Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

(4 đánh giá của khách hàng)

Tôi nói gì khi nói về chạy bộ của Haruki Murakami đơn thuần chỉ là những trải nghiệm về chạy bộ. Ông chọn môn thể thao này vì nó không cần bất cứ dụng cụ nào cũng nhưng chẳng cần đối thủ, khi đối thủ duy nhất chính là “đôi chân đang gào thét” Cuốn sách này rất đáng để đọc đối với những ai có đam mê về môn thể thao nay.Cũng như tạo niềm yêu thích với môn thể thao đơn giản mà đem lại sức khoẻ như chạy bộ.

Danh mục:

Giới thiệu

Liệu có gì chung giữa viết văn và chạy bộ? Có, Haruki Murakami trả lời, giản dị, tự tin, bằng hành động viết và bằng cuộc sống của chính mình. Nhà văn Nhật Bản nổi tiếng, tác giả Rừng Na Uy, Biên niên ký chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển… bên cạnh khả năng viết xuất chúng còn là một người chạy bộ cừ khôi. Trong cuốn sách nhỏ mà thú vị này, bằng giọng văn lôi cuốn, thoải mái nhưng đầy sức mạnh, Murakami kể về quá trình tham gia môn chạy bộ cùng những suy tưởng của ông về ý nghĩa của chạy bộ, và rộng hơn nữa, của vận động cơ thể – sự tuân theo một kỷ luật khắt khe về phương diện thể xác – đối với hoạt động chuyên môn của ông trong tư cách nhà văn. Những nghiền ngẫm của Murakami về sự tương đồng giữa chạy – hành vi thể chất – và viết văn – hành vi tinh thần – thực sự quý báu với những người đọc quan tâm đến văn chương và bản chất của văn chương, đặc biệt người viết trẻ.

Cuốn tự truyện về chạy bộ này không đặt cứu cánh truyền đạt bí quyết làm sao để khỏe mạnh (dù nó hoàn toàn làm được điều đó), mà giúp những bạn đọc yêu mến Haruki Murakami giải đáp câu hỏi: vì sao tiểu thuyết gia này có một sức sáng tạo dồi dào như thế.

Đọc thử

một

NGÀY 5 THÁNG TÁM NĂM 2005 * KAUAI, HAWAII

Ai định cười Mick Jagger?

Tôi đang ở đảo Kauai, Hawaii, hôm nay là thứ Sáu, ngày 5 tháng Tám năm 2005. Trời quang đãng và ngập nắng lạ thường, không một gợn mây. Như thể khái niệm mây còn không tồn tại nữa kìa. Tôi đến đây vào cuối tháng Bảy và, như mọi lần, chúng tôi thuê một căn hộ. Buổi sáng, khi trời lạnh, tôi ngồi tại bàn, viết đủ mọi thứ. Như lúc này đây: tôi đang viết cuốn sách này, một tác phẩm về chạy bộ mà tôi có thể gần như viết như mình muốn. Bây giờ là mùa hè, nên dĩ nhiên trời nóng. Hawaii được gọi là đảo mùa hè vĩnh cửu, nhưng vì nó nằm ở Bắc bán cầu thành thử, có thể cho như vậy, nó cũng kiểu như là có bốn mùa. Mùa hè có phần nóng hơn mùa đông. Tôi đã dành rất nhiều thời gian ở Cambridge, Massachusetts, và so với Cambridge – hết sức oi bức và nóng nực, cùng tất cả những gạch và bê tông, nó như một hình thức tra tấn – thì mùa hè ở Hawaii là một thiên đường thực sự. Không cần máy điều hòa ở đây – chỉ cần để mở cửa sổ, thế là một luồng gió mát lùa vào. Mọi người ở Cambridge bao giờ cũng ngạc nhiên khi nghe tôi trải qua tháng Tám ở Hawaii. “Sao anh lại muốn trải qua mùa hè ở một nơi nóng nực như thế?” họ hỏi như nhau. Nhưng họ không biết nó là thế nào. Gió mậu dịch thường trực từ Đông Bắc thổi về làm cho mùa hè mát mẻ ra sao. Cuộc sống ở đây hạnh phúc ra sao, chúng tôi có thể đi loanh quoanh tha thẩn tùy thích, đọc sách dưới bóng cây, hoặc, nếu chợt nảy ra ý tưởng, thì bước xuống, mặc nguyên như thế, nhúng mình một cái trong con lạch.

Từ khi tới Hawaii tôi đã chạy chừng một giờ mỗi ngày, sáu ngày một tuần. Đã hai tháng rưỡi nay tôi lại khôi phục lối sống ngày xưa, khi mà, trừ khi hoàn toàn không thể tránh, còn thì ngày nào tôi cũng chạy. Bữa nay tôi chạy trong một giờ mười phút, vừa chạy vừa nghe bằng Walkman hai album của Lovin’Spoonful – Daydream và Hums of the Lovin’Spoonful -mà tôi thu lại trong một đĩa MD.

Ngay lúc này tôi đang nhắm chuyện tăng cự ly chạy, vậy nên tốc độ không thành vấn đề mấy. Chỉ cần tôi có thể chạy được một cự ly nào đó thì tôi chẳng quan tâm gì hơn. Thỉnh thoảng tôi chạy nhanh khi thích, nhưng nếu tăng tốc thì tôi lại giảm thời gian chạy, vấn đề là để niềm hồ hởi tôi cảm thấy vào cuối mỗi lần chạy kéo dài qua ngày hôm sau. Đây cũng chính là kiểu chiến thuật tôi cho là cần thiết khi viết một cuốn tiểu thuyết. Tôi dừng lại mỗi ngày đúng vào lúc tôi cảm thấy mình có thể viết nữa. Cứ làm vậy, thì công việc ngày hôm sau sẽ diễn ra trôi chảy đến lạ lùng. Tôi cho là Ernest Hemingway cũng đã làm gần giống như thế. Để đi tiếp, ta phải duy trì nhịp điệu. Đây là điều quan trọng đối với những công trình lâu dài. Một khi ta đã dẫn tốc độ rồi thì mọi thứ còn lại sẽ theo sau. Vấn đề là làm sao cho bánh đà quay ở một tốc độ đã định – và để đến được thời điểm đó ta cũng phải tập trung và nỗi lực hết sức mình.

