Writer

ROISE NGUYỄN – TUỔI TRẺ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?

         

Có lần tôi đọc được bài viết về lịch trình một ngày bình thường của nhà văn Nhật Bản nổi tiếng Haruki Murakami, cũng được đăng tải trên Vnwriter này, tôi muốn nói là tác giả bài viết ấy là: “Bạn viết hay lắm”. Lịch trình hay kế hoạch một ngày của Haruki được lên, được thực hiện, tuân thủ đều đặn ngày này qua ngày khác như một thói quen khiến tôi vô cùng tò mò, công việc của ông là viết văn, tôi tự hỏi làm sao ông có thể duy trì được cảm hứng viết như vậy, tôi thiết nghĩ công việc viết văn là một công việc đòi hỏi nguồn mạch cảm hứng cũng như cảm xúc rất cao, việc ngày nào cũng có thể duy trì mạch của bài viết thật đáng khâm phục. Thực ra thì chính vì thế nên người ta mới không ngỡ ngàng khi tự hỏi tại sao tên tuổi của Haruki Murakami được công nhận như vậy.

          Lúc này đang là buổi trưa, cảm hứng muốn viết nổi lên trong tôi nên tôi cần nắm bắt để viết được một bài cho ra hồn, tức là đoạn văn thứ nhất chỉ là làm nền cho cái chính tôi sắp viết thôi, cảm hứng là một thứ gì đó rất nhất thời, không hề ổn định, nó tự dưng xuất hiện trong một khoảnh khắc, một lúc, hay lâu hơn là một khoảng thời gian. Rồi sẽ ra sao? Bao giờ mới biến được cái cảm hứng thành một thứ thường nhật như một nguồn sống giống Haruki Murakami ?

          Tôi đọc chưa nhiều, mà cũng chẳng có nhiều mà đọc. Bài viết này là bài viết thứ hai và là bài viết đầu tiên tôi viết về sách. Nên mọi cảm xúc về cuốn sách chỉ là thứ rất cá nhân, rất chủ quan của riêng tôi, và cuốn sách tôi sẽ gửi đến hôm nay là “ Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu?” của tác giả Roise Nguyễn.

          Nếu là người quan tâm đến sách và thuộc thể loại này nữa thì sẽ ít nhiều đến cuốn sách này. Nói chung là mọi ý kiến dành cho cuốn này đều phần lớn là rất tích cực. Nói thật là tôi mới đọc lướt được nửa cuốn ngay hôm mua nó về từ hội sách, tóm lại là rất rất đáng để đọc, nhất là những người trẻ. Tôi chẳng muốn khen gì thêm vì mọi lời lẽ tốt đẹp cho cuốn sách bạn có thể tìm thấy ở đâu đó trên các trang mạng rồi. Chỉ có điều muốn nói: “ Là ra ngay nhà sách mà rước nó về. Lười thì lên Tiki mà mua online, người ta mang đến tận cửa. Lúc nào cũng được giảm giá từ vài đến vài chục phần trăm. Có thể bỏ tiền ra mua bao nhiêu thứ đôi khi còn không dùng đến thì cũng đừng ngại mà mua một cuốn sách đáng giá theo đúng cả nghĩa đen, nghĩa bóng”.

          Có lẽ là tôi hơi chọn sai thời điểm khi đưa bài viết này lên nhưng cũng không sao, nó cần được xuất hiện vào lúc này. Tôi sẽ trích một đoạn không quá dài trong cuốn sách, tôi nghĩ là nhiều người trẻ sẽ thấy có ích vào lúc này, đặc biệt là các em 99 vừa kết thúc kì thi quan trọng nhất đời học sinh, và giờ các em đã bước vào những ngày tháng sinh viên đầu tiên rồi. Xin lỗi tác giả và nhà xuất bản, không biết như thế này có phạm pháp gì không nữa nhưng mà tôi nghĩ là mình vẫn sẽ làm thế và tôi sẽ làm thế.

          Trích đoạn mang tên: “Tự sự của một người học Ngoại thương”, tác giả trước đây là sinh viên trường này.

“Một cô bé sinh viên từng kể với tôi về câu chuyện thi đại học của mình.

Em bảo những năm phổ thông em học rất giỏi, lúc nào cũng đứng đầu khối lớp. Cả thời cấp ba, em luôn mơ ước sau này được vào đại học Ngoại thương. Em cũng tự tin vào học lực của mình, nên đã nộp đơn thi vào trường này. Năm em thi, Ngoại thương đột ngột nâng điểm sàn. Em chỉ thiếu nửa điểm để vào ngành mình thích. Vì đã dồn hết tâm sức vào Ngoại thương và không hề chuẩn bị phương án dự phòng nên em bị sốc rất nặng. Em miễn cưỡng nộp đơn nguyện vọng hai vào một trường đại học khác. Nhưng khi vào học em cũng không thể hòa nhập được với bạn bè. Trong lòng vẫn mơ tưởng tới Ngoại thương, em không thấy hứng thú gì với chương trình học hiện tại. Em nghĩ nếu mình học đúng trường, đúng ngành mình thích thì chắc mọi sự đã khác.

