451 Độ F

(5 đánh giá của khách hàng)

Xã hội chúng ta đang sống ngày nay giống với những gì Bradbury mô tả đến rùng mình: một nền văn minh lệ thuộc quá nhiều vào truyền thông, giải trí và công nghệ. Bởi lẽ đó, hơn sáu chục năm kể từ lần đầu xuất bản, 451 độ F vẫn đủ sức khiến bất kỳ ai đọc nó phải sửng sốt và choáng váng.

Danh mục:

Giới thiệu

Hãy mường tượng một thế giới nơi truyền hình thống trị và văn chương ngấp nghé trên bờ tuyệt chủng, nơi thông tin nông cạn được tung hô còn tri thức và ý tưởng thì bị ruồng rẫy, nơi tàng trữ sách là phạm pháp, ta có thể bị bắt chỉ vì tản bộ trên vỉa hè, còn nhiệm vụ của những người lính không phải cứu hỏa mà là châm mồi cho những đám cháy…

Khi khắc họa cái xã hội giả tưởng ấy qua con mắt nhìn khủng hoảng niềm tin của anh lính phóng hỏa Montag, Ray Bradbury chắc không thể ngờ vào tính tiên tri khủng khiếp của cuốn sách. Xã hội chúng ta đang sống ngày nay giống với những gì Bradbury mô tả đến rùng mình: một nền văn minh lệ thuộc quá nhiều vào truyền thông, giải trí và công nghệ. Bởi lẽ đó, hơn sáu chục năm kể từ lần đầu xuất bản, 451 độ F vẫn đủ sức khiến bất kỳ ai đọc nó phải sửng sốt và choáng váng

Đọc thử

Đốt là một cái thú.

Được thấy thứ này thứ nọ bị ngốn ngấu dần, thứ này thứ nọ bị đen đi và bị biến dạng, đó là một cái thú đặc biệt. Với cái đầu vòi bằng đồng nắm chặt trong tay, với con mãng xà khổng lồ phun thứ nọc độc dầu hỏa lên thế giới, mạch máu giật giật trong đầu anh, và tay anh là tay của một nhạc trưởng kỳ tuyệt nào đấy đang chơi tất tật các bản giao hưởng của bùng cháy và thiêu đốt hầu làm cho rụi hẳn nhũng mảnh vụn và tàn dư than củi của lịch sử. Với cái mũ sắt tượng trưng mang số 451 trên cái đầu phớt lạnh, và đôi mắt bừng lửa màu cam với ý nghĩ về điều sẽ đến tiếp theo đây, anh bật mồi lửa và căn nhà thoắt cái nhào vào một ngọn lửa ngoác mồm nung cháy bầu trời buổi tối thành màu đỏ màu vàng màu đen. Anh xoải bước vào một bầy đom đóm lửa. Trên hết cả, anh muốn, giống như câu đùa cũ nói, xọc một cái kẹo dẻo trên đầu gậy vào bếp lửa, trong khi những quyển sách với đôi cánh bồ câu vỗ phần phật chết trên hàng hiên và bãi cỏ của căn nhà. Trong khi những cuốn sách tung bay trong những vòng xoáy lửa rồi bị cuốn đi theo một làn gió đã ám màu khói.

Montag cười cái nụ cười gằn của tất cả những người bị lửa táp cho cháy nám và buộc phải lùi bước.

Anh biết rằng khi anh quay lại trạm phóng hỏa, anh có thể nháy mắt với chính mình, một nghệ nhân lang thang, đen nhẻm như bần cháy, ở trong gương. Sau đó, đi ngủ, anh sẽ cảm thấy cái nụ cười dữ dằn kia vẫn còn được các cơ mặt mình giữ chặt, trong bóng tối. Nó chả bao giờ biến đi hẳn, cái nụ cười ấy, nó chẳng bao giờ đi hẳn, theo như anh còn nhớ được.

Anh treo chiếc mũ bảo hộ màu đen bọ cánh cứng lên mà đánh bóng; anh treo chiếc áo khoác chống cháy lên thật chỉn chu; anh xối nước tắm xả láng, rồi thì, mồm huýt sáo, tay đút túi quần, anh băng qua tầng trên của trạm phóng hỏa và rơi tọt xuống cái lỗ. Đến khoảnh khắc cuối, khi tai họa xem chừng không tránh khỏi, anh rút hai tay ra khỏi túi quần và ngắt ngang cú rơi của mình bằng cách chộp lấy cây cột vàng. Anh dừng khựng lại với một tiếng ken két, hai gót chân chỉ còn cách sàn bê tông tầng dưới chưa đầy ba phân.

Anh đi ra khỏi trạm phóng hỏa và bước dọc con phố nửa đêm về phía đường tàu điện ngầm nơi đoàn tàu chân không trôi im ru dọc theo đường ống trơn tru trong lòng đất và với một luồng hơi vĩ đại phụt ra âm ấm nhả anh lên cái thang chuyền giữa hai vách tường lát gạch màu kem dẫn lên khu ngoại ô.

Miệng huýt sáo, anh để cái thang chuyền nâng anh lướt khẽ về phía bầu không khí ban đêm tĩnh lặng. Anh bước về phía góc phố, gần như chẳng nghĩ về cái gì cụ thể. Tuy nhiên, chưa kịp đến góc phố thì anh chậm bước như thể có một làn gió nổi lên chẳng rõ từ đâu, như thể có ai đó vừa gọi tên anh.

Mấy đêm gần đây anh có cảm giác hết sức bất an về cái vỉa hè ngay nơi góc đường đây, mỗi lần đi về nhà dưới ánh sao. Anh có cảm giác một khoảnh khắc ngay trước khi anh rẽ vào khúc quanh, có ai đó vừa ở đấy. Bầu không khí tuồng như nhuốm một sự bình an đặc biệt, như thể có ai đó đã đợi ở đấy, lặng lẽ, và chỉ một khoảnh khắc trước khi anh đến, mới biến thành cái bóng để anh đi xuyên qua. Có lẽ mũi anh phát hiện được một mùi hương thoang thoảng, có lẽ da trên mu hai bàn tay anh, trên mặt anh, cảm nhận được nhiệt độ tăng lên ngay tại vị trí này, vì nếu có một người đứng thì không khí ngay tại đấy có thể nóng lên mười độ trong chốc lát. Không thể nào hiểu được. Mỗi lần rẽ ở khúc quanh, anh chỉ thấy vỉa hè màu trắng, không ai sử dụng, cong vênh, có chăng là, vào một đêm nọ, có gì đó thoắt cái đã vụt băng qua một bãi cỏ trước khi anh kịp chú mục vào hay mở miệng nói.

Nhưng đêm nay, anh chậm bước lại đến mức gần như dừng hẳn. Tâm trí anh, vươn ra đằng trước để rẽ nơi khúc quanh thay cho thể xác, đã nghe được tiếng thì thầm hết sức khẽ khàng. Tiếng thở ư? Hay là bầu không khí bị nén lại chỉ vì có ai đó hết sức lặng lẽ đứng đấy, chờ đợi?

Anh rẽ nơi khúc quanh.

Lá thu bay xào xạc trên vỉa hè sáng trăng khiến cho cô gái đi trên đó tựa hồ như đang lướt, buông mình cho chuyển động của gió và lá đưa về phía trước. Đầu nàng hơi cúi xuống để quan sát đôi giày khuấy động những chiếc lá xoáy tròn. Mặt nàng nhỏ nhắn và trắng như sữa, và trên khuôn mặt đó có một vẻ khao khát dịu dàng chạm vào mọi thứ với sự hiếu kỳ không biết mệt mỏi. Đó là một cái nhìn hồ như phơn phớt ngạc nhiên; đôi mắt đen dán chặt vào thế giới đến nỗi không một động tĩnh nào thoát khỏi nó được. Váy nàng màu trắng, và nó lao xao. Anh tưởng như mình nghe được cả cử động của hai bàn tay nàng khi nàng bước đi, và cái âm thanh nhỏ vô cùng nhỏ lúc này, sắc trắng khuấy động trên khuôn mặt nàng khi nàng phát hiện ra mình đang đến rất gần một người đàn ông đang đứng chờ giữa vỉa hè.

Cây cối trên đầu rào rào đổ con mưa lá. Cô gái dừng bước và trông như thể sẽ giật lùi lại vì bị bất ngờ, song nàng lại đứng đấy nhìn Montag với đôi mắt thật đen thật sáng thật sống động đến nỗi anh cảm thấy mình vừa nói một điều gì tuyệt đẹp. Song anh biết miệng anh chỉ vừa mới động đậy để nói tiếng chào, và khi nàng có vẻ bị thôi miên bởi con rồng lửa trên cánh tay anh và cái đĩa phượng hoàng trên ngực anh, anh lại nói.

“Dĩ nhiên,” anh nói, “cô là hàng xóm mới của chúng tôi, phải không?”

“Còn anh ắt hẳn là…” mắt nàng đang dán vào các biểu tượng nghề nghiệp của anh liền ngước lên, “… lính phóng hỏa.” Giọng nàng nhỏ dần.

“Lạ nhỉ, làm sao cô biết.”

“Em… nhắm mắt em cũng biết,” nàng nói, chậm rãi.

“Sao kia… do mùi dầu hỏa chăng? Vợ tôi cứ kêu ca cằn nhằn suốt,” anh cười to. “Có tắm rửa cũng chả bao giờ gột cho hết được.”

“Không, không gột được đâu,” nàng nói, với vẻ kinh sợ.

Anh cảm thấy nàng đang lượn vòng xung quanh anh, xoay anh từ bên này qua bên kia, khẽ lắc anh, và dốc rỗng hết các túi của anh, trong khi nàng không hề nhúc nhích.

“Dầu hỏa,” anh nói, bởi khoảng lặng đã kéo dài, “với tôi chẳng khác gì nước hoa.”

“Có thật là nó có vẻ như vậy không?”

“Dĩ nhiên. Sao lại không?”

Nàng nghĩ ngợi một hồi lâu. “Em không biết.” Nàng quay lại nhìn vỉa hè dẫn về nhà họ. “Em đi cùng anh có được không? Em là Clarisse McClellan.”

