm thực phương Bắc, Trung Quốc. Cùng với văn hóa dân gian, văn hóa ẩm thực Thăng Long – Hà Nội là thành trì bảo vệ bản sắc dân tộc, đề kháng có hiệu quả mọi âm mưu đồng hóa và giúp Việt Nam tồn tại sau hàng ngàn năm Bắc thuộc và gần trăm năm Pháp thuộc!Cho đến thời Pháp thuộc, người Hà Nội vẫn phân biệt rất rõ ràng cơm Ta với cơm Tàu, cơm Tây; bánh (Việt) với bánh Khách (Tàu), bánh Tây; trà (Việt) với trà Tàu… và có hẳn phố Khách (Tàu), phố Tây… Không hề lẫn lộn như vùng miền khác!

Người Thăng Long – Hà Nội có nền ẩm thực với hương vị riêng đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện rõ trong việc dùng nước mắm và những hương vị tự nhiên như gừng, tỏi, hành, nghệ, rau thơm… để làm gia vị. Không như người Tàu hay dùng nước tương, tàu vị yểu để tra nồi hay chấm, khẩu vị thiên về chua ngọt hay thích xào nhiều dầu mỡ, thức ăn ướp ngũ vị hương hoặc thêm chất bột sền sệt…

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button