List sách haySách theo chủ đề

7 sách hay về miền Tây Nam Bộ đậm đà mà bình dị, sáng trong

7 sách hay về miền Tây Nam Bộ giúp người đọc hiểu rõ hơn văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ và trên cơ sở đó giúp giải thích các vấn đề khúc mắc nảy sinh trong muôn mặt đời sống văn hóa, xã hội hiện tại.

Hương Sắc Miền Tây

Xem giá bán

Vùng đất miền Tây Nam bộ mới chỉ cách nay trên dưới ba trăm năm hình thành. Một khoảng thời gian không dài so với lịch sử, nhưng cũng đủ để nó ghi lại những dấu ấn văn hóa của cư dân sinh sống nơi này. Có điều, theo quy luật phát triển đời sống, sinh hoạt của con người đã từng tháng, từng năm thay đổi. Những nét đẹp trong văn hóa gắn liền với nền kinh tế tự túc tự cấp đã và đang dần lùi vào dĩ vãng. Những biểu hiện đa dạng từ hình thức cư trú đến những hoạt động thường nhật trên cánh đồng thửa ruộng, những buổi chèo ghe, bơi xuồng kiếm cá tôm trên sông, những buổi trăng thanh gió mát trai gái trong xóm vần công giã gạo, đươn sàng,… đến những câu hò, điệu lý, hay những nét văn hóa lễ tục gắn liền với đời người từ đầy tháng thôi nôi đến cưới hỏi, chôn cất,… của các dân tộc anh em Việt – Khmer – Hoa sinh sống cộng cư, tất cả những điều đó được chúng tôi sưu tầm biên khảo qua những bài viết và tập hợp trong công trình: Hương sắc miền Tây. Đây là những bài nghiên cứu mà một phần trong số đó đã được công bố rải rác trên tạp chí Kiến thức Ngày nay và báo Giáo dục & Thời đại. Nay xin được trân trọng giới thiệu tập hợp các bài viết đó.

Sách gồm 3 phần: đời sống của người miền tây, phong tục, tín ngưỡng dân gian, đời sống của người miền tây trong văn học dân gian.

Đong Tấm Lòng

Xem giá bán

Trong bức tranh đồng quê có người già, trẻ nhỏ, có những thanh niên trai tráng, có con xóm nhỏ với rặng hoa dâm bụt, những chiếc ghe vất vả ngược xuôi mùa gió chướng, có mùa lụt nước về hay những câu chuyện ma mị dọc đường gió bụi giang hồ của miền Tây xa thẳm.

Nhưng Nguyễn Ngọc Tư không chỉ nói về con người miền Tây sống gần với ruộng vườn, sông nước, với thiên nhiên bằng tâm hồn cởi mở, phóng khoáng, nghĩa khí, hào hiệp. Chị gần gũi với họ đủ để lẩy ra được cả những cái nhìn phản biện về tính cách nông dân. Những đặc tính của thói quen “sống hôm nay chẳng cần biết đến ngày mai”, tính “chịu chơi, xả láng” của người nông dân miệt vườn được chị phác lại với giọng văn tưởng như nhẹ nhàng nhưng ẩn trong đấy là một sự rưng rưng thương cảm. “… Người đàn bà kéo cá dưới ao lên đãi khách cho chồng, rồi bưng tô cơm nguội ăn với muối tiêu” (bài “người nơi biên giới”). Hay câu chuyện người ta bày đặt đổi vợ đổi chồng cho nhau trong “Miền Tây không có gì lạ”, bởi theo chị ở miền Tây, không có chuyện gì là không thể xảy ra.

Hương Quê

Xem giá bán

Sau mấy thập kỷ, kể từ lúc được in trên tạp chí Hương Quê, những truyện ngắn mang hương sắc miền Đông Nam bộ lại được ra mắt độc giả dưới tên gọi chung: “Hương Quê – Bình Nguyên Lộc”. Lối viết giản dị nhưng rất lôi cuốn, qua thời gian, càng cho thấy sức mạnh của một ngòi bút bậc thầy. Tạp chí Hương Quê đã chọn Bình Nguyên Lộc, cùng với Sơn Nam – một nhà văn tiêu biểu của miền Tây, làm hai trụ cột văn chương của hai vùng đất, để nói lên tiếng nói của nông dân Nam bộ. Những truyện ngắn của hai nhà này đến nay trở thành vốn quý của văn chương Việt Nam.

“Hương Quê – Bình Nguyên Lộc” sẽ là nỗ lực đầu tiên để xuất bản lại hàng loạt tác phẩm có giá trị cao của nhà văn này.

Biển Cỏ Miền Tây – Hình Bóng Cũ

Xem giá bán

Tuyển tập gồm Biển cỏ miền Tây (tập truyện) với Ngó lên sở thượng, Con cá chết dại, Mây trời và rong biển, Ngày xưa tháng Chạp, Vọc nước giỡn trăng… và Hình bóng cũ (truyện vừa).