“Clarisse. Tôi là Guy Montag. Nào ta đi. Cô làm gì mà lang thang ngoài đường giữa đêm hôm khuya khoắt thế này? Cô bao nhiêu tuổi?”

Họ bước đi trong đêm đầy gió vừa ấm áp vừa mát mẻ trên vỉa hè dát bạc, có hương mơ và dâu tươi thoảng nhẹ trong không khí, anh liền nhìn quanh và nhận ra chuyện này không thể xảy ra được, mùa ấy đã qua lâu lắm rồi.

Lúc này chỉ có cô gái đang đi cùng anh, khuôn mặt nàng sáng như tuyết dưới ánh trăng, và anh biết nàng đang lật đi lật lại những câu hỏi của anh, tìm câu trả lòi tốt nhất để đáp lại.

“À” nàng nói, “em mười bảy tuổi và em điên khùng. Ông bác em nói hai thứ đó luôn luôn đi với nhau. Bác bảo là khi người ta hỏi tuổi em, em hãy luôn luôn nói em mười bảy tuổi và bị điên. Đi bộ ban đêm vào giờ này chẳng phải là rất hay sao? Em thích ngửi mùi các thứ và nhìn các thứ, đôi khi em thức suốt đêm, cứ đi hoài, và ngắm mặt trời mọc.”

Họ lại đi trong im lặng và cuối cùng nàng nói, vẻ suy tư, “Anh biết không, em chẳng sợ anh tí nào cả.”

Anh ngạc nhiên. “Sao em lại phải sợ?”

“Nhiều người sợ lắm. Ý em là sợ lính phóng hỏa. Nhưng xét cho cùng anh chỉ là người thường thôi mà…”

Anh thấy chính mình trong mắt nàng, đọng lại trong hai giọt nước sáng lóng lánh, bản thân anh thì nhỏ xíu, tối đen, rõ từng chi tiết một, nếp nhăn quanh miệng anh, mọi cái đều ở đấy, dường như mắt nàng là hai mẩu hổ phách huyền diệu màu tím có khả năng tóm bắt anh và giữ anh hoàn toàn nguyên vẹn. Mặt nàng, lúc này quay sang anh, nom như bằng thứ pha lê màu sữa mỏng manh, với một ánh sáng mềm mại, bền bỉ bên trong nó. Không phải thứ ánh sáng đầy kích động của điện mà là… là gì? Mà là ánh sáng bình thản lạ lùng, hiếm hơi và hơi lay động của ngọn nến. Có lần, hồi anh còn nhỏ, khi điện bị cắt, mẹ anh tìm ra và thắp lên cây nến cuối cùng và rồi tiếp theo đó là một tiếng đồng hồ ngắn ngủi tái khám phá, tái khám phá cái nguồn sáng khiến cho không gian mất đi những đường nét dài rộng mà tiến lại gần quanh họ, thân thiện ấm cúng, và họ, hai mẹ con, chỉ hai người, như là con người mới, chi mong điện đừng có lại quá sớm…

Thế rồi Clarisse McClellan nói:

“Em hỏi cái này không biết có được không? Anh làm lính phóng hỏa được bao lâu rồi?”

“Từ năm hai mươi tuổi, mười năm rồi.”

“Anh đã có khi nào đọc những sách mà anh đốt chưa?”

Anh phá lên cười. “Chuyện đó phạm pháp mà!”

“Ồ. Dĩ nhiên.”

“Việc ấy hay lắm. Thứ Hai ta đốt Hardy, thứ Tư Tennyson, thứ Sáu Swift, đốt thành tro, rồi thì đốt tiêu luôn tro. Khẩu hiệu chính thức của tụi tôi đó.”

Họ đi tiếp, rồi cô gái nói, “Có đúng là hồi xưa chỉ có lính chuyên dập lửa chứ không có lính chuyên phóng lửa?”

“Không. Nhà cửa xưa nay luôn luôn chịu lửa, tin lời tôi đi.”

“Lạ nhỉ. Có lần em nghe bảo hồi xưa, xưa lắm rồi ấy, nhà cửa thường hay bị cháy do tai nạn nên người ta phải có lính cứu hỏa để ngăn lửa lại.”

Anh cả cười.

Nàng liếc nhanh sang. “Sao anh lại cười?”

“Tôi không biết.” Anh lại phá lên cười rồi ngừng lại. “Nhưng sao?”

“Anh cười khi em không có ý chọc cười thế rồi anh trả lời ngay tắp lự. Anh chả khi nào chịu dừng lại mà nghĩ cho kỹ điều em hỏi anh.”

Anh dừng bước. “Cô lạ thật,” anh nói, nhìn nàng. “Cô không biết tôn trọng người khác sao?”

“Em không có ý xúc phạm. Chắc chỉ là vì em thích quan sát thiên hạ quá.”

“Chậc, thế cái này có chút ý nghĩa gì với cô không?” Anh vỗ vỗ vào con số 451 thêu trên tay áo màu than của mình.

“Có,” cô thì thầm. Cô rảo bước lên. “Có khi nào anh quan sát mấy chiếc xe phản lực lao vùn vụt trên đại lộ đằng kia không?”

“Cô đánh trống lảng kìa!”

“Đôi khi em nghĩ những người lái kia chẳng biết cỏ hay hoa là cái gì, bởi họ chẳng bao giờ nhìn chúng một cách chậm rãi hết,” nàng nói. “Nếu anh cho một tay tài xế xem một vệt mờ màu xanh lục thì, Ồ vâng, là cỏ đây, y ta sẽ nói. Một vệt mờ màu hồng? ừ thì một vườn hồng! Những vệt mờ màu trắng là nhà cửa. Vệt mờ màu nâu là mấy con bò. Ông bác em có lần lái xe chậm trên xa lộ. Bác ấy lái bốn mươi dặm một giờ, thế là người ta giam bác ấy hai ngày. Chuyện ấy chẳng phải tức cười sao, mà cũng buồn nữa?”

“Cô cả nghĩ quá đấy,” Montag nói, cảm thấy bứt rứt.

“Em chả mấy khi xem mấy cái ‘tường phòng khách’ hay đi xem đua xe hay tới công viên giải trí. Thành thử em có khối thì giờ để suy nghĩ toàn chuyện điên khùng, chắc thế. Anh đã thấy cái biển quảng cáo dài bảy chục mét ở vùng quê bên ngoài thành phố chưa? Anh có biết là hồi xưa biển quảng cáo chỉ dài bảy mét thôi không? Nhưng bây giờ xe chạy nhanh đến nỗi người ta phải kéo dài cái biển ra như vậy thì nó mới hiện đủ lâu để người lái xe thấy được trên đó có gì.”

“Tôi không biết chuyện ấy!” Montag bật cười.

“Cá là em còn biết chuyện khác mà anh không biết. Có sương trên cỏ vào buổi sáng.”

Anh bỗng dưng không nhớ được liệu mình có biết chuyện này không, và điều đó khiến anh bực dọc.

“Và nếu anh nhìn,” nàng hất đầu về phía bầu trời, “thì sẽ thấy có người ở trên mặt trăng.”

Đã lâu lắm rồi anh không nhìn.

Họ đi bộ nốt đoạn đường còn lại trong im lặng, nàng im lặng trầm ngâm, còn anh thì một thứ im lặng bức bối khó chịu, thỉnh thoảng anh lại liếc nhìn nàng như thể kết tội. Khi họ về đến nhà nàng, tất cả đèn đóm đều sáng trưng.

“Chuyện gì vậy?” Montag hiếm khi thấy nhiều đèn đến thế trong một căn nhà.

“Ồ, chỉ là ba mẹ em với ông bác em ngồi nói chuyện ấy mà. Cũng như làm người đi bộ thôi, chỉ có điều hiếm khi hơn. Bác em có một lần khác bị bắt – em kể cho anh chưa nhỉ? – vì tội đi bộ. Ôi, nhà chúng em thật kỳ quặc quá sức.”

“Nhưng nhà em nói về chuyện gì vậy chứ?”

Nàng nghe thế liền phá lên cười. “Chúc ngủ ngon!” Nàng rảo bước. Đoạn nàng như nhớ ra điều gì, liền quay lại nhìn anh với vẻ vừa ngạc nhiên vừa tò mò. “Anh có hạnh phúc không?” nàng nói.

“Tôi có sao cơ?” anh kêu lên.

Nhưng nàng đã đi rồi – nàng chạy đi trong ánh trăng. Cửa trước nhè nhẹ khép lại.

“Hạnh phúc! Vớ vẩn quá chừng.”

Anh thôi cười.

Anh đút tay vào ô lõm hình bàn tay nơi cửa trước nhà để nó nhận dạng anh. Cửa trượt mở ra.

Dĩ nhiên mình hạnh phúc. Cô ta nghĩ gì vậy chứ? Nghĩ mình không hạnh phúc ư? anh hỏi những căn phòng yên ắng. Anh đứng nhìn lên lưới thông gió trong sảnh trước và đột nhiên nhớ lại rằng có cái gì đó ẩn sau tấm lưới ấy, cái gì đó hình như lúc này đang nhòm xuống anh. Anh vội rời mắt đi chỗ khác.

Thật là cuộc gặp gỡ kỳ lạ vào một đêm kỳ lạ. Anh không nhớ được có chuyện gì khác giống như thế, ngoại trừ một buổi chiều cách đây một năm, anh gặp một ông già trong công viên và họ trò chuyện với nhau…

Montag lắc đầu. Anh nhìn một bức tường trơn. Khuôn mặt cô gái nằm đó, thật đẹp trong trí nhớ: quả thật là đáng kinh ngạc. Nàng có một khuôn mặt rất mảnh giống như mặt số của một cái đồng hồ nhỏ ẩn hiện mờ mờ trong căn phòng tối giữa đêm khuya khi ta thức dậy muốn xem giờ và nhìn thấy cái đồng hồ cho ta biết giờ biết phút biết giây, với một sự im lặng màu trắng và một quầng sáng, rất mực đoan chắc, biết rỗ rằng nó phải nói gì về đêm đang tiến nhanh về phía những bóng tối còn dày đặc hơn, nhưng cũng là tiến về phía một mặt trời mới.

