Sách mới

Những khúc hát thương nhau

sach-nhung-khuc-hat-thuong-nhauNhững khúc hát thương nhau

Tác giả: Đỗ Xuân Thảo & Phan Thị Hồ Điệp
Phát hành: 10-2016
Thể loại: Sách Văn Học – Tiểu Thuyết
Nhà xuất bản: NXB Lao động
Nhà phát hành: Thái Hà
Số trang: 224

Cuốn sách bắt đầu bằng một bài thơ của Đỗ Nhật Nam, một lời giới thiệu không thể dễ thương và đáng yêu hơn được. Chỉ Nam mới có thể hiểu về bố mẹ và viết nên những lời giới thiệu giản dị, ấm áp nhưng sâu sắc đến như vậy.

Những khúc hát thương nhau là tập hợp những bài viết chia sẻ về cách nuôi dạy Nam của anh Đỗ Xuân Thảo và chị Phan Thị Hồ Điệp. Bao trùm cuốn sách là tình cảm bố con, mẹ con ấm áp và những chia sẻ chân thật nhưng không kém phần hữu ích về cách nuôi dạy con.

Qua từng bài viết, bạn có thể dễ dàng nhận ra cách anh chị Thảo Điệp khéo léo phân công nhiệm vụ nuôi dạy Nam. Mẹ quan tâm đến ăn uống, học hành, bố quan tâm đến bản lĩnh, tính cách… Bố Thảo có kể lại: “Từ lúc Đầu đinh còn nhỏ xíu, Áo vàng đã “huấn thị”: Các khoản dạy con thế nào cho ra dáng đàn ông, dạy quản lý tiền nong, dạy bản lĩnh và lòng dũng cảm… là thuộc về anh đấy nhé.”

Với chị Điệp, có thể nói, chị Điệp coi làm mẹ như một nghề của mình và dành hết tâm huyết cho nó. Chị đã nuôi dạy Nam bằng bản lĩnh, ý chí sự thông minh cùng với rất nhiều kiên nhẫn và yêu thương. Khi nói về phương pháp mình lựa chọn để nuôi dạy con giữa muôn vàn phương pháp đang phổ biến hiện nay, chị Điệp cũng thật thà chia sẻ là chị cảm thấy hoang mang. Sau cùng chị quyết định tự dọn dẹp lại chính bản thân mình. “Dọn dẹp” theo mẹ Điệp nghĩa là, để bản thân là tự tĩnh tâm, tự vui với những gì hai mẹ con làm được, dù chỉ là một xíu xiu .“Dọn dẹp” bản thân nghĩa là học phương pháp nào đó chỉ theo TINH THẦN của phương pháp ấy. Không nhất thiết phải máy móc làm theo những điều mà bản thân còn thấy lơ mơ. Cứ thế, “buông bỏ” bớt những điều lo lắng, băn khoăn và làm những gì mình thấy thoải mái, tự nhiên. Ngòai ra thông điệp chị Điệp muốn truyền tải khi nuôi dạy con là luôn kiên nhẫn “từng bước nhỏ một”, thực hiện theo đúng thời gian biểu, giúp con tìm thấy sự hứng thú trong mọi công việc “có chủ đích”. Thông qua những bài viết ngắn gọn nhưng thiết thực, bạn sẽ học được rất nhiều kinh nghiệm làm mẹ để áp dụng cho đứa con bé bỏng của mình.

Với anh Thảo, bạn sẽ thấy những câu chuyện ấy đầy ấm áp và nhưng không kém phần triết lý của người bố trong gia đình, “Trong nhà mình, mình thích hai thứ “cùng nhau”. Ấy là “lớn lên cùng nhau” với con và “già đi cùng nhau” với vợ. Mình tin rằng, chỉ khi “cùng nhau” như thế người ta mới giác ngộ về những gì cần buông bỏ để thực sự “vì nhau”, thực sự “thương nhau”. Thương cao và sâu hơn yêu. Thương là lắng nghe, là chia sẻ, là chịu đựng, là đồng hành. Và mình muốn làm điều đó với con. – Khoa học cũng kết luận rằng, đứa bé thường cảm nhận âm thanh của cha tốt hơn âm thanh mẹ. Vậy thì hà cớ gì người cha không tận dụng ưu thế đó. Không ru được thì hát, thì ngâm thơ, thì kể chuyện… có sao đâu.”

