20 Giờ Đầu Tiên

(5 đánh giá của khách hàng)

Chỉ trong 64 trang đầu tiên, tác giả đã tóm lược những điểm chính để tự học bất kỳ kỹ năng mới nào. Trình bày gọn gàng, súc tích, có hệ thống và rất khoa học.  Không cần phải mất 10.000 giờ như Malcom Gladwell đã đề xuất, cũng không cần thiết phải trở thành một chuyên gia.  Nếu bạn muốn trau dồi thêm nhiều kỹ năng nhưng không có nhiều thời gian thì đây chính là cẩm nang dành cho bạn.  Từ trang 65 trở đi là những ví dụ của cá nhân tác giả trong việc áp dụng những quy luật vào chính trải nghiệm của mình.

Danh mục:

Giới thiệu

Có rất nhiều việc muốn làm… nhưng lại có quá ít thời gian”.

Đó là chuyện thường thấy của cuộc sống hiện đại. Hãy dành một chút thời gian để xem có bao nhiêu việc bạn muốn học cách làm. Danh sách của bạn có những việc gì? Điều gì ngăn cản bạn bắt đầu? Thường là do: Thời gian và kỹ năng. Có một sự thật không lấy gì làm dễ chịu, đó là: Những trải nghiệm đáng giá nhất trong đời thường lại đòi hỏi phải có kỹ năng ở một cấp độ nào đó. Cần phải có thời gian và cần phải nỗ lực mới có được kỹ năng – mà thời gian thì chúng ta không có, còn nỗ lực lại là thứ chúng ta ngại gom góp.

“Một ngày nào đó tôi sẽ học, khi tôi có thời gian”.

Thành thật mà nói, ngồi xem tivi và lướt web bao giờ cũng dễ dàng hơn… Thế nên đó chính là điều mà hầu hết chúng ta vẫn làm, và để cho khao khát của chúng ta vẫn mãi chỉ là những giấc mơ. Vẫn còn một sự thật không lấy gì làm dễ chịu, đó là: Có rất nhiều việc chẳng có gì thú vị cho tới khi chúng ta giỏi việc đó. Kỹ năng nào cũng có cái mà tôi vẫn gọi là rào cản thất vọng – thời điểm bạn cực kỳ không thạo (kỹ năng đó) và đau đớn nhận ra sự thật đó. Tại sao phải bắt đầu một việc mà bạn biết là bạn sẽ chẳng giỏi việc đó chứ? Chẳng phải sẽ rất tuyệt khi có thể thành thạo những kỹ năng mới mà không cần phải tức giận nhiều sao? Để nhanh chóng vượt qua rào cản thất vọng, để có thể chuyển tới phần thú vị, đáng giá? Để tốn ít thời gian cho việc bối rối và lúng túng, để có thêm thời gian thú vị? Liệu có thể học được những kỹ năng mới theo cách tốn ít thời gian và công sức hơn không? Từ kinh nghiệm của riêng tôi, xin trả lời là: Có, có thể.

Cuốn sách này là cuộc tìm kiếm của cá nhân tôi nhằm kiểm tra tính nghệ thuật và khoa học của việc học kỹ năng nhanh chóng – làm cách nào để học bất cứ kỹ năng nào nhanh nhất có thể. Mục đích của cuốn sách này là giúp bạn học được những kỹ năng mới trong khoảng thời gian kỷ lục. Theo kinh nghiệm của tôi, mất khoảng 20 giờ thực hành để phá vỡ rào cản thất vọng: để đi từ mức hoàn toàn không biết gì về việc bạn đang cố gắng làm tới mức có thể làm việc đó tốt một cách đáng ngạc nhiên. Cuốn sách này là cách tiếp cận mang tính hệ thống đối với vấn đề học kỹ năng mới nhanh nhất có thể. Phương pháp mang tính phổ quát. Vấn đề không phải là bạn muốn học ngoại ngữ, viết tiểu thuyết, vẽ chân dung, khởi nghiệp hay lái máy bay. Nếu bạn đầu tư ít nhất 20 tiếng để học những điều cơ bản của một kỹ năng, bạn sẽ ngạc nhiên với mức độ thành thạo mà bạn có thể đạt được. Bất kể kỹ năng bạn muốn học là gì, cuốn sách này cũng sẽ giúp bạn đạt được kỹ năng đó với ít thời gian và năng lượng lãng phí hơn. Chỉ cần một chút nỗ lực tập trung, có chiến lược, bạn sẽ thấy mình nhanh chóng tiến bộ mà không thất vọng.

Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ bắt đầu bằng những nguyên tắc học kỹ năng nhanh: làm cách nào để học những kỹ năng mới nhanh nhất có thể. Những ý tưởng và bài tập thực hành này không hề phức tạp, nên sẽ không mất quá nhiều thời gian để học. Sau đó, tôi sẽ giải thích cách sử dụng những nguyên tắc này trong thực tế bằng cách chỉ cho các bạn biết tôi đã học 6 kỹ năng mới dưới đây trong vòng chưa tới 20 tiếng mỗi kỹ năng, không quá 90 phút thực hành mỗi ngày, như thế nào.

Phát triển bài tập yoga cá nhân

Viết chương trình máy tính dựa trên web

Học lại cách gõ 10 ngón

Khám phá boardgame cổ nhất và phức tạp nhất trong lịch sử

Chơi được một nhạc cụ

Lướt ván

Tôi hi vọng cuốn sách này có thể khuyến khích bạn phủi bụi danh sách những việc “muốn làm” của bạn, kiểm tra lại danh sách đó và cam kết học được điều mới mẻ nào đó.

Đọc thử

Chân dung tác giả – người nghiện học

Sáng nào thức dậy, tôi cũng quyết tâm phải thay đổi thế giới và vui vẻ. Đôi khi điều này khiến cho việc lập kế hoạch theo ngày của tôi trở nên khó khăn.

−E. B. WHITE, tác giả cuốn Mạng nhện của Charlotte

▪ ▪ ▪

Xin chào các bạn, tên tôi là Josh Kaufman, và tôi là một người nghiện học.

Các giá sách ở nhà và ở văn phòng của tôi đều đầy ắp sách, dụng cụ và những thiết bị chưa từng được sử dụng, đủ các thể loại. Hầu hết những thứ đó đều dần dần bị bụi phủ.

Tôi có một danh sách dài ngoằng những thứ “cần học”. Giỏ hàng trên trang Amazon.com hiện tại của tôi có 241 món hàng – tất cả đều là những cuốn sách tôi muốn đọc. Tôi không thể bước vào một hiệu sách mà không quay ra với ba hoặc bốn cuốn sách mới, để thêm vào “bộ sưu tập” 852 cuốn mà tôi đang có.

Mỗi ngày, tôi lại nghĩ ra một ý tưởng cho một dự án khác hay một trải nghiệm mới, và tôi lại thêm vào danh sách vẫn không ngừng dài thêm của mình có tên là “một ngày nào đó/có thể”. Chỉ nhìn vào những việc mà tôi muốn học cách làm cũng đủ khiến tôi thấy choáng ngợp, vì vậy tôi không mấy khi nhìn vào danh sách đó.

Tôi muốn học cách phát triển công ty xuất bản của mình. Tôi muốn học cách quay và biên tập video. Tôi muốn sản xuất được một chương trình phát thanh. Tôi muốn học cách tổ chức những buổi thảo luận và giảng dạy tốt hơn.

Tôi có những ý tưởng cho sản phẩm mới, nhưng tôi không biết làm thế nào để phát triển nó. Tôi có các ý tưởng về chương trình máy tính mới, nhưng tôi không biết làm thế nào để tạo ra chúng. Tôi có nhiều ý tưởng viết lách trong đầu hơn là thời gian và năng lượng để viết ra.

Tôi muốn học cách vẽ. Tôi muốn học cách chèo thuyền kayak. Tôi muốn học cách câu cá bằng ruồi nhân tạo. Tôi muốn học leo núi. Tôi muốn có thể chơi được ghi ta, đàn ukulele, piano và violin điện.

Có những trò chơi tôi đã thích trong nhiều năm như trò cờ vây, nhưng tôi vẫn chưa học được cách chơi. Có những trò chơi tôi đã biết cách chơi như cờ tướng, nhưng tôi không thực sự giỏi, vì vậy những trò đó không thú vị lắm, và tôi không chơi chúng thường xuyên.

Tôi thích ý tưởng chơi gôn, nhưng trận nào tôi chơi cũng đều hóa thành trò cười cho mọi người. (Tôi thường nói rằng tôi chơi gôn ma-ra-tông vì khi đánh được 18 lỗ, tôi đã chạy được cả một vòng ma-ra-tông.)

