List sách haySách theo chủ đề

9 quyển sách hay về Tây Nguyên đại ngàn

9 quyển sách hay về Tây Nguyên giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về một vùng đất đại ngàn giàu đẹp, là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội; an ninh – quốc phòng đặc biệt, đa dạng phong tục, tập quán, tín ngưỡng, các tôn giáo đặc sắc của các dân tộc.

Những Mảng Màu – Văn Hóa Tây Nguyên

Xem giá bán

Tây Nguyên, vùng đất lý tưởng của bất cứ của một người nghiên cứu dân tộc học và văn hóa học nào. Xuất phát từ lòng yêu mến văn hóa của vùng đất này tác giả đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu từ năm 1986 cho đến nay và đã lần lượt giới thiệu đến bạn đọc các ấn phẩm Luật tục Êđê (1996), Luật tục Mnông (1998)… Tìm hiểu các luật tục các tộc người ở Việt Nam. Và đến cuốn sách này là một ấn phẩm phản ánh tương đối đầy đủ những mảng màu văn hóa đặc sắc của vùng đất đại ngàn. Cuốn sách được trình bày dạng song ngữ và được chia làm 3 phần: Phần thứ nhất: Phác họa văn hóa Tây Nguyên; Phần thứ hai: Luật tục và quản lý cộng đồng; Phần thứ ba: Sử thi Tây Nguyên.

Rừng người Thượng

Xem giá bán

Ngày đầu tiên Henri Maitre đặt chân lên Tây Nguyên là ngày 7 tháng 2 năm 1909. Ngày cuối cùng được ghi trong nhật ký hành trình ngang dọc khắp Tây Nguyên của ông là ngày 10 tháng 2 năm 1910. Và cuốn sách này ra đời tại Paris vào năm 1912. Gần trọn 100 năm đã đi qua. Vậy mà cho đến nay, đây vẫn là công trình khảo sát toàn diện và cơ bản nhất về Tây Nguyên, chưa tác phẩm nào khác vượt qua được. Thiên nhiên và con người Tây Nguyên, hệ thống núi non trùng điệp, hệ thống sông ngòi chằng chịt, hệ thực vật và động vật hết sức phong phú, khí hậu và thời tiết, diện mạo và lịch sử con người…. tất cả đều được quan sát bằng một con mắt chăm chú và tinh tế, được mô tả vừa bao quát vừa tỉ mỉ, chi tiết đến kinh ngạc, hết sức khách quan mà vẫn không giấu được một cảm xúc say mê nhiều khi đến lãng mạn, chặt chẽ khoa học mà lôi cuốn như một bút ký dân tộc học và văn học đặc sắc. Tất cả các nghiên cứu về Tây Nguyên, trên mọi phương diện, từ đấy đến nay, và cả từ nay về sau, hẳn đều phải lấy đây không chỉ làm điểm xuất phát, mà còn có thể làm nền tảng vững chắc.

Và cũng không nên quên điều này: nhiều dự báo của tác giả, qua thử thách gần một thế kỷ, vẫn không hoàn toàn mất đi giá trị. Tác phẩm, nói theo một cách nào đó, vẫn đầy tính cập nhật.

Tìm Hiểu Một Số Phong Tục, Tập Quán, Tín Ngưỡng, Tôn Giáo Các Dân Tộc Vùng Tây Nguyên

Xem giá bán

Cuốn sách Tìm hiểu một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo các dân tộc vùng Tây Nguyên giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về một vùng đất giàu đẹp, một địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế – xã hội; an ninh – quốc phòng đặc biệt là phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo đặc sắc của các dân tộc.

Di Cư Của Người Dân Tộc Thiểu Số Đến Tây Nguyên

Xem giá bán

Thông qua khảo sát và nghiên cứu, tác giả của công trình này sẽ cố gắng dựng lại diện mạo về quá trình di cư của các dân tộc thiểu số (DTTS) từ nơi khác đến Tây Nguyên từ sau ngày thống nhất đất nước (năm 1975) đến nay; làm rõ nguyên nhân và mục đích di cư của các DTTS đến Tây Nguyên cùng tác động của vấn đề di cư tới đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội Tây Nguyên nhằm góp phần xây dựng chính sách đúng đắn, phù hợp với công tác di dân, quản lý vấn đề di cư nhằm mục đích phát triển bền vững kinh tế, xã hội, chính trị, quốc phòng và an ninh của khu vực Tây Nguyên.

