Ếch

(2 đánh giá của khách hàng)

Cuốn sách như một bức tranh xã hội sâu sắc ở Trung Quốc, phản ánh được những tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm tới cuộc sống của người dân nước này. Sách hiện đang bestseller ở Trung Quốc.

Danh mục:

Giới thiệu

“ẾCH” do NXB Văn nghệ Thượng Hải xuất bản, vừa phát hành tại Trung Quốc vào những ngày cuối tháng 12.2009, đã nhanh chóng thu hút đông đảo độc giả Trung Quốc và dấy lên làn sóng tò mò háo hức của độc giả nhiều nước vốn mê thích truyện của Mạc Ngôn. Cuốn sách xoay quanh cuộc đời và công việc của nhân vật chính – một nữ bác sĩ chuyên đỡ đẻ ở khắp nông thôn Cao Mật, phải chuyển sang nghề thắt ống dẫn tinh cho nam giới và nạo phá thai. Đây là một đề tài cực kỳ hiếm hoi trong văn học, được nhà văn Mạc Ngôn miêu tả vô cùng khéo léo và đầy kịch tính. Cuốn sách như một bức tranh xã hội sâu sắc ở Trung Quốc, phản ánh được những tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm tới cuộc sống của người dân nước này.

Đọc thử

Tiên sinh Sugitani Yoshihito kính mến,

Chia tay đã gần một tháng nhưng những gì đã diễn ra giữa tôi và ngài trong khoảng thời gian ngài đến quê hương tôi vẫn hiển hiện trước mắt tôi. Ngài đã không quản tuổi già sức yếu vượt muôn trùng biển khơi, đến một nơi xa xôi, lạc hậu để cùng với tôi và những người yêu thích văn học tại quê tôi đàm đạo về văn học. Điều này khiến tôi vô cùng cảm động. Sáng mồng hai tết Âm lịch, tại hội trường khu chiêu đãi sở của huyện, ngài đã diễn thuyết chuyên đề “Văn học và sinh mệnh”, chúng tôi đã ghi âm toàn bộ những lời của ngài và sao chép, chỉnh lý lại, hy vọng ngài cho phép đăng tải trên tạp chí nội bộ “Tiếng ếch kêu” của Hội Liên hiệp văn học huyện để cho những ai chưa được nghe ngài nói chuyện cũng có thể lĩnh hội được vẻ đẹp của ngôn ngữ của ngài và thu lượm được nhiều điều bổ ích.

Sáng mồng một tết, tôi đã đưa ngài đến thăm người cô đã từng làm công việc sản phụ khoa hơn năm mươi năm của tôi. Tuy cô ấy nói quá nhanh và pha nhiều từ cũng như chất giọng địa phương khiến ngài khó lòng hiểu hết những gì cô ấy nói, nhưng tôi tin rằng, cô ấy đã để lại cho ngài một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Trong buổi diễn thuyết sáng mồng hai, ngài đã lấy ví dụ rất nhiều về người cô của tôi để trình bày những quan niệm về văn học của mình. Ngài đã nói, trong trái tim và khối óc của ngài đã có hình tượng một nữ bác sĩ cùng với chiếc xe đạp lao băng băng trên mặt sông đã kết băng; hình tượng một nữ bác sĩ sau lưng đeo hòm thuốc, tay che dù, ống quần xắn cao cùng với bầy cóc nhái kết đoàn kết đội lầm lũi đi về phía trước; hình tượng một nữ bác sĩ đang bế những hài nhi, tay dính đầy máu nhưng miệng cười rất tươi; hình tượng một nữ bác sĩ miệng ngậm thuốc lá, quần áo xộc xệch, gương mặt trầm tư… Ngài nói, những hình tượng ấy có lúc lại dung hòa thành một thể thống nhất nhưng cũng có lúc lại phân ly, chẳng khác nào những bức tượng điêu khắc độc lập. Ngài đã động viên những người yêu thích văn học trong huyện chúng tôi rằng, từ những tài liệu sống động về người cô ấy của tôi, chúng tôi có thể viết được những bộ tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca, kịch… đủ sức làm người ta cảm động. Thưa tiên sinh, những lời cổ vũ của ngài đã khiến chúng tôi nhiệt tình với sáng tác hơn, rất nhiều người đã bắt tay ngay vào thử bút. Một người bạn văn của tôi ở Cung văn hóa huyện đã động bút viết một tiểu thuyết về một nữ bác sĩ nông thôn. Tôi không muốn dẫm theo bánh xe của anh ta. Mặc dù tôi hiểu về người cô hơn anh ta nhiều lần, nhưng đành phải nhường cho anh ta viết tiểu thuyết vậy. Thưa tiên sinh, tôi muốn viết một vở kịch nói về cuộc đời người cô mình. Tối mồng hai tết, trong cuộc nói chuyện giữa chúng ta bên chiếc giường đất được sấy ấm của tôi, ngài đã đánh giá rất cao tác phẩm của nhà viết kịch người Pháp Henri Becque. Những lời phân tích rất tinh tế cũng như nhãn quan độc đáo của ngài đã khiến tôi như người đang mê được thấm nhuần chân lý giác ngộ, đầu óc u tối của tôi đột nhiên đốn ngộ! Tôi cần phải viết, viết ra những kịch bản “ruồi nhặng”, “nhơ nhuốc”, dũng cảm hướng về mục tiêu trở thành một “đại kịch tác gia”. Tôi kính phục trước lời dặn dò của ngài: Đừng vội vàng, cứ thư thả, nhẫn nại giống như ếch xanh ẩn dưới lá sen chờ đợi côn trùng; nghĩ kỹ rồi hãy hạ bút, giống như sự nhanh nhẹn của ếch xanh khi chộp lấy con mồi.

Tại sân bay Thanh Đảo, trước khi chia tay để ngài lên máy bay, ngài còn nói với tôi, hy vọng tôi cùng cách viết thư kể chuyện về người cô của mình cho ngài nghe. Cuộc đời cô tuy chưa kết thúc nhưng đã có thể dùng những cụm từ như “cuồn cuộn như sóng triều”, “lên bổng xuống trầm” để hình dung. Chuyện về cô ấy quá nhiều, tôi không biết là lá thư này phải viết dài đến bao nhiêu trang. Mong ngài tha thứ, mong ngài chấp nhận. Lại nữa, tôi dập xóa liên tục, viết đến đâu thì biết đến đấy, có thể dài đến bao nhiêu thì biết bấy nhiêu. Trong thời đại vi tính mà dùng bút và giấy để viết thư đã trở thành một hoạt động xa xỉ nhưng cũng là một thứ lạc thú. Mong sao lúc đọc thư của tôi, ngài cũng cảm nhận được ở đấy một thứ lạc thú cũ kỹ.

Nhân đây cũng xin báo cho ngài hay, bố tôi vừa gọi điện cho tôi, bảo: Ngày mười lăm tháng giêng, cây mai già đã được ngài gọi là “tài hoa tung hoành” vì hình thù kỳ dị của nó đã nở những đóa hoa màu đỏ. Rất nhiều người đã đến nhà tôi để chiêm ngưỡng cây mai, cô tôi cũng có mặt. Bố tôi nói, ngày ấy tuyết rơi bời bời, mùi thơm của hoa mai tràn ngập trong hoa tuyết. Ngửi được mùi thơm ấy, đầu óc người ta cảm thấy tỉnh táo lạ lùng.

Học sinh của ngài: Khoa Đẩu Bắc Kinh, ngày 21 tháng 3 năm 2002

1. Thưa tiên sinh,

Ở quê hương tôi có một phong tục vô cùng lâu đời là, khi đứa con được sinh ra, người ta thường đặt tên cho nó theo những bộ phận hoặc là các khí quản trên cơ thể con người. Ví dụ, thích lỗ mũi thì đặt tên là Trần Tị; quan tâm đến mắt thì đặt tên là Triệu Nhãn; thích thú với vai thì đặt tên là Tôn Kiên; rồi Ngô Đại Tràng… thôi thì đủ cả. Phong tục này sinh ra từ đâu, tôi chưa kịp thời tìm hiểu nhưng đại khái là do quan niệm tâm lý “tên xấu thì sống lâu”. Cũng có thể là do bà mẹ nghĩ rằng, con cái là một bộ phận trên cơ thể mình nên mới có tục lệ ấy. Cách đặt tên này hiện nay không còn phổ biến nữa. Những ông bố bà mẹ trẻ không còn thích thú với việc dùng cách đặt tên quái lạ như thế để đặt tên cho con mình. Lúc này, ở chỗ chúng tôi, trẻ con thường mang những cái tên vô cũng ưu nhã của các nhân vật trong phim ảnh cũng như tên của các ngôi sao nổi tiếng Hongkong, Hàn Quốc, Đài Loan, thậm chí là Nhật Bản. Những người lỡ mang tên từ những bộ phận trên cơ thể thì tìm mọi cách để đổi tên sao cho đẹp hơn. Đương nhiên cũng có nhiều người không đổi, chẳng hạn như Trần Nhĩ, Trần Mi.

