Sách mới

Nhật ký 300 ngày ở Harvard – Học để thay đổi thế giới

sach-nhat-ky-300-ngay-o-harvardNhật ký 300 ngày ở Harvard – Học để thay đổi thế giới

Tác giả: Trương Phạm Hoài Chung
Phát hành: 10-2016
Thể loại: Sách Kỹ Năng
Nhà xuất bản: NXB Lao động
Nhà phát hành: Thái Hà
Số trang: 312

Trước khi tham gia chương trình Thạc sĩ Giáo dục của Đại Học Harvard, tác giả Trương Phạm Hoài Chung có thời gian 5 năm làm việc trực tiếp với phụ huynh và học sinh cấp 3 ở thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả giúp họ vạch ra kế hoạch để xây dựng bộ hồ sơ du học Mỹ thành công, bên cạnh đào tạo các bài thi chuẩn hóa. Tuy nhiên, anh tự thấy mình chưa trả lời thỏa đáng các câu hỏi: Một học sinh điển hình của Mỹ được trang bị những gì trước khi bước vào đại học? Môi trường giáo dục Mỹ hiện đang theo những xu hướng gì? Bài học gì Việt Nam có thể áp dụng ngay để tạo niềm tin cho phụ huynh? Vì thế trong thời gian du học ở Harvard, anh luôn bị thôi thúc viết ra những suy nghĩ và quan sát của mình khi theo học ở ngôi trường này. Và đó là lý do Nhật ký 300 ngày ở Harvard: Học để thay đổi thế giới ra đời.

Quyển sách là tập hợp những câu chuyện nhỏ sau 300 ngày học hỏi và lang thang đến mọi ngóc ngách của Harvard (và MIT, một trường đại học hàng đầu khác của vùng Boston mở rộng). Đây là chia sẻ hằng ngày trên Facebook vì thế nó chỉ là những ý tưởng lóe lên trong đầu của tác giả. Ý tưởng đó có thể là những công cụ mới giúp cho học sinh, sinh viên Việt Nam tự học kiến thức và kỹ năng mà một bạn người Mỹ đồng trang lứa đang được trang bị. Ý tưởng đó có thể là những mẹo vặt để phụ huynh định hướng tốt hơn cho con mình để theo kịp xu hướng tuyển sinh đại học Mỹ. Ý tưởng đó có thể là những triết lý hay đột phá trong giáo dục dẫn đến một nền giáo dục chất lượng cao cho mọi trẻ em ở một khu vực nào đó. Quyển sách được thiết kế như một trang Facebook của một người bạn mình hay theo dõi: giải trí mà vẫn có những bài học mình cần suy ngẫm thông qua những câu chuyện ngắn từ một trải nghiệm thật 100% ở Harvard. Hy vọng là độc giả sẽ tự trang bị cho mình những công cụ học hỏi mới và có định hướng đúng đắn hội nhập toàn cầu trong thế kỷ 21.

Bên cạnh những bài học trong lớp từ giáo sư và đồng môn Harvard, anh còn tường thuật lại những câu chuyện về cuộc sống sinh viên xa nhà và cách chống trầm cảm, về ước mơ hoài bão của cộng đồng du học sinh Việt, về những thử thách và cơ hội đối với giới trẻ trong thế kỷ 21, và thật tình cờ về một ngày dẫn ca sỹ Mỹ Tâm dạo chơi quanh khuôn viên trường.

Quyển sách không đưa ra câu trả lời cụ thể mà gợi mở những ý tưởng đang thịnh hành ở Mỹ để người đọc tò mò và tìm hiểu thêm bằng cách Google nhiều nguồn khác nhau. Tựa đề quyển sách là khẩu hiệu của trường Giáo Dục Harvard, với ý nghĩa đơn giản là không có điểm dừng cho quá trình cải thiện thế giới mình đang sống và việc tự học hỏi chính là chìa khóa mở ra cánh cửa đổi mới: “HỌC ĐỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI”.