“Cái gì?” Montag hỏi cái tôi khác đó, cái thằng ngốc trong tiềm thức thỉnh thoảng lại ba hoa bốc phét, hoàn toàn độc lập với ý chí, với thói quen, với lương tri.

Anh lại liếc về bức tường. Mà giống cả một tấm gương nữa, giống làm sao, khuôn mặt nàng. Không thể được; vì liệu ta biết được bao nhiêu người khúc xạ ánh sáng của chính ta về lại cho ta kia chứ? Con người ta thường là – anh tìm một hình ảnh so sánh, và tìm thấy trong công việc mình làm – những ngọn đuốc, cứ bùng cháy cho đến khi rụi hết. Thật họa hoằn làm sao những khi khuôn mặt người khác thu nhận ta và ném trả lại ta biểu lộ của chính ta, cái suy nghĩ run rẩy sâu kín nhất của ta?

Cô gái này có cái khả năng đồng hóa vào ngoại thể thật đáng kinh ngạc; nàng giống như người háo hức xem một buổi diễn múa rối, đoán trước được từng cái nháy mắt, từng cử động của bàn tay anh, từng cái nhúc nhích của một ngón tay, một khoảnh khắc trước khi nó bắt đầu. Họ đi cùng nhau được bao lâu nhỉ? Ba phút? Năm? Thế nhưng khoảng thời gian đó giờ đây có vẻ dài làm sao. Hình ảnh nàng mới rợn ngợp làm sao trên cái sân khấu trước mặt anh; và bóng nàng hắt lên tường mới to lớn làm sao so với thân hình mảnh dẻ của nàng! Anh cảm thấy nếu mắt anh ngứa, nàng sẽ chớp mắt. Và nếu các cơ hàm anh duỗi ra nhẹ đến không thể nhận thấy, nàng sẽ ngáp trước khi anh ngáp.

Này nhé, anh nghĩ, giờ ngẫm lại chuyện đó mới thấy, nàng gần như có vẻ đang đợi mình ở đó, giữa phố, lúc khuya lắc khuya lơ như thế…

Anh mở cửa phòng ngủ.

Giống như bước vào một căn phòng bằng đá hoa cương lạnh lẽo của một lăng mộ sau khi trăng đã lặn. Tối như bưng, không có một chút gì gợi đến thế giới màu bạc ở ngoài kia, cửa sổ đóng im ỉm, cái biệt phòng thuộc một chốn hầm mộ nơi không một âm thanh nào của thành phố lớn ngoài kia thâm nhập tới được. Căn phòng không trống.

Anh lắng nghe.

Tiếng vo vo nhỏ như muỗi nhảy múa trong không khí, tiếng điện chạy rì rầm như của một con ong bắp cày ẩn rúc trong cái ổ ấm áp màu hồng đặc biệt của nó. Tiếng nhạc hầu như đủ lớn để anh theo được giai điệu.

Anh cảm thấy nụ cười của mình tuột đi, chảy ra, co vào và rúm ró lại như một mảnh da nhầy mỡ, như chất liệu của một ngọn nến kỳ ảo đã cháy quá lâu và giờ đang rụm xuống, giờ đã tắt ngấm. Bóng tối. Anh không hạnh phúc. Anh không hạnh phúc. Anh thốt lên những lòi đó với chính mình. Anh nhận ra điều này là hiện trạng đích thực của mọi sự. Anh đeo hạnh phúc của mình như đeo cái mặt nạ nhưng cô gái kia đã chạy về phía bên kia bãi cỏ đem theo cái mặt nạ ấy và anh không có cách nào đến gõ cửa nhà nàng xin nàng trả lại nó.

Không bật đèn lên, anh mường tượng căn phòng trông sẽ ra sao. Vợ anh duỗi dài trên giường, không đắp chăn, lạnh ngắt, như một cái xác phơi ra trên nắp mộ, mắt cô neo chặt vào trần nhà bằng những sợi thép vô hình, bất động. Và trong tai cô là những chiếc Vỏ Sò con, những cái radio nhỏ như chiếc đê khâu nhét chặt vào tai, và một đại dương âm thanh điện tử, hết nhạc lại nói rồi lại nhạc rồi lại nói cứ tràn vào, không ngừng tràn vào bến bờ tâm trí chong chong không ngủ của cô. Thực ra thì phòng trống không. Đêm nào những làn sóng cũng ùa vào mang cô đi trên những con triều âm thanh khổng lồ, bồng bềnh đưa cô, mắt mở to, về phía buổi sáng. Suốt hai năm qua chẳng đêm nào Mildred không bơi trong cái biển đó, không vui vẻ ngụp sâu trong nó đến lần thứ ba.

Căn phòng lạnh lẽo thế nhưng anh vẫn thấy không thể thở được. Anh không muốn kéo rèm và mở mấy ô cửa sổ kiểu Pháp, bởi anh không muốn ánh trăng tràn vào phòng. Thế nên, với cảm giác mình như kẻ một giờ nữa sẽ chết vì thiếu không khí, anh mò mẫm đi về phía cái giường còn trống, tách biệt và do đó lạnh lẽo của mình.

Một khoảnh khắc trước khi chân anh chạm đến cái vật nằm trên sàn anh đã biết mình sẽ chạm phải một vật như thế. Từa tựa cái cảm giác anh đã trải qua trước khi rẽ ở góc đường và suýt va vào cô gái khiến cô ngã quay ra. Chân anh, trong khi gửi những sóng rung động về phía trước, nhận được những tiếng vang của chướng ngại vật nhỏ chắn ngang đường ngay lúc chân vung lên. Chân anh đá. Vật đó vang lên một tiếng cạch đùng đục rồi đổ xuống trong bóng tối.

Anh đứng thẳng đơ, lắng nghe con người nằm trên cái giường tối om trong bóng đêm hoàn toàn không đường nét. Hơi thở thoát ra từ hai lỗ mũi nhẹ đến nỗi chỉ làm lay động những mép rìa xa nhất của sự sống, một chiếc lá nhỏ, một cái lông vũ đen, một sợi tóc duy nhất.

Anh vẫn không muốn ánh sáng bên ngoài. Anh lôi bật lửa ra, sờ con rồng lửa khắc trên mặt đĩa đánh lửa bằng bạc, bật lên…

Hai hòn đá mặt trăng nhìn lên anh trong ánh sáng ngọn lửa nhỏ cầm tay; hai hòn đá mặt trăng trắng lờ nhờ vùi trong một rãnh nước trong, tại đó sự sống của thế giới này tuôn chảy mà không hề chạm vào chúng.

“Mildred!”

Mặt cô giống như một hòn đảo phủ tuyết trên đó mưa có thể rơi, song nó không cảm nhận được mưa; trên đó mây có thể lướt bóng qua, nhưng cô không cảm nhận được cái bóng nào. Chỉ có tiếng hát của những con ong bắp cày – những cái radio bé như đê khâu trong đôi tai lèn kín của cô, mắt cô trong suốt như thủy tinh, và hơi thở đi ra đi vào, nhẹ, yếu, ra vào hai lỗ mũi cô, và cô không bận tâm nó đến hay đi, đi hay đến.

Cái vật anh vừa đá đổ chỏng chơ lúc này nằm sáng óng ánh dưới mép giường anh. Cái chai pha lê nhỏ đựng thuốc ngủ mới sáng sớm hôm nay còn đầy ba chục viên con nhộng, bây giờ nằm đó, mở nắp, rỗng không dưới ánh sáng ngọn lửa nhỏ xíu.

Giữa lúc anh đứng đó thì bầu trời bên trên căn nhà thét lên. Có tiếng xé toạc khủng khiếp như thể có hai bàn tay khổng lồ vừa xé toang một vạn dặm vải lanh đen dọc đường khâu. Montag bị xẻ làm đôi. Anh cảm thấy ngực mình bị chẻ và tách thành hai nửa. Máy bay ném bom bay qua, bay qua nữa, bay qua nữa, một hai, một hai, một hai, sáu chiếc, chín chiếc, mười hai chiếc, một chiếc rồi một chiếc rồi một chiếc rồi một chiếc nữa và chiếc nữa và chiếc nữa, tất cả đang gào thét thay anh. Anh mở miệng ra để tiếng thét chói lói của chúng giáng xuống rồi bật khỏi hai hàm ráng anh trần trụi nhe ra. Căn nhà rung chuyển. Ngọn lửa tắt phụt trong tay anh. Hai hòn đá mặt trăng biến mất. Anh cảm thấy tay mình lao về phía điện thoại.

Những chiếc máy bay đã đi mất. Anh thấy môi mình động đậy, miết vào ống nói điện thoại. “Bệnh viện cấp cứu..” Một tiếng thì thầm khủng khiếp.

Anh cảm thấy các vì sao đã rụm ra thành bụi vì âm thanh những chiếc phản lực đen và sáng ra mặt đất sẽ phủ kín bụi của chúng như một thứ tuyết lạ. Đó là ý nghĩ ngu ngốc của anh khi anh đứng đó run rẩy trong bóng tối, để cho mồi mình động đậy, động đậy mãi không thôi.

Họ có cái máy này. Thật ra là hai máy. Một trong hai cái luồn vào dạ dày ta như con rắn hổ mang đen chui xuống một cái giếng đầy âm vang để tìm toàn bộ vùng nước xa xưa và thời đại xa xưa kết tập lại ở đó. Nó uống cạn thứ chất màu xanh lục sôi lục bục trào lên trên đỉnh. Nó có uống bóng tối không? Nó có hút sạch ra tất cả các chất độc tích tụ lại qua bao năm không? Nó cứ ăn trong lặng im, thi thoảng có một âm thanh gây ra bởi sự thiếu không khí bên trong và sự tìm kiếm mò mẫm. Nó có một Con Mắt. Kẻ vận hành dửng dưng của cái máy này có thể, bằng cách đội một chiếc mũ quang học đặc biệt, nhìn thấu vào linh hồn cái con người mà y đang bơm các chất ra. Con Mắt thấy gì? Y không nói. Y thấy song không thấy cái mà Con Mắt thấy. Toàn bộ sự vụ này không khác gì việc đào một con hào trong sân nhà mình. Người đàn bà trên giường kia chẳng là gì khác ngoài một địa tầng hoa cương cứng mà họ đào thấu tới. Tới nữa đi, đằng nào cũng thế, vục mũi khoan xuống, khuấy tung cái trống rỗng, giá có thể đưa một thứ như thế ra ngoài trong cú đập phập phồng của con rắn hút. Vận hành viên đứng hút thuốc. Cái máy kia cũng đang vận hành.

