Kira Kira

(5 đánh giá của khách hàng)

Bất kì chi tiết, suy nghĩ hay tình huống nào trong câu chuyện cũng có thể làm tâm hồn bạn lay động – bởi toàn bộ cuốn sách là một chuỗi những gì cụ thể như thế. Tình yêu con người, ý thích khám phá, những mơ mộng và khát khao về một thế giới rực rỡ tươi đẹp, hay nỗi nhói đau trong cảm giác bị kì thị trên xứ người…

Danh mục:

Giới thiệu

Được viết bởi một cô gái Nhật, với sự tinh tế, giản dị và tràn đầy cảm xúc, Kira Kira là một câu chuyện rất gần gũi với người đọc Việt Nam. Bất kì chi tiết, suy nghĩ hay tình huống nào trong câu chuyện cũng có thể làm tâm hồn bạn lay động – bởi toàn bộ cuốn sách là một chuỗi những gì cụ thể như thế. Tình yêu con người, ý thích khám phá, những mơ mộng và khát khao về một thế giới rực rỡ tươi đẹp, hay nỗi nhói đau trong cảm giác bị kì thị trên xứ người… Tất cả tuỳ thuộc vào sự cảm nhận và tìm tòi của chính bạn!

Đọc thử

CHỊ TÔI, LYNN, đã dạy cho tôi nói cái từ đầu tiên: kira-kira. Tôi đã phát âm nó thành ra ka a-a, nhưng chị chẳng hiểu nổi tôi muốn nói gì. Trong tiếng Nhật, kira-kira có nghĩa là “sáng lấp lánh”. Lynn kể là khi còn nhỏ, chị thường dắt tôi đi trên con đường trống vắng của bọn tôi vào ban đêm, rồi hai đứa tôi nằm ngửa xuống, nhìn lên những ngôi sao trên trời và chị cứ nhắc, “Katie, nói kira-kira, kira-kira xem nào.” Tôi rất thích từ này! Khi tôi lớn thêm, tôi dùng từ kira-kira để miêu tả tất cả những gì mà tôi thích: bầu trời trong trẻo, lũ chó con, mèo con, lũ bướm, những tấm khăn giấy nhiều màu sắc.

Mẹ bảo chúng tôi đã lạm dụng từ đó nhiều quá, người ta không thể gọi một tấm khăn giấy là kira-kira được. Mẹ rất rầu về việc hai đứa tôi không giống người Nhật một chút nào và thề là sẽ đưa chúng tôi về Nhật một ngày nào đó. Tôi không quan tâm mẹ sẽ đưa chúng tôi tới đâu, một khi tôi có chị Lynn bên cạnh.

Tôi sinh ra ở Iowa năm 1951. Tôi biết khá nhiều chuyện về mình hồi nhỏ, bởi vì chị Lynn có ghi nhật kí. Bây giờ tôi vẫn giữ cuốn nhật kí đó trong ngăn kéo cạnh giường.

Tôi rất thích cái việc những kí ức của chị vừa giống y hệt tôi, nhưng cũng lại vừa khác. Ví dụ như một trong những kỉ niệm đầu tiên của tôi là cái ngày chị Lynn cứu tôi. Tôi gần lên năm, và chị gần lên chín. Bọn tôi đang chơi trên con đường vắng gần nhà. Những cánh đồng bắp cao tít trải dài ngút tầm mắt, nhìn đâu cũng thấy bắp. Một con chó lông xám, dơ dáy từ cánh đồng gần bọn tôi chạy ra, rồi lại chạy vào. Lynn vốn yêu thích những con vật. Và mái tóc dài đen mượt của chị cứ mất hút sau đám lá xanh sau khi chị đuổi theo con chó. Bầu trời mùa hè xanh biếc và trong vắt. Tôi thoáng thấy sợ khi Lynn biến mất vào trong mấy bụi bắp. Lynn luôn ở bên cạnh tôi mỗi khi chị không đi học. Cả ba mẹ tôi đều đi làm. Trên lý thuyết thì tôi được gởi suốt ngày ở nhà một người phụ nữ ở cuối đường, nhưng trên thực tế thì Lynn mới là người trông nom tôi.

