List sách hayTrích dẫn sách

Trích dẫn sách Chân Dung Dorian Gray

Mọi bức chân dung được vẽ bằng cảm xúc thực nhất sẽ trở thành chân dung của người họa sĩ chứ không phải của người mẫu. Người mẫu chỉ là một sự xuất hiện tình cờ không hơn không kém, chỉ là sự hiện diện trong một khoảnh khắc. Anh ta không phải đã được người họa sĩ thể hiện. Ngược lại, bằng nét cọ trên nền vải canvas, người nghệ sĩ đã thể hiện chính tâm hồn của mình. Lý do khiến tôi quyết định không triển lãm bức tranh này vì tôi sợ tôi đã thổ lộ quá nhiều tâm tư thầm kín đời sống nội tâm của tôi trong bức chân dung này!

1. Bao giờ cũng có những sự liên hệ nguy hiểm chết người giữa vẻ đẹp hình thức và trí thông minh. Đấy là sự nguy hiểm đã xuất hiện qua nhiều thời đại. Chúng ta chẳng nên so sánh giữa các thời đại cũ mới làm gì. Những kẻ xấu xí và ngu ngốc luôn luôn được hưởng thụ nhiều nhất. Họ có thể gật gù im lặng trong mọi ván bạc cuộc đời. Lắm người trong số họ không biết thế nào là giá trị của vinh quang. Không ít kẻ chẳng hiểu được thế nào cảm giác bị khuất phục. Họ sống như cây cỏ, không muốn mình bị quấy nhiễu, luôn hờ hững và muốn mình được yên ổn. Họ không phá hủy thế giới mà cũng chẳng màng đến những đổ vỡ.

2. Một cuộc hôn nhân tưởng như rất hạnh phúc luôn cần đến những trò bịp bợm mánh khóe, vốn luôn cần thiết cho cả hai người. Chẳng hạn như tôi chưa bao giờ biết chính xác vợ tôi đã đi đến những đâu. Cũng như bà ấy chẳng hề biết tôi đang làm những gì. Khi chúng tôi gặp nhau, thỉnh thoảng như thế, nhất là trong những bữa ăn tối hoặc khi đi thăm vài người quen biết. Chúng tôi nói về những câu chuyện ngốc nghếch với vẻ mặt căng thẳng nghiêm túc đến độ giả tạo. Bà ấy giỏi về khoản này lắm. Giỏi hơn tôi rất nhiều là đằng khác. Bà ấy rõ ràng chưa bao giờ nhầm lẫn về những cuộc hẹn hò vụng trộm của tôi. Còn tôi thì cứ rối tung lên về lịch sinh hoạt quan hệ của bà ấy. Nhiều lúc tôi bị bà ấy phát hiện ra những cuộc tình hò hẹn lén lút nhưng tôi chẳng thấy bà ấy nổi quạu. Có lúc tôi muốn bà ấy hãy cứ nổi cáu lên, như thế sẽ dễ chịu hơn, nhưng bà ấy chỉ nhìn tôi rồi phá lên cười.

3. Mọi bức chân dung được vẽ bằng cảm xúc thực nhất sẽ trở thành chân dung của người họa sĩ chứ không phải của người mẫu. Người mẫu chỉ là một sự xuất hiện tình cờ không hơn không kém, chỉ là sự hiện diện trong một khoảnh khắc. Anh ta không phải đã được người họa sĩ thể hiện. Ngược lại, bằng nét cọ trên nền vải canvas, người nghệ sĩ đã thể hiện chính tâm hồn của mình. Lý do khiến tôi quyết định không triển lãm bức tranh này vì tôi sợ tôi đã thổ lộ quá nhiều tâm tư thầm kín đời sống nội tâm của tôi trong bức chân dung này!

4. – Làm gì có chuyện ảnh hưởng xấu hay tốt hả bạn Gray. Tất cả mọi ảnh hưởng đều không bình thường – chẳng bình thường chút nào – nếu như chúng ta nhìn từ lăng kính khoa học.
 
– Tại sao lại như thế?
 
– Vì khi mình ảnh hưởng người khác tức là mình đã trao tâm hồn mình cho người đó. Lúc ấy người đó sẽ không còn suy nghĩ như trước nữa. Hoặc anh ta sẽ đánh mất những đam mê trước đây của mình. Kể cả chuyện anh ta không còn là anh ta nữa. Tội lỗi của anh ta, nếu có, cũng chính là tội lỗi vay mượn. Anh ta trở thành tiếng vọng của người khác, trở thành một diễn viên mà kịch bản không phải do anh ta viết. Điểm cốt lõi của cuộc sống là tự thân nó phát triển. Để nhìn thấy sự hoàn hảo cầu toàn của chính mình – Đấy cũng chính là mục đích sự hiện diện của mỗi chúng ta. Con người hôm nay thường sợ hãi chính mình. Họ đã quên đi nhiệm vụ cao cả nhất của mình – Một thứ nhiệm vụ chúng ta mắc nợ chính mình. Tất nhiên nhiều người trong chúng ta thật sự có lòng thiện. Họ cho người nghèo ăn uống và cho kẻ rách rưới ăn mặc. Can đảm ư? Chúng ta gần như đã cạn kiệt sự can đảm. Có lẽ chúng ta chẳng bao giờ có can đảm. Điều đáng sợ nhất trong xã hội hôm nay là những giá trị đạo đức, chẳng hạn như sợ hãi Thượng đế, vốn là những bí mật của tôn giáo – đấy là những ràng buộc cản trở chúng ta – và còn nữa…

