192 Hours – Giành Giật Sự Sống Từ Chuyến Bay Định Mệnh

(5 đánh giá của khách hàng)

Thương tích đầy mình, lại chỉ có nước mưa nhưng Annette vẫn có thể tồn tại suốt 8 ngày. Điều gì tạo nên sức mạnh diệu kỳ này? Vượt lên trên nỗi đau thể xác và tinh thần, Annette đã hòa nhập với mọi thứ xung quanh. Với vẻ đẹp. Với người chết. Với quá trình phân hủy, chết, rồi tái sinh. Và khi đã vượt qua nỗi đau của mình, với Annette lúc này không khác gì “đang nằm trên chiếc giường tình yêu”.

Danh mục:

Trước khi ra mắt bạn đọc Việt Nam, 192 Hours đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả Mỹ và những người quan tâm trong lần ra mắt hồi tháng 1-2014. Câu chuyện rất thật về sự sống sót kỳ diệu của Annette Herfkens sau tai nạn máy bay thảm khốc vào năm 1992 tại núi Ô Kha, thuộc xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa chính là chìa khóa làm nên sức hút của cuốn tự truyện này.

NGÀY ĐỊNH MỆNH VÀ 192 GIỜ TẠI NÚI Ô KHA

Cách đây 22 năm, Annette Herfkens là cô gái Hà Lan xinh đẹp và giỏi giang, chưa đầy 30 tuổi Annette đã gần như đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp và cuộc sống: một công việc uy tín trong một ngân hàng hàng đầu thế giới mang lại cho cô thu nhập rất cao; đam mê công việc giao dịch quốc tế và thưởng thức cuộc sống ở nhiều châu lục; có một tình yêu gần chục năm và cũng là mối tình đầu tiên. Annette khiến không ít người, trong đó có cả phái mạnh phải ghen tỵ lẫn ngưỡng mộ. Nhưng rồi tai nạn ập đến – bất ngờ như một định mệnh, mọi thứ bị đảo lộn tất cả, và Annette phải đấu tranh giành giật giữa sự sống và cái chết.

Đó là vào ngày 14 tháng 11 năm 1992, Annette Herfkens và chồng sắp cưới Willem van der Pas (tên thường gọi là Pasje) cùng 31 hành khách rời TP.Hồ Chí Minh để tới Nha Trang trên chuyến bay mang số hiệu 474 của Vietnam Airlines. Chuyến đi mang ý nghĩa quan trọng với Annette bởi rất lâu rồi cô và Pasje chưa gặp nhau. Hơn nữa, chuyến đi này còn mang ý nghĩa giống như là kỳ trăng mật của hai người. Nhưng điều xui rủi bất thình lình xảy đến – chiếc máy bay đâm vào đỉnh núi và rơi xuống núi Ô Kha cách đích đến Nha Trang 19 dặm, và cách ngôi làng gần nhất 10 dặm.

Khi lên máy bay, Annette được sắp xếp ngồi ở ngay lối đi hàng thứ 3, ngay trước cánh máy bay – được coi là một trong những nơi kém an toàn nhất trong khoang hành khách. Tuy nhiên, chính chỗ ngồi “kém an toàn” đó lại giúp cô thoát chết. Trong khi các hành khách và phi hành đoàn, có người vẫn còn sống khi máy bay rơi, nhưng sau đó đều không qua khỏi do chấn thương. Pasje cũng qua đời trong tai nạn ngày hôm đó. May mắn hơn các hành khách khác, Annette thoát chết nhưng lại mang thương tích đầy mình: “Đầu gối trái có một vết thương lớn và sâu. Đầu gối phải đầy máu. Da trên mắt cá chân thì hầu như bị xé toạc ra. Nhưng cảnh tượng hãi hùng nhất phải nằm ở ống chân: tôi nhìn thấy cả xương mình! Một tấc xương phơi lồ lộ ra qua nhiều thớ thịt”.