Cái máy kia, được vận hành bởi một người cũng dửng dưng như thế, mặc bộ đồ liền thân màu nâu đỏ không bám bẩn. Cái máy này bom hết máu ra khỏi ca thể rồi thay bằng máu mới huyết thanh mới.

“Phải làm sạch bằng cả hai đường,” vận hành viên nói, y đang đứng cúi mình xuống người đàn bà câm lặng. “Làm sạch dạ dày mà không lọc máu thì cũng như không. Để lại cái thứ đó trong máu thì máu sẽ phang vào não như cái rìu ấy, rầm, hai ba ngàn lần, thế là não hết chịu nổi, đành phăng teo.”

“Thôi đi!” Montag nói.

“Tôi chỉ nói chơi thôi mà,” vận hành viên nói.

“Các anh đã xong chưa?” Montag nói.

Họ đóng chặt máy lại. “Chúng tôi xong rồi.” Con giận của anh chả chạm được tới họ. Họ đứng đó, khói thuốc lá cuộn quanh mũi và luồn vào mắt, song họ cũng chẳng buồn chớp hay nheo mắt. “Năm chục đô.”

“Trước hết, sao các anh không nói cho tôi hay liệu cô ấy có ổn không?”

“Chắc rồi, cô ấy sẽ ổn. Chúng tôi thu sạch cái thứ chết giẫm ấy vào va li đây rồi, nó không động tới cô ấy được nữa đâu. Như tôi nói ấy, ta rút thứ cũ ra, cho thứ mới vào, thế là ngon lành.”

“Cả hai anh chẳng ai là bác sĩ hết. Tại sao họ không cử một bác sĩ từ bên Cấp cứu đến?”

“Mẹ kiếp!” Điếu thuốc trên môi tay vận hành viên động đậy. “Mỗi đêm tụi tôi gặp chín mười ca kiểu này. Nhiều ca quá, bắt đầu từ mấy năm rồi, đến nỗi tụi tôi phải thiết kế mấy cái máy đặc dụng này. Dĩ nhiên là có kính quang học, thứ ấy thì mới; còn lại toàn là đồ từ thời nảo thời nào. Chả cần bác sĩ làm gì đâu, những ca kiểu này ấy; anh chỉ cần hai người thạo việc, giải quyết vụ việc xong xuôi trong vòng nửa tiếng. Thôi nào,” anh ta tiến ra cửa, “tụi tôi phải đi. Vừa có cuộc gọi mới trên cái tai nghe cũ rích này. Cách đây mười khối nhà. Ai đó vừa mới nốc nguyên một lọ thuốc đây. Nếu cần thì lại gọi cho tụi tôi. Giữ cho cô ấy yên. Chúng tôi có cho cô ấy một liều giải an thần rồi. Thức dậy là cô ấy sẽ đói lắm đấy. Chào nhé.”

Và hai người đàn ông với điếu thuốc trên cái miệng thẳng như kẻ chỉ, hai người đàn ông với cặp mắt của rắn lục, liền thu dọn đống máy móc với ống dây, cái cặp đựng nỗi buồn ở dạng lỏng và cái thứ không tên đen sịt sền sệt kia, rồi đủng đỉnh ra khỏi cửa.

Montag ngồi phịch xuống một cái ghế và nhìn người đàn bà. Mắt cô giờ đang nhắm, dịu dàng, và anh chìa tay ra để cảm nhận sự ấm áp của hơi thở trên lòng bàn tay.

“Mildred,” cuối cùng anh nói.

Lũ chứng ta có quá nhiều, anh nghĩ. Có hàng tỉ người như chúng ta và thế là quá nhiều. Chẳng ai biết ai. Người lạ đến xâm phạm ta. Người lạ đến moi tim ta. Người lạ đến rút máu ta. Thượng đế lòng lành, những người đó là ai vậy? Cả đời mình chưa bao giờ gặp họ mà.

Nửa giờ trôi qua.

Dòng máu bên trong người đàn bà này là dòng máu mới và dường như nó đang làm một điều mới mẻ với cô. Má cô rất hồng, môi cô rất thắm, đầy màu sắc, trông mềm mại và thanh thản. Máu của ai đó khác đấy. Giá mà là thịt, não và ký ức của ai khác thì tốt. Giá mà họ có thể đem tâm trí cô đi theo họ luôn, đem tới hiệu giặt, dốc sạch các túi ra rồi hấp hơi giặt sạch, ráp lại rồi đến sáng đem về. Giá mà…

Anh đứng dậy kéo rèm và mở cửa sổ cho khí đêm ùa vào. Đã hai giờ sáng. Có phải chỉ mới cách đây một tiếng thôi không, Clarisse McClellan ngoài phố, anh vào đây, rồi thì căn phòng tối và chân anh đá vào cái chai pha lê nhỏ? Chỉ một tiếng đồng hồ thôi, nhưng thế giới đã tan chảy rồi lại bật dậy dưới một hình thù mới không màu.

Tiếng cười vẳng qua bãi cỏ sáng trăng từ ngôi nhà của Clarisse và cha mẹ nàng cùng ông bác có nụ cười thật lặng lẽ và thật nồng hậu. Trên hết, tiếng cười đó thoải mái, chí tình và hoàn toàn không gượng gạo, tuôn ra từ căn nhà sáng đèn đến thế giữa đêm hôm khuya khoắt nơi mọi nhà khác đều thu mình lại trong bóng tối. Montag nghe tiếng người nói chuyện, nói chuyện, nói chuyện mãi, trao đi, nói chuyện, đan đi dệt lại cái mạng lưới đầy sức thôi miên của họ.

Montag ra ngoài qua khung cửa sổ kiểu Pháp và băng qua bãi cỏ, đi mà chẳng nghĩ mình đi. Anh đứng trong bóng tối ngoài căn nhà đang nói chuyện, nghĩ biết đâu mình cũng có thể gõ cửa nhà họ mà thì thầm, “Cho tôi vào với. Tôi sẽ chẳng nói gì cả. Tôi chỉ muốn nghe thôi. Các vị đang nói gì vậy?”

Nhung thay vì vậy anh chỉ đứng, lạnh căm, mặt anh như một cái mặt nạ băng, lắng nghe giọng một người đàn ông (ông bác?) đang nói, khoan thai và thủng thẳng:

“Nói gì thì nói, đây là thời của giấy vệ sinh dùng rồi bỏ. Ta xì mũi vào một người, vo tròn lại, xả nước cho trôi, với lấy một người khác xì mũi, vo, xả. Ai cũng bám lấy đuôi áo kẻ khác để tiến lên. Làm sao ta có thể ủng hộ đội nhà được nếu thậm chí ta không có tờ chương trình hay không biết tên của họ? À nhân thể, khi trình diễn trên sân thì họ mặc áo màu gì nhỉ?”

Montag quay về lại nhà mình, để ngỏ cửa sổ, kiểm tra xem Mildred sao rồi, cẩn thận dém chăn quanh cô, rồi nằm xuống với ánh trăng trên xương gò má và trên những đường gờ cau lại của cái trán, với ánh trăng chưng cất trong từng con mắt để làm thành ở đó một trận mưa bạc.

Một giọt mưa. Clarisse. Một giọt khác. Mildred. Giọt thứ ba. Ông bác. Giọt thứ tư. Ngọn lửa đêm nay. Một, Clarisse. Hai, Mildred. Ba, ông bác. Bốn, lửa. Một, Clarisse, hai, Mildred. Một, hai, ba, bốn, năm, Clarisse, Mildred, ông bác, lửa, những viên thuốc ngủ, mấy gã đàn ông, giấy vệ sinh dùng rồi bỏ, đuôi áo, xì, vo, xả, Clarisse, Mildred, ông bác, lửa, thuốc, giấy, xì, vo, xả. Một, hai, ba, một, hai, ba! Mưa. Bão. Ông bác phá lên cười. Sấm đổ dưới nhà. Cả thế giới đang ập xuống. Lửa trong núi lửa ộc lên. Tất cả ập hai viên, rồi thì em đâm ngầy ngật đến nỗi cứ vậy uống tiếp cho đến khi có tới ba bốn chục viên ở trong người.”

“Chết tiệt,” cô nói, “em làm một chuyện ngu như vậy để làm cái gì chứ?”

“Anh không biết,” anh nói.

Cô rõ ràng đang đợi anh đi đi. “Em không làm vậy,” cô nói. “Có tỉ năm nữa cũng không làm.”

“Nếu em nói vậy thì tốt thôi,” anh nói.

“Phu nhân đã nói thế rồi.” Cô quay lại với kịch bản.

“Chiều nay chiếu gì thế?” anh hỏi, mệt mỏi.

Lần này cô không nhìn lên mà vẫn dán mắt vào đọc kịch bản. “Đây là một vở kịch sẽ truyền lên ti vi liên tường trong mười phút nữa. Mới sáng nay người ta gửi đoạn thoại của em tới cho em. Em đã gửi cho họ mấy cái nắp hộp mà1. Họ viết kịch bản mà lại thiếu một phần. Đấy là một ý tưởng mới. Bà nội trợ, tức là em ấy, chính là phần đang thiếu. Khi đến chỗ mấy lời thoại thiếu, cả lũ bọn họ từ ba bức tường nhìn em thế là em đọc lời thoại. Đây chẳng hạn, người đàn ông nói, ‘Cô nghĩ sao về ý tưởng này, Helen?’ Và anh ta nhìn em đang ngồi đây chính giữa sân khấu, hiểu không? Thì em nói, em nói là…” Cô dừng lại, rê ngón tay dưới một dòng trong kịch bản. ” ‘Tôi nghĩ là hay!’ Thế là họ diễn tiếp vở kịch cho đến khi anh ta nói, ‘Cô có đồng ý thế không, Helen?’ thì em nói, ‘Có chứ!’ Vui quá phải không, Guy?”