Xem giá bán

5. Tôi tin rằng nếu một con người sinh ra để sống trọn vẹn thật sự, anh ta sẽ sống từng cảm giác của mình. Anh ta sẽ diễn đạt mọi tư tưởng, cố gắng biến mọi ước mơ trở thành hiện thực – Tôi tin rằng thế giới luôn có những xung động tươi trẻ đến từ niềm vui nhục thể; để chúng ta có thể quên đi những ưu phiền thời trung cổ và quay về với những lạc thú của thời Hy lạp xưa – Có khi niềm vui nhục thể còn tinh tế và phong phú hơn những giá trị thời Hy lạp cổ nữa. Nhưng hôm nay, kể cả người can đảm nhất cũng sợ hãi chính mình. Sự cắt cứa tàn phá của đạo đức đã tạo ra những nỗi sợ kinh hoàng. Kết quả là tự chối bỏ chính mình đã làm cho chúng ta tê liệt về mặt cảm giác. Chúng ta bị trừng phạt bởi chính sự trốn chạy của mình. Tất cả những xung động mà chúng ta cố gắng vùng vẫy trong tâm tưởng cuối cùng quay lại đầu độc chúng ta. Cơ thể bạn phạm tội một lần sẽ tiếp tục phạm tội sau đó. Rồi bạn giằng co trong những lần cố tình rửa sạch. Cuối cùng chẳng còn gì tồn tại ngoài những tàn tích của lạc thú và hưởng thụ. Rồi cả những lần ăn năn hối hận hết sức xa xỉ của bạn nữa. Cách tốt nhất để xa lánh cám dỗ là phải tự mình đánh đu và nhập cuộc với chúng. Càng chống lại cám dỗ sẽ khiến tâm hồn của bạn trở thành bệnh tật vì khát khao của bạn bị ngăn cấm. Chúng ta chẳng làm gì được để chống lại những dục vọng thú tính mà định luật tự nhiên đã tạo ra. Có những người cho rằng những sự kiện vĩ đại chỉ xảy ra trên thế giới thực ra đang diễn ra trong đầu mỗi chúng ta. Tất cả đều nằm trong bộ não của con người. Tội lỗi của con người cũng từ trong bộ não mà ra. Bạn Gray ơi, chính tuổi xuân bạn đang có và sự trong trắng của thời trẻ. Bạn đã từng có những lần đam mê và chính bạn đã từng sợ hãi. Những tư tưởng ám ảnh cứ bủa vây lấy bạn, những giấc mộng kinh hoàng vào ban đêm cũng như những lần bạn mơ tưởng ban ngày. Tất cả đều là những ký ức đã làm cho mặt của bạn đỏ lên vì mặc cảm xấu hổ.

6. Tôi không biết ai là người đã định nghĩa: Con người là những động vật có lí trí. Đấy là một trong những định nghĩa thiển cận nhất. Con người có thể có nhiều cảm xúc nhưng họ không thể có lí trí. Tôi rất vui vì con người không có lý trí như thế.

7. – Chú em của anh ơi, chẳng có người đàn bà nào là thiên tài cả: Đàn bà chỉ là một giới tính được trang trí lòe loẹt. Họ chẳng có điều gì ý nghĩa để nói. Nhưng cách họ nói chuyện nghe thật quyến rũ. Họ cứ cho rằng vật chất quan trọng hơn tinh thần, giống như đàn ông chúng mình quan trọng tinh thần nhiều hơn là đạo lý. Có hai loại đàn bà: Một loại đơn giản và một loại thì lòe loẹt diêm dúa. Loại đàn bà đơn giản rất có lợi ích cho phái nam. Nếu chú không muốn bị mang tiếng là bị vợ xỏ mũi, chú cứ phải ấy người đàn bà bình thường. Còn người đàn bà thích trang điểm luôn đem lại những điều phiền phức. Họ nghĩ cứ phải trang điểm để khiến mình trẻ mãi. Thế hệ bà nội bà ngoại chúng ta tự tô son cho mình bằng những câu nói bóng bẩy. Giờ thì chuyện ấy đã hết. Bây giờ người đàn bà nào nhìn mình trẻ hơn con gái họ mười tuổi sẽ là người hạnh phúc. Còn chuyện ăn nói mềm mỏng dễ thương quyến rũ thì cả London này may ra chỉ kiếm được năm người. Thật buồn là hai người trong số họ lại không thể hội nhập được với trào lưu xã hội chung. Mà Dorian này, hãy kể về cô bạn gái thiên tài của chú đi. Chú quen cô ấy được bao lâu rồi?

8. – Chú em của tôi này, con người chỉ yêu một lần duy nhất trong đời mới là người nông cạn. Họ gọi đấy là chung tình, là thủy chung. Anh gọi đấy là những hành vi ngốc nghếch vì thiếu hẳn trí tưởng tượng. Khi chung thủy, ta không có niềm tin đối với cuộc sống tình cảm phong phú. Đấy là giáo điều cứng nhắc. Đấy chính là đời sống của bọn trí thức rởm – Chỉ là một sự thú nhận mình là người thất bại. Nhưng anh không muốn ngăn cản chú nữa, hãy cứ kể tiếp câu chuyện của mình đi.

9. – Dorian này, chỉ có nữ thần mới thật sự xứng đáng để chúng ta kề cận ân ái mà thôi. – Henry nói, hình như có chút cảm xúc trong câu nói của mình – Vậy thì tại sao chú lại cứ bứt rứt lên như thế. Anh tin là cô bé sẽ thuộc về chú một ngày nào đó. Khi con người đã yêu, họ hay tự dối gạt tâm tư của mình lắm, rồi thì cuối cùng là đánh lừa người khác. Đấy là điều mà cả thế giới này gọi là lãng mạn. Thế chú có biết tí gì về cô ta không nào?