Sơn Nam là một nhà văn nổi tiếng với chất Nam Bộ rất đậm đặc của mình. Mỗi câu mỗi chữ, mỗi hình ảnh, mỗi dáng hình, mỗi khung cảnh, đều hiện lên mồn một vùng sông nước mênh mang, con người phóng khoáng, cảnh vật trữ tình…

Tết Trung thu ở miền đồng quê Rạch Giá nào kém phần thú vị. Lung sen, bãi sậy, bờ dứa nước, hớn hở, xao động lên, chào đón gió biển trăng rừng. Riêng con tim thứ lữ của Năm Hinh là ít nhiều khô héo! Thôi thì tạm thời buộc chặt chiếc xuồng ba lá nọ vào bến của quán chạp phô, bên dòng rạch ngoằn nghèo. Rạch Xẻo Lá là đây rồi, đặt tên như vậy vì nhiều lá dừa nước, lá lợp nhà. Bao nhiêu người dân chài lưới đang cau mày soi mặt vào ly rượu công xi để tìm hình dáng chị Hằng. Mây đen trôi qua từng chập, lững lờ. Có kẻ hờ hững nhìn trời, thử thu nhặt những sợi tơ trăng ấy, uốn nắn lại trên phím tre cho hợp với lời ca vọng cổ…

Mưa tầm tã không nguôi. Nước ngọt chảy cuồn cuộn, lấn ra biển. Dân Xẻo Lá ngồi cú rú trong nhà. Biển động, cá tôm đâu mà đánh? Họ nhìn đống lưới cao ngùn ngụt, chất trên bộ ván giữa nhà; mùi tanh của mớ lưới trộn lẫn vào hơi ẩm ướt, mốc meo của giường chiếu.

Thỉnh thoảng vài người khoác áo tơi chạy nhanh, dầm mưa, cắm đầu mải miết… – Ngày hội Ba Khía.

Văn Hoá Người Việt Vùng Tây Nam Bộ

Xem giá bán

Sách giúp người đọc hiểu rõ hơn văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ và trên cơ sở đó giúp giải thích các vấn đề khúc mắc nảy sinh trong muôn mặt đời sống văn hóa – xã hội hiện tại (như vấn đề phụ nữ Tây Nam Bộ lấy chồng nước ngoài, ván đề giáo dục, vấn đề phát triển con người, v.v.)

Món Ngon Miền Tây

Xem giá bán

Trong khí trời lành lạnh của tiết Đông, mọi người rộn ràng chuẩn bị nồi lẩu mắm thật ngon để “rửa ruột” trong những ngày Đông giá.

Nước lẩu nấu từ mắm cá linh và cá sặc với lượng nước sao cho vừa miệng, nếu có lươn thì làm con lươn cho sạch, cắt khúc rồi nướng sơ trên than cho vàng thơm bỏ vào nước lẩu. Cà nâu, đậu bắp, nấm rơm hay nấm mối (loại nấm vườn rất ngon thường mọc sau mưa hay mùa Đông), tất cả chấy sơ với hành chả phi, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi bỏ vào nồi lẩu.

Nếu có thêm cá lóc, cá ngát hoặc thịt ba rọi bỏ vào càng ngon. Rau ăn kèm thì có chi dùng nấy: rau muống, bắp chuối xắt sợi, kèo nèo, cải xanh, cần nước, rau nhút, bông súng, điên điển, dấp cá, tía tô, đọt choại, đọt xoài…

Ăn tới đâu nhúng tới đó, vị ngọt của cá, lươn hòa với vị ngọt của rau củ và mùi mắm dậy lên khiến mọi người “nghiền ngẩu”, chẳng mấy chốc sạch sẽ nồi cơm, bụng căng cứng rồi mà miệng vẫn còn mòm mèm.

Về Miền Tây

Về Miền Tây là tập tranh truyện của Trương Văn Tuấn, do Phương Thoại và Novemberry Linh vẽ minh họa.

Một ngày nọ cậu bé Nguyên chợt thắc mắc: Trồng bao nhiêu cây lúa thì sẽ nấu được một chén cơm? Sao nhà ta chỉ toàn trồng hoa kiểng mà không trồng lúa trong chậu? Như thế chẳng phải tiện hơn sao? Để giải thích cho đứa cháu quen sống ở thị thành, bà ngoại Nguyên dắt cậu về quê bà, Đồng Bằng Sông Cửu Long – nơi những cánh đồng lúa trải rộng bạt ngàn, để giải thích cho cậu hiểu một cách sinh động nhất.

Nếu bạn không kịp vác ba lô lên để đồng hành cùng Nguyên trong chuyến đi ấy, không sao cả! Cứ nhẹ nhàng lật từng trang sách này, bạn vẫn có thể khám phá từng chi tiết về cây lúa, vật nuôi và các đặc sản khác của vựa lúa lớn nhất nước ta.

Về Miền Tây – vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long là quyển sách thú vị, tranh vẽ đẹp giàu tính khơi gợi và kích thích tính tò mò khám phá dành cho các bé độ tuổi tiểu học.

Vnwriter

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Năm 30, 2019 | Lần cập nhật cuối: Tháng Năm 30, 2019

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button