Danh tiếng của Ngoại thương quả là không thể chối cãi. Trường đại học hàng đầu trong khối các trường về kinh tế, được mệnh danh là Harvard của Việt Nam, là đích đến của bao nhiêu sĩ tử trước mỗi kì thi đại học.

Cuộc trò chuyện với cô bé sinh viên làm tôi nhớ lại ngày xưa của mình. Lúc nộp đơn thi đại học, chẳng biết hướng nghiệp là gì, cũng chẳng được ai tư vấn cho. Chọn thi Ngoại thương vì một lí do rất chi là… “dốt”: Vì một người chị tôi ngưỡng mộ cũng đang học trường đó.

Hồi đó cứ nghĩ Ngoại thương là một cái gì đó cao xa sang chảnh và tuyệt vời ông mặt trời lắm. Nhưng thực sự không hề biết chính xác trường đào tạo những gì và học xong rồi sẽ làm nghề gì.

Đến khi vào trường rồi mới biết, rằng học Ngoại thương là:

Là hai năm đầu ở trường, sĩ số lớp vắng gần phân nửa so với ngày đầu nhập học do bọn bạn cùng lớp đua nhau bỏ đi du học.

Là nếu học ở Ngoại thương cơ sở II tại Sài Gòn, thì có khả năng thất vọng cao với cơ sở vật chất. Diện tích trường bé xíu. Năm đầu đại học của tôi trường còn không có cả cơ sở riêng, phải học ké với Cao đẳng kinh tế Đối ngoại.

Là cảm giác xa vời lạ lẫm khi học cùng trường với toàn người nổi tiếng. Nhỏ đó mới đăng quang hoa hậu. Đứa kia thì người mẫu. Đứa nọ là diễn viên. Đứa khác MC dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng. Đứa nữa thì ca sĩ, mỗi lần nó thử giọng là tiếng của nó vang lên khắp cả trường, đứng ở tầng năm nghe rõ giọng nó từ tầng một.

Những đứa khác không trong giới showbiz thì bỏ học đi làm, kinh doanh thành công, doanh nhân các kiểu. Rồi nhiều đứa khác đạt giải hết cuộc thi này tới cuộc thi nọ nào ý tưởng sáng tạo nào đại sứ quán môi trường nào nhà thiết kế nào nhà quảng cáo trẻ.

Còn vô số sinh viên khác nữa trong lớp thì lúc nào cũng nhanh nhẹn hoạt bát dư thừa năng lượng. Mỗi lần vào lớp thuyết trình chúng nó đứng nói suốt buổi, tranh luận tới cùng, tự tin thể hiện chính mình, không ngại làm trò điên rồ. Nghe mà chóng hết cả mặt.

Ngó lại bản thân mình, sáng cắm đầu lên lớp, chiều quay mặt về nhà. Nằm trong thành phần thường dân của Ngoại thương. Đôi khi tôi tự hỏi không biết mình có vào nhầm trường không.

Học Ngoại thương đôi khi cũng hơi áp lực. Áp lực ở chỗ mỗi lần được hỏi học trường gì mà nói ra tên đó là người đối diện trầm trồ khen ngợi, ồ dân trường đó năng động lắm nha, giỏi giang lắm nha. Chỉ biết cười trừ không biết nói gì. Vì thời đó tôi thấy mình chả có tí gì giống vậy. Vì biết nhiều đứa bạn của tôi cũng trầm hiền im im. Toàn bọn không biết cách thể hiện bản thân, cũng chưa biết vì sao mình rơi xuống trái đất. Vẫn sáng đạp xe lên giảng đường, ăn mì gói, bánh mì, cơm bụi. Phát tờ rơi, phụ bàn, dạy thêm, mưu sinh lăn lộn với cuộc sống.

Học Ngoại thương là ngỡ ngàng nhận ra một sự thật phũ phàng rằng mình chả học được gì nhiều. Cả thời sinh viên, tôi thấy mình nếu có tiến bộ chút nào thì phần lớn là do chơi chung với bọn bạn giỏi giang cần cù. Ai đã học Ngoại thương rồi đều biết rằng danh tiếng trường có được không phải là nhờ vào chất lượng đào tạo, mà chủ yếu là từ sinh viên. Điểm đầu vào cao, thì bản thân sinh viên đã giỏi sẵn, chẳng đào tạo nhiều thì chúng vẫn cứ tự vươn lên thành công trong cuộc sống.

Học Ngoại thương là mỗi khi ai đó nói sinh viên Ngoại thương chảnh hay tự tin quá mức thì muốn gân cổ lên cãi. Muốn nói rằng mình đây cũng Ngoại thương, có dám chảnh, có tự tin đâu. Vẫn sống bình lặng làm việc bình thường, nói năng lựa trước lựa sau sợ đụng chạm mất lòng. Vẫn nhiều lo sợ, vẫn mặc cảm tự tin, vẫn run khi đứng trước nhà tuyển dụng, vẫn đầy hoang mang lo lắng trên đường đời. Làm gì có vụ đóng cốp cái mác Ngoại thương lên người mà được quyền chảnh, được quyền ỷ lại.