Trích dẫn :

Ngày 142: NORMS
Hôm nay học khóa ngắn hạn mang tên Data Wise, đi học liên tục năm ngày là xong. Mở đầu khóa, giáo sư dành 20 phút để đưa ra norms. Mình không biết nên dịch norms là gì? Luật? Nguyên tắc? Nội quy? Quy định? Dịch là gì cũng thấy không giống với mục đích của họ lắm.
Norms giống như là một thỏa thuận giao kèo giữa những người trong nhóm để họ làm việc hiệu quả cùng nhau. Khi còn nhỏ, nhà mình có một cái norm là đến giờ ăn cơm là phải tắt ti vi, chỉ làm đúng một việc là ăn thôi. Cái norm đó theo mình đến tận bây giờ. Mình nghĩ để hình thành tính tự giác cho trẻ em thì khi còn nhỏ cả nhà phải cùng thảo luận norms.
Mình thấy những cái norms giáo sư đưa ra hôm nay cũng hay:
1. Đề cao tinh thần học hỏi
2. Nói có sách, mách có chứng
3. Nghĩ tốt về người khác
4. Làm theo chỉ định và TẤT CẢ thành viên đều đóng góp
5. Đúng giờ
6. Không làm việc riêng

Ngày 152: SẴN SÀNG CHO VIỆC HỌC ĐẠI HỌC
Sau một học kỳ tìm hiểu thì mình nhận ra có một việc các trường phổ thông ở Mĩ rất nhấn mạnh khi đào tạo học sinh: College Readiness.
College Readiness không phải là bạn thi SAT được bao nhiêu điểm, bạn xây được bao nhiêu ngôi trường cho trẻ em nghèo, mà là bạn có những kỹ năng để sẵn sàng đi học đại học chưa. Vì không chú trọng vào College Readiness, mà chỉ chú trọng vào College App (nộp đơn đại học) nên có bạn vào trường top vừa học không nổi vừa không hòa nhập được nên đâm ra trầm cảm.
College Readiness cụ thể phải làm gì? Bài báo này có những lời khuyên thú vị dành cho phụ huynh. Thú vị nhất có lẽ là: Phải cho con làm việc nhà và đóng góp đáng kể cho việc gia đình! Làm việc nhà cũng đóng góp một phần rất lớn cho College Readiness.
LÀM VIỆC NHÀ, LÀM VIỆC NHÀ, LÀM VIỆC NHÀ!!!
https://www.washingtonpost.com/…/to-get-intocollege-harv…/…

Ngày 157: NƯỚC NÀO CŨNG CÓ CÁI HAY ĐỂ HỌC TẬP
Hôm nay học bữa đầu với thầy Felipe Barrera-Osorio thật là hứng thú. Thầy người Colombia, nói tiếng Anh hơi khó nghe nhưng chuẩn bị bài siêu kỹ, dạy chậm dễ hiểu, hay đùa giỡn.
Đây là giáo sư đầu tiên mình học ở đây nói rằng: “Có vấn đề gì cứ trao đổi với tôi nhé! Tôi thích nói chuyện với mọi người lắm”. Những giáo sư không nói gì thì ngầm hiểu là tôi bận nghiên cứu lắm, có gì cứ đến gặp trợ giảng.
Thầy đã nghiên cứu các chương trình giáo dục ở các nước đang phát triển. Học kỳ vừa rồi học toàn về Mĩ, học kỳ này dành chút thời gian tìm hiểu từ Brazil đến Pakistan đến Kenya.
Nước nào cũng có cái hay để học tập.

Ngày 181: CÁC CON TỰ HỌC VỚI NHAU BẰNG IPAD
Sáng mình chia sẻ về việc máy móc có thể thay thế giáo viên thì có một phụ huynh comment là: “Ồ, chuyện này ở Việt Nam nhiều rồi. Phụ huynh quẳng cho con cái iPad, con tự học tự dạy nhau được khối thứ.”
Vậy phụ huynh thử làm một thí nghiệm với con mình nhé. 1. Phát cho các con một cái iPad (hoặc một công cụ máy tính tương tự) 2. Vào http://www.ck12.org/ hoặc download app của trang này về iPad.
Đây là một trang chứa tài liệu sách giáo khoa và bài kiểm tra hoàn toàn miễn phí cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 theo chuẩn của Mĩ. Muốn học môn gì cũng có, kể cả SAT (cũ). Hiện đã có gần 40.000 trường học ở Mĩ sử dụng trang này. 3. Mỗi tuần cho các con ngồi tự học với nhau và quan sát sự tiến bộ. Phụ huynh cho biết ý kiến về phương pháp học này nhé.

