Số Đỏ

(5 đánh giá của khách hàng)

Số đỏ là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10 1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938. Nhiều nhân vật và câu nói trong tác phẩm đã đi vào cuộc sống đời thường và tác phẩm đã được dựng thành kịch, phim. Nhân vật chính của Số đỏ là Xuân – biệt danh là Xuân Tóc đỏ, từ chỗ là một kẻ bị coi là hạ lưu, bỗng nhảy lên tầng lớp danh giá của xã hội nhờ trào lưu Âu hóa của giới tiểu tư sản Hà Nội khi đó. Tác phẩm Số đỏ, cũng như các tác phẩm khác của Vũ Trọng Phụng đã từng bị cấm lưu hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm 1975 cũng như tại Việt Nam thống nhất cho đến năm 1986.

 

Danh mục:

Số đỏ là một tiểu thuyết văn học của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đăng ở Hà Nội báo từ số 40 ngày 7 tháng 10/1936 và được in thành sách lần đầu vào năm 1938.

Truyện dài 20 chương và được bắt đầu khi bà Phó Đoan đến chơi ở sân quần vợt nơi Xuân tóc đỏ làm việc. Vô tình Xuân tóc đỏ vì xem trộm 1 cô đầm thay đồ nên bị cảnh sát bắt giam và được bà Phó Đoan bảo lãnh. Sau đó, bà Phó Đoan giới thiệu Xuân đến làm việc ở tiệm may Âu Hóa, từ đó Xuân bắt đầu tham gia vào việc cải cách xã hội. Nhờ thuộc lòng những bài quảng cáo thuốc lậu, hắn được vợ chồng Văn Minh gọi là “sinh viên trường thuốc”, “đốc tờ Xuân”. Hắn gia nhập xã hội thượng lưu, quen với những người giàu và có thế lực, quyến rũ được cô Tuyết và phát hiện cô Hoàng Hôn ngoại tình. Xuân còn được bà Phó đoan nhờ dạy dỗ cậu Phước, được nhà sư Tăng Phú mời làm cố vấn cho báo Gõ Mõ. Vì vô tình, hắn gây ra cái chết cho cụ cố tổ nên được mọi người mang ơn. Văn Minh vì nghĩ ơn của Xuân nên dẫn Xuân đi xóa bỏ lí lịch trước kia rồi đăng kí đi tranh giải quần vợt nhân dịp vua Xiêm đến Bắc Kì. Bằng thủ đoạn xảo trá, hắn làm 2 vận động viên quán quân bị bắt ngay trước hôm thi đấu nên Xuân được dịp thi tài với quán quân Xiêm. Vì để giữ tỉnh giao hảo, hắn được lệnh phải thua. Kết thúc trận đấu, khi bị đám đông phản đối, Xuân hùng hồn diễn thuyết cho đám đông dân chúng hiểu hành động “hi sinh vì tổ quốc của mình”, được mời vào hội Khai trí tiến đức, được nhận huân chương Bắc Đẩu bội tinh và cuối cùng trở thành con rể cụ cố Hồng.

Bằng ngòi bút trào phúng độc đáo, Số đỏ lên án gay gắt cái xã hội tư sản thành thị Việt Nam đang chạy theo lối sống văn minh rởm hết sức lố lăng đồi bại đương thời. Tác giả đã đả kích cay độc các phong trào “Âu hóa”, “thể thao”, “giải phóng nữ quyền”, “tiến bộ”, “cải cách xã hội” mà thực chất chỉ là ăn chơi trụy lạc, làm tiền, chà đạp trắng trợn lên mọi nền nếp đạo đức truyền thống… Ngôn ngữ nghệ thuậ của Vũ Trọng Phụng thấm đẫm cá tính sáng tạo. Một thứ ngôn ngữ vừa gai góc, sắc nhọn, mỉa mai, chua chát. Cũng là thứ ngôn ngữ hướng đến sự phô bày, lên án, tố cáo những mặt trái của xã hội nhưng dữ dội hơn so với các cây bút hiện thực khác.