Học Ngoại thương cũng là khi nghe tin sinh viên Ngoại thương đòi lương tháng nghìn đô mới chịu đi làm thì tự hỏi liệu trường mình có đứa điên khùng dữ vậy sao ta. Thấy mấy đứa bạn khác toàn đứa có đầu óc biết suy nghĩ thực tế mà. Tự hỏi xong rồi tiếp tục cắm mặt vào bàn giấy với mức lương vài triệu đồng một tháng.

Lớp đại học của tôi mỗi lần họp mặt vẫn cứ bảo nhau: “Thua thật với mày bốn năm ở trường mình tao thấy chẳng được cái gì. Chỉ được cái có chúng mày làm bạn.” Thực ra đó không phải là lỗi của các thầy cô hay của ban giám hiệu, tôi biết các thầy cô cũng đã cố gắng hết sức trong khả năng của mình. Họ cũng mệt mỏi không kém vì những hạn chế trong hệ thống đào tạo.

Nhưng nếu em nào mười tám tuổi đến hỏi tôi có nên thi vào Ngoại thương không thì câu trả lời vẫn là có. Vì không vào Ngoại thương thì làm gì biết trường nào khác,so đi tính lại thì Ngoại thương là tốt nhất trong khối kinh tế rồi. Vì vào trường mà có bọn bạn giỏi thì mình cũng được học hỏi theo.

Vì dân Ngoại thương, mỗi đứa mỗi màu nhưng mà lại có một điểm chung. Đó là giờ bắt gặp ai cựu Ngoại thương ở ngoài đời, tôi vẫn biết chắc rằng dù mình có thể thích, không thích người đó, chơi được với họ hoặc không, nhưng sẽ luôn công nhận rằng học sâu sắc, rằng họ có khả năng nhìn nhận vấn đề, họ làm được việc, và không “thiếu muối” vớ va vớ vẩn.

Có học Ngoại thương mới biết dù có tốt nghiệp trường gì đi chăng nữa, thì có rất nhiều người sau khi ra trường vẫn lạc lối chả biết đời mình sẽ đi đâu về đâu, và nhiều người khác không thể nào gọi được là thành công theo chuẩn mực thông thường.

Tôi kể cho cô bé đang mơ vào Ngoại thương nghe câu chuyện của mình, nói rằng ngay cả Harvard của Việt Nam còn thế, thì đừng trông chờ gì vào sự học ở các đại học khác. Tôi nói, học trường gì không hề quyết định sự thành bại của em. Điều quyết định thành công khi ra đời hay không, đó là khả năng tự học.

Bốn năm đại học, điều hối tiếc lớn nhất của tôi là không chủ động tiếp thu kiến thức. Chỉ biết học theo chương trình của trường, học giỏi các môn ở trường là đủ. Mà quên đọc sách, quên tự học, quên đào sâu nghiên cứu những gì mình quan tâm. Ra trường ngơ ngác bấn loạn. Kiến thức ở trường hầu như bỏ xó, phải học việc lại từ đầu, mà cái cần phải học nhiều nhất là kỹ năng xã hội.

Bốn năm đại học, điều hối tiếc thứ nhì là không làm nhiều. Không tham gia các câu lạc bộ sinh viên, không tổ chức chương trình, không biết chỗ nào để hoạt động tình nguyện. Giờ ra trường rồi mới thấy vô số điều có thể làm lúc mình là sinh viên. Sau ra trường ngây ngây thơ thơ, phải vác mặt đi học lại những thứ ở trường không dạy.

Cho nên em mười tám tuổi ơi, kỳ thi tuyển sinh lần này, nếu em đậu Ngoại thương, hay đậu đúng trường mình muốn, thì đừng vội cho đó là thành công. Nếu rớt đại học cũng đừng thất vọng. Không quan trọng là mình học trường gì, quan trọng là mình tự học như thế nào. Thành công không hề ưu tiên những người dán mác Bách khoa, Kinh tế, Ngoại thương hay du học.

Người thầy trong quyển sách Điều nhỏ nhặt tạo nên số phận (tác giả Andy Andrews) nêu ra câu hoỉ: “Hình thức thuần túy nhất là gì? Rồi ông tự trả lời: “Hình thức thuần túy nhất của việc học tập là từng cá nhân tự nhận ra ai là người tiếp tục hành trình tìm kiếm tri thức bên ngoài lớp học, với niềm đam mê ngập tràn để có sự hiểu biết.”

Than ôi, khi nhận ra chân lý đó, thì tôi đã hết thời sinh viên của mình, đã rất nhiều thời gian lãng phí trôi qua.”

Sau cùng, tôi muốn viết thêm, nói thêm điều gì đó nhưng mà còn gì để mà viết, mà nói? Roise Nguyễn nói hộ tôi rồi, hôm trước có kết bạn với chị nhưng chị chặn kết bạn rồi, nếu có cơ may được chị đọc được bài này thì chị ơi, mở facebook một chút cho em về đội của chị, chấm hết. Bây giờ là 13h 23 phút, tôi đã thức trắng trưa nay.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Tám 28, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button