List sách haySách theo chủ đề

15 quyển sách hay về phong tục tập quán Việt Nam góp phần gìn giữ và lan truyền giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

Phong tục tập quán của mỗi dân tộc đều có lý do riêng để tồn tại. 15 quyển sách hay về phong tục tập quán Việt Nam bằng lối dẫn chuyện mộc mạc, giản dị cùng với những thông tin được trình bày chính xác từ tục cưới hỏi, ma chạy, lễ tết,..cho đến các lề thói, ca dao, tục ngữ đã và đang góp phần gìn giữ và lan truyền giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc.

Việt Nam Phong Tục

Xem giá bán

“Việt Nam phong tục” là một nghiên cứu khá kĩ lưỡng, bức tranh toàn diện về phong tục, tập quán của người Việt, từ phong tục trong gia đình, làng xã đến phong tục quốc gia, xã hội được viết với văn phong hiện đại dù vẫn chịu ảnh hưởng của lối viết biền ngẫu đăng đối trong văn học cổ. Mỗi chương, mục đều được tác giả trình bày và diễn giải khúc chiết, ngắn gọn, rõ ràng với quan điểm khá tân tiến so với những người cùng thời.

Ấn bản “Việt Nam phong tục” của NXB Kim Đồng được in bìa cứng với gần 100 minh hoạ sống động của hoạ sĩ Bùi Ngọc Thuỷ.

“Ta ngoảnh lại mà xem những tục cũ thì tỏ ra nhiều điều ngày trước là hay mà bây giờ hóa ra hủ bại lắm rồi.

Đó cũng không phải là tổ tiên ta khi trước có vụng dại gì, chỉ là thời thế mỗi lúc một khác, mà mỗi lần biến cải thì cái trình độ khai hóa lại tấn tới thêm lên một tầng. Ấy cũng là cái lẽ tự nhiên của tạo hóa như thế.

Tuy vậy cái tục cũ truyền nhiễm đã lâu, không dễ mà một mai đổi ngay được. Muốn đổi thì phải lựa dần dần, trước hết phải xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho các tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy.”

(Tựa, Việt Nam phong tục)

Thế Giới Biểu Tượng Trong Di Sản Văn Hóa

Xem giá bán

Trong tạo hình của người Việt, yếu tố biểu tượng đã phát triển rất cao. Biểu tượng Việt gắn rất chặt với bước đi và xã hội Việt, đặc biệt là lịch sử văn hóa. Cuốn sách nhằm hệ thống hoá và đánh giá giá trị biểu tượng trong nghệ thuật tạo hình ở Hà Nội xưa, từ đó nhằm giải mã những giá trị trong di sản văn hóa của Thăng Long – Hà Nội.

Đối tượng của đề tài liên quan chặt chẽ với các hiện vật chính được bài trí dưới nhiều hình thức khác nhau, bằng nhiều chất liệu khác nhau ở di tích. Tư liệu về biểu tượng chủ yếu thông qua kết quả của các đợt điền dã thực địa ở nhiều địa điểm khác nhau, mà địa bàn cơ bản là châu thổ Bắc Bộ, tức là địa bàn sinh tụ và định cư lâu đời củ người Việt với một trọng tâm là Hà Nội. Đề tài có đóng góp tích cực vào việc xác định giá trị tích cực của di tích.

101 Điều Cần Biết Về Tín Ngưỡng Và Phong Tục Việt Nam

Xem giá bán

Những vấn đề quyển sách nêu lên không mới. Ta có thể tìm thấy ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí có thể đầy đủ và chi tiết hơn, chỉ cần truy cập Internet. Tuy vậy, những thông tin được tập hợp một cách có hệ thống, tiện cho việc tra cứu là ưu điểm lớn của quyển sách này. Phải nói rằng sách tập hợp khá đầy đủ các vấn đề về tín ngưỡng và phong tục Việt.

