Nắng Trong Vườn

(5 đánh giá của khách hàng)

Nắng trong vườn là tập truyện ngắn hiện thực và cảm động của nhà văn Thạch Lam, trong Tự lực văn đoàn, xuất bản lần đầu năm 1938. Nắng trong vườn gồm 12 truyện ngắn, văn phong cảm động, lãng mạn, nội dung sâu sắc, đầy tính nhân văn. Có những câu chuyện nhẹ nhàng, bình dị, nhưng đôi chỗ, lời văn lại vô cùng táo bạo và mãnh liệt. Thạch Lam rất giỏi trong việc miêu tả những trạng thái mơ hồ, mong manh trong tâm hồn con người, có lẽ vì vậy mà người đọc như khám phá ra một góc khác trong con người mình mà trước đây biết đến nhưng chưa thể gọi tên….

Danh mục:

Giới thiệu

Nắng trong vườn là tập truyện ngắn hiện thực và cảm động của nhà văn Thạch Lam, trong Tự lực văn đoàn, xuất bản lần đầu năm 1938. Nắng trong vườn gồm 12 truyện ngắn, văn phong cảm động, lãng mạn, nội dung sâu sắc, đầy tính nhân văn. Có những câu chuyện nhẹ nhàng, bình dị, nhưng đôi chỗ, lời văn lại vô cùng táo bạo và mãnh liệt. Thạch Lam rất giỏi trong việc miêu tả những trạng thái mơ hồ, mong manh trong tâm hồn con người, có lẽ vì vậy mà người đọc như khám phá ra một góc khác trong con người mình mà trước đây biết đến nhưng chưa thể gọi tên….

Đọc thử

Gần hết mùa hè năm… tôi không rời bỏ Hà Nội một cách đột nhiên. Buổi sớm kia, khi trở dậy trong căn phòng nhà trọ, tôi thấy ánh nắng rực rỡ xuyên qua các khe lá đến nhẩy múa trên mặt tường. Trời trong và gió mát quá, khiến tôi chợt nhớ đến cánh đồi, ruộng ở chỗ ông Ba ở mà đã lâu năm tôi chưa về thăm.

Một vài bộ quần áo với mấy quyển sách đem theo, tôi hớn hở ra ga, sung sướng được xa lánh cái náo nhiệt của thành phố, và nhất là được quên những bài học khô khan và vô ích ở nhà trường.

Tất cả tâm hồn tôi nẩy nở dưới cơn gió từ quãng không đưa lại. Trên tầu, tôi mải mê ngắm dẫy đồi núi xanh xanh ở tận chân trời; chỗ tôi sắp đến cũng có những đồi núi như thế. Ông Ba, bạn thân với cha tôi hồi trước, có một cái đồn điền rộng, trồng toàn sắn và trè. Hồi nhỏ, tôi đã nhiều lần đến chơi nhà ông, nhưng từ khi ra học Hà Nội, tôi không có dịp về nữa.

Xuống ga, một cái ga nhỏ gần tỉnh P., không có ai ra đón tôi cả. Tôi biết trước, vì khi đi tôi cũng không gửi giấy báo cho ông Ba biết. Tôi muốn đến một cách bất thình lình.

Chiếc cập cắp ở nhác, tôi thong thả theo con sông Cống, chạy khuất khúc lên giữa các đồi. Một cái cầu gỗ mong manh bắc qua sông. Hai rặng thông từ trên đỉnh đồi chạy xuôi xuống tận gần bờ, giữa luồng gió thoảng, và cái tiếng rì rào như nhớ nhung của lá thông trái gió nhắc tôi nghĩ đến những cảnh rộng rãi bao la.

Buổi chiều rất êm ả. Về phía tây, mây trời rực rỡ những mầu sáng lạn và ánh nắng chiều loàng một khúc sông, trông như một giải vàng nổi lên giữa đồi ruộng đã bắt đầu tím lại. Một đàn chim đi ăn về vút bay qua ngang đầu, tiếng cánh vỗ rào rào như trận mưa; tôi ngửng lên nhìn theo đến khi cái vết đen linh động của đàn chim lặn hẳn với chân mây.

Tôi theo con đường nhỏ ở ven đồi, qua hai dẫy phố, một cái chợ nhỏ, rồi rẽ về bên phải. Nhà ông Ba ở ngay chân đồi, trông xuống chợ, một cái nhà gạch cũ, tường phủ rêu xanh. Tôi không lưỡng lự, bước đến đẩy cổng vào.