10. – Cái anh chàng Basil ấy, này chú Dorian ơi… Anh ta đặt tất cả niềm vui của anh ta vào công việc. Kết quả là anh ta chẳng còn gì sót lại cho chính mình ngoài những thành kiến, những khái niệm, và những điều hợp lý với nhãn quan của anh ta. Tất cả những nghệ sĩ có những cá tính vui vẻ hào nhoáng là những nghệ sĩ loại xoàng. Người nghệ sĩ có tài sẽ dồn tất cả tâm huyết của anh ta vào nghệ thuật, kết quả là anh ta sẽ trở thành một người khô khan. Một nhà thơ lớn, anh muốn nói đến những nhà thơ thật lớn sẽ rất vô vị trong ứng xử. Còn những nhà thơ quèn thì lại khá hấp dẫn chúng ta. Thơ càng kém thì anh ta càng hào hoa trong cách nói chuyện. Còn chuyện xuất bản một cuốn sách hạng trung luôn khiến con người ta hứng thú. Anh ta sẽ sống chất thơ mà anh ta không thể viết ra được. Một số đã dám viết lên những vần thơ mà chính họ cũng không nhận ra vì sao họ lại gan dạ như thế!

11. Henry luôn thích thú những phương pháp nghiên cứu khoa học, nhưng những chuyện vụn vặt khác của khoa học thường không khiến anh chú ý đến. Henry thường mổ xẻ chính mình cũng như anh mổ xẻ người khác. Đời sống con người – đấy là phạm trù duy nhất Henry cho là xứng đáng để tìm hiểu. Chẳng có gì khó khăn để tìm hiểu về con người. Sự thật thì chúng ta luôn theo dõi cuộc sống, quan sát về những điều khó hiểu, về niềm vui và nỗi đau. Con người không thể đeo mặt nạ bằng thủy tinh; hoặc ngăn cản những nan đề ngùn ngụt bốc khói trong bộ não để tìm ra những trí tưởng tượng quay cuồng. Chúng ta tỏ ra e ngại với những ảo tưởng ma quái vốn luôn tạo ra những giấc mơ dị tật.
 
Hình như luôn có những chất độc với nồng độ rất nhẹ mà chúng ta đã quen thuộc nhưng không biết chất lượng ấy là gì. Nhiều căn bệnh chúng ta cứ phải trượt qua. Chẳng hạn như chúng ta đang cố gắng đi tìm những thiếu sót của mình. Và rồi chúng ta sẽ nhận được phần thưởng gì nào? Phải chăng cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn nếu cả thế giới này trở thành một đặc thể duy nhất. Hay là chúng ta chỉ nhận ra những lý luận cứng cỏi của đam mê, của màu sắc nhục thể, và của những cảm xúc vặt vãnh giữa đời thường. Chúng ta tỏ ra có đầy trí tuệ – sử dụng chúng để quan sát những gì chúng ta gặp gỡ, những lần chia tay đổ vỡ, và cả những đau khổ sẽ hội tụ lại. Rồi ở đâu đó mọi điều trong cuộc đời quay qua mâu thuẫn với nhau – Chả lẽ niềm vui của con người là ở chỗ đó ư? Giá phải trả để sống thật ra có ý nghĩa gì kia chứ! Chúng ta chẳng ai có can đảm để đánh giá cao những cảm giác của mình và của người khác.
 
Henry hoàn toàn tỉnh táo – Những tư tưởng trong đầu anh đem lại một sự dễ chịu. Sự thoải mái dễ chịu ấy hiện ra trong đôi mắt màu nâu của Henry – Thì ra chỉ với những từ ngữ của Henry, thứ ngôn ngữ đầy âm nhạc Henry đã nói mà tâm hồn Dorian đã trở thành quay cuồng. Chàng trai đã cung phụng tôn sùng đến độ mù quáng một cô gái. Nói khác đi, số phận của chàng trai trẻ này do chính Henry tạo ra. Chính Henry đã khiến cho Dorian trở thành nông cạn. Kể ra đấy cũng là một điều khá thú vị. Một người bình thường sẽ chờ đợi những kinh nghiệm bí ẩn cuộc đời tự chúng xảy đến. Với một số ít người khác – tuy số này rất ít – những bí ẩn của cuộc đời sẽ trải ra trước mắt họ trước khi chúng kịp xảy ra. Có lúc đây là hệ quả của nghệ thuật, nhất là nghệ thuật văn chương, một đối tượng chỉ liên hệ trực tiếp đến đam mê và trí tuệ của con người. Tất nhiên là nhân cách của mỗi cá nhân luôn quá phong phú, hầu như choán gần hết chỗ đứng của nghệ thuật. Nhưng chung quy lại mọi nhân cách vẫn không thoát khỏi vòng xoáy của nghệ thuật được. Kết quả là cuộc đời đã tạo ra những kiệt tác, trong thơ ca, trong điêu khắc và trong hội họa.

12. Kinh nghiệm xem ra chẳng có bất cứ một giá trị đạo lý nào. Đấy chỉ là một danh từ hay là một tên gọi chúng ta đặt ra cho những lỗi lầm của mình.

13. Anh biết đấy, tôi cũng chẳng thành công gì trong hôn nhân. Mặt trái của hôn nhân vì nó là một khế ước – Khế ước này biến chúng ta trở thành bớt ích kỷ hơn. Mà những con người sống không ích kỷ thì tẻ nhạt vô cùng. Họ chẳng còn chút cá tính riêng rẽ nào cả. Tất nhiên là hôn nhân sẽ trở thành phức tạp hơn vì sẽ có nhiều tính khí mới mẻ khác được tạo nên. Hôn nhân có thể biến chúng ta đi theo chủ nghĩa cái tôi. Sau đó chủ nghĩa cái tôi này tác động lên nhiều cái tôi khác. Cuối cùng con người buộc phải sống một cuộc đời đa diện khác nhau. Con người trở thành phải sống có tổ chức hơn. Vả lại, tất cả mọi kinh nghiệm đều có giá trị chủ quan. Người ta thường nói xấu về hôn nhân nhưng cuối cùng vẫn phải cho rằng đấy là một kinh nghiệm. Tôi hy vọng Dorian sẽ cưới cô gái này làm vợ. Anh ta sẽ hoàn toàn tôn sùng cô ta một cách nồng nàn trong vòng sáu tháng, rồi thì lại xốn xang bứt rứt vì một người đàn bà khác. Anh ta sẽ trở thành một đối tượng tuyệt vời để chúng ta nghiên cứu đấy.