Công Ngôn Dung Hạnh Phụ Nữ Việt Nam Xưa Và Nay

Xem giá bán

Dân tộc Việt Nam nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng, chịu ảnh hưởng sâu sắc, nặng nề của Nho giáo nhất là từ khi Nho giáo trở thành Quốc giáo hàng ngàn năm. Tiếp đó là ảnh hưởng của trào lưu “Âu hoá” dưới ách thống trị của thực dân Pháp và ngày nay với sự giao lưu với thế giới “Âu-Mỹ” trong nền văn minh nông nghiệp theo cơ chế thị trường, vấn đề phụ nữ nói chung, vai trò, vị trí, tài năng của người phụ nữ nói riêng chưa bao giờ thu hút được những sự quan tâm chú ý của xã hội như bây giờ.

Đây là một vấn đề lớn khá hấp dẫn với phụ nữ, nhất là các bạn trẻ nhưng cũng hết sức phong phú và phức tạp. Bởi vì qua mỗi thời kỳ, mỗi dân tộc, mỗi người với những quan niệm khác nhau, cách hiểu, cách nhìn nhận thế nào là người phụ nữ theo đúng nghĩa của nó cũng khác nhau.

Đất Lề Quê Thói – Phong Tục Việt Nam

Xem giá bán

Một cuốn sách về phong tục Việt Nam khá đầy đủ và sâu sắc. Cuốn sách bao gồm 12 chương, mỗi chương gồm nhiều mục nhỏ. Cách phân chương rất mạch lạc và tiện cho người đọc khi cần tham chiếu, nhưng điều đáng giá của cuốn sách là ở chỗ những vấn đề văn hoá được đề cập một cách tự nhiên, lời văn duyên dáng mà vẫn mộc mạc. Tác giả còn làm sống lại kho tàng ca dao, tục ngữ, thơ, vè…, và cũng chính những câu ca dao, tục ngữ, thơ, vè….lại làm người đọc dễ nhớ, dễ thuộc.

Được viết vào những năm 60 của thế kỷ trước, Đất lề quê thói xứng đáng được xem như một bách khoa toàn thư thu nhỏ về văn hóa và phong tục cổ truyền Việt Nam. Qua từng trang sách, độc giả như được mời thả bước trong một bảo tàng dân tộc học mà tác giả là người hướng dẫn tận tình, sâu sắc, vừa duyên dáng, hóm hỉnh, để cùng trở về một không gian sống tuy gần gụi thân quen lại như đã thành quá khứ xa xôi tự thuở nào. Đâu chỉ là những câu chuyện về tâm tính người Việt, tục ma chay, cưới hỏi, cúng giỗ cỗ bàn hay nguồn gốc những kiêng khem mê tín… mà cả một thế giới tinh thần người Việt với những gìn giữ và thích nghi, thay đổi qua bao nhiêu thế hệ, lạc hậu mà phong phú, và vẫn giàu thành kính được tái hiện đầy đủ trong Đất lề quê thói.

“Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, trong bối cảnh cuộc sống vật chất và các giá trị đã thay đổi quá nhanh, quá nhiều qua mấy chục năm qua, hơn bao giờ hết, tác phẩm cảu Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu càng cho thấy đất lề, quê thói vẫn ăn sâu vào tiềm thức người Việt.

Văn Khấn Cổ Truyền Việt Nam

Xem giá bán

Theo nghi lễ dâng hương cổ truyền, lời cầu khấn thành tâm là điều vô cùng quan trọng. Lời cầu khấn luôn mang khát vọng vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ Tiên tổ, nhớ ơn những người đã có công dựng nước và giữ nước, nhớ ơn Trời Phật, các đấng Linh Thiêng đã phù trì giúp đỡ cho mọi việc được thuận buồm xuôi gió, con người được bình an. Lời khấn nguyện luôn gắn với đời sống tâm linh của người Việt trong suốt lịch sử đấu tranh sinh tồn và phát triển.

Cuốn sách tập hợp một số bài văn khấn lưu truyền trong dân gian. Đây là kho báu tỏa sáng giá trị nhân văn và vẻ đẹp văn hóa cần được bảo tôn, chọn lọc và kế thừa.

