Hồi Ức Của Một Geisha – Đời Kỹ Nữ

(5 đánh giá của khách hàng)

Từ một cô bé tên Chiyo từ vùng quê ven biển Yoroido, cô lên vùng cố đô Kyoto và vào nhà kỹ nữ Nitta ở Gion. Cuộc đời của Chiyo trải qua quá nhiều thăng trầm từ khi cô được Mameha nhận làm em út, là geisha tập sự, bán mizuage cho bác sĩ Cua khi mới 15 tuổi. Thay tên đổi họ, từ Sakamoto Chiyo thành Nitta Sayuri. Duyên mệnh của cô và ông Chủ tịch Iwamura bắt đầu khi cả hai gặp nhau bên bờ suối. Để được nhận làm con nuôi nhà kỹ nữ Nitta, Sayuri đã hứng chịu bao nhiêu cay nghiệt của Hatsumono và cả Bí Ngô khi dắt ông chủ tịch đến nhà hát ở Amani nữa. Cuối cùng, khổ tận cam lai, Sayuri cũng làm tình nhân của ông Chủ tịch công ty đồ điện Iwamura Ken, và có những kí ức tuyệt đẹp cùng ông những năm tháng cuối đời ở biệt thư ngoại ô Kyoto cũng như ở New York, Hoa Kỳ.

Danh mục:

Nhiều người lầm tưởng geisha là gái làng chơi, bởi họ làm công việc mua vui, phục vụ các quý ông. Nhưng qua những dòng mô tả về một geisha, độc giả chợt nhận ra họ không phải là những kỹ nữ thông thường. “geisha” trong tiếng Nhật có chữ “gei” có nghĩa là “nghệ thuật”. Một cô gái trở thành geisha phải trải qua khóa huấn luyện khắc nghiệt từ khi còn là một đứa trẻ. Không chỉ có nhan sắc, một geisha được học từ đi đứng, nói năng, cách pha trà, từng động tác giao tiếp, thông minh, dí dỏm…

Nhân vật chính trong câu chuyện là cô bé Chiyo, mới 9 tuổi đã bị bán vào kỹ viện. Tuổi thơ cực khổ, tủi nhục của cô là một quá trình vươn lên đầy nghị lực để trở thành nàng geisha tài danh nổi tiếng. Một nàng geisha làm say đắm bao quý ông quyền lực, giàu sang song cũng là người cô đơn và đau khổ với tình yêu đơn phương ngoài tầm với, một tình yêu bị ngăn cấm bởi thân phận “geisha”.

Qua những trang sách, độc giả cảm nhận được những cảm xúc tuyệt vời của của một cô bé tội nghiệp sống trong một gia đình quá nghèo, khát khao cháy bỏng một tình thương. Vì thế, những khoảnh khắc đọng lại trong đời của cô là sự rung động đầu tiên trước tấm lòng bao dung của một người đàn ông đã nâng đỡ và chăm sóc cô từ cú vấp ngã đầu tiên.

Khi cô bé vào kỹ viện, sống những ngày khổ cực, có lúc cô đứng khóc bên đường và thêm một lần nữa, một quý ông đã dừng lại lau nước mắt cho cô. Hình ảnh của người đàn ông nhân hậu ấy đã thắp lên trong cô bé ngọn lửa và sức mạnh của tình yêu, là động lực để Chiyo quyết tâm trở thành một geisha nổi tiếng để có thể tiếp cận người đàn ông duy nhất của đời mình…

Khán giả được gì qua bộ phim? Nếu trong sách, hình ảnh lễ hội mùa xuân với hoa anh đào chỉ được mô tả qua những dòng chữ và độc giả phải tưởng tượng thì trong phim khán giả được chứng kiến sắc màu rực rỡ của hoa và vẻ đẹp quyến rũ của một geisha.

Đạo diễn Rob Marshall từng làm mưa làm gió tại lễ trao giải Oscar với bộ phim “Chicago” nay tiếp tục tạo ấn tượng trong bộ phim này. Ông đã cùng các cộng sự bay sang Nhật “để câu chuyện về Sayuri thật ấn tượng trong lòng người xem, chúng tôi nhất trí phải trải nghiệm trên đất nước của những geisha”.

