Tác giả

Những tác giả lừng danh chỉ viết một tác phẩm duy nhất trong đời

Với chỉ một tác phẩm, họ đã đưa tên tuổi của mình lên đỉnh cao trong giới văn học. Và vì nhiều lý do, họ đã không bao giờ cho ra một cuốn sách nào khác nữa.

Thông thường khi một nhà văn phát hành cuốn sách best-seller đầu tiên thì mọi chuyện chỉ mới ở góc độ bắt đầu mà thôi. Họ sẽ còn tiếp tục sáng tác và cho ra đời những tác phẩm tiếp theo để duy trì thành công của chính mình. Tuy nhiên đó không phải là tất cả, có một số nhà văn phát hành cuốn sách đầu tiên rồi dừng lại, để tác phẩm đó là “đứa con tinh thần” duy nhất mà thôi.

Tác phẩm từng bị ngăn cấm, tác giả qua đời sớm, mong muốn cá nhân… hay bất cứ lý do gì đi chăng nữa thì những tác giả này đã để lại cho kho tàng văn học thế giới tác phẩm xuất sắc nhất, dù số lượng chỉ có một mà thôi.

1. Arthur Golden – Hồi ức của một Geisha

Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1997 sau 6 năm Arthur Golden miệt mài tìm kiếm và viết lách. Toàn bộ câu chuyện kể về một cô gái tên Sayuri bị bán làm nô lệ từ năm 9 tuổi. Ngay khi cuốn sách vừa xuất bản đã ngay lập tức gây tiếng vang và nằm trong danh sách bán chạy của The New York Time suốt hai năm liền. Khi đó, cuốn sách bán được khoảng 4 triệu bản.

Arthur Golden trả lời phỏng vấn trên đài CNN về cuốn sách của mình: “Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ viết một cái gì đó và lúc đó, tôi chưa biết mình sẽ viết về Nhật Bản cả. Cuối cùng tôi vẫn viết về nó chỉ vì muốn viết mà thôi. Thế nhưng tôi lại cho phát hành cuốn sách này ở Mỹ”.

Hồi ức của một Geisha đã được chuyển thể thành phim. Tuy vậy sau gần 20 năm cho ra cuốn sách nổi tiếng, Arthur Golden vẫn chưa có ý định viết thêm một cuốn sách nữa.

2. J.D. Slinger – Bắt trẻ đồng xanh

“Bắt trẻ đồng xanh” có nội dung gai góc và thô hơn cái tên mỹ miều của sách

Salinger bắt đầu được biết đến với cuốn sách xuất bản năm 1951 mang tên Bắt trẻ đồng xanh. Cá tính kỳ quặc, thất thường và mâu thuẫn của cậu chàng Holden Caulfield đã thu hút người đọc và mang về doanh số bán sách lên đến 60 triệu cuốn. Thế nhưng, “cha đẻ” của nó là Salinger lại chán ghét sự nổi tiếng và việc xuất hiện trước công chúng.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Salinger cũng viết một số truyện ngắn như Nine Stories (1953), Franny and Zooey (1961),… nhưng Bắt trẻ đồng xanh là tiểu thuyết duy nhất của Salinger.

3. Emily Bronte – Đồi gió hú

Cuốn sách được xếp vào hàng những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới. Nhưng để đạt được kết quả này, cuốn sách từng trải qua những chỉ trích, bình luận khác nhau ngay từ khi vừa xuất bản.

Tình yêu và hận thù của nhân vật trong Đồi gió hú khiến cuốn sách được đánh giá là thất vọng, hoang dã, buồn rầu… thậm chí là vô đạo đức. Một số người còn khuyên nên đọc tác phẩm Jane Eyre của người chị hơn là Đồi gió hú.

Dù vậy, năm 2013, Đồi gió hú được xếp hạng thứ 13 trong danh sách 100 tiểu thuyết xuất sắc nhất thời đại do tờ The Guardian bình chọn. Còn Emily Bronte, bà cũng có viết một số bài thơ khác nữa nhưng Đồi gió hú là tác phẩm duy nhất của bà.

4. Margaret Mitchell – Cuốn theo chiều gió

“Cuốn theo chiều gió” trở thành một trong những tác phẩm đáng chú ý nhất thế kỉ 20

Cuốn sách lấy bối cảnh về cuộc nội chiến ở Mỹ này được xuất bản vào năm 1936 và được trang Buzzfeed xếp hạng là một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Năm 1937, tác giả Margaret đã đoạt giải Pulitzer và năm 1939, cuốn sách được dựng thành phim.

Đến nay, Cuốn theo chiều gió vẫn duy trì sức thu hút của mình với trung bình khoảng 75.000 cuốn sách bán ra hằng năm. Còn tại sao Margaret không cho ra đời cuốn sách thứ hai, bà từng trả lời rằng bà không muốn là trung tâm của sự chú ý, không màng đến việc nổi tiếng hay không.

5. Anna Sewell – Ngựa ô yêu dấu

Anna Sewell là một người rất yêu động vật, đặc biệt là loài ngựa. Đó cũng là lý do tại sao bà quyết định viết tác phẩm Ngựa ô yêu dấu và xuất bản năm 1877. Thế nhưng trước đó tình yêu ngựa của bà không đúng hoàn cảnh, năm 14 tuổi, bà ngã ngựa khi đang trên đường đến trường, bị thương hai mắt cá chân và không thể bước đi hay đứng trong một thời gian dài.

Anna bắt đầu sử dụng xe ngựa và cuối cùng, bà cho ra tiểu thuyết Ngựa ô yêu dấu như một cuốn tự truyện về hồi ức với một chú ngựa, từ lúc kéo xe ở London đến khi được nghỉ hưu ở đồng quê. Cuốn sách bán được hơn 50 triệu bản trên toàn thế giới. Những người hâm mộ luôn mong muốn được cầm trên tay cuốn sách nữa của Anna nhưng bà đã không bao giờ viết thêm một cuốn nào khác.

6. Sylvia Plath – Quả chuông ác mộng

Sylvia Plath đã tự tử sau khi cuốn sách ra mắt và người ta không còn có thể đọc tác phẩm nào từ bà

Sylvia Plath từng viết nhiều bài thơ nhưng cuốn bán tự truyện của một phụ nữ trẻ mang tên Quả chuông ác mộng lại là cuốn tiẻu thuyết duy nhất của bà. Cuốn sách được xuất bản vào năm 1963 dưới bút danh là Victoria Lucas. Cuốn sách kể câu chuyện về một bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, dựa trên những trải nghiệm của chính Sylvia Plath. Bản thân Sylvia lại tự tử khoảng một tháng sau khi tác phẩm được xuất bản.

Cuốn sách bán được hơn 3 triệu bản thế nhưng lại bị từ chối bởi các nhà xuất bản ở Anh.

7. Boris Pasternak – Bác sĩ Zhivago

Boris Pasternak là một nhà thơ xuất sắc nhưng ông lại được nhớ đến bởi cuốn tiểu thuyết duy nhất là Bác sĩ Zhivago, tác phẩm mang về cho ông một giải Nobel Văn học. Ban đầu, tác phẩm gặp khó khăn trong vấn đề xuất bản vì liên quan tới những rắc rối chính trị nhưng cuối cùng cuốn sách cũng trở thành một tác phẩm lớn.

Năm 1958, Boris Pasternak được trao giải Nobel Văn học nhưng ông đã không đến nhận. Ba năm sau khi xuất bản Bác sĩ Zhivago, Boris bị bệnh ung thư phổi và qua đời, để lại một cuốn tiểu thuyết khác vẫn đang dang dở.

Hoàng Hương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button