Đối với bố Thảo “học” không chỉ là ngồi vào bàn, “học” là sự dịch chuyển, trải nghiệm. Trải nghiệm để biết cuộc đời nhiều mưa nắng, lắm tai ương, đầy thử thách nhưng cũng không kém phần thi vị. Trải nghiệm để biết cảm thông sẻ chia, biết thấm thía vẻ đẹp trong những điều tưởng như rất đỗi bình dị. Và khi ấy, con được lớn lên, ít nhất là trong tâm hồn.

Khi có con, anh Thảo cũng chia sẻ cách để được nghe con nói, được nghe con kể, được nghe con giãi bày về những tưởng tượng, những ước mơ của nó, mình như được sống lại chính mình của mấy chục năm về trước. Và từ đó những câu chuyện tâm sự của hai người đàn ông được bắt đầu. Những câu chuyện ấy, mang những bài học mà nó đi theo Nam suốt cả cuộc đời.

Vẻn vẹn trong hơn 200 trang sách từng mẩu chuyện nhỏ cứ thế vụt qua, từ quá khứ đến hiện tại, từ những câu chuyện khi Nam còn bé tí đến những chia sẻ khi cu cậu đã lớn và bước chân sang Mĩ du học. Trong cuốn sách dòng cảm xúc cứ thay đổi liên tục từ yêu thương đến giận hờn, từ nhung nhớ đến đau đáu hy vọng… Nhưng có một thứ luôn xuyên suốt không vắng mặt đó là tình yêu, tình cảm vợ chồng, cha con, mẹ con gắn bó máu thịt. Chị Điệp cũng chia sẻ, cuốn sách là xen kẽ giữa kiểu viết văn tùy hứng của bản thân và kiểu viết cặm cụi, vắt từng con chữ của anh Thảo. Nhưng với người đọc, nếu bạn đọc xong hơn 200 trang sách nhỏ nhắn, in màu sống động bạn sẽ cảm nhận được một chỉnh thể hòa quyện, yêu thương, một gia đình vẹn tròn êm ấm mà hiếm ai có được trong đời.

Trích dẫn :

Đoạn trích 1: Lời… mẹ phê

Hôm rồi một em học sinh cũ nhắn tin cho mình hỏi, cô ơi, em Nam học bang nào? Em cũng đang học ở Mỹ, khi nào có dịp em sẽ ghé qua thăm Nam.

Mình nói, vậy thì quý quá em à. Ờ mà em học cô khóa nào, lâu chưa vậy? Em trả lời: Cô ơi, em học cô gần hai mươi năm rồi. Điều em nhớ nhất ở cô là gì cô biết không. Là học bạ cô viết cho em. Cô nhận xét tỉ mỉ về việc học, trong đó có câu: Cô tin chắc em có khả năng tiến xa trên con đường học vấn… Cô ơi, mẹ em đã photo lời phê đó và giữ lại trang học bạ. Mẹ làm vậy như một sự khích lệ em cô à. Nên em rất nhớ cô…

Rồi mình ngồi bần thần…

Hồi đó, mình còn trẻ lắm, cũng chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm dạy học. Thực ra mình làm những điều đó bằng cảm tính. Nhưng mình luôn tin, những “lời phê” của giáo viên có tác động rất nhiều đến học sinh.

Mình hay nghĩ ngợi trước những bài cô giáo phê “Tạm được”. Thế nào là “Tạm được”? Đọc xong mình cảm thấy, nếu ít có chí tiến thủ đứa trẻ sẽ tặc lưỡi cho bài kiểm tra vào ngăn bàn và quên ngay, khỏi cần phải nghĩ ngợi.