Khi tôi đang chạy thì trời đổ mưa một lát, nhưng đó là cơn mưa làm mát dễ chịu. Một đám mây nặng trĩu ngoài biển thổi vào ngay trên đầu tôi, và mưa rơi lất phất một lúc, nhưng rồi, như thể nó nhớ ra, “Ôi, mình còn chút việc phải làm nữa!”, nó bèn vút đi, liếc lui một cái cũng không. Và rồi cái nắng tàn khốc trở lại, thiêu đốt mặt đất. Đó là một kiểu thời tiết dễ hiểu. Chẳng có gì bí hiểm hay nước đôi ở đấy, không một mảy may ẩn dụ hay tượng trưng. Trên đường, tôi chạy ngang một ít người chạy bộ khác, số đàn ông và đàn bà xấp xỉ bằng nhau. Những người tràn đầy sinh lực phóng vút trên đường, xét không khí cứ như bị cướp rượt sát gót vậy. Những người khác, quá cân, hổn hà hổn hển, mắt lim dim, vai sụp xuống như thể đây là việc họ chẳng hề muốn làm trên đời này. Họ trông cứ như tuần trước mới được bác sĩ riêng chẩn đoán bệnh béo phì và khuyên họ bắt ðầu tập luyện. Tôi thì đâu đó ở giữa.

Tôi thích nghe Lovin’ Spoonful. Nhạc của họ phần nào thoải mái và không bao giờ phô trương. Nghe loại nhạc êm dịu này gợi nhớ rất nhiều ký ức vào thập niên 60. Dù rằng, không có gì thật sự đặc biệt. Nếu người ta làm phim về đời tôi (chỉ nghĩ đến chuyện đó thôi tôi cũng đã thấy sợ rồi), những ký ức này sẽ là cảnh họ loại bỏ ở phòng biên tập phim. “Ta có thể xóa cảnh này đi,” biên tập viên sẽ giải thích. “Nó không tồi, nhưng có phần bình thường và không có ý nghĩa gì cả.” Các kiểu ký ức đó – không phô trường, tầm thường. Nhưng với tôi, tất cả chúng đều đầy ý nghĩa và quý giá. Khi từng ký ức này vụt qua trong trí óc, tôi chắc chắn là, một cách vô thức, mỉm cười, hay hơi chau mày. Chúng có thể tầm thường, nhưng sự tích lũy các ký ức này đưa đến một kết quả: tôi. Tôi tại đây và lúc này, bên bờ Bắc Kauai. Đôi lúc khi nghĩ về sự sống, tôi cảm thấy mình như một mảnh gỗ vụn bị đánh dạt vào bờ.

Trong khi tôi chạy, gió mậu dịch từ phía ngọn hải đăng thổi vào làm lá khuynh diệp xào xạc trên đầu.

Tôi bắt đầu sống ở Cambridge, Massachusetts, vào cuối tháng Năm năm nay, và từ đó chạy bộ một lần nữa trở thành trụ cột chính trong công việc hàng ngày của tôi. Giờ đây tôi đang chạy bộ một cách nghiêm túc. Khi dùng chữ một cách nghiêm túc, tôi muốn nói là ba mươi sáu dặm 1 tuần. Nói cách khác, sáu dặm mỗi ngày, sáu ngày mỗi tuần. Có thể sẽ hay hơn nếu tôi chạy bảy ngày, nhưng tôi phải tính cả những ngày mưa, và những ngày khi công việc làm tôi quá bận rộn. Cũng có những ngày, thành thật mà nói chỉ là tôi cảm thấy mệt quá không chạy nổi. Vì tính đến tất cả các thứ này nên tôi nghỉ mỗi tuần một ngày như một ngày phép. Vậy nên, ba mươi sáu dặm một tuần, tôi chạy dược 156 dặm một tháng, mà đối với tôi là chuẩn chạy nghiêm túc.

Tháng Sáu, tôi đã theo đúng kế hoạch này, chạy đúng 156 dặm. Tháng Bảy, tôi nâng cự ly lên và chạy được 186 dặm. Tôi chia trung bình sáu dặm một ngày, không nghỉ một ngày nào. Ý tôi không phải là tôi chạy được chính xác sáu dặm một ngày. Nếu hôm nay tôi chạy chín dặm, ngày hôm sau tôi chỉ chạy ba dặm thôi. (Với tốc độ chạy tập thì tôi thường chạy được sáu dặm một giờ). Đối với tôi thì đây nhất định là chạy ở một mức độ không thể xem thường. Và từ khi đến Hawaii thì tôi đã duy trì tốc độ này. Lâu lắm rồi tôi mới lại có thể chạy những cự ly như vậy và duy trì kiểu lịch trình nhất định này.

Có vài lý do tại sao, đến một lúc nào đó trong đời mình, tôi đã thôi không chạy một cách nghiêm túc nữa. Đầu tiên là, cuộc sống của tôi đã trở nên bận rộn hơn, và thời gian rỗi trở nên mỗi lúc một hiếm. Hồi còn trẻ, chẳng phải là tôi có được nhiều thời gian rỗi như mình muốn, nhưng ít ra tôi cũng không có nhiều việc linh tinh như bây giờ. Tôi không hiểu sao, nhưng càng già đi thì ta càng bận bịu hơn. Một lý do nữa là tôi đã trở nên hứng thú với ba môn phối hợp hơn là marathon. Ba môn phối hợp, dĩ nhiên, ngoài chạy bộ ra còn bao gồm bơi lội và đạp xe. Phần chạy bộ thì không thành vấn đề với tôi, nhưng để thành thạo hai chặng kia của môn thi đấu, tôi phải dành rất nhiều thời gian tập bơi và đạp xe. Tôi phải làm lại từ con số không trong môn bơi lội, học lại hình thức đúng, học các kỹ thuật đạp xe đúng và rèn luyện các cơ bắp cần thiết. Tất cả đều đòi hỏi thời gian và nỗ lực, và kết quả là tôi có ít thời gian dành cho chạy bộ.

Tuy nhiên, có lẽ lý do chính chỉ đơn giản là đến một lúc nào đó tôi đã trở nên chán nó. Tôi bắt đầu chạy bộ vào mùa thu năm 1982 và từ đó đến nay đã chạy gần hai mươi ba năm. Trong suốt thời gian ấy tôi đã chạy bộ gần như mỗi ngày, mỗi năm tham gia chạy ít nhất một cuộc đua marathon – đến nay là hai mươi ba cuộc đua – và tham gia các cuộc đua đường trường trên khắp thế giới nhiều đến nỗi tôi không buồn đếm. Dù sao, chạy cự ly dài phù hợp với tính cách tôi, và trong mọi thói quen tôi có được trong đời mình, tôi phải nói thói quen này là hữu ích nhất, có ý nghĩa nhất. Chạy không nghỉ trong hơn hai thập kỷ cũng đã làm tôi trở nên mạnh mẽ hơn, cả về thể xác lẫn tinh thần.