Anh đứng trong hành lang nhìn cô.

“Chắc chắn là vui rồi,” cô nói.

“Vở kịch nói về cái gì?”

“Em vừa nói với anh đấy thôi. Có những người tên là Bob, Ruth và Helene.”

“Ồ.”

“Vui lắm nhé. Chừng nào nhà mình đủ sức lắp được bức tường thứ tư thì còn vui hơn nữa. Theo anh thì bao lâu nữa hai đứa mình mới tiết kiệm đủ tiền để dở bức tường thứ tư ra đặng lắp cái ti vi tường thứ tư vào? Có hai ngàn đô thôi mà.”

“Chừng đó là một phần ba lương cả năm của anh đấy.”

“Chỉ có hai ngàn đô thôi,” cô đáp. “Em nghĩ đôi khi anh cũng nên nghĩ tới em chứ. Nếu mình có bức tường thứ tư, chao ôi lúc ấy sẽ như thể căn phòng này hoàn toàn chả phải phòng của mình mà là phòng của đủ thứ người kỳ quặc. Tụi mình thiếu vài thứ vẫn sống được chứ có sao đâu.”

“Mình đã chịu thiếu một vài thứ để có tiền mua bức tường thứ ba rồi. Nó mới lắp cách đây có hai tháng thôi, em nhớ chứ?”

“Nói thế tức là thôi phải không?” Cô ngồi nhìn anh một hồi lâu. “Được thôi, chào anh yêu.”

“Chào em,” anh nói. Anh dừng bước rồi quay lại. “Chuyện ấy có kết thúc có hậu không?”

“Em chưa đọc đến chỗ ấy.”

Anh bước lại, đọc trang cuối, gật đầu, gấp kịch bản lại đưa trả cô. Anh đi ra khỏi nhà bước vào con mưa.

Mưa đang dịu đi và cô gái đang đi bộ ở chính giữa vỉa hè, đầu ngẩng cao, vài giọt nước rơi lên mặt cô. Cô mỉm cười khi thấy Montag.

‘Chào!”

Anh chào cô rồi nói, “Giờ thì cô đang âm mưu gì thế hả?”

“Em vẫn đang điên. Mưa dễ chịu quá. Em thích đi bộ trong mưa.”

“E rằng tôi thì không thích đâu,” anh nói.

“Nếu thử thì có thể anh thích đấy.”

“Tôi chưa thử bao giờ.”

Cô liếm môi. “Mưa thậm chí nếm còn ngon nữa.”

“Cô làm gì đấy, đi vòng vòng thử mỗi thứ một lần hay sao?”

“Đôi khi hai lần.” Cô nhìn gì đó trong tay mình.

“Cô có gì đấy?” anh hỏi.

“Chắc là đóa bồ công anh cuối cùng trong năm nay. Em không nghĩ đến mùa này rồi mà mình vẫn tìm thấy một đóa trên bãi cỏ. Có khi nào anh nghe nói đến chuyện cọ hoa bồ công anh vào dưới cằm chưa? Nhìn đây.” Nàng cầm đóa hoa chạm vào cằm mình, cười như nắc nẻ.

“Làm gì?”

“Nếu hoa rụng phấn thì tức là em đang yêu. Nó đã rụng chưa?”

Anh khó lòng làm được gì khác ngoài việc nhìn.

“Sao nào?” nàng nói.

“Dưới cằm cô vàng khè rồi kìa.”

“Tốt! Giờ thì anh thử xem.”

“Với tôi thì chả ăn thua đâu.”

“Này.” Anh chưa kịp động đậy thì nàng đã cọ đóa hoa vào dưới cằm anh. Anh lùi lại thì nàng liền cười. “Đứng yên nào!”

Nàng nhòm xuống dưới cằm anh và cau mày.

“Sao?” anh nói.

“Đáng xấu hổ quá,” nàng nói. “Anh chả hề yêu ai hết.”

“Có chứ, tôi có yêu!”

“Có thấy vậy đâu.”

“Tôi có yêu, yêu rất nhiều!” Anh cố rặn ra một khuôn mặt tương thích với lời nói, nhưng chẳng có khuôn mặt nào. “Tôi có yêu!”

“Ôi, làm ơn đừng nhìn như thế.”

“Là đóa bồ công anh kia,” anh nói. “Cô đã dùng hết cả cho mình rồi. Thành ra với tôi thì nó không hiệu nghiệm.”

“Dĩ nhiên, ắt phải thế rồi. Ôi giờ thì em làm anh nổi giận rồi, em thấy rõ rồi; em xin lỗi, em rất xin lỗi.” Nàng chạm vào cùi chỏ anh.

“Không, không,” anh vội vã nói. “Tôi không sao mà.”

“Em phải đi bây giờ, cho nên anh nói là anh tha lỗi cho em đi. Em không muốn anh giận em đâu.”

“Tôi không giận. Bực thì có.”

“Em phải đi gặp bác sĩ tâm thần bây giờ đây. Người ta bắt em đi. Em bịa ra chuyện này chuyện kia để nói. Em không biết ông ta nghĩ gì về em. Ông ta bảo em là một củ hành! Em cứ bắt ông ta bận rộn bóc dần từng lớp vỏ.”

“Tôi có xu hướng tin rằng em cần bác sĩ tâm thần,” Montag nói.

“Anh không thực sự có ý ấy.”

Anh hít một hơi rồi thở ra và cuối cùng nói, “Đúng, tôi không thực sự có ý ấy.”

“Bác sĩ tâm thần muốn biết vì sao em ra ngoài đi lang thang trong rừng ngắm chim bắt bướm. Hôm nào đấy em cho anh xem bộ sưu tập bướm của em.”

“Tốt.”

“Họ muốn biết em dành thời gian để làm những gì. Em bảo họ là đôi khi em chỉ ngồi nghĩ. Nhưng em không cho họ biết em nghĩ gì. Em bắt họ phải động não. Và đôi khi, em kể với họ, em thích ngẩng đầu lên, như thế này này, để cho mưa rơi vào miệng em. Nó có vị như rượu vang ấy. Anh đã thử bao giờ chưa?”

“Không, tôi…”

“Anh đã tha lỗi cho em rồi, đúng không?”

“Đúng.” Anh ngẫm nghĩ về chuyện đó. “Có, tôi tha thứ rồi. Trời biết tại sao. Cô lạ lắm, cô cứ làm người ta phát cáu lên, nhưng cô rất dễ được tha thứ. Cô nói cô mười bảy à?”

“Tháng sau.”

“Kỳ quặc thật. Lạ thật. Vợ tôi thì ba mươi vậy mà đôi khi cồ có vẻ già dặn hơn rất nhiều. Tôi không làm sao quen được.”

“Bản thân anh cũng lạ, Montag ạ. Đôi khi em quên mất rằng anh là lính phóng hỏa. Nào, em có được phép làm anh giận nữa không?”

“Cứ nói tiếp.”

“Chuyện ấy khởi đầu ra sao? Thế nào mà anh lại bước chân vào đấy? Anh đã chọn việc làm này ra sao, thế nào mà bỗng dưng anh lại nghĩ hay mình chọn cái nghề đang làm bây giờ đây? Anh không như những người khác. Em có gặp vài người như thế; em biết. Khi em nói chuyện, anh nhìn em. Khi em nói gì đó về trăng, anh nhìn lên trăng, hồi đêm qua ấy. Những người khác chẳng bao giờ làm thế. Những người khác họ sẽ đi thẳng mặc em nói gì thì nói. Hay là đe nẹt em. Chẳng ai có thì giờ cho bất cứ ai khác nữa. Anh là một trong số ít những người chịu được em. Cho nên em mới nghĩ anh mà là lính phóng hỏa thì thật lạ, chuyện đó chả hiểu sao xem chừng không hợp với anh.”

Anh cảm thấy thân thể mình tự tách ra thành phần nóng và phần lạnh, phần mềm và phần cứng, phần run và phần không run, nửa này nghiến lên nửa kia.

“Tốt nhất cô chạy đi cho nhanh không thì trễ hẹn đấy,” anh nói.

Thế là nàng chạy đi để lại anh đứng đó trong mưa. Mãi một hồi lâu sau anh mới nhúc nhích.

Thế rồi, rất chậm, trong khi bước, anh nghểnh đầu lên trong mưa, chỉ vài giây thôi, và mở miệng…

Con Chó Máy ngủ mà không ngủ, sống mà không sống trong cái chuồng kêu o o khe khẽ, rung nhè nhẹ, được chiếu sáng dìu dịu trong một góc tối của trạm phóng hỏa. Anh sáng nhập nhoạng lúc một giờ sáng, ánh trăng từ trên mảnh trời đóng khung trong ô cửa sổ lớn tuôn vào chạm đây đó lên bề mặt đồng thau, đồng đỏ và thép của con vật đang run khẽ. Ánh sáng nhấp nháy trên những mảnh kính màu hồng ngọc, trên những sợi lông mao nhạy cảm nơi hai lỗ mũi phủ lông bằng chất dẻo của con vật đang rung nhè nhẹ, rất nhẹ, tám cái chân giống như chân nhện xếp dưới thân nó với những bàn chân đệm cao su.

Montag tụt xuống cây cột bằng đồng. Anh đi ra nhìn xuống thành phố, mây đã hoàn toàn tản đi hết, anh châm một điếu thuốc rồi quay lại, cúi xuống nhìn con Chó Máy. Nó như một con ong lớn quay về từ một cánh đồng nào đó nơi mật hoa đầy độc tố hoang dại, đầy sự điên rồ và ác mộng, cơ thể nó ních đầy thứ mật quá giàu có ấy, và lúc này nó đang ngủ để cho thứ độc tố kia bị tống ra khỏi mình.

