Sách mới

Hẹn Gặp Lại Trên Kia

sach-hen-gap-lai-tren-kiaHẹn Gặp Lại Trên Kia

Tác giả: Pierre Lemaitre
Phát hành: 08-2016
Thể loại: Sách Văn Học – Tiểu Thuyết
Nhà xuất bản: NXB Hội Nhà Văn
Nhà phát hành: Nhã Nam
Số trang: Đang cập nhật
Phiên bản : Tiếng Việt

“Hòa bình vô ích sừng sững như tượng đài”

Tôi tin rằng, bất kỳ đất nước nào đi qua một cuộc chiến đều có những hình ảnh như tiểu thuyết Hẹn gặp lại trên kia của Pierre Lemaitre, những thanh niên bắn thủng bụng nhau vô danh, những con người hiểu và biết rằng họ là những người sẽ chết, có thể chết và nếu không, chiến thắng trở về thì chiến thắng luôn là cái gì đó xấu xa, hòa bình gần như vô ích. Đất nước của tôi cũng vậy. Đọc nó, tôi mỉm cười chua xót, vòng xoắn ốc đó rồi sẽ dừng lại như thế nào. Và nếu tôi sinh ra ở mảnh đất khác thì có lẽ tôi cũng thấy hình bóng đất nước mình. Có quốc gia nào trên hành tinh này không từng trải qua chiến tranh không, tôi không thực sự biết nữa. Hòa bình là vô ích vì vòng xoắn ốc có dừng lại đâu.

Câu chuyện này tác giả tưởng nhớ tất cả những người thuộc mọi quốc tịch khác nhau đã nằm xuống trong cuộc chiến 1914-1918. Câu chuyện về ba tay lính sống sót sau cuộc Đại chiến 1914-1918, trở về từ chiến tranh: một, kẻ có cái nhân bất lương thì vẫn bất lương để tiến thân; hai anh lính: một, lành lặn với sự hồn nhiên tưởng như không đáy và một, chân tập tễnh, mặt chỉ còn đôi mắt, một hố lõm sâu là nơi cái mũi từng ngự trị, một hàm răng trên chìa ra, các chỗ còn lại trên mặt và cổ là một đống hỗn độn lầy nhầy. Họ, để tồn tại, để tiến thân… cùng đối mặt với xã hội khóc cải lương cho những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc bằng những nghĩa trang, tượng đài “kí ức Tổ quốc” và thờ ơ với những người đang còn sống, những anh lính cùng đường. Nỗi buồn ở đây là nơi gặp gỡ của toàn bộ kết cục cuộc chiến và tất cả sức nặng của nỗi cô đơn trong người lính. Mâu thuẫn về mặt đạo đức, lối sống, quan niệm, mỗi người đều trở thành những kẻ sống bằng đồng tiền lừa đảo, làm sao mà có thể sống trong xã hội bầy nhầy như thế mà không dùng chút mưu hèn kế bẩn, thế là cả ba tay lính cùng nhau thành những kẻ bần cùng bất lương, cạn kiệt nhân phẩm, du đãng lừa phỉnh chính mình và xã hội theo các cách khác nhau nhưng đều đến nơi nghĩa trang kí ức Tổ quốc

Sẽ chỉ còn Pierre Lemaitre ở tiểu thuyết trinh thám Alex nhờ giọng văn hài hước đen đúa, Hẹn gặp lại trên kia là một tiểu thuyết khác hẳn. Ông tự nhận cuối sách rằng đã vay mượn một số tác giả ở điều này hay điều khác, tôi đọc không đủ nhiều để biết cụ thể là vay mượn tình tiết, nhân vật hay cái gì. Chỉ biết rằng, tôi nhận ra chất của Romain Gary ở giọng văn hài hước chao chát, ở không khí những đoạn viết về chiến tranh, tự nhiên tôi nhớ rất nhiều đến hoàn cảnh Romain Gary nằm thập tử nhất sinh trên giường bệnh trong thời kỳ đi lính của ông được miêu tả ở Lời hứa lúc bình minh với 1/3 đầu Hẹn gặp lại trên kia và, điều này mới đặc biệt, một người mẹ không hiện diện trực tiếp, người mẹ luôn đi kèm với Romain Gary và người mẹ của Albert trong Hẹn gặp lại trên kia, một người mẹ màu mè rất oách và bà ấy trở thành một người mẹ rất oách bởi bà ấy được đứa con bé bỏng cuồng viết Romain Gary đưa vào không chỉ một quyển sách :p. Tiếp nữa là Marcel Proust ở những câu văn dài nao nao buồn mà đọc hết câu hết đoạn vẫn lâng lâng hạnh phúc vì mình được hạnh phúc ngay ở trong những bất hạnh. Chất trào phúng cổ điển như kịch tấn trò đời làm người ta nghĩ đến Balzac, Hugo… mà như chính lời cảm ơn của Pierre Lemaitre với các tác giả ông vay mượn thì đây là một cách bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính với văn học cũng như với các tác giả ông yêu mến.

Tôi rất thích giọng văn dịch ở tiểu thuyết này, dù ban đầu hơi bất ngờ khi nhìn thấy dòng Nguyễn Duy Bình dịch ở bìa sách nhưng khi đọc hết trang đầu tiên, tôi nghĩ tôi nhận ra một cái gì đấy hài hước chao chát như đã từng đọc ở Lời hứa lúc bình minh và thấy, nó không trật đường ray chút nào, không một chút nào.

Có một vài dòng ngắn tạo ra khung cảnh trong tiểu thuyết này khiến tôi vừa huhu khóc vừa không sao quặn người khùng khục cười (thật đau đớn làm sao), trang 245 khi Albert anh lính lành lặn và Édouard anh lính bị nát mặt cãi nhau, lao vào oánh đấm nhau mấy quả dù đang vẫn rất yêu thương nhau (mà vì yêu nhao nên mí oánh nhau), tất cả như dừng lại khi Albert đấm vào giữa mặt Édouard, là vào cái chỗ hõm nơi từng có cái mũi í “Albert hoảng quá, nhìn nắm đấm của mình lọt thỏm trong mặt bạn. Như thể anh đã đấm xuyên qua đầu vậy. Và phía trên cổ tay anh là ánh mắt kinh ngạc của Édouard”. Tôi không biết mình thích nhân vật anh lính bị nát bấy khuôn mặt chỉ còn đôi mắt Édouard với tài năng ngông cuồng rồ dại hài hước ngẫu hứng phản kháng trộn lẫn vào nhau hay anh lính Albert bởi sự ngây thơ gần như là không đáy và sự thủy chung trong cách làm người của anh ta, tôi không biết mình thích nhân vật nào hơn, có lẽ Édouard nhỉnh hơn đấy. Và cả cái tay thanh tra nghĩa trang Merlin nữa, một nhân vật phụ rất điên rồ, phải điên rồ cỡ như thế thì mới áp chế được thế lực vừa ngu vừa bất lương, một kiểu cục súc húc đầu vào tường liều chết rất dễ thương :p

Tóm lại, tôi rất nhớ Romain Gary của tôi!

EMi Delicate

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 17, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button