Có vẻ như mỗi ngày tôi lại thêm một số kỹ năng mới vào danh sách những việc tôi muốn mình có thể làm được – danh sách dài vô tận. Khi có quá nhiều thứ cần học, tôi sẽ có ít thời gian hơn.

Về bản chất, tôi là người thích tự mình làm việc của mình. Nếu có việc gì cần làm, tôi muốn tự mình làm hơn là nhờ người khác giúp đỡ. Ngay cả khi người khác có thể làm việc đó nhanh hơn hoặc tốt hơn tôi, tôi cũng không nỡ tước mất cái “thú” học để trải nghiệm của bản thân.

Để làm cho mọi việc phức tạp hơn, Kelsey, vợ tôi, còn mở một công ty riêng, cung cấp các khóa đào tạo liên tục cho những giảng viên dạy yoga. Công ty mang lại lợi ích cho cả hai chúng tôi, vì thế luôn có rất nhiều việc cần phải làm.

Để cuộc sống trở nên thú vị hơn, chúng tôi đã chào đón thành viên mới của gia đình, con gái Lela. Lela mới được chín tháng tuổi khi tôi viết cuốn sách này.

Trước khi có Lela, tôi và Kelsey đã thống nhất, nếu có con, chúng tôi muốn đặt việc tự mình nuôi con lên hàng đầu. Một trong những lý do chính khiến tôi từ bỏ công việc quản lý trước đây của mình tại một tập đoàn thuộc danh sách Fortune 500 là để có thể làm việc linh hoạt ở nhà, tự đặt lịch trình cho mình, và dành càng nhiều thời gian càng tốt bên gia đình.

Tôi và Kelsey cùng chia sẻ trách nhiệm làm cha mẹ. Vì cả hai chúng tôi đều làm việc tại nhà nên Kelsey làm việc buổi sáng khi tôi chăm sóc Lela. Buổi chiều, Kelsey trông con, còn tôi làm việc tới lúc ăn tối. Như vậy tôi có khoảng 25 tiếng để làm việc mỗi tuần, chưa kể khoảng thời gian tôi có thể tranh thủ được khi Lela chợp mắt.

Sau khi Lela chào đời, tôi có cảm giác tôi không có đủ thời gian để làm việc, nói gì tới chuyện học thêm kỹ năng mới. Với một người nghiện học như tôi, đó là cả một vấn đề bức xúc.

Tôi không muốn từ bỏ việc học và hoàn thiện bản thân, kể cả khi có những trọng trách mới. Tôi không có nhiều thời gian rảnh, nhưng tôi sẵn sàng đầu tư những gì tôi có theo cách thông minh nhất có thể.14

Đó chính là lý do khiến tôi quan tâm tới việc học kỹ năng nhanh: Phương pháp học kỹ năng mới một cách nhanh chóng.

Tôi muốn tiếp tục học thêm các kỹ năng, nhưng tôi không muốn quá trình đó kéo dài mãi. Tôi muốn nắm bắt được các điểm mấu chốt một cách nhanh chóng để có thể tiến bộ vượt bậc mà không phải cảm thấy thất vọng thường xuyên .

Tôi tin là bạn có thể hiểu được. Bạn có bao nhiêu thời gian “rảnh” mỗi ngày sau khi hoàn thành công việc và nghĩa vụ với gia đình? Bạn có cảm thấy bạn cần 36 đến 48 tiếng một ngày để cuối ngày mới có thời gian ngồi xuống học một thứ gì đó mới mẻ?

Có một câu nói thế này: “Hãy làm việc theo cách thông minh hơn, đừng làm việc chăm chỉ hơn”. Điều này có nghĩa là quá trình học kỹ năng thực ra không phải là số giờ bạn dành cho nó… mà là điều bạn thu lượm được từ quãng thời gian đó.

Ông vớ vẩn quá, Malcolm Gladwell
Năm 2008, Malcolm Gladwell viết cuốn sách Những kẻ xuất chúng. Trong cuốn sách đó, tác giả đã cố gắng giải thích lý do khiến một số người thành công hơn những người khác.

Một trong những ý tưởng mà Gladwell nhắc đi nhắc lại là “nguyên tắc 10.000 giờ”. Dựa trên nghiên cứu của tiến sỹ K. Anders Ericsson của Đại học bang Florida, để đạt được biểu hiện xuất chúng cần 10.000 giờ (bình quân) để luyện tập.