Bố của Trần Nhĩ và Trần Kiên là Trần Tị, bạn học cùng thời tiểu học, đồng thời cũng là bạn thân nhất thời niên thiếu của tôi. Năm 1960, chúng tôi cùng vào lớp một Trường tiểu học Đại Dương Lan. Đó là thời kỳ đói kém và những gì lưu ấn tượng sâu sắc nhất trong ký ức của tôi đều gắn liền với chuyện ăn. Chẳng hạn như tôi đã từng kể đến chuyện ăn than đá của mình. Nhiều người cho rằng tôi phịa chuyện một cách tùy tiện nhưng tôi có thể dùng danh nghĩa của cô tôi để thề rằng: Đó không hề là chuyện phịa mà là một chuyện có thật hoàn toàn.

Đó là một loại than đá chất lượng rất tốt do mỏ than Long Khẩu sản xuất, sáng lấp lánh, nếu phẳng một tí thì nó có thể chiếu được cả mặt người. Sau này tôi chưa bao giờ gặp lại một loại than đá nào sáng đến mức ấy. Người đánh xe trong thôn là Vương Cước đánh chiếc xe ngựa để chuyển than lên huyện lỵ. Vương Cước đầu vuông, trán dồ, miệng rộng; khi nói năng đôi mắt sáng trưng, mặt đỏ rần. Con trai ông ấy là Vương Can, con gái Vương Đảm (cũng là gan và mật!) đều là bạn học của tôi. Can và Đảm là song sinh cùng trứng nhưng Can có thân hình vô cùng cao lớn, còn Đảm lại là một đứa con gái hình như không bao giờ lớn lên được. Nói có vẻ khó nghe một tí, cô ấy là một người lùn. Người ta kháo nhau rằng, khi còn ở trong bụng mẹ, Can đã dùng sức mạnh tranh hết phần dinh dưỡng của Đảm, do nên Đảm mới trở thành hình dạng như bấy giờ. Khi Vương Cước dỡ than xuống khỏi xe cũng chính là lúc tan học, chúng tôi đứa nào cũng mang túi xách sau lưng, quây chung quanh mà cười đùa. Vương Cước dùng một chiếc xẻng thật to xúc từng xẻng than đổ xuống đất, từng hòn than xếp chồng lên nhau, tiếng kêu rào rào rất vui tai. Trên cổ Vương Cước đã lấp lóa mồ hôi. Ông ấy dừng tay nới lỏng giải thắt lưng bằng vải quấn quanh bụng. Lúc ấy, Vương Cước mới nhận ra trong đám trẻ có Can và Đảm, bèn nạt lớn: Về nhà ngay, đi cắt cỏ! Vương Đảm quay người chạy một mạch. Nó chạy, thân hình lắc lư, hầu như không có trọng tâm chẳng khác nào một đứa bé mới bắt đầu tập đi, trông rất dễ thương. Còn Vương Can thì lùi lại sau lưng bạn bè, nhưng không chịu về. Lúc nào Vương Can cũng cảm thấy rất tự hào về công việc của bố. Học sinh lúc này, dù bố có lái máy bay cũng chưa chắc đã cảm nhận được sự tự hào của Vương Can lúc ấy. Chiếc xe ngựa to đùng, khi chạy hai bánh nghiến xuống đất làm tung lên những làn bụi, kiêu hùng thay! Kéo xe là chú ngựa vốn chuyên kéo pháo kéo đạn trong quân đội, nghe đâu cũng đã từng lập nên nhiều chiến công, trên mông vẫn còn có dấu vết như bị bỏng. Phụ sức cho chú ngựa này còn có một con la, được nối với càng xe bằng một sợi dây dài. Đây là một con la đực, tính khí rất hung hãn, nghe đâu rất thích đá và cắn người. Tuy nó hung hãn thật nhưng sức khỏe của nó thật đáng nể, lại có bước chạy rất nhanh. Trong thôn cũng chỉ có mỗi một mình Vương Cước mới có thể trị được con la hung hãn này. Người trong thôn rất mê công việc của Vương Cước nhưng hễ nhìn thấy con la thì lòng ham muốn của họ bị dập tắt ngay. Con la này đã từng cắn hai đứa trẻ, một là Viên Tai (lại là quai hàm) con trai của Viên Liễm (Mặt – Mặt đẻ ra con là Quai hàm! Quá hay!), hai là Vương Đảm. Khi chiếc xe dừng lại trước nhà Vương Đảm, nó chạy đến trước đầu con la để đùa, bị con la ngọm một miếng sứt trán. Chúng tôi rất kính trọng Vương Cước. Ông ấy cao một mét chín, hai vai rất rộng, sức khỏe như trâu, cái trục lăn lúa nặng đến hai trăm cân mà chỉ đưa hai tay nắm lấy, chỉ cần “hự” một tiếng là đã đưa quá đỉnh đầu. Điều khiến chúng tôi đặc biệt kính phục là chiếc roi thần trong tay ông ấy. Khi con la nổi điên cắn sứt trán Vương Đảm, ông ấy kéo nhanh cái phanh xe rồi nhảy xuống khỏi càng xe, vung roi lên quật vun vút vào cái mông con la. Đúng là một trận đòn kinh hoàng, mỗi tiếng roi vút xuống là một lằn máu hiện ra. Ban đầu, con la còn lồng lộn quẫy đạp, nhưng sau một lát thì chỉ còn biết run rẩy chịu đòn, hai chân trước từ từ quỳ xuống đất, cái mồm dúi sâu vào đất bùn, cái mông chổng lên trời chịu trận. Sau đó, chỉ có bố Viên Liễm của Viên Tai mới dám đứng ra khuyên bảo: “Thôi nào lão Vương, tha cho nó lần này!” Lúc ấy, Vương Cước mới ngừng trận đòn phục hận. Viên Liễm là Bí thư chi bộ Đảng, là quan chức cao nhất của thôn, Vương Cước không dám không nghe lời ông ta. Sau khi con la cắn sứt trán Vương Đảm, chúng tôi chờ đợi một màn kịch vui tiếp theo nhưng sau đó thì Vương Cước không đánh con la roi nào nữa. Ông ấy vốc một nắm vôi ở đống vôi bên vệ đường ép chặt lên trán Vương Đảm rồi ôm con bé về nhà. Vương Cước không đánh con la nữa, nhưng về đến nhà lại quất vợ một roi, đá Vương Can một cái. Chúng tôi vẫn không ngừng bàn tán về con la điên có bộ lông màu tro ấy. Nó hơi gầy, để lộ cả xương sườn ra ngoài, bên cạnh hai mắt có hai hốc lõm rất sâu, chúng tôi nghĩ là có thể nhét cả một quả trứng gà vào đấy. Ánh mắt của nó trông có vẻ ưu tư, có thể rơi nước mắt khóc bất kỳ lúc nào. Chúng tôi không thể nào hiểu được một con la gầy như vậy mà lại có thể có sức khỏe tiềm tàng đến như vậy. Khi chúng tôi vừa bàn tán xôn xao vừa tiếp cận với con la, Vương Cước đã dừng xẻng, nhìn chúng tôi bằng đôi mắt rất nghiêm khắc và cảnh giác. Không đứa nào bảo đứa nào, chúng tôi đồng loạt lùi bước trước ánh mắt ấy. Đống than đá trước cửa nhà ăn của trường từ từ cao lên, than trên xe cũng đã vơi dần. Không hẹn mà tất cả chúng tôi cũng chun mũi bởi đã ngửi thấy một mùi thơm là lạ giống như mùi hương tùng đang cháy, lại vừa như mùi đậu nướng. Khứu giác nhanh nhạy khiến thị giác chúng tôi đồng loạt tập trung vào đống than lấp lánh. Công việc của Vương Cước đã xong. Ông ấy quát to ra lệnh cho ngựa và lừa kéo xe trống ra khỏi khuôn viên trường. Chúng tôi không đuổi theo chiếc xe như mọi khi, vừa cười đùa vừa tránh những làn roi của Vương Cước vì sợ vô tình trúng phải đầu. Ánh mắt chúng tôi không rời đống than và bắt đầu dò dẫm từng bước đi về phía ấy. Lão Vương, đầu bếp nhà ăn đang xách hai thùng nước nặng đang xiêu xiêu vẹo vẹo đi tới. Con gái ông ta là Vương Nhân Mỹ cũng học cùng lớp với chúng tôi, sau đó thì trở thành vợ tôi. Lúc ấy, cô ấy được mệnh danh là “đứa ít dùng khí quan”, bởi đầu bếp Vương là người có văn hóa. Ông ấy vốn là Trạm trưởng trạm chăn nuôi gia súc của công xã, nhưng vì phạm sai lầm là ăn nói không được lòng cấp trên nên bị đuổi việc, cho về làng. Ánh mắt lão Vương nhìn chúng tôi đầy vẻ nghi ngờ. Có lẽ ông ta nghi là chúng tôi sẽ xông vào nhà bếp để ăn cướp thức ăn. Do vậy, ông ta quát lớn: “Cút! Bọn thỏ con này! Ở đây không có cái cho chúng mày ăn đâu, về nhà mà bú mẹ đi!”. Đương nhiên là chúng tôi nghe thấy những lời ông ấy nói và đương nhiên là cũng có nghĩ đến lời đề nghị của ông ấy. Nhưng rõ ràng đề nghị của ông ta chẳng khác nào đang chửi chúng tôi. Chúng tôi đều là những đứa trẻ từ bảy đến tám tuổi, lẽ nào còn bú mẹ? Cho dù chúng tôi còn muốn bú đi nữa thì mẹ chúng tôi đều đang đói đến độ dở sống dở chết, vú dính vào xương, lấy đâu ra sữa để chúng tôi bú? Nhưng chẳng đứa nào thèm lý luận với lão Vương. Chúng tôi đứng trước đống than, cúi gập người xuống chẳng khác nào những nhà địa chất học phát hiện ra những khoáng thạch kỳ dị. Mũi chúng tôi hấp háy trông chẳng khác nào mũi của những con chó đã phát hiện ra thứ có thể ăn được trong đống rác bẩn. Nói đến đây, trước tiên là cần phải cảm tạ Trần Tị, sau đó là cảm tạ Vương Đảm – không biết con bé này đã quay lại từ khi nào. Đầu tiên là Trần Tị nhặt lên một thỏi than đá, đưa lên mũi hít hít, nhăn mặt cau mày như đang suy tư về một vấn đề gì đó trọng đại lắm. Mũi của thằng này vừa to vừa cao, là đối tượng để chúng tôi chọc ghẹo. Suy tư trong giây lát rồi bằng một động tác thật mạnh mẽ, nó đập mạnh thỏi than trong tay xuống một thỏi than lớn khác. Tất nhiên là thỏi than trên tay nó vỡ ra và mùi thơm lạ lạ ấy lập tức bốc lên thật mạnh. Nó nhặt lên một thỏi nhỏ, Vương Đảm cũng nhặt lên một thỏi. Trần Tị dùng lưỡi liếm liếm vào thỏi than như muốn thử mùi vị, đôi mắt đảo một vòng rồi nhìn chúng tôi. Vương Đảm cũng bắt đầu liếm, rồi cũng nhìn chúng tôi. Sau đó, hai đứa chúng nó nhìn nhau, mỉm cười rồi không hẹn mà cả hai đồng thời đưa thỏi than vào giữa hai hàm răng, cẩn thận, từ tốn cắn một miếng nhỏ, nhai nhóp nhép, sau đó lại cắn thêm miếng nữa, lớn hơn, nhai cũng mạnh hơn. Vẻ hưng phấn ngay lập tức xuất hiện trên mặt hai đứa. Cái lỗ mũi to tướng của Trần Tị đã đỏ rực lên, hai bên mồ hôi tuôn ra lấm tấm, còn cái lỗ mũi nho nhỏ của Vương Đảm lại biến thành màu đen vì đang bị bụi than bám vào. Chúng tôi mê muội vì những âm thanh nhai than giòn tan phát ra từ miệng của hai đứa, kinh ngạc nhìn chúng nuốt than vào bụng. Trần Tị và Vương Can đã nuốt than vào bụng! Chúng đã ăn than! Trần Tị hạ giọng thì thầm: “Chúng mày à, ngon lắm!”. Vương Đảm cũng kêu lên: “Anh hai! Mau ăn đi, ngon lắm!”. Trần Tị tiếp tục nhặt một thỏi nữa và lần này thì nhét hết vào miệng nhai rau ráu. Vương Đảm nhặt một thỏi đưa cho Vương Can… Chúng tôi bắt đầu học theo Trần Tị và Vương Đảm, đua nhau nhặt những thỏi than nho nhỏ, dùng răng cắn một mảnh nhỏ, từ từ thưởng thức mùi vị của nó, tuy hơi đắng chát nhưng mùi vị không đến nỗi nào. Trần Tị rất chí công vô tư nhặt lên một thỏi than thật to, nói lớn: “Chúng mày à, ăn chỗ này mới ngon!”. Vừa nói, nó vừa chỉ vào chỗ sáng lấp lánh trông giống như pha lê, màu hơi vàng của hòn than – “Chỗ này có mùi hương tùng, ngon hơn!”. Chúng tôi đã được dạy những bài học về khoa học tự nhiên nên biết được rằng, than được sinh ra từ những cánh rừng bị chôn vùi dưới đất từ nhiều thế kỷ trước. Thầy dạy những môn khoa học tự nhiên của chúng tôi là hiệu trưởng Ngô Kim Bảng. Chúng tôi không tin lời hiệu trưởng, cũng không tin những gì viết trong sách giáo khoa. Rừng có màu xanh, tại sao lại biến thành than đá có màu đen? Chúng tôi đều cho rằng, sách giáo khoa và thầy hiệu trưởng chỉ đặt điều nói vu vơ. Phát hiện ra trong than đã có mùi tùng, chúng tôi mới tin là thầy hiệu trưởng không hề lừa chúng tôi, sách giáo khoa cũng không hề nói bậy. Lớp tôi có ba mươi lăm học sinh, trừ mấy đứa con gái ra, tất cả đều có mặt lúc ấy. Mỗi đứa chúng tôi cầm một thỏi than ra sức mà cắn, nhai rau ráu. Mặt đứa nào đứa nấy đều biểu lộ một sự hưng phấn tột cùng, đồng thời cũng pha một chút thần bí. Hình như chúng tôi đang tiến hành biểu diễn một trò chơi cổ quái nào đó. Riêng Tiêu Hạ Thần (lại là môi dưới) chỉ nhặt một thỏi than cầm trên tay, lật qua lật lại xem xét mà không ăn, nét mặt biểu lộ sự khinh miệt. Nó không ăn vì nó không đói. Nó không đói vì bố nó là người trông coi kho lương thực của công xã. Đầu bếp Vương đứng há miệng nhìn chúng tôi kinh ngạc. Ông ta chạy đến, hai tay còn dính đầy bột mì. Trời ạ! Tay ông ta dính đầy bột mì! Lúc ấy, những người báo cơm tại nhà ăn của trường ngoài hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi ra còn có hai cán bộ công xã được biệt phái về thôn chúng tôi công tác ngắn ngày. Lão Vương kêu lên: “Các cháu! Các cháu làm gì thế? Các cháu… ăn than? Than cũng có thể ăn được sao?”. Vương Đảm đưa một cánh tay nhỏ tí đang cầm một thỏi than lên, thì thầm: “Chú Vương à, ngon lắm! Cho chú một thỏi để thưởng thức…”. Lão Vương lắc đầu, nói: “Vương Đảm, cháu là con gái mà lại theo đuôi mấy ông tướng này làm chuyện bậy bạ sao?”. Vương Đảm cắn một miếng than, nói: “Ngon thật mà chú!”. Lúc ấy trời đã sắp tối, mặt trời đã lặn ở phía chân trời phía tây. Hai vị cán bộ công xã báo cơm trong nhà ăn đang đạp xe phóng tới và cả hai đã bị chúng tôi làm cho chú ý. Lão Vương đang vung đòn gánh lên để xua chúng tôi. Vị cán bộ công xã họ Nghiêm – hình như là Phó chủ nhiệm thì phải – lên tiếng gọi lão Vương, sắc mặt trông thật khó coi, phẩy tay một cái và bước vội vào nhà ăn.