14. Bất cứ lúc nào khi một người đàn ông phạm phải sai lầm ngu xuẩn, bao giờ anh ta cũng có những động cơ xem ra rất cao thượng.

15. – Dorian ơi. Anh… – cô gái cất tiếng nói – Trước khi em biết anh, diễn xuất chính là lẽ sống của đời em. Em chỉ thật sự tin rằng mình đang sống khi em đứng trên sân khấu. Em luôn tin rằng đấy là sự thật. Đêm nay em là Rosalind, ngày mai em là Portia. Niềm vui của nhân vật Beatrice cũng là niềm vui của em. Nỗi đau của Cordelia cũng là nỗi đau của chính em. Em hoàn toàn tin vào tất cả những điều đó. Bạn diễn của em lúc nào cũng là những con người thật. Trang trí sân khấu là thế giới của em. Em hoàn toàn tin rằng phông cảnh lòe loẹt màu sơn là cảnh thực. Rồi anh đến – một tình yêu thật đẹp – anh đã giải thoát linh hồn em khỏi ngục tù của trí tưởng tượng. Anh giúp em nhìn thấy thế nào là cuộc đời thực, cuối cùng em nhìn qua một lỗ hẹp và nhận ra những điều tầm thường hào nhoáng, những vinh quang giả tạo mà từ trước đến nay em cứ ôm chặt trong tay mình. Đêm nay là đêm đầu tiên em nhận ra Romeo không phải là bạn diễn của mình. Em nhận ra đấy chỉ là một gã đàn ông yếm thế, già nua, mặt trát phấn. Ngay cả ánh trăng trong vườn táo chỉ là cảnh giả, tất cả đều trở nên dung tục. Ngay cả lời thoại trong vở kịch cũng không còn là thực nữa. Tất cả đều không phải là việc em vẫn sống, không phải là điều em muốn nói. Anh đã đem đến cho em những điều cao cả và vĩ đại hơn. Một điều gì đó cao đẹp hơn nghệ thuật. Giống như một lần phản tỉnh ý thức nhất. Anh khiến em nhận ra ý nghĩa trung thực nhất của tình yêu. Người yêu của em hỡi. Em chán những màn diễn lắm rồi. Anh cao cả và đáng quý đối với em hơn nghệ thuật rất nhiều. Em chỉ là một con rối trong một vở kịch. Khi đến nhà hát hôm nay, em cứ tự hỏi tại sao tất cả những điều tưởng như nghệ thuật vĩnh hằng đã biến sạch cả. Tự nhiên em nhận ra những ánh bình minh hoàn toàn mới mẻ trong tâm hồn. Đây là những cảm giác trong trẻo khác lạ. Những âm thanh réo rắt trong đầu em khi tủm tỉm cười một mình. Những nụ cười – Chúng biết thế nào là tình yêu đấy. Hãy đưa em đi khỏi nơi này đi, Dorian – Hãy cho em được đi theo anh. Đến bất cứ nơi nào chỉ có riêng hai chúng ta. Em chán ghét sân khấu lắm rồi. Em có thể bắt chước những điều em không cảm nhận được. Nhưng em không thể bắt chước những cảm giác đang đốt cháy em trong lúc này. Anh Dorian ơi. Giờ thì anh đã hiểu tại sao rồi chứ? Ngay cả nếu như em cố tình diễn thì sự cố gắng ấy chính là những báng bổ thấp hèn nhất khi em phải diễn xuất với trái tim không còn thơ ngây nữa. Anh đã khiến em nhận ra tất cả những vẻ đẹp trần trụi của cuộc đời.
 
Chàng trai vật mình xuống một cái ghế sô-pha gần đó. Anh đau đớn quay mặt đi:
 
– Cô đã hủy diệt tình yêu của tôi! – Dorian tàn nhẫn nói.

16. Khi nhìn bức tranh Dorian cảm thấy có một cảm giác khoái lạc chạy ngang cơ thể. Anh có thể men theo tư tưởng của mình để đi đến những ngóc ngách nhất của bức chân dung. Bức chân dung này sẽ là một tấm gương kỳ quái nhất mà Dorian có thể soi vào và nhìn thấy lương tâm của chính mình. Dorian không chỉ là nhìn thấy thể xác của mình mà còn nhận ra hình dạng tật nguyền co quắp của linh hồn anh nữa.

17. Chẳng ai có thể đối xử khiếm nhã với Dorian được. Họ bảo nhau trên khuôn mặt Dorian chẳng bao giờ vương vấn bất cứ một tì vết nào. Cánh đàn ông đang ba hoa ồn ào với những câu nói tục tĩu thô lỗ sẽ nói nhỏ hơn khi Dorian xuất hiện. Hình như vẻ đẹp thơ ngây của Dorian đã khiến họ phải xấu hổ. Chính khuôn mặt hiền lành đến độ thánh thiện của Dorian đã gợi cho họ nhớ về một tuổi thơ tươi đẹp mà họ đã đánh mất. Họ bảo nhau không hiểu vì sao Dorian cứ trẻ mãi, hình như không bao giờ bị thời gian ảnh hưởng. Tại sao Dorian không già đi như bao nhiêu người khác.

18. Sự tôn sùng cảm giác, công tâm mà nói, thường hay bị bôi nhọ. Con người ít khi thừa nhận rằng họ cảm thấy những bản năng tự nhiên réo rắt trong cơ thể luôn chi phối những đam mê nhục thể. Họ e ngại, không dám công nhận, không dám trân quý những bản năng tự nhiên của mình. Thực ra bản năng vốn mạnh mẽ hơn khả năng chế ngự của con người rất nhiều.
 
Tất nhiên chúng ta đôi lúc thường ý thức về những chia sẻ chung của thân phận con người. Tuy không nhiều lắm, nhưng chúng ta vẫn có những thói quen coi thân phận con người như một hình thức hiện diện có tổ chức trong một thế giới đầy ắp những kích tố.
 
