Cảm nhận sách

Viết không đau về ‘nỗi đau diệt chủng’

Một tình bạn thiêng liêng, trong sáng giữa hai cậu bé lên 9 thoạt đầu khiến người đọc nhẹ lòng, hạnh phúc nhưng sau đó là sự thảng thốt, bứt rứt khôn nguôi.

Cuốn sách Chú bé mang pyjama sọc của nhà văn Jonh Boyne lấy bối cảnh những năm 40 của thế kỷ trước tại Ba Lan. Lúc này, kế hoạch diệt chủng người Do Thái đang được Đức quốc xã tiến hành một cách có hệ thống với quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Câu chuyện xoay quanh sự việc gia đình của chú bé Bruno phải chuyển nhà từ Berlin đến trại tập trung Auschwitz, Ba Lan và tại đây, Bruno gặp người bạn thân nhất đời cậu, Shmuel.

Cuốn sách nhẹ nhàng, thong thả dẫn dắt người đọc thăm thú hết vẻ đẹp ở Berlin, rồi đến một nơi hẳn ai cũng tò mò: dãy hàng rào. Dãy hàng rào thép gai trải dài vô tận, phân cách thế giới này làm hai: bên này và bên kia hàng rào. Đau đớn thay, đôi bạn thân thiết Bruno và Shmuel lại là hai đại diện cho sự đối lập, phân cách ấy.

Xem giá bán
Ở bên kia hàng rào, nơi chú bé Shmuel đang sống có hàng trăm, hàng ngàn con người. Họ “ngồi cùng nhau thành từng nhóm, chằm chằm nhìn xuống đất, trông buồn bã kinh khủng; tất thảy đều có một điểm chung: đều gầy guộc đến phát sợ, mắt trũng sâu và cạo trọc đầu.”

Hình ảnh đẹp và cảm động nhất trong cuốn sách có lẽ là lúc Bruno quyết định mặc vào người một bộ pyjama sọc và đặt chân sang phía hàng rào bên kia. “Hai cậu bé ngượng nghịu đứng bên nhau trong giây lát, lạ lùng trước việc được ở cùng một bên hàng rào.”

Dù viết về hai cậu bé 9 tuổi nhưng cuốn sách này có sức hút với tất cả mọi người. Irish Times đã từng đánh giá tác phẩm là “Một câu chuyện tinh tế, đơn giản một cách có tính toán và cảm động đến tận cùng. Dành cho bất kỳ lứa tuổi nào”.

Truyện kết thúc bằng những hình ảnh và câu văn nhẹ nhàng, không cường điệu nhưng đầy ám ảnh, day dứt về hình ảnh những chú bé mang pyjama sọc. Chuyện gì sẽ xảy ra với chúng? “Cửa đột nhiên đóng lại và một tiếng kim loại vang vang vọng vào từ phía bên kia”. Và từ đó, chẳng còn ai nghe được tin tức gì về những đứa trẻ mang pyjama sọc nữa.

Cuốn sách tràn ngập ẩn ý ám ảnh trí tưởng tượng. Nó dường như muốn phá vỡ hết hết tất cả, muốn vượt lên trên những tội ác, những bất công trong xã hội để vươn tới tình yêu thương giữa con người với con người.

Những hàng rào không chỉ xuất hiện trong cuốn sách, nó có mặt khắp mọi nơi trên thế giới theo những dạng thức khác nhau: phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa khủng bố… Hy vọng rằng, những hàng rào ấy nhanh chóng biến mất, để không ai trong chúng ta phải vượt qua một hàng rào như vậy trong đời.

Chú bé mang pyjama sọc được đạo diễn người Anh Mark Herman chuyển thể thành phim năm 2008. Bộ phim nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sâu sắc về tội ác của Phát xít Đức dưới cái nhìn ngây thơ của một cậu bé.

Một cảnh trong bộ phim Chú bé mang chú bé pyjama sọc

Jonh Boyne sinh năm 1971 tại Ireland. Trước cuốn sách Chú bé mang pyjama sọc, anh từng viết bốn cuốn sách khác, bao gồm The Thief of Time, The Congrees of Rough Riders, Crippen và Next of Kin. Các tác phẩm của anh đã được dịch ra 17 ngôn ngữ. Riếng cuốn Chú bé mang pyjama sọc đã bán được năm triệu bản in trên khắp thế giới, từng đứng đầu các danh sách bán chạy uy tín ở cả Mỹ, Anh, Ireland, Australia, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác.

Tội ác của Đức quốc xã ở Ba Lan

Tại trại tập trung Auschwitz (Ba Lan), bốn căn phòng lớn đã được xây dựng, mỗi căn phòng có thể chứa tới 2000 người cùng một lúc. Các nạn nhân buộc phải cởi bỏ hết quần áo rồi bị dồn vào trong phòng, khi các cánh cửa đã được đóng chặt hơi ga sẽ được bơm đầy vào trong phòng. Khoảng mười lăm phút sau, các nạn nhân sẽ chết tùy vào vị trí đứng trong đám đông.

Ước tính Đức quốc xã đã giết hại 5.933.900 người tương ứng với 67%. Trên 2 triệu người Do Thái đã bị giết hại ở Auschwitz, 1.380.000 ở Majdanl, 800.000 người ở Treblinka, 600.000 ở Balzec, 340.000 ở Chelmo và 250.000 người ở Sobibor.

Vũ Hậu

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

Ngày đăng: Tháng Mười Một 9, 2017 | Lần cập nhật cuối: Tháng Hai 2, 2018

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button