List sách haySách theo chủ đề

5 sách hay về Champa dẫn đưa người đọc vào cuộc hành trình thú vị

5 sách hay về Champa truyền tải nhiều kiến thức: từ lịch sử vương quốc Champa đến lai lịch tộc người Chăm, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần sang văn hóa ứng xử, đều được tác giả động cấp đến với một văn phong giản đơn mà không kém thú vị.

Mật Mã Champa

Xem giá bán

Mật mã Champa là một cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên viết về mật mã, lịch sử và tôn giáo của nền văn minh Champa cổ xưa đầy huyền bí trên dải đất miền trung Việt Nam. Những đền tháp uy nghi có từ hàng thế kỷ trước, những pho tượng Bà-la-môn giáo nhuốm màu thời gian cùng hàng trăm tấm bia kí phai mờ đang ẩn chứa vô số bí ẩn mà hậu thế chưa thể giải mã. Sau nhiều năm trùng tu thánh địa Mỹ Sơn, một kiến trúc sư đã phát hiện ra nhiều mật mã bằng Phạn ngữ khắc trên bia đá tiết lộ các lễ hiến tế thần bí.

Điều làm ông bất ngờ và sợ hãi là những bí ẩn kho báu Champa và lễ hiến tế người gắn liền với một hội kín tà giáo có từ thời trung cổ. Lúc ông quyết định thám hiểm vào sào huyệt của hội kín thì bị sát hại đúng theo cách mà ông từng biết qua bia kí.

Rất may, trước khi chết ông đã kịp để lại một mật mã.

Ngay lập tức, một kiến trúc sư trẻ đã vào cuộc. Anh bắt đầu giải chuỗi mật mã mà nhà khảo cổ kì cựu này để lại rồi rơi vào một cuộc rượt đuổi kinh hoàng. Cuối cùng, anh đã sập bẫy rồi bị đưa lên đài cúng tế đúng như nghi thức man rợ cổ xưa.

Sau nhiều diễn biến kịch tính tại hang ổ của hội kín, bí ẩn về hội tà giáo Naga và kho báu của vương triều Champa lần lượt được đưa ra ánh sáng sau hàng thế kỉ chìm trong bí ẩn.

Hành Trình Văn Hóa Chăm

Xem giá bán

Hành Trình Văn Hóa Chăm của Inrajaka do nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành tháng 11 năm 2017, là tác phẩm đầu tay của một tác giả còn khá trẻ: 33 tuổi. Sách dày 200 trang, bao quát cả phạm vi rộng lớn thuộc nhiều lĩnh vực, khía cạnh của một vương quốc cổ, một tộc người đã dựng xây nền văn minh phát triển sớm trên phần lớn giải đất miền Trung Việt Nam ngày nay.

Tác giả dẫn đưa người đọc vào cuộc hành trình thú vị: Từ lịch sử vương quốc Champa đến lai lịch tộc người Chăm, từ văn hóa vật chất đến văn hóa tinh thần sang văn hóa ứng xử, đều được tác giả động cấp đến với một văn phong giản đơn mà không kém thú vị.

Cụ thể hơn, người đọc có thể nhận biết: Người Chăm là ai, và đang ở đâu qua tư liệu lịch sử cũng như truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian; tiếp đến là Hải sử và văn hóa biển Chăm với Cù Lao Chàm và Cửa Đại Chiêm trong quan hệ khăng khít với thế giới Đông Nam Á Hải đảo.

Văn hóa vật chất gồm ẩm thực, nhà cửa, trang phục, ngành nghề thủ công truyền thống, phương tiện đi lại và vận chuyển, di tịch lịch sử – văn hóa, vân vân là những khía cạnh đã được thông tin đại chúng đưa nhiều nhưng chưa đủ và nhất là – vẫn còn thiếu cái nhìn hệ thống. Hành trình Văn hóa Chăm thì khác. Nó cũng khác công trình mang tính hàn lâm như Văn hóa Chăm [của Phan Xuân Biên, Phan An, Phan Văn Dốp] do Viện Khoa học Xã hội in từ một phần tư thế kỉ trước.

Đặc biệt Hành trình Văn hóa Chăm đưa độc giả vào những vùng đất độc đáo nhất của văn hóa Chăm, qua những câu hỏi cốt tủy: Tại sao người Chăm Bà-ni cúng tế tháp? Đâu là khác biệt giữa Islam và Bà-ni? Ở đây người đọc có thể tra cứu hay kiểm tra kiến thức của mình về Chăm như tra cứu từ điển bỏ túi. Về lễ hội chẳng hạn, có các “mục từ”: Yor yang, Katê, Cabbur, Pơh Bơng Yang, Rija Nưgar, Palau Paxah, Xuk Yơng, Ramưwan…

Về Văn chương, là: Sử thi Akayet Dewa Mưno, Akayet Inra Patra, Akayet Um Mưrup; Trường ca, là Ariya Bini Cam, Ariya Cam Bini, Ariya Xah Pakei, Ariya Glơng Anak, Ariya Po Parơng, Ariya Twơn Phauw, Pauh Catwai, Jadar và Ariya Nau Ikak; Gia huấn ca, có: Ariya Patauw Adat, vân vân. Rất tiện lợi cầm tay và tra cứu!