Những bảo tàng, xưởng may kimono, cuộc đấu võ sumo, xe kéo tay, lễ hội mùa xuân và việc trang điểm của một geisha đều được quan sát tỉ mỉ. Tìm diễn viên vào vai Sayuri cũng kỳ công. Đó phải là người thể hiện được tính cách xuyên suốt từ một cô bé đáng thương hồi nhỏ với một nàng geisha quyến rũ lúc trưởng thành.

Đó cũng phải là một nữ diễn viên múa xuất sắc, bởi Sayuri là một geisha làm mê hoặc các quý ông bằng vũ điệu của mình. Không có gì lạ khi vai diễn này được giao cho Chương Tử Di. Cô cùng Dương Tử Quỳnh và Củng Lợi đã làm nên một bộ ba geisha nổi đình nổi đám trong xã hội Nhật thời bấy giờ. Và, không thể không nhắc đến vai diễn của cô bé Chiyo, một vai diễn xuất sắc, một cô bé với đôi mắt hớp hồn ngay từ khi còn nhỏ…

5 đánh giá cho Hồi Ức Của Một Geisha – Đời Kỹ Nữ

  1. Lâm Bích

    Quyển sách này mang nhiều dòng tượng tượng.
    Không hiểu do kiến thức của mình nông cạn hay do quyển sách nhưng nói thật là mình không thể nào nắm bắt được quyển sách. Nó cứ như dòng nước, tuy gắn liền với nhau nhưng không thể nào nắm lấy được.
    Mình thấy đọc sách có lẽ sẽ cảm sâu hơn là coi phim. Dù coi phim sẽ đỡ cảm thấy ám ảnh hơn (mà dù gì mình nghĩ nên đọc sách và sau đó xem phim).
    Quyển sách này hội tụ đủ đầy những yêu tố cần có. Văn hóa có, tình cảm có, cuộc sống đời thường có và có cả những sự thật nữa. Qủa thật là dù khó nắm bắt nhưng mình lại rất thích quyển sách này, nói cách khác, mình bị nó ám ảnh. Như một cái gì đó ăn sâu vào não vậy.
    Một quyển sách tạo cho người đọc cảm giác sâu lắng và suy ngẫm.

  2. Nguyễn Nguyệt

    ” Hồi ức của một Geisha” – tôi từng đọc rất nhiều lần năm lớp 7 và năm 2012 vừa rồi, tôi có nghe lại trên đài FM, chương trình ” Đọc truyện đêm khuya”
    Câu chuyện của cô bé Chiyo đã cho ta một cái nhìn khá toàn vẹn về giới geisha mà hồi ấy tôi còn không biết geisha là gì. Từ cách xưng hô, lễ nghi, các loại trang điểm, kiểu tóc, cách rót trà sao cho khéo mà thu hút ánh nhìn của đàn ông, từ cách mặc kimono, thắt obi, cách múa,….tất cả giống như một nghệ thuật vậy. Chiyo từ một cô bé cá tính với đôi mắt xám tuyệt vời trở thành một nàng Sayuri trầm lặng, điềm tĩnh nhìn người mà cô ấy yêu thương nhất – người khiến cô quyết tâm trở thành một geisha thực thụ – rời bỏ cuộc đời.
    Cách kể chuyện của tác giả không hiểu sao khiến tôi có cảm giác trầm, gần gũi mà lắng đọng: “Khi còn là một cô bé, tôi đã tin rằng đời tôi sẽ chẳng bao giờ phải vật lộn nếu ông Tanaka không rứt tôi khỏi ngôi nhà say. Nhưng giờ đây, tôi biết rằng, thế gian chẳng vĩnh cửu hơn một ngọn triều dâng trong đại dương. Những cuộc đấu tranh và chiến thắng của chúng ta có là gì đi nữa, chúng ta có thể mất mát đến đâu đi nữa, chẳng mấy chốc tất cả đều rỏ máu rồi tan hòa trong làn sóng, hệt như mực loãng trên nền giấy.”