“Chào,” Montag thì thầm, thích thú như mọi khi với con thú chết này, con thú sống này.

Những đêm mà mọi chuyện trở nên chán ngắt, mà đêm nào thì cũng thế, người ở đây lại tụt xuống các cột đồng, bật các tổ hợp đánh dấu của hệ khứu giác bên trong con Chó Máy lên rồi sau đó thả chuột ra hành lang hỏa trạm, đôi khi thả gà, đôi khi thả mấy con mèo mà đằng nào cũng phải trấn nước, và sau đó họ sẽ đánh cược xem Chó Máy sẽ tóm được con mèo hay con gà hay con chuột nào đầu tiên. Lũ thú cuống cuồng chạy. Ba giây sau trò chơi chấm dứt, con chuột, con mèo hay con gà bị tóm giữa chừng hành lang, bị ghì chặt trong những bộ vuốt nhẹ nhàng trong khi một mũi kim thép rỗng ruột dài mười xăng ti mét từ vòi con Chó Máy thòi ra tiêm những liều morphine hay procaine cực mạnh. Con mồi sau đó bị ném vào lò đốt. Một đợt chơi mới bắt đầu.

Hầu hết những đêm có chuyện đó xảy ra Montag đều ở lì trên lầu. Có một dạo cách đây hai năm anh đã đánh cược với hầu hết bọn họ, bị thua một tuần lương và phải đối mặt với con giận khùng điên của Mildred nổi rõ mồn một nơi các mạch máu và vết tấy. Nhưng nay thì về đêm anh nằm trên giường mình, quay mặt vào tường, lắng nghe những tràng cười bên dưới và tiếng chuột to chạy lúp xúp nghe như chuỗi họp âm dương cầm, tiếng chuột nhỏ rít nghe như tiếng vĩ cầm, và cái im lặng lừ lừ tiến tới lù lù phủ bóng của con Chó Máy, khi nó nhảy thốc ra như con bướm đêm trong ánh sáng gắt, tìm, chộp lấy con mồi, thọc kim vào rồi quay về chuồng nằm chết như thể có ai đó vừa ngắt một cái công tắc.

Montag sờ đầu mũi nó.

Con Chó Máy gừ lên.

Montag nhảy lùi lại.

Chó Máy hơi nhổm dậy trong chuồng mà nhìn anh bằng ánh sáng nê ông màu lục-xanh dương nhấp nháy nơi hai bóng đèn mắt đột nhiên bật sáng. Nó lại gừ lên, một tiếng khào khào lạ lùng kết họp giữa tiếng điện rít, tiếng xèo xèo chiên rán, tiếng ken két kim loại, tiếng quay của những bánh răng cưa dường như gỉ sét và cũ rỉn vì ngờ vực.

“Không, đừng, nhóc,” Montag nói, tim đập thình thịch.

Anh thấy mũi kim bạc thòi ra hai ba phân trong không khí, rụt lại, thòi ra, thụt lại. Tiếng gừ gừ âm ỉ bên trong con thú và nó nhìn anh.

Montag thụt lùi lại. Chó Máy tiến một bước dợm ra khỏi chuồng. Montag chộp lấy cây cột đồng bằng một tay. Cây cột phản ứng, trượt lên trên, đưa anh xuyên qua trần nhà, êm ru. Anh bước ra sàn tầng trên được chiếu sáng mờ mờ. Anh run bắn và mặt anh tái xanh. Dưới kia, Chó Máy đã phủ phục xuống trở lại trên tám cái chân côn trùng kỳ lạ và lại đang kêu rừ rừ với chính mình, những con mắt đa diện của nó bình thản.

Montag đứng cạnh lỗ lên xuống, chờ cho nỗi sợ qua đi. Đằng sau anh, bốn người ngồi chơi bài nơi chiếc bàn góc phòng dưới ngọn đèn chao màu lục liếc nhanh sang song không nói gì. Chỉ có người đội mũ đội trưởng và mang phù hiệu phượng hoàng trên mũ, rốt cuộc, cũng tò mò, bàn tay gầy guộc cầm mấy quân bài, từ phía bên kia căn phòng dài cất tiếng hỏi.

“Montag…?”

“Nó không thích tôi,” Montag nói.

“Gì, Chó Máy hả?” đội trưởng săm soi bài của mình. “Thôi nào. Nó chả thích cũng chả không thích. Nó chỉ ‘làm đúng chức năng’. Nó giống như một bài học về đạn đạo. Nó có một quỹ đạo mà chứng ta định ra cho nó. Nó cứ thế theo. Nó tự nhắm mồi, tự về nhà, tự tắt. Nó chỉ là cáp đồng, pin và điện.”

Montag nuốt khan. “Các bộ xử lý của nó có thể được điều chỉnh tùy theo bất cứ tổ hợp nhận diện nào, từng này acid amin, từng này sulphur, từng này mỡ và alkaline. Đúng không?”

“Chúng ta ai chả biết thế.”

“Tất cả các mức cân bằng sinh hóa và tỉ lệ sinh hóa của tất cả chúng ta ở trạm này đều được lưu trong hồ sơ chính dưới lầu kia. Nếu ai đó muốn thiết lập trong bộ nhớ của Chó Máy một tổ hợp nhận diện một người nhất định nhưng chỉ gồm một phần thôi, một chút acid amin chẳng hạn, thì cũng chả khó gì. Chừng đó là đủ cho con vật làm như nó vừa làm. Phản ứng với tôi.”

“Quỷ tha ma bắt,” đội trưởng nói.

“Bực bội, nhưng không hoàn toàn giận dữ. Chỉ là bộ nhớ đã được ai đó thiết lập sẵn vừa đủ để cứ hễ tôi đụng vào là nó gừ lên.”

“Ai lại đi làm thế kia chứ?” đội trưởng hỏi. “Anh đâu có kẻ thù nào ở đây, Guy.”

“Theo tôi biết thì không.”

“Ngày mai chúng tôi sẽ cho kỹ thuật viên kiểm tra Chó Máy.”

“Đây không phải lần đầu tiên nó đe dọa tôi,” Montag nói. “Tháng trước chuyện đó xảy ra hai lần.”

“Chúng tôi sẽ xử lý. Đừng lo.”

Nhưng Montag không nhúc nhích mà chỉ đứng nghĩ về tấm lưới thông gió trong hành lang ở nhà và cái thứ giấu đằng sau tấm lưới. Nếu như ai đó ở đây trong trạm phóng hỏa này biết về tấm lưới thì liệu họ có thể “báo” cho Chó Máy biết…?

Đội trưởng tiến lại lỗ lên xuống, đoạn ném cho Montag một cái liếc đầy dò hỏi.

“Tôi chỉ đang mường tượng con Chó Máy nghĩ gì dưới kia hằng đêm? Liệu nó có thật sự sống dậy khi gặp ta không? Nghĩ tới là tôi lạnh cả người,” Montag nói.

“Nó chẳng nghĩ gì khác ngoài những gì chúng ta muốn cho nó nghĩ đâu.”

“Đáng buồn,” Montag nói khẽ, “vì tất cả những gì chúng ta nạp vào nó là săn đuổi tìm bắt và giết chóc. Thật đáng xấu hổ nếu như nó chỉ biết được có thế thôi.”

Beatty khẽ khịt mũi. “Quỷ tha ma bắt! Nó là một tạo phẩm hay, một khẩu súng tốt có thể tự lùng ra con mồi và bảo đảm bách phát bách trúng.”

“Chính vì vậy mà tôi không muốn là nạn nhân tiếp theo của nó,” Montag nói.

“Tại sao? Lương tâm anh day dứt vì chuyện gì sao?”

Montag liếc nhanh lên trên.

Beatty đứng đó nhìn anh chằm chằm, miệng mở ra và bắt đầu cười thành tiếng, rất khẽ.

Một hai ba bốn năm sáu bảy ngày. Cũng ngần ấy lần anh ra khỏi nhà và Clarisse ở đó, một nơi nào đấy trên thế giới. Một lần anh thấy nàng đang rung một cây óc chó, một lần anh thấy nàng ngồi trên bãi cỏ đan một cái áo len màu thanh thiên, ba bốn lần anh bắt gặp một vòng hoa nở muộn nơi hiên nhà anh, hay một nắm hạt dẻ đựng trong chiếc túi nhỏ, hay vài chiếc lá thu gắn ngay ngắn lên một mảnh giấy trắng rồi ghim bằng đinh bấm lên của nhà anh. Ngày nào Clarisse cũng đi cùng anh đến góc đường. Một hôm trời mưa, hôm sau trời quang, hôm sau nữa gió thổi mạnh, và hôm sau nữa trời dịu êm, rồi hôm sau hôm trời êm ấy là một ngày cứ như lò lửa mùa hè và đến xế chiều thì mặt Clarisse đã cháy nắng cả.

Có lần anh nói, ở lối xuống xe điện ngầm: “Tại sao tôi cứ có cảm giác đã quen biết em từ bao nhiêu năm rồi ấy?”

“Bởi vì em thích anh,” nàng nói, “và em không muốn gì từ anh cả. Và bởi vì hai ta biết nhau.”

“Em khiến tôi thấy mình thật già, cứ như là một người cha.”

“Vậy anh giải thích xem,” nàng nói, “tại sao anh không có đứa con gái nào như em, nếu anh thích trẻ con đến thế?”

“Tôi không biết.”

“Anh đùa sao!”

“Ý tôi là…” Anh ngừng nói mà lắc đầu. “ừ thì, vợ tôi, cô ấy… cô ấy không bao giờ muốn có con cả.”

Cô gái thôi cười. “Em xin lỗi. Thực tình em cứ nghĩ anh đang lấy em làm trò vui. Em thật là ngốc.”

“Không, không,” anh nói. “Câu hỏi hay đấy. Đã lâu rồi chẳng ai thèm bận tâm hỏi. Câu hỏi hay.”

“Mình nói chuyện khác đi. Anh đã bao giờ ngửi lá khô chưa? Chẳng phải nó có mùi như quế sao? Đây. Ngửi đi.”