Sau khi Lynn chạy vào trong cánh đồng, tôi chẳng còn thấy gì khác ngoài bắp.

Tôi kêu to “Lynnie!.” Bọn tôi chơi không xa nhà lắm, nhưng tôi cảm thấy sợ. Tôi khóc òa lên.

Rồi thì Lynn bỗng ló ra sau lưng tôi và “Hù!” một cái, và tôi lại khóc to dữ hơn nữa. Chị bật cười, rồi ôm lấy tôi và nói “Em là đứa em dễ thương nhất thế giới!.” Tôi rất thích nghe chị nói như vậy, và tôi nín khóc.

Con chó chạy đi mất. Bọn tôi ngả lưng xuống nằm ngay giữa mặt đường, nhìn lên bầu trời xanh ngắt. Có những ngày mà chẳng có ai chạy xe qua con đường nhỏ của chúng tôi. Bọn tôi có thể nằm ngửa suốt cả ngày mà chẳng hề bị xe cán.

Lynn nói:

“Màu xanh của bầu trời là một trong những màu đặc biệt nhất thế giới, bởi vì nó vừa xanh thẳm lại vừa trong vắt. Chị vừa nói gì vậy hả?”

“Bầu trời rất đặc biệt.”

“Biển cũng vậy nữa, và cả mắt con người cũng vậy.”

Chị quay mặt về phía tôi, chờ đợi. Tôi nói “Biển và mắt con người cũng đặc biệt.”

Đó là cách mà tôi đã được học về mắt người, bầu trời và biển cả: cả ba thứ đều đặc biệt, thăm thẳm, rực rỡ và trong vắt. Tôi quay về phía Lynn. Mắt của chị sâu thẳm và đen nhánh, như tôi vậy.

Con chó đột nhiên phóng ra từ cánh đồng, gầm gầm gừ gừ. Răng nó dài và vàng khè. Hai đứa tôi hét lên và bật dậy. Con chó táp vào ống quần của tôi. Khi tôi giật ra, nó xé rách ống quần và mấy cái răng lạnh ngắt của nó chạm vào da tôi. Tôi thét lên “Ááiiiii!”

Lynn túm lấy đuôi con chó kéo lui và la với tôi, “Chạy đi, Katie, chạy!” Tôi chạy và nghe tiếng con chó gầm gừ và tiếng Lynn thở dốc. Khi tôi đã đến nhà, tôi quay lại và thấy con chó đang giật ống quần của Lynn còn chị thì cuộn tròn như một trái banh. Tôi phóng vào trong nhà tìm vũ khí. Nhưng tôi không nghĩ ngợi được gì cho ra hồn. Tôi vớ lấy một chai sữa trong tủ lạnh rồi chạy về phía Lynn và liệng cái chai vào con chó. Cái chai ném hụt bể tan trên mặt đường. Con chó lao tới để liếm sữa.

Lynn và tôi chạy về nhà, nhưng chị dừng lại trước cổng. Tôi lôi chị đi “Chạy đi chứ!”

Chị có vẻ lo lắng “Nó bị mảnh chai cứa đứt lưỡi mất.”

“Kệ nó!”

Nhưng chị cầm vòi nước xịt đuổi con chó đi, để nó khỏi bị đứt lưỡi. Lynn là như vậy đó. Ngay cả khi mình giết chị và cắn đứt chân chị, chị vẫn tha thứ cho mình.

Đây là những gì Lynn ghi lại trong nhật kí hôm đó:
 
“Cánh đồng bắp đẹp quá. Khi tôi ở giữa lòng cánh đồng đầy bắp, tôi cảm thấy muốn ở mãi nơi đó. Rồi khi nghe tiếng Katie khóc, tôi đã ráng hết sức chạy càng nhanh càng tốt. Tôi lo quá. Tôi nghĩ chắc có chuyện xảy ra với em tôi!