Trong cuốn tự truyện của mình, Annette đã mô tả lại một cách chân thực cách thức để tồn tại trong tám ngày cô độc giữa thung lũng Ô Kha – vốn được mệnh danh là “thung lũng tử thần” từ trước năm 1975 bởi nhiều máy bay đã từng rơi ở khu vực này. Trong tám ngày đó, Annette đã phải lấy những miếng xốp từ thân máy bay để tích nước làm nguồn “thức ăn” sống qua ngày cho đến khi đoàn cứu hộ xuất hiện và đưa cô tới bệnh viện cấp cứu.

Thương tích đầy mình, lại chỉ có nước mưa nhưng Annette vẫn có thể tồn tại suốt 8 ngày. Điều gì tạo nên sức mạnh diệu kỳ này? Vượt lên trên nỗi đau thể xác và tinh thần, Annette đã hòa nhập với mọi thứ xung quanh. Với vẻ đẹp. Với người chết. Với quá trình phân hủy, chết, rồi tái sinh. Và khi đã vượt qua nỗi đau của mình, với Annette lúc này không khác gì “đang nằm trên chiếc giường tình yêu”.

Annette cho biết: “Tại sao tôi không nghĩ về lũ giòi lúc nhúc? Về mùi xác người? Bởi vì đối với tôi, chúng chỉ là thứ yếu sau vẻ đẹp, cõi yên bình và sự an toàn của khu rừng. Cả ngay lúc còn ở khu rừng lẫn sau này, tôi nhiều lần đều chọn cách không cố tình lơ đi hay đè nén những điều xấu; thay vào đó, tôi chủ động hướng bản thân mình biết nhìn vào những gì. Tôi chủ động chọn những gì cần nhấn vào và những gì cần tránh day đi day lại”.

Có thể nói, 192 Hours là cuốn tự truyện về sự dũng cảm và tình yêu. Độc giả sẽ tìm thấy ở đây những trải nghiệm cá nhân và cách mà Annette dùng trực giác, sự tập trung và hiểu biết để chỉ dẫn bản thân, vượt lên những cơn đau, sự mất mát để giành lại sự sống của mình. Cho dẫu chỉ đơn độc một mình giữa rừng không mông quạnh nhưng Annette không vì thế mà bi quan; trái lại, cô nhìn vào mặt tốt đẹp của cuộc sống chứ không phải những điều mất mát, để sống mạnh mẽ với trái tim rộng mở và tình yêu vô điều kiện. Chính vì lẽ đó, cuốn sách của Annette chắc chắn sẽ mang lại cảm hứng cho nhiều người trên thế giới về sự sống màu nhiệm và tinh thần sống bất diệt, đặc biệt là cho những người phụ nữ.

NHỮNG BÌNH LUẬN DÀNH CHO 192 HOURS

“Trong 192 Hours, Annette Herfkens đã đưa những hiểu biết sâu sắc về tinh thần và bài học vào thực tế. Bà mô tả sự chuyển biến bằng nỗ lực và tâm trí một cách ngắn gọn và hấp dẫn”.

(Deepak Chopra, tác giả của Tạo lập sự giàu có, 7 quy luật của thành công)

“192 Hours là một cuốn tự truyện tuyệt đẹp của lòng dũng cảm và tình yêu… Chuyện lồng trong chuyện. Annette Herfkens đã khéo léo diễn tả những trải nghiệm của mình khi là người sống sót duy nhất của một vụ tai nạn máy bay tại Việt Nam, chịu đựng sự mất mát của chồng chưa cưới, cho đến đỉnh cao của một sự nghiệp hấp dẫn trong kinh doanh quốc tế. Viết với sự trung thực và hài hước, trong nhiều thách thức cô phải đối mặt khi là một người vợ, người mẹ và là một người phụ nữ bản lĩnh trong lĩnh vực kinh doanh. Tinh thần bất khuất của cô truyền cảm hứng cho chúng ta”.