  3. Nguyễn Thị Vy

    “Hồi ức của một Geisha” là một trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử để lại cho mình nhiều ấn tượng sâu đậm. Mình nghĩ điều nổi bật nhất trong tác phẩm này là sự chân thực trong lời kể của cô geisha Chiyo, chính sự chân thực này đem lại sự thú vị và tính lôi cuốn cho toàn bộ cuốn sách. Qua lời kể của Chiyo, mình mới thấu hiểu được cuộc đời của những người geisha trong xã hội cũ. Họ không chỉ là những “gái điếm” bán thân để có được sự trọng dụng của đàn ông, mà còn là những con người với số phận bi thương. Như Chiyo, cô không được quyết định số phận của bản thân, bị bán đi mà chẳng cần đến một cuộc thương lượng nào, phải sống trong nhà kỹ nữ với những quy định khắt khe, ngặt nghèo. Mình nhớ mãi một câu nói trong cuốn sách rằng, “chúng ta không làm geisha vì muốn được sống sung sướng, chúng ta làm geisha vì chẳng có con đường nào khác để đi”, câu nói ấy đã cho người đọc thấy những góc khuất tối tăm trong cuộc đời một người kỹ nữ.
    Cuốn sách với nội dung hấp dẫn, lôi cuốn này chắc chắn sẽ làm nhiều bạn say mê và hài lòng.

  4. Miki Chan

    Như thưởng thức món tráng miệng hấp dẫn ở một nhà hàng sành điệu, Hồi ức một geisha đẹp đẽ, tan ngay trên đầu lưỡi, nhưng cũng dễ bị lãng quên không mấy lâu sau khi xong.Bằng thứ ngôn ngữ đáng yêu, Golden đã hoạ nên một bức tranh khá ấn tượng về không gian và thời gian. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu về khía cạnh tâm lý trong văn hoá Nhật, hoặc để bắt gặp những nhân vật đậm sắc thái Nhật, thì mình khuyên bạn nên chọn câu chuyện khác. Truyện này chỉ lướt hời hợt qua phần trên cùng của những mặt phức tạp ở một nước Nhật đang suy tàn, nó tập trung xoáy vào trọng tâm là một đời sống xã hội thượng lưu – cái phần có thể sẽ cuốn hút người đọc hơn. Nhìn chung đây là một cuốn sách đẹp và dễ đọc.

  5. Lê Lan Hương

    Sayuri-một geisha nổi tiếng kể lại cuộc sống của mình còn nhỏ, khi tên thật của cô vẫn là Chiyo, ở cùng người cha già, người mẹ trong tình trạng hấp hối và người chị gái duy nhất trong “căn nhà say”. Một cuộc sống kham khổ không mấy vui vẻ của gia đình, cho đến khi một người đàn ông đưa cô đến kĩ viện, cô gái bé nhỏ Chiyo đã cùng chị gái có ý định bỏ trốn nhưng không thành. Và sau vài chuyện xảy ra bất công trong cuộc sống, cô gái yếu đuối bắt đầu sống có ý chí, trở thành một geisha nổi tiếng vì Chủ tịch.
    Trong suốt tác phẩm “Hồi ức của một geisha”, tác giả đã khéo léo miêu tả công cuộc trở thành Geisha để được ở bên Chủ tịch của Chiyo, từ cách đi đứng, ăn nói, đặc biệt là cách trang điểm và ăn mặc. Những chiếc Kimono trong tác phẩm hiện lên rõ nét và đặc biệt, tinh tế.
    Theo như một số bài báo mình đã đọc, geisha cũng là một nền văn hóa đặc sắc của Nhật Bản như Kimono, hoa anh đào hay Samurai…, nhưng đến 99% người Nhật không được tiếp xúc với Geisha, họ như một thế giới tách biệt mà người có tiền mới được tiếp xúc. Qua tác phẩm, Geisha hiện lên khiến người đọc hiểu rõ Geisha là ai, là người như thế nào, cuộc sống của họ ra sao???
    Thực sự, tôi nghĩ mọi người nên chọn cuốn sách này để đọc.

Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button