Bác Hồ Với Tây Nguyên

Xem giá bán

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa một lần đến Tây Nguyên, nhưng Người vẫn luôn dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên những tình cảm hết sức đặc biệt. Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19-4-1946, Người căn dặn: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt… Đặc biệt, trong những năm tháng chiến tranh, nhiều người con Tây Nguyên ra miền Bắc học tập, lao động và chiến đấu đã vinh dự được gặp Bác Hồ, được Người quan tâm, thăm hỏi và động viên như truyền thêm sức mạnh, ý chí và niềm tin trong cuộc chiến đấu một mất một còn với kẻ thù để giữ lấy từng tấc đất của buôn làng thân yêu. Năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt ở cả hai miền Nam Bắc, Bác Hồ lại gửi thư thăm hỏi, động viên đồng bào, chiến sĩ và cán bộ Tây Nguyên. Người viết: “Quân và dân Tây Nguyên, già trẻ, gái trai, Kinh, Thượng đoàn kết một lòng, luôn luôn nêu cao truyền thống anh hùng, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thi đua diệt giặc, lập công, giữ gìn buôn rẫy, thu được những thành tích to lớn, cùng đồng bào cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Với tấm lòng chân thật, đồng bào Tây Nguyên đáp lại ân tình của Bác bằng niềm tin yêu son sắt, lòng biết ơn và kính trọng sâu sắc đối với vị cha già của dân tộc đầy xúc động.

Cuốn sách Bác Hồ Với Tây Nguyên là một tập hợp có chọn lọc các bài viết, bài nói của Bác về đồng bào các dân tộc Tây Nguyên và những hồi ký của những người con Tây Nguyên với những kỷ niệm đáng nhớ về những giờ phút được ở bên Bác Hồ không thể nào quên, qua đó thể hiện tình cảm của Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng như tình cảm chân thành, sâu sắc của của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Bác Hồ.

Lạc rừng

Xem giá bán

Tiểu thuyết này của anh là một minh chứng rõ rệt.” (Nguyên Ngọc) …Tôi không thể hình dung được cái hình phạt ngẫu nhiên ấy làm cho cuộc sống của tôi càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi đã tự bôi nhọ lên không chỉ danh dự của mình, mà nó còn xoá sạch mọi niềm tin của bà con đối với tôi. Hộ không thể tin tôi vì đây là lần thứ ba tôi vi phạm những điều cấm kỵ. Rõ ràng cuộc sống ở đây có một thứ luật định mà chỉ có Yàng, tức thần linh mới hiểu được. Nhưng tôi phải hiểu! Người ta thả lỏng tôi ở một chòi rẫy, tự tôi phải biết làm gì cho đúng. Chẳng có con đường nào khác là từ bỏ ý định trốn khỏi họ. Không thể trốn và không được phép trốn, cả trong ý nghĩ. Tôi đã lấy máu của mình ra thề. Điều ấy vô cùng thiêng liêng, không chỉ đối với và con mà còn đối với cả tôi. Lúc tỉnh táo tôi nghĩ được như thế. Hơn thế, tôi đã tự vạch ra cho mình cả một chương trình phục thiện để hành động, ngõ hầu cứu vãn tình thế. Sự hối cải của tôi không thể chín muồi, nếu tôi chưa thật thành tâm với các dự định ấy. Tôi như kẻ mộng du trong các ý tưởng của mình. Đôi khi tủi phận, tôi lén nghĩ tới cái chết. Không thể chối cãi được, giờ đây tôi đã là một tù binh. Một thứ siêu tù!… (Trích)

Tiểu thuyết “Lạc rừng” với 9 lần tái bản đã chứng minh được hấp lực khó cưỡng của nó.

Quan Hệ Tộc Người Ở Tây Nguyên Trong Thời Kỳ Đổi Mới

Xem giá bán

Nội dung cuốn sách kết cấu 6 chương:

– Hệ thống hóa một số vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến quan hệ tộc người;

– Các nhân tố tác động đến quan hệ tộc người ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới;

– Quan hệ tộc người ở Tây Nguyên về không gian sinh tồn và trong lĩnh vực kinh tế;

– Quan hệ tộc người Tây Nguyên trong lĩnh vực văn hóa; Quan hệ tộc người Tây Nguyên trong lĩnh vực chính trị và an ninh;

– Quá trình tộc người và một số kinh nghiệm xây dựng quan hệ tộc người ở Tây Nguyên trong thời kỳ đổi mới.

Nhà Rông Tây Nguyên

Xem giá bán

Cuốn Nhà rông Tây Nguyên là bước tiếp nối tất yếu cuốn Nhà mồ Tây Nguyên (tác giả: Nguyễn Văn Kự – Lưu Hùng, NXB Thế giới, 2002) để, như nhiều bà con Tây Nguyên vẫn tâm tình: “Tâm linh người chết đã được đối xử tốt như thế trong nhà mồ, thì tâm linh người sống cũng cần được đối xử như thế và hơn thế nữa trong nhà rông”.

Nói đến Tây Nguyên, hầu như bao giờ người ta cũng nghĩ ngay đến nhà rông. Nhà rông là một trong những di sản văn hóa rất tiêu biểu và đặc thù ở một số dân tộc vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, đặc biệt ở Bắc Tây Nguyên và miền núi 2 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế. Giáo sư Hà Văn Tấn viết: “Người ta nhận thấy nhà rông có nhiều chức năng giống với đình, như trụ sở của bộ máy quản trị buôn làng, nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, nhà khách, câu lạc bộ”. Có thể còn hơn thế nữa, nhà rông còn là nơi chuyển giao kinh nghiệm sống lâu đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, và là trung tâm cố kết bền chặt cộng đồng làng.