Rồi, khi con chó tấn công, Katie đã cứu mạng tôi.”

Quả thật tôi không nghĩ như vậy. Nếu trước đó chị không cứu tôi thì tôi đâu cứu chị được. Vì vậy, thật sự chị mới là người đã cứu mạng tôi.

Lynn là một cô gái dũng cảm nhất trên thế giới. Chị còn là một thiên tài nữa. Tôi biết như vậy là bởi vì có một bữa tôi hỏi chị, “Chị là thiên tài phải không?” Và chị trả lời “Phải.” Tôi tin chị bởi vì vào ngày ba tôi dạy chị chơi cờ, chị đã thắng ngay cái ván đầu tiên của chị trong đời. Chị nói nếu tôi muốn chơi cờ chị sẽ dạy. Chị luôn nói sẽ dạy tôi tất cả mọi thứ tôi muốn biết trên đời. Chị nói một ngày nào đó hai đứa tôi sẽ giàu và mua cho ba mẹ bảy ngôi nhà. Nhưng trước tiên thì ba mẹ sẽ mua ngay một căn nhà cho tất cả chúng tôi ở. Cái ngày tuyệt vời đó sẽ không xa xôi gì mấy. Tôi khám phá được điều này vào buổi chiều Lynn kéo tôi vào bếp, cặp mắt sáng rực. Chị nói:

“Chị phải cho em coi cái này.”

Chị thò tay xuống phía dưới tủ lạnh và lôi ra một cái khay. Có một cái phong bì cũ trong khay. Chị mở phong bì ra cho tôi thấy điều bí mật trong đó: tiền.

Tôi hỏi:

“Tiền thật hả chị?”

“Ừa. Tiền của ba mẹ đó. Tiền để dành mua căn nhà mình sắp mua.”

Chúng tôi sống trong một căn nhà thuê nho nhỏ ở bang Iowa. Tôi thích căn nhà thuê nhỏ bé ấy, nhưng Lynn luôn luôn nói rằng tôi sẽ thích căn nhà thật sự của chúng tôi. Lúc đó bọn tôi có thể nuôi một con chó, một con mèo, và một con vẹt.

Lynn nhìn tôi đầy chờ đợi. Tôi hỏi:

“Tiền phải để ở ngân hàng chứ?”

“Ba mẹ không tin ngân hàng. Em muốn đếm không?”

Chị đưa phong bì cho tôi, và tôi cầm mớ tiền trong tay. Chúng ẩm ướt và lành lạnh. “Một, hai, ba…” Tôi đếm được tới số mười một. Mười một tờ một trăm đô la. Tôi không biết nghĩ thế nào nữa. Có lần tôi lượm được một đô la ở bãi đậu xe và tôi đã mua được cả một đống thứ. Với mười một tờ một trăm đô la, hình như người ta có thể mua bất cứ thứ gì. Tôi nói:

“Em hi vọng nhà mình sẽ sơn màu xanh da trời.”

“Nhất định vậy.” Chị cất tiền trở lại. “Ba mẹ cứ tưởng giấu kĩ lắm, nhưng chị đã thấy khi mẹ lấy ra.”

Ba mẹ tôi có một cửa tiệm thực phẩm Á Châu. Không may là hầu như chẳng có bao nhiêu người phương Đông ở bang Iowa, và ba mẹ tôi đã phải dẹp tiệm không bao lâu sau cái buổi tối tôi và Lynn đếm tiền lần đầu tiên ở dưới tủ lạnh. Anh của ba tôi, bác Katsuhisa, làm việc ở một trang trại ấp trứng gia cầm ở bang Georgia. Bác nói sẽ tìm cho ba tôi một công việc ở trại ấp trứng. Và bác cũng nói sẽ kiếm cho mẹ tôi một việc làm ở nhà máy chế biến gia cầm. Một vài tuần sau khi cửa tiệm đóng cửa, ba tôi quyết định đưa chúng tôi xuống Georgia để gia nhập nền công nghiệp gia cầm.

