Cảm nhận sách

Sách ‘1987’ vẽ chân dung một thế hệ

Ngô Phương Lan, Lê Cát Trọng Lý, nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng, nhà báo Đức Hoàng… cùng kỷ niệm tuổi 30 của mình bằng một cuốn sách mang tên “1987”.

Chiều 11/11, Hội sách Mùa thu đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ Nữ (Lý Thường Kiệt, Hà Nội) trở nên sôi động bởi đông đảo tác giả, bạn đọc và khách mời tới tham dự lễ ra mắt cuốn sách 1987.

Cuốn sách 1987 của các tác giả tròn 30 tuổi vào năm 2017.

Họ đã lớn lên như thế nào?

Mở đầu chương trình, ca sĩ Vũ Đinh Trọng Thắng (ban nhạc Ngọt) cùng anh trai Hùng Mox (đồng tác giả cuốn 1987) cùng biểu diễn hai ca khúc If Life is so short và Kiss Me gợi nhớ tới hình ảnh ban nhạc gia đình The Moffatts đình đám mà thế hệ những người sinh năm 1987 yêu thích.

Ngoài The Moffatts như đại diện cho âm nhạc yêu thích của những người sinh năm 1987, hình ảnh con lật đật – món đồ chơi trong mơ của những đứa trẻ sinh năm 1987, hay hình test card (vòng tròn nhiều màu trên tivi)… xuất hiện tại không gian ra mắt sách đều gợi nhớ những kỷ niệm gắn bó với thế hệ 1987.

Trang trọng mà vẫn thân tình, đầy ắp hoài niệm mà vẫn vui vẻ, các tác giả của cuốn sách 1987, khách mời lần lượt kể lại câu chuyện của mình và kể lại việc họ xuất hiện trong cuốn sách.

NSƯT Chiều Xuân – một bà mẹ sinh con năm 1987 – nhớ lại, những năm ấy sinh con trong điều kiện cực kỳ khó khăn, không chỉ mình cô mà phần lớn mọi người đều như vậy. Bỉm, sữa – những món đồ được dùng để chỉ giai đoạn nuôi sơ sinh hiện nay – thì thời ấy đều không có. Các bà mẹ thậm chí phải lấy quần áo cũ của anh chị cắt ra làm tã cho con. Vậy nhưng những em bé 1987 vẫn lớn lên, trưởng thành, trở thành.

Tuổi thơ của những người sinh năm 1987 được Vương Ngô Hương Giang (đồng tác giả sách) đúc kết bằng một từ “xanh”. Theo cô tuổi thơ của những đứa trẻ sinh năm 1987 có gam màu chủ đạo là màu xanh, bởi họ sống trong không gian tràn ngập cây xanh, họ nói chuyện và chơi trực tiếp với nhau rất nhiều.

Không khí gia đình thời đó dường như cũng có sự gắn kết nhiều hơn, được mô tả qua hình ảnh bàn tay thô ráp của người cha tết tóc cho con gái hàng ngày, qua hình ảnh cả gia đình cùng tăng gia sản xuất, nhận việc về làm thêm vào buổi tối…

Rồi những đứa trẻ 1987 ấy lớn lên, bước vào tuổi hoa niên, họ biết làm dáng, biết theo đuổi một cô gái lớp bên… Đồng tác giả Lâm Vova (bình luận viên thể thao) kể về những câu chuyện tiếu lâm với nhân vật Vova mà thời trung học những người sinh năm 1987 yêu thích.

Thư Đỗ (đồng tác giả sách 1987) nhắc về những câu chuyện tình cảm thuở mới lớn. Thời đó, nếu họ “thích” nhau thì sẽ rụt rè, e sợ trước các bậc phụ huynh, sẽ thường rủ nhau đi chơi, làm một cuốc xe đạp quanh hồ Tây chẳng hạn… “Đó đúng là kiểu tình đầu đẹp đẽ, trong sáng” – Thư Đỗ nhớ lại.

Hoa hậu Ngô Phương Lan (đồng tác giả sách) như một đại diện cho sự đi ra thế giới rồi trở về. Nhạc sĩ, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý hay nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng… là những người đã đạt được những thành công, có những điểm nhấn nhất định trong cuộc đời.

Họ cho thấy những người sinh năm 1987 nay đã ở tuổi trưởng thành, đang thực hiện những giấc mơ của mình, ở vào tuổi lập nghiệp như người xưa vẫn nói là tuổi “tam thập nhi lập”.

Xem giá bán

Chân dung một thế hệ

Năm 2017, những người sinh năm Đinh Mão (1987) tròn 30 tuổi. Vậy cuốn sách 1987 còn có ý nghĩa gì khác ngoài “sứ mệnh” để kỷ niệm tuổi 30 của các tác giả trong sách? Một tập hợp các câu chuyện với văn phong nhẹ nhàng pha chút hài hước kể lại những kỷ niệm ấy mang tới cho độc giả những gì?