Dorian cho rằng chẳng ai có thể hiểu về cảm xúc nhục thể sâu sắc như anh. Con người luôn đánh giá thấp cảm xúc này. Nhục thể vì thế luôn bị coi là mông muội và hèn hạ, đầy thú tính, đơn giản chỉ vì thế giới chẳng bao giờ thoả mãn đói khát cảm xúc nhục thể, họ cố tình dồn nén, ức chế, vùi dập những khát khao của chính mình thay vì nhận ra ý nghĩa giá trị tinh thần của nhục thể. Đấy là một đặc tính quan trọng của cảm xúc, vốn rất cần thiết để vẻ đẹp nhục dục có thể thoát xác và nhập cuộc.
 
Khi Dorian nhìn lại hành trình phát triển lịch sử con người, anh nhận ra tại sao nhân loại đã lãng phí nhiều năng lượng quá. Tại sao con người dễ thoả hiệp một cách gượng ép đến độ đầu hàng. Tại sao chúng ta lấy dao cắt đứt cuống nhau của mình với nhục thể chứ?
 
Tại sao nhục thể không được coi là mục đích của đời sống. Tại sao người ta cố tình hò hét, gào thét để chống lại tất cả những giá trị nhân văn rất thực của nhục thể. Tại sao con người cứ phải đậy điệm, gạt gẫm, tự hành hạ, tự khinh ghét chính mình, tự xỉ vả và tự tố khổ, tự chối bỏ những ý nghĩ lành mạnh của nhục thể. Tất cả chỉ vì họ sợ sệt, vì sự trốn tránh, vì thờ ơ giả tạo, vì lo lắng ngộ nhận, vì đạo đức bề ngoài. Tại sao nhục thể bị coi là những băng hoại của thịt da?
 
Con người vì thế đã nhốn nháo chạy trốn khỏi cảm xúc nhục thể của chính mình. Cảm xúc nhục thể tự nhiên lẽ ra phải là một vẻ đẹp hoành tráng. Nhưng nực cười thay, nhục thể đã thúc đẩy những nhà khổ tu thoát ra khỏi một đàn súc vật để rồi chạy sâu vào sa mạc còi cọc của chính mình, trốn tránh trong vỏ ốc, sợ hãi những con người chung quanh như thể họ chính là những con thú vật nguy hiểm nhất.

19. Dorian bất chợt cảm thấy mình thật sự hạnh phúc bởi những kết tinh giữa tinh thần và những điều kiện sinh lý, dù đấy là những tư tưởng bệnh tật hay khoẻ mạnh, bình thường hay dị dạng. Cuối cùng Dorian đã đi đến một kết luận, không có bất cứ học thuyết nào quan trọng đối với anh bằng chính bản thân cuộc sống. Anh ý thức sâu sắc rằng cuộc đời này sẽ chỉ là một sự thật trần truồng nếu như chúng ta tách rời giữa hành động và kinh nghiệm tư tưởng. Anh biết rằng cảm giác nhục thể của con người không hề thua kém tâm hồn. Anh tin rằng nhục thể cũng có những giá trị huyền bí cần được tìm kiếm và giải thoát.
 
Anh bắt đầu đi tìm những kiến thức về nước hoa. Những bí mật của các nhà chế tạo, có lẽ họ phải tinh cất những tinh dầu đầy mùi thơm, những loại nhựa cây đem về từ phương đông. Anh nhận thấy tất cả những tâm trạng của tinh thần đều có liên hệ đối với cảm xúc của nhục thể qua mùi xạ. Từ đó Dorian quyết định đi tìm sự liên hệ giữa hai thế giới này. Anh muốn biết vì sao mộc dược và long diên hương có thể khiến cho đam mê của con người bỗng trỗi lên đầy sức sống. Anh muốn biết vì sao xạ hương có thể đánh thức cảm xúc lãng mạn đã bị chết ngạt và khiến cho bộ não phải quay cuồng, hoặc mùi champak có thể biến đổi màu sắc của trí tưởng tượng. Dorian muốn tìm ra sự liên hệ tâm lý giữa mùi thơm và những hành vi của con người. Anh muốn tìm hiểu xem những đoá hoa đầy phấn và hương thơm, những thứ tinh dầu chiết ra từ cây cỏ, những vỏ thân cây cỗi già, những mùi hôi có thể khiến người ta lợm giọng. Khi hoà trộn lại, chúng sẽ có một quyền lực tối cao. Những mùi thơm khiến con người thích thú, những đôi nhân tình thèm khát được gần nhau. Phải chăng chính mùi thơm đã đánh thức âm nhạc sóng sánh từ trong tâm hồn của họ tràn ra ngoài.
 
Có lúc Dorian đã đam mê nghiên cứu âm nhạc trong một căn phòng. Giữa căn phòng dát vàng và trần nhà màu sơn đỏ, bốn bức tường sơn màu quả oliu xanh thẳm, anh thường có những buổi hoà nhạc với những nghệ sĩ du ca người Ai Cập, những âm thanh man dại xé toạc không gian từ những nhạc cụ lạ lùng. Có lúc âm thanh nỉ non vàng vọt tạo ra những cảm giác ma quái. Có lúc là những bài hát đem đến từ Ấn Độ, người nghệ sĩ lăn lộn trên những bức thảm dệt đầy những hoa văn lạ lẫm, trước mặt những ống sáo là vài con rắn hổ mang đang thè ra những cái lưỡi. Những người da đen vỗ mạnh hai bàn tay trên những mặt trống đồng boong boong.
 