Vấn đề là, tôi không ủng hộ mấy các môn thể thao đồng đội cho lắm. Chỉ vì cái kiểu tôi như thế thôi. Mỗi khi tôi chơi bóng đá hay bóng chày- thực ra, từ lúc trưởng thành thì chuyện này hầu như không bao giờ – tôi chưa bao giờ cảm thấy thoải mái. Có lẽ vì tôi không có anh hay em trai nào cả, tôi chưa bao giờ có thể hứng thú với kiểu các trò phải chơi cùng người khác. Tôi cũng không mấy giỏi các môn thể thao đối kháng như quần vợt. Tôi thích môn squash, nhưng nói chung hễ là một môn đối kháng với ai đó thì cái khía cạnh tranh đua của nó đều làm tôi khó chịu. Và nếu lại là võ thuật nữa thì bạn có thể coi như không có tôi.

Đừng hiểu lầm tôi – tôi không phải là hoàn toàn không có tinh thần đua tranh. Chỉ là không hiểu sao tôi chưa bao giờ quan tâm nhiều đến chuyện tôi đánh bại người khác hay thua người khác. Cảm nghĩ này hầu như không thay đổi khi tôi lớn lên. Bất luận ta đang nói về lĩnh vực nào – việc đánh bại ai khác là điều không hợp với tôi. Tôi quan tâm nhiều hơn đến chuyện tôi có đạt được các mục tiêu đã tự đặt ra cho mình hay không, nên theo nghĩa đó thì chạy đường trường hoàn toàn phù hợp với một não trạng như não trạng của tôi.

Người chạy marathon sẽ hiểu ý tôi muốn nói gì. Chúng tôi không thực sự quan tâm chúng tôi có đánh bại một người chạy đua cụ thể nào không. Những người chạy đua đẳng cấp quốc tế, dĩ nhiên, muốn vượt hơn hẳn đối thủ ngang sức nhất với mình, nhưng có đối với người chạy đua trung bình, tầm thường chúng tôi, ganh đua cá nhân không phải là cái chính. Tôi chắc chắn là có những người chạy đua bình thường nhưng mong muốn đánh bại một đối thủ nhất định, vậy nên có động cơ để luyện tập cật lực hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đối thủ của họ, bất luận vì lý do gì, rút lui khỏi cuộc đấu tranh? Động cơ chạy của họ sẽ tiêu tan hay ít nhất cũng giảm đi, và họ khó lòng tiếp tục chạy lâu dài.

Hầu hết người chạy bình thường được kích bẩy bởi một mục tiêu cá nhân hơn bất cứ gì khác: ấy là một mức thời gian mà y muốn vượt qua. Chỉ cần có thể chinh phục được mức thời gian ấy là y sẽ cảm thấy mình hoàn thành được cái y đã bắt tay làm, còn nếu không làm được, lúc ấy y sẽ cảm thấy mình chưa hoàn thành. Dù y không phá được kỷ lục thời gian mình mong muốn, song miễn sao y có được cái cảm giác mãn nguyện là đã làm hết sức mình – và có lẽ, đã có một khám phá có ý nghĩa nào đó về bản thân trong quá trình ấy – thì tự điều ấy đã là một sự hoàn thành, một cảm xúc tích cực y có thể mang theo qua cuộc đua kế tiếp.

Cũng có thể nói điều tương tự về nghề nghiệp của tôi. Trong nghề viết tiểu thuyết, đối với tôi, không có những chuyện gì như thắng hay thua. Có lẽ con số sách được bán ra, số giải thưởng giành được, và lời khen ngợi của các nhà phê bình cũng là những tiêu chuẩn bên ngoài đối với một thành tựu văn chương, nhưng không có gì trong những thứ ấy thực sự quan trọng. Điều quan trọng là việc viết lách của anh có đạt đến những chuẩn mực anh đã tự đặt ra cho mình hay không. Không đạt được chuẩn mực ấy là điều ta không thể dễ dàng biện minh. Khi liên quan đến người khác, anh luôn có thể có một câu trả lời hợp lý, nhưng anh không thể tự dối mình. Trong nghĩa này, viết tiểu thuyết và chạy marathon toàn cự ly là rất giống nhau. Cơ bản thì một nhà văn có một động cơ âm thầm, nội tại, và không tìm kiếm sự công nhận ở cái nhìn thấy được bên ngoài.

Với tôi, chạy bộ là rèn luyện đồng thời là một ẩn dụ. Chạy ngày này qua ngày khác, tích góp các cuộc đua, từng chút một tôi nâng cao chuẩn, và bằng cách vượt qua từng mức độ mà tôi nâng mình lên. Ít nhất thì đó là lý do tôi dốc hết sức mình ngày này qua ngày khác: để nâng cao tầm mức của riêng mình. Tôi không phải là một người chạy giỏi, hoàn toàn không. Tôi ở một mức bình thường – hay có lẽ giống như tầm thường hơn. Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Vấn đề là ở chỗ tôi có hoàn thiện hơn ngày hôm qua hay không. Trong chạy cự ly dài thì đối thủ duy nhất ta phải đánh bại là chính ta, chính cái cung cách cũ của ta.

Dẫu vậy, từ khi tôi bước qua độ tuổi bốn mươi, hệ thống tự đánh giá này đã dần thay đổi. Nói một cách đơn giản, tôi không còn cải thiện mức thời gian được nữa. Tôi nghĩ điều đó là không thể tránh khỏi, xét về tuổi tác của tôi. Đến một độ tuổi nào đó ai cũng đạt đến đỉnh cao về thể chất của ḿnh. Có những cá nhân khác biệt, nhưng phần lớn các tay bơi đến được bước ngoặt đó vào những những năm đầu độ tuổi hai mươi, các tay quyền Anh thì vào cuối độ hai mươi, còn các tay chơi bóng chày thì ở giữa độ ba mươi. Đó là cái mà ai cũng phải trải qua. Có lần tôi hỏi một bác sĩ nhãn khoa là có ai tránh được viễn thị khi già đi không. Ông cười, nói, “Tôi chưa hề thấy ai như vậy cả.” Cũng thế thôi. (May thay, đỉnh cao của những người nghệ sĩ lại khác đáng kể. Dostoyevsky, ví dụ. Viết hai trong số những cuốn tiểu thuyết sâu sắc nhất của ông, Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Karamazov, vào vài năm cuối đời trước khi mất ở tuổi sáu mươi. Domenico Scarlatti lúc sinh thời đã viết 555 bản sonata cho piano, đa số là khi ông ở độ tuổi từ năm mươi bảy đến sáu mươi hai).