Vì vậy chúng tôi mang ơn bác Katsuhisa rất nhiều. Katsu trong tiếng Nhật có nghĩa như từ Triumph (thành công) trong tiếng Mỹ. Không hiểu sao tôi cứ nghĩ từ Triumph (thành công) và từ Trumpet (cây kèn) là một, và tôi cứ nghĩ về bác tôi như một cây kèn.

Lynn nói bác Katsuhisa là một người kì quặc. Bác thuộc mẫu người ồn ào trong khi ba tôi khá lặng lẽ. Ngay cả khi không nói, bác cũng gây ra nhiều tiếng động, bác đằng hắng và khịt mũi và gõ ngón tay. Đôi khi, chẳng vì lý do gì hết, bác đột nhiên đứng dậy vỗ tay thật to. Sau khi làm cho mọi người chú ý, thì bác lại ngồi xuống, thế thôi. Bác thậm chí làm ồn cả khi đang suy nghĩ. Mỗi khi đang suy nghĩ rất lung, bác cụp hai tai vào trong làm cho chúng ngó như thể bị biến dạng. Lúc trở lại hình dạng ban đầu, chúng kêu cái bốp. Lynn nói người ta có thể nghe thấy bác suy nghĩ: Bốp! Bốp!

Một bên mũi của bác có cái sẹo hình hột nút. Chuyện là hồi ở Nhật, lúc nhỏ bác bị một đám quạ bự tấn công, một con đã cố tìm cách chôm cái mũi của bác. Bác, ba tôi, mẹ tôi đều là những người Kibei, nghĩa là sinh ra ở Mỹ nhưng được gởi về Nhật để học. Lũ quạ ở Nhật nổi tiếng dữ tợn. Dù sao đó cũng là câu chuyện Lynn kể tôi nghe.

Vào một ngày oi ả, bác Katsuhisa lái xe tới Iowa để giúp gia đình tôi dọn nhà tới Georgia. Tất cả chúng tôi đều chạy ra ngoài khi nghe tiếng xe tải của bác trên con đường vắng vẻ trơ trọi của chúng tôi. Chiếc xe của bác vừa xóc, vừa phun phì phì, và cũng ồn ào y như bác. Mẹ tôi nói:

“Cái xe này chạy tới Georgia nổi à?”

Ba tôi đấm tay vào ngực. Đó là cung cách mỗi khi ông muốn nói chắc chắn! Ông nói thêm, “Anh của anh mà!” Ba tôi thì chắc nịch, cao tới một mét tám, còn mẹ chúng tôi thì mảnh khảnh và bé nhỏ, cao tới một mét ba. Bởi vì bé nhỏ như vậy nên mẹ làm chúng tôi lo sợ mỗi khi mẹ giận. Gương mặt dịu dàng mềm mại của mẹ rắn lại coi giống như là thủy tinh, có vẻ như nó sẽ vỡ vụn nếu như có cái gì đó va nhầm.

Khi ba mẹ đứng nhìn chiếc xe tải của ông bác, ba dang hai tay ra ôm choàng lấy mẹ. Ba đứng như vậy với mẹ rất lâu, như thể đang bảo vệ mẹ.

“Nhưng việc ông ấy là anh của anh thì đâu có gì liên quan tới chuyện chiếc xe tải này có chạy nổi tới Georgia hay không đâu?”

Ba tôi nói, “Nếu anh ấy nói được thì sẽ được.” Có vẻ như ba chẳng bao giờ nghi ngờ bất cứ chuyện gì trên đời.