10.000 giờ tương đương với 8 giờ luyện tập mỗi ngày trong khoảng ba năm rưỡi liên tục, không ngừng nghỉ, không có cuối tuần và cũng không có nghỉ lễ. So với tiêu chuẩn 260 ngày làm việc một năm không gián đoạn thì khoảng thời gian đó tương đương với một công việc toàn thời gian trong gần 5 năm. Đó là trong trường hợp bạn dành 100% thời gian và tận dụng 100% năng lượng cùng nỗ lực của mình.

Trên thực tế, cấp độ tập trung chú ý này thực sự là một thử thách. Ngay cả những người thuộc đẳng cấp thế giới trong nhiều lĩnh vực cạnh tranh gay gắt (ví dụ như trong âm nhạc và thể thao chuyên nghiệp) cũng chỉ có thể tập trung năng lượng trong khoảng ba tiếng rưỡi để luyện tập mỗi ngày. Điều đó có nghĩa là có thể mất cả thập kỷ hoặc nhiều thời gian hơn nữa để phát triển một kỹ năng tới mức thành thạo.

Nghiên cứu của tiến sỹ Ericsson chỉ ra rằng, về bản chất, nếu bạn muốn thành thạo một kỹ năng mới, bạn sẽ phải trải qua một quá trình dài. Để trở thành người giỏi nhất thế giới về bất cứ việc gì cũng đòi hỏi nhiều năm luyện tập không ngừng nghỉ. Nếu bạn không chịu bỏ thời gian và công sức, bạn sẽ chỉ luôn theo sau và bị lu mờ bởi những người đó.

Những kẻ xuất chúng lọt vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất và nằm trong danh sách này suốt ba tháng. Chỉ qua một đêm, “nguyên tắc 10.000 giờ” đã có mặt ở khắp mọi nơi.

Không những phải dành thời gian để luyện tập… giờ bạn còn phải bỏ ra 10.000 giờ nữa? Hầu hết chúng ta đều tự cho mình là người may mắn nếu có thể dành ra vài tiếng mỗi tuần. Vậy thì tại sao phải quan tâm tới việc bỏ ra quá nhiều thời gian như vậy để giỏi một việc gì đó?

Ôi Chúa ơi, hãy nhìn vào công việc của tôi và thất vọng đi!
Trước khi từ bỏ hết hi vọng, hãy xét tới điều này.

Có một phần trong nghiên cứu của tiến sỹ Ericsson rất dễ bị xem thường: Đó là nghiên cứu về biểu hiện ở mức độ chuyên gia. Nếu bạn mong muốn trở thành một Tiger Woods tiếp theo, có lẽ bạn cần phải dành ra ít nhất 10.000 tiếng luyện tập bài bản và có hệ thống tất cả các khía cạnh của gôn. Hầu hết các gôn thủ chuyên nghiệp đều bắt đầu chơi từ khi còn nhỏ và đã luyện tập không ngừng nghỉ trong ít nhất 17 năm. Để có thể mang đẳng cấp thế giới cần phải có thời gian.

Ngược lại, chuyện gì sẽ xảy ra nếu thắng giải PGA không phải là mục tiêu của bạn? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ muốn chơi gôn đủ tốt để có thể chơi thoải mái, không làm bản thân mất mặt, có một khoảng thời gian vui vẻ và có cơ hội chiến thắng trong giải đấu các câu lạc bộ địa phương?

Đó lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Muốn đạt đẳng cấp thế giới phải cần tới 10.000 giờ nỗ lực tập trung, nhưng phát triển khả năng để thể hiện đủ tốt vì mục đích riêng của bản thân thì không đòi hỏi phải đầu tư nhiều như thế.

Nói vậy không có nghĩa là làm giảm giá trị của việc “luyện tập bài bản” mà tiến sỹ Ericsson đã đề cập: Luyện tập có mục đích và có hệ thống nhằm cải thiện kỹ năng. Luyện tập bài bản là cốt lõi của việc học hỏi kỹ năng. Vấn đề là cần luyện tập bài bản đến mức nào để đạt được mục tiêu của bạn. Thường thì điều đó không cần nhiều như bạn tưởng.

