Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ

(4 đánh giá của khách hàng)

Nếu bạn đang trong độ tuổi đôi mươi, hãy đọc cuốn sách này dù chỉ 1 lần. Bởi lẽ những trải nghiệm thực tế nơi xứ người chính là màu sắc làm nổi bật cuộc sống của bạn. Không cần biết bạn xuất thân từ hoàn cảnh gia đình như thế nào, nhưng bạn hoàn toàn có thể lựa chọn cuộc sống của mình. Vậy nên hãy làm những gì mình thích, đặt chân đến những vùng đất mình muốn. Bởi lẽ hoàn cảnh chưa bao giờ là vấn đề cả. Hãy chiêm nghiệm từng cảm xúc của tác giả và rồi sẽ có cho mình cảm giác của sự tự do đó.

Danh mục:

Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ là hành trình đơn độc của tác giả – một cô gái Việt trẻ đi xuyên nước Mỹ từ Bờ Đông sang bờ Tây. Hành trình du lịch bụi của cô trải dài trên 20 bang, kéo dài suốt sáu tháng liên tiếp.

Đó là chuyến đi để khám phá thế giới bên trong của những người Mỹ bình thường, dù có thể chỉ là một phần của thế giới ấy. Đó cũng là hành trình khám phá những vẻ đẹp muôn màu muôn vẻ của thế giới – của thiên nhiên nước Mỹ, và của tâm hồn con người trong những hình thức thăng hoa khác nhau của nó.

Nhưng hành trình xuyên qua nước Mỹ này không chỉ là để khám phá một phần thế giới bên ngoài mà còn là để tìm trở lại một phần trọng yếu của bản thân cô gái: tình yêu đối với chính mình và cuộc đời mình, cái tình yêu mà cô đã có lúc đánh mất. Xuất phát điểm của “Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ” là một tình yêu tan vỡ, một nỗi đau đớn vì tình, lớn đến độ khiến tác giả có lúc đã gần kề cái chỗ đâm đầu vào tàu điện ngầm tự sát, một kết cục khiến ta không khỏi nghĩ tới Anna Karenina.

Đinh Hằng, tác giả, xuất hiện trong cuốn sách như một phụ nữ mạnh mẽ, đầy cá tính và sức mạnh bên trong, tự tin ngẩng cao đầu bước giữa thế giới, hoàn toàn không có một mặc cảm nào bất kể căn nguyên của nó là gì.

Chuyến đi của Đinh Hằng, rốt cuộc, là một cuộc hành trình đi tìm lại và nhìn nhận lại giá trị của bản thân mình, của sự sống. Nước Mỹ, với tất cả những vẻ đẹp cùng sự đa dạng và phức tạp của nó, ở đây đóng vai trò như một chốn “luyện ngục” để cô vượt qua chính mình và trở nên một người khác. Một cuộc đi lớn chỉ dành cho những người thực sự muốn lớn hơn bản thân mình ngày hôm qua.

Cách Đinh Hằng đi và hòa mình vào văn hóa Mỹ không phải là cái nhìn của công dân một nước đang phát triển lần đầu đến với xứ cờ hoa, choáng ngợp với nước Mỹ to lớn hiện đại và thấy mình sao mà nhỏ bé đơn độc. Ngược lại, đó là cái nhìn của một người lữ hành đã dày dạn kinh nghiệm, nhìn một xứ sở mới, những con người mới với cái nhìn bình đẳng, điềm nhiên và không định kiến. Đinh Hằng xem nước Mỹ và người Mỹ với tâm thế tôn trọng và bình đẳng, như một kẻ biết người rất giỏi nhưng cũng hiểu rõ những giá trị của bản thân.

Cũng chính vì vậy mà nước Mỹ và người Mỹ hiện ra trong sách rất thực và rất đời, không tô hồng, không phóng đại. Một nước Mỹ không chỉ với các tòa nhà chọc trời, với sự phát triển vượt bậc và các công nghệ hiện đại. Mà là một nước Mỹ chân thực và trần trụi với những vấn đề của nó, nền văn hóa Mỹ, cách sống của người Mỹ, quan niệm của họ về bản thân, về tình yêu, và kể cả những vấn đề khá nhạy cảm với người Việt như tình một đêm, đồng tính, cỏ và ma túy…

Quá trẻ để chết: Hành trình nước Mỹ không đơn thuần là một cuốn sách du ký. Bởi trên hành trình đơn độc xuyên qua nước Mỹ, những xung đột tâm lý của cô gái bị bỏ lại trước ngưỡng cửa hôn nhân cũng hiện lên sâu sắc. Đó là câu chuyện của sự đan xen mãnh liệt những cô đơn, đau đớn, niềm tin, khát vọng, đam mê, tuổi trẻ. Cô gái nhân vật chính dám nghỉ việc, trả nhà, bay nửa vòng Trái Đất và quăng mình vào một hành trình không đích đến để đối mặt với người mình đã từng yêu một lần nữa. Hành trình địa lý cũng chính là hành trình tâm lý ấy đánh thức trong mỗi người trẻ tuổi bản năng yêu, đi và sống hết mình.

