Lâu Đài

(5 đánh giá của khách hàng)

Nhân thân của K cũng mù mờ. Lâu đài không ra tiếp nhận cũng không ra chối từ, và tình trạng mông lung của K trên con đường tiếp cận lâu đài càng lúc càng tăng. Qua sáu ngày lạc lõng giữa mùa đông giá lạnh ở ngôi làng vô định dưới chân tòa lâu đài bí ẩn, K vẫn vô vọng chưa đến được nơi muốn đến. Và tiểu thuyết bị bỏ dở dang ở ngày hôm đó.

Danh mục:

Một tối mùa đông, một người đàn ông, một người lạ tên K, tới ngôi làng nằm dưới chân một lâu đài thuộc lãnh địa của Bá tước Westwest. Khi bị hỏi giấy phép, K bảo rằng được Lâu đài vời tới làm người đạc điền. Nhưng K có phải người đạc điền thật sự không hay chỉ tự xưng, K được triệu đến thật không, K chỉ tình cờ đến làng hay đến có chủ đích và chủ đích gì – tất cả những điều này hoàn toàn không rõ ràng. Nhân thân của K cũng mù mờ. Lâu đài không ra tiếp nhận cũng không ra chối từ, và tình trạng mông lung của K trên con đường tiếp cận lâu đài càng lúc càng tăng. Qua sáu ngày lạc lõng giữa mùa đông giá lạnh ở ngôi làng vô định dưới chân tòa lâu đài bí ẩn, K vẫn vô vọng chưa đến được nơi muốn đến. Và tiểu thuyết bị bỏ dở dang ở ngày hôm đó.

5 đánh giá cho Lâu Đài

  1. Lương Khả Tú

    Mình mê Kafka và sẽ luôn nhìn nhận những tác phẩm của ông theo cách cảm tính nhất. Mặc dù vậy, mình tin những lời khen hay kể cả những câu tâng bốc đi nữa vẫn sẽ không sai hay quá lố khi nói về Kafka. Bởi ông là tác giả đặc biệt và lạ lùng nhất mà văn đàn thế giới có được. Những tác phẩm trước của ông mê hoặc mình ra sao thì Lâu Đài cũng lôi cuốn mình vào một thế giới riêng tư bí ẩn của Kafka y hệt như vậy. Văn phong chỗ khúc chiết chỗ tỉ mỉ, câu chuyện tưởng chậm mà lại nhanh, 6 ngày kết thúc lúc nào không hay và nhân vật K. vẫn lạc lối như kẻ đuổi theo ảo ảnh. Tuy không có hồi kết cụ thể nhưng người đọc hẳn ai cũng hiểu rằng chúng ta sẽ chẳng bao giờ đến được Lâu đài, giống như người đời mãi mãi không phân tích được hết những ẩn ý lạ lùng trong văn chương của Kafka, để chúng luôn là những kiệt tác sống mãi trong lòng độc giả. Mình cũng muốn cảm ơn Nhã Nam đã xuất bản kiệt tác này hết sức chỉn chu, từ hình thức đẹp đẽ đến nội dung được dịch thuật cẩn thận,.

  2. Lê Mỹ

    Cái thiết chế quyền lực bí ẩn của Lâu đài, với những hình ảnh quái dị, tầm thường đó đã chế ngự đời sống của từng con người, quy định trạng thái sống, hành vi ứng xử và cách nghĩ của họ, biến họ thành những kẻ làm theo, nói theo, vừa hài hước vừa tội nghiệp!

    Đọc đến hết cuốn tiểu thuyết ta vẫn không rõ lời K. nói rằng mình là người đạc điền có đúng không vì cả hai khả năng đều có thể xảy ra. Ngay từ đầu, K. đã muốn vào Lâu đài, nhưng con đường chàng xuất phát rất dài và nó không dễ dàng đến ngọn đồi nơi có Lâu đài, cứ đến gần đó là như cô ý, nó lại vòng sang lối khác.

  3. Sun Lucky

    Đây là lần đầu tiên tôi đọc truyện của một tác giả mà lạ đến thế . Lạ ở đây không phải theo ý xấu mà là mặc dù kì quặc nhưng nó lại thu hút tôi ngay từ những trang đầu tiên . Truyện kể về cuộc hành trình của nhân vật K khám phá những bí ẩn trong lâu đài . Những âm mưu chính trị những quyền lực to lớn ẩn sâu trong bóng tối của lâu đài ấy mấy ai đủ can đảm để khám phá . Truyện rất hay có nhiều chỗ đánh đố người đọc khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều vô tình càng tăng thêm hứng thú của tôi với truyện