Có lúc anh nghiên cứu nhạc cổ điển một cách nghiêm túc như nhạc của Schubert đầy quyến rũ hay nhạc của Chopin với những nét đẹp lãng mạn khá buồn. Có lúc anh đam mê thật sự với vẻ đẹp hoành tráng trong nhạc của Beethoven, hầu như anh đã lịm đi trong cảm giác đam mê thần thánh từ âm nhạc của Beethoven. Dorian bắt đầu tạo ra cho mình một bộ sưu tập về tất cả những nhạc cụ trên thế giới này. Có thể đấy là một nhạc cụ được đem về từ một ngôi mộ cổ được khai quật tại một bộ lạc hoang sơ. Anh muốn được sở hữu và sử dụng chúng. Anh đặc biệt thích những cây đàn juruparis kỳ diệu của bộ tộc Rio Nergo đem về từ Ấn độ mà đàn bà không được phép nhìn và trẻ con phải chờ trải qua những nghi thức đặc biệt mới được nhìn thấy. Hoặc anh rất thích những nhạc cụ bằng vại đất nung của người Peruvians có thể tạo ra những âm thanh réo rắt như tiếng chim. Có khi đấy là một ống sáo làm bằng xương người của bộ tộc Alfonso de Ovalle từ Chi-lê. Hoặc những viên đá màu xanh tìm thấy gần Cuzco có thể tạo ra những độc âm nghe rất ngọt. Anh có những quả bầu khô đựng đầy sỏi cuội, khi lắc lên sẽ nghe rất vui tai. Anh có cả những cây kèn của người Mehicô phải hít hơi vào chứ không phải thổi ra để tạo thành âm nhạc. Những nhạc cụ đặc biệt của vùng lưỡng hà Amazon có thể được nghe thấy cách xa ba hải lý. Rồi các nhạc cụ đến từ Cortes trong những đền thờ của người bản xứ Mêhicô. Nói chung là mỗi loại nhạc cụ đều có những nét riêng hấp dẫn độc đáo. Dorian cảm thấy thích thú với những nhạc cụ này, chúng là kênh nối giữa nghệ thuật và thiên nhiên, chúng có những linh hồn thật quỷ quái, những hình dạng thú vật, và cả những âm thanh hết sức dung tục, xấu xí.
 
Rồi thì những đam mê ấy cũng nhạt dần. Dorian nhận ra mình thích được ngồi nghe nhạc thính phòng với Henry nhiều hơn, được lắng nghe “Tannhauser” như một thú tao nhã. Cuối cùng Dorian bắt đầu có thể mường tượng ra anh nhìn thấy linh hồn của mình qua âm nhạc.
 
Có lúc Dorian đã nghiên cứu về đồ trang sức. Anh được mời đến những nơi nổi tiếng như bữa tiệc của Anna de Joyeuse, vợ một đô đốc hải quân của Pháp. Bà này đã mặc một chiếc áo dạ vũ gắn năm trăm sáu mươi viên ngọc trai. Có lúc Dorian đã ngồi cả ngày bên hộp nữ trang của mình, tay sắp xếp chán rồi lại thay đổi vị trí của chúng. Những viên đá chrysoberyl màu xanh quả ôliu sẽ chuyển sang màu đỏ dưới ánh đèn, những viên cymophane có những vân chạy dọc nhìn như những sợi bạc, những viên đá peridot nhìn như vỏ hạt dẻ sữa, những viên đá topazes màu hồng và màu vàng của rượu vang. Nói chung là đủ những loại đá quý đầy màu sắc và hoa văn độc đáo, lấp lánh như ánh sao, cháy rực như màu vỏ quế, đầy những vân màu cam và màu tím. Những viên đá nhiều lớp màu quyến rũ như đá sapphire và đá hồng ngọc. Những viên đá màu đỏ, hừng hực một ánh sáng vàng của mặt trời. Có lúc đấy là những viên đá lạnh lẽo như màu của một vầng trăng, bạc như ngọc trai. Có lúc là những viên opal có màu sữa pha trộn giữa những gam màu của bảy sắc cầu vồng. Anh đã đến tận Amsterdam để mua chúng về. Anh có ba viên ngọc bích với kích thước thật lớn và màu rất đẹp. Anh tậu một viên lam ngọc de la vieille roche đã khiến cho nhiều người sành sỏi trong giới nữ trang phải thầm ghen tị.

Dorian khám phá ra nhiều câu chuyện liên quan đến nữ trang. Nào là chuyện một con trăn có hai con mắt là ngọc jacinth thật trong tác phẩm Clericalis Disciplina của Alphonso. Hoặc chuyện kể về Đại đế Alexander đã tìm thấy những con rắn ở vùng Jordan trên lưng bám đầy hồng ngọc. Rồi chuyện Philostratus kể trong một lá thư nói về một con rồng trong bụng nó là một viên đá quý; người ta phải phù phép để nó ngủ say rồi mới giết con rồng để lấy viên ngọc ra được. Theo lời nhà thuật giả kim lừng danh Pierre de Boniface thì kim cương có thể khiến cho mắt người ta được sáng, và mã não Ấn Độ có thể làm cho người khác có khả năng nói chuyện khá lưu loát. Đá Cornelian có thể khiến người khác nóng tính nhưng đá hyacinth có thể khiến người ta buồn ngủ. Đá amethyst sẽ làm cho khói thuốc và mùi rượu vang bay đi. Đá garnet có thể xua đuổi tà ám, đá hydropicus có thể biến đổi ánh sáng mặt trăng khi đi xuyên qua nó. Đá selenite cũng thay đổi màu sắc khi trăng tròn hay trăng khuyết, đá meleceus có thể giúp phân biệt được ai là kẻ đang nói dối. Dorian biết Leonardus Camillus đã kể lại ông ta nhìn thấy một viên đá trắng trong não của một con cóc có thể là thuốc giải chất độc. Đá bezoar tìm thấy trong quả tim của một loại nai sống tại Ả rập có thể đeo vào cổ để ngăn ngừa những căn bệnh dịch. Theo Democritus thì trong những tổ chim của một loài chim sống ở Ả rập có những viên đá có thể ngăn ngừa được hỏa hoạn.
 