Bác Katsuhisa hơn ba tôi bốn tuổi. Có lẽ ba tin tưởng bác Katsuhisa cũng như tôi tin tưởng Lynn. Lynn nói nhỏ bên tai tôi, “Nói thật tình, chị không biết cái xe này có chạy nổi tới nhà mình không nữa, chớ đừng nói tới Georgia.” “Nói thật tình” là chữ cửa miệng của chị suốt trong tuần đó.

Mẹ nhìn hai đứa tôi ngờ vực. Mẹ không thích bọn tôi thì thầm. Bà nghĩ hai đứa đang nói xấu ai đó, mà mẹ thì không ưa chuyện dèm pha nói xấu. Mẹ tập trung chú ý vào tôi. Bà đang cố đọc ý nghĩ của tôi. Lynn nói mỗi khi mẹ làm như vậy, tôi nên cố nghĩ tới những từ vô nghĩa trong đầu. Tôi tự nghĩ, voi, bò, hù hù, gừ gừ, rè rè…Mẹ ngoảnh đi, nhìn chiếc xe tải.

Khi chiếc xe rùng lên lần cuối cùng, bác Katsuhisa nhảy xuống, chạy về phía Lynn và tôi. Tôi lùi lại, nhưng bác nhấc bổng tôi lên trong tay và la lớn, “Con ngựa con nhỏ xíu của bác! Con ngựa con nhỏ xíu!” Bác xoay tôi vòng vòng cho tới lúc tôi xây xẩm mặt mày. Rồi bác đặt tôi xuống và nhấc Lynn lên, xoay chị vòng vòng và nói, “Con sói con của bác!”

Bác đặt Lynn xuống và ôm ba tôi, siết chặt. Rồi bác nhẹ nhàng ôm mẹ. Mẹ hơi quay mặt tránh đi, như thể sự ồn ào của bác làm mẹ muốn ngất xỉu.

Thật khó mà thấy được ba tôi và bác Katsuhisa là máu mủ ruột rà. Ba thì trầm tĩnh, giống như mặt biển vào một ngày lặng gió, với mặt nước không gợn sóng và ít xao động. Ba vững chắc như bức tường ngủ trong phòng của chúng tôi. Để chúng tôi thấy ba khỏe tới mức nào, ba thường cho chúng tôi đấm vào bụng ông mạnh hết cỡ. Có nhiều bữa chúng tôi lén tới gần và nện vào bụng ba, mà ba thậm chí có vẻ như chằng hề biết tới nữa. Và rồi chúng tôi lại lén bỏ đi trong khi ba tiếp tục nghe radio như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.

Ba tôi thích nghĩ ngợi. Đôi lúc tôi và Lynn lén nhìn ba khi ba ngồi bên bàn ăn, đăm chiêu suy nghĩ. Ba khoanh tay trên bàn ăn, cau mày một cách vô duyên cớ. Đôi lúc ông gật gù, nhưng rất khẽ. Tôi biết tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành một người trầm ngâm như ba tôi được, bởi vì tôi không thể ngồi yên như vậy. Lynn bảo ba tôi suy nghĩ nhiều tới mức đôi khi mất cả mấy tuần mới quyết định được. Tuy nhiên, một khi ông đã quyết định thì không bao giờ thay đổi. Ông đã suy nghĩ nhiều tuần trước khi khi đưa cả nhà tới Georgia. Vào lúc mà ông quyết định như vậy thì chỉ còn có sáu trăm đôla tiền mặt ở trong cái phong bì nằm dưới tủ lạnh thôi.

Buổi tối bác Katsuhisa tới Iowa, bác ăn xong sớm để có thể ra ngoài đi dạo một vòng và có lẽ để tự nói chuyện với chính mình. Sau khi khép cửa trước lại, mẹ tôi nói bác Katsuhisa trái hẳn với ba tôi là bác chẳng bao giờ chịu ngó chừng trước khi nhảy, chẳng chịu suy nghĩ chút nào trước khi quyết định. Mẹ hạ thấp giọng, “Thành ra ổng mới lấy người đàn bà đó,” nghĩa là bà vợ đầu của bác. Thiệt tình mà nói thì mẹ đang dèm pha bác, nhưng có ai dám nói với mẹ? Tất cả chúng tôi đều ngồi im.