  4. Bùi Thị Thu Hà

    Đây là lần thứ hai tôi cầm trên tay cuốn sách thực mang đậm chất kafkaesque thế này sau cuốn Hóa thân. Tác phẩm này quả thật rất xứng với tên tuổi của Franz Kafka, một trong những người đã mở đầu cho nền văn học hiện đại Đức, cũng chính là một tác giả tiêu biểu tiên phong cho phong trào tiểu thuyết theo chủ nghĩa phi lý.
    Cốt truyện kể về một người đạc điền tên K., một người xa lạ được lâu đài của bá tước Westwest thuê đến làm việc. Thế nhưng khi đến nơi đây, chẳng những K. không được đến Lâu Đài, mà một chuỗi các chi tiết khó hiểu lại lần lượt xuất hiện, nhất là việc người dân ở ngôi làng dưới chân Lâu Đài đều cố gắng ngăn cản K. tiếp cận với nơi đó. Dù vậy K. vẫn cố gắng để tìm hiều nguyên nhân và mọi thứ đang diễn ra ở nơi này. Có lẽ chính sự cố chấp của K. khi anh muốn đến với Lâu Đài đã khiến trật tự xã hội của nơi này dường như bị đảo lộn. Xuyên suốt mạch truyện là một quang cảnh ảm đạm với những con người với cuộc sống khác nhau nhưng chung một cái nhìn đề phòng, lo sợ về những yếu tố bên ngoài, như một K. xa lạ chẳng hạn. Càng tiến sâu vào hành trình 6 ngày đi tìm lời giải đáp của K., ta lại càng phải đặt ra nhiều câu hỏi hơn về thế giới trong này: Lâu Đài là nơi như thế nào? Tại sao người dân trong làng lại cố giữ khoảng cách của K. với nơi đó? Tại sao Lâu Đài lại muốn xua đuổi K. khi đã mời anh ta đến làm việc? Sự xuất hiện của hai người được Lâu Đài cử xuống để tự xưng là phụ tá của anh ta có ý nghĩa gì? Ngài thư kí Klamn có thật hay không hay chỉ là một ảo ảnh theo đúng nghĩa cái tên của hắn? Tại sao người trong làng lại sợ hãi quá mức khi nhắc tới hắn? vân vân…
    Thế giới của Lâu Đài là một thế giới phi lý, nơi nhân vật chính được đặt trong một hoàn cảnh khó hiểu và cách suy nghĩ của anh ta cũng khó hiểu không kém. Dầu vậy đó vẫn là đặc trưng phong cách kafkaesque mà tôi luôn ngưỡng mộ. Lâu Đài giống như một bức tranh lập thể hay trừu tượng, với một lượng vừa phải chi tiết nhưng lại được vẽ nên từ vô vàn cách pha màu sắc. Đó chính là “một biển cả” các phép ẩn dụ chồng chất mà chưa chắc người đọc có thể đã tìm đến những tầng sâu nhất của nó. Ý nghĩa của Lâu Đài, như lời tựa, không phải là để phê phán chính phủ hay những thế giới có những nhà cầm quyền muốn gây dựng trật tự. Nó là hình tượng tiêu biểu để diễn giải sự phi lý của thế giới này, hay hiểu sâu xa là sự tồn tại của xã hội hiện tại như nó vốn có. Thực chất, chưa ai có thể hiểu đúng ý nghĩa thực sự của “mê cung” Lâu Đài, không phải vì nó chưa có kết thúc, mà bởi vì cái nó đặt ra là những câu hỏi lớn về sự phi lý, những câu hỏi mang đậm tính chất triết học sao siêu mà ta chưa thể lý giải nổi.
    Nếu là một fan của Murakami, có lẽ bạn cũng sẽ thích văn phong Franz Kafka và Lâu Đài. Đây là một cuốn sách thực sự có giá trị lấn lớn, rất đáng để được tìm đọc.

  5. Lê Thanh Đồng

    Phải công nhận rằng, đây là tác phẩm rất khó đọc đối với nhiều người. Văn phong của kalfa thực sự rất khác biệt, với rất nhiều những hình ảnh, chi tiết mang tính ẩn dụ, có những câu hội thoại dài đến bốn, năm trang, đây là tác phẩm không dễ để người đọc bình thường có thể đọc, hiểu một cách dễ dàng, nhanh chóng. Tác phẩm dành cho nhau những ai đọc mộ cách chậm rãi, suy ngẫm về những dụng ý sâu xa của tác tác giả.
    Tác phẩm đột ngột bị dừng, không biết là do dụng ý của tác giả hay do bản thân tác giả cũng cảm thấy mệt mỏi vì những nỗ lực, cố gắng của K. nhưng lại chẳng hề đem lại kết quả gì. Có lẽ, chính điều này làm nên suy ngẫm cho độc giả.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button