Mình hay buồn trước những lời phê chỉ vẻn vẹn một từ: “Ẩu”, “Kém” hoặc “Lạc đề”.

Nhưng mình rất vui trước những lời phê như: Con có ý tưởng sáng tạo; Cô tìm được sự đồng cảm trong bài làm của con; Bài viết của con khiến cô có thêm niềm vui cho nghề dạy học…

Mình cũng rất biết ơn nếu là những lời phê tuy chê nhưng vẫn “mở đường”: Con nên suy nghĩ kĩ hơn nữa… Con cần thận trọng hơn… Cô nghĩ là con sẽ cố gắng hơn ở những lần sau…

Tuy nhiên, mình cũng rất thông cảm với công việc của các thầy cô giáo. Lớp học đông, quá nhiều áp lực, quá nhiều gánh nặng, thầy cô xoay như chong chóng…

Vậy nên, lúc ở nhà, mình hay “chơi trò”: Mẹ nhận xét những bài Nam tự làm. “Công thức” cho những lời nhận xét của mình là:
Nhận xét về quá trình làm bài của con + Nhận xét về cách trình bày + Nhận xét về nội dung + Những điểm tiến bộ của con so với bài trước + Cảm nghĩ của mẹ.

“Gia vị” cho những lời nhận xét có thể là: Một chút bông đùa + một chút cằn nhằn + một chút có vẻ “ghen tị” vì con làm được mà mẹ thì không + rất nhiều tin tưởng, hy vọng.

Và thế là sẽ có được những “Lời nhận xét” kiểu như:

“Hôm nay em làm bài tập trung hơn, ngay cả khi bị muỗi đốt. Em trình bày bài khiến mẹ tưởng như loài người có thêm một hệ chữ khác mới ra đời vì khó đọc quá. Tuy vậy, đọc xong mẹ vẫn thấy được những điều mới mẻ, thú vị ở các chi tiết sau… Nên mẹ rất cảm ơn em. Thực ra, hồi bằng tuổi em, mẹ chưa có được sự sâu sắc như vậy. Mẹ tin nếu lần sau em trình bày đẹp hơn thì đó sẽ là những bài làm rất đáng tự hào của cả em và mẹ”.

Hoặc chê mà vẫn vui, ví như: “Mẹ nghe nói, khi đứng trước tình yêu, thường trí thông minh bị giảm sút. Nên mẹ đoán là em đã rất “yêu” bài tập này đúng không?”.

Có những khi khích lệ: “Mẹ rất dở tiếng Anh. Mỗi lần thi trắc nghiệm tiếng Anh, mẹ toàn làm xong trước cả khi… phát đề vì mẹ đoán mò. Trong khi bài khó mà em vẫn làm được đúng tới hơn 90 câu thế này là mẹ rất “gato” với em đó. Hãy tiếp tục làm cho mẹ trở thành một bà mẹ xấu tính nhé”.

Kiểu như thế, toàn những “lời phê” khiến con bật cười và thường lưu lại rất lâu để… ngắm nghía. Vì ngoài lời phê mình còn dán thêm rất nhiều hình sticker nữa.

Và mình cũng khuyến khích Nam “tự phê” nữa. Cứ khoảng hai tháng một lần, Nam sẽ đem những bài mình đã từng làm thêm ra và chấm lại, sau đó “bút phê”. Nam thường rất ngạc nhiên vì không hiểu sao có lúc mình lại có thể làm bài “í ẹ” đến thế. Nhìn lại để đi tiếp trong niềm vui. Mình nghĩ đó là việc nên làm.

Thực sự những điều đó không mất nhiều thời gian. Vì đánh giá bằng “lời phê” nên cả quá trình Nam học, mình chỉ lặng lẽ quan sát chứ không bảo bài, không giải đáp. Nam phải thực sự nỗ lực để tự làm và chờ đợi mẹ “phê”.

