List sách haySách tham khảo, học tập

7 sách hay về giáo dục đại học nêu bật vai trò và công dụng của đại học

7 sách hay về giáo dục đại học tìm hiểu sứ mệnh và đóng góp xã hội của đại học, cũng như sẽ đề cập một số khó khăn của nền đại học thế giới hiện nay, và nhìn lại đại học Việt Nam.

Các Công Dụng Của Đại Học

Xem giá bán

Các công dụng của đại học, The Uses of the University, của học giả và một nhà lãnh đạo giáo dục đại học hàng đầu của Hoa Kỳ, Clark Kerr, là quyển sách “kinh điển”, lôi cuốn và ấn tượng phản ảnh sự phát triển thần kỳ của đại học Hoa Kỳ trong thời kỳ cực thịnh của nó sau Thế chiến thứ hai, với những ưu và khuyết điểm, sau khi tên tuổi của nền đại học Đức bên kia bờ Đại Tây Dương suy tàn. Nó có thể được xem là “văn phạm của đại học hiện đại Hoa Kỳ”. Quyển sách của Kerr, như cựu chủ tịch đại học Chicago Hanna H. Gray viết năm 2012, “là quyển sách hay nhất về giáo dục đại học Mỹ được viết trong thế kỷ hai mươi”.

Quyển sách rất cần thiết cho những ai muốn hiểu biết về lịch sử đại học Hoa Kỳ trong thời kỳ vàng son, những logic tất yếu của nó, cũng như những vấn đề nó đối mặt – trong khuôn khổ lịch sử giáo dục đại học thế giới xưa và nay. Clark Kerr nghiên cứu các sự biến đổi của đại học qua thời gian và không gian bằng cách xem lại lịch sử của nó và tập trung vào ba phương diện chính của cuộc tiến hoá: sứ mệnh mới của nó (tạo ra tri thức cho nền kinh tế dựa trên tri thức), mô hình tài trợ mới của nó (đại học với tài trợ liên bang, federal grant university) và cơ cấu mới của nó (sự phân mảnh của đa đại học). Ông cũng đề cập đến những khía cạnh sử dụng tốt đại học, và cảnh báo những sự lạm dụng nó dưới các hình thức. Vai trò lãnh đạo của Mỹ có được như trong thế kỷ hai mươi, như tác giả nói, là dựa trên “sự sử dụng tốt tri thức”, và trên hết, thông qua hệ thống các đại học nghiên cứu.

Hiểu biết vai trò và những đóng góp quyết định của đại học vào các xã hội phát triển sẽ giúp người ta thấy rõ hơn sự lạm dụng, hay sự trì trệ của các đại học còn đang diễn ra tại nhiều quốc gia đang phát triển có những giam hãm chính trị.

Những Mục Tiêu Của Giáo Dục Và Các Tiểu Luận Khác

Xem giá bán

Đây không phải là tựa sách đầu tiên của chúng tôi về giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng. Nhưng theo tôi, nếu có tác giả nào, từ cách đây gần 80 năm đã chủ trương một triết lý giáo dục gần gũi với nhu cầu của thời đại chúng ta vào đầu thế kỷ XXI và cần thiết cho dân tộc Việt Nam ngày nay, đó chính là nhà toán học – triết gia người Anh Alfred North Whitehead (1861-1947). Là đồng tác giả với Bertrand Russell của bộ sách ba quyển Principia Mathematica (Nguyên lý toán học, 1910, 1912, 1913), ông đã đóng góp có ý nghĩa vào luận lý học và thần học thế kỷ XX. Những năm từ 1910 tới 1924, ông nghiên cứu nhiều về triết học khoa học và triết học giáo dục. Ông là giáo sư triết tại Đại học Harvard từ 1924 đến 1937, khi ông nghỉ hưu ở tuổi 76. The Aims of Education tập hợp một số bài giảng của ông trong những năm 1912-1928 nói về mục tiêu và thực hành giáo dục.

Kiểu quan niệm trí tuệ như một “công cụ chết” theo Whitehead có thể có từ thời Hy Lạp cổ đại (hay nói trong môi trường văn hóa quen thuộc hơn với chúng ta, từ khi thầy Khổng dạy “học nhi thời tập chi”, học là tập đi tập lại hoài cho thuộc, cho nhuần nhuyễn những lời dạy thánh hiền) và được nhiều thế hệ nhất mực coi là chân lý. Whitehead không ngần ngại coi quan niệm đó là “một trong những quan niệm nguy hiểm, sai lầm, và tai hại nhất từng được đưa vào lý thuyết giáo dục”. Đối với ông, “trí tuệ không bao giờ là thụ động; nó là một hoạt động không ngừng nghỉ, tinh tế, có tính thụ nhận, đáp ứng lại với những kích thích. Bạn không thể trì hoãn đời sống của nó cho đến khi bạn đã mài nó bén nhọn”.