Bằng ý tưởng đầy sáng tạo của chủ biên Minh Ngọc (Nhà báo Ngọc Nick M), và biên tập viên Trương Quý, một tập hợp những bài viết của các cá nhân tưởng như rời rạc ấy được sắp xếp lại để cùng kể một câu chuyện chung: câu chuyện của một thế hệ.

Cuốn sách 1987 có hơn 30 câu chuyện của gần 30 tác giả (đều ẩn danh trong các bài viết). Sách được chia làm bốn phần chính: ở phần đầu từ năm 1987, là giai đoạn chuyển giao từ thời bao cấp sang thời kỳ đổi mới, những người sinh năm 1987 ra đời, tuổi thơ của họ.

Phần hai bắt đầu vào những năm 2000 khi internet công cộng đã du nhập và trở nên tràn ngập ở Việt Nam. Phần ba, lấy mốc năm 2005 khi những người sinh năm 1987 thi đại học, và họ đã có chiếc điện thoại di động đầu tiên của riêng mình.

Phần cuối kéo dài từ năm 2010 tới hiện tại, khi Facebook xuất hiện và trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày.

Không chỉ hiểu thêm những hoài niệm, sự kiện, vấn đề chung của các tác giả, ở 1987, người đọc sẽ tìm thấy những trăn trở của thế hệ những người sinh năm 1987. Đó là những day dứt khôn nguôi về một tuổi thơ không hoàn toàn màu hồng của nhà báo Đinh Đức Hoàng (Hoàng Hối Hận). Là một hoa hậu Ngô Phương Lan ở tuổi 30 mới biết làm bạn thân với chính mình. Là ca sĩ – nhạc sĩ Lê Cát Trọng Lý tư duy về hành trình trưởng thành của mình như một sự chiến đấu với chính mình bên trong và môi trường bên ngoài…

Các tác giả sách 1987.

Câu chuyện của những người sinh năm 1987 sống động, chân thực đã vẽ lại chân dung một thế hệ như vậy. Đó là một thế hệ sinh ra trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn mở cửa, có những đổi thay chưa từng có.

Thế hệ này được tiếp nhận nhiều điều mới mẻ mà thế hệ trước chưa từng có. Họ có âm nhạc, phương tiện nghe nhìn mới, thế giới rộng mở trước mắt họ…

Nói như MC Anh Tuấn, những người sinh năm 1987 “trải qua những gian khó của đất nước thời kỳ đổi mới, tiếp cận những chuyển biến của xã hội hiện đại, để từ đó hiểu được giá trị thực của cuộc sống”.

Nếu như thế hệ này được hưởng thành quả của mở cửa, họ có thần tượng là những ngôi sao quốc tế như người đồng hành, ảnh hưởng lên cuộc đời họ; thì tới nay, chính những người sinh năm 1987 đang viết nên cuộc sống văn hóa đương đại.

Nhà báo Ngọc Nick M – chủ biên cuốn sách: Ý tưởng thực hiện cuốn sách 1987 được tôi bắt đầu từ dịp Tết nguyên đán 2017, trong lần đầu đón Tết xa nhà. Khi đó, tôi đang ở Hà Lan để tham dự Liên hoan phim Quốc tế Rotterdam với vai trò là nhà phê bình phim trẻ. Chiều 30 Tết (giờ châu Âu), tôi lang thang ở bến cảng và lướt mạng xã hội để theo dõi không khí đón năm mới ở nhà.

Những câu chuyện về sự khó xử của các thanh niên dịp Tết mỗi khi gặp họ hàng bị hỏi là “Bao giờ lấy vợ?”, “Bao giờ lấy chồng?”, “Bao giờ đẻ con?” hay những bối rối, lo lắng của các ông bố, bà mẹ bỉm sữa có con nhỏ đã truyền cảm hứng cho tôi phát triển dự án sách này, đặc biệt là khi thế hệ mình – những người sinh năm 1987 – bước sang tuổi 30 trong năm 2017.

Trở về Việt Nam vào tháng 2, tôi bắt đầu phát triển dự án này với ý tưởng ban đầu là 30 câu chuyện, tượng trưng cho 30 năm. Tuy nhiên, có những năm tháng ký ức khá mờ nhạt, có những thời kỳ như 2005 (năm thi đại học) lại có khá nhiều câu chuyện để kể… Sau khi thử nghiệm bằng một số bài viết đầu tiên, tôi quyết định chia cuốn sách làm bốn giai đoạn, tượng trưng cho sự phát triển của công nghệ tác động ra sao đến đời sống của thế hệ 1987.

Không phải ai cũng có hứng thú với dự án sách này của tôi. Có nhiều người ban đầu nhận lời tham gia nhưng sau đó rút khỏi dự án vì lý do cá nhân, vì câu chuyện quá nhạy cảm. Cũng có những người đồng ý chia sẻ câu chuyện nhưng không muốn lộ diện trong danh sách “kỷ yếu”. Tôi coi những ai góp mặt được trong dự án sách này là một cái duyên.

Thu Hiền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button