Mình tin những việc nho nhỏ đó sẽ làm cho con yêu thích việc học. Nhờ thế con sẽ cảm thấy ấm áp biết bao vì có mẹ đồng hành.
Viết đến đây mình bỗng nhớ một buổi sáng mùa đông hồi Nam học lớp 5. Hôm đó mình đưa con ra chờ xe để đến trường.

Gió lạnh, mình ôm con vào lòng và lẩm nhẩm ca khúc Lời mẹ ru của Trịnh Công Sơn: Thuở mẹ ru/ Mẹ ru con ngủ/ Con ngủ trên mây…/ Rồi một mai con đã lớn khôn rồi/ Con thôi thơ ấu í i à/ Mẹ rời thật mau/ Mẹ rời chiêm bao… Bỗng nhiên thấy Nam dụi đầu vào áo mẹ, mắt đỏ hoe. Em bảo, mẹ ơi bài hát nói những đứa con đừng quên lời ru của mẹ, nhưng với em, em sẽ không bao giờ quên cả những “lời phê” của mẹ nữa. Sau này đi xa, em rất nhớ…

Mình không biết, khoảng thời gian đó, con đang âm thầm chuẩn bị cho việc sẽ du học xa nhà…

Khi ấy, chỉ thấy lòng trào lên niềm thương yêu…

Và thấy, hóa ra việc trao niềm tin, tình yêu đâu có khó lắm đâu. Nam à!
Đoạn trích 2: Để con biết nghiêng mình

1. Từ lúc Đầu đinh còn nhỏ xíu, Áo vàng đã “huấn thị”: Các khoản dạy con thế nào cho ra dáng đàn ông, dạy quản lý tiền nong, dạy bản lĩnh và lòng dũng cảm… là thuộc về anh đấy nhé.

Rồi Áo vàng “kẻ cả”:

– Anh biết rồi đấy, em không có kĩ năng quản lý tiền nong. Nhà mình nghèo chứ nếu có nhiều tiền em cũng chẳng biết tiêu gì. Mà ai không biết cách tiêu tiền thì lẽ dĩ tất ngẫu là cũng không biết cách kiếm tiền.

Nói thế là một mũi tên trúng hai đích: Vừa ý tứ giao cái việc khó nhằn nhất cho mình, vừa nhắc khéo: Việc chi tiêu, kiếm tiền và quản lí tiền nong, anh phải đảm đương cả đấy.

– Lại nữa, em vốn nhút nhát, con gì cũng sợ, cái gì cũng hãi. Trong tình hình đó, anh dạy con về lòng dũng cảm là chuẩn nhất rồi.
Ờ! Câu này thì được, mỗ đây từ nhỏ đã lăn lộn kiếm sống, hổ báo, thằn lằn, rắn ráo chả sợ con gì sất.

– Và cuối cùng, anh thì yêu đương nhiều, anh dạy con cách kết bạn, nhất là với bạn gái, nói chuyện với nó khi nó “lỡ” thích một ai đó. Lúc ấy có lẽ anh chẳng cần đọc sách gì, cứ kinh nghiệm lấy ra mà dùng.

Những câu nói kiểu này quả là có tính “sát thương” cao.

Thế là hết màn giao nhiệm vụ.Mình nghe cũng có chút ấm ức.

Tuy nhiên, mình không bao giờ đôi co với Áo vàng. Dại gì! “Phụ nữ sinh ra vốn là để được chiều”, mình loáng thoáng đọc câu này ở đâu đó. Dù câu ấy nghe đầy màu sắc “tâm lí chiến” nhưng vẫn cứ phải áp dụng trong mọi hoàn cảnh. Chứ biết sao!
Nên mình rất chuyên tâm vào những vấn đề mà vợ nhắc nhở.

Đặc biệt chú trọng đến việc dạy con kĩ năng quản lý tiền nong.
…………………….

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười 11, 2016 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button