Ngày 186: TPP ẢNH HƯỞNG GIÁO DỤC?
Hôm nay có người hỏi anh luật sư trẻ là TPP ảnh hưởng đến giáo dục như thế nào thì anh không có rành rọt nên không trả lời nhiều, chỉ nói là đây là hiệp định “thương mại”, nên cái gì có thể làm ra tiền là nước ngoài nhảy vào.
Về nhà google thì thấy báo chí nhắc đến Mĩ thành lập Đại học Fulbright Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh và “ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam…”
Đọc trang của Bộ Ngoại Giao Úc thì có lẽ là Úc sẽ mở trường và dịch vụ giáo dục ở Việt Nam một cách dễ dàng hơn: https://dfat.gov.au/…/Docum…/outcomes-education-services.pdf
* * * Cảm nhận của riêng mình: Khi các chương trình đào tạo bài bản của nước ngoài vào Việt Nam với tiềm lực tài chính mạnh thì họ sẽ marketing cực mạnh để thu hút phụ huynh từ tầng lớp trung lưu trở lên. Họ cũng sẽ thu hút giáo viên giỏi nhất ở thành phố, bên cạnh đó là giáo viên đưa từ nước ngoài vào.
Mình không kiếm được giáo viên dạy cùng, nên sẽ dạy một mình… haha.

Ngày 189: CÙNG
CON Facebook của mình có nhiều phụ huynh nên mình học được nhiều mẹo vặt nuôi con mỗi ngày. Người ta nói con sinh ra trước rồi mới sinh ra cha mẹ quả là không có sai.
Đâu có trường lớp nào dạy làm cha mẹ nên phải học hỏi khám phá từ con số 0. Thực ra cũng không hẳn là từ con số 0 vì ngày xưa mình cũng đã chiêm nghiệm cách cha mẹ nuôi dạy chính mình.
Có 3 xu hướng:
– Ngưỡng mộ cách của cha mẹ mình và sẽ làm theo tương tự hoặc tốt hơn.
– Ghét cay đắng cách của cha mẹ mình và làm khác đi 180 độ.
– Không thích cách của cha mẹ, nhưng trân trọng và học hỏi một phần.
Trong giáo dục, luôn tồn tại những trạng thái căng thẳng. Hai cái trạng thái căng thẳng nổi bật nhất là:
– Phải đạt một tiêu chuẩn nhất định HOẶC tự do khám phá theo đam mê. Like Comment Share 178
– Đi học ở trường như đi làm ở nhà máy đúng theo quy trình HOẶC học bằng cách quan sát và tham gia cộng đồng một cách tự nhiên.
Ở Phần Lan có một luật là trẻ em cứ học một giờ thì sẽ được chơi 15 phút. Giờ chơi là các bé phải ra ngoài chạy nhảy thoải mái. Mình thấy luật này tạo sự cân bằng cho các trạng thái căng thẳng.
Trẻ em là giai đoạn bộ não cần được kích thích nhiều nhất. Games là thứ có thể kích thích dễ và nhanh nhất, nhưng lại không có bóng dáng của người lớn. Cha mẹ phải trang bị những phương pháp kích thích khác mà mình cùng tham gia với con.
Những phương pháp kích thích đó là gì?
– Đọc sách, nghe nhạc cùng con
– Làm việc nhà cùng con
– Đi tham quan du lịch cùng con
Từ khóa là “cùng con”, chứ không phải “vì con”, “cho con” hay “bắt buộc con”.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười 15, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button