 

5 đánh giá cho Số Đỏ

  1. Nguyễn Thảo

    Vũ Trọng Phụng được mệnh danh là ông vua phóng sự Bắc kì, các tác phẩm của ông đều lột tả những mặt tối của xã hội. Số đỏ là câu chuyện kể về số phận của Xuân, một người may mắn trên con đường thăng tiến. Sự may mắn này không phải tự nhiên do trời mà đến mà thật sự ra là do cái sắp đặt dựa trên cái ham muốn quyền lợi của mỗi ng. Xuân từ một thằng nhặt ban quần trở thành một ông Đốc tờ, một vĩ nhân vì đất nước… bất chấp bao nhiêu cái điều nghịch lí đằng sau. Bằng lời văn hài hước, dí dỏm nhưng đầy châm biếm phê phán, tác giả đã lột trần bản chất của một lớp dân thành thị thời ấy với một cụ Cố Hồng suốt ngày chỉ “biết rồi khổ lắm nói mãi” mà hóa ra chẳng biết gì; một cụ Hồng chỉ quan tâm đến cái danh giá bề ngoài của gia đình; một ông Văn Minh, một bà Văn Minh hay một ông Phán “mọc sừng” chỉ biết đến tiền, đến gia sản của cụ cố, đến lợi ích của bản thân; một cô tuyết hời hợt, rỗng tuếch suốt ngày chỉ nghĩ đến những thứ thời trang tân thời, và từ hào rằng mình giữ được một nửa chữ “trinh”… Mỗi nhân vật hiện lên trong tác phẩm lại đại diện cho một kiểu người dân cái thời văn hóa Tây phương vừa du nhập ấy, tạo nên một câu chuyện hài hước, dí dỏm, sinh động mà cũng xót xa. Các mắt xích trong truyện được Vũ Trọng Phụng nối lại với nhau hết sức tài tình, biến những điều nghịch lí thành những điều hiển nhiên, làm nên tiếng cười châm biếm cho tác phẩm. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng thời gian Số đỏ phải chịu biết bao thâm trầm của lịch sử, không cho phép được xuất bản. Hiện nay, số đỏ không chỉ đơn thuần là một tác phẩm văn học nổi tiếng mà còn đồng thời là một bức tranh hết sức chân thật về cuộc sống của lớp thị dân Việt Nam một khoảng thời gian đầy biến động của lịch sử. Số đỏ quả là một tác phẩm không thể bỏ qua.

  2. Phạm Thành Trung

    Mình đã được học một vài trích đoạn của tác phẩm này trong chương trình ngữ văn phổ thông, nhưng đến gần đây mới có cơ hội đọc trọn vẹn toàn bộ tác phẩm. Và chỉ khi đọc từ đến cuối mình mới có một cảm nhận sâu sắc nhất, rõ nét nhất về giá trị của tác phẩm này. Đây thực sự là một tác phẩm văn học lớn, xứng đáng với sự yêu mến của bao thế hệ bạn đọc. Vũ Trọng Phụng đã kể một câu chuyện lạ kỳ, với những nhân vật là đại diện cho nhiều tầng lớp trong xã hội bấy giờ. Sự hấp dẫn của truyện nằm ở tư duy mới mẻ, táo bạo cùng lời văn hóm hỉnh, châm biếm sâu cay những con người ham vật chất và danh tiếng. Tác phẩm này thực sự có sức nặng về lịch sử, đồng thời gửi gắm tới người đọc nhiều bài học đạo đức sâu sắc.