Chất lượng, không phải số lượng
Tiếp nhận khái niệm vừa đủ là chìa khóa để học kỹ năng nhanh. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ thảo luận về việc phát triển khả năng, chứ không phải sự thành thạo đạt đẳng cấp thế giới. Chúng ta sẽ xử lý khúc cua của đường cong học hành và nắn thẳng nó càng nhanh càng tốt.

Hãy để 10.000 giờ cho những người chuyên nghiệp. Chúng ta sẽ bắt đầu với 20 giờ nỗ lực chuyên tâm, tập trung, thông minh.

Chúng ta đang nhắm tới những kết quả mà bản thân mong muốn chỉ với một phần nỗ lực. Có thể bạn sẽ không bao giờ giành được huy chương vàng, nhưng bạn sẽ đạt được những phần thưởng bạn quan tâm trong thời gian ngắn hơn.

Nếu cuối cùng bạn quyết định phải thành thạo kỹ năng đó, bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để thành công nếu bạn bắt đầu với 20 tiếng học kỹ năng nhanh. Bằng cách biết bản thân đang hướng tới điều gì, học những nguyên tắc cơ bản, luyện tập theo cách thông minh và phát triển một quy trình luyện tập, bạn sẽ tiến bộ nhanh hơn và đều đặn hơn. Bạn sẽ đạt được trình độ chuyên gia trong thời gian kỷ lục.

Thế nào là học kỹ năng nhanh?
Học kỹ năng nhanh là một quá trình – một cách chia nhỏ kỹ năng mà bạn đang cố làm chủ thành những phần nhỏ nhất có thể, xác định phần nào là quan trọng nhất, sau đó chú tâm luyện tập phần đó trước tiên. Chỉ đơn giản vậy thôi.

Học kỹ năng nhanh có bốn bước chính:

Chia nhỏ kỹ năng thành những phần kỹ năng nhỏ nhất có thể;

Học những phần kỹ năng nhỏ nhất để có thể luyện tập theo cách thông minh và tự điều chỉnh trong suốt quá trình luyện tập;

Loại bỏ những rào cản về mặt sinh lý, tinh thần và tình cảm xuất hiện trong quá trình luyện tập;

Luyện tập những phần kỹ năng quan trọng nhất trong vòng 20 tiếng là ít nhất.

Học kỹ năng nhanh không phải là môn khoa học thần tốc. Chỉ đơn giản là bạn quyết định điều cần luyện tập, tìm ra cách tốt nhất để luyện tập, dành thời gian để luyện tập, sau đó luyện tập cho tới khi bạn đạt được mục tiêu của mình.

Chẳng có gì thần kỳ trong đó đâu – chỉ là sự nỗ lực thông minh, có chiến lược, được đầu tư vào việc bạn quan tâm mà thôi. Chỉ cần chuẩn bị một chút, bạn sẽ có được những kỹ năng mới một cách nhanh chóng, tốn ít công sức hơn.

Nói như vậy không có nghĩa là kết quả sẽ có ngay lập tức. Khao khát muốn được thỏa mãn ngay lập tức chính là một trong những lý do chính khiến mọi người không học được kỹ năng mới một cách nhanh chóng.

Quan niệm sai trong “Ma trận”
Bạn có nhớ cảnh trong phim Ma trận khi Keanu Reeves mở mắt ra, chớp mắt vài lần và thì thầm “Tôi biết Kung fu” không?

Đáng tiếc là tôi phải nói cho bạn biết: Học kỹ năng nhanh không có nghĩa là nhanh như thế.

Hollywood đã chơi xỏ chúng ta một vố liên quan tới học kỹ năng nhanh. Dù chắc chắn sẽ thật tuyệt nếu có thể học cách điều khiển một chiếc trực thăng Bell 212 trong vòng 5 giây bằng cách tải trực tiếp phần mềm vào não chúng ta, nhưng khoa học hiện nay còn cách xa khoa học viễn tưởng.

Cho tới khi điều này trở thành hiện thực, “nhanh” có nghĩa là dành thời gian ít hơn so với bình thường để học một kỹ năng nếu bạn trải qua một quá trình giống như hầu hết mọi người: mù mờ, lung tung và không nhất quán.