Đỉnh cao của tôi với tư cách là người chạy bộ đến vào những năm cuối độ tuổi bốn mươi. Trước đó, tôi đã nhắm chuyện chuyện tham gia cuộc đua marathon toàn cự ly trong ba giờ rưỡi đồng hồ, tốc độ chính xác là năm phút một kilomet, hay tám phút một dặm. Có lúc tôi vượt qua được thời gian ba tiếng rưỡi, có lúc không (thường thì không). Thế này hay thế khác, tôi cũng đã có thể đều đặn chạy một cuộc đua marathon trong khoảng thời gian đó. Ngay cả khi đã tưởng mình trượt hoàn toàn rồi, tôi vẫn về đích trong chưa đấy ba giờ bốn mươi phút. Ngay cả khi tôi không tập luyện nhiều hay không được trong tình trạng sung sức nhất thì vượt qua bốn giờ cũng là điều không thể xảy ra. Mọi chuyện tiếp diễn ở tình trạng ổn định ấy một thời gian, nhưng chẳng bao lâu thì bắt đầu thay đổi. Tôi cũng tập luyện nhiều như trước nhưng nhận thấy rằng càng lúc càng khó mà vượt qua được ba giờ bốn mươi phút. Phải mất năm phút rưỡi tôi mới chạy được một kilomet, và tôi đang đi dần đến mức bốn giờ mới đến đích cuộc chạy marathon. Thành thật mà nói, chuyện này có hơi sốc. Chuyện gì đang xảy ra vậy? Tôi không cho rằng đó là vì mình đang già đi. Trong đời sống hàng ngày, tôi chưa từng cảm thấy mình đang dần yếu đi về mặt thể chất. Nhưng dù tôi có phủ nhận hay cố phớt lờ thế nào chăng nữa, thì các con số cũng cứ giảm dần, từng bước.

Ngoài ra, như tôi nói ở trên, tôi đã trở nên hứng thú hơn với các môn thể thao khác như ba môn phối hợp và squash. Chỉ chạy mãi thì cũng không có lợi gì cho mình, tôi nghĩ, nếu đưa một sự đa dạng vào trong sinh hoạt hàng ngày và thiết lập một chế độ thể chất toàn diện hơn thì chắc chắn sẽ hay hơn. Tôi thuê một huấn luyện viên bơi lội riêng, người đã giúp tôi bắt đầu từ khái niệm căn bản, và tôi đã học được cách bơi nhanh hơn và nhịp nhàng hơn trước. Cơ bắp của tôi phản ứng lại môi trường mới, và thể lực bắt đầu thay đổi rõ rệt. Trong khi đó, như thủy triều rút, thời gian chạy marathon của tôi tiếp tục kém đi, dần dần nhưng không cưỡng lại được. Và tôi nhận ra là mình không thích chạy bộ nhiều như trước nữa. Một sự mệt mỏi thường trực mở ra giữa tôi và chính ý niệm về chạy bộ. Bắt đầu có một cảm giác thất vọng rằng tất cả công sức của tôi đã không được đền đáp, rằng có cái gì đó đang cản trở tôi, như một cánh cửa mọi ngày vẫn mở rộng bỗng đóng sầm trước mặt tôi. Tôi gọi tình trạng này là nỗi buồn người chạy. Ở phần sau tôi sẽ nói cặn kẽ hơn đó là kiểu buồn nào.

Đã mười năm kể từ hồi sống ở Cambridge (từ năm 1993 đến năm 1995, thời Bill Clinton còn làm tổng thống) Khi gặp lại sông Charles, một ham muốn được chạy dâng trào trong tôi. Nói chung, trừ phi có một thay đổi lớn lao nào đó xảy ra, nếu không thì những con sông trông vẫn luôn vậy, và sông Charles nói riêng thì hoàn toàn không đổi khác. Thời gian trôi, sinh viên đến rồi đi, tôi đã già thêm mười tuổi, và bao nhiêu nước đã trôi qua cầu theo đúng nghĩa đen. Nhưng dòng sông vẫn không biến đổi. Nước vẫn chảy xiết, và lặng thầm, hướng về cảng Boston. Nước tắm đẫm đôi bờ, làm cho cỏ mùa hè mọc dày, giúp cung cấp thức ăn cho loài chim nước, và dòng sông trôi lặng lờ, không ngừng nghỉ, dưới những cây cầu già cỗi, soi bóng những đám mây vào mùa hè, nhấp nhô những tảng băng vào mùa đông – rồi âm thầm đổ ra biển.

Sau khi đã soạn đồ đạc mọi thứ ra rồi, chịu đựng tình trạng quan liêu trong việc chuyển đến đây, và đã thích nghi với cuộc sống ở Cambridge, tôi lại bắt tay vào chạy bộ nghiêm túc. Hít vào khí lạnh sảng khoái ban mai, một lần nữa tôi cảm nhận được niềm vui khi chạy bộ trên mặt đất thân quen. Tiếng bước chân tôi, hơi thở và nhịp đập trái tim tôi, tất cả hòa quyện cùng nhau trong một phức điệu duy nhất. Sông Charles là thánh địa của đua thuyền buồm, lúc nào cũng có ai đó đang chèo thuyền trên sông. Tôi thích đua với họ. Thường thì thuyền nhanh hơn tôi, dĩ nhiên rồi. Nhưng khi chỉ có một con thuyền duy nhất thong thả chèo thì tôi có thể thích thú mà bỏ công khó nhọc.

Có lẽ vì là quê hương của marathon Boston mà Cambridge đầy cả người chạy bộ. con đường chạy bộ dọc sông Charles kéo dài tít tắp, nếu muốn ta có thể chạy hàng giờ. Vấn đề là con đường cũng được người chạy xe sử dụng, vậy nên ta phải dè chừng mấy chiếc xe đạp vút ngang qua ta từ sau lưng. Còn có những kẽ nứt ở nhiều chỗ trên vỉa hè mà ta phải cẩn thận để không vấp phải, và đôi lần đèn giao thông thật lâu khiến ta có thể bị kẹt lại, có thể gây trở ngại cho việc chạy của ta. Còn lại thì đó là một con đường chạy bộ tuyệt vời.

