Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng

(4 đánh giá của khách hàng)

Conway là “thần tượng” với nhiều người bởi ý chí kiên định đi theo con đường mình đã chọn, cho dẫu anh không phải không có những nhược điểm riêng khiến cho công cuộc xây chốn địa đàng theo tâm nguyện của anh thật không dễ dàng. Song cái lớn ở anh là những khiếm khuyết và bất thành đó không làm anh gục ngã; anh luôn luôn là anh, con người xứng đáng với cái danh xưng đẹp mà gây bứt rứt, “Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng”.

Danh mục:

Thế nào là “người đàn ông Mỹ”? Cuốn sách kỳ lạ, lôi cuốn của Elizabeth Gilbert, tác giả của Ăn, cầu nguyện, yêu, dẫn ta đi sâu tìm lời đáp cho câu hỏi đó. Eustace Conway, “người đàn ông Mỹ”, có niềm tin quyết liệt rằng sứ mệnh của mình là làm mọi cách sao cho người dân Mỹ thấy lẽ ra họ có thể mạnh mẽ và đảm lược như cha ông họ ngày xưa – những người Mỹ thời lập quốc – ra sao, họ đã sa đọa và trở nên kém cỏi đến thế nào vì tiện nghi vật chất của cuộc sống hiện đại. Conway là “thần tượng” với nhiều người bởi ý chí kiên định đi theo con đường mình đã chọn, cho dẫu anh không phải không có những nhược điểm riêng khiến cho công cuộc xây chốn địa đàng theo tâm nguyện của anh thật không dễ dàng. Song cái lớn ở anh là những khiếm khuyết và bất thành đó không làm anh gục ngã; anh luôn luôn là anh, con người xứng đáng với cái danh xưng đẹp mà gây bứt rứt, “Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng”.

Nhận định:

“Conway là một nhân vật đẹp đến nỗi khó tin là thật. Ở Gilbert, có lẽ anh đã tìm được nhà văn hoàn hảo để viết ra câu chuyện của anh… Từ cuộc đời Conway, Gilbert bàn rộng ra về bản chất của nam tính, sự hấp dẫn của các cộng đồng không tưởng chủ nghĩa, lịch sử vùng biên cương và huyền thoại dai dẳng về người đàn ông vùng biên cương. Chủ đề trở nên rộng lớn hơn nhiều so với một đời người. Cuốn sách cho ta thấy sự tiến bộ đã khiến ta đánh mất những gì và ta có thể phục hồi lại những gì.”

– The Atlanta Journal-Constitution

4 đánh giá cho Người Đàn Ông Mỹ Cuối Cùng

  1. Phạm Thanh Anh Thư

    Quyển sách này thích hợp với các bạn nghiên về thiên nhiên môi trường, thích mày mò khám phá và có biết về hướng đạo. Ban đầu, mình tưởng là tác phẩm hư cấu dạng tiểu thuyết, thế mà cuối sách làm bật ngửa.
    Sách hay lắm, mình đã học được nhiều thứ dù chỉ là lý thuyết, khóc cười cùng nhân vật, trăn trở và mệt mỏi với những sự kiện trong đời nhân vật.
    Nhân vật chính có kiểu sống rất lạ so với phần lớn dân chúng hiện giờ nhưng không xa với kiểu suy nghĩ mà giới trẻ hướng tới. Anh vượt bao khó khăn để hiện thực hóa lý tưởng của mình; những ý ngông cũng gặp trả giá nhưng anh luôn thấy xứng đáng.
    Quyển này và hai cuốn Sáu người đi khắp thế gian, là hai tác phẩm mình cực kỳ tâm đắc về nội dung và giá trị thực dành cho giới trẻ. Nói theo một cách nào đó, nó cũng định hướng được tư duy dù là nhỏ xíu cho độc giả trẻ. Nên đọc lắm, các bạn à!