Dorian biết về ông vua của xứ Ceilan đã dạo phố, trên tay đeo một viên hồng ngọc thật lớn trong nghi lễ tấn phong của mình. Những vòm cổng lâu đài hoàng cung của vua John the Priest được làm bằng đá sardius, trang trí xen kẽ với sừng rắn để báo trước không cho bất cứ ai đem chất độc vào bên trong hoàng cung. Trong một lữ quán có tên A Margarite of America, chủ nhân có viên đá margarite có thể nhìn thấy những cô gái nào còn trinh hay đã mất. Còn Marco Polo thì kể chuyện tận mắt mình nhìn thấy cư dân xứ Zipangu đặt một viên ngọc trai màu hồng vào miệng người đã chết. Một con quái vật biển thích viên ngọc trai của một người thợ lặn dâng vua Perozes đã giết chết bọn trộm viên ngọc này. Nhà vua đã khóc ròng đúng bảy tháng trời vì tiếc viên ngọc trai ấy. Câu chuyện xảy ra khi bọn cướp dụ dỗ ông vua đi vào một động vắng, ông đã vung tay ném viên ngọc đi và chẳng ai đã tìm thấy nó nữa. Tác giả Propopius kể lại rằng Hoàng đế Anastasius đã hứa tặng năm trăm thỏi vàng cho ai tìm thấy viên ngọc trai ấy. Hoặc chuyện vua xứ Malabar đã có một cỗ tràng hạt đếm được một trăm lẻ bốn viên ngọc trai, mỗi một viên là một vị thần mà ông ta đang thờ lạy.
 
Khi công tước xứ Valentinois, con trai của Vua Alexander VI đến thăm vua Louis XII của Pháp, con ngựa của vị công tước này được dát đầy vàng lá. Theo lời kể của Brantome thì chiếc nón của vị công tước này dát hai lớp hồng ngọc khiến cho ánh sáng phản chiếu chói cả mắt nhìn. Một công tước của xứ Anh đã gắn lên bàn đạp cưỡi ngựa của mình lủng lẳng ba trăm hai mươi viên kim cương. Vua Richard II có một chiếc áo khoác trị giá ba vạn marks được dát bằng ngọc balas. Tác giả Hall mô tả Vua Henry VIII đã lên tháp cao ngày đăng quang với một chiếc áo khoác bằng vàng dát kim cương và rất nhiều ngọc quý.
 
Vua James I bao giờ cũng đeo hoa tai bằng ngọc bích nạm vàng. Vua Edward II tặng cho Piers Gaveston một chiếc áo khoác bằng vàng ròng gắn đầy đá jacinth và một vòng cổ cũng bằng vàng ròng gắn đầy lam ngọc. Vua Henry II đeo một bao tay bằng nữ trang kéo sát lên tận cùi chỏ và một cặp găng tay khác có gắn mười hai viên hồng ngọc và năm mươi hai viên ngọc trai. Chiếc mũ của Công tước Rash, vị công tước cuối cùng của xứ Burgendy dát đầy đá sapphire và đeo một viên ngọc trai lủng lẳng hình quả lê.
 
Thật tuyệt vời đời sống xa hoa của con người. Thật lộng lẫy những vật trang sức. Ngay cả khi chỉ đọc về sự xa hoa quyền quý của người chết cũng khiến Dorian cảm thấy thú vị.
 
Sau đó Dorian chuyển hứng thú của mình qua nghiên cứu tranh thêu và tranh dệt được trưng bày trong những căn phòng lạnh lẽo của những nước thuộc miền Bắc Châu Âu. Mỗi khi bắt tay vào một cuộc nghiên cứu theo sở thích, Dorian luôn tỏ ra hứng thú rất nhanh, hoàn toàn chìm đắm vào những đam mê mới lạ. Có lúc Dorian cảm thấy nuối tiếc về sự chà đạp của thời gian, về sự ruồng bỏ của con người đối với những tác phẩm đầy giá trị của những thế hệ tổ tiên trước đó. Nhưng sau đó Dorian bắt đầu quen dần đi. Hết mùa hè này sang mùa hè khác, hoa jonquil nở vàng rộm và rồi chúng sẽ tàn lụi hàng loạt, nhưng khi đêm về những giấc mộng kinh hoàng lại quay về với Dorian.
 
Chẳng hiểu sao Dorian gần như đã miễn nhiễm với những ảnh hưởng của thời gian. Anh hoàn toàn không thay đổi. Chẳng có mùa đông nào có thể phá hủy nét đẹp tươi trẻ mùa xuân của Dorian. Tại sao những giá trị vật chất hôm nay thật khác trước nhiều quá? Chúng đã đi đâu cả rồi? Những chiếc áo choàng sặc sỡ mô tả các vị thần đánh đuổi những con quái vật khổng lồ được chế tạo tại Athena hiện giờ ở đâu? Đâu rồi chiếc áo choàng của thành phố Rome? Đâu rồi những chiến bào thêu hình ngôi sao mà Apollo đang cưỡi trên những chiến xa được kéo bởi những con ngựa chiến khỏe mạnh nhất. Dorian muốn tìm hiểu về những chiếc khăn trải bàn ăn được thiết kế riêng cho Elagabalus và chỉ được trưng bày mỗi dịp yến tiệc linh đình. Hay là tấm vải khăn liệm của Vua Chilperic với ba trăm con ong bằng vàng. Hay là chiếc áo choàng của Đức giám mục thành Pontus đầy hình ảnh thú vật như sư tử, báo, gấu, chó, rừng, cây, đất đá, người thợ săn… Nhìn chung đây là chiếc áo thêu lại những gì được nhìn thấy từ thiên nhiên. Hay như chiếc áo choàng của Huân tước xứ Orleans một lần đã mặc, trên cánh tay có thêu một vần thơ bắt đầu bằng câu Madame, je suis tout joyeux (Nàng ơi, tôi hoàn toàn hạnh phúc). Đấy là lời bài hát được thêu bằng chỉ vàng và các nốt nhạc được kết bằng bốn viên ngọc trai. Hay như căn phòng của Nữ hoàng Joan xứ Burgundy có đến một ngàn ba trăm hai mươi con chim sáo thêu và năm trăm sáu mươi con bươm bướm được làm bằng vàng.
 
