Kỹ năng

Trường học là một xã hội thu nhỏ ảnh hưởng đến tương lai, từ lớp trưởng tới mọt sách đều có địa vi riêng khi trưởng thành

Ngày còn đi học bạn là gì? Một đứa chăm học, lớp trưởng, học sinh cô lập hay là một nhóc tì “đầu gấu”? Tưởng chừng không liên quan nhưng những chức danh đó sẽ “vận” vào tương lai bạn sau này.

Trường học là một xã hội thu nhỏ, bạn có tin điều đó? Một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, việc bạn là ai ở trường trung học ảnh hưởng rất đến cuộc sống của bạn sau này nhiều hơn bạn nghĩ.

Giờ đây bạn đã là một người trưởng thành, và số tiệc tùng bạn được mời hay không được mời hồi trung học chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Nhưng bạn nhầm rồi. Tiến sĩ Mitch Prinstein, một trong những nhà nghiên cứu tâm lí hàng đầu thế giới về sự nổi tiếng đã chỉ ra điều bất ngờ.

Trong cuốn sách vừa xuất bản – “Nổi tiếng” – tiến sĩ cho rằng, dù địa vị của một người có thể thay đổi, nhưng những trải nghiệm bản thân của họ thì không. Nghiên cứu đã chỉ ra cách thức phát triển của não bộ, và chúng ta thực sự bị tác động bởi những kỉ niệm thời niên thiếu nhiều hơn ta nghĩ. Ngay cả khi ta đang sống ở hiện tại.

Sự nổi tiếng có hai loại: địa vị và sự yêu mến. Bạn có thể chỉ có một thứ, nhưng tốt hơn hết là nên sở hữu cả hai. Có như vậy, sức ảnh hưởng trong cuộc sống của bạn mới có thể vượt xa thời trung học.

Thử kiểm tra xem vị trí của bạn thời còn đi học ảnh hưởng đến bạn hôm nay như thế nào.

Bạn là thành viên của một “băng đảng” siêu ngầu, và cả trường nể sợ bạn hơn là yêu quý: Địa vị cao, độ yêu mến thấp.

Khái niệm “những nhân vật khét tiếng trong trường học” sẽ dễ dàng được nhận thấy trong các buổi họp mặt sau khi tất cả đã tốt nghiệp. Một vài người sẽ không thuận lợi mấy trong cuộc sống, và nghiên cứu đã chỉ ra, đây là điều thường xuyên xảy đến với những người có vị thế cao nhưng ít được yêu mến.

Nhiều bằng chứng cho thấy những cá nhân có “máu mặt” ở trường trung học, 10, 20 năm sau sẽ gặp rắc rối với các mối quan hệ. Họ sa vào nghiện ngập, tất nhiên không phải trường hợp nào cũng vậy, nhưng tỉ lệ nhiều hơn hẳn những người chẳng có tiếng tăm gì hồi đi học.

Những kiểu điển hình trong số đó là những tay du côn hay những cô nàng xấu tính mà ta thường gặp trong văn hóa Mỹ. Họ có xu hướng gây hấn, chứng tỏ quyền lực với bạn bè đồng trang lứa. Khi bước ra đời, họ cố công xây dựng những mối quan hệ hoàn hảo và ý nghĩa, nhưng rốt cuộc lại làm giảm giá trị bản thân mình.

Bạn chỉ là một tên mọt sách, nhưng lại được mọi người mến mộ: Địa vị thấp, độ yêu mến cao

Sự thông minh ở tuổi thiếu niên tất nhiên chẳng nói lên bạn có vị thế thấp. Nhưng sự thật là những đứa trẻ có niềm đam mê đặc biệt với việc học thường sẽ bị đóng mác “mọt sách”, và sẽ không bao giờ được chú ý giữa một đám những anh chàng thể thao lực lưỡng.

Tuy nhiên, nếu những cậu bạn mọt sách mờ nhạt này trang bị cho mình một số kĩ năng giao tiếp giúp xây dựng các mối quan hệ, họ không việc gì phải lo lắng cả.

Thực tế thì những người mang vẻ ngoài nhạt nhòa thời trung học lại có khả năng thành công cao khi trưởng thành. Bởi vì trí thông minh đã khiến cho họ bị tách biệt khỏi đám đông ngày đi học nay lại được ngưỡng mộ ở đại học hoặc môi trường làm việc. Sự hòa nhã, dễ chịu cũng làm cho người khác muốn giúp đỡ họ.