Qua cửa, lên mấy bực vườn trè, tôi gặp ngay hai ông bà đang ngồi hóng mát ở giữa sân. Ông Ba thấy tôi reo to:

– A, cậu Bình đã lên. Từ lúc gửi giấy về, chúng tôi mong cậu mãi.

Bà Ba cũng ân cần hỏi:

– Sao cậu không đánh giây thép lên cho biết trước để ra đón?

Tôi ngả mũ chào, đáp lại lời hỏi thăm vồn vã của bà Ba, bà lạ bạn thân với mẹ tôi, hồi mẹ tôi còn buôn bán ở trên này.

Ông Ba là một người nhà quê đứng tuổi và khỏe mạnh. Trông khe áo cánh hở ngực, tôi thấy người ông nở nang, da xám và hồng hào, nước da của những người làm lụng ở ngoài trời và ánh nắng.

Ông đứng dậy nắm tay tôi, đẩy một đứa bé con lại gần, bảo:

– Ðây, cậu Bình đây, con chào đi.

Rồi quay lại phía tôi, ông cười nói:

– Nó cứ nhắc đến cậu luôn và cứ đòi lên Hà Nội.

Tôi xoa đầu cậu bé xinh xắn, độ lên bẩy, tám tuổi. Song, ông Ba rủ tôi đi xem vườn và phố chợ.

Nhà ông chung quanh là vườn cả, từng đợt cao, thấp lên đến đỉnh đồi. Hai bên giồng toàn trè và sắn. Giữa có một lối đi, xếp từng bực đá, những hòn đá mầu xám tím, chơn chu và từng chỗ có rêu xanh bám phủ đầy. Thỉnh thoảng, một cây bứa tươi tốt mọc ở bên, những cành thấp xiên ngang ra khiến chúng tôi phải cúi mình chui qua.

Xuống đến chân đồi, tôi bỗng nghe thấy tiếng cười nói trong cây lá, và qua mấy rặng trè, tôi thấy thoáng có bóng người. Ông Ba nhìn tôi bảo:

– Hai em đây, cậu còn nhớ không?

Tôi gật đầu yên lặng tuy không có hình ảnh nào nổi lên trong trí nhớ cả.

Phố chợ ở ngay đầu cầu. Con sông Cống uốn éo trong dẫy đồi, khuất đi, rồi lại loáng loáng đằng xa, chạy giữa những giải ruộng eo hẹp. Bấy giờ sương đã xuống, dặng núi ở chân trời đã bị che lấp. Chúng tôi dạo qua một lượt ở phố, hay dẫy nhà lá nhỏ bé, nhưng ngăn nắp và sạch sẽ, trông rất vui mắt.

Sẩm tối, ông Ba cùng tôi về, một mâm cỗ đầy đã thấy bầy trên chiếc bàn ở giữa sân, bà Ba đang chạy loăng quăng sửa soạn các thức ăn. Thấy tôi, bà vội vã mời:

– Cậu về ăn cơm. Có bữa ăn xoàng, xin cậu ăn thực bụng nhé.

Tôi mỉm cười, rồi ngồi vào bàn, tuy trong người mệt mỏi và không thấy đói mà cũng phải cố ăn để vui lòng bà chủ. Ông Ba thì vui vẻ lắm, như rất thích được có người đến chơi, nhất người ấy lại là tôi. Ông uống từng chén rượu lớn, cười nói vang lên. Bà Ba ngồi yên lặng bên cạnh, luôn luôn gắp thức ăn vào bát, ép tôi ăn. Bà cũng hình như vui vẻ lắm vì thấy chồng vui vẻ.

Tôi đưa mắt nhìn vào trong nhà rồi hỏi:

– Thưa bác, các em đâu, bác không bảo ra ăn cơm một thể.

Bà Ba đáp:

– Cậu cứ ăn đi. Các em nó đã ăn cơm cả rồi.

Ngừng một lát, bà mỉm cười nói thêm:

– Chúng nó thẹn không dám ra.

Ông Ca cười to, đáp:

– Ồ, cậu Bình đấy, chứ ai đâu mà thẹn. Chúng nó không nhớ lúc bé vẫn bám theo cậu ấy xin quà à?

Tôi cố nhớ lại buổi cuối cùng lên chơi đây, đã lâu lắm. Hình như độ ấy có hai cô gái bé con để chỏm và mới cắp sách đi học.