Vì vậy, đối với giáo dục phổ thông, ông chủ trương “không dạy quá nhiều môn học” và “dạy cái gì thì phải dạy cho thấu đáo”. Dạy ít, nhưng là những nội dung quan trọng, mà người học dù là trẻ nhỏ cũng biến được tri thức đó thành của mình và “biết cách áp dụng chúng ngay lập tức trong những tình huống của cuộc đời thực”. Điều đó làm cho tri thức thực sự hữu dụng; bản chất của sự thông hiểu là phải hữu dụng. Nó cũng tạo nên hứng thú học tập, vì người học “cảm nghiệm được niềm vui của sự khám phá”.

Ông định nghĩa “giáo dục là sự sở đắc nghệ thuật sử dụng tri thức”. Học mà không hiểu, hoặc không dùng được hiểu biết của mình thì càng học nhiều càng có hại. Thông điệp này đúng cho muôn thuở. Nhưng đối với thời hiện đại, khi khối lượng lớn những tri thức mới phát triển với tốc độ cực nhanh, thì cám dỗ “nhồi nhét” càng khó cưỡng lại biết chừng nào, dù ai cũng thấy hiệu quả là vô vọng. Đối với văn hóa Á Đông mà Việt Nam chúng ta là bộ phận, định nghĩa của Whitehead càng trái ngược với nhiều tín điều ăn sâu. Trình độ học thức không được đo bằng khối lượng kiến thức, mà bằng năng lực, nghệ thuật dùng kiến thức đó trong cuộc sống. Người học không phải là cái bình chứa để người dạy rót vô, hay một búp măng cần ra sức uốn sao cho thẳng theo khuôn mẫu, mà là một tư duy độc lập, tự do. Tập quán tôn trọng di sản tiền nhân, tuyệt đối hóa giá trị của truyền thống, hướng về quá khứ để bảo tồn cũng bị thách thức bởi khẳng định mạnh mẽ của Whitehead: “Cách sử dụng duy nhất cho một tri thức về quá khứ là để trang bị cho chúng ta hiểu thời hiện tại. Không có gì nguy hại cho những tâm trí non trẻ hơn việc coi khinh thời hiện tại. Thời hiện tại bao hàm tất cả những gì đang tồn tại. Nó là mảnh đất thần thánh; vì nó vừa là quá khứ vừa là tương lai.”

Lời giới thiệu

Chất Lượng Giáo Dục Đại Học Nhìn Từ Góc Độ Hội Nhập

Xem giá bán

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã cung cấp khá phong phú những thông tin căn bản và cập nhật về những vấn đề còn mơ hồ, gây nhiều tranh cãi ở trong nước, chẳng hạn như: danh xưng “tiến sĩ”, “viện sĩ” có nguồn gốc từ đâu và cách mà nhiều nước cấp bằng tiến sĩ khác ở ta thế nào; tiêu chuẩn chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học; ý nghĩa và giá trị thực của một số cách xếp hạng đại học trên thế giới (ví dụ: cách xếp hạng của THES hoặc Đại học Giao thông Thượng Hải); tiêu chuẩn đề bạt chức danh giáo sư… Những quan niệm và cách làm của các đại học tiên tiến đã được sàng lọc, đúc kết qua hàng trăm năm lịch sử đáng cho ta tham khảo, vận dụng nghiêm túc nếu không muốn lạc ra khỏi dòng chảy thời toàn cầu hóa.

Nhưng có lẽ điểm đáng nói hơn nữa chính là sự quan tâm sâu sắc, là tâm huyết của một chuyên gia đang sống và làm việc ở nước ngoài đối với giáo dục đại học nước nhà thể hiện qua nỗ lực đi sâu tìm hiểu, ghi nhận những nét mới, tích cực đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót, bất cập trong giáo dục đại học hiện nay và đề xuất những biện pháp giải quyết trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm nước ngoài kết hợp với thực tiễn nước ta.

Ý Niệm Đại Học

Xem giá bán

Jaspers, một trong những triết gia hàng đầu của thế kỷ 20, đã cố ý sử dụng thuật ngữ “ý niệm” tiêu biểu của các bậc tiền bối là Immanuel Kant để chỉ nguyên tắc của lý tính, lý tưởng để vươn tới tuy không bao giờ đạt được trọn vẹn, như ngôi sao Bắc đẩu dẫn đường cho kẻ lữ hành. Vâng, theo Jaspé, quả có một Ý niệm về đại học, và Ý niệm này (xin viết hoa để phân bệt!) là Tinh thần sống động, là Hồn của đại học. Nhưng, một khi phải bàn về “Ý niệm đại học” là mặc nhiên thú nhận rằng Ý niệm ấy đang bị xem nhẹ, ánh sáng dẫn đường ấy đang bị lu mờ, hồn cốt ấy đang phai nhạt và có nguy cơ tan biến. Tương lai cho nền đại học đã bị sa đọa như thế phụ thuộc vào sự khôi phục Tinh thần nguyên thủy. Jasper thừa biết rằng con đường trở lại với thời cổ điển là vô vọng, nhưng một sự tái tạo theo tinh thần của Humboldt trong những điều kiện kinh tế – xã hội mới mẻ là cần thiết, và, hơn thế, là có thể làm được.