Bạn có còn nhớ ngày ấy mình là một tay anh chị hay một tên mọt sách?

Bạn có thể kết thân với bất kì ai, và ai ai cũng quý mến bạn: Địa vị cao, độ yêu mến cao.

Nếu một người từ khi còn niên thiếu đã may mắn đạt được cả hai yếu tố này, họ có nền tảng vững chắc cho cuộc sống trưởng thành mai sau.

Tiến sĩ Prinstein lưu ý rằng độ yêu mến thực chất quan trọng hơn nhiều so với địa vị khi nói đến khả năng đạt được thành công và hạnh phúc. Mải mê theo đuổi địa vị mà đánh mất đi sự yêu mến của mọi người là điều dại dột. Nhưng điều đó không có nghĩa một vị thế cao mà bạn mong muốn đạt được là điều gì đó xấu xa.

Bạn bị cô lập, và trường học đối với bạn như một địa ngục: Địa vị thấp, độ yêu mến thấp.

Những đứa trẻ có một thời học sinh không mấy vui vẻ cũng sẽ có xu hướng có một cuộc sống không tươi sáng sau này.

Như đã đề cập ở trên, những người có địa vị thấp nhưng biết cách xây dựng các mối quan hệ cũng sẽ dễ dàng thuận lợi trong cuộc sống. Nhưng những đứa trẻ bị xã hội ruồng bỏ sẽ bước vào đời đầy run rẩy, e sợ.

Những người thất bại và bất hạnh nhất hầu hết là những cá nhân mà tiến sĩ Prinstein gọi là “những kẻ hung hăng bị từ chối” – những đứa trẻ không những bị cô lập, kì thị mà còn phản ứng lại một cách gay gắt, sẵn sàng gây gổ hay trở thành một tên côn đồ. Nó tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến địa vị và sự yêu mến dành cho họ ngày càng xuống thấp mà không cách nào để thoát ra.

Một thời học sinh tồi tệ cũng hứa hẹn một tương lai tốt đẹp khi vào đời.

Ngay cả khi một người trưởng thành nghĩ là họ đã vượt qua quá khứ đen tối ấy, đã có công việc và một gia đình hạnh phúc, những kí ức thời niên thiếu vẫn thường xuyên ám ảnh họ. Khi bạn nói chuyện với một người có hồ sơ đầy ấn tượng, nếu đó là một người thời đi học không được yêu mến và xem trọng, họ luôn cảm thấy thiếu tự tin, dù họ đã đạt được bao nhiêu thành tựu đi nữa. Họ luôn thấy mình thấp kém hơn người khác và lo sợ bị từ chối, chỉ một dấu hiệu nhỏ cũng làm họ hoang mang.

Số phận của bạn vẫn có thể thay đổi

Tiến sĩ Prinstein khẳng định, một thời niên thiếu êm đẹp hay tăm tối ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sau này, nhưng nó không phải là vĩnh viễn. Prinstein muốn độc giả đọc cuốn sách của mình, nghĩ về những trải nghiệm ngày còn đi học của bản thân để hiểu chúng, thay vì xóa bỏ chúng. Khi bạn hiểu được mình là ai, bạn mới có thể tập trung phát triển bản thân ở hiện tại. Cuốn sách cũng khuyên tất cả mọi người nên tạo dựng sự yêu mến của những người xung quanh một cách chân thành.

Tiến sĩ Prinstein mong độc giả đọc cuốn sách để hiểu hơn về quá khứ của chính mình chứ không phải rũ bỏ nó.

Chúng ta nên làm những gì tác động đến nhu cầu của người khác, cho họ thấy ta muốn xây dựng mối quan hệ chân thành, không lợi dụng. Khi bạn càng được yêu mến, càng nhiều cơ hội sẽ mở ra. Sẽ thật tuyệt vời khi chia sẻ lợi ích cùng người khác, sẵn lòng giúp đỡ họ và nghĩ những điều tốt đẹp về họ.

Sự yêu mến là một trong “những mặt hàng xã hội giá trị nhất” ở mọi khía cạnh. Chúng ta nên đầu tư vào nó như một khoản đầu tư thiết thực nhất cho cuộc sống.

Phương Giấy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button