Tôi không thể ngờ được lại là hai cô thiếu nữ mà tôi mới thoáng trông thấy ở trong vườn.

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

Những quyển sách hay nhất của Thạch Lam - Thạch Lam – một nhà văn lãng mạng tiểu biểu. Sách của Thạch Lam mang phong cách viết nhẹ nhàng, thấm đượm tính chất trữ tình, êm ái đi vào tâm hồn bạn đọc. Mỗi trang viết của Thạch Lam đều là một cái đẹp, là chiều sau tâm hồn, là mỗi phút giây đi qua… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho Nắng Trong Vườn

  1. Todagawa Shuu

    Biết tác giả Thạch Lam qua tác phẩm Hai Đứa Trẻ hồi học phổ thông, và rất cảm mến giọng văn từ tốn và giàu chất thơ của ông. Khi đọc Nắng Trong Vườn mình cảm thấy rung động trước những số phận nghèo khổ của người dân Việt Nam thời kì pháp thuộc. Với lối viết tinh tế, nhẹ nhàng khiến mọi sự việc, hành động trôi dần dần qua như con suối nhẹ, dễ dàng lắng đọng trong tâm hồn. Ngoài ra, sách còn được thiết kế rất đẹp cả bên trong lẫn bên ngoài nên càng khiến mình thêm yêu thích quyển sách hơn.

  2. Norton Le

    Văn phong của Thạch Lam nhẹ nhà như gió thổi, uyển chuyển như nước, cứ thế thấm từ từ vào cơ thể bạn lúc nào cũng không hay. Nếu bạn từng thích truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” đã học ở chương trình phổ thông, chắc hẳn bạn cũng sẽ thích các tác phẩm trong đây. Vẫn trung thành với việc khắc họa bức tranh làng quê xã hội Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ 20, tác phẩm sẽ giúp bạn hiểu rõ thêm về cuộc sống bình dị của những con người thời đó. Tác phẩm sẽ giúp bạn “trung hòa” những lối sống lố lăng trong các tác phẩm “Số Đỏ” hay “Giông Tố”.

  3. Trần Thị Thu Hiền

    Tác phẩm nổi bật rõ được quan điểm văn chương của nhà văn Thạch Lam.Một lối viết tinh tế, nhẹ nhàng và mọi sự việc, hành động trôi dần dần qua như con suối nhẹ, và sau đó, ẩn chứa trong lòng người đọc miên man những cảm xúc mới mẻ, trong trẻo.Thạch Lam với tác phẩm Nắng trong vườn thể hiện rõ phong cách nghệ thuật vì nghệ thuật,một tác phẩm xứng đáng để ta học hỏi theo.Học lối suy nghĩ tinh tế ấy, học cách miêu tả cảm xúc chân thành nhẹ nhàng ấy và học cách miêu tả cảnh vật chung quanh thật lãng mạn, sinh động.

  4. Nguyễn Thảo

    Nếu như Hà Nội 36 phố phường của Thạch Lam là một nét giản dị, trong sáng thì Nắng trong vườn sâu lắng và chứa đựng nhiều hơn những góc khuất của cuộc sống. Là sự trong sáng, hồn nhiên của Hai đứa trẻ, nhưng cũng chứa đựng những xót xa, hoài niệm của tác giả với Bên kia sông và đoạn kết đầy tâm trạng về câu chuyện của vợ chồng bà Cả – người lắm của nhiều tiền nhưng muộn con trong truyện ngắn Đứa con. Đọc tác phẩm để cảm nhận được sự sâu lắng và buồn cho số phận của từng nhân vật. Bên cạnh đó, ta còn cảm nhận được nét phóng khoáng trong cách hành văn, dẫn truyện của tác giả khi viết về những câu chuyện tình yêu đôi lứa lúc bấy giờ.

  5. Nguyễn Thị Thúy Ngân

    ” Nắng trong vườn” của nhà văn Thạch Lam là một cuốn sách vô cùng tuyệt vời. Những câu truyện trong cuốn sách này đều mang một màu sắc man mác buồn nhưng để lại một ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc. Truyện đã tái hiện lại cả một thời kì đã qua của đất nước ta. Độc giả như được quay trở về với quá khứ, với những giá trị lâu bền sẽ còn mãi với mọi thời đại. Quyển truyện được thiết kế rất trang nhã, nhẹ nhàng, dễ đọc. “Nắng trong vườn” của Thạch Lam quả là một cuốn sách rất hay và ý nghĩa.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button