Sáng hôm sau, chúng tôi ngồi trong lớp học vừa nghe cô giáo giảng bài vừa nhâm nhi than. Miệng đứa nào cũng đen nhẻm, bột than lấm tấm. Không chỉ có con trai ăn than, mấy đứa con gai ngày hôm qua chưa kịp tham dự bữa đại tiệc ấy cũng đã bắt đầu nhâm nhi than dưới sự hướng dẫn của Vương Đảm. Con gái của đầu bếp Vương – vợ đầu của tôi – Vương Nhân Mỹ cũng ăn rất nhiệt tình. Lúc này nghĩ lại, có lẽ lúc ấy cô ấy bị viêm lợi nên khi ăn than, miệng cô ấy tóe đầy máu. Cô giáo Vu đang viết bảng, dừng tay lại nhìn chúng tôi. Đầu tiên là cô chất vấn con trai mình, tức bạn học của tôi Lý Thủ (lại là Tay): “Thủ, con đang ăn gì vậy?” – “Mẹ à, chúng con đang ăn than!”. Vương Đảm đang ngồi ở hàng ghế đầu, cầm thỏi than giơ cao lên và hét: “Cô giáo à, chúng em đang ăn than, cô có muốn thử một tí không?”. Cho dù con bé đã cố gắng gào to nhưng âm thanh thoát ra từ miệng chẳng khác nào tiếng mèo kêu. Cô giáo Vu rời khỏi bục giảng, nhận thỏi than từ tay Vương Đảm, đưa lên mũi ngửi ngửi. Lâu lắm, cô mới đưa thỏi than lại cho Vương Đảm, không nói lời nào, quay trở lại bục giảng mới lên tiếng: “Các em à, bữa nay chúng ta học bài sáu, “Quạ đen và cáo”. Quạ có được một miếng thịt, vô cùng đắc ý đậu trên cây. Cáo ở dưới đất nói với quạ: Này cô quạ ơi, tiếng hát của cô hay vô cùng. Cô vừa cất tiếng hát là cả thế giới loài chim đều phải ngậm miệng. Quạ bị những lời tán tụng của cáo làm cho mê mẩn tâm thần, há miệng định hát thì, Vù! Miếng thịt đã rơi vào mõm cáo đang chờ ở dưới”. Cô giáo Vu đọc bài và bảo chúng tôi đọc theo, những cái mồm đen nhẻm của chúng tôi vừa nhai than vừa đọc bài khóa theo cô.

