List sách haySách theo chủ đề

7 sách hay về ẩm thực Nam bộ đưa bạn đọc vào hành trình khám phá ẩm thực

Đọc 7 sách hay về ẩm thực Nam bộ bạn sẽ nhớ về những món ngon đồng quê thời tuổi thơ, những miền đất mình đi qua, con cá lóc nướng rạ đặt trên đọt lá chuối ở bờ đìa. Và rất nhiều những khuôn mặt người mà mình từng gặp, từng ngồi cùng mâm mà lâu nay đã mờ khuất trong trí nhớ…

Món Ăn Dân Dã Nam Bộ

Xem giá bán

Cô Lê Thị Vân là “nghệ sĩ chân đất” mà danh tiếng tại Sài Gòn mấy mươi năm trước với nghệ danh dân gian là “Cô Sáu Cây Dừa”. Cô đưa món ăn “mắm và rau” của nông dân Nam bộ thành “Lẩu mắm Nam bộ” bằng cách đơm một mâm rau đa dạng, đẹp mắt bên một lẩu (thay tô) nóng sôi thơm phức cùng đĩa hải sản hấp dẫn để nhúng rau. Món này đã được phục vụ tại các nhà hàng và trong các lễ hội.

Cô từng phục vụ với trách nhiệm bếp trưởng nhà hàng Hoa Tân, khách sạn Đệ Nhất và làng văn hóa du lịch Bình Quới. Tại đây, cô đã đưa các món ăn dân dã Nam bộ vào lễ hội Ẩm thực Nam bộ, Ẩm thực Khẩn hoang Nam bộ. Cô Vân được mời thỉnh giảng tại Khoa Bếp trưởng Trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigon Tourist cùng thời với bác Nghĩa trưởng Bếp khách sạn Rex… với môn Bếp truyền thống Nam bộ. Cô đã góp phần đào tạo hàng ngàn thanh niên thành các đầu bếp chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phục vụ ẩm thực Việt Nam cho khách du lịch trong và ngoài nước.

Là nghệ nhân nổi tiếng, cô Sáu được mời đi biểu diễn ẩm thực Việt Nam tại nhiều nước. Cuốn sách này cô viết hơi muộn, nhưng nếu không có nó thì chúng ta mất đi một tài liệu qúy báu về các món ăn chuẩn – thuần túy Việt Nam. Đây là cuốn sách có giá trị, góp phần vào dạng sách ẩm thực Việt Nam vốn đang rất cần thiết cho các độc giả trong và ngoài nước. Cô Vân là “Master chef” đúng nghĩa: cô có lý thuyết (là giảng viên), có thực tiễn và sáng tạo; đáng quý nhất là cô đã đào tạo nhiều học trò thành danh.

Món Lạ Miền Nam

Xem giá bán

“Chồng mà không chịu ăn thì vợ đừ ngay ra mặt, khóc đòi về với bà già. Tôi yêu người vợ miền Nam thực thà như đếm, yêu ai thì yêu lộ liễu, thích cái gì thì muốn cho ai cũng biết rằng mình thích mới nghe! Đẹp thì muốn đẹp cho sắc sảo, áo quần phải làm sao cho nổi bật lên hơn cả quần áo của chúng chị em; mà ngày lễ và chủ nhật phải nèo chồng đi chơi cho kì được để cho người ta thấy hạnh phúc lứa đôi của mình.

Miếng ngon của miền Nam cũng thành thật như người đàn bà vậy. Ăn một miếng, ngon ngay, nhưng ngon không phải do vị của chính thức ăn, mà là tại xạ và ớt làm nổi vị lên, điểm cho khẩu cái một tơ duyên ấm áp.

Ăn như thế cũng có một cái thú riêng, nhưng làm cho người ta yêu hơn các món ăn của miền Nam, chưa chắc đã là vì các món ăn đó có nhiều ớt và nhiều sả, mà cũng không phải vì món ăn của miền Nam nịnh khẩu cái ta ngay, để rồi chỉ lưu lại một dư vị rất mong manh trong cuống họng.

Tôi yêu miếng ngon miền Nam nhiều là vì nó lạ – lạ đến nhiều khi không thể tưởng tượng được – và chính những cái lạ đó đã cho tôi thấy rõ hơn tính chất thực thà, bộc lộ và chất phác của người Nam….”

Trích đoạn sách

Ngọt Ngào Chè Nam Bộ

Xem giá bán

Ẩm thực Nam Bộ vốn được yêu thích bởi sự dân dã, nguyên liệu gần gũi dễ tìm nhưng hương vị thì tuyệt ngon. Cuốn sách hướng dẫn cách chế biến 62 món chè thơm ngon, thanh mát, giải nhiệt trong ngày hè: Thạch đậu đỏ, thanh long, trứng cút, nấm tuyết bí đỏ, sakê lá dứa… Bạn hãy trổ tài vào bếp để chiêu đãi gia đình và những người thân yêu của mình nhé!