Ba và bác khác nhau nhiều chuyện. Bác Katsuhisa thích nói chuyện với bất kì ai, kể cả với chính mình. Ba không thích chuyện trò, trừ khi nói với mẹ. Ba thích đọc báo hơn. Còn bác Katsuhisa thì ngược lại, chẳng bao giờ đọc báo. Ông chẳng cần biết Tổng thống Eisenhower đang nói tới cái gì.

Bác cao hơn ba đúng ba phân rưỡi. Nhưng bụng ông mềm nhão. Bọn tôi biết điều này bởi vì năm ngoái có lần bọn tôi đấm vô bụng ông, ông ré lên vì đau và dọa sẽ phết vô đít bọn tôi. Bọn tôi bị bắt phải đi ngủ mà không được ăn tối bởi vì ba mẹ nói rằng đánh người khác là điều tệ hại nhất trên đời. Trộm cắp là tội thứ hai, và nói dối là tội thứ ba.

Trước khi tôi mười hai tuổi, tôi đã phạm đủ cả ba tội trên.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

14 tựa sách văn học Nhật Bản hay mang đến những khắc họa mới về tâm hồn và khả năng tồn tại của cảm xúc - 14 tựa sách văn học Nhật Bản này đem đến cho độc giả cảm giác bình yên, lãng mạn khi đắm mình trong những tác phẩm tinh tế, chìm trong câu chữ nhẹ nhàng nhưng đầy trầm tư, ám ảnh... Thất Lạc Cõi Người Dazai Osamu là một nhà văn Nhật Bản tiêu biểu cho… Đọc thêm
20 cuốn sách văn học nước ngoài hay không nên bỏ qua trong đời - Văn học nước ngoài là một trong những dòng sách có lượng đọc giả và giải thưởng văn chương nhiều nhất trên thế giới, điều đó chứng tỏ giá trị và sức truyền tải của thể loại này là vô cùng to lớn. Hãy cùng Vnwriter điểm qua 20 cuốn sách văn học nước ngoài hay… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Kira Kira

  1. Hoàng Tú Anh

    Một câu chuyện cực kì hay về tình cảm gia đình dưới lăng kính của một cô bé. Tuy sống trong nghèo khó nhưng những con người đó vẫn ở bên nhau, chăm sóc, chia sẻ, yêu thương nhau. Câu chuyện hấp dẫn người đọc qua cái nhìn đáng yêu của trẻ thơ, cô bé Katie. Cô bé là người dẫn dắt người đọc bước vào thế giới của gia đình, nơi chị Lynn, bố mẹ đã chỉ bảo cho cô cách sống ra sao, cách chơi ra sao. Bức tranh của Kira Kira mang nhiều sắc màu lấp lánh hệt như ý nghĩa của từ đó.

    Đọc chậm, thật chậm để ngấm ngầm chảy trong từng câu văn của Cynthia Kadohata , để hiểu về tác phẩm…

  2. Trần Nguyên Kim Phụng

    Từ những dòng đầu tiên khi đọc, tôi đã có cảm giác thân thuộc và gần gũi với hai nhân vật, người chị Lynn và cô em gái Katie. Bản thân tôi cũng có một người chị giống như Lynn vậy, chỉ dạy cho tôi nhiều điều, cho tôi cái nhìn về cuộc sống, về thế giới này đẹp như thế nào, đau khổ ra sao. Dường như cũng vì thế mà mọi buồn đau hay sung sướng cũng đều nhờ chị mà có. Nên khi bắt gặp hình ảnh hai chị em, nó khiến tôi nhớ lại bản thân mình.