Tuy là người có văn hóa nhưng do nhập gia tùy tục, cô Vu vẫn đặt tên cho con trai của mình là Thủ. Sau này, Lý Thủ đỗ rất cao vào Học viện Y khoa, sau khi tốt nghiệp thì về làm bác sĩ khoa ngoại bệnh viện huyện. Trong lúc cắt cỏ, Trần Tị đã cắt đứt cả bốn ngón tay, Lý Thủ đã nối lại cho cậu ta được ba ngón.

2. Tại sao Trần Tị lại có cái mũi to đến khác thường như vậy? Chuyện này có lẽ chỉ có mẹ cậu ta là có thể biết mà thôi.

Bố Trần Tị là Trần Ngạch (bố là Trán thì có con là Mũi!), tên tự là Thiên Đình, là người duy nhất trong thôn có hai người vợ. Trần Ngạch là người có chữ. Trước giải phóng nhà ông ta có hàng trăm mẫu ruộng tốt, lại có lò nấu rượu, làm ăn buôn bán ở Cáp Nhĩ Tân. Vợ lớn của ông ta là người trong thôn, đẻ được bốn đứa con gái. Trước ngày giải phóng một thời gian, Trần Ngạch đã bỏ trốn. Sau giải phóng, có lẽ là khoảng năm 1951, Viên Liễm mới dẫn theo hai người dân binh đến tận Đông Bắc lôi ông ta quay về. Khi chạy trốn, Trần Ngạch chỉ chạy một mình, để vợ và mấy đứa con gái ở lại, nhưng khi trở về lại mang theo một người đàn bà. Người đàn bà này có tóc vàng và đôi mắt lam, khoảng độ hơn ba mươi tuổi, họ Ngãi tên Liên. Bà ta ôm trong lòng một con chó nhỏ có bộ lông loang lổ. Bởi người đàn bà này đã kết hôn với Trần Ngạch vào thời điểm trước giải phóng nên ông ta đương nhiên có hai bà vợ một cách hợp pháp. Mấy người bần cố không lấy được vợ trong thôn rất bất mãn với Trần Ngạch vì ông ta có có tới hai vợ, đã từng nửa đùa nửa thật bảo Trần Ngạch rằng, ông ta hãy nhường bớt một bà vợ để cho họ dùng. Lúc ấy, Trần Ngạch chỉ biết méo miệng, không biết là đang cười hay đang khóc. Ban đầu, hai bà vợ của Trần Ngạch ở cùng một mái nhà, sau đó vì chửi rồi đánh nhau ầm ĩ đến nỗi chó gà cũng phải phát hoảng. Được sự đồng ý của Viên Liễm, Trần Ngạch bố trí bà vợ hai vào ở trong hai gian phòng phía chái tây của trường học. Trường học vốn là lò nấu rượu trước đây của ông ta. Hai gian phòng này cũng chính là bất động sản của ông ta. Trần Ngạch đã thỏa thuận một hiệp ước với hai bà vợ rằng, sẽ luân chuyển chỗ ở theo hình thức luân lưu. Con chó do người đàn bà tóc vàng ôm từ Cáp Nhĩ Tân về đã bị chó trong thôn cắn đến chết. Sau khi Ngãi Liên vác cái bụng thè lè đi chôn con chó không lâu thì đẻ ra Trần Tị. Do vậy mới có người nói Trần Tị là do con chó có bộ lông lốm đốm ấy đầu thai chuyển thế mà thành. Cái mũi của nó rất tinh, liệu có liên quan đến chuyện này chăng?

Ngày ấy, cô tôi đã ra thành phố để học kỹ thuật đỡ đẻ mới, trở thành người đỡ đẻ chuyện nghiệp ở quê tôi. Đó là năm 1953.

Năm 1953, dân ở quê tôi vẫn không chịu chấp nhận kiểu đỡ đẻ mới. Nguyên nhân cơ bản là cũng do mấy “lão bà bà” đơm điều đặt chuyện sau lưng. Họ nói, trẻ con được sinh ra theo kiểu mới này sẽ bị bệnh phong. Tại sao mấy “lão bà bà” lại đơm điều đặt chuyện như vậy? Đơn giản thôi, bởi vì một khi kỹ thuật đỡ đẽ mới được phổ biến, con đường tài lộc của họ cũng chấm dứt. Khi đỡ đẻ cho một đứa bé, chí ít họ cũng được ăn một bữa cơm ra trò tại nhà sản phụ, ra về còn có hai chiếc khăn vải và chục quả trứng gà xem như tiền thù lao. Nhắc đến mấy “lão bà bà “ này là cô tôi hận đến thấu xương, hận đến nghiến răng tím mặt. Cô nói, không biết có bao nhiêu đứa hài nhi, sản phụ chết trong tay của mấy “lão bà bà” này. Những gì mà cô tôi kể đã để lại ấn tượng vô cùng kinh khủng trong đầu óc chúng tôi. Mấy “lão bà bà” này lúc nào cũng để mười móng tay thật dài, đôi mắt lúc nào cũng lấp lánh một thứ ánh sáng màu xanh như lửa ma trơi, cái mồm lúc nào cũng phả ra những mùi hôi thối. Cô còn nói, họ thường dùng chày cán bột đè lên bụng sản phụ, lại còn dùng những tấm giẻ rách nhơ bẩn nhét vào miệng sản phụ trông chẳng khác nào họ sợ là đứa bé sẽ tòi ra từ miệng của người mẹ vậy. Cô nói, mấy “lão bà bà” này không có một chút kiến thức nào về giải phẫu học, về căn bản là không hiểu một tí gì về kết cấu sinh lý của phụ nữ, gặp phải những ca đẻ khó, họ thọc cả bàn tay vào trong lỗ đẻ để mà khuấy, thậm chí là cũng lúc lôi cả thai nhi và tử cung ra ngoài! Trong một khoảng thời gian dài, nếu cho phép tôi chọn lựa kẻ nào đáng hận nhất để cho một viên đạn thì tôi chẳng do dự gì mà nói: “Lão bà bà”. Sau đó, tôi mới biết là cô tôi đã quá cường đỉệu chuyện này để nó trở thành đáng sợ. Loại “lão bà bà” ngu muội, dã man ấy tất nhiên cũng có tồn tại thực tế. Nhưng những “lão bà bà” có kinh nghiệm, dựa vào kinh nghiệm bản thân để nhận ra những bí mật trong cơ thể người đàn bà cũng từng tồn tại. Thực ra bà nội tôi cũng là một “lão bà bà”. Bà nội tôi là một “lão bà bà” chủ trương “vô vi” (*). Bà cho rằng dưa chín thì dưa tự rụng, cho rằng một “lão bà bà” giỏi chỉ cần động viên khích lệ sản phụ, chờ cho đưa trẻ sinh ra xong, dùng kéo cắt cuống rốn, bôi lên đó chút vôi sống rồi buộc lại là xong. Nhưng bà nội tôi lại là một “lão bà bà” không được người ta hoan nghênh cho lắm. Ai ai cũng nói bà làm biếng. Hình như người ta chỉ thích những “lão bà bà” tay chân cuống cuồng, kêu réo om sòm, mồ hôi mồ kê chảy ròng ròng như sản phụ, như thế họ mới yên tâm hơn.

Cô tôi là con gái của ông nội tôi. Ông nội tôi là bác sĩ trong Bát Lộ Quân. Ban đầu, ông học Trung y, sau khi tham gia quân đội thì theo học Tây y với bác sĩ Bạch Cầu Ân. Sau khi Bạch Cầu Ân hy sinh, ông nội tôi rất đau đớn, đau đớn đến độ ốm liệt giường, nghĩ rằng mình không xong rồi nên nói rất nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Tổ chức đã phê chuẩn cho ông về nhà dưỡng bệnh. Khi ông trở về nhà, bà cố nội tôi vẫn còn sống. Vừa bước vào cổng là ông tôi đã ngửi thấy mùi thơm thoang thoảng quen thuộc của cháo đậu xanh. Bà cố tôi đang nấu cháo đậu xanh, con dâu chạy tới định giúp đỡ mẹ chồng thì bị bà dùng gậy gạt sang một bên. Ông nội ngồi ở ngạch cửa chờ đợi trong lo lắng. Cô tôi nói rằng, cô vẫn còn nhớ lúc ấy, bà nội tôi bảo cô gọi “bố”. Cô không chịu gọi mà lại chạy nấp sau lưng bà.