Sài Gòn Ẩm Thực Trong Tôi

Xem giá bán

“Nhắc đến Sài Gòn – người ta thường nghĩ ngay đến café vỉa hè, những món hàng rong trên đường phố, cứ thế đi vào nỗi nhớ từng người con gắn bó nơi đây. Với chàng trai trẻ Lưu Quang Minh, hình ảnh của Sài Gòn cùng những nét riêng biệt, dấu ấn đậm đà về ẩm thực đất phương Nam đã in hằn trong tâm hồn, trong những cảm nhận sâu sắc qua 25 năm – sinh ra, lớn lên và được đất Sài Thành nuôi dưỡng. Tất cả được thâu nhận tinh tế, đủ đầy, rõ nét qua tập truyện Sài Gòn – Ẩm Thực Trong Tôi.

Những món ăn mà Lưu Quang Minh kể trong các câu chuyện của mình đơn giản là những món ăn bình dân, rất vỉa hè, mộc mạc từ tên gọi. Thế nhưng, cái cách tác giả miêu tả cứ khiến người đọc “phát thèm”, “thèm thuồng” và chỉ có một mong ước được thưởng thức ngay, được nếm, được tận hưởng, được cảm nhận thực sự bằng vị giác. Đó chính là cái tài tình của nhà văn trẻ này. Anh không chỉ viết bằng ngòi bút mà viết ra bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, của người đầu bếp, người sành ăn và đặc biệt hơn là của tấm lòng một người con yêu thương mảnh đất Sài Gòn da diết, mới có thể hiểu, cảm nhận sâu sắc đến vậy.

Đọc “Phá lấu vỉa hè”, người đọc cảm thấy “tứa nước miếng” vì thèm, vì cái lối miêu tả sao mà chân thực, rõ ràng, khơi gợi đến thế: “Ăn phá lấu đúng điệu phải xiên bằng que, chấm nước mắm me chua chua ngọt ngọt, thêm miếng ớt xắt cay cay với vài lá rau răm điểm xuyết. Cắn một miếng lòng nóng giòn sần sật, lại húp thêm nước hầm chan sâm sấp trong chén, nó như quên hết cả trời chiều như thiêu như đốt.” Ta cảm giác tác giả chính là nhân vật trong câu chuyện ấy, đang sung sướng thưởng thức, rồi tả chân cho chúng ta, như đang “trêu tức” những tâm hồn ăn uống khác, dù muốn song đành chịu. Hay món bắp xào trong “Bắp xào ơi”: “Từng hạt bắp vàng rộn thấm bơ với mỡ hành nóng hôi hổi, ăn đến đâu ứa nước miếng đến ấy, cứ nghĩ đến thôi bụng đã không khỏi cồn cào.”

Sài Gòn qua cái nhìn của Lưu Quang Minh hiện lên giản dị, mộc mạc, gần gũi và thân thương. Không phải một thành phố xa hoa tráng lệ, không phải những nhà hàng sáng trưng rực rỡ ánh đèn, Sài Gòn chỉ là những xe bánh mì thân thương ngang qua, những hàng phá lẩu tuổi thơ đi theo cùng năm tháng, là món gỏi bò khô bên vệ đường níu lòng đứa con xa quê tít tắp chốn trời Tây, là những xe kẹo kéo thơm ngon ấp ủ ước mơ,… Sài Gòn giữ lòng người đi xa, níu bước chân người phiêu lãng vô tình lướt qua, để thầm thương mến, thân quen, gặp một lần mà như gắn bó từ lâu. Sài Gòn cũng chân chất như con người nơi mảnh đất nắng nóng quanh năm này, người phương Nam hồn hậu, hiền lành, thân thiện, đất phương Nam mến khách mến người.

Ẩm Thực Ba Miền

Xem giá bán

Nội dung của cuốn sách bao gồm ba chương chính sau:

Chương thứ nhất

Hành trình khám phá du lịch và ẩm thực miền Bắc (Trong chương này quý độc giả – du khách sẽ được du ngoạn qua những vùng miền có truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, được tham quan những danh lam thắng cảnh và những địa điểm ẩm thực nổi tiếng ở miền Bắc, và từ đó giúp du khách có những lựa chọn phù hợp với sở thích của mình và lên kế hoạch du lịch để có thể tận hưởng cảm giác thú vị trong những chuyến đi nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày học tập hoặc làm việc căng thẳng mệt mỏi.)

Chương thứ hai

Miền Trung và những cuộc lãng du bất tận (Mảnh đất miền Trung nơi có nhiều thắng cảnh đẹp, những di tích và nền văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo không thua kém vùng nào trong cả nước. Đến với miền Trung du khách sẽ được tận hưởng cảm giác dễ chịu và vô cùng ngạc nhiên; đồng thời lại có thể tích lũy những kiến thức về ẩm thực về lịch sử hình thành và phát triển của những danh lam, thắng cảnh và nhiều món đặc sản của các vùng miền mình sẽ đi qua.)