“Ờ nhỉ, đúng là hao hao mùi quế.”

Nàng nhìn anh với đôi mắt đen trong sáng. “Anh luôn luôn có vẻ như bị choáng.”

“Chỉ là tôi không có thì giờ…”

“Anh có nhìn những tấm biển kéo dài thậm thượt như em nói không?”

“Chắc là có. Có.” Anh buộc phải phá lên cười.

“Tiếng cười của anh giờ dễ nghe hơn trước kia.”

“Thật à?”

“Nghe sảng khoái hơn nhiều.”

Anh cảm thấy thoải mái và dễ chịu. “Sao em không đi học? Tôi thấy ngày nào em cũng tha thẩn đây đó.”

“Ồ, họ chả nhớ em đâu mà,” nàng nói. “Họ nói em là loại khó hòa đồng. Em không hợp được với người ta. Thật lạ. Chính ra em dễ hòa đồng lắm. Tùy xem khi nói hòa đồng thì ý mình muốn nói gì, đúng không? Với em thì hòa đồng có nghĩa là nói với anh về những chuyện như thế này.” Nàng giẫm tanh tách một vài cái hạt dẻ rụng từ trên cây ở sân trước xuống. “Hay là nói về chuyện thế giới này kỳ lạ ra sao. Ở bên người khác cũng tốt thôi. Nhưng em không nghĩ rằng hòa đồng có nghĩa là cho một tốp người ngồi lại với nhau rồi thì không cho họ nói chuyện, anh thấy có đúng không? Một tiết học truyền hình, một giờ bóng rổ hay bóng chày hay chạy bộ, thêm một giờ học sử qua các bản ghi âm hay vẽ tranh, lại thêm giờ thể thao, nhưng anh có biết không, tụi em chả bao giờ đặt câu hỏi, hay ít nhất là hầu hết không đặt câu hỏi; họ cứ đổ tràn câu trả lời lên ta, bing, bing, bing, rồi lại ngồi thêm bốn giờ học về điện ảnh. Với em đấy chả phải là hòa đồng xã hội gì hết. Chỉ là một lô những cái phễu và rất nhiều nước được trút vào miệng phễu rồi chảy xuống dưới đáy, thế mà họ bảo ta đó là rượu vang trong khi có phải là rưọu vang đâu. Họ quần ta rạc cả người đến nỗi tối về đến nhà ta chả làm được gì khác ngoài đi ngủ không thì đến công viên giải trí để quậy thiên hạ chơi, ném vỡ mấy ô cửa kính ở chỗ Đập Vỡ Kính hay là phá ô tô bằng trái cầu thép to đùng ở chỗ Phá Xe. Hay là lên ô tô lái đi chơi, đua xe ngoài phố, cố thử xem mình lạng qua gần các cột đèn tới cỡ nào, chơi trò đọ đầu với lại trò húc văng nắp trục bánh xe. Họ nói em là gì thì chắc em là vậy tất, không sao cả. Em không có bạn bè gì. Người ta cho rằng như thế chứng tỏ em bất thường. Nhưng bất cứ người nào em biết cũng đều la hét hoặc múa lung tung xòe như lên con rồ hay là đánh nhau. Anh có nhận thấy ngày nay con người ta làm tổn thương nhau thế nào không?”

“Em nói nghe cứ như em già lắm rồi ấy.”

“Đôi khi em như là người từ đời thuở xa xưa nào. Em sợ bọn trẻ con trạc tuổi em. Chúng giết nhau. Có phải trước kia khi nào cũng như vậy không? Bác em nói là không. Chỉ riêng năm ngoái thôi sáu người bạn của em bị bắn chết. Mười đứa chết vì đâm ô tô. Em sợ chúng và chúng không ưa em bởi vì em sợ. Bác em nói ông nội bác còn nhớ cái thời trẻ con không giết nhau. Nhung đó là lâu lắm rồi, hồi ấy mọi chuyện khác bây giờ. Hồi đó con người ta tin ở trách nhiệm, bác em nói vậy. Anh biết không, em có trách nhiệm. Em từng bị đét đít khi em cần bị đét, đã nhiều năm rồi. Và tất tật chuyện mua sắm với lau chùi nhà cửa em tự làm bằng tay hết.

“Nhưng trên hết,” nàng nói, “em thích nhìn thiên hạ. Đôi khi em đi tàu điện ngầm suốt ngày chỉ để nhìn và lắng nghe mọi người. Em chỉ muốn hình dung họ là ai, họ muốn gì, họ đi đâu. Đôi khi em đến công viên giải trí và lên ngồi trên mấy chiếc xe phản lực khi người ta đua xe ven thành phố lúc nửa đêm và cảnh sát chả buồn bận tâm chừng nào xe ấy có bảo hiểm. Chừng nào mà ai cũng có mười ngàn đồng bảo hiểm thì ai cũng vui vẻ. Đôi khi em nấp quanh mà lắng nghe trên tàu điện ngầm. Hay em lắng nghe ở các quầy nước giải khát, và anh biết sao không?”

“Sao?”

“Thiên hạ họ chẳng nói về cái gì sất.”

“Ồ, họ phải nói về gì đó chứ!”

“Không, chả nói gì sất. Họ chủ yếu chỉ nhắc tên một lô một lốc nào xe nào quần áo nào hồ bơi rồi nói ồ bảnh quá! Nhưng tất thảy đều nói ngần ấy thứ và chẳng ai nói gì khác ai. Và hầu hết thời gian trong quán cà phê họ toàn mở máy kể truyện cười và quanh đi quẩn lại cũng chỉ toàn những truyện cười ấy, hay là bức tường nhạc được bật sáng lên rồi thì những hoa văn màu sắc cứ chạy lên chạy xuống, nhưng tất cả chỉ toàn là màu và toàn mông lung trừu tượng thôi. Rồi thì tất cả các viện bảo tàng, anh đã tới đó bao giờ chưa? Toàn trừu tượng. Nay thì ở đó toàn thứ ấy. Bác em nói xưa khác cơ. Hồi xưa thỉnh thoảng các bức tranh còn nói về vật này vật nọ hay thậm chí còn cho mình xem những con người.”

“Bác em nói, bác em nói. Bác em chắc phải là người kiệt xuất lắm.”

“Đúng vậy. Bác em đúng là kiệt xuất. Thôi, em phải đi đây. Chào ông Montag.”

“Chào.”

“Chào…”

Một hai ba bốn năm sáu bảy ngày: trạm phóng hỏa.

“Montag này, cậu trèo cái cột kia như chim bay lên cây ấy.”

Ngày thứ ba.

“Montag này, lần này tớ thấy cậu vào bằng cửa sau. Ngại gặp Chó Máy hả?”

“Không, không.”

Ngày thứ tư.

“Montag à, chuyện này thú đây. Mới nghe kể sáng nay. Một tay lính phóng hỏa ở Seattle cố tình hiệu chỉnh một Chó Máy sao cho nó bắt được tổ hợp sinh hóa của chính hắn, rồi thì hắn thả nó ra. Cậu gọi đó là kiểu tự sát gì chứ hả?”

Năm, sáu, bảy ngày.

Thế rồi, Clarisse biến mất. Buổi chiều có cái gì đó mà anh không biết là gì, nhưng ấy là anh không nhìn thấy nàng ả một nơi nào đó trên thế giới. Bãi cỏ trống trơ, hàng cây trống trơ, đường phố trống trơ, và mặc dù thoạt tiên anh thậm chí không biết mình nhớ nàng hay thậm chí đang tìm nàng, nhưng sự thật là đến khi anh tới chỗ tàu điện ngầm thì cái cảm giác bứt rứt mơ hồ cứ trỗi lên trong anh. Có gì đó không ổn, thói thường của anh đã bị phá vỡ. Một thói thường đơn giản, đúng, được hình thành nên chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, thế nhưng mà…? Thiếu điều anh đã quay lưng để đi lại lần nữa quãng đường đó, để cho nàng có thì giờ xuất hiện. Anh tin chắc rằng nếu anh thử đi lại cũng con đường đó, mọi thứ rồi sẽ ổn. Nhưng đã muộn, và khi tàu đến thì kế hoạch của anh dừng lại.

Những lá bài ve vẩy, những bàn tay chuyển động, những mi mắt chuyển động, giọng báo giờ đến là buồn ngủ trên trần trạm phóng hỏa “… một giờ ba mươi lăm, sáng thứ Năm, ngày 4 tháng Mười một… một giờ ba mươi sáu… một giờ ba mươi bảy sáng…” Tiếng đập đánh tách của các lá bài trên mặt bàn nhầy mỡ, mọi âm thanh đều đến tai Montag, đằng sau cặp mắt nhắm của anh, sau cái rào chắn mà anh dựng lên trong thoáng chốc. Anh cảm thấy trạm phóng hỏa đang đầy ánh lấp lánh lóe sáng và đầy im lặng, đầy những sắc đồng thau, màu sắc những đồng xu, đồng vàng, đồng bạc. Những người đàn ông mà mắt anh không thể thấy ngồi phía bên kia bàn đang thả dài nhìn bài của mình, chờ đợi. “… một giờ bốn lăm…” Giọng báo giờ ai oán thông báo cái giờ lạnh lẽo của một buổi sáng lạnh lẽo của một năm còn lạnh lẽo hơn.

“Có gì không ổn vậy, Montag?”

Montag mở mắt.

Một cái radio đang rầm rì đâu đó. “… có thể tuyên chiến bất cứ lúc nào. Đất nước đang sẵn sàng tự vệ chống lại…”

Trạm phóng hỏa rung rung khi có một bầy máy bay phản lực khổng lồ rít lên một nốt độc nhất xuyên qua bầu trời buổi sáng đen ngòm.

Montag chớp mắt. Beatty đang nhìn anh như thể anh là một bức tượng trong viện bảo tàng. Bất cứ lúc nào Beatty cũng có thể đứng dậy đi lại chỗ anh, chạm vào anh, săm soi tội lỗi và tự ý thức về bản thân của anh. Tội lỗi? Tội lỗi gì chứ?

“Đến lượt anh kìa, Montag.”