(*) Tác giả dùng chữ trong “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử, có thể hiểu là không cần can dự vào tiến trình biến hóa của sự vật, cứ để tự nhiên (ND).

Cô tôi nói, thuở nhỏ cô đã nghe mẹ và bà nội, tức là bà nội và bà cố của tôi nói nhiều đến bố, cuối cũng đã gặp nhưng lại cảm thấy quá đỗi lạ lẫm. Cô nói: “Ông nội các cháu ngồi ở ngạch cửa, sắc mặt vàng võ, đầu tóc dài và rối bù, rận bò lổm ngổm trên cổ, mặc chiếc áo bông cũ đến độ bông lòi cả ra ngoài”. Cô nói, bà nội của cô, tức là bà cố của tôi vừa thổi lửa vừa khóc. Cháo đậu xanh đã chín. Ông nội đói đến độ không kịp để cho nguội, vừa thổi vừa húp sồn sột. Bà nội cô nói: “Con trai ơi, từ từ thôi, đừng vội, trong nồi hãy còn!”. Cô tôi nói, hai tay ông nội tôi run lắm. Húp xong một bát, lại thêm một bát nữa, xong bát thứ hai thì tay ông không còn run nữa. Mồ hôi chảy tràn trên mặt, trên cổ ông, nước mắt ông cũng đã bắt đầu ứa ra nhưng gương mặt đã có chút huyết sắc. Cô tôi nói, cô nghe thấy những tiếng òng ọc vang lên từ trong bụng ông nội, hình như những húp cháo đang bắt đầu quẫy động trong đó. Một tiếng đồng hồ sau, ông nội đi vào nhà xí, bên ngoài chỉ nghe những âm thanh khó nghe kéo dài, cô nói, hình như ruột non ruột già của ông nội đã tuồn cả ra ngoài. Sau đó thì ông nội tôi cũng dần dần trở lại bình thường. Hai tháng sau, tinh thần lẫn sức lực đều có thể so sánh với rồng với hổ.

Tôi nói với cô rằng, tôi cũng đã từng đọc được nhũng chuyện tương tự như vậy trong “Nho lâm ngoại sử”. Cô hỏi: “Nho lâm ngoại sử” là cái gì? Tôi bảo, đó là một tác phẩm văn học cổ điển. Cô trừng mắt nhìn tôi, nói: “Ngay cả trong tác phẩm văn học cũng có chuyện này thì cháu còn nghi ngờ cái nỗi gì?”.

Sau khi thoát khỏi cơn bệnh, ông nội định trở lại núi Thái Hành để tìm bộ đội. Bà cố nói: “Con trai à, mẹ không còn sống được mấy ngày nữa. Con chờ mẹ đi trước rồi con hãy đi”. Bà nội là con dâu nên không tiện nói gì, chỉ bảo cô tôi nói. Cô nói: “Bố à, mẹ con nói, bố đi tìm bộ đội cũng được. Nhưng trước khi đi hãy để lại cho mẹ thêm một đứa em trai nữa”.

Lúc ấy, người của Bát Lộ Quân ở khu Giảo Đông đã tìm đến nhà, động viên ông nội gia nhập vào đơn vị họ. Ông nội là đệ tử của Bạch Cầu Ân nên cũng khá nổi tiếng. Ông nói: “Tôi là người của quân khu Phổ Sát”. Người của quân khu Giảo Đông nói: “Đều là người của Đảng Cộng sản, làm việc chỗ nào mà chẳng giống nhau? Ở chỗ chúng tôi còn đang thiếu những người như ông. Lão Vạn à, cho dù thế nào, chúng tôi cũng giữ anh cho bằng được. Tư lệnh Hứa đã nói, nếu dùng kiệu tám người khiêng mà không mời được anh thì cứ dùng dây thừng mà trói lại. Tiên binh hậu lễ, lão đây sẽ đặt đại tiệc để mời anh ta”. Như thế, ông nội đành phải ở lại Giảo Đông, trở thành người sáng lập nên bệnh viện dưới lòng đất của Bát Lộ Quân Tây Hải.

Đúng là bệnh viện này nằm sâu dưới lòng đất, địa đạo thông với phòng, phòng thông với địa đạo, có phòng khử độc, phòng điều trị, phòng mổ, phòng nghỉ dưỡng… Những di tích này vẫn còn bảo tồn cho đến bây giờ tại thôn Chúc Gia, thị trấn Vu Thoản, thành phố Lai Châu. Bà Vương Tú Lan lúc này đã tám mươi tám tuổi, ngày ấy từng làm y tá dưới quyền của ông nội lúc này vẫn còn rất khỏe kể, có mấy gian nhà nghỉ dưỡng có lỗ thông hơi thông với giếng nước. Lần ấy, một cô gái trẻ ra giếng múc nước, không hiểu vì sao gàu nước của mình bị mắc cứng giữa lưng chừng giếng, cúi đầu nhìn xuống giếng mới thấy một anh chàng thương binh Bát Lộ Quân trẻ măng đang ló mặt ra khỏi thành giếng nhăn răng cười làm mặt khỉ với cô ta.

Những y thuật cao siêu của ông nội nhanh chóng được lan truyền trong toàn quân khu Giảo Đông. Mảnh đạn trong vai của tư lệnh Hứa là do ông nội tôi mổ lấy ra. Còn vợ chính ủy Lê thì bị một ca đẻ khó cũng do ông tôi mổ, cả mẹ con đều bình an. Ngay cả tư lệnh quân đội Nhật đóng ở thành Bình Độ là Sugitani cũng nghe đến tiếng tăm của ông. Ông ta xuất quân càn quét, đang ngồi trên lưng con ngựa Đại Dương thì bị vướng phải mìn, con ngựa ngã nhào. Ông ta bỏ ngựa chạy thục mạng. Ông tôi đã cứu chữa cho con ngựa mạnh khỏe trở lại như xưa và nó trở thành con ngựa của đoàn trưởng Hạ. Con ngựa này nhớ chủ cũ nên chỉ một thời gian ngắn đã cắn đứt dây thừng chạy về thành Bình Độ. Sugitani thấy con ngựa quý quay lại thì vừa mừng vừa kinh ngạc, ra lệnh cho Hán gian bí mật thăm dò mới biết là Bát Lộ Quân đã lập một bệnh viện dưới lòng đất ngay trước mắt ông ta. Bệnh viện trưởng là thần y Vạn Lục Phủ, người đã từng chữa trị cho con tuấn mã của ông ta. Tư lệnh Sugitani vốn xuất thân là bác sĩ nên rất tôn trọng lương y, muốn chiêu hàng ông nội tôi. Do vậy Sugitani đã học theo quỷ kế trong “Tam Quốc diễn nghĩa” (*), bí mật sai người đến làng tôi bắt bà cố, bà nội và cô tôi đưa về thành Bình Độ để làm con tin, rồi sau đó sai người đem một lá thư đến trao tận tay ông nội tôi.

Ông nội tôi là một đảng viên Cộng sản có ý chí vô cùng kiên định, xem xong lá thư của Sugitani thì vò viên lại và vất đi. Chính ủy của bệnh viện đã nhặt lá thư đó và trình lên quân khu. Tư lệnh Hứa và chính ủy Lê cùng viết một lá thư gửi cho tư lệnh Sugitani, phẫn nộ mắng ông này là tiểu nhân. Trong thư nói, nếu Sugitani dám động đến một sợi lông ba người thân của Vạn Lục Phủ thì quân khu Giảo Đông sẽ tập hợp lực lượng toàn quân khu để san thành Bình Độ thành bình địa.

Cô tôi nói, cô và bà cố, bà nội tôi sống trong thành Bình Độ được ba tháng, có cái ăn có cái uống, không bị ức hiếp gì. Cô nói, tư lệnh Sugitani là một bạch diện thư sinh, đeo một đôi kính có gọng màu trắng, có bộ ria hình chữ bát, dáng vẻ rất phong lưu, nói tiếng Trung rất lưu loát. Ông ấy gọi bà cố tôi là bác, gọi bà

(*) Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, Từ Thứ đang phò Lưu Bị. Tào Tháo đã bắt Từ mẫu, mẹ Từ Thứ để gây sức ép buộc Từ Thứ phải về phục vụ mình (Xem “Tam Quốc diễn nghĩa”, hồi 36 – ND).

Nội tôi là phu nhân và cô tôi là cháu. Cô tôi nói, cô không có ấn tượng xấu với vị tư lệnh này. Đương nhiên, đó cũng chỉ là những lời mà cô tôi nói với người nhà. Với người ngoài, cô không nói như thế. Với người ngoài, cô nói cô và bà nội, bà cố bị người Nhật hành hạ đủ điều, dùng mọi cách để uy hiếp nhưng cả ba đều không hề dao động.