Catherine de Medicis có một giường ngủ làm bằng nhung đen phủ đầy hoa và tia ánh mặt trời thêu bằng gấm. Viền của tấm trải giường này được dệt nổi những hoa văn mô tả hoa lá và cành cây, những trái chín trên nền vàng và bạc, những tua rèm được dát bằng ngọc trai. Chiếc giường ngủ được đặt ngay giữa căn phòng, chung quanh toàn là những vật dụng đắt tiền khác được bày biện trên những mặt bàn trải nhung đen sang trọng.

Vua Louis XIV có một bức tranh thêu bằng vàng cao mười lăm tấc trong căn phòng của mình. Giường ngủ của Sobeiski, Vua của Balan được làm bằng kim tuyến vàng từ Smyrna, dát chung với lam ngọc và thêu những đoạn Kinh thánh Koran. Tất cả đều được trang hoàng trên nền bạc, nhìn rất đẹp, gắn đầy những vật trang trí nho nhỏ được lấy về từ những cuộc chinh phạt Thổ Nhĩ Kỳ trước khi ông vua này tiến đến Vienna. Những đoạn trong kinh Kora là những tiêu chuẩn sống mà Tiên tri Mohammed đã từng tin tưởng.
 
Cả một năm ròng Dorian đi tìm những mẫu vải thêu độc đáo anh có thể tìm thấy trong các tác phẩm dệt của người Hồi giáo được thêu nổi cầu kỳ bằng những sợi chỉ vàng rất đẹp. Hoặc những tấm vải đính các bộ cánh của nhiều con bọ hung lấp lánh những gam màu hổ phách. Anh đi tìm những bức tranh thêu của phương đông như các bức Nước chảy, Không gian dệt mộng, Sương đêm của Java, hoặc những bức rèm màu vàng của Trung Hoa, các bìa sách bằng lụa xanh, thêu hoa lá, chim cò và nhiều hình ảnh đẹp khác. Anh tìm ra cả những bức tranh thêu của Hungary, những bức tranh thêu của xứ Sicilian, những tấm màn nhung của Tây Ban Nha, những tác phẩm của xứ Georgian được thêu liền với những đồng xu của xứ xở này. Những bức phù điêu Foukousas của Nhật Bản rất lạ mắt với những gam màu sáng và những bộ lông chim rất đẹp.
 
Dorian thích thú cả những vật dụng có liên hệ đến tôn giáo và nhà thờ. Trong căn nhà của Dorian có khá nhiều những hình ảnh và vật lưu niệm dính dáng đến Chúa Jesus và Hội thánh đựng trong một cái tủ gỗ. Anh có cả bức tranh vẽ cảnh phong tước thánh cho Đức mẹ đồng trinh do một họa sĩ người Ý vẽ vào thế kỷ mười lăm. Anh có những bức họa về các thánh, trong đó có cả bức tranh vẽ Thánh Sebastian và bức Chúa Jesus chịu đóng đinh.
 
Với tất cả những sở thích này, tất cả mọi thứ Dorian sưu tập chính là cách anh tránh né cuộc sống. Đây là cách để anh lẩn trốn một nỗi sợ hãi dường như quá lớn đối với anh. Trên bức tường trong căn phòng anh đã trải qua rất nhiều ký ức thời thơ ấu của mình, đấy là căn phòng cao nhất của ngôi nhà. Chính anh đã tự tay treo lên bức chân dung của linh hồn mình. Bức chân dung càng ngày càng tróc lở, xấu xa như cuộc sống sa đọa băng hoại của Dorian mà duy nhất chỉ có một mình anh là người biết đến. Chính tay anh đã phủ lên bức tranh tấm khăn choàng phủ quan tài màu tím. Có khi cả nhiều tuần lễ liền Dorian không dám đi vào căn phòng ấy. Anh cố tình quên đi bức tranh ấy, muốn được quay trở lại với tháng ngày hồn nhiên trong sáng, những khát khao bình dị đời thường. Có lúc Dorian nửa đêm lẻn ra khỏi nhà và tìm đến những nơi trụy lạc dâm ô như khu Blue Gate Field. Anh ở đó hết ngày này sang ngày khác cho đến khi người ta phải tống cổ anh ra ngoài. Khi trở về, anh lại ngồi thừ ra nhìn bức tranh, cảm thấy rất giận chính mình và giận cả bức tranh. Nhưng có lúc anh cảm thấy tự hào vì mình đã sống một đời sống thác loạn, hoàn toàn tự do, không câu nệ một cách giả dối. Có lúc Dorian cảm thấy mình bất hạnh vì chính anh đang vác trên vai một thập giá nặng nề cay nghiệt của số phận chính mình.

20. – Đấy là chân dung linh hồn của em! – Dorian gào lên.
 
– Lạy Chúa ơi! Đây là khuôn mặt mà anh đã từng tôn thờ ư, Dorian. Không. Đây là khuôn mặt của một con quỷ! – Basil mặt lạnh như băng.
 
– Mỗi chúng ta có cả hỏa ngục và thiên đàng bên trong con người của mình, Basil. – Dorian bật khóc lên, dường như chàng trai cảm thấy mình đang rất tuyệt vọng.

Chân Dung Dorian Gray - "Dorian đẹp và thánh thiện như một vị thần rơi lạc xuống cõi trần và thật diễm phúc cho bất kỳ ai được may mắn chiêm ngưỡng. Người ta có thể ngừng nói ở nơi mà Dorian xuất hiện, người ta có thể bất động hàng giờ khi gương mặt ấy nở một nụ cười,… Đọc thêm

Vnwriter

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button