Chương thứ ba

Thả hồn trong những khoảnh khắc du lãng phương Nam (Đi du lịch không gì thú vị bằng việc tự mình khám phá và thưởng thức hương vị ẩm thực của nơi đó. Đến với phương Nam, du khách sẽ được chìm đắm trong cảnh sắc của nơi miệt vườn, của vùng quê sông nước, được thả hồn trong những hương vị ẩm thực của một vùng đất đầy những điều bí ẩn, hấp dẫn.)

Đây là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho mọi người mọi nhà, cầm cuốn sách này trên tay là chúng ta đã có thể du lịch và tận hưởng những hương vị ẩm thực của từng vùng miền qua từng trang sách; chúng ta còn hiểu thêm những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời qua đó chọn ra những nơi địa điểm nổi tiếng về du lịch và ẩm thực trong cả nước để lên kế hoạch cho những cuộc đi chơi, nghỉ dưỡng thật vui vẻ hấp dẫn cho mình và những người thân yêu; cho đồng nghiệp trong các cơ quan trường học của mình.

Sài Gòn, Ồ Bỗng Ngon Ghê

Xem giá bán

Với văn phong hóm hỉnh, đôi khi bông phèng, người viết dẫn độc giả từ quán thịt chó “xôm tụ” ở hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh đến gánh hàng rong trên vỉa hè, quán phở trên đường Nguyễn Văn Đậu, Cách Mạng Tháng Tám, Phạm Văn Hai. Cuốn sách nhỏ vừa mang chút niềm tự hào của một người chuyên ăn hàng rong: Sài Gòn món gì cũng có, món ngon miền nào cũng hội tụ về đây; nhưng cũng phảng phất chút buồn khi trong thời đại công nghiệp, văn hóa ẩm thực Việt Nam có chút phôi phai, rồi ăn cái ngon mà nơm nớp lo hóa chất, lo ngộ độc thực phẩm. Mời bạn đọc cuốn “Sài Gòn chở cơm đi ăn phở” cùng cuốn sách mới nhất của Ngữ Yên được giới thiệu trong đợt này có tựa Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê! để hình dung đầy đủ về một hành trình khám phá ẩm thực.

Sài Gòn Chở Cơm Đi Ăn Phở

Xem giá bán

Không cố tình dệt nên những áng văn hoa mỹ về chuyện ăn uống, Ngữ Yên, thậm chí làm ngược lại, “anti” cái sự kiểu cách vẽ vời để mong muốn chạm trực tiếp đến cái ăn cho được đúng như nó là, đúng như là nó – tự do, phóng khoáng, xả láng hài hước nhưng đau đáu, thâm trầm. Cách ăn “không son phấn” đó mang lại cho chúng ta nguồn dữ liệu thực, thực từ ngôn ngữ trên bàn ăn (cách dùng từ lóng, giễu nhại, bóng gió,…) đến câu chuyện sau cái ngon, cái chưa ngon là nỗi đời, sự đời mang tính phổ quát mà cũng rất đỗi riêng tây.

Chuyện ăn trong cõi ta bà của xứ Sài Gòn như cách tác giả cuốn sách này chọn kể hóa ra cũng một nẻo thong dong đi vào đời sống, gom nhặt biết bao ân tình! Dĩ nhiên, không tránh khỏi chuyện có những món ăn, cách ăn, giá cả nguyên liệu không còn ứng với tâm thế, nhận thức, không cập nhật với thời điểm độc giả cầm cuốn sách này. Nhưng có hề chi. Xin hãy đọc những dòng nắn nót về thịt chó hay dồi trường trong một tâm thế tiếp nhận bình tĩnh như đọc một đoạn ghi chép dân tộc học. Biết bao kiến thức y thực cũng vậy, có thể cách luận giải không phù hợp với ngày nay, nhưng xin hãy tiếp cận để biết thêm rằng, chưa xa, mới một, hai thập niên trước thôi, lối tư duy ấy đã từng chi phối trên nhiều bàn ăn của người Việt. Với cách nhìn đó, bạn sẽ thấy từng bài viết trong cuốn sách này là từng mảnh sử rời rạc. Một ngày nào đó chúng sẽ vô cùng hữu ích cho những dự án có tham vọng lớn hơn của bạn về ẩm thực.

Sau khi đi qua 280 trang sách với 64 lần dừng chân ở các tiêu đề từng bài, quay trở lại với nhan đề của hai bài đầu sách: Bếp lửa sinh thành và Tô canh khế, thả sách xuống ngực, đầu thong thả chợt nhớ về những món ngon đồng quê thời tuổi thơ, những miền đất mình đi qua, con cá lóc nướng rạ đặt trên đọt lá chuối ở bờ đìa. Và rất nhiều những khuôn mặt người mà mình từng gặp, từng ngồi cùng mâm mà lâu nay đã mờ khuất trong trí nhớ…

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button