Writer

Bùi Diệp, người vẽ chân dung gió

“Tôi sinh ra ở nông thôn, lớn lên ra phố học, lấy vợ và trở thành thị dân. Đấy là căn cứ theo bảng đăng ký hộ khẩu và nơi ở hiện tại của mình chứ thực tình từ lối sống cho đến cách ứng xử, tôi vẫn chưa phai mùi gốc rạ”.

Đó là mấy dòng “tự khai” của Bùi Diệp, mà mỗi chúng ta đều có thể “mượn mẫu” để  trình bày về mình. Bởi, người Việt thì hầu hết đều gốc gác nông thôn, nói nôm na là dân gốc rạ. Tuy nhiên, nhiều người muốn giấu thân phận của mình đi, một số người khác, không giấu nhưng phai lạt “mùi phèn”. Còn Bùi Diệp thì khẳng định, không chỉ một lần, mà đáo qua đáo lại, nhắc tới nhắc lui rằng mình là một kẻ nhà quê, một người dẫu có hộ khẩu thị thành thì vẫn thở ra mùi hoang dã, cũ càng.

Bùi Diệp, như chỗ tôi biết, là một người rất lặng lẽ. Anh giống một nhà giáo hơn là một nhà văn, mà kỳ thực, Bùi Diệp sau khi tốt nghiệp khoa văn trường Đại học Tổng hợp (khóa 1983-1987) anh từng có nhiều năm làm thầy giáo trường quê. Sở dĩ tôi so sánh giữa nhà giáo và nhà văn là bởi nhà văn cũng có thể lặng lẽ, nhưng chất nhà văn thường “im mà bợm”, còn nhà giáo, cụ thể như Bùi Diệp thì im mà hiền. Ấy là nói riêng trường hợp Bùi Diệp, chứ nhà giáo bây giờ cũng năm bảy đường.

Bùi Diệp, như chỗ tôi biết, bắt qua việc viết từ khi thôi dạy học. Anh cũng ít khi viết về quãng thời gian làm thầy giáo, mà thường viết về ký ức ấu thơ bên bờ con sông Dinh kỳ vỹ, thơ mộng. Dường như có một điều gì đó thôi thúc dữ dội trong tâm hồn anh, cùng lúc với sự cựa quẫy ráp nối của những con chữ. Thế là Bùi Diệp … bay đến trang văn, như một kiểu háo hức, nhập đồng, khác với cái lặng lẽ, ẩn náu thường gặp.

Bùi Diệp viết về quê ngay khi đang sống ở quê. Đó là một điểm khác biệt với các cây bút khác. Nhiều cây bút viết về quê khi đã xa quê. Như Võ Phiến viết về Quy Nhơn khi đã vào Sài Gòn. Như Vũ Bằng viết về Hà Nội khi đã vào Sài Gòn. Nhưng cái quê trong Bùi Diệp, hầu hết là quê xưa, là kỷ niệm cũ hay là những vẻ đẹp có nguy cơ biến mất khỏi đời sống này.

“Cái ý tưởng những gì đi qua đời người đều như cơn gió cho tôi cảm giác vừa thú vị vừa buồn bã” (Chân dung gió) Đó có lẽ cũng là ý tưởng xuyên suốt để Bùi Diệp viết nên tập tạp văn này. Và, đấy cũng là một nét chân dung anh: người vẽ chân dung gió. Hay nói khác đi Bùi Diệp mượn ý niệm về những ngọn gió thổi qua cuộc đời để sống lại và sống cùng với quá khứ và hiện tại. Khi hôm nay ta qua một dòng sông, ta sẽ nhớ lại chuyến đò thơ ấu. Khi hôm nay chúng ta đi trên một con đường bê tông, ta sẽ hoài cảm về một đường làng buổi trưa khua tiếng mo tre. Khi hôm nay chúng ta choáng váng về những thay đổi về giáo dục, ta chợt nhớ những bài học đạo lý và tình nghĩa thầy trò.

Nói một cách nào đó thì Bùi Diệp là người thường sống trong hoài niệm. Cái “bệnh” nhớ ngày xưa trong anh có vẻ trầm kha. Nhưng đâu chỉ là nhớ nhung, mà trong nhớ nhung còn có cái khắc khoải, trong nỗi khắc khoải còn chứa sự dày vò, trong sự dày vò còn bộc lộ những ý hướng trao gửi từ tâm. Hãy cứ đọc hai câu trích này thì biết: “Đường về đất Sính xa xôi/ Một đêm nằm mộng ngược xuôi chín lần” (Trừu tư – Khuất Nguyên). Cái xuôi ngược đây không chỉ là bôn ba dặm về mà còn là chín phương mười hướng tâm cảm. Cho nên, khác với những người chuyên thâm canh “thương nhớ đồng quê”, như là để nắn nót một sản vật, như là trang trí một ô trống, Bùi Diệp “ngược xuôi” quê để tìm lại chính mình, để được sống là mình.

Cái hay của Bùi Diệp là do anh không xa quê gốc lắm, nên giữ được những vốn từ mà người quê thường dùng, như “bằm” trái dưa để nấu canh chứ không phải là “xắt”, như là trái mãng cầu “sút cùi” rơi xuống đất chứ không phải là “rụng”, như là cái “lá mẹ” dùng thay chữ lá “tía tô”… Cách dùng từ ấy gợi đúng văn cảnh và tạo cảm xúc hơn. Cái hay nữa của Bùi Diệp là chữ viết ra từ tâm cảm nên duyên dáng, mềm mại, rất cuốn hút. Cái hay nữa cũa Bùi Diệp là anh viết ra không phải để dạy dỗ ai, không nâng câu chuyện thành bài học, mà đọc vẫn thấy bao điều đáng ngẫm. Cái hay nữa của Bùi Diệp là anh cặm cụi viết, nhưng không có tham vọng thành cái gì cả, chỉ là không muốn biến đời mình thành những “quán không” mà thôi.

“Những lúc hoang mang, cháng chường nhất tôi lại gặp mình ở con phố Trịnh Công Sơn, một xứ sở âm nhạc với những thông điệp ngụ ngôn gởi đến đồng loại rằng mọi người ơi đừng bao giờ biến đời mình thành những quán không. Quán không là quán ế, là chợ chiều, là thiếu vắng bóng người. Quán cuộc đời mà chỉ có  “bàn im hơi bên ghế ngồi/ ngày đi đêm tới đã vắng bóng người” thì buồn và hờ hững biết bao nhiêu!”

Và, có lẽ không thể không nói tới âm nhạc của Trịnh Công Sơn trong đời sống cũng như trong văn chương của Bùi Diệp. Nói một cách nào đó âm nhạc Trịnh Công Sơn phổ vào đời sống, dẫn vào hơi thở và dắt đường ý thức đối với Bùi Diệp. Nhiều khi chỉ là một câu hát vu vơ, như “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ” cũng khiến cho Bùi Diệp thổn thức và luôn tâm niệm hành động.

Nhưng, đâu chỉ Bùi Diệp, mỗi chúng ta trong cõi đời này, ai cũng đều muốn sống một cuộc đời không vô ích, một cuộc đời dù lặng lẽ cách mấy, nhưng tuyệt đối không hững hờ, tẻ nhạt.

Đọc Về ngang quán không là dịp để ta dừng lại thật lâu ở những nẻo quê và nẻo tâm hồn trong trẻo, vốn từng có nơi mỗi con người.

Sài Gòn- Làng Mai

VIII/ 2016

Trần Nhã Thụy

(Trích lời bạt cuốn sách, đã xin phép tác giả đăng lại)

 

 

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Hai 4, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Năm 16, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button