    Katie non nớt và dễ thương được người chị yêu quý chỉ dạy từng điều một, vẻ đẹp đơn giản nhưng lung linh của những cánh bướm trắng bay phấp phới ở cánh đồng bắp, vẻ đẹp kì lạ của từ “Kira”, vẻ đẹp của bầu trời, của mắt người… Tuổi thơ Katie đã sống với những điều như thế. Nhưng buồn thay khi căn bệnh của người bùng phát. Có lẽ đó chính là điểm mấu chốt của câu chuyện để hình thành nên con người Katie sau này. Ngày nhỏ, cô bé được Lynn bảo bọc và chăm sóc nhưng sau này vị trí đã được thay đổi. Chính Katie là người – dường như – gần gũi với Lynn nhiều hơn cả.

    Chi tiết đẹp nhất câu chuyện, mà có lẽ riêng tôi thích nhất, là lúc trước cái chết của Lynn. Khi Lynn nhìn thấy con bướm bay ở cửa sổ. Cuộc sống của mỗi gnười trôi đi, đến lúc chết mới cảm thấy có ý nghĩa, mới cảm thấy nó đẹp hường nào. Katie đã tiếp nối và kế thừa ý chí của Lynn, một cô gái năng động, hồn nhiên. Sống hết mình và sống không phí hoài.

  3. Dong Duyen

    Hy vọng là nguồn lực mạnh mẽ nhất để khiến con người ta dũng cảm bước tiếp trên con đường. Đọc Kira Kira , ta cảm nhận sự lạc quan hết sức dễ thương của hai cô bé người Nhật. Sau thế chiến thứ hai , cuộc sống tràn đầy khó khăn phía trước nhưng niềm tin và nụ cười sẽ đưa họ đến một tương lai tươi đẹp hơn bao giờ hết. Giọng kể chuyện hết sức nhẹ nhàng và đậm chất trẻ thơ của tác giả người Nhật đã đưa ta vào thế giới nội tâm phong phú của chị em Lynn và Katie. Màu sắc chủ đạo của câu chuyện là màu xanh – màu tượng trưng cho hy vọng : ” Màu xanh của bầu trời cũng là màu xanh đặc biệt nhất trên thế gian, bởi vì nó vừa xanh thẳm lại vừa trong vắt… biển cũng vậy và mắt con người cũng vậy.”. Cách miêu tả sự vật trong truyện hết sức tinh tế đến nỗi ta phải ngạc nhiên thốt nên rằng: Tại sao trong ánh mắt cô bé mọi sự vật đều có nét đẹp riêng của nó đến như thế!

  4. Huynh Duyen

    Là một người hâm mộ Nhật Bản, tôi dễ dàng tiếp nhận các tác phẩm văn học của xứ sở hoa anh đào này. Tuy nhiên Kira Kira theo tôi là một tác phẩm đáng yêu và rất trong sáng, dù rằng bạn không yêu thích Nhật bạn vẫn sẽ vẫn bị tác phẩm này cuốn hút.
    Tác phẩm là một cuốn nhật ký nhỏ của cô bé từ lúc thơ ấu cho đến lúc chị ra đi. Xuyen suốt tác phẩm là một giọng văn nhẹ nhàng. hóm hỉnh về mọi sinh hoạt của một gia đình Nhật ở Mỹ. Sự kì thị chủng tộc, sự cô đơn, sự vất vả, sự lo sợ,.. đều được cô bé miêu tả lại một cách tỉ mỉ dưới cách nhìn nhận lạc quan của mình.
    Tác phẩm khiến tôi cảm thấy tự tin hơn, yêu cuộc sống hơn, mong muốn sống tốt hơn. Ngoài ra đọc tác phẩm tôi còn hiểu hơn về văn hóa và học được một số từ tiếng Nhật rất thú vị.
    Kira Kira đã dạy tôi nhiều hơn một ta1cpham bình thường khác.