4 đánh giá cho Quá Trẻ Để Chết: Hành Trình Nước Mỹ

  1. Hà Thanh Huyền

    Chưa bao giờ tôi nghĩ đọc một cuốn sách về du ký mà tôi lại khóc, lại cảm thấy có nhiều cung đau đớn, dày vò, lo lắng, hạnh phúc, mong đợi nhiều đến thế.
    Tôi cứ nghĩ rằng bản thân mình đã học được từ chị nhiều hơn là thẩm thấu hết những cảm xúc ấy. Có những hố sâu cuộc đời tưởng chừng chẳng thể nào vượt qua đối với một cô gái chịu phần thiệt khi là người yêu nhiều hơn trong tình yêu; cũng có những dũng cảm đón nhận và mở lòng với thế giới mới; đã có khi chị lựa chọn cách sống mà người ta có thể gọi là buông thả nhưng thật sự chị ấy là một cô gái mạnh mẽ, dám làm, và sau đó tuyêt vời hơn ai hết vì đã tự cứu mình một cách dịu dàng.
    Chị Đinh Hằng tự nhận: “Tôi không phải là kiểu phụ nữ Việt Nam điển hình”, có thế chăng nên chị đã có một chuyến đi khác biệt ghi lại được những dòng chữ khác biệt về hành trình nước Mỹ này. Lối văn giàu cảm xúc, hình ảnh, mang cái đặc biệt của sự từng trải thấm đượm trong từng câu chữ chính là điều mà tôi vô cùng say đắm.

  2. Nhã Nhã

    “Ngay cả những cánh bồ công anh đang nương theo cơn gió của mình cũng có hành trình riêng của chúng. Tớ hay đằng ấy, mỗi người trong chúng ta đều có một con đường” Thật vậy! Tất cả chúng ta đều quá trẻ để chết. Dại gì lại phí hoài tuổi thanh xuân của mình để mặc nó chìm đắm trong bao đau khổ tột cùng của “hậu chia tay”? Đọc hết tác phẩm mới thấy thật cảm phục bản năng sinh tồn và tâm hồn của chị. Đây quả là một tác phẩm những bạn đam mê du lịch bụi và nước Mỹ không nên bỏ qua.

  3. Loan Nguyen

    Cuốn sách thuộc thể loại tự truyện – du ký với nội dung là kể về cuộc hành trình khám phá 20 bang nước Mỹ của một cô gái Việt Nam. Càng đọc càng cảm thấy khâm phục cô gái này, có những đoạn cảm giác cô đang cảm thấy cô đơn nhưng chưa lần nào cô từ bỏ chuyến hành trình một mình này. Cuốn sách phù hợp với những ai muốn đi nhưng còn sợ quá nhiều thứ. Nó tạo cảm hứng mong muốn được di chuyển, mong muốn được khám phá cho những ai đọc nó.
    Mình thích nhất đoạn này trong sách: “Vì cuộc đời là những chuyến đi. Vì tuổi trẻ đâu có bao nhiêu, nên phải đi, và sống, sống cho hết những tháng năm tuổi trẻ rồi sẽ không bao giờ trở lại nữa”.

  4. Bảo Minh

    Theo mình thì vì quyển này chị Đinh Hằng viết có cả về chuyện tình cảm của chị ý nên yếu tố du ký của sách hơi nhạt đi. Mở đầu cuốn sách vì bắt đầu từ việc tình cảm bị đổ vỡ nên khá ảm đạm, thường thì sách thể loại này hay mang hơi hướng tươi vui hơn. Mình đọc xong bị tụt mood =)). Chi tiết khi chị đi vòng quanh nước Mỹ trong sách cũng có khá nhiều cái hay để rút lõi kinh nghiệm và cũng như tích góp được kiến thức thực tế ở xã hội Mỹ (dù còn hơi ít). Thường những người đọc sách dạng này (theo mình) họ luôn có cảm giác lạc quan yêu đời nhiều lắm =)) nên chị Hằng lồng ghép việc tình cảm sẽ làm sách nhạt đi rất nhiều và kém thu hút. Gần cuối sách là những dòng chị viết về người con gái đã vượt qua khó khăn và tìm được tình yêu mới động lực mới cũng là cách truyền cảm hứng khá hay. Nhưng đối với những ai chỉ muốn tìm đọc để được biết thêm về trải nghiệm đi du lịch vòng quanh Trái Đất thì sách này không phải ưu tiên số 1. Quyển này theo mình là tạm ổn, nhưng chưa thật sự đủ lôi cuốn đâu ạ.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button