Thỉnh thoảng trong lúc chạy tôi nghe nhạc jazz, nhưng thường thì rock, vì nhịp của nó là nhạc đệm tuyệt vời nhất cho nhịp chạy. Tôi thích Red Hot Chili Peppers, Gorillaz và Beck hơn, và cả mấy thứ lỗi thời như Creedence Clearwater Revival và Beach Boys. Nhạc có tiết tấu càng đơn giản càng tốt. Ngày nay rất nhiều người chạy sử dụng iPod, nhưng tôi thì thích cái máy nghe nhạc MD mà tôi đã quen dùng hơn. Nó lớn hơn cái iPod một chút và không chứa được nhiều dữ liệu như iPod, nhưng nó tiện cho tôi. Lúc này tôi không muốn lẫn lộn âm nhạc với máy móc. Cũng như thật không hay khi nhập nhằng giữa bạn bè với công việc và tình dục.

Như tôi đã đề cập, tháng Bảy tôi chạy được 186 dặm. Nhưng trong tháng ấy có hai ngày trời mưa, và cả hai ngày tôi đều chạy trên đường. Và có rất ít ngày thời tiết quá oi bức và nóng nực đến không chạy được. Vậy nên nói chung, chạy 186 dặm cũng không tồi lắm. Không tệ chút nào. Nếu chạy 136 dặm một tháng nghĩa là chạy nghiêm túc thì chạy 186 dặm phải là chạy cật lực. Càng chạy nhiều thì tôi càng sụt cân. Trong hai tháng rưỡi tôi giảm được đâu chừng ba cân, và cái tảng mỡ mới xuất hiện quanh bụng tôi đã biến mất. Cứ hình dung là đến cửa hàng thịt, mua ba cân thịt mang về nhà. Bạn sẽ hiểu được vấn đề. Tôi có những cảm xúc lẫn lộn khi mang mớ cân thừa đó bên mình mỗi ngày. Nếu ta sống ở Boston, bia hơi Samuel Adams (Summer Ale) và Dunkin’ Donut(1) (Chú thích: Chuỗi cửa hàng cà phê và bành cam vòng) là những yếu tố cần thiết của cuộc sống. Nhưng tôi khoái chí phát hiện ra là ngay cả những thứ khoái khẩu này cũng có thể được bù đắp lại bằng tập luyện kiên trì.

Có thể hơi ngớ ngẩn một chút khi ai đó đến tuổi tôi rồi mới nói điều này, nhưng tôi chỉ muốn chắc là mình nói rõ ràng, cặn kẽ: tôi là kiểu người thích được ở một mình. Để diễn đạt chính xác hơn, tôi là kiểu người không thấy buồn phiền khi ở một mình. Tôi thấy dành một hai giờ mỗi ngày chạy bộ một mình, không nói gì với ai, cũng như bốn năm giờ đồng hồ một mình tại bàn viết là việc không khó khăn cũng chẳng buồn chán. Tôi đã có khuynh hướng này từ khi còn trẻ, hồi ấy, nếu được chọn, tôi thích đọc sách một mình hay chú tâm nghe nhạc hơn là cùng với ai khác. Bao giờ tôi cũng có thể nghĩ ra thứ này thứ nọ để làm một mình.

Dù vậy, nhưng sau khi lập gia đình sớm (lúc đó tôi hai mươi hai tuổi) tôi cũng đã dần quen với chuyện sống với một người khác. Sau khi rời trường đại học tôi làm chủ một quán rượu, do vậy tôi học được cái tầm quan trọng của việc cùng với người khác và cái điều hiển nhiên là ta không thể sống được một mình. Thế rồi, dần dà, dù có lẽ đây là cách giải thích của riêng tôi, qua kinh nghiệm bản thân tôi khám phá ra phải làm thế nào để quảng giao bặt thiệp. Giờ đây, hồi tưởng lại quãng thời gian ấy, tôi có thể thấy rằng trong suốt những năm tháng tuổi hai mươi của mình, thế giới quan của tôi đã thay đổi, tôi đã chín chắn hơn. Bằng cách chõ mũi vào đủ nơi đủ chốn, tôi đã có được những kỹ năng thực tiễn cần thiết để sống. Không có được mười năm dày dạn đó thì chắc tôi đã không viết tiểu thuyết, và dù cho cố gắng đi nữa tôi cũng không viết được. Chẳng phải là tính cách con người thay đổi khủng khiếp đến như thế. Cái mong muốn được một mình trong tôi vẫn không thay đổi. Chính vì vậy mà dành độ một giờ để chạy bộ, duy trì thời gian tĩnh lặng, riêng tư của riêng mình là điều quan trọng để giúp tôi duy trì sức khỏe tinh thần. Khi chạy bộ tôi không phải trò chuyện với ai và không phải lắng nghe ai. Tôi chỉ phải làm mỗi một chuyện là thưởng ngoạn phong cảnh lướt qua. Đây là một phần trong ngày không thể thiếu đối với tôi.

Người ta thường hỏi tôi nghĩ đến cái gì trong lúc chạy bộ. Thường thì chính những người hỏi như vậy chưa từng chạy đường dài. Tôi luôn ngẫm nghĩ câu hỏi này. Chính xác là mình nghĩ gì khi chạy? Tôi cũng không biết nữa.

Những hôm trời lạnh thì chắc tôi có nghĩ một chút rằng trời lạnh làm sao. Và nghĩ về cái nóng vào những ngày nóng nực. Khi buồn, tôi nghĩ một chút về nỗi buồn. Khi tôi vui tôi nghĩ một chút về niềm vui. Như tôi đã nói trước đây, những ký ức bất chợt cũng ùa về trong tôi. Và thỉnh thoảng, thật ra là hầu như không bao giờ, tôi có được một ý tưởng có thể dùng trong tiểu thuyết. Nhưng thực ra thì khi chạy tôi không nghĩ nhiều về bất cứ gì đáng nói.

Tôi chỉ chạy. Tôi chạy trong sự rỗng không. Hay có lẽ tôi nên nói cách khác như thế này: tôi chạy để đạt được một sự rỗng không. Nhưng như bạn cũng đoán được, thảng hoặc một ý nghĩ sẽ lẻn vào cái rỗng không này. Tâm trí con người không thể hoàn toàn trống rỗng. Cảm xúc con người không đủ mạnh mẽ hay kiên định để duy trì một tình trạng chân không. Điều tôi muốn nói là, các kiểu tư tưởng và ý nghĩ xâm chiếm những cảm xúc của tôi trong lúc tôi chạy vẫn là thứ yếu so với cái rỗng không ấy. Không có nội dung, chúng chỉ là những ý nghĩ bất chợt tập hợp xung quanh cái rỗng không trung tâm đó.