Thưa tiên sinh,

Chuyện về ông nội tôi kể đến ba ngày ba đêm vẫn không hết. Nếu có điều kiện thời gian, tôi sẽ tiếp tục kể với ngài. Nhưng cái chết của ông nội thì tôi không thể không kể ra đây. Cô tôi nói, ông nội tôi bị quân địch thổi hơi độc xuống địa đạo mà chết trong khi đang mổ cho thương binh. Tài liệu lịch sử của huyện cũng ghi như vậy. Nhưng cũng có người thầm thì với nhau rằng, ông nội giắt bên hông tám quả lựu đạn, một mình cưỡi la đến thành Bình Độ, muốn biến thành anh hùng cứu con gái, vợ và mẹ, nhưng không may rơi vào trận địa mìn liên hoàn của dân quân Triệu Gia Câu mà chết. Tuyên truyền tin tức này là người họ Tiêu, tên là Thượng Thần. Ông này từng làm nhân viên cứu thương tại bệnh viện Tây Hải. Ông này tính tình rất cổ quái, nóng lạnh bất thường, sau giải phóng làm nhân viên bảo quản kho lương thực của công xã, nhân vì phát minh ra một loại thuốc độc diệt chuột vô cùng hữu hiệu nên báo chí thi nhau đưa tin. Cái tên Thần vốn có nghĩa là “môi trên” được đổi thành Thuần. Sau đó người ta mới phát hiện ra rằng, trong thành phần chủ yếu của loại thuốc diệt chuột ấy, ông ta đã dùng một chất nông dược kịch độc mà nhà nước đã nghiêm cấm sử dụng. Ông này với cô tôi có một mối thù thâm căn cố đế, cho nên những gì ông ta nói chỉ là chuyện đơm đặt. Ông ta nói với tôi: “Ông nội mày không nghe mệnh lệnh của tổ chức, không lo lắng cho thương binh, muốn theo đuổi chủ nghĩa anh hùng cá nhân. Để có đủ can đảm làm chuyện ấy, ông ấy đã uống sạch hai lít rượu sắn, say đến độ không biết trời đất gì nữa, do vậy mới vướng vào trận địa mìn của dân quân”. Tiêu Thượng Thần nhe đôi hàm răng vàng như nghệ ra, nói với tôi bằng một giọng hết sức hoan hỉ: “Sau đó người ta dùng đến hai chiếc sọt mới đưa được ông ấy và con lừa ra khỏi trận địa, trong sọt có tay người và cẳng la, có ruột người và ruột la không phân biệt được, người ta đành lòng phải vất tất cả vào chúng một cái quan tài. Gỗ quan tài rất tốt, là gỗ lan trưng dụng của một nhà giàu”. Khi tôi đem những lời của lão Tiêu kể lại với cô, đôi mắt cô trợn tròn vo, nghiến răng mím lợi nói: “Rồi sẽ có một ngày, chính tay cô sẽ lột da lão tạp chủng này!”.

Cô tôi lúc nào cũng nói: “Cháu à, cháu có thể không tin bất cứ cái gì, nhưng cháu phải tin một điều, ông nội là anh hùng kháng Nhật, là liệt sĩ cách mạng! Trên núi Anh Linh có mộ của ông. Trong Nhà tưởng niệm liệt sĩ vẫn còn trưng bày con dao mổ và đôi giày của ông. Đó là đôi giày anh hùng, là đôi giày mà bác sĩ Bạch Cầu Ân trước khi chết đã tặng lại cho ông”.

3.Thưa tiên sinh,

Tôi bận bịu với những chuyện có liên quan đến ông nội chẳng qua cũng chỉ là những lời dẫn để kể về cô tôi.

Cô sinh ngày 13 tháng 6 năm 1937, theo âm lịch thì đó là ngày 5 tháng 5, nhũ danh là Đoan Dương, còn tên đi học là Vạn Tâm. Tên của cô là do ông nội đặt, vừa tôn trọng tập tục của quê hương nhưng đồng thời cũng có ý tứ rất sâu xa. Sau khi ông nội hy sinh, Quân khu Giảo Đông dựa vào những tin tức nội tuyến tìm mọi cách cứu bà cố, bà nội và cô ra khỏi cảnh cá chậu chim lồng trong lòng địch. Thế là bà cố, bà nội và cô được đưa ra khu giải phóng. Ở đó cô học trường Tiểu học Kháng Nhật. Bà nội được nhận vào xưởng may quân trang quân dụng, chuyên may giày. Sau giải phóng, con cái liệt sĩ như cô tôi có rất nhiều cơ hội để bay nhảy cao hơn, xa hơn. Nhưng bà nội không đành lòng từ bỏ quê hương chôn nhau cắt rốn nên cô không nỡ rời bà. Lãnh đạo trên huyện hỏi cô thích làm công việc gì, cô nói muốn kế thừa sự nghiệp của bố. Do vậy họ đã bố trí cô vào học Học viện Y học của quân khu. Cô tốt nghiệp học viện khi mới mười sáu tuổi, nhận công việc tại Phòng Y tế thị trấn. Cục Vệ sinh huyện mở lớp bồi dưỡng kỹ thuật sinh đẻ mới, Phòng Y tế đã cử cô tham dự lớp học. Từ đó, cô bắt đầu có duyên nợ với cái công việc thần thánh này. Ngày 4 tháng 4 năm 1953, cô đỡ đẻ hài nhi đầu tiên cho đến tết năm ngoái, cô đã thừa nhận là không dưới mười nghìn đứa trẻ đã được ra đời qua bàn tay của cô, nếu trong lúc sinh mà có ai đó phụ giúp thì cứ hai đứa tính thành một. Đây là câu chính miệng cô nói với tôi. Tôi tính, mười nghìn đứa trẻ có lẽ là nói hơi quá, nhưng bảy đến tám nghìn thì nhất định là có thực. Cô cũng đã có bảy người học trò, trong đó có một người có biệt danh là “Tiểu sư tử”, đầu tóc bồng bềnh, mũi tẹt miệng vuông, trên mặt lốm đốm tàn hương, là người cực kỳ sùng bái cô tôi. Nếu cô bảo “Tiểu sư tử” đi giết người, e rằng ngay lập tức cô ấy sẽ xách dao đi ngay, cơ bản là không hỏi nguyên nhân và cách thức.

Ở trước tôi đã từng nói, mùa xuân năm 1953 ở quê tôi, phụ nữ vẫn còn rất e ngại với kỹ thuật sinh đẻ mới, thêm vào đó là những lời đơm đặt của các “lão bà bà”. Lúc ấy, cô tôi chỉ mới mười bảy nhưng vì đã có những thử thách từ nhỏ, lại xuất thân từ một gia đình vô cùng xán lạn huy hoàng nên đã trở thành một nhân vật có ảnh hưởng vô cùng lớn lao ở vùng Đông Bắc Cao Mật, trở thành một người trọng yếu trong mắt mọi người. Đương nhiên, cô tôi cũng có một dung nhan không hề tầm thường. Không nói đầu tóc, không nói khuôn mặt, không nói mũi cũng không nói đôi mắt, chỉ nói đến hàm răng. Quê tôi là vùng khí hậu có chứa nhiều khí flo, do vậy từ trẻ đến già đều có hàm răng xấu xí và đen đúa. Khi còn bé, cô tôi đã sống ở khu giải phóng Giảo Đông trong một thời gian dài, uống nước suối trong rừng, lại học được thói quen đánh răng ở Bát Lộ Quân. Có lẽ vì những nguyên nhân ấy nên đôi hàm răng cô không hề bị sâu, bị đen. Nói tóm lại là, cô tôi có một bộ răng mà tất cả chúng tôi, nhất là phái nữ ngày đêm mơ ước.

Đứa trẻ đầu tiên do cô tôi đỡ đẻ là Trần Tị. Cô thấy tiếc nuối vô cùng về chuyện này. Cô nghĩ, đứa trẻ đầu tiên qua tay mình phải là hậu duệ của cách mạng, không ngờ là nghiệt súc của địa chủ. Nhưng để kịp thời tuyên truyền phương pháp đẻ mới, xóa bỏ cách đỡ đẻ cũ, cô không có thời gian để nghĩ ngợi thêm về vấn đề này nữa.

Nghe tin Ngãi Liên đang chuyển bụng, cô tôi phóng lên xe đạp – xe đạp lúc ấy vẫn còn hiếm lắm – đeo hòm thuốc, đạp như bay về thôn. Từ Phòng Y tế huyện về đến thôn là năm cây số, không biết nhờ vào đâu mà cô chỉ mất có mười phút. Lúc ấy, vợ bí thư chi bộ thôn Viên Liễm đang giặt giũ ở bờ sông Giảo Hà. Bà ta chính mắt trông thấy cô tôi đạp xe phóng vèo qua chiếc cầu đá rất hẹp bắc ngang dòng sông. Một con chó đang thơ thẩn trên cầu thất kinh hồn vía nhảy tõm xuống nước.