Một trong những kỹ năng chuyên nghiệp đầu tiên mà tôi học được là phát triển trang web: có thể xây dựng những trang web hữu ích, có công dụng. Bắt đầu với trang web cơ bản Angelfire. com năm 1996, tôi đã tự học cách đọc và viết HTML và CSS (ngôn ngữ chung của web), sử dụng Adobe Photoshop để chỉnh sửa hình ảnh, định cấu hình máy chủ web, và duy trì các hệ thống hỗ trợ công việc của tôi.

Tôi không được học những việc đó từ thời cấp ba hay đại học. Mặc dù tôi đã hoàn thành chương trình cử nhân chuyên ngành hệ thống thông tin doanh nghiệp, nhưng những kiến thức tôi đã học được trên giảng đường hoàn toàn không giống với những gì tôi vẫn làm hàng ngày.

Tôi đã học kỹ năng phát triển web bằng cách thử ngẫu nhiên và tìm hiểu trong quá trình thực hiện. Mỗi khi gặp một công nghệ hoặc công cụ mới có thể cải thiện trang web hoặc làm giảm khối lượng công việc của tôi, tôi liền thử nghiệm ngay. Sau một khoảng thời gian dài, các kỹ năng của tôi đều được cải thiện.

Cách học hỏi các kỹ năng phát triển web ngẫu hứng của tôi chỉ phục vụ một mục đích: Tôi có được một công việc dựa trên những kỹ năng đó, và hiện tại tôi đã “bán” được các thông tin về web để kiếm sống. Nhiệm vụ đã được hoàn thành, nhìn từ một góc độ nào đó.

Mặt khác, tôi đã phải học hỏi mọi thứ một cách khó khăn. Bạn chắc chắn có thể đạt tới trình độ của tôi trong vòng chưa đầy 15 năm nếu bạn tiếp cận chúng theo cách mang tính hệ thống. Nhưng nếu bạn luyện tập những kỹ năng này một cách thông minh, bạn hoàn toàn có thể đạt được trình độ ngang ngửa tôi trong vòng một tháng.

Đó chính là điều tôi muốn nói khi sử dụng cụm từ học kỹ năng nhanh. Nếu bạn có thể học hầu hết những gì tôi biết về thiết kế web trong vòng một tháng tập trung thay vì 15 năm thì đó là cả một sự tiến bộ rõ rệt. Điều đó cũng hoàn toàn có thể xảy ra.

Thời gian bạn cần để học một kỹ năng mới chủ yếu phụ thuộc vào lượng thời gian tập trung mà bạn có thể đầu tư cho việc chủ động luyện tập và trải nghiệm thông minh, cũng như phụ thuộc vào mức độ thành thạo mà bạn mong muốn.

Đừng kỳ vọng sẽ đạt được kết quả chỉ sau một đêm. Bạn chỉ nên kỳ vọng tổng thời gian bạn cần đầu tư cho việc học sẽ ít hơn so với khi bạn lao vào quá trình học mà không có chiến lược cụ thể.

Trước khi chúng ta khám phá phương pháp này một cách chi tiết, có một điều bạn nên biết: Học kỹ năng nhanh không có điểm gì chung với “học cách học” ở trường. Học thuật gần như không có gì trùng với học kỹ năng, chứ chưa nói tới việc nhanh chóng thành thạo kỹ năng đó.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

12 cuốn sách hay về phát triển bản thân nên đọc - Tài năng và đạo đức luôn là hai yếu tố song hành. Có tài mà không có đức sớm hay muộn cũng gặp bất trắc, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó khăn. Để vẹn tròn về tài lẫn đức, Vnwriter giới thiệu đến bạn đọc sách 12 tựa sách… Đọc thêm
7 quyển sách hay về quản lý thời gian giúp bạn sống trọn vẹn 24 giờ một ngày - Thời gian theo định nghĩa của Wikipedia thì chỉ có một chiều duy nhất và là hữu hạn đối với mỗi con người . Có thể sự quý giá của thời gian là như thế nào thế nhưng không phải ai cũng hiểu và sử dụng thời gian một cách đúng đắn và tối ưu… Đọc thêm
8 cuốn sách giúp bạn loại bỏ thói quen trì hoãn - Cảm tình với nàng làm cùng phòng, sợ sệt, ngày này qua tháng nọ chẳng dám rủ em ấy đi cà phê -> Trì hoãn trong tình yêu. Sếp giao việc trong vòng 5 ngày phải hoàn tất, chơi cho đã 4 ngày, ngày cuối cắm đầu làm, chẳng kịp -> Trì hoãn trong công… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho 20 Giờ Đầu Tiên