Những ý nghĩ chợt nảy ra trong tôi khi tôi chạy giống như mây trên bầu trời. Mây đủ mọi kích thước khác nhau. Chúng đến rồi đi, trong khi bầu trời vẫn là bầu trời vĩnh cửu. Những đám mây chỉ là những vị khách trên bầu trời đi qua rồi biến mất, bỏ lại bầu trời. Bầu trời vừa tồn tâij vừa không tồn tại. Nó có thực thể và đồng thời không. Và ta đón nhận cái khoảng mênh mang ấy và say sưa thưởng ngoạn, chỉ vậy thôi.

Giờ tôi đang ở cuối độ năm mươi. Hồi còn trẻ, tôi chưa hề nghĩ thế kỷ hai mươi mốt sẽ thực sự đến và rằng, nói nghiêm túc, rồi mình sẽ đến lúc đi quá tuổi năm mươi. Lý thuyết mà nói, dĩ nhiên, thật hiển nhiên là một ngày nào đó, nếu không có gì khác xảy ra, thế kỉ hai mươi mốt sẽ đến và tôi sẽ quá năm mươi tuổi. Hồi còn trẻ, nếu bảo tôi hãy hình dung ra mình ở tuổi năm mươi thì cũng khó như yêu cầu tôi hình dung, một cách cụ thể thế giới bên kia vậy. Mick Jagger có lần đã khoác lác, “Tôi thà chết còn hơn là còn hát bài ‘Satisfaction’ ở tuổi bốn lăm.” Nhưng giờ ông đã quá sáu mươi và vẫn còn hát bài “Satisfaction”. Một số người có thể thấy chuyện đó buồn cười, nhưng tôi thì không. Khi còn trẻ, Mick Jagger không thể nào hình dung ra mình ở tuổi bốn mươi lăm. Khi còn trẻ, tôi cũng y như vậy. Tôi có cười Mick Jagger được không? Không thể nào. Tôi chỉ tình cờ không phải là một ca sĩ nhạc rock thôi. Không ai nhớ được hồi trẻ tôi đã nói những điều ngu ngốc gì, vậy nên người ta sẽ không trích dẫn lại cho tôi nghe. Chỉ khác có vậy thôi.

Và phút này, tại đây, tôi đang sống trong cái thế giới không thể hình dung được này. Có cảm giác thật lạ lùng, và tôi chịu, không thể nói được mình may mắn hay không. Có lẽ điều đó không quan trọng. Đối với tôi – và đối với tất cả mọi người khác, có lẽ thế – đây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi về chuyện già đi, và những cảm xúc tôi có nữa, tất cả đều là những cảm xúc lần đầu. Nếu đó là thứ gì tôi đã kinh qua trước đây thì tôi đã có thể hiểu dễ dàng hơn, nhưng vì đây là lần đầu tiên nên tôi không thể. Tạm thời tôi chỉ có thể làm mỗi một điều là tạm hoãn bất kỳ đánh giá chi tiết nào và chấp nhận mọi sự như thế. Cũng giống như tôi chấp nhận bầu trời, những đám mây, và dòng sông. Và còn có cả cái gì hồ như hài hước nơi toàn bộ chuyện ấy, cái gì đấy ta không muốn vứt bỏ hoàn toàn.

Như tôi đã nói ở trên, đua tranh với người khác, dù là trong đời sống hàng ngày hay trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình, đơn giản không phải là lối sống tôi theo đuổi. Hãy thứ lỗi cho tôi khi nói điều hiển nhiên, nhưng thế giới này hình thành từ đủ mọi hạng người. Người khác có giá trị riêng của họ để sống theo, điều đó cũng đúng đối với tôi. Những khác biệt ấy làm nảy sinh bất đồng, và sự kết hợp các bất đồng này lại có thể làm nảy sinh những ngộ nhận còn lớn hơn. Kết quả là, đôi khi người ta bị chỉ trích sai. Dĩ nhiên rồi. Bị hiểu lầm hay chỉ trích thì chẳng mấy vui vẻ, mà đúng hơn là một kinh nghiệm cay đắng làm người ta bị tổn thương sâu sắc.

Dù sao, khi già đi, tôi dần dần nhận ra rằng kiểu đau lòng và tổn thương này là một phần tất yếu của cuộc sống. Cứ nghĩ mà xem, chính bởi con người ta khác với mọi người mà họ có thể tạo ra cái tôi độc lập riêng của mình. Lấy tôi làm ví dụ. Chính nhờ cái khả năng phát hiện ra một số khía cạnh của một cảnh quan mà người khác không thể, cảm thấy khác với người khác và chọn lựa từ ngữ khác với từ ngữ của họ mà tôi có thể viết những câu chuyện chỉ của tôi mà thôi. Chính vì vậy mà ta có một tình trạng khác thường là rất nhiều người đọc cái tôi đã viết. Vậy nên cái thực tế tôi là tôi chứ không phải ai khác là một trong những vốn quý lớn nhất của tôi. Tổn thương về mặt cảm xúc là cái giá một người phải trả để được độc lập.

Đó là cái mà về cơ bản tôi tin tưởng, và tôi đã sống cả đời mình theo niềm tin đó. Trong một vài lĩnh vực đời mình, tôi tích cực tìm kiếm sự cô độc. Đặc biệt đối với người trong nghề của tôi, sự cô độc, không nhiều thì ít, là một cảnh trạng không thể tránh khỏi. Tuy vậy, đôi khi cái cảm giác cô lập này, như axit tràn ra khỏi lọ, có thể vô tình ăn dần ăn mòn trái tim một người và phân hủy nó. Cả bạn nữa cũng có thể thấy nó như một kiểu dao hai lưỡi. Nó bảo vệ tôi, nhưng đồng thời cũng đều đều cắt từ bên trong tôi cắt ra. Tôi nghĩ rằng theo cách của riêng mình, tôi ý thức được mối hiểm họa này – có lẽ qua kinh nghiệm – và chính vì vậy mà tôi phải luôn giữ cho cơ thể mình vận động, trong một số trường hợp là bắt mình làm quá sức, để hàn gắn nỗi cô quạnh tôi cảm thấy bên trong và nhìn nhận nó cho đúng. Không phải một hành vi cố ý mà đúng hơn là một phản ứng theo bản năng.

Cho phép tôi nói cụ thể hơn.