Khi cô tôi xách chiếc hòm xông thẳng vào phòng Ngãi Liên thì “lão bà bà” Điền Quế Hoa, người trong thôn đã có mặt ở đó. Đây là một bà già mồm nhọn cổ ngắn, lúc ấy đã hơn sáu mươi, đến lúc này e rằng xương thịt đã hóa thành bùn đất, A Di Đà Phật! Điền Quế Hoa thuộc loại bà bà tích cực can dự vào sản phụ. Khi cô tôi xuất hiện ở cửa thì thấy bà ta đang ngồi trên bụng Ngãi Liên, dùng hết sức bình sinh đè lên cái bụng cao vổng ấy. Bà già này bị bệnh viêm phế quản mạn tính, tiếng khò khè nặng nhọc của bà ta hòa lẫn với tiếng kêu rú thảm thiết như tiếng lợn bị chọc tiết của sản phụ hòa lẫn với nhau khiến không khí trong phòng trở nên bi tráng và thê lương. Địa chủ Trần Ngạch quỳ ở một góc tường, cúi đầu lạy liên tục (không biết ông ta lạy cái gì), lạy nhiệt tình đến độ đầu cứ đập binh binh vào tường, miệng rì rầm tụng niệm những lời hàm hồ không rõ là kinh gì.

Tôi đã đến nhà Trần Tị nhiều lần nên rất thông thuộc cách cấu trúc trong nhà cậu ta. Đây là hai gian phòng ở phía chái tây, cửa mở về phía mặt trời lặn, trần rất thấp, diện tích cũng rất nhỏ. Bước vào cửa là thấy ngay bếp lò, sau bếp lò là một bức tường cao khoảng hơn một mét, sau bức tường là giường đắp đất. Vừa bước vào cửa là cô tôi đã có thể trông thấy toàn bộ tình cảnh. Trông thấy tình cảnh ấy, cô tôi không kềm chế được sự giận dữ, nếu nói theo lời của cô thì đó là “lửa bốc lên cao ba trượng”. Cô ném hòm thuốc xuống bàn ăn, lao thẳng về phía ấy như một mũi tên, hai tay chộp lấy vai của “lão bà bà”, dùng sức kéo mạnh về phía sau, hất bà ta ngã lăn xuống đất. Đầu bà ta đập xuống nền đất, lúc này đang đầy cứt đái và máu huyết, mùi xú uế xông lên nồng nặc trong không khí. Hình như cú đập khá mạnh nên một dòng máu đen sì, đặc quánh từ từ rỉ ra trên trán bà ta. Thực ra thì bà ta bị thương cũng không nặng lắm nhưng lại tru tréo lên như sắp chết đến nơi. Người yếu bóng vía nói chung nghe những lời tru tréo ấy sẽ rất dễ dàng hôn mê bất tỉnh, nhưng cô tôi thì không hề sợ. Vì cô ấy đã từng gặp không biết bao nhiêu người và bao nhiêu chuyện đáng sợ hơn bà ta nhiều lần.

Cô đứng trước đầu giường, từ từ đeo găng tay và nghiêm giọng nói với Ngãi Liên: “Chị không cần khóc, cũng chẳng cần kêu gào, bởi khóc và gào không có liên quan gì đến chuyện sinh đẻ cả. Nếu chị muốn sống thì hãy nghe lệnh của tôi. Tôi bảo chị làm thế nào thì chị cứ làm thế ấy”. Ngãi Liên đã bị thái độ nghiêm trang và bình tĩnh của cô tôi chinh phục. Đương nhiên là bà ta cũng đã biết xuất thân vinh quang cũng như những kinh nghiệm có tính truyền kỳ của cô tôi. Cô tôi nói: “Chị đẻ trong khi tuổi đã cao, thai nhi cũng không nằm theo tư thế bình thường. Con người ta phần lớn đều ló đầu ra trước, còn con chị thì sẽ đưa một cánh tay ra trước, đầu quay vào bên trong”. Sau đó, cô tôi còn đặt nhiều chuyện tiếu lâm về Trần Tị, nói đầu nó chưa kịp ló ra thì đã đưa tay ra trước, hình như muốn vơ lấy cái gì đó của thế giới này thì phải. Lúc ấy Trần Tị chỉ nói cộc lốc: “Xin cơm ăn ấy mà!”

Tuy đây là lần đầu tiên đỡ đẻ nhưng xem ra cô hết sức bình tĩnh. Gặp khó không hoang mang, chỉ cần có năm phần kỹ thuật sẽ phát huy được đến mười phần – Cô đã nói như vậy. Phải thừa nhận rằng cô tôi là một bác sĩ phụ khoa thiên tài. Khi làm việc này hình như trong đầu cô luôn luôn có linh cảm, tay cô có cảm giác. Những người đàn bà từng chứng kiến cô tôi đỡ đẻ đều bái phục đến sát đất. Khi còn sống, mẹ tôi thường nói: “Cô của con có đôi bàn tay không giống với người thường. Người bình thường thì đôi bàn tay có lúc lạnh lúc nóng, lúc cứng lúc mềm, có lúc khô lúc đổ mồ hôi… Nhưng đôi bàn tay cô xuân hạ thu đông đều mềm, đều mát, nhưng không phải mềm như… nói thế nào nhỉ?…”. Anh trai tôi là người có học thức, nói đỡ: “Có phải là trong gấm có ẩn kim, trong nhu có cương?”. Mẹ nói: “Chính là như vậy. Bàn tay cô mát nhưng không phải là cái mát của băng giá mà là…”. Lại là người anh có học thức của tôi thay mẹ diễn đạt bổ sung: “Là trong ấm ngoài mát, giống như lụa quý, cái mát của loại lụa bảo vệ cho trân châu bảo ngọc”. Mẹ nói: “Đúng là như thế, chỉ cần cô của con đưa tay sờ vào người bệnh là bệnh mười phần đã giảm đi bảy phần!”. Gần như cô tôi đã được thần thánh hóa trong mắt người dân quê tôi.

Ngãi Liên là người đàn bà gặp vận may. Đương nhiên bà ta cũng là một phụ nữ thông minh. Khi cô tôi đưa tay xoa nắn bụng, bà ta cảm thấy có một sức mạnh truyền nhập vào cơ thể mình. Sau đó gặp ai bà ta cũng nói, cô tôi có phong độ của một vị đại tướng, nếu so với cô, ‘lão bà bà” họ Điền đang nằm dưới đống cứt đái kêu gào kia chẳng khác nào một con quỷ dạ xoa. Dưới sự nhắc nhở và động viên đầy tính khoa học và rất nghiêm trang của cô tôi, sản phụ Ngãi Liên đã tìm thấy ánh sáng, có dũng khí để sinh nở, những trận đau kịch liệt trước đó hầu như đã giảm đi rất nhiều. Bà ta ngừng khóc để lắng nghe những mệnh lệnh từ miệng cô tôi, phối hợp với những động tác của cô để đẻ đứa con có cái lỗ mũi to ấy ra ngoài.

Khi mới sinh ra, Trần Tị hầu như không thở nổi. Cô tôi lộn ngược đầu cậu ta xuống đất, rồi vỗ vào lưng, xoa vào ngực và cuối cùng thì cậu ta mới phát ra được một tiếng khóc khò khè. Cô nói: “Cậu nhóc này sao lại có cái lỗ mũi to đến thế không biết, trông chẳng khác một thằng bé Mỹ!”. Lúc ấy, cô tôi rất vui trong lòng, tâm trạng cô chẳng khác một người thợ vừa hoàn thành một sản phẩm đầu tiên trong cuộc đời mình. Nét mặt mệt mỏi của sản phụ nở nụ cười tươi rói. Cô tôi là người có quan niệm giai cấp rất rõ ràng nhưng khi lôi thằng bé ra khỏi cửa mình sản phụ, cô không còn nghĩ gì về giai cấp và đấu tranh giai cấp nữa. Niềm vui của cô đầy thuần khiết, là tình cảm thuần túy của một con người.

Nghe nói bà vợ hai sinh được một đứa con trai, Trần Ngạch từ trong góc tường bò dậy. Tay chân ông ta trở nên thừa thãi khi đi một vòng chung quanh chiếc giường đất, hai dòng nước mắt đặc quánh như mật ong từ từ trào ra khỏi hốc mắt khô khốc và lăn xuống gò má. Sự vui mừng của Trần Ngạch không thể dùng ngôn ngữ để mà diễn tả được, có rất nhiều lời muốn nói nhưng ông ta không dám nói ra. Nào là hương hỏa, nào là tông tộc vân vân. Đối với loại người như ông ta, hễ nói ra khỏi cửa miệng là có tội!

Cô tôi nói với Trần Ngạch: “Thằng bé này sinh ra đã có cái mũi to như vậy, hay là đặt tên cho nó là Tị, là Trần Tị!”