(Mary Sue Rosen, tác giả của Africa Written Down)

5 đánh giá cho 192 Hours – Giành Giật Sự Sống Từ Chuyến Bay Định Mệnh

  1. Tau Leos

    Mình nhận được cuốn sách này trong một đợt tặng sách kèm chữ kí tác giả của First News Trí Việt. Quả thực đó là món quà rất ý nghĩa với mình. Mình rất ấn tượng và khâm phục Annette Hefken. Một người bị tai nạn máy bay, may mắn còn sống và sống sót sau hơn 1 tuần đến khi có người cứu hộ đến. Cô đã trải qua rất khiều khó khăn vất vả để giành giật sự sống trong khi chờ người cứu hộ đến: Phải chịu đựng những vết thương đau điếng ở hông, ngực, chân và tay, phải nằm chung với những con đỉa, con côn trùng trong rừng bên cạnh những xác chết đang dần phân huỷ và mảnh vỡ máy bay,… Nhưng với tinh thần lạc quan và nghị lực phi thường, cô đã vượt qua trở ngại, khó khăn để duy trì sự sống trong điều kiện thiếu nước và không được ăn uống trong hơn một tuần liền,… Qua cuốn sách, mình học được rất nhiều điều về nghị lực sống và vượt qua khó khăn, về cách ứng xử khi có tai nạn xảy ra, và thêm yêu, thêm trân trọng cuộc sống này hơn.
    Cuốn sách có nhược điểm khá lớn là cuộc sống trước đây và những ngày đối mặt với tai nạn được sắp xếp đan xen với nhau khiến người đọc hơi khó theo dõi, mặc dù đã có đề mục ghi “ngày thứ nhất, ngày thứ 2,….” nhưng mình quen kiểu bố cục này cho lắm, nếu kể hết một loại những câu chuyện xảy ra trước khi tai nạn rồi kể quá trình vượt khó khăn ở trong rừng thì sẽ hay hơn. Nhưng nhìn chung, cuốn sách này rất hay, rất nên đọc.

  2. Nguyễn Ngọc Thanh Thảo

    Mình đã đọc quyển sách này ngay trong một đêm vì mình bị cuốn vào những tình huống nghẹt thở xảy ra với tác giả lúc cô bị thương nặng nằm tại bãi xác máy bay với những thi thể bắt đầu phân rã khác và cả thi thể người cô yêu thương nhất. Bên cạnh đó tinh thần lạc quan, cái cách cô giữ cho lý trí mình tỉnh táo và cái cách cô duy trì nguồn nước cho bản thân khi chờ đợi người đến cứu làm mình thật sự khâm phục nghị lực sống và thích nghi với nghịch cảnh của cô. Hơn thế nữa, thủ pháp đan xen chuyện đời, chuyện công việc thành công của cô với những ngày khủng khiếp bên xác máy bay làm mình thêm thấm thía nỗi đau đớn cũng như thêm khâm phục ý chí và nghị lực của cô.

  3. Kim Hằng Vũ

    Tiêu đề chính là điều tôi cảm nhận về tác giả sau khi khép cuốn sách lại. Cuốn sách không chỉ là là về chuyến bay định mệnh năm 1992 mà dường như là hồi ký cuộc đời của cô – Annette Herfkens cho tới hiện tại. Một người bạn của cô nói rằng cô luôn giành được may mắn. Nhưng tôi không nghĩ vậy. Tai nạn máy bay không chỉ là khó khăn và nỗi đau duy nhất, nhưng cô đối với nó luôn có thái độ hóm hỉnh và mạnh mẽ để chấp nhận thử thách và vượt qua.

    Tôi thích cách mà các chương của quyển sách được sắp xếp. Đó là sự đan xen giữa “tiểu sử” của tác giả với những ngày cô nằm chờ người đến giải cứu. Thật thông minh vì thật ra mà nói, 8 ngày nằm chờ giải cứu của cô thật ra không có thông tin gì nhiều và không có nhiều chữ để viết (vì cô bị thương nặng, tất cả cô có thể làm là chờ đợi, tự động viên và nhấc mình một chút khi cần…). Sự đan xen này làm cho cuốn sách hấp dẫn hơn việc đọc một mạch “tiểu sử” từ đầu đến cuối.

    Điều thứ hai tôi thích ở quyển sách này đó là sự thẳng thắn của cô. Tôi là người VN. Tôi đọc cuốn sách và trong đó có vài sự châm biếm, sự “khó chịu” của cô đối với VN, lẽ dĩ nhiên tôi cũng không thích lắm và có phần không vừa lòng với tác giả. Tôi không thích điều cô nói về đất nước tôi, nhưng tôi thích sự thẳng thắn đó.