Khi tôi bị chỉ trích không đúng (ít nhất thì cũng theo quan điểm của tôi), hoặc khi ai đó mà tôi tin chắc sẽ hiểu tôi nhưng lại không hiểu, tôi bỏ đi chạy bộ lâu hơn thường lệ một chút. Chạy lâu hơn thì cũng giống như là tôi giải tỏa được về mặt thể chất cái phần bất mãn ấy trong tôi. Điều đó cũng khiến tôi một lần nữa nhận ra mình yếu đuối như thế nào, các khả năng của mình hạn chế ra sao. Tôi trở nên ý thức được, về mặt thể chất, những mức thấp chưa từng thấy này. Và một trong những kết quả của việc chạy bộ xa hơn thường lệ một chút là tôi trở nên mạnh mẽ hơn nhiều. Nếu tôi giận dữ, tôi hướng cơn giận đó vào mình. Nếu tôi có một cảm nghiệm gây thất vọng, tôi dùng nó để hoàn thiện mình. Đó là cách tôi vẫn luôn sống. Tôi âm thầm thẩm thấu những thứ tôi có thể, giải tỏa chúng đi sau đó, và trong một hình thức biến đổi có thể, như một phần của cốt truyện trong một cuốn tiểu thuyết.

Tôi không nghĩ hầu hết mọi người đều thích tính cách của tôi. Tôi thường cho rằng – có thể có một ít – rất ít – người thấy ấn tượng bởi tính cách của tôi, nhưng rất hiếm người thích. Làm gì có ai lại có những tình cảm nồng ấm, hay gần giống như thế, dành cho một kẻ không thỏa hiệp, mà trái lại, mỗi khi có vấn đề, lại tự giam mình đơn độc trong phòng? Nhưng có thể nào một nhà văn chuyên nghiệp lại được mọi người ưa thích? Tôi không biết nữa. Có lẽ đâu đó trên thế gian thì có thể đấy. Khó mà nói chung chung. Ít ra, về phần tôi, một khi đã viết tiểu thuyết được nhiều năm, tôi chỉ là không hình dung ra nổi có ai thích mình trên bình diện cá nhân. Bị ai đó không thích, căm ghét và xem thường không hiểu sao lại có vẻ là điều tự nhiên hơn. Chẳng phải là tôi nhẹ nhõm khi điều ấy xảy ra. Thậm chí tôi còn không vui khi có người không thích mình.

Nhưng đó là chuyện khác rồi. Hãy trở lại với chạy bộ. Tôi lại về với lối sống chạy bộ. Tôi đã bắt ðầu chạy một cách nghiêm túc và giờ ðang chạy cật lực. Ðiều này có ý nghĩa gì với tôi, giờ đây khi tôi đang cuối độ tuổi năm mươi, tôi vẫn chưa biết. Nhưng tôi nghĩ nó phải có một ý nghĩa nào đó. Có thể không phải là cái gì sâu sắc, nhưng nó hẳn phải có một ý nghĩa. Dù sao, ngay lúc này tôi đang chạy cật lực. Tôi sẽ chờ đến sau này mới nghĩ xem chuyện ấy có nghĩa gì. (Hoãn suy nghĩ một điều gì đó là một trong những sở trường của tôi, một kỹ năng mà càng có tuổi tôi càng mài giũa được). Tôi đánh bóng giày chạy bộ của mình, thoa chút kem chống nắng lên mặt và cổ, canh lại giờ, và lên đường. Gió mậu dịch phất vào mặt tôi, một con diệc trắng trên cao, hai chân nó xếp thẳng hàng cung nghiêm bay qua bầu trời, còn tôi lắng nghe thứ nhạc yêu thích ngày xưa của mình, Lovin’s Spoonful.

Khi đang chạy tôi chợt nảy ra một ý nghĩ: dù thời gian chạy của mình trong mỗi lần chạy có không tiến bộ thì mình cũng chẳng thể làm được gì nhiều. Mình đã già đi, thời gian đang tính sổ với mình. Chuyện đó chẳng phải lỗi ai cả. Đấy là luật chơi. Cũng như sông chảy về biển, già đi và chậm lại chỉ là một phần của cảnh sắc thiên nhiên, mình phải chấp nhận nó. Có thể nó không phải là một quá trình thú vị gì lắm. Nhưng dù sao thì tôi có được lựa chọn chăng? Theo cách riêng của mình, cho đến nay tôi đã vui thỏa cuộc đời mình, cho dù tôi chẳng thể nào nói mình đã vui thú nó trọn vẹn.

Tôi không cố khoe khoang hay gì cả – ai lại đi khoe khoang những chuyện thế này? – nhưng tôi không phải là người sáng láng nhất. Tôi là kiểu người phải cảm thấy cái gì ấy bằng thể xác, thực sự sờ chạm thứ gì ấy, rồi mới hiểu rõ nó. Dù cho đó là gì, trừ phi tôi tận mắt nhìn thấy, nếu không tôi sẽ không tin chắc. Tôi là típ người thiên về thể lực, không phải trí tuệ. Dĩ nhiên tôi cũng có chút trí tuệ nào đó – ít nhất thì tôi nghĩ mình có. Nếu tôi không có chút trí tuệ nào thì không cách gì tôi có thể viết tiểu thuyết. Nhưng tôi không phải là kiểu người hoạt động bằng lý thuyết hay logic thuần túy, không phải là kiểu người lấy suy luận trí tuệ làm nguồn năng lượng. Chỉ khi tôi được trao một gánh nặng vật chất thực sự và cơ bắp của tôi bắt đầu rên rỉ (đôi khi còn kêu gào) thì cái thiết bị đo nhận thức của tôi mới vọt tới trước và cuối cùng tôi mới có thể thấu hiểu cái gì ấy. Khỏi phải nói, cần rất nhiều thời gian, cộng với nỗ lực, để đi qua từng giai đoạn, từng bước một, và đi đến một kết luận. Đôi khi việc ấy mất nhiều thời gian quá, và đến khi tôi tin chắc rồi thì đã quá trễ. Nhưng có thể làm được gì chứ? Kiểu người tôi là như vậy.

Khi chạy tôi tự nhủ mình hãy nghĩ đến một dòng sông. Và mây. Nhưng cơ bản thì tôi không nghĩ đến một cái gì cả. Tất cả những gì tôi làm là cứ chạy trong cái rỗng không tự tạo, ấm cúng, sự tĩnh lặng hoài niệm của riêng mình. Và đây là một thứ khá tuyệt vời. Dù bất cứ ai khác có nói gì đi nữa.

Trích dẫn

Trích dẫn sách Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ - Hầu hết những người chạy bộ chạy không phải vì họ muốn sống lâu hơn, mà vì họ muốn sống trọn vẹn. Ngay cả khi ta chỉ định sống cho qua ngày đoạn tháng thì vẫn sẽ tốt hơn nhiều nếu sống những năm tháng ấy với những mục đích rõ ràng và sống động… Đọc thêm

Đang cập nhật..