– BÙI VĂN NAM SƠN

Theo đuổi tri thức

Xem giá bán

Ðọc Theo đuổi tri thức (nguyên tác: In pursuit of knowledge; NXB Ðại học Stanford, 2006), chúng ta sẽ thấy vỡ lẽ nhiều điều, cũng như giật mình trước viễn cảnh của giáo dục đại học. Không chỉ ở VN mà ngay tại Mỹ thì cái gọi là “văn hóa bằng cấp” cũng đang là xu thế: “… niềm say mê khoa học nhân văn đang thoái trào. Những ngành đang lên là những ngành nghiên cứu tiền bạc, thu hút tiền bạc và hứa hẹn tiền bạc. Những ngành đang thu hẹp là những ngành khuyến khích theo đuổi tri thức chỉ vì tri thức và xem việc học như sự chuẩn bị cho cuộc sống,chứ không đơn giản chỉ là cho nghề nghiệp”.

Vậy thì theo đuổi tri thức hay theo đuổi tiền bạc? Các trường đại học được lập ra vì lợi ích của sinh viên hay vì lợi ích của các giáo sư? Những nhân vật trong giới hàn lâm đang theo đuổi một nền học thuật để phục vụ ai?… Không ngừng truy vấn, tỏ ra không khoan nhượng, song Deborah L.Rhode chứng tỏ mình không cực đoan khi đưa ra những dẫn chứng, phân tích, bình luận… đầy sắc sảo, cá tính và cũng không kém hài hước.

Cuộc Cạnh Tranh Chất Xám Vĩ Đại

Xem giá bán

Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại (The great brain race) của tác giả Ben Wildavsky là một quyển sách súc tích và uyên bác, được thực hiện dựa trên ảo sát, nghiên cứu khác nhau trong bối cảnh đời sống giáo dục toàn cầu hiện tại. Từ những thông tin tản mạn, tác giả đã vẽ ra một bức tranh tổng thể cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm thu hút tài năng, trí tuệ từ khắp nơi và tiếp tục phác thảo thêm vào bản đồ đại học, khoa học công nghệ thế giới. Một thực tế cho thấy, cả thế giới đã và đang bước vào thời đại toàn cầu hóa tri thức và giáo dục. Do đó, cuộc chạy đua kinh tế thực chất là cuộc chạy đua khoa học công nghệ, “chất xám”. Các đại học tạo ra tri thức và tinh hoa cho xã hội, do đó sẽ ảnh hưởng quan trọng lên việc định hình thế giới trong thế kỷ 21. Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại quả thực là cuốn sách hữu ích dành cho tất cả những ai muốn có cánh cửa nhìn ra một cuộc chuyển động thế giới đang diễn ra mạnh mẽ và gây ảnh hưởng lên mọi quốc gia.

Trong cuốn Cuộc cạnh tranh chất xám vĩ đại, cựu biên tập viên giáo dục Ben Wildavsky của tờ U.S. News & World Report trình bày câu chuyện đại chúng đầu tiên về cuộc cạnh tranh quốc tế giành lấy những bộ óc xuất sắc nhất đang chuyển hóa cả thế giới giáo dục đại học và đi vào lý giải tại sao cuộc cách mạng này cần được chào đón chứ không phải là e sợ.

Đại học Humboldt 200 năm (1810-2010): Kinh nghiệm thế giới và Việt Nam

Xem giá bán

Đại học Humboldt (Berlin, Đức) là Bà Mẹ của đại học hiện đại thế giới. Nền đại học hiện đại thế giới, từ châu Âu, Hoa Kỳ, đến Nhật Bản, châu Á… đều mang dòng máu này trong người. Nói đến đại học hiện đại, cộng đồng học giả thế giới không thể không nghĩ đến cái tên Wilhelm von Humboldt (1767-1835) là nhà cải cách đại học và giáo dục của Phổ thế kỷ thứ 19, và những nguyên lý của ông đặt ra cho Đại học Berlin được thành lập năm 1810 trong tinh thần khai phóng và khoa học để giải phóng sự kìm hãm và trì trệ trí thức của nước Phổ ở thế kỷ thứ 18.

Qua tập kỷ yếu này, các nhà khoa học, học giả muốn đi tìm lại nguồn gốc lịch sử của đại học thế giới, và của Đại học Humboldt, đặc biệt là các nguyên lí của đại học này, sự ra đời và khung cảnh lịch sử hết sức ý nghĩa của nó, để hiểu nhiều hơn sức mạnh và nguồn cảm hứng của nó có thể truyền đi xa, về ảnh hưởng lớn lao của nó lên đại học thế giới, đặc biệt lên đại học Hoa Kỳ, và về hệ thống đại học hàng đầu này, tìm hiểu sứ mệnh và đóng góp xã hội của đại học, cũng như sẽ đề cập một số khó khăn của nền đại học thế giới hiện nay, và nhìn lại đại học Việt Nam, những gì trong khả năng và trong một thời gian rất hạn chế có thể làm được trong kỷ yếu này. Không thể xây dựng đại học hiện đại, nếu không có ý thức sâu sắc về vai trò lịch sử, và ý niệm về ‘hình dáng’ của nó.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button