Phong Tục Dựng Vợ Gả Chồng

Xem giá bán

Cuốn sách gồm những nội dung chính như sau:

Chương 1: Phong tục dựng vợ gả chồng

Chương 2: Các nghi thức hôn lễ

Chương 3: Tập tục chọn ngày giờ thành hôn

Chương 4: Lịch chọn ngày lành cho việc dựng vợ gả chồng.

Lịch Lễ Hội Việt Nam

Xem giá bán

Lễ hội ở nước ta đa dạng và phong phú. Theo thống kê của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Việt Nam có gần 500 lễ hội cổ truyền lớn, nhỏ trải rộng khắp đất nước trong bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng đều hướng tới một đối tượng linh thiêng cần được suy tôn như: Những vị anh hùng chống ngoại xâm, những người có công dạy dỗ truyền nghề, chống thiên tai, diệt trừ ác thú, giàu lòng cứu nhân độ thế… Với tư tưởng “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”, ngày hội diễn ra sôi động bằng những sự tích, công trạng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại. Những lễ hội này làm cho thế hệ trẻ hôm nay hiểu được công lao của tổ tiên, thêm tự hào về truyền thống quê hương, đất nước của mình. Đặc biệt, lễ hội ở nước ta gắn bó với: Làng xã, địa danh, vùng đất như một thành tố không thể thiếu vắng trong đời sống cộng đồng nhân dân.

Phần lớn các lễ hội ở Việt Nam thường gắn với sự kiện lịch sử, tưởng nhớ người có công với nước trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Bởi vậy các trò vui chơi ở lễ hội thường mang nhiều tính mạnh mẽ của tinh Thần thượng võ như: Thi bắn nỏ, đấu vật (hội Cổ Loa) đấu vật, đấu võ, chạy thi (hội hoa Vị Khê, Nam Định), ném còn (ở Tây Nguyên), lễ hội đâm trâu được coi như tiêu biểu nhất. Trong lễ hội này, ngoài nghi lễ đâm trâu hiến tế hấp dẫn, ly kỳ còn có trò múa khiên, ném lao, đấu gậy.Ngoài ra, còn có nhưng hoạt động văn hóa, xã hội khác như: Thi hát Quan họ, thi thổi cơm, chọi gà, dệt vải, đấu vật, đánh đu… Đặc biệt nhất là thi đánh đu, không chỉ xuất hiện trong dịp lễ hội lớn mà còn là một trò vui chơi dân dã trong những ngày tết ở khắp các làng xã.

Cuốn sách Lịch lễ hội việt Nam giới thiệu những lễ hội truyền thống tiểu biểu của Việt Nam. Sự phong phú của lễ hội ở Việt Nam vừa là nét đẹp văn hóa dân tộc nhưng cũng vừa là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khác trong và ngoài nước.

Khảo Cổ Học Nam Bộ Thời Tiền Sử

Xem giá bán

Công trình Khảo cổ học Nam Bộ được hình thành trên nền tư liệu thu thập từ dự án Điều tra cơ bản và hệ thống hóa tư liệu khảo cổ vùng Nam Bộ giai đoạn 1976 – 2005 do Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao cho trung tâm Khảo cổ học – Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện từ 2006 – 2010, được chia làm 2 giai đoạn:

Khảo cổ học Nam Bộ thời tiền sử

Khảo cổ học Nam Bộ thời sơ sử

Sơn Nam Đi Và Ghi Nhớ

Xem giá bán

Sơn Nam là nhà văn Nam bộ hiếm hoi được nhiều nhà nghiên cứu sinh chọn để làm đề tài nghiên cứu khoa học. Tạp chí Xưa & Nay có may mắn còn lưu giữ hơn 80 bài báo của ông, chủ yếu đăng trên Tạp chí Xưa & Nay và một số báo trước và sau năm 1975.