Như trong một chuyến tham quan đặc biệt, cuốn sách này lần lượt đưa ta đi qua và dừng lại ở 66 ngôi nhà rông, cho phép ta tham dự một phần cuộc sống của những cộng đồng chủ nhân của nhà rông, cả bên trong lẫn bên ngoài không gian nhà rông. Người đọc có thể khám phá, tìm hiểu, so sánh, suy ngẫm về sắc thái văn hóa đặc sắc bậc nhất của miền đất kỳ diệu này. Đưa ta đi từ tộc người này đến tộc người khác, hết làng này sang làng khác, cuốn sách sẽ cho ta thấy rõ sự phong phú và đa dạng về kiểu dáng, về kết cấu nhà rông, đồng thời cũng giúp ta hiểu sâu hơn những đặc điểm chung vốn là đồng nhất trong truyền thống văn hóa lâu đời của lâu đời của nhiều dân tộc ở Trường Sơn – Tây Nguyên. Cuốn sách cũng không tránh né những chuyển động và thách thức mới đang đặt ra đối với nhà rông nói riêng và văn hóa Tây Nguyên nói chung, tạo cơ hội để độc giả tiếp cận và suy nghĩ về vấn đề du nhập những yếu tố mới, hiện đại và đa tạp đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội ở vùng đất cổ truyền này.

Giã Biệt Hoang Vu

Xem giá bán

Những bài kỳ sự đã được đăng trên các báo Pháp Luật TP.HCM, Văn Nghệ Trẻ, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, Đầu Tư, Sài Gòn Tiếp Thị, Lao Động v.v…, đã đánh động và xôn xao dư luận suốt từ năm 1997 đến nay.

Từ những năm 1980 cái chết đã đụng đến thắng cảnh thác Da M’rông nằm ngay giữa lòng đô thị Bảo Lôc bằng việc ngăn một con đập ngay đỉnh thác, tích nước cho một nhà máy thủy điện, làm biệt xứ cả một miền cảm xúc lâu đời của người dân xứ B’lao.

Rồi hai mươi năm sau, tháng 5/2007 “Phương Nam đệ nhất thác” Pongour đã “chết” khi nhà máy thủy điện Đại Ninh ngăn đập chặn dòng Đa Nhim.

Mùa khô năm 2008 là câu chuyện về cánh rừng thông đỏ nguyên sinh hiếm hoi nằm ở sườn đông của núi Voi – dãy núi được hình thành từ hàng trăm triệu năm, cho chiết xuất taxol có công dụng đặc trị ung thư, đang bị hạ sát một cách tàn nhẫn.

Cuối năm 2010: con tê giác cuối cùng bị bắn hạ, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên WWF công bố “Tê giác chính thức tuyệt chủng ở Việt Nam”. Thật đau xót. Nguyễn Hàng Tình đã tìm đến rừng Cát Lộc gặp Điểu K’Giang – người đã sống với nó, âm thầm bảo vệ nó. Cả hai âm thầm lên lại rừng Bàu Chim, lần theo từng vuông cỏ, lối xưa đọng ký ức bước chân con tê giác.

Ea Sô, khu rừng mà con bò Xám Bos Sauvalli đã được tìm thấy đã làm nức lòng giới khoa học Việt Nam và thế giới khi mà trong sự hiểu biết của họ: “Có lẽ con Bos Sauvalli đã tuyệt chủng ở phạm vi toàn cầu”. Để rồi sau đó cả nước chấn động với câu chuyện một nhóm gồm quan chức chính quyền TPHCM, doanh nhân, quân nhân, luật sư nổi tiếng ờ Daklak tổ chức săn bó Tót giải trí vào dịp áp Tết ở khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Rất may là hệ thống bảo vệ pháp luật của Quan Đội đã đứng ra thực thi pháp luật ở vụ án đặc biệt này, nhưng “rừng núi Ea Sô sẽ còn bị trên đe dưới búa, nổi trôi nữa”

Ngay từ trang đầu tiên, người đọc không khỏi xót xa trước tấm ảnh bà Ka Ơnh còm cõi làm “người mẫu ảnh” cho hàng chục ống kính của những kẻ tự xưng là “nghệ sĩ nhiếp ảnh” chĩa vào và không khỏi thốt lên hai từ “đê tiện”.

Sẽ không khỏi ngậm ngùi với tấm ảnh “con đường sắt nối biển với hoa tan như sương khói”. Dân lành Đả Lạt chết sững người, chính quyền tỉnh Lâm Đồng ngậm đắng nuốt cay vì không cứu được con đường mà họ kỳ vọng cho phát triển du lịch, và những giọt nước mắt u bồn của ông Phạm Khương cho đến tận hôm nay.

Giã biệt hoang vu được ví như cuốn sách trắng của Yang, một giao ước chung thân của tác giả với rừng núi, sông suối, thân thể đất, tâm hồn người ở một Tây Nguyên ngày nay.

Vnwriter

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 16, 2018 | Lần cập nhật cuối: Tháng Mười Hai 16, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button