Cảm nhận sách

‘Đẹp và buồn’: Vọng âm vĩnh cửu trong văn chương Kawabata

Cái đẹp vốn hiện hữu trong văn chương nghệ thuật như một cảm thức vĩnh viễn.

Văn hào Dostoievski với niềm xác tín “Cái đẹp sẽ cứu rỗi nhân loại”, Pautovski cũng xem “Thái độ dửng dưng thờ ơ với cái đẹp là một thứ bệnh ung thư gặm nhấm làm khô cứng hủy hoại tâm hồn con người”.

Victor Hugo thì tin rằng “Yêu cái đẹp là thấy ánh sáng”, trong khi Albert Camus cũng khẳng định “Cái đẹp không thể chịu đựng nổi, nó khiến chúng ta tuyệt vọng, nó cho chúng ta một giây phút thoáng nhìn cõi vĩnh hằng mà chúng ta muốn vươn tay ra toàn bộ thời gian”…

Trong vũ trụ văn chương của các nhà văn, tiếp cận cái đẹp luôn là hạt nhân quan trọng nhất, bởi bản chất của sáng tạo nghệ thuật vốn cũng là sáng tạo cái đẹp.

Cũng xem cái đẹp là bản chất chung của nghệ thuật, nhưng cái đẹp ở nước Nhật còn được đẩy lên thành một tín ngưỡng trong văn chương.

Nhìn vào truyền thống Nhật Bản, độc giả đều dễ dàng nhận thấy, quan niệm cái đẹp thường gắn liền với nỗi ưu sầu mong manh buồn bã, được đúc kết thành cảm thức aware từ bao đời này, như tác giả E.M.D’ Jakonova khi nghiên cứu về Nhật Bản đã viết: “Trong mỹ học truyền thống Nhật Bản, nỗi buồn, nỗi u sầu, nỗi cô đơn không tách khỏi khái niệm vẻ đẹp, bởi vì vẻ đẹp sẽ không đầy đủ nếu thiếu nỗi buồn”.

Nhà văn Yasunari Kawabata.

Kawabata, nhà văn Nhật Bản đầu tiên đoạt giải Nobel văn học, chính là người đã thấm nhuần những quan niệm mỹ học truyền thống và thể hiện một cách độc đáo trong tác phẩm của mình.

Kawabata viết tiểu thuyết cuối cùng mang tên Đẹp và buồn như để thêm một lần nữa khẳng định quan niệm mỹ học truyền thống lâu đời của Nhật Bản, và cũng là đúc kết lại toàn bộ tư tưởng sáng tác xuyên suốt trong sự nghiệp văn chương của ông.

Câu chuyện chính của Đẹp và buồn kể về mối quan hệ tình yêu tay ba đầy bi kịch và tuyệt vọng của Oki với tình nhân Otoko, và người vợ Fumiko.

Oki là một nhà văn đã có vợ, nhưng vẫn say đắm thiếu nữ Otoko khi ấy mới 17 tuổi, bởi vẻ đẹp thanh khiết, quyến rũ. Sau đó khi Otoko có thai, Oki không thể bỏ vợ và lấy Otoko nên Otoko sinh non, phát điên phải đi bệnh viện tâm thần.

Khi đã khỏi bệnh, nàng theo mẹ chuyển về cố đô Tokyo. Oki sau đó viết tác phẩm Thiếu nữ mười sáu và trở nên nổi tiếng. Nhưng tác phẩm ấy đã khiến người vợ của Oki, khi ấy đang mang thai, rơi vào mệt mỏi suy kiệt và trầm cảm, dẫn đến xảy thai.

Mối tình đau đớn ấy đã cướp đi sinh mạng của hai đứa trẻ sơ sinh, trở thành nỗi ám ảnh cho các nhân vật trong tiểu thuyết. Mặc dầu vậy, đó là câu chuyện của hai mươi năm trước, bi kịch chính của Đẹp và buồn thực sự bắt đầu khi Keiko, học trò của Otoko, cũng là người say đắm Otoko xuất hiện, với khao khát trả thù Oki.

Những nỗi đam mê, nhục cảm trong mỗi cõi đẹp đẽ đến điên rồ. Cái đẹp nằm trong tình yêu, sự ham muốn, và lòng hận thù, để rồi miên viễn trong một cuộc truy lùng, đeo đuổi, đi đến cái đích tận cùng của chiêm nghiệm, ấy là cái chết. “Chết là vĩnh viễn từ chối mọi lý giải của người khác. Không ai biết lý do hành động tự hủy của một người, cũng không ai có quyền phán đoán người đi tìm cái chết”.

Câu chuyện đầy trầm mặc được đặt trong bối cảnh chính là cố đô Kyoto, với tiếng chuông chùa cuối năm tĩnh lặng, với ngọn đồi êm ả dưới ánh trăng… Kawabata đã thả bút mà vẽ nên những nét đẹp thuần khiết nhất, nhưng cũng ẩn giấu những bất an nhất, thầm kín nhất của cái đẹp.

Đẹp và buồn ra đời vào những năm gần cuối đời của Kawabata khi bản thân ông đã rơi sâu vào những nỗi hoài nghi sâu sắc của sự tàn lụi và tan rã của cái đẹp. Bởi thế tiểu thuyết này nhuộm đẫm một sắc thái của sự hủy diệt.

Cái cách Keiko theo đuổi sự hận thù quyết liệt và mù quáng, bằng một lòng say mê kỳ quái cũng chính là cách Kawabata tạo dựng nên một thế giới “đẹp và buồn” của riêng mình.

Hình ảnh hồ Biwa nơi Keiko và Taichiro rơi xuống, cướp đi sinh mạng của Taichiro phải chăng cũng chính là cái hố thẳm chôn lấp đi tất cả những hy vọng. Taichiro chết, để lại Keiko với một thân xác trống rỗng, cùng với Oki, Fumiko và Otoko lại tiếp tục nối dài thêm sự bất hạnh của các nhân vật.

Nhưng để nhân vật của mình được chết giữa mênh mang trời đêm và nước, bên cạnh người tình giai nhân, cũng là dựng nên một cái đẹp lấp lánh giữa thế gian rồi. Hồ Biwa từ ấy cũng trở thành một biểu tượng của một cõi đẹp đẽ thâm u và đầy huyễn ảo của thế giới văn chương Kawabata.

Độc giả say đắm Kawabata, đi xuống từng tầng sâu cùng cõi đẹp Kawabata, đều sẽ luôn nhận ra rằng, Kawabata giữ gìn khoái cảm về cái đẹp ấy, miên viễn ngay trong sự tàn lụi. Đẹp và buồn chính là một lời tuyên ngôn cuối cùng của Kawabata.

Đó là cuốn tiểu thuyết mang đầy dự cảm về một chuyến đi cuối cùng của đời người. Mặc dù trong diễn văn đọc tại buổi lễ nhận giải Nobel, Yasunari đã lên án cách kết thúc cuộc đời con người bằng cách tự vẫn, một cách chết “rất Nhật Bản” đã cướp đi nhiều người thân của ông. Năm 1972, Kawabata đã tự tử bằng khí đốt trong một căn phòng tại Hayama. Vì không để lại thư tuyệt mệnh, nên cái chết của ông vẫn đặt ra rất nhiều nghi vấn và tranh cãi cho những nhà nghiên cứu sau này.

Thủy Nguyệt

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Bảy 10, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button