  2. Nguyễn Thị Vy

    Cũng như “Ăn, cầu nguyện, yêu”, thì “Người đàn ông Mỹ cuối cùng” là một cuốn sách du ký tuyệt vời mà Elizabeth Gilbert viết bằng tất cả tình cảm và trái tim của mình. Nhưng lần này cô không kể về câu chuyện của bản thân mình, mà là câu chuyện về Eustace Conway, một “sơn nhân” – người đã chọn cho mình cuộc sống giữa thiên nhiên hoang dã, người giờ đây đã trở thành một biểu tượng đẹp về sức mạnh chinh phục tự nhiên. Ở Eustace Conway có cái bản tính nổi loạn, ông không bao giờ chấp nhận cuộc sống gò bó trong “những chiếc hộp” của thế giới hiện đại. Với nhiệt huyết tràn đầy, ông lao mình vào giữa thiên nhiên, chấp nhận những khó khăn nguy hiểm để tô rèn cho mình một sức chịu đựng đáng kinh ngạc. Ông luôn biết trân quý giá trị của vạn vật xung quanh mình, từ những khu rừng bao la đến những chú ngựa đáng yêu – bạn đồng hành của ông. Ông còn lập ra Đảo Rùa để giúp tất cả mọi người khám phá vẻ đẹp của tự nhiên, của lối sống không phụ thuộc vào máy móc, công nghệ. Eustace, qua những trang sách, hiện lên là một người đàn ông mạnh mẽ, quyết liệt và đôi khi hơi quá khó tính trong mọi việc, nhưng ta vẫn luôn nhìn thấy ở ông một tâm hồn rộng mở với thế giới rộng lớn.
    Bên cạnh đó, thành công của quyển sách này đến từ chính lối kể chuyện đầy duyên dáng của Elizabeth Gilbert. Cô dẫn dắt từng chi tiết bằng ngôn ngữ tự nhiên, nhẹ nhàng, đôi khi là hài hước. Những nhân vật, những dữ kiện lịch sử, văn hóa, những lập luận sắc bén, tất cả đều hài hòa trong một tổng thể đầy thú vị và màu sắc. Tác phẩm tràn đầy tình cảm, tràn đầy những hiểu biết và triết lý mới mẻ về cuộc sống, về tình yêu thiên nhiên và sự yêu đời.

  3. Từ Thị Tường Vi

    Người đàn ông Conway trong tiểu thuyết quá hoàn hảo. Nhưng cái kết cuối cùng anh ta vẫn đơn độc một mình, như cái tên mà tác giả đã đặt cho cuốn tiểu thuyết này. Trong cuộc sống, chắc hẳn có một số người gần giống với Conway, nhiệt huyết trọn vẹn ở tuổi trẻ, đam mê, sống, đi, một chút cực đoan, gia trưởng, tự tin ,bất cần, yêu cuồng si…Liệu có nên hay không khi lý tưởng, cái tôi trong bản thân con người quá lớn, lớn hơn cả tình yêu, để cuối cùng sau quãng thời gian đã qua, cuối cùng thì chỉ có mình ta với ta? Thật không biết cảm nghĩ của Conway sau tất cả mọi chuyện là gì…..Và tôi sẽ không chọn kiểu người đàn ông như Conway…vì sau cùng tôi cảm thấy sẽ rất cô đơn…

  4. Mo Mo

    Tôi thích cách sống, cách suy nghĩ và tư tưởng của Conway. Sống hết mình, yêu cuồng nhiệt, đi tới những nơi mình muốn đặt chân, một tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và máu lửa. Thế nhưng, tôi cũng không đồng ý với cách nghĩ về chủ nghĩa cá nhân quá lớn của Conway. Anh làm mọi thứ vì anh, vì chính bản thân anh. Nhưng trong cuộc sống này, đâu phải chỉ xoay quanh mình anh? Để rồi cuối cùng, khi tuổi trẻ qua đi, còn lại với Conway là sự đơn độc, cô đơn đến nao lòng. Tôi không muốn cuộc sống sau này của tôi là như vậy. Tôi muốn sống hết mình cho tuổi trẻ và cũng muốn có bạn khi về già. Sự cô đơn, đó chính là điều tôi sợ nhất trong cuộc đời này.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button