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

Sách hay nên đọc trong đời dành cho mọi thế hệ độc giả - Sách hay nên đọc trong đời bao gồm nhiều chủ đề : văn học, kinh doanh, kỹ năng, khoa học,..mỗi quyển sách được giới thiệu đều chứa đựng những giá trị tuyệt vời dành cho mọi thế hệ độc giả. Văn học Bố Già Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già… Đọc thêm
19 sách kinh điển hay đọc rồi cứ muốn đọc lại mãi - Sách luôn là món quà tuyệt vời dành cho mỗi chúng ta, Vnwriter gợi ý 19 cuốn sách kinh điển hay mà nhiều người đọc rồi muốn đọc lại, là những cuốn sách gối đầu giường không thể bỏ qua. Bố Già Thế giới ngầm được phản ánh trong tiểu thuyết Bố già là sự… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

5 đánh giá cho 451 Độ F

  1. Trần Lâm Chi

    Tiểu thuyết 451 độ F của nhà văn Ray Bradbury được xem là cuốn sách khai tâm của hơn 50 triệu con người trên quả địa cầu, với số bản in tăng dần lên từng ngày. Bối cảnh của câu chuyện được đặt trong một xã hội giả tưởng trên đất Mỹ của một miền tương lai không xác định, khi những cuốn sách, một thời được nâng niu và tôn thờ, trở thành cái gai trong mắt nhà cầm quyền vì sự vô lý và không thể nào hiểu được sau những bìa sách cũ kỹ, và bị săn lùng, tiêu hủy bởi những “người đốt sách” (firemen). Nhân vật chính Guy Montag là một “người đốt sách”. Nhưng cuộc gặp gỡ của anh với Clarisse McClellan, một cô gái tuổi 17 có cách nghĩ ngược với đám đông, đã khiến cho anh hoài nghi về tính chất của công việc của mình, hoài nghi cả bản chất xã hội. Cuốn sách là một sự chất vấn thú vị mà vô cùng sâu sắc về tính phục tùng và thói quen đàn áp, tổn thương những gì mà chúng ta chưa hiểu được của con người.
    Một trong những cái tài của Ray, theo tôi, là việc dùng từ ‘lính cứu hỏa’ (firemen) để chỉ những “người đốt sách”. Mọi nhân vật trong truyện, trừ Montag, đều đinh ninh “firemen” nghĩa là người đốt sách từ khi từ đó ra đời, khi kì thực nó đã bị đổi bởi giới chính quyền để phục vụ cho mục đích vô lý của họ. Nhiệm vụ của những con người vốn sinh ra để làm lính cứu hỏa, thì nay, là lính đốt sách. Họ, thay vì dập tắt đám cháy, bảo vệ những điều cao cả, những sinh mệnh đang hấp hối của nhân loại, thì lại châm lên ngọn lửa mù quáng, thiêu rụi kết tinh kiến thức ở sức nóng 451 độ F. Qua chi tiết này, Bradbury đã rung lên lời cảnh tỉnh cho thói quen đi theo đám đông, phục tùng không suy nghĩ, một vấn đề tồn đọng trong xã hội cho đến nay. Hơn cả thế, có lẽ chính ông cũng sẽ ngạc nhiên vì tính tiên tri đáng kinh ngạc của một cuốn sách ra đời nửa thế kỉ trước, lại phác họa chính xác văn hóa đọc sách đang dần biến chất của xã hội hiện đại. Công nghệ lấn át giá trị tinh túy trong những cuốn sách. Người người trở nên vô cảm với sự hiện diện của những trang kiến thức mà trong mắt họ, chỉ là những mớ giấy vô giá trị. Cuốn sách khép lại bằng câu chuyện tái sinh của phượng hoàng từ đám tro tàn của chính nó, về điểm tương đồng và khác biệt giữa giống loài cao đẹp đó và con người chúng ta.

  2. Ngô Nhung

    451 độ F quả thật là một câu chuyện vô cùng xuất sắc, không chê vào đâu được. Mở đầu truyện là cuộc gặp gỡ giữa Clarisse – người bị cho là tâm thần trong thế giới hiện tại và Montag, chàng lính phóng hỏa. Thế rồi cuộc gặp gỡ đã khiến nhận thức của Montag thay đổi một cách quyết liệt hơn, chàng định rằng sẽ làm gì đó với số sách đang dần bị đốt này. Đó cũng là nguyên nhân mở ra cuộc truy đuổi của chó máy, cảnh sát khi không ai khác, chính vợ và những người bạn của vợ chàng đã tố cáo việc chàng lưu giữ sách, việc chàng đọc thơ ngay trong phòng khách. Một cốt truyện kỳ lạ, một tình huống độc đáo, một suy nghĩ giả tưởng thú vị kết hợp cùng giọng văn mới đầu rườm rà, khó hiểu sau lại nhẹ, xốp, ngọt và dịu. Ray Bradbury hẳn đang đề cập đến việc tái tạo lại thế giới này theo chiều hướng tốt đẹp, nguyên sơ hơn. Tóm lại tôi nghĩ không nên bỏ qua một cuốn sách tuyệt vời như 451 độ F, nếu không bạn sẽ không biết mình đã bỏ qua những điều quý giá nào đâu.

  3. Trung Bui

    Xuyên suốt câu chuyện, Ray Bradbury nói rằng “sách không phải là tri thức”. mà muốn truyện tải một thôngđiệp sâu xa hơn: ” ta phải sàng lọc tri thức”

    Bên cạnh hiện trạng về sự tàn lụi của sách in, báo giấy khi công nghệ lên ngôi, tiểu thuyết farenheit 451 chỉ cho ta thấy rằng “những tri thức nào mới xứng đáng cần được giữ lại”. Ngành giải trí, ngành showbiz, hay những bản tin giật tin cướp giết hiếp có phải tri thức không? hay đơn giản đó chỉ là dạng thông tin để đáp ứng nhu cầu của đại đa số.

    Khi một thế giới ngu, đó là thế giới không biết sàng lọc thông tin. Họ muốn nghe những gì họ muốn. Họ muốn vui bằng cách “đốt” những âu lo.

    Trong thế giới hiện đại, có thể hiểu, “đốt” giống như việc không còn để lại chỗ cho tri thức có thể tồn tải và truyền tải Nhìn lại cuộc sống, chính ngay đây chúng ta đang đốt tri thức của mình bằng cách để cổ vũ, thích thú với những dạng thông tin giải trí, tiểu thuyết ngôn tình… – những thông tin ngày càng được coi trọng, chiếm nhiều đất hơn. Chúng càng nhiều, “đất cho tri thức” càng bị đốt. Cho tới đỉnh điểm 451 độ, khi mà giấy in, báo chí, triết học, tư duy cổ đại, lịch sử, thơ văn xưa nay bắt đầu “Cháy”. ta mới nhìn ra đâu là thứ cần phải gìn giữ.

    451 độ là nhiệt độ hoàn hảo để đốt tri thức, nhưng cũng là nhiệt độ hoàn hảo cho ta nhận biết đâu là thứ tri thức ta cần.

    Giống như hình tượng cuối truyện của anh lính cứu hỏa Guy Montag:

    ” ở giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sông, có cây Sự Sống sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại”

    Phải, Montag nghĩ, đó là cái mình sẽ giữ gìn cho đến trưa. Cho đến trưa…
    Khi tới thành phố.

    Khoan bàn tới việc chúng ta sẽ nhớ như thế nào ? Chúng ta sẽ lựa chọn điều gì đề nhớ, để gìn giữ? Câu hỏi đó mới chính là chìa khóa gieo mầm cho” cây sự sống …” trong thế giới hiện đại hỗn loạn ngày nay.

  4. Nguyễn Thị Vy

    Được viết ra cách đây hơn nửa thế kỷ, nhưng có lẽ đến tận ngày hôm nay, “451 độ F” vẫn còn giữ nguyên tính thời sự của nó. Dù là khoa học viễn tưởng, nhưng tác phẩm này lại có nhiều chi tiết và tầng ý nghĩa rất thật, đáng để suy ngẫm cho những độc giả trẻ ngày nay. Văn chương, sách vở, tri thức, những giá trị tưởng như bất biến, thì lại đang ngày một lép vế so với công nghệ và những hình thức giải trí hiện đại. Và còn tệ hại hơn, trong thế giới của Bradbury, người ta không được tàng trữ sách, lúc nào cũng có những lính phóng hóa sẵn sàng để phá hủy những cuốn sách vô tội ấy. Sự ngu ngốc và độc ác của loài người thực sự có thể gây ra những thảm kịch rùng rợn như trong cuốn sách này. Một câu chuyện kịch tính, hấp dẫn, với những chi tiết sâu sắc ám ảnh người đọc. Liệu có bao nhiêu người như anh chàng Guy Montag trong tác phẩm, sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm để bảo vệ cả một nền văn minh của nhân loại, và liệu xã hội hiện đại này có quá xa đà vào sự phát triển rầm rộ mà quên đi những giá trị nhân bản cốt lõi nhất? Có rất nhiều câu hỏi sẽ còn làm người ta băn khoăn khi khép cuốn sách này lại.

  5. Trần Ngọc Anh Huy

    Tôi không có một mỹ từ nào để có thể miêu tả cho bạn về cuốn sách này.Văn phong bậc thầy,cách chơi chữ,lặp từ,đảo ngữ,cách trích dẫn các đoạn từ Shakespeare,Alexander Pole…,mọi thứ đều cấp độ bậc thầy.Nội dung cực kì lôi cuốn,các tình huống mắt xích,các đoạn độc thoại và đối thoại thay phiên nhau khiến độc giả như đi vào trang sáng.Ray Bradbury viết cuốn này từ năm 1950,nhưng ngôn từ của ông không khác gì,một mặt,còn chắc tay và mang tính hiện đại hơn nhiều nhà văn đương thời.Nhờ tác phẩm này mà tôi muốn bước vào thế giới văn học kinh điển,cảm ơn tác giả nhiều.Một lời khuyên nhỏ cho các bạn,”hãy đọc cuốn sách này vào buổi tối.”

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button