  3. Angelina Borrison

    Tôi được học một đoạn trích của tác phẩm này trong chương trình Ngữ Văn trung học phổ thông. Khi ấy, điều đầu tiên làm tôi để ý đến tác phẩm này là Vũ Trọng Phụng là nhà văn qua đời sớm nhất trong tất cả những nhà văn tôi từng biết: ông ra đi khi chỉ mới 27 tuổi. Dần dà vào đoạn trích, tôi bắt đầu tò mò và đi tìm mua cả cuốn sách về đọc.
    Số đỏ nói về Xuân, một kẻ lưu manh đầu đường xó chợ bỗng trở thành quý ngài, là một nhân vật không thể thiếu trong công cuộc Âu hoá, công cuộc cải cái xã hội.
    Tất cả các nhân vật trong câu chuyện dưới ngòi bút trào phúng, mỉa mai, châm biếm của Vũ Trọng Phụng đều trở nên đáng phê phán. Từ Xuân Tóc Đỏ từ lưu manh trở thành bác sĩ nhờ cái khả năng máy móc nịnh đầm, đến bà me Tây Phó Đoan “quyết thủ tiết với hai đời chồng”. Từ ông Cố Hồng “biết rồi khổ lắm nói mãi” cho đến vợ chồng Văn Minh mưu mô vụ lợi chỉ mong cụ cố chết để có tiền thừa kế. Từ cô Tuyết “ngây thơ” cho đến ông Phán bị mọc sừng mà đành ngậm bồ hòn làm ngọt những mong kiếm thêm được chút đỉnh. Từ cô Hoàng Hôn “giữ trinh tiết với cả chồng và nhân tình” đến sư cụ Tăng Phú lợi dụng cái danh của Phật để kiếm miếng lời, vv…
    Tất cả tạo nên một xã hội kỳ quặc vô lý nơi mà con cháu đáng lẽ phải vui mừng khi cụ cố khoẻ mạnh sống lâu lại hết sức thất vọng vì cụ không chết và hoan hỉ khi cụ đột ngột qua đời, không những thế, còn mang ơn với kẻ đã gây ra cái chết của cụ, cái xã hội ấy là nơi mà bằng những sợi dây của nịnh bợ, khoác lác, lừa đảo, người ta để cho Xuân tóc đỏ từ một kẻ lưu manh, thất học, nhặt ban quần trở thành bác sĩ, thành nhà cải cách xã hội, để bà Phó Đoan, vợ chồng Văn Minh phải gọi “ngài” xưng “tôi” cho dù hơn ai hết, họ biết rõ bộ mặt thật của hắn.
    Các tình tiết trong câu chuyện được Vũ Trọng Phụng xây dựng hết sức tài tình, đưa các nhân vật vào những thế cờ hiểm, buộc họ phải im lặng để cho Xuân nhảy vào tầng lớp “thượng lưu” một cách dễ dàng, không gặp trở ngại gì để lên đến đỉnh cao của nghệ thuật châm biếm là khi Xuân thua trong trận quần vs vận động viên Thái Lan và trở thành “vị anh hùng cứu quốc”, được thưởng Bắc Đẩu bội tinh, xưng ta, gọi công chúng bằng “mi”. Tất cả những điều đó đều nhằm mục đích lột tả được cái sự thối nát, đồi bại, lai căng, nửa tây nửa ta của xã hội Việt Nam dưới ách cai trị của chế độ thực dân.
    Số đỏ được coi là một kiệt tác của Vũ Trọng Phụng – bậc thầy của nghệ thuật trào phúng, châm biếm trong nền văn học Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám.

  4. Nguyễn Nga

    “Số đỏ” là cuốn tiểu thuyết tôi rất ấn tượng: Lối viết văn ngấu nghiến, nhịp điệu dồn dập, lời văn phảng phất thái độ khinh miệt, bất đồng quan điểm với hệ thống nhân vật cũng như bối cảnh xã hội đương thời. Những kẻ thối nát nhất của xã hội được đưa lên vị trí “ăn trốc ngồi trên”, thật không gì mỉa mai bằng khi đem những hạng ấy đại diện cho một tầng lớp “thượng lưu”, “tân thời”. Cuốn tiểu thuyết này là một thành công lớn của ông, thể hiện hầu như tất cả đặc điểm văn chương Vũ Trọng Phụng: sự cay nghiệt trong lời văn, trong lối châm biếm sắc bén như dao cạo nổi tiếng của ông.

  5. Phạm Lâm Quỳnh

    Tôi đã đọc nhiều tác phẩm của văn học hiện thực giai đoạn 3-45 nhưng quanh quẩn mãi với tôi vẫn chỉ có Tắt Đèn – Ngô Tất Tô,s Nam Cao và các tác phẩm của ông như Lão Hạc, Chí Phèo, Trẻ con không được ăn thịt chó….vv… Tôi cũng đã nge cái tên Vũ Trọng Phụng khá nhiều nhưng chưa có dịp đọc các tác phẩm của ông. Với “Số Đỏ” VTP đã làm tôi thật bất ngờ vì tài năng và cách viết của ông. Khác với Nam Cao, Ngô Tất Tố hay Nguyễn Công Hoan… viết về những nỗi khổ của người nông dân ở những miền quê xa xôi, VTP lại viết về những con người đang ngày càng “Âu hoá ” ở thành thị. Họ mất đi cái bản sắc dân tộc vốn có. HỌ chạy theo những thứ đồ thời thượng, hào nhoáng mà quên đi cái vốn dĩ của mình. Trong truyện của VTP, điều làm ông nổi bật hơn so với tác giả khác có lẽ chính là các nhân vật, tình huống luôn thay đổi chiều này sang chiều khác và lối viết châm biếm, dí dỏm nhưng cũng không kém phần sâu sắc của ông. “Số đỏ ” là một trong những cuốn tiểu thuyết tôi thích nhất trong giai đoạn này 🙂

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button