  1. COOL SUNNY

    Ý tưởng và nội dung cốt yếu của tác giả Josh Kaufman trong cuốn sách 20 Giờ Đầu Tiên chỉ gói gọn trong việc bạn sẽ hình thành một kỹ năng mới trong ít nhất là 20 giờ! Tác giả đã cho tôi biết thời gian bao lâu để hình thành một kỹ năng và có nhiều bài tập bài tập để chứng minh, cũng như giúp bạn hình thành kỹ năng! Nhưng thật sự theo tôi ý tưởng tốt nhưng rất theo các bài tập của tác giả hơi khó
    Bìa sách khá đẹp, khá thu hút! Ý tưởng bạn hoàn toàn có thể sử dụng 20 giờ để hình thành một kỹ năng!(Làm theo các bài tập của tác giả thì hơi khó nhé)

  2. Trần Thị Ngọc Khen

    Quyển sách là một bí kíp cho việc học tập và làm việc hiệu quả. Tác giả trình bày theo hướng lặp đi lặp lại những thông điệp rằng:
    – Phải có kế hoạch
    – Phải có chiến lược
    – Phải nhìn tổng quát
    – Biết trích lọc
    – Và tích lũy những điều cốt lõi nhất cho bản thân
    Trên cơ sở đó, thực sự là chúng ta không cần dành quá nhiều thời gian, công sức cho việc tiếp cận và tiếp thu một khía cạnh mới nào. Bởi vì, năng suất quan trọng hơn nhiều và đáng đầu tư hơn nhiều.

    Đọc quyển sách mà tôi có cảm giác như tác giả sẽ trở thành Bách khoa toàn thư mà không gặp bất kỳ khó khăn gì khi ông có được phương pháp hiệu quả.

    Một điếm tôi thấy tiếc là sách chưa chia sẻ được đa dạng phương pháp mà chủ yếu là sự lặp lại và triển khai 1 phương pháp.

    Nhưng như thế cũng rất hay vì tính đầy đủ và khả năng thấu đáo, thực hành sẽ thuận tiện, sẽ cao.

  3. Hồ Nguyễn Bảo Trân

    Lúc đọc giới thiệu của sách trên tiki mình vẫn chưa tin lắm về việc học một kỹ năng chỉ mất 20 giờ, chuyện đó thật không tưởng nên mình quyết định mua sách về để xem sách có thật sự hay như lời giới thiệu hay không. Và thật sự mình thấy mua cuốn sách này về là một quyết định sáng suốt của mình. Nội dung đánh vào đúng vấn đề mà mọi người chúng ta đều quan tâm: Làm thế nào để có thể học được nhiều kỹ năng khác nhau trong khi chúng ta lại có quá ít thời gian?. Cuốn sách này là câu trả lời hoàn hảo nhất, chúng ta không cần đến 10 ngàn giờ để hoàn thành thuần thục một kỹ năng mà chỉ cần 20 giờ để có thể nắm bắt làm chủ được các bước cơ bản của nó, thế là đủ. Mục tiêu của sách là giúp chúng ta trong thời gian ngắn nhất có thể nắm được những điều cốt lõi của những kỹ năng cần thiết nhất. Đây là một cuốn sách hay

  4. Duy Luong

    Một cuốn sách với tựa đề rất gây tò mò và ngờ vực khi đặt ra vấn đề học mọi kỹ năng chỉ với trong vòng 20 giờ tập luyện.

    Tuy nhiên, cuốn sách khá thực tế và khả thi. Nó đặt ra những vấn đề hợp lý trong việc bạn đặt mục tiêu cho việc học kỹ năng của mình, tìm hiểu, và tạo điều kiện cho chính mình chăm chỉ chuyên cần tập luyện nhất có thể.

    Tác giả cũng trình bày việc áp dụng thực tế của chính mình để độc giả có thể có những ví dụ trực quan nhất,

    Thêm một điểm cộng nữa, là cuốn sách không chỉ hướng dẫn bạn cách học, mà còn khơi gợi lòng say mê học hỏi của người đọc, khi mà trong thực tế chúng ta lười việc ấy và sa đà vào nhiều thứ khác vô bổ hơn

  5. Hoàng Lan

    Sách này hay, mình có đọc và thích cách tư duy đổi mới của Josh

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button