Cảm nhận sách

Cuộc sống hiện đại – trả giá bao nhiêu thì hợp lý?

Sách “Người lạ trong nhà” không chỉ kể câu chuyện giữa người giúp việc và gia chủ, mà còn đặt vấn đề về những giá trị trong đời sống hiện đại.

“Cuộc sống hiện đại – trả giá bao nhiêu thì hợp lý?” là tên cuộc tọa đàm nhân dịp ra mắt bản tiếng Việt cuốn Người lạ trong nhà tại Hà Nội. Tác phẩm của Leila Slimani được giải Goncourt 2016 – một trong những giải thưởng văn chương lâu đời và danh giá nhất của Pháp.

Khi người giúp việc can thiệp quá sâu vào đời sống gia chủ

Người lạ trong nhà (Chanson Douce) được Leila Slimani (vốn là một nhà báo nên nhạy bén với tin tức) viết từ một câu chuyện có thật xảy ra tại New York. Một cô giúp việc giết chết hai đứa trẻ mà cô chăm sóc rồi tự tử, trong khi trước đó cô không có bất cứ mâu thuẫn gì với gia chủ.

Tác giả lấy đúng án mạng đó làm mở đầu cho tiểu thuyết của mình. Louise – “cô giúp việc trong mơ” cho gia đình vợ chồng Paul và Myriam đã giết chết hai đứa trẻ mà cô trông nom, sau đó tự tử. Một án mạng tàn khốc đã rõ cả nạn nhân lẫn kẻ thủ ác. Vậy nhà văn còn điều gì để kể với người đọc?

200 trang sách mà Leila viết sau đó là những khủng hoảng tâm lý, nỗi bất an của nhân vật mà mỗi người trong đời sống hiện đại cũng vấp phải những khủng hoảng, chấn thương ấy.

Myriam là một phụ nữ tốt nghiệp trường luật với điểm số cao, cô tìm được người chồng yêu mình, có cuộc sống hạnh phúc. Thời gian đầu, cô lựa chọn ở nhà trông con. Cô sinh đứa con đầu và đắm đuối trong tình mẫu tử. Niềm vui đó khiến cô muốn sinh thêm đứa thứ hai.

Nhưng khi có đứa con thứ hai, các rắc rối nảy sinh. Trông một lúc hai đứa trẻ là quá tải, người chồng đi làm về cũng phải chăm sóc con phụ vợ, lại thêm gánh nặng kiếm tiền nuôi gia đình bốn người…

Bản năng của một người được học hành mà phải ở nhà quá lâu khiến Myriam buồn chán. Nên khi người bạn mở văn phòng luật và mời Myriam đến làm, cô coi đó là cứu tinh của mình ra khỏi cuộc đời “bỉm sữa”.

Nhưng cô không thể đi làm nếu không có người giúp việc. Cả Myriam và Paul chồng cô đều cẩn thận tìm người trông con. Họ trải qua nhiều cuộc phỏng vấn, cuối cùng tìm được một vú em hoàn hảo.

Ngay từ phút đầu, vú em Louise đã làm thân với hai đứa trẻ, lại tận tụy, sẵn sàng làm thêm giờ mà không tính thêm tiền. Không chỉ trông trẻ, cô còn đi chợ, nấu ăn, là quần áo…

Vợ chồng Myriam có thể yên tâm giao phó việc nhà cho Louise mà phát triển công việc. Sự nghiệp của thăng tiến, tình yêu của họ thêm nồng ấm… Đối với họ, vú em Louise là một viên ngọc quý.

Nhưng dưới vỏ bọc luôn có những bí mật. Vợ chồng Myriam không thấy thắc mắc khi cô giúp việc tận tụy mà không lấy thêm tiền. Cho đến khi có những tín hiệu cô giúp việc có bất ổn trong đời sống cá nhân, hai vợ chồng muốn giúp, nhưng cô đều dấu nhẹm.

Câu chuyện tìm chỗ đứng trong xã hội

Vậy lý do thực sự khiến Louise giết hai đứa trẻ, rồi tự giết mình là gì? Giữa người giúp việc và gia chủ không hề có mâu thuẫn, thậm chí Myriam luôn cư xử công bằng, tỏ ra trân trọng Louise.

Mâu thuẫn bắt đầu từ chỗ không có mâu thuẫn, lý do bắt nguồn từ những việc cỏn con thường nhật, từ chuyện tưởng chừng không chút liên quan: việc đi tìm vị thế của mình trong xã hội.

Ở đây, Myriam khi muốn khẳng định chỗ đứng trong xã hội đã phải nhờ tới người giúp việc. Paul chồng cô cũng tương tự, muốn có vị thế trong xã hội, cần người đảm bảo cho gia đình được yên ổn.