Chẳng qua là cô tôi nói đùa trong lúc vô ý thôi. Nhưng với Trần Ngạch, đó chẳng khác nào một mệnh lệnh, thậm chí là một thánh chỉ, ngay lập tức gật đầu cúi người nói: “Đa tạ cô Tâm đã ban tên cho! Đa tạ cô Tâm đã ban tên cho! Trần Tị, hay! Nó tên là Trần Tị!”.

Trong những lời cảm tạ lung tung lộn xộn của Trần Ngạch, trong nước mắt bời bời chảy của Ngãi Liên, cô tôi thu thập hòm thuốc, chuẩn bị ra về. Cô thấy, Điền Quế Hoa vẫn ngồi dựa lưng vào thành giường, giữa đống cứt đái trộn lẫn với máu, hình như là đã ngủ. Cô không biết là bà ta đổi tư thế từ nằm thành ngồi từ lúc nào, cũng không biết những tiếng tru tréo khiến người ta phải dựng tóc gáy của bà ta chấm dứt từ lúc nào. Cô nói, cô cứ tưởng là bà ta đã chết, nhưng khi nhìn thấy đôi mắt bà ta vẫn phát ra tia nhìn xanh xanh chẳng khác của loài mèo trong đêm tối thì cô mới biết là bà ta còn sống. Không hiểu sao, cơn giận lại nổi lên như sóng trào trong lòng cô. Cô hỏi: “Sao bà vẫn chưa về?”. “Lão bà bà” lại nói: “Thằng bé này sống được là nhờ tôi một nửa, công của cô một nửa, theo đó tôi được một chiếc khăn với năm quả trứng gà. Nhưng cô đã làm đầu tôi bị thương, nể mặt mẹ cô, tôi không đến chính quyền để kiện cô. Nhưng tôi phải có được chiếc khăn của cô để băng đầu, phải có được năm quả trứng gà của cô để bồi dưỡng sức khỏe”. Lúc này cô tôi mới vỡ lẽ mọi chuyện, thì ra mấy “lão bà bà’ làm công việc đỡ đẻ chỉ vì mấy món đồ ấy, trong lòng sinh ra căn ghét vô cùng. Cô nghiến răng, nói: “Vô liêm sỉ! Cái gì là một nửa công của bà? Nếu để bà làm chuyện này, lúc này chỉ còn là hai cái xác chết trên giường! Bà là một con quỷ cái, bà cho rằng âm đạo của phụ nữ chẳng khác nào cái phao câu của gà sao, dùng sức mạnh để ép, trứng bèn văng ra sao? Bà đỡ đẻ như thế à? Không, đó là giết người! Bà còn muốn đi kiện tôi sao?”. Cô hất chân thật mạnh, gót chân cô trúng vào cằm bà Điền – “Bà còn đòi khăn, đòi trứng à!”. Lại một cú đá nữa, lần này thì vào mông. Sau cùng, một tay xách hòm thuốc, một tay túm tóc bà già lôi ra ngoài vườn. Trần Ngạch chạy theo giải hòa, cô tôi trợn mắt quát lớn: “Cút và nhà, vào mà chăm sóc vợ ông!”

Cô tôi nói, đó là lần đầu tiên trong đời cô đánh người, lại nói, cô vẫn không hiểu tại sao lúc ấy mình lại ra tay đánh người. Lại một cú đá thật mạnh vào mông nữa, bà Điền ngã lăn quay trên sân, bò dậy, ngồi trên đất, hai tay đập bành bạch xuống đất, gào lên: “Cứu mạng! Có kẻ giết người… Tôi bị đứa con gái cường đạo của Vạn Lục Phủ đánh chết rồi…”.

Lúc ấy trời đã sắp tối. Trong ráng chiều, tịch dương, gió nhẹ, rất nhiều người trong thôn đang bê những chiếc bát to tướng trên tay đứng ngoài đường ăn cơm, nghe thấy bên này huyên náo thì hộc tốc chạy sang. Bí thư Viên Liễm và đội trưởng Lữ Nha cũng đã có mặt. Điền Quế Hoa là thím họ xa của Lữ Nha, nhưng ông ta không lấy danh nghĩa ấy để hỏi cô tôi mà lại nói: “Vạn Tâm, cô là một cô gái trẻ mà đánh một bà già, không cảm thấy quá đáng sao?”

Cô đã nói với chúng tôi: “Lữ Nha là cái quái gì? Hắn là đồ súc sinh đã đánh vợ nằm bệt dưới đất mà còn dám lên mặt dạy dỗ ta sao?”

Lúc này cô nói: “Bà già nào? Chỉ là một con yêu quái hại người! Ông hãy hỏi bà ta, bà ta đã làm những gì?” Rồi cô dí ngón tay vào giữa trán Điền Quế Hoa – “Bao nhiêu người đã chết trong tay bà? Trong tay bà đây có súng, nếu cần bà đây sẽ cho bà một viên đạn!”. Lúc ấy cô tôi chỉ mới mười bảy nhưng mở miệng ra thì một “bà đây” hai “bà đây” khiến nhiều người phải bụm miệng cười.

Lữ Nha vẫn muốn tiếp tục nói lý thì bí thư Viên Liễm đã nói: “Bác sĩ Vạn không sai. Với những kẻ đem mạng sống con người ra làm trò đùa thế này thì phải trừng trị thích đáng! Điền Quế Hoa, đừng có mà ra bộ dạng chó chết như thế. Bà bị đánh là vẫn còn nhẹ đấy, nên tống bà vào nhà giam mới phải! Từ nay về sau, trong nhà ai có người đẻ hãy đi tìm bác sĩ Vạn! Điền Quế Hoa, bà còn dám tiếp tục đỡ đẻ nữa, tôi sẽ cho dân quân cắt hết mấy ngón chân ngón tay chó của bà!”.

Cô tôi nói, tuy Viên Liễm là người không có văn hóa nhưng cũng nhận ra trào lưu mới, có thể chủ trì việc chung, là một cán bộ tốt…

Trích dẫn

Đang cập nhật..

Thể loại

Những quyển sách hay nhất của Mạc Ngôn - Sách của Mạc Ngôn vừa tàn nhẫn vừa gợi cảm, là sự pha trộn giữa các yếu tố huyền ảo, hiện thực, lịch sử và xã hội. Bút danh Mạc Ngôn của tác giả mang một ý nghĩa thật lạ, dịch ra có nghĩa là “Đừng nói”. Ếch “ẾCH” do NXB Văn nghệ Thượng Hải… Đọc thêm

Nơi bán

 

Nhận hàng ngay chỉ trong vài giờ với gói TIKINOW tại TP.HCM, HN, Cần Thơ, Đà Nẵng, Nha Trang, Hải Phòng, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy

Tới nơi bán

 

FREESHIP cho đơn hàng từ 140k tại TP.HCM và Hà Nội, từ 250k tại các tỉnh thành khác, giảm ít nhất 15% cho nhiều đầu sách bán chạy.

Tới nơi bán

2 đánh giá cho Ếch

  1. Mai Hương

    Đây là lần đầu tiên tôi đọc tiểu thuyết của Mạc Ngôn, lại là một chủ đề đặc biệt như thế này. Cuốn sách mô tả chính sách kế hoạch hóa của Trung Quốc giai đoạn thập niên 60 sống động đến nỗi khiến tôi cảm thấy gai người.

    Phải đọc hết cuốn sách tôi mới thấm ý nghĩa của cái tên “Ếch”. Ếch xuất hiện thoạt đầu là tên tạp chí nội bộ của Hội liên hiệp văn học “Tiếng ếch kêu”. Ếch là cơn ác mộng của người cô. Tiếng ếch vang vọng như tiếng của hàng trăm, hàng nghìn đứa trẻ đang khóc. Ếch còn là tên vở kịch của nhân vật tôi. Và vở kịch đó đến khi hạ màn vẫn khiến người ta phải âm trầm suy tưởng.

  2. ĐỖ NGA

    Tôi đã cầm lên đặt xuống quyển sách này đến 3 – 4 lần rồi mới có thể đi đến trang cuối cùng. Phải đọc hơn 1/2 quyển tiểu thuyết tôi mới hiểu được tại sao Mạc Ngôn chọn cái tên “Ếch”.

    Mạc Ngôn đứng ở vai khách quan, nhìn nhận và kể chuyện, không đánh giá, không nhận xét, cũng không nhấn mạnh và diễn biến tâm lý nhân vật mà tất cả để cho người đọc tự cảm nhận. Chẳng cần nói nhiều, chỉ cần kể và tả là cũng đủ để nhận được những biến đổi tâm lý đó. Đằng sau cái lạnh lùng đến mức bị gọi là “máu lạnh” thì chắc chắn vẫn âm ỉ một nỗi đau xé lòng.

    Đọc “Êch” sẽ hiểu thêm cái “máu lạnh” của người Trung Quốc. Là đồng bào, làng xóm, họ hàng thân thuộc nhưng cũng không vị nể tình riêng. Vậy mới thấy họ kiên cường ra sao.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button