    Một điểm trừ là văn phong của cuốn sách hơi cứng, nó không thu hút tôi lắm. Có lẽ là do nhiều triết lý sống của tác giả. Mà bạn biết đấy, triết lý của Châu Âu và Việt Nam dẫu sao vẫn có sự khác biệt (về cách suy xét vấn đề), nên nhiều khi tôi ngẫm nghĩ mà không hiểu hết được suy nghĩ của tác giả. Và điều nữa là tôi thích nhìn hình màu hơn hình trắng đen 😀

    Một cuốn sách về tình huống thực tế đáng để chúng ta dành thời gian để đọc.

  4. Hà Thanh Huyền

    Mình đã đọc cuốn sách này liên tục trong 4h vì thực sự bị cuốn hút. Mình thấy khâm phục cô Annette quá. Cô là hình mẫu một người phụ nữ mà bất kì cô gái nào cũng ao ước nhưng hơn cả là cô ấy luôn biết vươn lên, vượt qua mỗi đau của bản thân, cố gắng hiểu và chấp nhận những khiếm khuyết của bản thân và người khác. Cách cô đối diện với nỗi đau của mình từ vụ tai nạn thảm khốc đến chuyện đứa con trai bị tự kỉ. Đó hẳn là một người phụ nữ thông minh, tài giỏi mà vẫn giàu tình yêu thương!
    Cuốn sách này đáng để đọc và suy ngẫm nhiều lắm!

  5. Lai Huyen Trang

    Cuốn hồi ký được xuất bản đúng thời điểm nóng, khi cả thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng bởi hàng loạt những thảm kịch máy bay xảy ra liên tiếp. Nó đánh trúng vào tâm lý tò mò của người đọc, khiến người ta phải lật giở từng trang rồi bị cuốn vào đó từ lúc nào không hay.

    Bắt đầu mở cuốn sách chỉ là tò mò, hiếu kỳ; đóng cuốn sách lại là sự khâm phục tuyệt đối. Trước giờ,nghe thông tin báo đài, người ta cũng sợ hãi sự kinh hoàng của những vụ tai nạn máy bay, thứ phương tiện vốn được biết đến là an toàn nhất, nhưng một khi xảy ra tai nạn thì cũng thảm khốc nhất. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là cảm giác của người bên ngoài nhìn vào. Với cuốn hồi ký này, Annet đã cho người đọc thấy một cách chân thực nhất cảm giác của những nạn nhân, những con người khốn khổ có mặt trên chuyến bay định mệnh ấy. Người đọc, theo từng dòng hồi tưởng của tác giả, càng lo lắng, sợ hãi và thương cảm bao nhiêu thì lại càng khâm phục bấy nhiêu người phụ nữ trẻ tuổi ấy. Trong hoàn cảnh đối mặt với cái chết: cái chết của chồng chưa cưới, cái chết của những hành khách khác trên chuyến bay, và thậm chí cả cái chết lơ lửng treo trên đầu của chính mình, với biết bao nhiêu đau đớn và sợ hãi, người phụ nữ ấy vẫn luôn có một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Trong những hoàn cảnh bi đát nhất, cô vẫn luôn tìm đến ánh sáng và hy vọng. Nếu ở vào hoàn cảnh của cô, người ta có thể thấy giống như đang rơi vào địa ngục, thì Annet vẫn thấy khu rừng nơi máy bay vỡ tan đó, mới tuyệt đẹp làm sao. Và kỳ diệu thay, nó trở thành nguồn động lực cho cô tiếp tục sống và chờ đợi đội cứu hộ đến. Bên cạnh lòng can đảm, có lẽ tinh thần sống tích cực, lạc quan là một nhân tố quan trọng giúp Annet vượt qua và sống sót được sau tám ngày một mình trong nơi rừng sâu núi thẳm…

    Bên cạnh giá trị là một cuốn hồi ký, “192 giờ giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh” thực sự là một cuốn sách hay đề cao giá trị của tinh thần sống lạc quan và không ngừng hy vọng của con người.

    Đây là một cuốn sách đáng đọc.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button