Đi và ghi nhớ là tựa một bài báo khá tiêu biểu của nhà văn Sơn Nam đă đăng trên tạp chí Xưa & Nay năm 1997 được chọn làm tựa cho cuốn sách này, là tập hợp các bài về văn hoá, lịch sử, tập quán của con người Sài Gòn – Nam bộ xưa và nay. Ở đó có ‘nét văn hoá dân tộc qua lễ Kỳ Yên ở đình làng Nam bộ”, có “Cù lao phố – Cảng biển đầu tiên của ở Nam bộ”, những ngôi chùa như “chùa Bà Đen đường Trương Định”, chùa Tôn Thạnh ở Cần Giuộc mà it ai biết chiều sâu lịch sử của nó v.v…

Nghệ Thuật Nói Lái – Qua Ngôn Ngữ Dân Gian Nam Bộ

Xem giá bán

Lúc còn nhỏ xíu ở vùng đất Bến Tre, tôi đã sống trong thế giới kỳ ảo của nói lái. Những buổi chạy theo đám thả diều lúc vừa lên chín, lên mười, trời nắng chang chang, tư bề gió lộng, tôi đã từng ngẩn tò te với với câu đố của thằng Quỳnh: “Tao đố mầy, đốt rẫy bay tàn là cái gì?”. Tôi nào có biết nó muốn nói gì nên trả lời: “Thì đốt rẫy tàn lửa phải bay chớ có gì đâu mà mầy hỏi?”. Nó áp ngón tay cái vào má, ngoe ngoe ngón tay trỏ, nói giọng bỡn cợt: “Quê một cục, hổng phải như mầy nói đâu. Đốt lửa bay tàn là bàn tay đây nè!”… như mở cờ trong bụng, tôi vui mừng quá cỡ vì thấy mình đã thâm nhập được vào trong một thế giới kỳ lạ tiềm ẩn của cuộc đời thường.

Trích tác phẩm

Đặc Khảo Về Phong Tục Tết Việt Nam Và Các Lân Bang

Xem giá bán

Tập san Sử Địa trên bìa ghi rõ: “Do một nhóm giáo sư, sinh viên Đại học Sư phạm Sài Gòn chủ trương” được chuẩn bị từ những năm 1963-1964. Năm 1966, trên cơ sở được sự bảo trợ của nhà sách Khai Trí, tập san Sử Địa đã xuất bản số đầu tiên vào ngày 27-2-1966 do ông Nguyễn Nhã làm chủ nhiệm.

Tập san Sử Địa là tam cá nguyệt xuất bản được 29 số từ số 1 năm 1966 đến số 29 năm 1975. Ngoài các số thường kỳ, tập san còn xuất bản các số đặc khảo với nhiều tư liệu rất phong phú.

Năm 2004, được sự giúp đỡ của Trung tâm Viễn Đông Bác cổ Pháp (Centre de T Ecole française d’ Extrême – Orient, EFFO) Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã in lại toàn bộ 29 số tập san Sử Địa dưới hình thức đĩa CD.

Để giúp bạn đọc tìm hiểu về nội dung các số đặc khảo này, tạp chí Xưa&Nay đã phối hợp với Nhà xuất bản Hồng Đức xuất bản số đặc khảo “Đặc khảo về phong tục Tết Việt Nam và các lân bang” với mục đích ghi lại những dấu ấn một thời hoạt động sôi nổi của một số sinh viên, trí thức Sài Gòn, đồng thời cung cấp tài liệu tham khảo bổ ích cho các nhà khoa học đang quan tâm nghiên cứu về lịch sử, địa lý, văn hóa Việt Nam. về hình thức và bố cục, tác phẩm giữ nguyên như bản in cũ để bạn đọc tiện tham khảo.

Phong Tục Dân Gian – Nghi Lễ Tang Ma

Xem giá bán

Quan niệm đạo đức truyền thống Việt Nam coi trọng tình cảm và huyết thống gia đình thân tộc, nên từ xa xưa, việc tang lễ đã được đặt ra một cách có quy củ. Tư tưởng của các triết gia xưa đã nói đến bổn phận của con cháu là cung dưỡng song thân khi tuổi già yếu và hoàn tất tang lễ khi quá vãng. Những điều này cần được thực hiện đúng nghi thức để tỏ lòng tôn kính, báo đền công sinh thành dưỡng dục và tình cảm thiêng liêng của ông bà cha mẹ dành cho con cháu… Hiện nay, hầu hết các nghi thức trong tang lễ đều căn cứ theo cuốn ‘Thọ mai gia lễ” và “Gia lễ chỉ nam”. Cuộc sống hiện đại, nhiều lễ thức đã được giản tiện phù hợp với thực tế xã hội. Tuy nhiên những lễ chính có ý nghĩa quan trọng vẫn được áp dụng vỉ tinh thần báo hiếu luôn là vấn đề thiết yếu trong đới sống văn hóa của mỗi người dân Việt Nam thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trong xã hội Việt Nam bao đời.