Nhưng, không ai nghĩ rằng, người giúp việc, cô Louise cũng có mong muốn có được vị thế trong xã hội…

Louise dấu nhẹm mọi thứ về đời sống riêng tư, bởi sự thực, cô có một đời sống cá nhân buồn. Khi hết việc và trở về nhà, Louise chỉ nhớ đến những chuyện đau đớn khi đứa con mà cô yêu thương đã bỏ đi, nhớ về những lần thượng cẳng chân hạ cẳng tay của người chồng với vợ…

Cô đơn, Louise bám vào gia đình mà cô giúp việc để sống. Gia đình ấy không đối xử tệ với cô, họ cố coi cô như người nhà, nhưng sự thật, họ không biết, và cũng không thể đáp ứng được nguyện vọng của Louise. Vú em muốn được yêu thương, muốn có tình thân của gia đình. Chính nỗi cô đơn của người phụ nữ khiến Louise giết hai đứa trẻ và sau đó tự tử.

Đâu đó cho rằng Người lạ trong nhà là lời cảnh tỉnh cho những người người phụ nữ trong xã hội hiện đại, rằng họ đừng phó mặc hết con mình cho người giúp việc. Nhưng sâu hơn, đây là câu chuyện về sự cô đơn.

Nỗi khổ miếng cơm manh áo không phải là tất cả, mà quan trọng nhất là phần người, tình cảm con người. Nếu người ăn miếng cơm cùng mình, sống cạnh mình vẫn là một người lạ trong nhà, thì bi kịch ắt xảy đến.

Những lát cắt chứa sức nén của đời sống hiện đại

Cuốn sách ngay từ lời tựa đã bắt đầu bằng một vụ án. Có thể xếp sách vào thể loại trinh thám, có án mạng, có kẻ thủ ác, có nạn nhân, quá trình sách là hành trình đi tìm lời giải đáp vụ án. Nhưng đây không chỉ là cuốn trinh thám bình thường, đúng hơn nó là một cuốn tiểu thuyết tâm lý.

Câu chuyện được xây dựng quanh một trục chính: mối quan hệ giữa Myriam và cô giúp việc Louise. Mối quan hệ đó vừa lỏng lẻo vừa gắn kết, vừa tốt đẹp vừa xung đột.

Cả Myriam và Louise đều cần nhau. Myriam cần Louise chăm lo con cái gia đình để có thể khẳng định bản thân trong công việc, xã hội. Còn Louise cần Myriam không chỉ như một người trả tiền, mà kỳ vọng tìm được tình thương.

Louise trong câu chuyện này là người đi tìm vị trí bản thân mình, muốn tìm một nơi mà cô thuộc về.

Câu chuyện không kịch tính, mà đến từ những chi tiết rất bình thường. Thì ra những bi kịch khủng khiếp đến từ những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày như vậy.

Chọn trục chính câu chuyện là hai phụ nữ, Leila Slimani có mối quan tâm đặc biệt tới nữ giới. Tác giả từng thuê người giúp việc để giúp chăm con. Nhưng sự tinh tế của Leila ở chỗ, nhà văn không chỉ đặt mình vào vị trí người mẹ thuê giúp việc chăm con, mà cô còn đặt mình vào vị trí người vú em. Bởi thế, câu chuyện cô kể ám ảnh độc giả.

Tác phẩm gần với một phóng sự, ký sự. Mọi thứ hiện lên có chi tiết lớp lang, dường như không có xung đột kịch tính, mà tác giả chỉ cắt những lát của cuộc sống ra đưa vào.

Ngay cả chi tiết đặt một bộ xương gà đã róc hết thịt chỉ trơ bộ xương lên bàn bếp, vẫn được Leila kể bằng nhịp điệu bình thường. Giọng kể đó giống như cách cuộc sống diễn ra vậy, và ẩn chưa một thông điệp: Mọi bị kịch có thể xảy ra từ bất cứ đâu.

Bình thản tường thuật bi kịch của một gia đình, Leila Slimani vẫn tạo ra những khoảng nén, như cái cách mà xã hội hiện đại tạo ra áp lực cho con người hôm nay.

Gia đình Myriam và Louise chính là nạn nhân của đời sống hiện đại. Nhưng Leila đâu chỉ tường thuật lại bi kịch ấy. Tác phẩm buộc người đọc đặt ra những câu hỏi: vậy cuộc sống hiện đại, phải trả giá bao nhiêu thì hợp lý? Trả bao nhiêu thì có được chỗ đứng trong xã hội? Vấn đề ở chỗ, tất cả không nằm nơi đạt được chức vụ gì, nhận tiền lương bao nhiêu…

Mà mọi vấn đề được giải quyết khi những người sống bên nhau biết mang hơi ấm cho nhau, dù đó là vợ hay chồng mình, hay đó là một người giúp việc.

Leila Slimani (sinh năm 1981) là nhà báo, nhà văn người Pháp gốc Maroc. Năm 1999 khi vừa tốt nghiệp cấp ba, Leila tới Paris theo học lớp dự bị văn chương tại trường Fenelon và sau đó tốt nghiệp Học viện Nghiên cứu chính trị Paris.

Năm 2004, Leila xuất bản tiểu thuyết đầu tay Dans le jardin de l’orge (Trong khu vườn của yêu tinh) được giới chuyên môn đánh giá cao.

Người lạ trong nhà nhận giải Goncourt 2016, khiến Leila trở thành nữ nhà văn thứ 12 trong tổng số 113 người giành giải thưởng này.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Chín 29, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 6, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button