Cuối cùng, tác giả dẫn người đọc “Đi vào làng Cham cùng khám phá đời sống Cham” qua các palei Chăm cùng di tích: Kut, Ghur, đập, làng nghề cùng những lối kiêng kỵ rất Chăm. Ở đó vẫn tồn tại những huyền thoại, như huyền thoại về Harơk Kah, về Ma Hời và Vàng Hời, về Samri, Yang Ing và Ciet sách, về Mương Đực Mương Cái…

Sa Huỳnh – Lâm Ấp – Chăm Pa

Xem giá bán

Thời gian một vài thế kỷ trước sau Công nguyên là giai đoạn bản lề trong diễn biến văn hóa lịch sử ở miền Trung Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Tài liệu khảo cổ học phát hiện những năm gần đây cho thấy có những thay đổi nhanh, đột ngột, những tiếp xúc văn hóa nhiều chiều phức tạp đã xảy ra trên địa bàn này tương ứng với sự hình thành và phát triển của một loạt những chính thể sớm dạng lãnh địa. Đặc biệt là sự biến chuyển từ các dạng xã hội này (và những dạng xã hội với mức độ phức hợp thấp tương đương lãnh địa) sang những hình thức chính thể dạng nhà nước với mức độ phức hợp cao hơn được gọi bằng những tên khác nhau.

Tháp Cổ Champa

Sau hàng mấy trăm năm bị chìm trong quên lãng, từ cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, các ngôi đền tháp cổ Champa mới bắt đầu được các chuyên gia người Pháp thống kê, khảo tả và nghiên cứu một cách khoa học và hệ thống. Sau những người mở đầu mà tiêu biểu là kiến trúc sư H. Parmentier, từ những năm 40 của thế kỷ XX đến nay, nhiều thế hệ các nhà khoa học tiếp theo của Pháp, của Việt Nam và của các nước khác trên thế giới đã giải mã dần dần những bí ẩn của những ngôi đền tháp cổ Champa mà người Chăm cũng như người Việt, do không giải thích và hiểu được, đã thêu dệt thành những sự tích và truyền thuyết dân gian ly kỳ.

Khảo Cổ Học Champa Khai Quật Và Phát Hiện

Cuốn sách Khảo cổ học Champa khai quật và phát hiện của Tiến sĩ Lê Đình Phụng – Viện Khảo cổ học vừa được xuất bản năm 2017, là người đã nghiên cứu về Khảo cổ học Champa rất lâu năm. Trích lời tác giả: Văn hóa Champa là một bộ phận của văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là nền văn hóa lớn, có bề dày hình thành và phát triển theo suốt chiều dài lịch sử trên dải đất miền Trung. Trong quá trình tồn tại và phát triển, văn hóa Champa để lại di sản trên nhiều lĩnh vực vật thể và phi vật thể còn hiện diện cho đến ngày nay, trong đó những di sản vật thể chiếm vị trí quan trọng. Sự có mặt của các loại hình kiến trúc tháp, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, dấu vết những tòa thành cổ, những cảng thị cùng sự hiện diện của các lò gốm, những sản phẩm thủ công đã tạo nên diện mạo văn hóa champa vô cùng phong phú trong lịch sử.

Những cuộc khai quật khảo cổ học được tiến hành trong nhiều giai đoạn, nhiều cơ quan, nhiều thế hệ học giả, thực hiện trên nhiều lĩnh vực, mục đích khác nhau, tác giả cố “nhặt nhạnh” chắt lọc từ các báo cáo khoa học, những thông báo trong Những phát hiện mới về khảo cổ học hằng năm từ nhiều cơ quan, nhiều nhà nghiên cứu để tạo nên cuốn sách này.

Nội dung cuốn sách gồm 4 chương: 1/ Sơ lược về lịch sử và văn hóa Champa; 2/ Những cuộc khai quật và phát hiện khảo cổ học champa trước năm 1975 bao gồm các cuộc khai quật trên địa bàn bắc đèo Hải Vân và nam đèo Hải Vân; 3/ Những cuộc khai quật và phát hiện khảo cổ học Champa sau năm 1975; 4/ Những đóng góp của khảo cổ học vào nghiên cứu lịch sử văn hóa Champa.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button