Cuốn “ Nghi lễ tang ma” giới thiệu những nghi thức về việc tang từ lúc người quá cố qua đời cho đến khi cải táng, nhằm giúp mỗi gia đình có được thông tin tham khảo khi tang sự cũng như mộ phần được chu toàn, bình an và hợp với đạo lý, phong tục truyền thống của người Việt. Bên cạnh đó, chúng tôi củng giới thiệu nghi lễ tang ma truyền thống của một số dân tộc thiểu số để bạn đọc tìm hiểu, tham khảo.

Phong Tục Dân Gian – Nghi Lễ Nhập Trạch

Xem giá bán

Đối với người Việt Nam, ngôi nhà không chỉ đơn thuần là nơi mỗi người trú ngụ, mà đó còn là tổ ấm thân yêu, là nơi mọi người cẩm thấy thoải mái, tự tin, giúp lấy lại sự bình yên sau những giờ làm việc căng thẳng mệt mỏi ở bên ngoài.

Ngôi nhà cũng là nơi dành để đón tiếp khách, nơi sum họp của cả gia đình, nơi thể hiện trình độ văn hóa, thẩm mỹ và sở thích của chủ nhân. Dân gian có câu: “Tậu trâu – Lấy vợ – Làm nhà”. “Tậu trâu” có lẽ tương đương với việc học hành để lo cho sự nghiệp; “lấy vợ” là bước đầu xây dựng cho mình tổ ấm; “làm nhà” là tổng hợp của hai việc trên. Căn nhà là nơi che chở con người suốt cả cuộc đời. Vì thế mà đối với người xưa, công việc “làm nhà” đặc biệt quan trọng.

Ngôi nhà Việt truyền thống được sắp xếp trong một bối cảnh sinh hoạt chung của làng. Nó vừa riêng lại vừa chung rất độc lập mà lại hòa đồng. Những bức tường ngăn cách giữa đường đi, giữa nhà này nhà kia tạo nên thế khép kín cho mỗi gia đình, nhưng lại được mở ra kiểu ứng xử chung của cộng đồng.

Bên trong vẻ giản dị, mộc mạc khiêm nhường của ngôi nhà truyền thống xưa tiềm ẩn cả cội nguồn dân tộc, thể hiện sức sống lâu bền, mãnh liệt của cộng đồng. Cũng chính vì vậy mà ngôi nhà xưa là nơi còn ghi lại rõ nhất, sinh động nhất, trực tiếp nhất nhiều sự kiện quan trọng thể hiện bản sắc dân tộc, nét văn hóa của nhiều thế hệ.

Trong tâm thức người Việt Nam nói chung, ngôi nhà có một vị trí quan trọng như vậy, cho nên khi xây dựng nhà mới hay thậm chí là sửa sang lại nhà, các dân tộc đều có những nghi lễ cụ thể. “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, vì vậy ngay khi khỏi công xây dựng là phải có lễ Động thổ. Sau đó là các lễ mừng Tân gia, lễ Nhập trạch… Dân gian quan niệm, phải làm như vậy thì gia chủ mới gặp nhiều may mắn, hạnh phúc..

Thuyền Thúng Việt Nam

Xem giá bán

Thuyền Thúng Việt Nam của các tác giả Quách Giao – Lê Nguyên Khánh giới thiệu văn hóa các làng nghề truyền thống miền Trung Việt Nam, nơi có các làng nghề làm thuyền thúng, phương tiện đánh bắt hải sản gần bờ của bà con vùng biển. Một nét đẹp văn hóa đã và đang còn tồn tại đến ngày nay.

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button