Thể loại

6 sách hay về chạy bộ gắn kết với khát vọng, mục tiêu và triết lý sống - 6 sách hay về chạy bộ giúp những người yêu thích chạy bộ hiểu sâu hơn về tiến trình mà chạy bộ gắn kết với khát vọng, mục tiêu và triết lý sống của ta. Cuộc Cách Mạng Trong Chạy Bộ Có phải chúng ta đã chạy sai cách? Có phải chúng ta đã chọn… Đọc thêm
Những trích dẫn sách hay nhất mọi thời đại (phần 2) - Những câu trích dẫn hay từ sách luôn có sức hút khó cưỡng đối với người yêu thích đọc sách, đôi khi có sức mạnh lan tỏa làm thay đổi cuộc đời người đọc. Dưới đây là những trích dẫn sách hay nhất mà Vnwriter tổng hợp từ những tựa sách nổi bật nhất: Thương… Đọc thêm
7 cuốn sách được yêu thích nhất của nhà văn Haruki Murakami - Nếu là một người yêu sách hoặc đơn giản là thích những yếu tố huyền ảo, kỳ bí hòa quyện giữa thực và mơ nhưng vẫn là những góc nhìn rất thực tế thì bạn không nên bỏ qua những cuốn sách của một tiểu thuyết gia Nhật Bản, người có tầm ảnh hưởng lớn… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

 

4 đánh giá cho Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ

  1. Phạm Thành Trung

    Đây là cuốn sách mang màu sắc khác biệt so với các tác phẩm khác của Haruki Murakami. Không còn là một câu chuyện tình yêu đôi lứa, mà là những lời tâm sự nhỏ mà đáng nghiền ngẫm của một nhà văn nổi tiếng. Thông qua hoạt động chạy bộ, với trí tưởng tượng và tài năng sử dụng câu từ của một bậc thầy, tác giả đã vẽ nên một bức tranh về cuộc sống chân thực và nhiều màu sắc. Những quan niệm của tác giả, nghe thì có vẻ bình thường, nhưng nếu ngẫm kỹ sẽ thấy nó rất độc đáo và quý giá. Thêm nữa, từ ngữ trong cuốn sách này cũng chân thực, nhẹ nhàng hơn các tp trước đó, nên dễ hiểu và dễ nắm bắt hơn.

  2. Nguyen Thuy

    Là một người luôn tự hỏi cuộc sống của con người đã viết ra những cái chết (Rừng Na-uy), những phút giây ‘ấy’ (Biên niên ký chim vặn dây cót và cái giếng), thật vui vì thấy ông xuất hiện là mình trong Tôi nói gì khi nói về chạy bộ. Nhưng hình như cũng không vui như tôi mong đợi, có lẽ là vì cái tính chất hơi thiên về giáo dục của nó. Thì là những thất bại, thì là những khó khăn trong cuộc sống mà ta phải trải quên, rồi từ đó rút kinh nghiệm và sống tốt hơn. Khá là lên gân đối với tôi. Nhưng có thể nói đây là một cuộc đối thoại thú vị với chú Murakami, và không thể đồng tình hơn với đoạn ‘Để hiểu được cái gì giá trị, đôi khi ta phải có những hành động coi vẻ chẳng tới đâu.’ Hẹn gặp lần tới nhé chú!

  3. Miki Chan

    Giữa chạy bộ và viết văn có mối quan hệ gì sao? Có lẽ có. Với Haruki Murakami, đó có lẽ là quan điểm của ông với những điều mình thích. Ông thích chạy bộ, ông thích viết văn, và cả trong 2 việc đó, quan điểm của ông đều rất rõ ràng: Một khi đã bắt đầu thì chỉ tập trung vào đó, không vướng bận gì khác. Nói cách khác, ông dồn toàn bộ nhiệt tình mình có thể có cho những gì mình thích được làm. Việc ấy nói thì dễ, nhưng thực hiện đôi khi lại khó khăn, không phải ai trong chúng ta cũng làm được, chúng ta dễ bị cuốn vào những điều khác hơn. Như thời điểm Murakami muốn chuyển sang nghề viết, ông đã có 1 giai đoạn vất vả với việc làm chủ 1 quán bar và quán của ông đang ăn nên làm ra, để bỏ hẳn và dứt khoát bứt sang văn chương là cả 1 sự phiêu lưu táo bạo. Nhưng ông chấp nhận đánh cược, và nếu không đánh cược và bắt đầu nghiệp văn chương với 1 tinh thần nghiêm túc thực sự, chúng ta đã không có 1 Haruki Murakami như ngày nay.

    Không chỉ vậy, trong chạy bộ và văn chương, ông đều thể hiện 1 tinh thần cầu tiến, thể hiện bằng sự không ngừng tự thách thức bản thân. Dù thất bại hay thành công, ông cũng không từ bỏ, mà tìm tòi mọi cách để đạt được cái mình muốn. Chính tinh thần như vậy đã giúp ông làm mới các tác phẩm của mình.

    Đối với mình, những điều ông viết ra trong cuốn sách này là những gì đáng trân trọng và Murakami là 1 nhà văn đáng quý vì tinh thần lao động bền bỉ và nghiêm túc.

  4. Ô Anh Duy

    Thật ra đến khi đọc xong cuốn sách tôi cũng không biết xêp cuốn sách thuộc loại gì. Tự truyện thì chắc chắn không đúng vì cuốn sách chỉ đặc biệt quan tâm đến cái nhìn về chị bộ của tác giả mà tản văn cũng hoàn toàn không vì có câu truyện nào đâu.
    Nói chung cuốn sách lạ về nội dung chỉ tập trung vào “chạy bộ” nhưng một Murakami “tầm cỡ ” như vậy không thể nào chỉ bàn về một đề tài “tầm thường” như vậy được vì vậy do đó khi đọc tôi luôn chú tâm hết mực vào trang sách và cuốn sách kết cấu hơi lạ nhưng Murakami làm tôi cảm phục vì đã nhìn được những triết lý sống trong những thứ quá đỗi bình thường.
    Bạn không biết những người cỡ như Murakami nhìn cuộc đời và mọi thứ xung quanh bạn như thế nào thì đây là cuốn giải đáp cái tò mò đó.Nhưng thật sự bản thân tôi không thích lắm về nó vì bởi đề tài mới quá chăng ?
    Trên hết mục đích thật sự của Murakami chính là chia sẽ những điều ông học và cảm nhận được qua việc chạy bộ và truyền cảm hứng về bộ môn chạy bộ này cho độc giả thông qua văn chương.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button