  5. Võ Phương

    Cuộc sống thật muôn màu muôn vẻ, và có lẽ cũng chính vì thế mà mỗi người lại có mỗi cách cảm nhận và suy ngẫm khác nhau về cuộc sống ấy. Có những người luôn vui vẻ, có những kẻ hay trầm tư, trong khi có những người thường phiền muộn. Đối với Lynn và Kate Takeshima, hai cô bé người Nhật sống ở Mỹ trong tiểu thuyết “Kira – Kira” của Cynthia Kadohata, thì cuộc sống thật “kira – kira”, thật lấp lánh. “Kira – Kira”, một cụm từ tiếng Nhật, tuy đơn giản thôi nhưng đong đầy chuỗi kỷ niệm thời thơ bé đầy mơ mộng, nghịch ngợm của họ. Chính Lynn đã dạy Kate biết trân quý cuộc sống, biết yêu và nhận ra sự “lấp lánh” trong những điều dù bình dị nhất, dù đó là bầu trời xanh trong trẻo, là biển, là mắt con người, thậm chí là lũ chó con, mèo con, lũ bướm, những tấm khăn giấy nhiều màu sắc. Lynn và Kate đã có biết bao chuỗi cười giòn giã, hạnh phúc sau những buổi ngắm sao đêm, những lần cắm trại, hay những lúc chăm sóc cho đứa em trai Sammy. Trên cái nền chủ đạo là thứ ánh sáng lấp lánh “kira – kira” ấy, bằng giọng văn trong sáng, chứa chan tình cảm của tác giả, “Kira – Kira” dẫn người đọc vào thế giới riêng của Lynn và Kate, một thế giới luôn đầy ắp niềm lạc quan, những ước mơ trong sáng cho tương lai. Chính niềm tin về một cuộc sống kỳ diệu tràn ngập hy vọng và cái đẹp đó đã giúp hai chị em vượt qua những khó khăn, khó khăn vì cảnh nghèo, vì bị phân biệt chủng tộc, vì ba mẹ phải lao động cật lực cho điều kiện sống tốt hơn. Ngay cả khi Lynn, dù mắc phải căn bệnh bạch cầu hiểm nghèo, can đảm bấu víu vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời, và khi các thành viên khác trong gia đình lâm vào cảnh khốn cùng, thì Kate vẫn mạnh mẽ ở bên họ, nhắc nhở họ rằng luôn có một cái gì thật lấp lánh – kira – kira ở ngày mai. Truyện “Kira – Kira” với ý nghĩa nhân văn sâu sắc ấy được thể hiện qua những cung bậc cảm xúc khác nhau của từng nhân vật đặc biệt trong câu chuyện: nét hóm hỉnh, tinh nghịch, hài hước kiểu Mỹ lẫn cái nhẹ nhàng, thâm trầm, sâu kín của Nhật; sự lãng mạn, mơ mộng đứng bên cạnh hiện thực nghiệt ngã, đau thương đến nao lòng; niềm hạnh phúc dâng tràn bên cạnh sự chia ly, mất mát. Tất cả đã làm nên một “Kira – Kira” nồng đượm yêu thương, mơ mộng, khát khao cao đẹp của trẻ thơ.
    Hãy đến với Kira – Kira để nhận ra rằng mình cũng đã có những kỉ niệm tuổi thơ trong veo như thế.
    Hãy đến với Kira – Kira để ngạc nhiên trước những tâm hồn bé con vốn ngô nghê, trong trẻo trẻ thơ chợt trở nên trưởng thành, già dặn từng ngày.
    Hãy đến với Kira – Kira để nhận ra rằng tình cảm gia đình, đặc biệt là tình chị em, mới thật thiêng liêng và đáng quý.
    Và hãy đến với Kira – Kira để nhận ra rằng không bao giờ là quá trễ để hy vọng và tin tưởng vào một cuộc sống “kira – kira”, lấp lánh, kỳ diệu, đầy tình yêu thương.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button